Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages<12
Pháp
viethoaiphuong
#21 Posted : Tuesday, January 21, 2020 6:18:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Viếng thăm Paris theo chân các danh nhân


"Paris của các vĩ nhân" với 1.000 địa điểm tham quan theo chuyên đề Giorgi Bakhia

Tuấn Thảo - RFI - 21/01/2020
Sau khi nhà xuất bản Hachette cho ra đời ứng dụng Emile, đưa du khách đi thăm Paris qua lăng kính của các tác phẩm văn học Pháp, nay đến phiên ra đời của một ứng dụng miễn phí khác "Le Paris des Grands Hommes" (Paris của các vĩ nhân) nhằm hướng dẫn du khách đi tìm vết tích của những văn hào nghệ sĩ từng sinh sống hay lập nghiệp tại thủ đô Pháp.


Ứng dụng hướng dẫn du lịch này do ông Giorgi Bakhia sáng lập. Ngoài đời ông là một chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc cho hãng xe Peugeot, những về sở thích cá nhân, ông lại đam mê lịch sử và văn học Pháp. Ông bắt đầu tổ chức các lộ trình tham quan cho gia đình và người thân mỗi lần họ ghé thăm Paris và họ thường ở lại vài ngày để đi xem các điểm du lịch quan trọng nhất.

Cũng từ một câu hỏi đơn giản là văn hào Honoré de Balzac đã gợi hứng từ đâu để tạo bối cảnh cho tiểu thuyết ‘‘Le Père Goriot’’ (Lão Goriot) phát hành vào năm 1835, một trong những tác phẩm quan trọng của bộ tiểu thuyết đồ sộ ‘‘La Comédie Humaine’’ (Tấn Trò Đời). Nhà văn Balzac từng lui tới một quán cà phê trên đường Neuve Sainte-Geneviève ở quận 5, bây giờ đổi tên thành đường Tournefort, văn hào Balzac đã chọn con đường này để phác họa bối cảnh nhà trọ Vauquer. Những năm cuối đời, nhà văn sống trong một biệt thự đường Raynouard, quận 16. Bộ tiểu thuyết ‘‘Tấn Trò Đời’’ được chỉnh sửa tại căn nhà này (Maison Balzac).

Chia sẻ niềm đam mê qua ứng dụng

Để trả lời cho những câu hỏi đơn giản đó, ông Giorgi Bakhia đã bắt tay hoàn chỉnh ứng dụng "Le Paris des Grands Hommes" (Paris của các vĩ nhân). Ông dựa vào quyển "Dictionnaire historique des rues de Paris" (Tự điển lịch sử các đường phố Paris), một tác phẩm có uy tín của sử gia Jacques Hillairet, khác hay chăng là ông Giorgi Bakhia phác họa thêm các lộ trình dành cho khách bộ hành, vừa dạo phố vừa khám phá các địa điểm gắn liền với nhiều danh nhân, một cách để ông chia sẻ niềm đam mê của mình.

Tính tổng cộng, ứng dụng ‘‘Paris của các vĩ nhân’’, với hơn 50 tuyến đường xếp theo nhân vật nổi tiếng hoặc là theo chuyên đề (Paris trong mắt các danh họa, Paris thời Cách mạng Pháp …..) và 1.000 địa điểm được liệt kê rồi ghi chú với khá nhiều chi tiết lý thú gắ liền với các danh nhân. Có những địa điểm trong ứng dụng này không hẳn là những góc phố nổi tiếng và cũng có khá nhiều tên đường xa lạ ngay cả đối với những người đã từng sống lâu năm ở Paris.

"Le Paris des Grands Hommes" là một chuyến du hành ngược dòng thời gian, lùi về quá khứ để khám phá lại nơi sinh ra và lớn lên hay là nơi lập nghiệp của các văn hào thế kỷ 19 (Charles Baudelaire, Gustave Flaubert, Victor Hugo, Gérard de Nerval …..), các nhạc sĩ trứ danh (Frédéric Chopin, Hector Berlioz, Charles Gounod …..) hay các các danh họa nổi tiếng (Manet, Delacroix, Pissarro …..). Trong phiên bản đầu tiên, đa số các nhân vật lịch sử xuất thân từ thế kỷ 19.

Phần còn lại là các nhân vật nổi tiếng thế kỷ 17 (Molière) hay thế kỷ 20 (Simone de Beauvoir, Jean Paul Sartre). Ứng dụng được cập nhật mỗi tháng một lần với những lộ trình mới. Ông Giorgi Bakhia cho biết ông đang cập nhật các tour tham quan mới gắn liền với các nhân vật tên tuổi của thế kỷ 17 (Ninon de Lenclos, Madame de Sévigné, Lafayette, …..), một cách để tạo thêm nét phong phú đa dạng về các địa điểm lịch sử Paris.

Vùng "tam giác vàng" của giới văn nghệ sĩ

Ứng dụng ‘‘Paris của các vĩ nhân’’ phác họa ra ba dãy phố quan trọng, có thể được xem như là vùng "tam giác vàng", nơi thường xuyên lui tới của giới văn nghệ sĩ : từ Montmartre đến Montparnasse thông qua phố Saint-Germain. Có những nơi vẫn tồn tại cho tới bây giờ (nền màu xanh), có những nơi đã biến mất theo quá trình đô thị hoá (nền màu xám), trong đó có như đường Vieille-Lanterne, nơi thi hào Gérard de Nerval treo cổ ‘‘tự tử’’ vào mùa đông năm 1855, sau những năm tháng cuối đời sống trong cảnh túng quẫn, nghèo khó.

Khi du khách đi dạo phố gần quảng trường Pigalle, nằm khuất đằng sau lối vào của một ngân hàng, là vết tích của một quán cà phê mà khi xưa hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine thường lui tới. Cách đó vài trăm thước, một cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch (bio) thời xưa là quán cà phê ‘‘La Nouvelle Athènes’’ nơi gặp mặt của các danh họa trường phái ấn tượng như Renoir, Pisarro hay Degas.

Khách tham quan bát phố ở quận 2, khi đi trên đường Étienne Marcel thế nào rồi cũng sẽ bắt gặp tòa nhà ‘‘Tour Jean sans Peur’’ vết tích của Hôtel de Bourgogne, vào thế kỷ 17 là một nhà hát, nơi lui tới của kịch tác gia Molière. Tòa nhà Maison du Général Foy (quận 9) đường Chaussée-d’Antin là nơi tạm trú đầu tiên của Alexandre Dumas, khi thời còn trẻ, ông chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp. Hai anh em nhà Goncourt chuyên gặp nhau ở quán cà phê Riche (số 16 Boulevard des Italiens), thi hào Rimbaud thường ở trọ tại khách sạn Cluny (số 8 đường Victor Cousin). Còn quán cà phê Cardinal ở góc đường Richelieu và đại lộ Boulevard des Italiens (quận 2) là nơi ‘‘đóng đô’’ của nhạc sĩ Hector Berlioz.

Nơi "đóng đô" của Berlioz vẫn tồn tại

Trong cuốn Hồi ký (chương 18), Berlioz có kể lại rằng ông lui tới quán cà phê này từ mùa đông năm 1827, thời ông còn nghèo và chưa nổi tiếng. Ông đến Paris để khám phá các vở kịch của Shakespeare, để gặp các bạn nghệ sĩ như Humbert Ferrand, Auguste Morel. Do còn nghèo cho nên Berlioz thường vào quán cà phê để trú lạnh mùa đông. Có một lần ông quá mệt mỏi nên ngủ gục trên bàn, úp đầu vào tay. Ông ngủ say nhưng không hề gây ra bất cứ tiếng động nào, khiến cho các bồi bàn hoảng hồn, không biết là ông thật tình ngủ say hay là chỉ vì ông đã tắt thở.

Ứng dụng "Le Paris des Grands Hommes" được thiết kế theo trình tự thời gian, mỗi lộ trình găn liền với một danh nhân, từ lúc chào đời cho tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Để tìm hiểu về tiểu sử của một nhân vật nổi tiếng, ta có thể đơn thuần tham khảo trang wikipedia, tuy nhiên ứng dụng này là một cách để khám phá tiểu sử và sự nghiệp của các danh nhân, với một lối tiếp cận khá thú vị dễ hiểu, chứ không nặng tính hàn lâm. Hy vọng là "Paris của các vĩ nhân" càng trở nên phong phú với những giai thoại ly kỳ hấp dẫn trong thời gian tới, để đáp ứng chờ đợi của những ai thích tìm hiểu sâu hơn về Paris, chứ không chỉ dừng lại ở những tấm bưu thiếp tuyệt vời.

viethoaiphuong
#22 Posted : Monday, January 27, 2020 7:49:10 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Bảo tàng Pháp : năm khả quan dù có đình công

Tuấn Thảo - RFI - 27/01/2020
Mặc dù phong trào đình công trong suốt tháng 12, đặc biệt là ở vùng Île-de-France, đã tác động mạnh đến số lượng khách đi xem triển lãm, nhưng theo các số liệu chính thức, nhìn chung 2019 vẫn là một năm khả quan đối với các bảo tàng Pháp. Chẳng những thế, một số bảo tàng lớn lập kỷ lục mới về lượt khách thăm viếng.

Trong năm 2019, Bảo tàng Louvre đã thu hút 9,6 triệu lượt khách tham quan, tức là đã giảm đôi chút so với 10,2 triệu lượt khách vào năm 2018. Điều này theo ban tổ chức là do đợt đình công của ngành giao thông công cộng đã ảnh hưởng tới lượng người tham quan, mặc dù cuộc triển lãm lớn về thiên tài Léonard de Vinci (Leonardo Da Vinci) vẫn chưa kết thúc. Nhiều du khách đã hủy vé cho dù đã lên kế hoạch các chuyến thăm viếng từ lâu. Ngược lại, Viện bảo tàng Orsay và lâu đài Chambord lại được khách chiếu cố nhiều nhất trong năm 2019, do đỉnh điểm của chương trình sinh hoạt diễn ra từ trước và kết thúc vào đầu tháng 12/2019.


Phòng triển lãm chuyên về trường phái ấn tượng tại Bảo tàng Orsay Musée d'Orsay / Sophie Boegly

Tại Paris, Viện bảo tàng Orsay đã lập kỷ lục với 3,6 triệu lượt khách tức đã tăng thêm 11% so với năm trước, Trung tâm về Kiến trúc và Di sản (Cité de l’Architecture et Patrimoine) thu hút gần nửa triệu khách, tăng thêm 43%. Trung tâm Khoa học và Công nghiệp (Cité de la Villette) tăng 8%. Các lâu đài như Chantilly (+7 %) và nhất là Fontainebleau vượt qua ngưỡng hơn nửa triệu (540.000 khách, +9%), trong khi cách đây 3 năm chỉ xấp xỉ ở mức 450.000, điều này phần lớn là do các tour nhắm vào du khách Trung Quốc và Nga.

Chambord, nơi kỷ niệm 500 năm ngày thành lập lâu đài, song song với ngày giỗ của thiên tài Léonard de Vinci (Leonardo Da Vinci) trong năm 2019 đã lôi cuốn 1,1 triệu du khách (tăng thêm 10%). Chambord hiện đứng hạng nhì trong số các lâu đài thu hút nhiều khách thăm viếng nhất, chỉ sau cung điện Versailles, nhưng vượt qua mặt tất cả các lâu đài quan trọng khác như Vaux le Vicomte, Chenonceau, Chantilly... Theo Trung tâm điều hành các di tích quốc gia (CMN), những kết quả khả quan này bù đắp lại phần nào cho những khoản thất thu liên quan tới việc lượng khách thăm viếng đã giảm 50% trong tháng 12 tại 14 viện bảo tàng lớn nhỏ trong phạm vi thành phố Paris.


Bảo tàng Grand Palais chuyên tổ chức hội chợ triển lãm theo chuyên đề 05/03/2019 Reuters/Regis Duvignau

Một số bảo tàng lớn như bảo tàng lịch sử Carnavalet hoặc bảo tàng thời trang Galliera đều đang đóng cửa trong giai đoạn trùng tu, Nhà thờ Đức Bà Paris cũng đóng cửa từ ngày 15/04 để sửa chữa say vụ hoả hoạn, còn Khải Hoàn Môn không tiếp đón du khách vì lý do an ninh liên quan tới các đợt biểu tình trên đại lộ Champs-Élysées.

Dù tình hình khó khăn, nhất là vào dịp cuối năm tại Paris và vùng phụ cận, nhưng theo trung tâm CMN, các viện bảo tàng Pháp trong vòng 11 tháng đầu năm đã thu hút đông đảo khách tham quan nhờ nỗ lực tổ chức các cuộc triển lãm có trọng lượng, tập hợp nhiều tác phẩm có giá trị. Các viện bảo tàng đã mở rộng chủ đề của các cuộc triển lãm. Các bảo tàng lớn như Louvre, Orsay, Grand Palais, Trung tâm Pompidou đã nâng tầm vóc của mình để cạnh tranh với các bảo tàng có uy tín nhất trên thế giới.

Trên lãnh vực này, mức cung lại tạo ra nhu cầu, các bảo tàng càng trưng bày nhiều tác phẩm có giá trị, lại càng dễ thu hút khách tham quan. Mặc dù trong tháng 12, lượng khách thăm viếng đã giảm hơn 25%, nhưng bảo tàng Grand Palais vẫn vượt qua ngưỡng hơn một triệu lượt người xem, nhờ lần lượt tổ chức các cuộc triển lãm dành cho các danh họa Miro, Greco hay là Toulouse-Lautrec.


Chambord thu hút nửa triệu khách tham quan nhân triển lãm kỷ niệm 500 năm ngày thành lập © Ludovic Dunod

Các viện bảo tàng cũng thu bút thêm khách thông qua các sự kiện lớn trong năm như "Đêm trắng" hoặc là "Ngày di sản châu Âu". Bảo tàng ở các tỉnh thành cũng đã khá thành công với các sinh hoạt mang tính kỷ niệm. Bảo tàng Courbet ở tỉnh Doubs lập kỷ lục khi nhân gấp đôi (70.000 khách thay vì 30.000) nhân 200 năm ngày sinh của danh họa Gustave Courbet. Lâu đài Chambord cũng đã thu hút 544.890 khách tham quan chỉ riêng cho cuộc triển lãm lớn nhân kỷ niệm 500 năm ngày khai sinh : "Chambord, 1519 - 2019".

Một kỷ lục khác là cuộc triển lãm về Tutankhamun (Toutânkhamon) tại trung tâm La Villette Paris với gần 1,5 triệu lượt khách. Văn minh cổ đại Ai Cập hơn bao giờ hết vẫn có nhiều sức quyến rũ, và không chỉ ở Paris, vì triển lãm này còn thành công khi được trưng bày tại các thành phố châu Âu khác. Một cách tương tự, danh họa Picasso vẫn có nhiều sức hấp dẫn, bảo tàng thành phố Grenoble thành công với triển lãm cho thấy nhiều tác phẩm ít được phổ biến hơn, ngoài các bức tranh lẫy lừng của "danh họa Guernica".

Trong khi đó, bảo tàng Orsay cũng đã thu hút hơn 670.000 khách đến xem tranh của hai "thời kỳ xanh và hồng" của Picasso. Tại Beaubourg (trung tâm Pompidou), triển lãm về tính triệt để của trường phái Lập thể đã lôi cuốn tổng cộng hơn 400.000 khách. Trường phái Lãng mạn tại bảo tàng Petit Palais hay tác phẩm của Toulouse-Lautrec tại Grand Palais cũng đã thu hút hơn 300.000 người hâm mộ.



Kim tự tháp bằng thủy tinh, nhìn từ bên trong bảo tàng Louvre © 2017 musée du Louvre – Olivier Ouadah

Tuy nhiên, cũng có một số triển lãm khác đã thất bại mà không có liên quan gì tới đợt đình công tháng 12. Đó là trường hợp của bảo tàng chuyên về khảo cổ Saint-Germain en-Laye. Triển lãm về vua "Henri II" chỉ được 37.000 người quan tâm. Cuộc triển lãm ‘‘Cách mạng đỏ’’ về Hồng quân và thời kỳ Xô viết cũng chỉ thu hút được khoảng 130.000 khách, tức là quá thấp so với kinh phí đầu tư. Triển lãm chuyên đề về du hành vũ trụ nhân dịp 50 năm "Con người lên Cung trăng" chỉ thu hút được 165.000 lượt người xem, ít hơn nhiều so với dự kiến, cho thấy là người Pháp vẫn đam mê các chủ đề lịch sử, nhưng với điều kiện là cách dàn dựng và truyền đạt nội dung không quá khô khan.

Bảo tàng Mucem tại Marseille với chủ đề quá chuyên môn chỉ quy tụ 46.590 khách nhân cuộc triển lãm vinh danh Georges Henri Rivière, người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật và Truyền thống Dân gian. Bảo tàng Cluny tại Paris chuyên về thời Trung cổ chỉ lôi cuốn 60.000 khách đến chiêm ngưỡng các bức thảm xưa, được dệt bằng tay vào thế kỷ 11. Một cách tương tự, bảo tàng Luxembourg thu hút chưa tới 100.000 khách cho triển lãm về trường phái cổ điển và lãng mạn trong hội họa Anh. Để so sánh, thời hoàng kim hội họa Hà Lan qua nhân vật biểu tượng Vermeer hay là các tác phẩm tiêu biểu của danh họa Delacroix đều đã thu hút khách từ gấp 7 đến gấp 10 lần, đạt tới ngưỡng gần một triệu khách chỉ trong 6 tháng.



viethoaiphuong
#23 Posted : Monday, February 10, 2020 2:31:50 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Colmar, điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Âu

Tuấn Thảo - RFI - 10/02/2020
Nếu như hai thành phố Rijeka (Croatia) và Galway (Ai Len) được bầu làm Thủ đô Văn hóa của Liên Hiệp Châu Âu trong năm 2020, thì điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Âu năm nay theo bình chọn của cư dân mạng lại là thành phố Colmar ở vùng Grand Est, miền Đông nước Pháp (gồm Alsace và các tỉnh lân cận).

So với Strasbourg, thủ phủ của vùng Alsace (khoảng 280.000 dân), Colmar chỉ thuộc vào hạng thành phố nhỏ (69.000 dân) nhưng dường như trong mắt du khách nước ngoài, Colmar lại có nhiều nét quyến rũ hơn. Ít ra, theo kết quả thăm dò của trang thông tin và hướng dẫn du lịch European Best Destinations, trên 640.441 cư dân mạng đến từ 179 quốc gia trên thế giới, có tới 180.000 người truy cập tức khoảng 28% đã bỏ phiếu cho thành phố Colmar. Kể từ khi cuộc bỏ phiếu được thành lập vào năm 2009, đây là lần đầu tiên một điểm đến du lịch lại nhận được nhiều phiếu bầu như vậy.

Trong vòng một thập niên qua, mạng thông tin du lịch European Best Destinations luôn tổ chức các cuộc bỏ phiếu thường niên để bầu ra 20 địa điểm đáng viếng thăm nhất châu Âu. Vào năm 2018, Colmar đã lọt vào Top 3, trong số các điểm du lịch hấp dẫn nhất, chỉ thua hai thành phố Wroclaw ở Ba Lan và Bilbao ở Tây Ban Nha.

Năm 2020, Colmar chẳng những xuất hiện trở lại trên danh sách, mà còn giành luôn cả vị trí đầu bảng, vượt qua mặt Athens ở Hy Lạp (hạng nhì) và Tbilisi ở Gruzia (hạng 3). Trong số các thủ đô hay thành phố lớn, chỉ có Vienna (hạng tư), Paris (hạng 9) và Roma (hạng 11) được đưa vào danh sách năm 2020, còn các thành phố còn lại như Berlin, Barcelona, Luân Đôn, Amsterdam, Lisboa, Venise, Prague, Budapest đều lọt ra ngoài Top 20.

Sự kiện Colmar gặt hái được nhiều phiếu bầu như vậy phần lớn cũng nhờ vào nỗ lực của Hội đồng Thành phố trong việc quảng bá các thế mạnh và hình ảnh của Colmar. Theo lời giám đốc Sở Du lịch thành phố, cô Caroline Saettel, Colmar đã nhận được nhiều phiếu bầu từ khắp nơi trên thế giới như Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Mêhicô, Canada, Hoa Kỳ... nhưng điều đáng ngạc nhiên nhất là có cả người truy cập mạng từ các quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đã bỏ phiếu cho Colmar. Hiện giờ, Colmar thu hút 3 triệu du khách mỗi năm, và có thể tăng thêm 15% như trường hợp của thành phố Bordeaux, đã từng đoạt giải nhất cuộc bỏ phiếu vào năm 2015.

Trong số 20 thành phố có mặt trên danh sách năm 2020, Colmar cũng như nhiều thành phố cỡ nhỏ và trung bình khác như Sibiu ở Rumani (hạng 6), Namur ở Bỉ (hạng 7), Bydgoszcz ở Ba Lan (hạng 10) Héviz ở Hungary (hạng 12) hay Rochefort ở Pháp (hạng 14) được lựa chọn trước hết là vì du khách thời nay thích khám phá các điểm tham quan ít nổi tiếng hơn.

Theo anh Maximilien Lejeune, thuộc ban tổ chức cuộc bỏ phiếu trên mạng, dân châu Âu giờ đây đi du lịch nhiều hơn và không còn giới hạn ở các thủ đô hay thành phố lớn, mà họ lại tìm kiếm những điểm đến khác lạ, độc đáo hơn. Trong những năm gần đây, bắt đầu xuất hiện xu hướng đi du lịch ‘‘ngoài phong trào’’ hầu tránh những mùa du lịch cao điểm, những nơi tham quan bị quá tải về lượng du khách, như trường hợp của Croatia, trong khi một số điểm đáng viếng thăm tại các quốc gia lân cận ở Serbia hay Bosnia lại thiếu sức hút.

Được mệnh danh là một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp, Colmar thường bị phủ bóng bởi Strasbourg, thủ phủ vùng Grand Est (gồm Alsace và các tỉnh phụ cận miền Đông nước Pháp). Hai thành phố Colmar-Strasbourg chỉ cách nhau khoảng 60 cây số. Và từ Paris đến Colmar du khách chỉ mất 2 tiếng rưỡi đồng hồ bằng tàu cao tốc TGV.

Nếu như trung tâm Strasbourg có khu phố cổ ‘‘Petite France’’ thì Colmar còn thường được mệnh danh là một ‘‘Venise tí hon’’ (Petite Venise) do thành phố được bao bọc bởi nhiều kênh rạch. Nổi tiếng là vùng đất yên bình, thơ mộng, Colmar có dáng vẻ hiền hòa như một thị trấn hơn là một thành phố. Toàn khu phố cổ có nhiều nét kiến trúc đặc trưng của vùng Alsace, các ngôi nhà bằng gỗ với những khung cửa sổ đều đặn vuông vức, các dãy nhà tăm tắp san sát luôn có những ban công trồng hoa muôn sắc rực rỡ mùa hè, tươi mát các giống thường xanh vào mùa đông.

Theo trang hướng dẫn European Best Destinations, Colmar được chọn làm điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Âu
Theo trang hướng dẫn European Best Destinations, Colmar được chọn làm điểm du lịch hấp dẫn nhất châu Âu Tuấn Thảo/RFI
Một trong những điểm gây ấn tượng nhất là lối kiến trúc rất hài hòa không những ở đường nét mà còn ở những mảng màu sắc, đôi khi kết hợp nhiều màu nhưng vẫn không chói mắt. Những căn nhà gỗ soi mình bên dòng nước mát, lối đi yên tĩnh bên những ban công lợp đầy hoa, điều đó tạo cho du khách một cảm giác thanh thản, an nhàn.

Có nhiều nơi tham quan không nên bỏ qua như Ngôi nhà Pfister được xây từ thế kỷ 15, với các bức bích họa ở mặt tiền, cầu thang xoắn ốc với nóc tháp hình bát giác. Ngôi nhà cổ xưa này từng gợi hứng cho đạo diễn Miyazaki thực hiện năm 2004 bộ phim hoạt hình ‘‘Howl’s Moving Castle’’ (Lâu đài bay của pháp sư Howl), dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Diana Wynne Jones.

Thành phố Colmar cũng đã cho dựng một bức tượng Nữ thần Tự do ở vùng ngoại thành phía đông để tưởng nhớ công lao của một trong những nhân vật lịch sử nổi tiếng là ông Auguste Bartholdi. Người Pháp cũng thường gọi Colmar là thành phố Bartholdi vì đây là nguyên quán của nhà điêu khắc người Pháp, từng nổi tiếng trên khắp thế giới nhờ sáng tác bức tượng Nữ thần Tự do.

viethoaiphuong
#24 Posted : Wednesday, February 26, 2020 8:04:15 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Virus corona : Thiếu khách Trung Quốc, các khu mua sắm cao cấp tại Pháp vắng vẻ đìu hiu

Thùy Dương - RFI - 21/02/2020
Sau hơn một năm ít nhiều bị ảnh hưởng vì tác động của phong trào đấu tranh Áo Vàng và các cuộc đình công, biểu tình chống cải cách chế độ hưu trí, cùng với ngành du lịch, các Grands Magasins - khu mua sắm hàng hiệu tại Paris - như Galeries Lafayette, Le Printemps, Le Bon Marché … lại “lâm nạn” virus corona Covid-19.

Theo báo Le Monde ngày 12/02/2020, nước Pháp trong năm 2018 đón 2,4 triệu du khách Trung Quốc và thu về tổng cộng 4 tỉ euro. Khách Trung Quốc dù chỉ chiếm 2,5% tổng số du khách nước ngoài, nhưng lại mang đến 7% doanh thu cho ngành du lịch Pháp. Du khách Trung Quốc là nhóm khách chi tiêu mua sắm « mạnh tay » bậc nhất khi du lịch tại Pháp. Tuần báo L’Express ngày 07/02 trích dẫn Ủy ban du lịch vùng Paris, theo đó 26% số tiền khách Trung Quốc chi tiêu trong kỳ du lịch tại Pháp là để mua sắm.

Còn tính riêng tại vùng Paris, theo Phòng Thương Mại Paris và vùng phụ cận, năm 2018, du khách Trung Quốc đã chi 265 triệu euro để mua sắm các mặt hàng thời trang, túi xách, nước hoa và đồ lưu niệm. Paris được nhiều du khách Trung Quốc - « tín đồ shopping » coi là « thiên đường mua sắm hàng hiệu ». Và theo công ty Planet chuyên về miễn thuế hàng, 57,9% hàng du khách Trung Quốc làm thủ tục miễn thuế là sản phẩm mua tại các Grands Magasins.

Tuy nhiên, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 đã bất ngờ khiến khách Trung Quốc « biến mất » tại các Grands Magasins. Vì dịch bệnh bùng phát và hoành hành dữ dội tại Trung Quốc, chính quyền Tập Cận Bình ra lệnh cấm người dân đi du lịch nước ngoài theo nhóm. Paris và vùng phụ cận, điểm đến vốn thu hút đến hơn 80% du khách Trung Quốc đến Pháp, và cũng là điểm đến được người Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng tại châu Âu, nay lại mất nguồn khách tới từ Trung Quốc, khiến ngành du lịch nói chung và ngành hàng cao cấp bị ảnh hưởng.

Tác hại của Covid-19 còn « tệ » hơn Áo Vàng và nạn đình công ?

Chị Lê Nguyễn Thị Lan, một hướng dẫn viên du lịch có rất nhiều kinh nghiệm đưa khách Việt Nam đi mua sắm hàng hiệu ở những cửa hàng cao cấp như Galeries Lafayette ở trung tâm Paris, nơi nổi tiếng thu hút đông du khách Trung Quốc, đã nhận thấy rõ sự khác biệt về lượng du khách trước và sau khi Trung Quốc công bố dịch bệnh. Mỗi tuần trung bình hai lần đưa khách du lịch Việt Nam đi mua sắm, theo quan sát của chị Lan, hậu quả của dịch bệnh corona đối với các khu có các cửa hàng cao cấp, nổi tiếng, còn nghiêm trọng hơn cả tác động của các cuộc biểu tình và đình công trong thời gian qua, vốn làm chao đảo nước Pháp . Trả lời phỏng vấn của RFI Tiếng Việt, chị Lan so sánh :

« Từ tháng 11/2018 là bắt đầu có phong trào biểu tình Áo Vàng, đến tháng 12/2019 thì có phong trào bãi công đòi quyền hưu trí ở Pháp kéo dài hơn 1 tháng và đến nay là dịch virus corona, trong ba đợt đỉnh điểm đó thì tôi thấy là dịch corona là ảnh hưởng lớn nhất đến công việc kinh doanh và doanh thu của các nhãn mác hàng hiệu. Vì đối với phong trào Áo Vàng thì họ vẫn có những quy định nhất định là chỉ được làm ở khu phố này, tụ điểm này, chứ không phải tràn lan hết tất cả Paris, khách du lịch người ta vẫn có thể đến được và những trung tâm mua sắm như Galeries Lafayette, Le Printemps không bị ảnh hưởng gì, chỉ có trên đại lộ Champs-Elysées thì có bị ảnh hưởng. Nhưng lúc đấy thì người ta được báo trước rồi, họ sẽ không đến những khu đấy.

Còn về đình công tàu xe, đối với khách du lịch thì thực ra không ảnh hưởng lắm, vì thường khách du lịch họ đi xe riêng, hay có xe khách to đưa đi, nên tại các khu mua sắm như Galeries Lafayette, Le Printemps, tôi thấy vẫn đông đúc, vẫn phải xếp hàng từ sớm, từ lúc cửa hàng chưa mở cửa. Nhưng mà virus corona thì thực sự là khủng hoảng, bởi vì gần như khách du lịch Trung Quốc không được nhập cảnh rồi thì sẽ không thể nào mà đến mà xếp hàng hay chờ đợi mua đồ ở các trung tâm mua sắm như vậy được nữa. Tôi thấy là đợt dịch bệnh này thực sự là khủng hoảng, gây ảnh hưởng rất lớn. »

Điều chị Lan chia sẻ cũng được nhiều nhân viên bán hàng tại Galeries Lafayette công nhận. Chiều ngày thứ Hai 17/02/2020, phóng viên RFI Tiếng Việt có mặt tại nơi đây và nhận thấy rõ ràng khu mua sắm hàng cao cấp này hầu như không có du khách người Hoa, vắng vẻ so với trước đây.

Không còn cảnh du khách Trung Quốc xếp hàng dài

Không còn cảnh nườm nượp du khách Trung Quốc nhộn nhịp ra vào mua sắm, với những túi to, túi nhỏ đầy hàng hiệu trên tay. Cũng không còn cảnh khách hàng, đa phần là người Hoa, xếp hàng dài dằng dặc bên ngoài cửa hàng hiệu Louis Vuitton, Chanel, Dior … chờ đến lượt được mời vào mua hàng. Trung tâm mua sắm chỉ còn lác đác khách, và cũng rất ít khách người châu Á. Một nhân viên bán hàng người Trung Quốc tại một quầy hàng thời trang cho biết, trước đây, mỗi ngày thường bán được khoảng 25 sản phẩm cho du khách Trung Quốc thì nay cả ngày nhiều lắm cũng chỉ bán được 1-2 sản phẩm :

« Vâng, đúng là như vậy. Kể từ khi có virus corona, ngày càng có ít khách hàng vào trung tâm mua sắm Galeries Lafayette, quầy hàng chúng tôi cũng vắng khách. Doanh thu của chúng tôi giảm so với năm ngoái, bởi vì khách hàng chính của chúng tôi là người Trung Quốc. Bây giờ ngày càng ít khách Trung Quốc đến Pháp, nên doanh thu của chúng tôi sụt giảm, điều này tác động thực sự đến quầy hàng của chúng tôi. Cửa hàng nào cũng mất khách, chắc chắn là như vậy, ở Galeries Lafayette cũng thế.

Tôi nghĩ là doanh thu của Galeries Lafayette giảm nhiều, bởi vì trong những năm qua, nhờ du khách Trung Quốc, chúng tôi có doanh thu cao. Bây giờ thì chúng tôi chỉ nói về thời tiết, chẳng có ai đến mua sắm ở cửa hàng Lafayette nữa, buổi sáng, buổi tối, cả ngày đều như vậy. Hôm nay thì có khá hơn một chút. Tuần trước thì thật là kinh khủng, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 1-2 sản phẩm là tối đa. Hôm nay thì đỡ hơn tuần trước một chút, bởi vì có du khách tới từ các nước khác. Tuần trước thì đúng là khủng khiếp thật. Tôi nghĩ là trong một vài tuần tới thì du khách Trung Quốc vẫn chưa trở lại đâu, chưa thể được, bởi vì tình hình virus vẫn còn nghiêm trọng, nhưng tôi tin rằng trong một vài tháng nữa, đến tháng 5, tháng 6 thì có thể ».

Quá sớm để đánh giá thiệt hại ?

Qua trao đổi, một số nhân viên bán hàng của nhiều nhãn mác nhau đều trả lời nói : « Chị thấy đấy, Lafayette còn mấy khách đâu, đợt này hầu như chẳng có khách hàng Trung Quốc nào đến nữa đâu ». Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sợ ảnh hưởng tới uy tín của nhãn hàng và của Galeries Lafayette, họ đều tránh, không muốn trả lời phỏng vấn chính thức.Báo Le Parisien ngày 13/02 trích dẫn một chuyên gia về thương mại Paris : « Dù có thế nào thì cũng không một ai muốn công bố các số liệu đang tụt giảm ». Còn bà Alexandra van Weddingen, giám đốc truyền thông của trung tâm mua sắm Galeries Lafayette tuyên bố : « Chúng tôi sẽ không trao đổi về chủ đề này ».

Vì thế, hiện nay, chưa thể có những thẩm định chính thức về thiệt hại trong lĩnh vực hàng hiệu tại Pháp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19. Các chuyên gia về thương mại và du lịch cũng chưa có một nghiên cứu chính thức nào. Bà Elisabeth Ponsolle des Portes, một đại diện của Comité Colbert, hiệp hội tập trung hơn 80 thương hiệu cao cấp của Pháp, nhận định : « Hiện giờ vẫn còn quá sớm để biết tác động đối với lĩnh vực hàng cao cấp ». Tuy nhiên, bà cũng cho biết người Trung Quốc chiếm tới 25% khách hàng của các doanh nghiệp thành viên của hiệp hội Colbert.

Chị Lan, người thường xuyên đưa khách đến khu mua sắm hàng hiệu Lafayette, giải thích thêm : « Tôi đã làm công việc này được gần 5 năm rồi. Tôi hay đưa mọi người đến khu mua sắm Galeries Lafayette. Hầu như tất cả mọi người đều biết khu vực đó, bởi vì trong Galeries Lafayette thì tập trung nhiều cửa hàng hàng hiệu, nhiều mác lớn như Louis Vuitton, Chanel Dior. Mọi người vào đấy thì có thể tiện đi mua được các mác trong cùng một chỗ luôn, mà không phải đi rải rác các cửa hàng. Chính vì thế, thường trong Galeries Lafayette rất là đông. Galeries Lafayette có những discount (giảm giá) rất là tốt cho khách hàng, chính vì thế Galerie La Fayette thu hút được rất nhiều khách hàng đến mua sắm.

Mọi khi khách du lịch rất đông, và hầu như tất cả các cửa hàng đều quá tải về số lượng khách hàng, và khách phải xếp hàng rất đông ở các cửa hàng bên ngoài. Galeries Lafayette thường mở cửa từ 9h30 sáng, nhưng thường khách xếp hàng vào mua có thể đến từ 8h30, 9h. Họ đứng sẵn ngoài cửa, từ trước khi cửa hàng mở cửa. Khi cửa hàng mở cửa là họ ào vào luôn, và điểm thu hút lớn nhất là Louis Vuitton. Tất cả hầu như chạy ào vào đứng để làm sao xếp hàng mua được sớm nhất.

Mọi người thường hay nói là người châu Á giàu, nhiều tiền, mới xếp hàng mua được, nhưng đó là thời gian trước, bây giờ tôi đưa khách đi thì thấy lượng khách giảm đi rất nhiều. Tìm hiểu ra thì thấy đó là do dịch bệnh virus corona vừa rồi, và lúc đấy mới có thể kiểm chứng một điều là trước đây gần như 70% khách hàng xếp hàng trước các cửa hàng là người Trung Quốc, chứ không phải là người châu Á nói chung. Đến bây giờ thì gần như các cửa hàng không phải xếp hàng nữa, mọi người đến là có thể vào để mua được luôn. Chính vì thế, tôi thấy là dịch bệnh virus corona đợt này ảnh hưởng khá lớn đến việc kinh doanh và doanh thu của tất cả các nhãn mác hàng hiệu đặc biệt là Louis Vuitton. »

Vận rủi của người này lại đôi khi lại là cái may của người khác

Chị Lan có đông khách du lịch có nhu cầu mua túi Louis Vuitton. Chị cho biết là việc vắng khách Trung Quốc khiến công việc của chị và việc mua sắm của khách Việt Nam thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng hơn rất nhiều, nhưng không khí trong trung tâm mua sắm thì rất trầm lắng :

« Louis Vuitton có lượng túi bán ra cho khách hàng có một sự hạn chế nhất định và giá cả nói chung so với Chanel, Dior thì Louis Vuitton là một hãng mác có thể nói là giá cả vừa phải nhất, chính vì vậy có thể thu hút được nhiều khách muốn có những cái túi hot. Tôi chụp được những bức ảnh từ trước khi có dịch bệnh này, khách có thể xếp hàng rất đông, dài, có nhiều khách sẵn sàng chờ trước cửa hàng 1, 2 thậm chí là 3 tiếng đồng hồ để vào mua, nhưng mà bây giờ, nếu mà có xếp hàng thì cũng chỉ 1, 2, vài ba người. Còn thường mấy ngày gần đây tôi đi thì thấy không có khách xếp hàng ở đấy nữa.

Thời gian này tôi thấy dễ dàng hơn cho công việc của mình, tôi có thể đưa khách đi mà mọi người không phải chen chúc nhau, không phải xếp hàng, chờ đợi lâu, nhưng mà thực sự là trong Galeries Lafayette thì bây giờ không khí rất là buồn tẻ, bởi vì không còn đông đúc nhộn nhịp như trước đây nữa ».
Users browsing this topic
Guest
2 Pages<12
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.