Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Sự thật đắng cay về kỹ nghệ “kinh doanh ăn mày” ở Sài Gòn
Pearl
#1 Posted : Tuesday, August 16, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

SÀI GÒN 16-08 - Từ rất lâu ở Sài Gòn đã hình thành một mạng lưới kinh doanh “dịch vụ” ăn mày mà bề nổi của nó là hình ảnh những bà lão, em bé nhếch nhác xin ăn trên đường phố đã quá quen thuộc với người dân thành phố này. Nhưng đằng sau những số phận cùng khổ này là gì? Báo Tuổi Trẻ trong nước đã lần theo dấu vết và một sự thật được phơi bày hết sức tàn nhẫn...

Báo này cho biết: “Từ nhiều tháng qua, người dân khu vực cầu Ðỏ, đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh, ngạc nhiên khi tờ mờ sáng thấy trong một căn nhà trọ ven dòng kênh đen xuất hiện những đứa trẻ quần áo cáu bẩn, mũ đội lụp xụp, các cụ già tay bị tay gậy lũ lượt ra đi và đến tối mịt mới lục tục kéo về.”

Có khi đi bộ, lắm lúc có xe của “người nhà” đưa rước. Họ khá đông, khoảng 30 người và đều nói giọng miền Bắc.

Một chiều mưa lất phất, hai cô bé nhỏ xíu của nhóm người cơ nhỡ này được “người nhà” đưa đến bên hông bến xe miền Ðông. Vừa đến nơi, cô bé nhỏ nhất bắt đầu quì run rẩy dưới chân cột đèn giao thông, chắp tay lạy khách qua đường mỗi khi có đèn đỏ. Quì hơn 10 phút, môi cô bé bắt đầu tím lại và người run lên. Chẳng biết vì lạnh hay do “lập trình” mà cô bé bắt đầu khóc nấc...

Cách đó không xa, cô bé nhỉnh hơn một chút cũng quì trước một quán ăn, khách ngồi trong quán ăn uống, còn bé quì ngoài mưa chắp tay lạy, những đồng tiền lần lượt được chìa ra... Từ phía xa xa, một cô gái ngồi trong quán nước quan sát nhất cử nhất động hai cô bé ăn xin.

Khi cơn mưa vừa dứt, cô gái ngoắc hai cô bé ăn xin lại, hai cô bé tự động trút ngược túi tiền vào tay “cô chủ”. Nhận tiền xong, cả ba gọi một chiếc xe ôm chở tất cả qua đường Ung Văn Khiêm (phường 25, quận Bình Thạnh). Ðến đây, kịch bản “cô bé quì giữa cơn mưa” lại bắt đầu...

Ngày hôm sau, cũng từ ngôi nhà trọ bên cầu Ðỏ, một người đàn ông chở một bà cụ trạc 80 tuổi chạy xuống bến xe miền Ðông, rồi bất ngờ trở ngược lại hướng cầu Ðỏ, đến trước trường Tiểu Học Trí Ðức (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) thì tấp vào lề đường. Bà cụ xuống xe, cặm cụi chống gậy từng bước nặng nhọc đến cây xăng 127 Nơ Trang Long ngửa nón ra xin.

Bà cụ cho biết: “Tôi tên Bàng, quê ở Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Nhà nghèo lắm, nợ nần tùm lum, có anh Minh cùng quê đưa tiền cho tôi trả nợ và bảo tôi theo anh vào miền Nam tìm việc”.

“Cụ nợ bao nhiêu?”, “500,000 đồng! Tôi muốn về lắm nhưng sợ anh Minh không cho”. Cũng như bà cụ, những đứa trẻ ăn xin đều sợ sệt khi nhắc tới cái tên “anh Minh” hay “chú Minh”.

Ðứa bé tên T. khi được hỏi đã rụt rè và trả lời trong nước mắt: “Chú Minh tới nhà đưa cho mẹ trước 500,000 đồng, rồi bảo cho con theo vào miền Nam bán vé số, nhưng vào đây con lại bị bắt đi ăn xin. Con rất muốn về nhà nhưng chú Minh không cho, bảo hợp đồng ký với mẹ con đến hết Tháng Tám chú Minh mới cho về...”

D. cùng tuổi với T. nhưng đã qua tay nhiều “ông chú cùng quê ”. Em cho biết: “Ngày trước ông Thành ở Quảng Thái, Quảng Xương đưa em vào và đưa về Vũng Tàu ăn xin. Ông hứa sẽ gửi về quê cho mẹ em 400,000 đồng/tháng nhưng thật ra chẳng có đồng nào. Mấy tháng sau ông chuyển em qua ông Minh, cũng đều đi ăn xin trên đường chứ không bán vé số gì hết”.

Cứ vào 22 giờ 30 mỗi đêm, căn phòng trọ nhỏ bé chứa gần 30 người lại trở nên chật chội hơn với người đàn ông cao lớn khoảng 40 tuổi bắt đầu “quy trình xem xét” nguồn thu từng người một. Ðó là Minh, người “chăn dắt” bọn trẻ và bà lão từ xứ Thanh xa xôi vào đây hành nghề ăn mày! Gã và hai cô con gái bắt đầu đếm mớ tiền lẻ nhăn nhúm. Những gương mặt “cái bang” lặng lẽ ngồi nhìn.

Ðếm xong, người đàn ông nhặt ra mấy đồng tiền lẻ rồi ngoắc từng đứa trẻ lại. Mỗi đứa trẻ được “thưởng” 2,000-5,000 đồng tùy theo “năng suất làm việc” trong ngày. Bọn trẻ rụt rè nhận tiền với ánh mắt đầy vẻ biết ơn, rồi nhét vào những con heo đất để trên kệ gỗ.

Còn người đàn ông mở khóa chiếc rương to và cất những xấp bạc vào trong khóa cẩn thận. Gần nửa đêm lũ trẻ và bà cụ ăn mày mới được ăn cơm.

Buổi sáng, khi những người ăn xin cất bước ra đi cũng là lúc “chú Minh” thư thả rít thuốc lào một cách sảng khoái và chốc chốc lại “alô” với chiếc điện thoại di động.

Có lần chúng tôi nghe ông ta gọi điện thoại cho ai đó ngoài Thanh Hóa: “Trong này làm ăn được lắm, kiếm thêm người vô nhé!” Mỗi sáng, cứ 8 đến 9 giờ, gã đàn ông bắt đầu công việc “nội trợ” của mình: phóng xe gắn ra chợ, mua bó rau, mấy con cá bé tí cho đội quân ăn mày.

Nhưng với ông ta, rất nhiều buổi trưa lại tổ chức tiệc tưng bừng, chiến hữu là những người đàn ông mặt mày bặm trợn kéo đến ăn nhậu, đánh bạc và cả đánh nhau gây huyên náo cả khu nhà trọ.

Không chỉ ông Minh “chăn dắt” ăn xin, có hàng chục người khác như Yên, Hoàng, Dân, Sáu... cũng là những “ông trùm” trong mạng lưới kinh doanh ăn mày. Mỗi “ông trùm” hùng cứ một nơi, một địa bàn nhất định ở quận 5, quận 6, hay tỉnh Bình Dương... mà “qui luật” hoạt động không khác gì các băng nhóm xã hội đen.

Một đêm, một nhóm thanh niên mặt mày hung tợn, tay cầm mã tấu chạy xe gắn máy vào đập cửa ầm ầm căn phòng trọ của tên Minh: “Thằng Minh đâu ra đây. Sáu Cầy đây. Sao mày cho lính sang làm ăn trên đất của tao? Mai mày ra đường là tao chém ngay”.

Thế nhưng sau khi dàn xếp ổn thỏa, phân chia lại địa bàn, chuyển nhượng, sang tay những người ăn mày khốn khổ là bọn họ lại tổ chức chè chén bù khú liền tù tì với rượu thịt tuôn trào như suối, sống “đế vương” bằng chính đồng tiền của những người khốn khổ mang về.

Vẫn theo báo Tuổi Trẻ, một tháng một lần, vợ Minh từ Thanh Hóa vào gặp chồng và cùng nhau đi đổi tiền. Những tờ tiền lẻ ăn xin 500đ, 1,000đ, 2,000đ được đem đổi thành tiền 50,000đ mới cứng và được xếp thành cục to tướng, sau đó chuyển về quê nhà. Có lần chúng tôi còn nghe Minh khoe với những đồng nghiệp trong khi ngà ngà say rượu: “Mỗi ngày trừ các khoản chi phí cơm nước cho khoảng 30 “nhân viên”, tao bỏ túi không dưới 1 triệu đồng”.

Báo Tuổi Trẻ đã lần theo những đường dây đưa người vào Sài Gòn ăn xin, về các làng quê thuộc huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và phát hiện những sự thật đau lòng...

Những đứa bé ăn xin trên đường phố Sài Gòn đều bị đưa vào Sài Gòn theo một “hợp đồng cho thuê con” do gia đình đứng ra ký sau khi nhận tiền ứng trước của những kẻ chăn dắt.

Ngay khi vừa đến Thanh Hóa, về xã Quảng Ðại tìm ông Viên Văn Xương - người ký vào bản hợp đồng cho con gái là Tuyết đi theo tên Phạm Văn Minh vô Sài Gòn “làm ăn”.

Nhà ông Xương là một căn nhà lụp xụp nằm sâu trong ngõ nhỏ. Một bé gái chừng 15 tuổi, người ốm, nước da đen nhẻm đang ngồi ở góc sân.

Người nhà nói: “Cháu Tuyết đấy. Từ hôm đưa cháu về, tôi yêu cầu gia đình quản lý không cho cháu rời địa phương nữa”. Anh Phạm Văn Gia - anh trai Tuyết - khá ngạc nhiên khi chúng tôi đưa bản hợp đồng cho thuê cháu Tuyết.

Gia lắc đầu: “Có một bà tên Vân ở trong làng đến nhà bảo có người quen trong Sài Gòn cần tìm trẻ đi làm, trả lương cao. Nghĩ bà Vân là người cùng làng mới tin tưởng. Khi Tuyết đi, mẹ tôi chỉ ứng trước của bà Vân 500,000 đồng, không ký hợp đồng gì cả”.

Thấy mọi người đang hỏi chuyện về mình, Tuyết rón rén đến gần. Cô bé vẫn chưa hết bàng hoàng về những ngày vào miền Nam “đi làm”: “Cháu vô Sài Gòn tưởng được đi bán vé số, nhưng hóa ra không phải.”

Người đàn ông tên Minh có vết sẹo trên mặt bắt cháu đi xin ăn và mang tiền về nộp, xin không được thì bị ông ấy đánh thậm tệ. Ông ấy bảo mỗi ngày phải nộp đủ 150,000 đồng, nếu không sẽ bị ăn đòn.

Hôm nào xin được nhiều ông Minh cho 5,000 đồng bỏ heo đất, nhiều hôm xin được khá nhiều nhưng không cho đồng nào. Ngày nào cháu cũng bị đánh. Có đêm đang ngồi ăn ông Minh đánh cháu hộc cơm, mấy ngày không ăn được”.

Anh trai Tuyết nói thêm: “Ở xã ni có nhiều người chuyên đi về các thôn xã để lùng trẻ con đưa vào miền Nam lắm, các anh thử tìm hiểu xem, nhiều người ở Quảng Thái, Quảng Lộc còn kéo nhau qua đây mượn người vô Sài Gòn”.

Tại thôn Phúc Thành, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), chúng tôi không khó khăn khi tìm ra nhà Phạm Văn Minh. Ông H., một người hàng xóm, kể rành mạch: “Nó làm ăn trong Sài Gòn, ít về, vợ nó vừa vào đó ôm tiền về, rồi lại đi tìm con nít mang vào trong đó.”

“Ngày trước, nó vào tù ra khám như cơm bữa. Lâu lâu thấy công an ập đến nhà còng đi vì ăn cắp trên xe tải đường dài trên quốc lộ 1A. Vết sẹo dài trên mặt là do tranh giành bị bọn trấn cướp khác chém đấy...”

Công an xã Quảng Lợi cho biết Phạm Văn Minh sinh năm 1966, đã bị công an tỉnh bắt đi tù nhiều lần vì tội trấn cướp, trong đó có hai lần bị ngồi tù hai, ba năm.

Năm 2002 Minh ra tù, được anh ruột là Phạm Văn Thanh có “thâm niên” cả chục năm trong “nghề” chăn dắt ăn mày truyền “nghề”, rồi y bắt đầu cất công tuyển mộ và đem “lính” vào Sài Gòn.

Theo bà con thôn Phúc Thành, từ ngày chăn dắt ăn mày vào Sài Gòn, cuộc sống gia đình tên Minh phất lên rất nhanh. Từ hai bàn tay trắng, mỗi tháng vợ y lại vào Sài Gòn gom tiền về quê mua sắm tivi, đầu máy, điện thoại di động đời mới, xe máy... Căn nhà cũ nát năm nào khi mới ra tù nay đã được xây mới khang trang.

Một người dân Phúc Thành xót xa: “Người làm chăn dắt như thằng Minh ở đây đầy! Bọn họ về đây còn kháo nhau đủ loại mánh lới làm giàu trên thân xác những số phận đen đủi mà họ gọi là “quân”, “lính” hoặc tệ hơn họ gọi những người đồng hương mà họ bắt đi ăn xin là “trâu, bò”.

Bọn chăn dắt chỉ trong một năm kiếm được cả trăm triệu, nhiều tên bên Quảng Thái còn xây cả biệt thự nữa!”

Nhiều người dân ở Quảng Thái cho chúng tôi biết đã nhiều lần các “trùm” chăn dắt xã này “bắt” người từ các xã khác chở về trên mấy chiếc xe công nông, họ đổ quân về đây trong đêm và sáng sớm hôm sau có đường dây để đưa vào các thành phố lớn phía Nam.

Họ còn gầy dựng một hệ thống đường dây “cò” chăn dắt ở các làng xã là “vệ tinh” để tiện cho việc “chiêu quân” và cả một thị trường chuyển nhượng, sang tay những bà cụ, cháu bé trong miền Nam...

Người đàn bà nghèo khổ kể cho chúng tôi nghe về làng quê nghèo của mình một cách chua chát: “Người dân ở đây nghèo lắm, hễ nghe ai nói mỗi tháng vào miền Nam kiếm được ba bốn trăm ngàn đồng là họ cho con em đi ngay, bất kể vào đó làm gì. Có lúc bọn chúng công khai đi lùng khắp xóm, xã rồi dùng xe công nông chở người về “trung tâm chăn dắt” của những ông, bà “trùm”. Người dân đâu có biết gì”.

người việt online

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.