Bà Clinton trình bày đường lối ngoại giao
Nguyễn Giang
BBC Việt Ngữ, London
Bà Hillary Clinton cam kết sử dụng sức mạnh "ngoại giao khôn ngoan" khi lên nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Obama.
Bà nói nỗ lực hợp tác với Trung Quốc không phải là "một chiều" và chính quyền Obama sẽ bảo vệ "các giá trị Mỹ và quy tắc quốc tế" trong quan hệ với Nga.
Nét chung của bài diễn văn, như lời báo International Tribune, là nhấn mạnh tính liên thuộc (interdependence) giữa các quốc gia:
"Nước Mỹ không thể nào đơn phương giải quyết các vấn đề cấp bách và thế giới cũng không thể giải quyết chúng mà không có nước Mỹ."
Đường hướng đối ngoại Mỹ sẽ là "giữ tính nguyên tắc nhưng thực tiễn" chứ không theo một "ý thức hệ cứng nhắc" nào cả.
Trong buổi điều trần hôm 13/01 trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ở thủ đô Washington, bà Clinton cũng mấy lần nhắc đến hai chữ Việt Nam trong các bối cảnh khác nhau.
Dù Iran và Trung Đông nằm trong trọng tâm của cuộc điều trần nhằm xác nhận tư cách tân ngoại trưởng của bà Clinton, tân chính quyền Obama cũng nói về chính sách mới với Cuba, theo hướng bỏ dần sự bao vây.
Trước mắt, chính quyền Obama sẽ cho đóng trại tù Guatanamo ở Cuba và bỏ lệnh cấm công dân Mỹ thăm hòn đảo này.
Bài diễn văn và phần trả lời câu hỏi của bà Clinton, bản thân đang là một thượng nghị sĩ, cho thấy tài diễn thuyết hiếm có của nữ chính sách vào loại số một tại nước Mỹ.
'Ngoại giao khôn ngoan'
Đài CNN trong phần truyền hình trực tiếp đã nói "Hillary Clinton hoàn toàn làm chủ đề tài.
Mở đầu bằng lời cảm ơn gửi tới Thượng nghị sĩ John Kerry, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bà không quên nhắc ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách 'một cựu binh Việt Nam trẻ tuổi'.
Như để xóa đi nghi ngờ về sự trung thành với tổng thống tân cử Barack Obama, đối thủ của bà trong cuộc tranh cử tổng thống từ tháng 1 đến 6/2008, bà liên tiếp nhắc tên ông Obama trong các đoạn văn.
Hillary Clinton công khai xác nhận phát biểu của bà là sự đồng thuận với tân tổng thống về đường lối ngoại giao "smart" (thông minh, khôn ngoan) ông Obama sẽ theo đuổi.
Bà cũng không quên lồng vào bài nói những đoạn gây xúc động về mẹ của ông Obama, người bà cho là đã tạo cảm hứng vì các cố gắng từ thiện trên trường quốc tế.
Nhưng ngay sau đó là phát biểu sắc bén về Iran, Israel và Palestine bằng một giọng nói đanh thép, toát lên tính quyền uy của một chính trị gia tài năng khiến không hiếm người yêu kẻ ghét.
Bà nói Hoa Kỳ sẽ tìm mọi cách ngăn cản Iran trở thành nước có vũ khí hạt nhân.
Không tiết lộ chi tiết nhưng bà cam kết sẽ bàn thảo với các đồng minh của Mỹ và sử dụng các tuyến ngoại giao như Liên hiệp quốc và "tất cả các phương tiện" đối ngoại cho mục tiêu đó.
Bà tỏ ra chia sẻ ham muốn được tồn tại an toàn của Israel nhưng cũng nói đến nỗi khổ đau của người Palestine và giải pháp hai nhà nước cho xung đột này.
Với giọng hết sức nghiêm túc, bà Hillary nhắc đến các nỗ lực của chồng bà, cựu tổng thống Bill Clinton trong việc đưa ra sáng kiến cho Trung Đông.
Nay bà nói sẽ quyết tâm "không để hòa bình thất bại".
Trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ Bill Clinton, Hoa Kỳ đã tiến lại gần nhất giải pháp cho hai quốc gia Israel và Palestine thông qua hòa đàm Oslo.
'Các giá trị Mỹ'
Nhìn sang bên bờ Đại Tây Dương, bà nhấn mạnh quan hệ truyền thống với các nước trong Minh ước Nato và đặc biệt là "các nền dân chủ trẻ tuổi" ở châu Âu.
Tại châu Á, bà nhắc đến các đồng minh truyền thống như Nhật, Nam Hàn, Úc và "các bạn của Hoa Kỳ trong Asean".
Riêng với Nga, bà nói:
"Tổng thống đắc cử Obama và tôi tìm kiếm những cách thức hợp tác tương lai với chính quyền Nga trong các lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược như nhưng đồng thời mạnh mẽ bảo vệ các giá trị Mỹ và nguyên tắc quốc tế."
Xác định vị thế của Mỹ trong một kỷ nguyên mới, với các thách thức về biến đổi khí hậu, đói nghèo, thiếu nước sạch và khủng hoảng tài chính, bà nhận định các nước như Ấn Độ, Brazil và Trung Quốc có vai trò ngày một tăng.
Nhưng với Bắc Kinh, phát biểu của Hillary Clinton có vẻ như một lời cảnh báo:
"Chúng ta muốn có quan hệ tích cực và hợp tác với Trung Quốc, để hai bên tăng cường và làm sâu nặng liên hệ về một loạt vấn đề và kiên nhẫn tiếp cận những khác biệt ở chỗ nào chúng vẫn tồn tại,"
Bà Hillary Clinton cùng chồng và con gái có chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 10/2000
"Nhưng đây không phải là nỗ lực một chiều. Đa phần những gì chúng ta làm sẽ phụ thuộc vào các quyết định Trung Quốc lựa chọn về tương lai của nước này trong đường lối đối nội và đối ngoại với thế giới."
Tuy nhiên, bà cũng xác nhận rằng hội đàm sáu bên với Hoa Kỳ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên sẽ vẫn là cơ chế giải quyết chủ đề nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Người Việt Nam theo dõi cuộc điều trần dễ dàng ghi nhận bà Clinton nhắc đến tên nước này trong một số bối cảnh mang tính cá nhân.
Khi nói về kinh nghiệm ngoại giao của mình, bà nói về các chuyến thăm đến châu Á, trong đó có Việt Nam.
Bà cũng nêu ví dụ về sức mạnh và sự sáng tạo của phụ nữ ở các nước nghèo như Indonesia, Việt Nam, khi họ được nhận khoản cho vay nhỏ để tạo dựng doanh nghiệp.
Dự kiến thứ Năm 15/01 này, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu chấp thuận bà Clinton vào chức Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Như thế, bà sẽ trở thành nhân vật có quyền lực thứ nhì ở Hoa Kỳ sau tổng thống, tính từ ngày chính quyền Obama tuyên thệ nhậm chức vào 20 tháng này.