Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
Pháp : Dân đổ xô đi xe khách vì đường sắt đình công
Thu Hằng - RFI - 17/01/2020 Đình công trong ngành giao thông công cộng tại Pháp đã kéo dài hơn 40 ngày. Trong khi người dân khốn đốn thì dịch vụ xe khách đường dài hoan hỉ « xoa tay được mùa ». Chỉ trong 2 tuần đầu tiên đình công, công ty xe khách tư nhân FlixBus đã chuyên chở hơn 700.000 lượt khách, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Ba bến xe lớn ở Paris, cũng như ở hai sân bay Roissy - Charles de Gaulle và Orly, đông khách hơn trong dịp lễ cuối năm, khi những đoàn tầu vẫn nằm im trên đường ray. Trong lúc chờ xe đi Lille (phía bắc nước Pháp) hôm 10/01/2020 ở bến xe Bercy (quận 12 Paris), anh Madou Kanakomo, sống ở Drancy (ngoại ô Paris), nhận xét với RFI Tiếng Việt :
« Xe khách là phương tiện đi lại dễ dàng nhất hiện nay vì không có tầu hỏa, nên chúng tôi chọn đi xe khách đến thành phố Lille. Dĩ nhiên là tầu cao tốc TGV tiện nghi hơn xe khách và nhanh hơn, nhưng chúng tôi thích chọn xe khách hơn còn vì lý do kinh tế vì vé rẻ hơn. Đúng là để đến Lille, chỉ mất 1 giờ đi tầu cao tốc, còn đi xe khách mất đến 3 giờ. Chúng tôi thường chọn xe khách vì lý do kinh tế, nhưng giờ do đình công, nên cũng không có tầu, hoặc rất nhiều chuyến bị hủy ».
Rẻ hơn, tiện lợi hơn, xe khách được cho là phương tiện làm đảo lộn lĩnh vực chuyên chở hành khách tại Pháp. Và điều này có được là nhờ Emmanuel Macron, khi còn là bộ trưởng Kinh Tế dưới thời tổng thống François Hollande, đã mở cửa thị trường xe khách đường dài, chiểu theo một chỉ thị của Liên Hiệp Châu Âu, đồng thời phát triển mạng lưới xe khách cạnh tranh với tầu hỏa. Đây là một điểm của Luật về tăng trưởng, hoạt động và bình đẳng cơ hội kinh tế (vẫn được gọi tắt là Luật Macron 2015).
Những chiếc « xe ca Macron » hiện trở thành phương tiện thay thế hữu hiệu của người dân trong khi đình công vẫn liên miên, chưa hồi kết, như giải thích của chị Morgan, sống ở Fontenay-sous-Bois, ngoại ô Paris :
« Tôi cũng từng đi xe khách, nhưng thường tôi thích dùng dịch vụ đi chung ô tô (covoiturage) hoặc đi tầu hỏa hơn, tùy theo giờ tầu xe. Lẽ ra lần này tôi đi chung ô tô nhưng cuối cùng chuyến xe bị hủy vì người đề xuất phải hoãn lại giờ xuất phát do tình trạng tắc đường ở vùng Paris. Tôi không tìm được xe chung khác phù hợp nên tôi chọn xe BlaBlaCar, vì lý do tài chính, rõ ràng là rẻ hơn so với tầu hỏa khi mua vé vào phút chót. Ngoài ra, đường đến bến xe khách Bercy tiện hơn, dễ hơn so với một số bến xe khác ».
Đường sắt Pháp và truyền thống đình công hàng năm từ… 1947
Mức độ kiên nhẫn, sức chịu đựng của hành khách Pháp được tôi luyện từ 73 năm nay. Thực vậy, từ năm 1947, không một năm nào mà nhân viên đường sắt Pháp không đình công ít nhất mỗi năm một lần để phản đối điều kiện làm việc, bảo vệ mức lương và quy chế đặc biệt của họ.
Ngay từ năm 1953, chính phủ đã muốn thay đổi quy chế đặc biệt và hệ thống hưu trí của nhân viên đường sắt. Thế nhưng, hết đời chính phủ này đến chính phủ khác đều lùi bước trước làn sóng biểu tình và đình công của nhân viên đường sắt, khiến người ta có cảm tưởng đây là lĩnh vực « bất khả xâm phạm ».
Người dân Pháp vẫn chưa quên việc một phần đất nước bị tê liệt trong thời gian dài vào năm 1995 do ngành đường sắt đình công. Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp (SNCF) mất 10,5 triệu ngày làm việc (5,82 ngày/nhân viên) vào năm đó. Khoảng 661.000 ngày làm việc đã bị mất trong cuộc đình công mùa Xuân 2018, nhưng chính phủ vẫn kiên quyết xóa quy chế đặc biệt của nhân viên đường sắt trong những hợp đồng tuyển dụng mới, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, thêm vào đó, ngành đường sắt Pháp sẽ mở cửa cho cạnh tranh.
Như những người sử dụng phương tiện công cộng khác, anh Madou Kanakomo chật vật tìm đường đi làm từ hơn 40 ngày nay :
« Có chứ, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì tình trạng đình công hiện nay trong lĩnh vực phương tiện giao thông công cộng. Thậm chí, tôi không có tầu để đi làm buổi sáng. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi phải nghỉ làm hoặc đến rất muộn, vì không có tầu, thậm chí không có cả xe buýt. Còn những người đến được nơi làm việc thì phải làm thế cả công việc của những người nghỉ ở nhà. Tôi không nhớ là tình trạng này bắt đầu từ lúc nào nhưng đúng là quá vất vả ! »
Giao thông vận tải công cộng là ngành có tỉ lệ thành viên công đoàn cao nhất. Chỉ tính riêng trong Công ty Đường sắt Quốc gia Pháp, tỉ lệ thành viên công đoàn là hơn 20%, cao hơn hẳn so với các ngành ngân hàng-bảo hiểm (13%), công nghiệp (12%), nhà hàng-khách sạn (4%). Tuy nhiên, Pháp là một trong những nước có tỉ lệ gia nhập công đoàn thấp nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, trung bình là 11%.
Xe « nhà nghèo» phá vỡ thế độc quyền của ngành đường sắt
Cạnh tranh là một tiêu chí của xe khách đường dài. Một phát biểu của bộ trưởng Macron thời đó đã bị diễn giải thành « xe ca chỉ dành cho những người có thu nhập thấp ». Nhưng theo hoàn cảnh hiện tại ở Pháp, phương tiện này trở thành giải pháp phá vỡ thế gần như độc quyền của ngành đường sắt, dù dĩ nhiên năng suất chuyên chở không thể cao bằng.
Anh Madou Kanakomo cho rằng tự do hóa thị trường xe khách là một ý tưởng hay, đặc biệt trong cảnh tầu xe hiếm hoi hiện nay :
« Tôi nghĩ đó là một ý tưởng rất hay. Vì trước đây không có xe khách, tôi thường phải trả khoảng 30 euro vé tầu cao tốc để đi Lille, giờ tôi chỉ phải trả 7 đến 8 euro, hoặc 10 euro. Ta thấy rõ lợi ích về kinh tế dù hành trình sẽ dài hơn, nhưng đáng giá, vì đi xe khách rẻ hơn hẳn. Cho dù không tiện nghi bằng tầu hỏa, nhưng kinh tế hơn ! »
Điểm yếu của các bến xe khách là tiện nghi tối giản. Các bến như Gallieni (đi châu Âu), Bercy (đi Pháp và châu Âu) ở Paris, thường thiếu ánh sáng, ghế chờ chỉ là những băng ghế đơn giản, máy bán bánh và nước tự động thay thế cho những cửa hàng cà phê và nhà hàng như ở các ga tầu. Bến xe Bercy có khoảng 100 vị trí đỗ, được đánh số thứ tự. Hành khách có thể theo dõi thông tin mỗi chuyến xe đến và đi trên màn hình.
Số lượng nhân viên bến bãi bị hạn chế nên công nghệ được tập trung phát triển. Mỗi xe vào bến được nhận dạng ngay từ rào chắn ba-ri-e và tài xế có thể biết được vị trí đỗ xe được hiển thị trên màn hình ngay lối vào. Tài xế cũng kiêm luôn công việc soát vé. Hành khách tự để hành lý vào hầm xe và tự dọn dẹp rác trên xe. Tuy nhiên, bên trong xe lại là hình ảnh trái ngược, tiện nghi và thoải mái. Chị Morgan nhận xét :
« Về mặt tiện nghi ? Đối với tôi, giữa xe khách và tầu hỏa, gần như giống nhau. Nhưng đúng là có thể trong tầu hỏa, chỗ ngồi thoải mái hơn. Ngoài ra, tuyến đường của tôi, nếu đi bằng xe khách dĩ nhiên là lâu hơn so với đi tầu, và điều này khá là khó chịu. Tôi thấy là công việc tổ chức tạm được, có bảng giờ xe về bến và xuất phát và khá đúng giờ. Nhưng đúng là về toàn cảnh, các nhà ga xe lửa dễ chịu hơn là ở bến xe khách ».
Phương tiện du lịch mới
Xe khách đường dài là mô hình phổ biến và phát triển mạnh tại Đức. Còn tại Pháp, từ 13 công ty hoạt động cách đây 5 năm, hiện còn 8 công ty, trong đó có ba công ty có quy mô lớn : FlixBus của Đức là công ty lớn nhất tại Pháp, BlaBlaBus (thuộc BlaBlaCar và đã mua lại chi nhánh Ouibus của công ty SNCF) và Eurolines/isiLines (chi nhánh Transdev và cũng được FlixBus mua lại).
Số lượng người đi xe khách đường dài tăng đều hàng năm : từ 6,2 triệu lượt khách với doanh thu 83,2 triệu euro vào năm 2016 lên thành 8,9 triệu lượt khách với 130 triệu euro doanh thu năm 2018. Theo thống kê mới nhất, chỉ riêng FlixBus đã chở hơn 10 triệu lượt khách tại Pháp trong năm 2019, tăng 43% đặc biệt là « nhờ » hiệu ứng đình công dịp lễ cuối năm.
Giá rẻ, thuận tiện là những tiêu chí thu hút rất nhiều khách mới, chưa từng sử dụng dịch vụ xe khách đường dài bao giờ, như chị Hà Nam, sống ở Paris, một người thường đi chơi cuối tuần kể từ khi biết đến xe khách.
« Khi mà đặt vé trước thì có được vé rất rẻ, như chỉ 0,99 euro thôi và đi được khắp nơi trên nước Pháp, như Honfleur, Deauville, thậm chí Nantes, Lille. Nói chung không đi nhanh bằng xe lửa nhưng tiết kiệm được rất nhiều tiền và mình cũng có đủ thời gian đi thăm một tỉnh, như Dijon hoặc một nơi nào khác, nhờ đó tôi đi được rất nhiều và tiết kiệm rất là nhiều.
Trên đoạn đường 2-3 tiếng đó, trên xe rất tiện lợi, có Internet, nếu bạn khát thì có đồ uống (máy bán tự động) phục vụ rất tận tình và người lái xe cũng rất nhiệt tình, hướng dẫn đầy đủ. Với giá 7 euro, hoặc với giá rẻ hơn nữa như là 1 euro, tôi nghĩ là « săn » được vé rẻ như vậy thì rất là tiện lợi, bởi vì một kỳ nghỉ cuối tuần cũng chỉ tốn 2 euro, bằng một vé métro ở Paris để đi từ quận này đến quận khác, thì với 2 euro, bạn có thể ra ngoài Paris, được hưởng không khí trong lành, ví dụ như vậy ».
Có một quy định mà các công ty xe khách phải tuân thủ, đó là « không được quyền chuyên chở hành khách trên những chặng đường dài dưới 50 km hoặc có thời gian chưa đến một tiếng. Mục tiêu là không để quá cạnh tranh với những tuyến đường sắt địa phương ».
Trong khi đình công tại Pháp, đặc biệt là ở Paris, vẫn chưa dứt, lượng xe ô tô riêng cũng dầy đặc hơn trên những trục đường dẫn vào thủ đô. Thêm một lần nữa, hành khách lại phải… kiên nhẫn chờ tắc đường, mà mức đỉnh điểm là vào tối 04/12/2019 với tổng cộng hơn 550 km bị tắc đường ở vùng Ile-de-France.
|