Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
“Tiếng Việt dễ học”, cẩm nang Assimil dành cho người Pháp
Thu Hằng - RFI - Thứ Tư, ngày 04 tháng 9 năm 2019 Suốt một phần tư thế kỷ, giáo trình Le Vietnamien sans peine (tạm dịch : Tiếng Việt dễ học) đã gắn bó với người học ở Pháp. Đúng với tiêu chí “dễ học”, “tự học” của nhà xuất bản Assimil (Paris), người học chỉ cần chú ý và chuyên cần trong vài tháng là có thể tiếp thu được vốn từ vựng tương đối và những quy tắc ngữ pháp cơ bản của tiếng Việt.
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, thế nhưng hai tác giả Đỗ Thế Dũng và Lê Thanh Thủy đã tìm cách giải thích đơn giản nhất, hài hước nhất, đặt người học vào 92 tình huống và bài học giao tiếp để giúp họ hình dung ra được thực tế cuộc sống hàng ngày ở Việt Nam.
Năm 2019, nội dung giáo trình được biên tập lại gần như hoàn toàn để phù hợp với thực tế xã hội và công nghệ phát triển. Đỗ Thế Dũng, đồng tác giả của giáo trình Le Vietnamien sans peine, lại là người rất quen thuộc của thính giả RFI Tiếng Việt.
RFI : Trong phòng thu của RFI hôm nay không phải là Trọng Nghĩa, nhà báo của ban tiếng Việt mà là Đỗ Thế Dũng, đồng tác giả giáo trình dạy tiếng Việt Assimil được xuất bản tại Pháp. Năm 2019, giáo trình này đã được hiệu đính và tái bản, vậy xin tác giả Thế Dũng cho biết giữa hai phiên bản này, năm 1994 và 2019, có những điểm gì khác nhau ?
Đỗ Thế Dũng : Trong câu hỏi, chị đã nói đến năm 1994 lần phát hành thứ nhất và năm 2019 là lần phát hành thứ hai. Như vậy, khoảng cách giữa hai lần phát hành là 25 năm, đây là một khoảng cách rất là dài. Cho nên trong đời sống xã hội, hay là ngôn ngữ Việt Nam, trong khoảng thời gian 25 năm đó, đã có rất nhiều thay đổi. Thành thử, một quyển sách cũng phải thay đổi để thích ứng hơn với tình hình. Như vậy phải nói rằng ấn bản 2019 là một ấn bản với tiếng Việt đã được “cập nhật” so với năm 1994.
Nói đến ngôn ngữ, cũng phải nói đến đời sống sinh hoạt xã hội đi kèm theo. Cho nên, nội dung của những bài học liên quan đến cách đi đứng, ăn mặc, sinh hoạt sử dụng tiếng Việt, cũng phải thay đổi với thời gian. Giữa hai ấn bản này, phải nói rằng gọi là hiệu đính, nhưng thực ra, gần như là một ấn bản mới hoàn toàn.
Như nói ở trên, giáo trình Assimil được xuất bản tại Pháp, vậy Assimil khác với những giáo trình tiếng Việt khác, cũng được xuất bản tại Pháp, dành cho người học thuộc cộng đồng Pháp ngữ, như thế nào ?
Đương nhiên đây là một ấn bản này dùng cho người biết tiếng Pháp, người nói tiếng Pháp mà muốn học tiếng Việt cho nên tất cả phần giải thích đều bằng tiếng Pháp. Đó là một công việc phải nói là rất là khó. Tại vì nhiều khi giải thích một từ, ví dụ như một từ láy ở trong tiếng Việt, làm sao để cho người Pháp bình thường hiểu được. Đó là một vấn đề rất khó !
Và đặc điểm của Assimil dựa theo một phương pháp có từ mấy chục năm nay rồi, tại vì Assimil là nhà xuất bản lâu đời về học tiếng ở bên Pháp, không chỉ riêng tiếng Việt mà tất cả những thứ tiếng khác. Cho nên, phải nói rằng trong đặc điểm của giáo trình Le Vietnamien sans peine, tôi rất đắc trí ở điểm so với những giáo trình học tiếng cho đến ngày nay, ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, thường người ta dựa hẳn vào một phương ngữ. Chẳng hạn như người soạn là người Bắc, người ta thường chọn tiếng Hà Nội, còn người soạn là người trong Nam, thì có thể chọn tiếng Sài Gòn.
Đối với quyển Assimil, tôi có một cao vọng là làm sao để cho người học tiếng Việt hiểu được khi mà họ nghe thấy người Bắc nói, hoặc nghe thấy người Nam nói. Và khi họ nói ra, cách nói của họ làm cho cả người Bắc lẫn người Nam đều hiểu được. Chính vì vậy, trong giáo trình này, ở phần nhờ những người đọc, tôi yêu cầu họ đọc, gọi là “chuẩn”.
“Chuẩn” ở đây nghĩa là gì ? Tức là giọng thì chủ yếu là giọng Hà Nội, nhưng những âm đặc thù như “ch”, “tr”, như là “r”, “s”, “x”, phải đọc cho chuẩn. Cho nên, trong giáo trình này, phần thu âm rất kỹ lưỡng ở điểm đó. Ngoài ra, khi thu âm cũng chú ý là có một loạt bài đầu, tạm gọi là thu âm theo tiếng “chuẩn”. Nhưng rồi có một loạt bài thu âm toàn giọng Bắc. Và ở cuối giáo trình, có một phần gồm 7 bài, toàn giọng Nam. Như vậy, khi nghe băng đi kèm theo giáo trình, học viên có thể mường tượng được những điểm chủ yếu là hai phương ngữ chính ở Việt Nam, tạm gọi là “tiếng Nam” và “tiếng Bắc”.
Chính vấn đề phương ngữ này được hai tác giả giới thiệu ở phía cuối cuốn sách để cho người học tiếng Việt hiểu được về phương ngữ Việt Nam hay không ?
Ở đây là giải thích theo kiểu cho người học thấy được sự khác biệt giữa hai thứ tiếng chính là tiếng Nam và tiếng Bắc. Đương nhiên cũng còn có tiếng Trung, tiếng Huế chẳng hạn, nhưng vì không gian hạn hẹp của một quyển sách, nên khó có thể nói được cả ba phương ngữ đó, cho nên chủ là tiếng Nam và tiếng Bắc, hay nói cách khác là tiếng Sài Gòn và tiếng Hà Nội.
Những phần giải thích phía sau là phần giải thích về ngữ pháp. Đương nhiên giải thích ngữ pháp Việt Nam bằng tiếng Pháp để cho người Pháp học tiếng Việt, nó lung tung lắm, nhưng mà chúng tôi cũng cố gắng làm điều đó.
Thứ hai, khi nói về các phương ngữ, giúp cho người học phân biệt được, chẳng hạn ra ngoài Bắc, nghe thấy người nào dùng tiếng Hà Nội, họ biết ngay được với người Hà Nội, “ch” và “tr” không phân biệt ; người Hà Nội “s” và “x” là không phân biệt. Như vậy, người học biết trước điều đó trong đầu, họ hành xử trong sinh hoạt hàng ngày một cách dễ dàng hơn.
Còn đối với người mà vô Sài Gòn, ở miền Nam chẳng hạn, cũng hiểu được là ở trong Nam, người ta không phân biệt được dấu “hỏi”, “ngã”. Thành thử ra một âm khi nghe được thì người học phải hiểu như thế nào. Cái đó là để giúp đỡ tối đa cho người học.
Sau lần xuất bản đầu tiên và lần tái bản năm 2019, trong bộ sách học tiếng Việt này, chúng ta có thể thấy có thêm một ổ USB và một đĩa CD, phải chăng theo với thời gian, mình cũng phải đáp ứng theo công nghệ của người học ?
Đó là lẽ dĩ nhiên. Tôi chỉ lấy thí dụ là ở câu hỏi đầu tiên về điểm khác giữa ấn bản 1994 và ấn bản 2019, có một ví dụ cụ thể là những ai từng tìm hiểu qua ấn bản 1994 và ấn bản 2019 sẽ thấy rằng vào năm 1994, xã hội Việt Nam chưa đạt tới mức như ngày nay. Cho nên trong ngôn ngữ hồi đó, chẳng hạn nội dung các bài khóa, đâu nói được tới internet, đâu nói được đến điện thoại thông minh, đâu nó được tới các mạng xã hội. Nhưng ngày nay, người học tiếng Việt thì bắt buộc phải biết cách nói về những phương tiện đó. Bởi vì ở Việt Nam, cái đó trở thành cái gì đó rất quan trọng trong đời sống hàng ngày. Giáo trình của chúng tôi phải thêm một số bài nói về công nghệ mới.
Trở lại câu hỏi, công nghệ mới dĩ nhiên được ứng dụng trong việc ra sách. Nhà xuất bản sử dụng thêm những công cụ như USB, sử dụng CD là lẽ dĩ nhiên, để cho những ai thích học tiếng Việt, họ có USB nhỏ nhỏ kèm theo máy, vừa đi vừa học.
RFI xin chân thành cảm ơn tác giả Đỗ Thế Dũng đã giới thiệu thêm về giáo trình Assimil vừa được tái bản năm 2019.
|