ĐẬM ĐÀ HƯƠNG QUÊ
*
-Sao con không lấy nón lá của chị con đội cho mát. Trời nắng nóng quá mà con, chai nước mưa mẹ châm đầy liệu có đủ uống không con? Uống xong nhớ để ly chai vào bao ny lon cho sạch nha con…
Mẹ vẫn luôn ngọt ngào, vẫn đôi mắt trìu mến nhìn tôi, với mẹ tôi vẫn là thằng con trai út bé bỏng của thuở nào...
-Được rồi mẹ, đi lao động bây giờ bụng no là quá sướng rồi…Tám năm trong tù con đã quen rồi mẹ., vào nghỉ đi mẹ!
Tôi được giặc thả về đã gần tròn năm, những người tù được thả ra từ các trại tù miền Bắc thường về địa phương không bị quản chế, riệng đất Gò Công nầy, có lẽ tại vì trước năm 1975, là tỉnh đứng đầu trong việc bình định an ninh trên toàn quốc, nên khi giặc về, mọi oán thù đều đè nặng trên đầu trên cổ người của chế độ Sài Gòn.Nên tù Nam tù Bắc gì cũng quản chế hết... Ít nhất cũng phải hơn năm.
Trong thời gian quản chế, thỉnh thoảng trong tuần, trong tháng tôi vẫn thường bị công an khu vực gọi đi lao động, khi thì cạo cờ, những lá cờ vàng được sơn bằng sơn Mỹ trên những bức tường, trên những thân cây to, trên nóc công sở, theo năm tháng vẫn còn rõ nét vì sơn Mỹ quá tốt. khi thì đi đập phá miếu thờ Ông Quan Công, vì trong miếu có bàn thờ Ông Lãnh binh Tấn, những ngày gần tết đi quét dọn lau chùi các công sở, đi làm thủy lợi… Bất cứ công việc gì cần là có mặt đám tù cải tạo quản chế, lần nầy đi đấp sông, con kênh nằm cuối đường từ xóm Cầu Tàu ra, được quy hoạch phóng đường nên thị xã quy tụ một lực lượng hùng hậu, ngoài tù cải tạo quản chế, mỗi nhà góp một công trong việc đấp đường nầy, con kinh dù hẹp nhưng đang thông giòng nước, lượng công nhân dù đông, chia ra làm nhiều dây, móc đất sình từ phía gần bờ chuyền tay nhau rồng rắn mấy chục người một dây, cục đất ra tới tay người cuối chỉ còn bằng cái bánh bao…nên kết quả …
Đã hơn mười ngày, với lực lượng đông như vậy, con đường ngăn nước đã gần hình thành, chỉ còn khoảng 2 thước nữa là con đường liền mặt, và chiều nay là buổi chiều quyết định.
Nhìn con đường ngăn nước được đấp bằng sình, với hàng cọc bằng cây đước đóng lưa thưa, cột được dựng bằng tay, trông rất lỏng lẻo, mấy anh em cải tạo chúng tôi chỉ biết lắc đầu trước việc làm của các đỉnh cao trí tuệ thị xã.
Tôi đạp xe trở lại hiện trường sau 2 tiếng nghỉ xả hơi về nhà ăn cơm. Gửi xe đạp ở nhà chị Loan, người đẹp Cầu Tàu năm xưa, tôi lửng thửng bước đi về hướng bờ sông, gặp Anh Hậu, nguyên chi khu trưởng quận Hòa Bình, Anh Có, thiếu tá phòng 1 sư đoàn 7, chị Rết, trung úy quân đoàn 2 …đã có mặt dước gốc cây bần bên bờ sông, đây là những người cũ quen biết chung phường 2 với tôi, vẫn thường đi lao động chung với nhau…
Những ai có tiền hay có quen biết, thường thường không phải đi lao động loại bất thường nầy, mình nghèo quá đành phải dang nắng vọc sình thôi.
-Ê, chiều nay, buổi chiều cuối của công trình nầy, để coi, con bờ sình nầy sẽ bể nát… Còn khoảng 2 thước, áp suất nước càng mạnh mà đấp bằng sình thì….
Anh Hậu cười lớn mà không nói tiếp
-Ê chút xong về ghé nhà thằng Hiệp ăn bánh vá, nó mời tụi mình hôm qua.Anh Hậu vừa nói vừa nhìn mọi người, Anh Hiệp nguyên là sĩ quan thanh tra của tiểu khu Gò Công.
Trời nắng chang chang, bờ sình hắt hơi nóng lên thật khó chịu, dây chuyền sình của phường 2 phía bên nầy bờ sông, có tất cả hơn mười dây, mỗi dây khoảng trên 30 người, chuyền từng nắm sình hướng về 2 thước còn lại, tôi đứng cuối dây nên nhìn thật rõ, nước bắt đầu xoáy mạnh khi khoảng trống càng hẹp lại. Tiếng cổ động của ban chỉ đạo thị xã oang oang bên tai, qua mấy cái loa phóng thanh treo trên mấy cây bần, tiếng cười đùa của những người lao động tạo nên một không khí ồn ào, bởi làm chuyện không có tiền công, nên mọi người đều làm cho có, làm chiếu lệ, tạo dịp cười giỡn nhiều hơn là chuyền sình, tôi với anh Hậu, anh Có, chị Rết đứng cuối dây luôn râm rang chuyện trò, nhắc chuyện bạn bè năm xưa…
Ầm, một âm thanh khá lớn, hàng cây cọc và dãy đất sình trôi bung theo dòng nước… Tiếng cười, tiếng la, tiếng bước chân lội bì bõm trên sình, hai hình ảnh trái ngược, mặt ban chỉ huy giống như cái bánh bao chiều, mặt mày anh chị em lao động vui ra thấy rõ…
Tôi với Anh Hậu, Anh Có quẹo xe đạp vào hướng nhà đèn, nhà anh Hiệp cất nửa trên đất, nửa trên sông nên rất mát mẻ, bước vào nhà tôi thấy có Anh Hên, nguyên tiểu đội trưởng quân cảnh tư pháp tiểu khu Gò Công, sau màn chào hỏi, chúng tôi quay quần cùng ngồi trên chiếc bàn tròn, kê sát vách đóng bằng lưới B40, bên ngoài sông nước đang lớn, dòng nước lặng lờ với chút sóng nhẹ, lơ thơ vài cây thủy liễu( bần), lá cành đong đưa theo gió,,,mát mẻ làm sao.!
Ba anh Hiệp từng là đại tá thị trưởng một thị xã miền trung,Đại Tá Mãi nhờ đau cột sống được giặc tha về sớm từ trại Nam Hà, cũng đang ở chung với anh, Bác chỉ nằm trên giường, có khách tới thăm bác vui lắm, tôi vẫn thường trò chuyện với Bác… Thường Bác nhắc chuyện ngày xưa với nhiều tiếc nuối. Bác rất thích tôi vì dù chênh tuổi tác nhưng cùng chung trại tù Nam Hà, có nhiều chuyện nhắc nhớ thời trong lao nhục. Những kỷ niệm rất khó quên trong đời.
Anh Hiệp có người vợ đảm đang,Chị ba Phích, chị mua chui bán nhủi rất khá, nên cưu mang luôn cả gia đình, Anh Hiệp có số sống nhờ cung thê, nên thường ngày chẳng phải làm gì hết, cách vài ngày lại tổ chức tiệc tùng mời bạn bè ăn nhậu. Đi lao động anh đóng tiền, người cũ người mới gì anh đều chơi, anh thường nói
-Mình như cá trên thớt, sống trong tay sinh sát của tụi nó, không cho đám công an khu vực ăn nhậu, tụi nó làm khó dễ mất công phiền phức,.!
Gió từ sông thổi lòn qua song lưới, dòng kênh nước chảy lững lờ, thỉnh thoảng có chiếc thuyền tam bản chở củi, chiếc ghe câu của chú Tám bờ Kinh lênh đênh giữa dòng…
Bụng đói, gió mát thổi lòn song, nhìn tô bún trắng nõn, dĩa bánh vá vàng ươm, dĩa rau sống xanh tươi, màu vàng đậm của khế chua, màu trắng xanh của dưa leo bầm, tô nước mắm ớt với những múi chanh, ớt đỏ tỏi trắng lượn lờ, tôi chép miệng nuốt nước miếng, thời mạt vận quen ăn rau cỏ, thấy thịt cá ai không khỏi thèm…
-Mời anh em cầm đũa, hôm nay năm anh em mình ăn bánh vá quê hương..Tôi dô trước một ly, rồi bắt đầu xoay vòng nha...
Anh Hiệp nói xong uống cạn một ly rượu thuốc ngon lành.
-Bánh vá nầy bà xã đặt chiên, nên nhân bánh đặc biệt có cua lột, có óc heo…
Tôi gấp đũa bún, mấy cọng rau, giá, dưa khế, gắp 1 cái bánh vá, dùng tay xé ra làm nhiều miếng, chan mấy muổng nước mắm ớt…từ ngày ở tù về hơn năm, hôm nay lần đầu mới được ăn lại bánh vá quê hương, bột dòn xốp, tôm thịt gan heo ngọt ngào, óc heo béo ngậy, nhất là thịt cua lột, nó ngon béo làm sao! cay của ớt, chua của khế, thơm của rau…tôi làm tiếp chén thứ hai…chỗ thân tình đâu cần chi giữ kẻ.Ly rượu thuốc xây vòng từ từ tới, vừa ăn xong chén bún, dô một ly rượu thuốc nó ngon làm sao…
-Ê cái thằng Hai A đảng ủy gì đó, hai cái bàn chân nó nhỏ xíu mà sao hồi đó mình đi hành quân không bắt được nó, chân cẳng gì giống như bàn chân con nít, mà sao nó chạy giỏi quá?!
-Nhờ chạy giỏi bây giờ nó mới ngang tàng, phách lối..mẹ!
Tiếng anh Hậu gợi chuyện và Anh Cò Hên trả lời
Hai A người của đảng ủy thị xã Gò Công, chỉ huy công trình đấp kênh hôm nay, tên nầy có nhiều mặc cảm với người của chế độ cũ, luôn hạch sách và làm khó dễ khi có điều kiện, sau mấy năm làm việc bây giờ thân hình mập phì, áo quần bảnh bao, tuy có đôi bàn chân dị tật bẩm sinh, đôi săn đal nhỏ nhắn như của em bé lên năm, thế mà vẫn chịu được thân hình trên 60 kílô của Hai A
-Thôi bỏ qua chuyện đó đi, ở đây tai vách mạch dừng, mình nói chuyện khác cho vui đi. Tiếng của Anh Hiệp chủ nhà.
-Lần lao động nầy sao không thấy Anh Sự? Anh Có thắc mắc
Anh Sự cùng khóa 16 Võ Bị với Anh Hậu,Anh Sự nguyên là chi khu trưởng quận Hòa Tân, mẹ anh là chủ chảo bánh vá nổi tiếng Gò Công, là truyền nhân của lò bánh vá chợ Giồng ( quận Hòa Đồng), loại bánh chiên nổi tiếng có mặt đầu tiên tại tỉnh Gò Công, nghề nào cũng vậy, phải có một chút bí quyết mới có được cái ngon đặc biệt của nó, người ngoài có bắt chước cũng không thể so bì được, bánh vá của gia đình Anh Sự ngon là nhờ có bí quyết. riêng.
-Thằng Sự nó ít đi đâu lắm, có lẽ nó đóng tiền nên mới nằm nhà an toàn, chứ dễ gì công an khu vực tha cho nó. À nầy, mấy anh là dân Gò Công chánh gốc, tui chỉ là rể Gò Công nên không biết rành về nguồn gốc cái bánh vá nầy. Anh Hậu tiếp
- Mỏng rành chuyện Gò Công, nói nghe chơi cho vui .Sở dĩ anh Hậu nói như vậy là vì…
Tôi sinh quán, học hành và lớn lên tại Gò Công, tôi có thể biết được nhiều chuyện về Gò Công qua những câu chuyện giữa Ông Nội và Ba tôi, nhưng cũng có rất nhiều cái thuộc thế hệ trước mình không thể nào biết được, nếu không có người trong cuộc kể cho biết. Người Gò Công, người tỉnh khác đến chơi, ai ăn qua bánh vá bún cũng đều khen ngon, nhưng chẳng có mấy ai muốn tìm hiểu cái bánh vá nầy đến từ đâu, ai là người mang nó du nhập vào Gò Công, thường người ta chỉ nhìn cách chiên bánh, vật liệu chiên bánh, để có dịp thực hành, làm phong phú thêm thực đơn gia đình.Cũng có nhiều tác giả đã viết nhiều bài về đề tài bánh vá, nhưng nội dung thường chỉ tả cách làm bánh và cách ăn, cũng như vật liệu làm bánh mà chưa có tác giả nào đề cập tới nguồn gốc cái bánh vá Gò Công.
Tôi có nhiều duyên may, sống trong một gia đình giáo chức, có lối giáo dục người nhỏ bắt chước người lớn…lễ nghĩa ở đời tôi nhìn cách hành sử của Ông Nội của Ba tôi mà bắt chước làm theo. Nhìn anh chị học hành tôi bắt chước học theo, gia đình tôi không khe khắc trong việc theo dõi sự học hành của anh em tôi. Ba tôi và Ông nội thuở sinh tiền vẫn thường đàm đạo, nhắc lại chuyện xưa tích cũ, khen tặng gương trung hiếu, khích bác lũ nịnh gian…tôi lẩn quẩn trong nhà nên được nghe và nhờ có chút trí nhớ tốt nên tôi ảnh hưởng rất nhiều… Chuyện bánh vá tôi nhớ tới Anh Sự, người tự nhận mình lớn lên, nên người, bên chảo mỡ bánh vá, anh là người Gò Công, ra đời làm quận trưởng tại Gò Công, một điều anh vẫn thường hãnh diện.
Thuở trung học, tôi học chung với Tuyết Nga, em gái của anh.Ở Gò Công thường mỗi người ngoài tên cha mẹ đặt còn kèm theo một ngoại hiệu do bạn bè, chòm xóm gán ghép cho .Chẵng qua là vì tên thứ, tên trùng nhiều người nên phải kèm ngoại hiệu cho dễ phân biệt. Ngoại hiệu có thể từ hình dáng bên ngoài như Sang quắn,Nhựt què…, từ ngành nghề, như Chị Loan mắm lóc, vì chị có người mẹ bán mắm ngoài chợ, anh Minh bánh bàn, chị Kiều bánh ích…Vì gia đình như Chị Nguyệt Cò mi Linh vì chị là con Ông Cò Mi Linh,Dung Ba Nữa vì Dung là con gái thầy Ba Nữa, tên thứ thì Năm lửa, Hai néo, Sáu lèo…,…dĩ nhiên Tuyết Nga không qua ngoại lệ đó, cô nầy bị bạn bè gọi là Nga bánh vá, nghe goi là cô phản ứng ngay, cô chửi thôi…tắt bếp. Chính vì hay chửi, ghét ai gọi ngoại hiệu nên Nga cứ bị gọi hoài. Ngày tôi còn đi học,tên tôi có lót chữ kỳ, bạn bè trong lớp ít có trò nào gọi đúng tên tôi, ê Kỳ Đà cho tao mượn cây thước, ê kỳ nhông cho tao mượn cục gom…tôi vẫn tự nhiên như là tên thật của tôi, không bao giờ tỏ vẻ khó chịu, nên dần dần tôi trở lại với chính tên tôi trong khai sinh.
Với 2 chén bún bánh vá, qua 5 vòng xây tua…Rượu đế Bình Ân ngâm chuối hột chín phơi khô, rượu có nồng độ cao uống mau bốc, tiếng cười nói trong bàn râm rang,bé Phi con gái anh Hiệp lại mang thêm một dĩa khô hắc cấy nướng vàng đập mềm với một dĩa nước mắm me dầm ớt trông thật hấp dẫn…
-Ê mỏng! biết gì về bánh vá nói nghe chơi Mỏng, chú có ăn nhiều cũng không mập được đâu. Anh Cò Hên cười cười nhìn tôi
-Dạ thì cũng biết chút chút… Tôi có được duyên may nghe Anh Sự kể về chuyện bánh vá của gia đình anh.
-Ê, làm một ly cho ấm lòng đi rồi kể. Anh Có rót đầy một ly trao cho tôi.Đánh khà một tiếng tay xe điếu thuốc rê, mồi lửa,nhả một hơi khói dài tôi bắt đầu lấy giọng.
-Người Gò Công vẫn thường hãnh diện với món bánh vá, người ta chỉ biết đến chợ Gò Công, cánh chợ hướng đông vào gần cuối chợ,chảo chiên bánh vá đặt ngay trên mặt gạch nền chợ,Một cái bàn hình chữ nhựt chân thấp để vật liệu chiên bánh, khách hàng có thể mua bánh dễ dàng, muốn ngon hơn thì mua sẵn vật liệu như gan heo, thịt nạc, nấm rơm, có khi cua lột, tôm càng, óc heo…đến chỉ nhờ chiên thì bánh vá sẽ ngon hơn nhiều, thành ra cái bánh vá nào bột cũng như nhau, tùy giá tiền mà nhân bánh khác nhau, ngon dở là ở chỗ...tiền
Anh Sự khẳng định tên bánh là bánh vá chứ không phải là giá (Cây giá ươm từ đậu xanh), vì bánh được đổ bằng cái vá, cái vá nầy có lòng vá sâu hơn vá múc canh thường. Người ta giải thích vì bánh có nhân là giá nên gọi là bánh giá, Thế thì bánh xèo cũng có nhân là giá mà sao không gọi,. trong nhân bánh vá có nấm sao không gọi là bánh nấm, bánh tôm, bánh gan…??
-Bà Nguyễn Thị Luốc, người dân còn gọi là Bà Tư bánh vá là vợ của Ông Hương Nhạc Trần văn Tồi gốc người Ba Dừa Tỉnh Mỹ Tho, vì sinh kế chuyển về sống ở Chợ Gạo khoảng năm 1916 thời thế chiến thứ nhất đang ì xèo dữ dội, sinh sống bằng nghề chiên bánh vá, sau đó chuyển về chợ Giồng Ông Huê đâu khoảng thập niên ba mươi. Bà Tư bánh vá có 2 người con, một gái là Trần Thị Vinh, một trai là Nguyễn văn Tại, bà Tư chiên bán bánh vá tại chợ giồng Ông Huê, cô con gái theo phụ mẹ.Năm 17 tuồi, Trần Thị Vinh lên xe hoa với chồng là Nguyễn Duy Hải . Xe hoa không đưa cô dâu về nhà chồng quê ở Vĩnh Hựu mà giữ cô dâu tại nhà vì bắt rể
Nên tuy lập gia đình nhưng Bà Vinh vẫn theo phụ mẹ bán bánh vá…lần lượt Anh Thế rồi Anh Sự ra đời, những bước đi lẩm đẩm của hai anh nầy cũng lòng vòng quanh chảo mỡ bánh vá.Bánh vá Vĩnh Lợi tiếng đồn xa, thuở ấy có nhiều gánh hát nhỏ về xã, đêm quay cót quanh chợ bán vé diễn tuồng, mấy anh hề trong lúc diễu cương đều có nhắc tới chuyện bánh vá Vĩnh Lợi, ăn quá ngon quá đã. ..
Đây là khoảng thời gian nhiểu nhương của đất nước, Cộng Sản quốc tế lợi dụng lòng yêu nước của người Việt Nam lập ra mặt trận Việt Minh ( Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh)Với tầm vong gậy gộc , những người yêu nước, phải đi đầu, chết thay cho bọn lảnh đạo núp trong chốn an toàn.Năm 1945 Việt Minh đánh đồn lính (vị trí sau nầy là dinh quận) trong đồn có mặt Ông Cai Tổng Ngữ, coi như chức sắc khá cao của tỉnh, lực lượng Việt Minh quá yếu chỉ cốt đánh gây tiếng vang, chúng đốt phá một góc làng,rồi bỏ chạy, nhà bà Tư bánh vá cháy rụi, cả nhà phải nương náu mấy nhà quen .Người con trai bà Tư cưới con gái Ông Tam Hưng ( Chủ xe đò Mỹ Tho Chợ Giồng.)
Lúc bấy giờ Chú Hải đang đi lính gạc ở Gò Công, đó là khoảng năm 1947, cùng thời bấy giờ có Cai Nhung rồi Đội Nhung đang làm ở Đơ dèm bua rô, đội Nhung sau nầy là Đại Úy Nhung người đi trong chiếc thiết giáp định mệnh từ nhà thờ Cha Tam về Bộ Tổng Tham Mưu trong ngày 2-11 năm 1963, bà Vinh dẫn con theo chồng về Gò Công ở trong trại lính ( sau nầy trại lính được gọi là trại gia binh) trại lính gạc lúc bấy giờ nằm trên con đường trước mặt dinh tỉnh trưởng phía đối diện, đi từ bờ sông về hướng nhà thờ thì đụng miếu tiên sư trước, tới một miếng đất trống ( sau nầy xây trường Trung Học Gò Công ) trại lính đồi diện với tòa án, sau nầy trai lính trở thành trung tâm cải huấn, nơi nhốt tù binh Cộng Sản, và để kiếm tiền sinh sống, bà Vinh tiếp tục hành nghề của mẹ, chiên bánh vá bán tại chợ Gò Công. Như vậy bánh vá có mặt ở Gò Công vào khoảng năm Đinh Hợi 1947,tỉnh Gò Công bắt đầu có hai chảo mỡ bánh vá, một đầu tiên ở Chợ Giồng, và một ở chợ Gò Công. Bánh vá ngon nhờ nhiều yếu tố.Bột dậy, nhưn tươi, để có được đồng tiền lời, cả gia đình phải qua nhiều công đoạn khá vất vả, sau khi tan chợ về, sắp xếp vật liệu đâu ra đó…chiều xuống, cho gạo vô chậu ngâm nước tới 3 giờ sáng đem gạo xay thành bột, gạo ngâm khoảng 8 tiếng đồng hồ, gạo vừa nở, vừa chớm lên men, nên khi chiên, bột sẽ xốp và dòn.Đặc biệt bánh vá bà Vinh chỉ chiên bằng mỡ heo quay, mở nầy chú Hải mỗi sáng đi thu gom ở các lò heo quay, nếu thiếu mới dùng thêm mỡ heo tươi, ngoài bột gạo có pha thêm bột đậu nành, mà muốn biết tỷ lệ pha chế bao nhiêu thì mổi năm cứ đến ngày 30 tháng 2 tây mang 2 con cọp quay đến nhà Anh Sự cúng tổ sẽ được chỉ dẫn tận tình...( Đã bí quyết thì ai truyển cho mà học)
-Thằng Mỏng nầy dốc hết biết, tháng hai làm gì có 30 tây. Tiếng Cò Hên càm ràm…
-Ờ thì trong nghề nghiệp, ai cũng có bí quyết giữ riêng làm của gia bảo, tôi lựa ngày 30 là có ý cho biết bí quyết nầy khó được truyền lại
-Sau nầy cạnh bà Vinh có thêm bà Hai Chuối, bà là mẹ của Anh Tư nước đá, sau nầy Anh Tư lên Sài Gòn, trở thành tuyển thủ quốc gia trong môn đá banh với danh hiệu là mũi tên vàng ( Một thời hai anh Tư và Quới làm nổi tiếng dân Gò Công trong bộ môn đá banh). Bánh vá của bà Hai Chuối không ngon bằng của bà Vinh, vì bà Hai chiên bằng dầu, cũng như công thức copy không hoàn toàn giống như chánh bản...
Sau nầy trong Tăng Hòa( Chợ Cửa Khâu) Cũng có chảo dầu bánh vá, không biết của ai, nhiều người ăn cũng khen ngon.
Hai lít rượu mít ngâm chỉ còn lại một ly cuối cũng là vòng chót của tôi, Anh Hiệp chủ nhà con mắt gần như muốn nhắm, Anh Hậu mặt đỏ như Quan Công, Cò Hên thì ca ử ử bản Tỏ Tình Trong Đêm...
-Ba mua thêm rượu nữa không ba.Tiếng bé Phi ngọt ngào hỏi Anh Hiệp
Anh Hiệp đang lim dim bỗng giựt mình
-Con dẫn ba vô buống đi ngũ, ba hết chịu nổi rồi con ơi Tiếng Anh Hiệp nhừa nhựa kéo dài…
…..
Bây giờ trên đất tạm dung ngồi viết lại mấy dòng nầy, lòng tôi thương nhớ quá, Gò Công quê hương còn đó, anh chị tôi còn đó, mà cờ đỏ cũng còn đó, nên đành thương đành nhớ, buồn nhớ chuyện năm xưa, gọi phone nhắc nhở chuyện quê nhà với một vài người bạn đó là niềm vui cuối tuần của tôi .
Lúc tôi mới thả về, chị tôi có mua cho tôi một cái bánh vá của cô Lan, cô em gái của Tuyết Nga, kế thừa nghiệp mẹ, nhưng nơi chiên bánh không còn đặt ở vị trí cũ, chảo mỡ cũng teo nhỏ lại, chỉ bằng phân nửa chảo mỡ năm xưa, cái bánh cũng nhỏ đi nhiều, dĩ nhiên gan ruột chỉ là những miếng thịt mỏng như lưỡi lam, con tôm thì đang tuổi vị thành niên. Với một cái bánh vá , chị mua cho một ký bún, cái bánh vá nhỏ xíu, hòa trộn với một kí bún, lực lượng hai bên không cân xứng, kệ, tôi ra sau vườn hái ít lá quế, chén nước mắm ớt, lẽ ra phải có dưa leo bầm, cải xà lách với vài loại rau thơm cắt mỏng với ít giá sống, nhưng mà thôi, như vầy cũng quý rồi…Tôi ngồi ăn mà nhớ tới chảo mỡ năm xưa, nhớ đến Chị Lắm lúc đó chị học trước tôi 4 lớp, chị mặc áo trắng, da chị trắng, mặt chị đẹp, bên chảo mỡ bốc khói, trên vĩ, bánh vá vàng ươm, cô nữ sinh duyên dáng nầy đã có biết bao cây si đem trồng trước chảo mỡ…Nhưng mà có cây nào mà chịu nỗi với độ nóng trên 100 độ của mỡ đang sôi? Gò Công có những ngày trời mưa liên tiếp, lò chiên chụm bằng củi, củi ướt khói mịt mờ, nhìn hình ảnh chị Lắm mặt tươi như ngọc. hai con mắt đỏ ửng, nước mắt rưng rưng vì khói cay, ngồi trong làn khói mỏng, một hình ảnh đẹp dễ làm tôi liên tưởng đến truyện kiếm hiệp của Kim Dung, người đẹp Tiểu Long Nữ luyện kiếm tỏa nhiệt bốc lên thành khói trong đêm trăng mờ ảo, chắc cũng đẹp như vầy thôi.Tôi ăn hết tô bún rồi mà miệng vẫn còn thèm và có cảm giác như …chưa ăn, giá mà có được một ly cà phê tráng miệng…
Đã qua rồi cái thời sống trong tay giặc, đất tạm dung đầy đủ quá, nhưng kỷ niệm ai giúp giùm tôi mang theo. Con đường Gò Công, con đường Sài Gòn... tôi còn nhớ như in trong dạ. Về bánh vá Gò Công tôi còn nhớ 4 câu thơ
“ Buổi sáng chợ đông chão mỡ sôi
“Thơm lừng bánh vá khách quanh ngồi
“Mắm pha chanh ớt rau tươi rói
“ Ngon quá nhờ em miệng khéo cười
(Trích trong bài "Gò Công Thương Nhớ" thơ của TLT)
Bên Ca Li, hàng năm tới ngày giổ bà Vinh, Anh Sự cũng có mời thân tình đồng hương tới dự, món chánh vẫn là bánh vá bún rau thơm, Anh Sự cho biết dù chính người trong nhà chiên nhưng bánh vá vẫn không ngon bằng bánh năm xưa, vì bột gạo mua làm sẵn, bột xay từ gạo ngâm có chút lên men bột mới xốp dòn được. còn xay bột, cũng làm được nhưng cực quá vì xay bằng máy xay tiêu, máy xay trái cây.Ở đây làm sao tìm được con tôm đất ruộng còn nhảy soi sói, khi tôm chín thịt ngọt ngào khó tả, làm sao tìm được nấm rơm búp vừa mới rời gốc rạ, đừng nói chi đến con tôm càng xanh để trong rổ, chân tôm càng còn bún tanh tách, con cua lột lót cỏ non, nằm mềm mại, ngo ngoe nhẹ nhàng mấy cái que..…
Thôi thì nhìn thấy bánh vá như thấy Gò Công. Bên nầy Houston tôi làm gì được nhìn thấy cái BÁNH VÁ...chưa có tiệm ăn nhà hàng nào ở đây bán món ăn nầy.
Hai món tuyệt chiêu của Gò công đều không thấy bán ở Mỹ là mắm tôm chà và Bánh Vá
Viết tại Kỳ Đà Động. Quý Thu 2008
( Viết để tặng giai nhân tài tử từng ăn bánh vá Gò Công)
THỦY LAN VY