Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<222324
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#461 Posted : Saturday, April 4, 2020 8:25:53 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Vivaldi và mùa xuân vĩnh hằng

RFI/Tiếng Việt - Hoài Dịu : 04/04/2020
Giữa bể cả thơ nhạc thênh thang, có cuộc gặp gỡ xúc cảm tưởng chừng như tình cờ đã để lại cho chúng ta một kiệt phẩm mà giá trị nghệ thuật của nó vẫn giữ trọn màu tươi tắn như vừa mới chào đời, đó là Tổ Khúc Bốn Mùa của nhà soạn nhạc, nghệ sĩ violon người Ý Antonio Lucio Vivaldi, tính đến nay có tới hơn 1000 phiên bản trình tấu và được biểu diễn nhiều nhất hành tinh.

Bốn Mùa và Vivaldi đã đi vào lịch sử âm nhạc như một biểu tượng chuẩn mực của trường phái baroque. Ông Karol Beffa, nhà lý luận và nhà soạn nhạc đánh giá « Đó là thứ âm nhạc có sự tương phản mạnh mẽ về tính kịch : giữa những sắc thái forte (mạnh) và piano (nhẹ), giữa những đoạn tutti lúc mà cả dàn nhạc cùng chơi và những đoạn chỉ có một nhóm nhạc cụ hay một cây đàn độc tấu… Sự đối lập nhau này chính là trái tim của âm nhạc baroque ».

Vivaldi, một nhà soạn nhạc thành công rực rỡ đặc biệt ở thể loại concerto (một thể loại âm nhạc viết cho nhạc cụ độc tấu cùng dàn nhạc) người đã làm hậu thế kinh ngạc trước một di sản đồ sộ : trong hơn 1000 tác phẩm có 450 bản concerto có tiêu đề và không tiêu đề. Khi mà violon được coi là niềm kiêu hãnh của nước Ý thời bấy giờ, thì sự ra đời của 12 bản concerto cho violon opus số 8 là điều rất dễ giải thích.

Bốn Mùa nằm trong số 12 concerto tinh hoa, mở đầu với lời tựa « sự thử thách giữa hòa thanh và khám phá » trình diễn bởi violon 1, (bè violon chơi ở âm vực cao nhất), violon 2, viola, phần basse continuo (bè basse trình diễn theo số hiệu của hợp âm, hòa thanh) được chơi bằng violoncelle, contrebasse và clavecin.

Tác phẩm xuất bản năm 1725 và thực sự nổi tiếng khắp Châu Âu vào đầu 1728. Tổ khúc bao gồm bốn bản concerto, mỗi bản có tiêu đề thứ tự theo vòng quay của đất trời: concerto số 1 mang tên Mùa Xuân, tiếp theo Mùa Hạ, qua Mùa Thu và kết thúc vào Mùa Đông. Điều khiến người nghe nhạc thích thú ở đây là Vivaldi đã đưa vào từng bản nhạc một cách khéo léo những đoạn sonnet (1 thể loại thơ) để miêu tả. Cụ thể hơn, có đoạn ông đã ghi những chi tiết tương ứng với lời thơ để giải thích ngay trên bản nhạc (vd :chỗ nào là tiếng chó sủa, tiếng chim cu , tiếng gà gáy…)

Trong tạp chí âm nhạc tuần này, tôi xin chỉ mạn bàn về bản concerto số 1 Mùa Xuân, là bản nhạc mở đầu của tổ khúc, mở đầu một vòng luân hoàn của vũ trụ.

Này đây mùa xuân, lũ chim vui tươi mời gọi

Những dòng suối, quyện vào hơi thở nhẹ tênh của làn gió mát

Chảy trong tiếng thì thầm dịu dàng

Ý thơ thật tươi rói, quyện hòa vào nhịp điệu tràn trề nhựa sống, khiến ai không thể chối bỏ cảm giác rạo rực, hưng phấn khi chúa xuân về. Mùa Xuân được chia thành ba chương, mỗi chương tương ứng với một đoạn sonnet do chính Vivaldi tự ứng tác.

Chương 1 (Allegro, giọng Mi trưởng) Giai điệu chủ đạo đôi khi bừng sáng ở cây violon độc tấu, lúc lại dạt dào cùng toàn bộ dàn nhạc. Nếu tinh ý, ta thoảng nghe đâu đó những tia chớp lóe sáng được khắc họa bằng tiếng đàn violon độc tấu hay tiếng sấm ầm ì từ bè contrebasse.

Chương 2 (Largo, giọng Đô thăng thứ), minh họa khổ thơ 3 câu, xuất hiện violon độc tấu, mô tả đàn cừu say ngủ, trong khi viola hóa thân làm tiếng chó sủa văng vẳng đâu đây.

Chương 3 (dana pastorale) viết theo âm hưởng đồng quê, trở lại với tốc độ nhanh.

Quả là bậc thầy khi Vivaldi có thể hòa tan hoàn toàn nét cọ của mình vào thế giới âm thanh, ở đây là đàn dây (violon, viola, violoncel, contrebasse). Trong đó phần độc tấu đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với Vivaldi. Bởi lẽ ông vốn dĩ là một tay chơi violon điêu luyện, mặt khác âm sắc của nó chính là tông màu chủ đạo trong bức họa mang tên Mùa Xuân.

Hãy cùng nghe tiếng chim líu ríu cùng nhau, qua kỹ thuật sử dụng các nốt lặp lại, trille (chơi xen kẽ hai nốt kề nhau với tốc độ nhanh, hay còn gọi là láy) và mordant (âm vỗ)... Làm sao có thể tin rằng, ta có thể cảm nhận ngay cả sự chuyển mình của cơn dông đang về, nhờ vào hàng chuỗi hợp âm rải dồn đuổi. Dàn nhạc và phần độc tấu lúc thì chơi xen kẽ, thoạt lại lắng im như thể đang đối thoại với vạn vật và không gian. Tất cả cùng tạo nên một bức tranh đắp nổi sinh động và chân thật.

Những nghệ sĩ chơi violon chuyên nghiệp không ai không muốn thử sức mình một lần với bản concerto Mùa Xuân và tổ khúc Bốn Mùa nói chung. Có hàng trăm bản ghi âm tác phẩm này nhưng tôi thực sự bị cuốn hút trước lối trình diễn ngẫu hứng từ nghệ sĩ Nigel Kenedy (người Anh), hơn nữa bởi lối chơi đôi khi bông đùa và phong cách khoáng đạt của anh.

Cũng có thể, nhiều người khác lại thích hơn sắc thái đậm chất Ý của dàn nhạc thính phòng mang tên Il Giardino Armonico. Bản thu âm của họ đã từng được France Musique đánh giá là một trong những sản phẩm hay nhất kể từ 25 năm trở lại đây.

Mùa tái sinh của sự sống dần gõ cửa, xuân sẽ tràn đầy khắp nẻo, muôn mặt trong hồn người, hồn trời đất. Âm nhạc, hội họa, thơ ca hay gì đi nữa cũng không nằm ngoài vòng quay của vũ trụ. Mùa xuân trước lùi xa, để lại xuất hiện rực rỡ hơn ,tươi mới hơn, và cũng như vậy Mùa Xuân của Vivaldi ngày nay và về sau luôn được diễn tấu ở nhiều sắc thái độc đáo, phong cách mang tính khám phá nhiều hơn. Đó là giá trị không đổi của sự phát triển nghệ thuật bền vững và vĩnh hằng.

viethoaiphuong
#462 Posted : Saturday, April 11, 2020 12:53:30 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Covid-19 : Các bảo tàng Mỹ đồng loạt sa thải nhân viên



Tuấn Thảo - RFI - 10/04/2020
Tại Hoa Kỳ, đại đa số các viện bảo tàng đều đã phải đóng cửa trước đà lây lan của virus corona. Giới nhân viên tại các bảo tàng là những nạn nhân, cũng như hàng triệu người lao động trong nhiều ngành nghề khác đang bị mất việc. Tính trung bình, các viện bảo tàng Mỹ bị thất thu khoảng 33 triệu đô la cho mỗi ngày đóng cửa.


Kể từ cuối tháng 3, Viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại MoMA ở thành phố New York đã chấm dứt tất cả các hợp đồng của các nhân viên giáo dục có quy chế độc lập. Theo tạp chí chuyên đề Hyperallergic, ban giám đốc MoMA đã thông báo qua email rằng biện pháp sa thải này là hậu quả trực tiếp của cuộc khủng hoảng chưa từng có do đại dịch Covid-19. Tuy Viện bảo tàng MoMA đã tạm thời đóng cửa kể từ ngày 12/03, nhưng đa số các nhân viên vẫn tiếp tục làm việc, họ phụ trách việc nhận đăng ký qua email hay điện thoại và lên chương trình hướng dẫn tham quan cho những tháng tới. Tuy nhiên, các nhân viên này sẽ không được trả lương sau ngày 30/03, và sẽ không nhận được bất kỳ khoản thanh toán nào khác do mọi cam kết hợp đồng trong tương lai đều bị hủy bỏ.

Cũng tại New York, Bảo tàng Mới về Nghệ thuật Đương đại (New Museum of Contemporary Art) kể từ khi phải đóng cửa, đã sa thải gần 1/3 số nhân viên (48 trong tổng số 150), chủ yếu là các nhân viên có hợp đồng ngắn hạn hay bán thời gian. Theo ban quản lý, các nhân viên này vẫn được trả lương cho đến ngày 15/04, và bảo tàng hy vọng sẽ tuyển dụng lại các nhân viên cũ khi điều kiện cho phép. Về phần mình, ông Adam Weinberg, giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney ở New York cũng vừa thông báo sa thải 76 người, tức hơn một nửa số nhân viên.

Tình hình của các viện bảo tàng có uy tín tại các bang khác ở Mỹ cũng không sáng sủa gì hơn, nhất là các cơ sở không có nhiều ngân quỹ hoạt động và lệ thuộc khá nhiều vào việc bán vé cũng như các nguồn doanh thu đến từ việc bán hàng cho khách tham quan. Vào cuối tháng 3, bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Massachusetts (MASS MoCA) tuyên bố sa thải 120 trong số 165 người, tức là 3/4 số nhân viên ở tất cả các bộ phận. Đa phần các nhân viên ở đây làm việc tại quầy bán vé, nhân viên bán hàng quầy lưu niệm, nhân viên thính phòng dành cho các buổi hòa nhạc. Bảo tàng này buộc phải cắt giảm mạnh các chi phí hoạt động, do ngân sách tương đối khiêm tốn, khoảng 14 triệu đô la trong một năm.

Tương tự, Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Los Angeles (MOCA) với ngân sách hoạt động hàng năm là 20 triệu đô la, ngoài việc sa thải 97 nhân viên bán thời gian, còn yêu cầu các nhân viên có hợp đồng dài hạn, lấy ngày nghỉ phép hay nếu có thể làm việc ở nhà, nhưng trước mắt, họ chỉ được trả một phần lương tháng Tư. Viện bảo tàng Hammer tại Westwood cũng đã sa thải 150 sinh viên làm việc bán thời gian, chủ yếu là nhân viên phòng lễ tân, quầy bán vé và phòng triễn lãm. Cả hai bảo tàng này ở Los Angeles đều không nhận được sự hậu thuẫn tài chính của mạnh thường quân hay là trường đại học danh tiếng.


Dịch Covid-19 khiến cho tương lai của nhiều viện bảo tàng Mỹ càng trở nên bấp bênh, nhất là các cơ sở chủ yếu hoạt động nhờ nguồn vốn tư nhân hay nhờ chương trình quyên góp từ các nhà hảo tâm. Đó là trường hợp của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại San Francisco, Viện bảo tàng Nghệ thuật Cleveland cũng như Bảo tàng Nghệ thuật Carnegie ở thành phố Pittsburgh, do bị virus corona ảnh hưởng nặng nề, cho nên đều đang buộc phải sa thải nhân viên.

Hiện giờ, chỉ có những bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ mới có đủ sức chịu đựng làn sóng chấn động của dịch Covid-19. Đó là trường hợp của Viện bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York : Ban quản lý dự trù lấy tiền từ quỹ tài trợ để trả lương cho nhân viên. Bảo tàng Metropolitan có nguy cơ bị thâm hụt ngân sách 100 triệu đô la trong những tháng tới, nhưng cũng nhưMoMA, Metropolitan không ngại ‘‘phá sản’’ sau mùa dịch do ngân sách tài trợ của hai bảo tàng này lên đến cả tỷ đô la.

Tuy nhiên, theo ban giám đốc Metropolitan, phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm trời để viện bảo tàng này tìm lại ngân sách và mức hoạt động bình thường. Ngay cả các viện bảo tàng ‘‘giàu nhất’’ nước Mỹ cũng không có đủ ‘‘tiền mặt’’ để trả lương cho toàn bộ nhân viên trong suốt mùa dịch.

Trước tình trạng khó khăn ấy, nhiều hiệp hội và cơ sở văn hóa đã lên tiếng kêu gọi sự can thiệp của chính quyền liên bang. Một cách cụ thể, các viện bảo tàng hy vọng chính quyền liên bang sẽ tăng ngân sách đóng góp và như vậy giúp cho các bang có thêm luồng dưỡng khí để không khỏi ‘‘chết ngạt’’.

Theo bà Laura L. Lott, giám đốc Liên hiệp các Bảo tàng Mỹ (American Alliance of Museums), các viện bảo tàng ở Hoa Kỳ hiện nay mất ít nhất 33 triệu đô la mỗi ngày, việc đóng cửa đã tác động trực tiếp đến cả trăm ngàn nhân viên trong ngành, kể cả các chuyên gia giám tuyển, thiết kế triển lãm, nhân viên hướng dẫn cũng như an ninh, chuyên viên tiếp khách tham quan, vì theo Cơ quan Liên bang IMLS, nước Mỹ hiện có khoảng 35.000 bảo tàng lớn nhỏ trên khắp lãnh thổ.

viethoaiphuong
#463 Posted : Thursday, April 16, 2020 6:14:05 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Bảo tàng, nhà hát, rap chiếu phim : ngày mở lại vẫn còn xa

Tuấn Thảo - RFI - 16/04/2020
Thư viện, nhà hát, bảo tàng, phòng triển lãm hay rạp chiếu phim : các cơ sở văn hóa là những nơi đầu tiên đã phải đóng cửa từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Tại Pháp cũng như tại các nước Âu Mỹ, các ban quản lý lo ngại rằng các tụ điểm văn hóa chỉ có thể hoạt động bình thường trở lại sớm lắm là vào năm tới.

Trong bài phát biểu tối 13/04/2020, Tổng thống Macron cho biết là lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 11/05, nhưng các quán bar, nhà hàng, khách sạn, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, phòng biểu diễn, sân vận động hay hội trường sẽ vẫn phải tiếp tục đóng cửa. Các liên hoan văn hóa cũng không thể diễn ra ít nhất là cho đến mùa hè, do lệnh cấm "tụ tập" được kéo dài ít nhất là đến tháng 07/2020.

Ngay sau khi có thông báo chính thức, hầu hết các liên hoan lớn ở Pháp đã lần lượt hủy bỏ chương trình. Sau Mùa Xuân thành phố Bourges, đến phiên các liên hoan nổi tiếng khác diễn ra vào mùa hè như liên hoan Avignon (dự trù diễn ra từ ngày 03/07 đến 23/07), Francofolies La Rochelle, Chorégies d’Orange, Eurockéennes Belfort, Nuits de Fourvière, Jazz à Vienne đều đành phải hẹn gặp lại công chúng năm sau.

Trước mắt, chỉ có Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes và liên hoan nghệ thuật múa ở Montpellier Danse, vẫn muốn duy trì sinh hoạt bằng cách dời lại chương trình sang mùa thu, cuối tháng 9 đầu tháng 10. Liên hoan phim hoạt hình Annecy sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 06/2020 nhưng chỉ được tổ chức trực tuyến.

Còn đối với các cở sở văn hóa khác như nhà thờ, bảo tàng, thư viện, phòng hòa nhạc, rạp xinê, nhà hát …. ngày mở cửa trở lại càng xa vời hơn. Theo Bộ Văn hóa Pháp, từng trường hợp sẽ được xem xét và có nhiều khả năng mở lại các cơ sở văn hóa tùy theo tầm cỡ cũng như cách tổ chức.

Một cách cụ thể, việc mở lại Viện bảo tàng Louvre đón tiếp mỗi ngày hàng trăm ngàn khách tham quan đòi hỏi rất nhiều quy tắc cũng như các biện pháp giữ khoảng cách an toàn, tức không dễ so với một cơ sở nhỏ như Bảo tàng Gustave Moreau, chỉ đón tiếp mỗi ngày hàng trăm du khách.

Trước mắt các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’, tránh để cho công chúng đứng hay ngồi quá gần nhau sẽ vẫn được áp dụng cho dù lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, điều đó có nghĩa là các viện bảo tàng mở cửa trở lại dễ dàng hơn so với các rạp chiếu phim hay nhà hát. Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia đại học Harvard, được tạp chí khoa học Science công bố hôm 14/04, các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’ nên tiếp tục được áp dụng (tại Hoa Kỳ) cho tới năm sau, nhẩt là vào mùa đông.

Tại châu Âu, chưa có quốc gia nào dám tuyên bố về thời điểm cụ thể về việc mở lại các cơ sở văn hóa. Tại Ý cũng như tại Tây Ban Nha, kịch bản dỡ bỏ lệnh phong tỏa sẽ được tiến hành từng bước và các biện pháp ‘‘cách ly xã hội’’ được đề nghị áp dụng tại tất cả các nơi công cộng, kể cả các bãi biển hay các trạm nghỉ mát.

Hiện tại, thủ đô Roma đã quyết định mở cửa trở lại các hiệu sách, nhưng phần lớn đều phải tôn trọng việc giữ khoảng cách và như vậy hạn chế rất nhiều số khách hàng có mặt cùng lúc trong cửa tiệm. Dĩ nhiên, các biện pháp này chỉ liên quan đến các cửa hàng nhỏ, chứ nước Ý chưa thể mở lại nhà hát La Scala ở Milano, bảo tàng Uffizi ở Firenze (Florence) hoặc di tích phố cổ Pompei.

Về phần Đan Mạch, quốc gia này đã quyết định đình chỉ các sự kiện văn hóa cho đến cuối tháng 08/2020 và Vương quốc Anh chuẩn bị bước vào một mùa hè không có liên hoan hay lễ hội. Hai nước Áo và Đức vốn có truyền thống tổ chức nhiều liên hoan lớn nhân dịp hè, cũng chưa chắc gì duy trì các sự kiện lớn, vào lúc quyền tụ tập đông đảo vẫn chưa hoàn toàn được phục hồi. Về việc mở lại các cơ sở văn hóa, cho tới giờ này Berlin và Vienna vẫn chưa có kế hoạch rõ ràng.

Ngay cả tại Đức, nơi dịch Covid-19 có tác động tương đối nhẹ, giới chuyên gia cũng không mừng vội và giữ thái độ thận trọng dè chừng. Theo ông Gerald Haug, chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina, các phòng hòa nhạc, các sân vận động cũng như nhiều địa điểm công cộng khác, có thể sẽ phải tiếp tục đóng cửa ít nhất trong vòng 6 tháng, lâu nhất là 18 tháng.

Nhiều người có thể giữ lạc quan, nhưng các chuyên gia vẫn phải dự phóng một kịch bản dài hạn, tức là cho tới mùa tựu trường năm tới. Các sự kiện càng tụ tập đông đảo người tham gia như các trận bóng đá trên sân vận động, càng khó diễn ra, sớm lắm là vào tháng 09/2021.

Bác sĩ Zeke Emanuel, chuyên gia cố vấn tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (National Institute of Health), có cùng quan điểm. Trả lời phỏng vấn báo New York Times, ông ước tính rằng các hội chợ, liên hoan, các buổi hòa nhạc hoặc thi đấu thể thao với một lượng khán giả lớn khó thể nào diễn ra trong năm nay, và các sinh hoạt văn hóa thể thao có thể trở lại mức bình thường sớm nhất là vào mùa thu năm 2021.

Cuối cùng, có nhiều khả năng dịch Covid-19 gây nhiều tác động tâm lý đến mức thay đổi cung cách và thói quen tiêu dùng các sản phẩm văn hóa cũng như cách tổ chức các sinh hoạt giải trí dành cho công chúng.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến gần đây của mạng thông tin Performance Research, 44% số người Mỹ cho biết trong tương lai họ ít muốn tham dự các sự kiện lớn. 49% người Mỹ khá bi quan cho biết là trong nhiều tháng tới họ sẽ không trở lại các rạp để xem phim.

Viễn cảnh này đang khiến làng phim Hollywood đau đầu và buộc ngành kỹ nghệ điện ảnh nói riêng cũng như ngành văn hóa nói chung ngay từ bây giờ phải tìm các biện pháp ứng phó để thích nghi với thời kỳ hậu phong tỏa.

viethoaiphuong
#464 Posted : Friday, April 17, 2020 3:14:58 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nam danh ca Pháp Christophe qua đời


Thanh Phương - RFI - 17/04/2020
Nam danh ca Pháp Christophe, tác giả của những ca khúc bất hủ « Aline » hay « Les mots bleus » vừa qua đời đêm qua, 16/04/2020, thọ 74 tuổi, theo thông báo của gia đình với hãng tin AFP. Bà Véronique Bevilacqua, vợ của Christophe, cho biết ông qua đời vì bệnh khí thủng ( emphysème ) một căn bệnh về phổi.

Ngay khi có tin Christophe phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, giới nghệ sĩ ở Pháp đã bày tỏ xúc động, chúc ông chóng bình phục, trong đó có Michel Ponareff, một trong những nam danh ca cùng thời yéyé với ông.

Mặc dù các bác sĩ đã tận tình cứu chữa, những lời chúc đã không trở thành hiện thực. Christophe đã không đủ sức để chống chọi với cơn bạo bệnh.

Sinh năm 1945, Christophe, tên thật là Daniel Bevilacqua, xuất thân từ một gia đình người Ý nhập cư vào Pháp. Nổi danh từ thập niên 1960, Christophe đã nhanh chóng thoát ra khỏi hình ảnh của một thần tượng thời sixties, để đi theo con đường âm nhạc của riêng ông.

Mê điện ảnh, mê sưu tập dĩa, chuyên sống về đêm, Christophe còn nổi tiếng là một nghệ sĩ rất cầu toàn và cũng cởi mở với những xu hướng nghệ thuật mới, luôn luôn canh tân âm nhạc của ông. Nhạc của Christophe cho tới nay vẫn không bị lỗi thời, bằng chứng là hai album mới nhất của ông ra năm ngoái, "Christophe, etc", vol 1 và vol 2, đã được công chúng tán thưởng nồng nhiệt, nhất là vì trong đó Christophe song ca với các ca sĩ đủ mọi thế hệ để trình bày lại các ca khúc tiêu biểu của ông.

Trước khi bệnh trở nặng phải nhập viện, dù đã ở tuổi 74, Christophe đã dự kiến tiếp tục lưu diễn tại Pháp, nhưng do tình hình dịch Covid-19, ông đã phải dời lại các buổi biểu diễn.

Nhạc sĩ Jean-Michel Jarre, người viết lời hai ca khúc « Les Mots Bleus » et « Paradis Perdus » cho Christophe, ca ngợi ông là « một trong những ca sĩ lớn nhất của Pháp. Đối với Jean-Michel Jarrre, Christophe còn hơn là một nhạc sĩ, mà là một người thợ may của âm nhạc. Đó là một nhân vật có một không hai »

Trên mạng Twitter, bộ trưởng Văn Hóa Pháp Franck Riester viết : « Với sự ra đi của Christophe, âm nhạc Pháp mất đi một phần tâm hồn của mình»
viethoaiphuong
#465 Posted : Saturday, April 18, 2020 12:53:10 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Christophe, một người nghệ sĩ cầu toàn

Thanh Phương - RFI - 17/04/2020
Sinh năm 1945, Christophe, tên thật là Daniel Bevilacqua, xuất thân từ một gia đình người Ý nhập cư vào Pháp. Từ nhỏ ông đã say mê âm nhạc, từ nhạc Pháp, nhạc blues cho đến nhạc rock, đến mức bỏ cả chuyện học hành. Ông học guitare và harmonica, rồi khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với nhóm « Danny Baby et les Hooligans ». Sau đó, Christophe tách ra hát riêng và đã nhanh chóng khẳng định tên tuổi trong làng nhạc Pháp.

Ca khúc nổi tiếng thế giới « Aline » của ông, ra mắt khán giả vào năm 1965, đã bán được đến một triệu bản ở Pháp và Bỉ, thậm chí vào năm 1966 đã có lúc đứng đầu bảng ở Israel! Christophe kể lại rằng ông đã viết nên bài hát này trên chiếc guitare chỉ trong vòng 15 phút khi đến ăn trưa ở nhà người bà. Ca khúc này ban đầu được sáng tác theo thể loại nhạc blues của Mỹ ( mà thuở nhỏ Christophe rất mê ), nhưng sau đó khi thâu vào dĩa được hòa âm lại thành một giai điệu mang tính pop hơn.

Nhưng Aline là cô gái nào mà Christophe kêu gào say đắm như vậy ? Mãi cho đến gần đây, Christophe mới tiết lộ đó chính là một cô gái Ba Lan có tên Aline Natanovitch, trợ lý của ông nha sĩ mà Christophe đến chữa răng. Chắc là cô này có nét đẹp quyến rũ đến mức làm xao xuyến tâm hồn của nhà ca sĩ trẻ. Nhưng theo lời kể của Christophe, sau một đêm mưa bão, Aline đã mất hút, không thấy trở lại nữa. Thành ra, bài hát Aline mới bắt đầu bằng câu: “ J’avais dessiné, sur le sable. Son doux visage qui me sourait. Puis il a plu sur cette plage. Dans cet orage, elle a disparu. Et j’ai crié, crié : « Aline » pour qu’elle revient. Et j’ai pleurré, pleuré, oh ! j’avais trop de peine »

Tiếp theo « Aline » là một loạt những thành công khác đưa tên tuổi Christophe lên ngang hàng với những nam danh ca thời ấy : « Les Marionnettes », « Oh mon Amour », « Main dans la main », « Belle »...

Một trong những album đánh đấu sự nghiệp âm nhạc của Christophe đó là « Les mots bleus », ra mắt công chúng năm 1974, mà trong đó ông nhờ nhạc sĩ Jean-Michel Jarre viết lời như đã từng viết lời cho album trước đó của Christophe “ Les paradis perdus”. Ca khúc “Les mots bleus” diễn tả nỗi lòng của một chàng trai quá rụt rè để tỏ tình bằng lời, mà chỉ có thể nói yêu nàng “bằng ánh mắt”

Christophe là một ca nhạc sĩ rất cầu toàn, mỗi album mà ông cho ra mắt công chúng đều được ông trao chuốt cho đến khi nào thật hoàn hảo theo ý của ông.

Trong album studio thứ 15 mang tên “Les Vestiges du Chaos” mới trình làng đầu tháng 4/2016, Christophe đã đưa vào đó những thể nghiệm mới về âm thanh, vẫn với niềm say mê âm nhạc vẫn không phai dù lúc đó ông đã bước vào tuổi 70. Christophe đã từng thổ lộ: “ Tôi vẫn sáng tác với cùng một triết lý như hồi tôi còn 15 tuổi, vẫn không có gì thay đổi, ngoại trừ công nghệ… »

Có thể nói « Les Vestiges du Chaos » là thành quả của 50 ca nhạc của Christophe, một tác phẩm mà ông đã dành ra đến 7 năm trời để thực hiện và đã được công chúng sốt ruột chờ đợi.

Thật ra, đối với Christophe, ca từ không quan trọng bằng tiếng nhạc, nói nôm na là cứ để tiếng nhạc đi trước, tự khắc lời ca sẽ theo sau. Với « Les Vestiges du Chaos », Christophe đưa chúng ta vào một thế giới đầy màu sắc của âm thanh, qua 13 ca khúc với các thể loại nhạc từ blues cho đến nhạc électro-rock, mà trong đó ông sử dụng rất nhiều giai điệu nhạc điện tử, với sự tham gia của những nhạc sĩ tên tuổi trong lĩnh vực này, chẳng hạn như bài « Dangereuse », với phần đệm nhạc của Jean-Michel Jarre.

Tuy Christophe tuổi đã cao nhưng album “ Les Vestiges du Chaos” lại rất « hiện đại » và vẫn thích hợp cho mọi lứa tuổi. Trong album mới, Christophe đã dành ra một bài hát tựa đề « Lou », để tưởng niệm Lou Reed, nam danh ca Mỹ, tác giả của những ca khúc nổi tiếng như "Walk on the wild side", vừa qua đời cách đây 3 năm.

Là một nghệ sĩ rất cầu toàn, Christophe cũng rất cởi mở với những xu hướng nghệ thuật mới, luôn luôn canh tân âm nhạc của ông. Nhạc của Christophe cho tới nay vẫn không bị lỗi thời, bằng chứng là hai album mới nhất của ông ra năm ngoái, "Christophe, etc", vol 1 và vol 2, đã được công chúng tán thưởng nồng nhiệt, nhất là vì trong đó Christophe song ca với các ca sĩ đủ mọi thế hệ để trình bày lại các ca khúc tiêu biểu của ông.
viethoaiphuong
#466 Posted : Wednesday, April 22, 2020 5:34:54 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Covid-19 : phim "video theo yêu cầu" đắt khách tại Pháp

Tuấn Thảo - RFI - 21/04/2020
Kể từ khi có lệnh phong tỏa, thú xem phim ở nhà đã thay thế cho việc đi xem phim ở rạp. Chưa bao giờ, các mạng chiếu phim ‘‘video theo yêu cầu’’ lại thu hút đông đảo khán giả như lúc này. Bên cạnh các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+, người Pháp còn đặc biệt ủng hộ các mạng độc lập, nơi họ dễ tìm thấy các tác phẩm kinh điển của Pháp hay Âu Mỹ.

Nằm ở vùng ngoại ô phía bắc Paris, công ty TitraFilm (được thành lập từ năm 1933) hoạt động liên tục từ khi nước Pháp ban hành lệnh phong tỏa. Mặc dù hãng này buộc phải đóng cửa văn phòng, nhưng đại đa số nhân viên đều làm việc từ xa. Các chuyên viên kỹ thuật cũng như nhóm biên tập phụ trách công việc dịch thuật, làm phụ đề cho phim, rồi mã hóa tải lên máy chủ. Hàng tuần, công ty này nhận khoảng 300 phim truyện và phim truyền hình, trong đó có các tác phẩm của đạo diễn Pháp Michel Hazanavicius "Le Prince Oublié" (Vị Hoàng tử bị lãng quên) hay đạo diễn Tây Ban Nha Alejandro Amenabar "Lettre à Franco" (Thư gửi tướng Franco).

Theo giám đốc thương mại Stéphane Chirol, do các biện pháp cách ly, công ty TitraFilm buộc phải đình chỉ khâu lồng tiếng, toàn bộ êkíp chuyên làm phụ đề cho các rạp chiếu phim nay đều được chuyển sang làm việc cho khâu video theo yêu cầu (gọi tắt là V.O.D).

Trước đây, giới chuyên ngành nghĩ rằng thị trường ‘‘video theo yêu cầu’’ đã quá đầy đủ với các mạng lớn như Netflix, Amazon Prime & Disney+, chưa kể đến các bộ phim được chiếu miễn phí trên các kênh truyền hình, nhưng rốt cuộc thời gian phong tỏa cho thấy là người Pháp có nhiều sở thích khác và chính nhu cầu xem phim đã đem lại lợi nhuận cho các mạng độc lập như UniversCiné, FilmoTV, LaCinetek, LaToile, Tënk, Carlotta Studio hay Médiathèque Numérique ….. Theo anh Romain Dubois, giám đốc tiếp thị của mạng UniversCiné, giờ cao điểm là khoảng 21 giờ (tức sau giờ ăn tối) nhưng kể từ buổi chiều, lượng người truy cập bắt đầu tăng lên và sự gia tăng này lại càng rõ nét trong thời gian phong tỏa do đa số người Pháp đều buộc phải ở nhà.

Còn theo ông Vincent-Paul Boncour, giám đốc Carlotta Studio, công ty này vừa thành lập trang web dành riêng cho dòng phim xưa bao gồm nhiều tác phẩm kinh điển được xếp vào hàng "di sản văn hóa". So với người Anh Mỹ, người Pháp trước đây ít dùng dịch vụ VOD, nay nhu cầu xem phim cũng tăng lên với lệnh phong tỏa, nhưng ‘‘gu’’ xem phim của họ cũng có phần khác biệt. Chẳng hạn như khán giả Pháp thích xem vua hề Louis de Funès và họ khám phá toàn bộ các bộ phim này qua các mạng VOD thay vì xem phim được phát lại trên các đài truyền hình (gần đây đã có chiếu lại La Folie des Grandeurs, Rabbi Jacob, loạt phim Les Gendarmes de Saint Tropez …)

Nhờ vậy, các mạng ‘‘phim xưa’’ đã có thêm hàng trăm người đăng ký mỗi ngày. Các mạng video theo yêu cầu cũng ăn khách một phần nhờ quảng cáo trên các mạng xã hội, cũng như qua báo chí truyền thông, các bài phân tích về các đợt phát hành phim video mới đã thay thế các bài phê bình hàng tuần khi phim được cho ra mắt khán giả ở rạp.

Trên mạng LaCinetek, các bộ phim ăn khách thường được tuyển chọn bởi các nhà đạo diễn tên tuổi như Jacques Audiard hay James Gray, Pascale Ferran hay Cédric Klapisch ….. Các đạo diễn này thông qua những đoạn video ngắn giải thích vì sao một số tác phẩm được đánh giá là quan trọng đối với nghệ thuật thứ bảy. Theo anh Jean-Baptiste Viaud, kể từ khi có những danh sách chọn lọc của các nhà làm phim trứ danh, số lượng người truy cập đã được nhân lên gấp 5 lần. Trong đó, có khoảng 13.000 người mỗi tuần đăng ký xem phim video trên danh sách "phim hay trong tháng".

Trên mạng UniversCiné, trang web này tập trung giới thiệu các tác phẩm mới như "Les Misérables" của đạo diễn Ladj Ly hay là "Gloria Mundi" của Robert Guédiguian. Theo giám đốc Romain Dubois, kể từ tháng 03/2020 UniversCiné đã tăng gấp đôi lượt khách truy cập so với cùng thời điểm năm ngoái, mạng này thu hút trên 800.000 lượt khách mỗi tháng và số lượng thuê phim video đạt tới mức 3.000 tựa phim mỗi ngày.

Nếu như các mạng Netflix, Amazon Prime hay Disney+ có một bộ sưu tập khổng lồ với hàng chục ngàn tựa phim, thì ngược lại cách sắp xếp tổ chức đối với nhiều khán giả lại không dễ tìm kiếm. Thư viện phim càng lớn chừng nào, mục lục lại càng phải chi tiết với nhiều tag chuyên đề chừng nấy. Trên các mạng phim độc lập, ‘‘kho lưu trữ’’ phim có thể nhỏ hơn, nhưng đổi lại giới yêu chuộng điện ảnh tìm thấy trong cách trình bày và giới thiệu phim một công việc biên tập thực sự. Mạng Tënk có trụ sở tại vùng Ardèche và chỉ cung cấp phim tài liệu với phần giới thiệu nội dung khá đầy đủ.

Trên mạng FilmoTV, bộ sưu tập khá đa dạng bao gồm dòng phim hình sự của Frank Capra cho đến phim hài của Alain Chabat, những bộ phim câm trắng đen theo kiểu vua hề Charlot có cùng một ‘‘chỗ đứng’’ với phim zombie của Hàn Quốc. Theo ông Jean Ollé-Laprune, phim thường được giới thiệu bởi một nhà phê bình, trả lời ba câu hỏi trong vòng ba phút. Đây là cơ hội để khám phá hay xem lại những bộ phim khác của nhiều đạo diễn khác nhau.

Trên mạng Carlotta Studio, mỗi tác phẩm kinh điển ngoài lời giới thiệu, còn có thêm những bài phân tích có giá trị, chẳng hạn như tuần này có giới thiệu dòng phim của Milos Forman hay là tác phẩm "The King of New York" của đạo diễn Abel Ferrara. Với lối tiếp cận gần giống như Viên lưu trữ phim ảnh Pháp Cinémathèque Française, các bộ phim này đặc biệt được giới sành điệu hay các sinh viên khoa điện ảnh đặc biệt hưởng ứng, chẳng hạn như phim "Monsieur Klein" với Alain Delon của Joseph Losey, phim "Lacombe Lucien" của Louis Malle, hay phim "L’Armée des Ombres" của Jean-Pierre Melville với một dàn diễn viên hùng hậu như Simone Signoret, Lino Ventura hay Paul Meurisse nói về thời kháng chiến chống Đức quốc xã những năm 1939-1945.

Nhu cầu xem video theo yêu cầu cũng gia tăng kể từ khi trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp CNCn cho phép phát hành trực tiếp trên mạng, chứ không cần phải chờ thời hạn 4 tháng giữa ngày ra mắt ở rạp và thời điểm chiếu video. Trong tháng 04/2020, khoảng 30 bộ phim mới dành cho xinê, lại được xem qua video ở nhà, trong đó có tác phẩm mới "Le Cas Richard Jewell" của Clint Eastwood, các phim Pháp như ‘‘Les Traducteurs’’ của Régis Roinsard, phim hài "Mine de rien". Theo nhà phân phối François Clerc, không ai biết được chừng nào các rạp chiếu phim sẽ mở cửa trở lại. Từ đây cho tới cuối tháng 06/2020, các nhà phân phối phim ở rạp sẽ bị thất thu lớn vì không khai thác được 200 tựa phim (tức khoảng 20 phim mới mỗi tuần). Việc phát hành qua video trực tuyến là một trong những cách để phần nào bù đắp những thiệt thòi do dịch Covid-19 gây ra …

viethoaiphuong
#467 Posted : Friday, April 24, 2020 3:01:32 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Netflix mua quyền chiếu phim Pháp kinh điển

Tuấn Thảo - RFI - 24/04/2020
Kể từ hôm 24/04/2020, mạng Netflix của Mỹ cho phát hành 50 tác phẩm kinh điển. Loạt tác phẩm này được dẫn đầu với dòng phim của đạo diễn Pháp François Truffaut. Đôi khi bị chỉ trích là chuyên phổ biến dòng phim thương mại, Netflix đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục, bằng cách hợp tác và khai thác ‘‘tủ phim’’ của nhà phân phối Pháp MK2.

Không phải ngẫu nhiên mà trong bước đầu Netflix cho phát hành 12 bộ phim nổi tiếng nhất (trong số 21) của François Truffaut. Qua đời vào năm 1984, đạo diễn Pháp cùng với Jean-Luc Godard là hai gương mặt hàng đầu của phong trào điện ảnh Nouvelle Vague (Làn sóng mới). Lúc sinh tiền, François Truffaut là một trong những đạo diễn Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài và được khá nhiều đồng nghiệp cùng thời ngưỡng mộ, kể cả Steven Spielberg và Francis Ford Coppola.

Giới yêu nghệ thuật thứ bảy được dịp khám phá lại kiệt tác "Les 400 coups" (phát hành vào năm 1959), bộ phim đầu tiên mà François Truffaut đã dành cho cậu bé Antoine Doisnel, một nhân vật hư cấu nhưng phản ánh nhiều điều thú vị về gia cảnh cũng như câu chuyện của bản thân nhà đạo diễn thời ông còn nhỏ tại Paris những năm 1950. Trong vòng 20 năm sau đó, đạo diễn Pháp đưa người xem theo dõi câu chuyện của cậu bé Antoine qua nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời nhân vật, thời mới biết yêu trong bộ phim ‘‘Baisers volés’’, thời lập gia đình trong ‘‘Domicile Conjugal’’, thời chia tay khi tình yêu vụt bay trong ‘‘L’Amour en fuite’’ (phát hành vào năm 1979)…

François Truffaut còn nổi tiếng là đạo diễn biết đề cao các vai nữ trong cách đặt ống kính và hướng góc nhìn về tâm lý nhân vật. Khán giả khám phá lại nụ cười có duyên của Françoise Dorléac trong phim ‘‘La Peau douce’’ (Làn da mềm mại), vẻ đẹp kiêu sa dù khá lạnh lùng của Catherine Deneuve trong ‘‘Le Dernier Métro’’ (Chuyến tàu cuối cùng), sự quyến rũ lạ thường của Fanny Ardant trong phim ‘‘La femme d’à côté’’(Cô láng giềng), nét hồn nhiên ngây thơ của Julie Christie trong phim ‘‘Fahrenheit 451’’, dựa theo tác phẩm khoa học viễn tưởng của Ray Bradbury. Dĩ nhiên, một trong nữ diễn viên từng đóng phim Truffaut rất trội vẫn là Jeanne Moreau, đặc biệt trong tác phẩm "Jules et Jim" nói về mối tình tay ba đầy sóng gió, phóng tác từ tiểu thuyết cùng tên của Henri-Piere Roché, mà đạo diễn François Truffaut từng đánh giá là quyển tiểu thuyết lãng mạn nhất mà ông được đọc để hiểu hơn về duyên phận kiếp người trong "cơn lốc cuộc đời" (Le Tourbillon de la Vie).

Sau dòng phim Truffaut trong tháng 04/2020, mạng Netflix sẽ tiếp tục khai thác bộ sưu tập của MK2, công ty phân phối này nổi tiếng ở Pháp nhờ các rạp xinê thiên về dòng phim nghệ thuật nhiều hơn là phim thương mại. Netflix lần lượt đưa vào danh mục các tác phẩm nhạc kịch theo kiểu Pháp của đạo diễn Jacques Demy, tác giả của hai bộ phim "Les Demoiselles de Rochefort" và "Les Parapluies de Cherbourg". Trong thể loại phim hài, Netflix đã mua quyền khai thác trên mạng trong những tháng tới, nhiều bộ phim của Charlie Chaplin (vua hề Charlot) do MK2 nắm giữ tác quyền, kế theo đó là phim của đạo diễn Alain Resnais, phía châu Âu có phim của đạo diễn người Serbia Emir Kusturica, nhà làm phim hai quốc tịch Áo-Pháp Micheal Haneke, đạo diễn người Ba Lan Kieslowski, phía Bắc Mỹ có Xavier Dolan người Canada hay David Lynch đến từ Hoa Kỳ…

Tất cả những tên tuổi này (chủ yếu là châu Âu) giúp cho nguồn phim của Netflix trở nên phong phú, đa dạng hơn. Giới ghiền xem phim truyền hình nhiều tập vẫn mê theo dõi ‘‘Kingdom’’, phim lịch sử cổ trang của Hàn Quốc kết hợp với thây ma và xác sống hay ‘‘La Casa de Papel’’ (Phi vụ triệu đô) của Tây Ban Nha. Giới thích xem phim của các đạo diễn có nhãn quan độc đáo riêng biệt cũng có thể tìm thấy hầu như toàn bộ các tác phẩm của Martin Scorsese (Mean Streets, Goodfellas ‘‘Les Affranchis’’, Sòng bạc Casino, Bí mật đảo Shutter), hay các tác phẩm của đạo diễn Tarantino (Reservoir Dogs, Pulp Fiction, hai tập phim Kill Bill...) Dòng phim Clint Eastwood cũng hiện diện trên mạng nhưng ít hơn (Gran Torino, Space Cowboys, Mystic River). Gần đây hơn nữa, Netflix đã chuyển hướng sang dòng phim hoạt hình với các tác phẩm của đạo diễn Nhật Bản Hayao Miyazaki.

Tuy nhiên, giới yêu chuộng ‘‘điện ảnh thế giới’’ cho tới giờ này vẫn nhận thấy mạng Netflix còn thiếu khá nhiều tác phẩm ‘‘quan trọng’’ của làng nghệ thuật thứ bảy, trong đó có các tác phẩm châu Âu từng đoạt giải nhất tại ba liên hoan lớn là Venise, Berlin và Cannes. Ngoài ra, các nền điện ảnh đã tỏa sáng từ lâu như Iran hay Thổ Nhĩ Kỳ hay đang trỗi dậy như Arhentina hay Hungary dù cho ra lò nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng dường như vẫn chưa đủ ‘‘tiềm năng’’ thương mại để hiện diện trên mạng Netflix.

Đối với công ty phân phối MK2, việc nhượng lại một phần quyền khai thác bộ sưu tập phim kinh điển là một cách để tạo thêm nguồn thu nhập, vào lúc các rạp xinê của công ty này nói riêng và của ngành phân phối phim nói chung đều phải đóng cửa. Còn đối với Netflix, việc hợp tác để có thêm nguồn cung cấp là nhằm để thu hút nhiều đối tượng khán giả khác. Theo công ty tư vấn FutureSource, trong thời gian phong tỏa, Netflix đã thu hút thêm 6 triệu thành viên, lên đến 15,8 triệu người đăng ký so với 9,5 triệu, so với cùng thời điểm năm 2019. Trên toàn cầu, Netflix hiện có hơn 183 triệu người đăng ký.

Trong cuộc chạy đua giành lấy thị phần phim video trực tuyến, mạng Netflix đã muốn tạo thêm nét mới lạ khác biệt, đa dạng hóa nguồn phim nhất là các nguồn đến từ châu Âu. Thị trường phim trực tuyến gồm nhiều đối thủ cạnh tranh đáng gờm là Disney+, Apple TV hay là Amazon Prime. Tuy nhiên, về mặt bản chất cũng như cơ cấu, Netflix và MK2 rất khác nhau. Việc đôi bên chấp thuận rồi ký kết hợp tác (vì cả hai phía đều có lợi trong thời buổi hiện nay) trước sau gì vẫn là một cuộc ‘‘hôn nhân’’ vì lý trí nhiều hơn là vì tình cảm.

viethoaiphuong
#468 Posted : Saturday, October 8, 2022 12:39:48 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thomas Dutronc song ca với bố trên tuyển tập tái bản ''Frenchy''

08/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Tại Pháp, ca sĩ Thomas Dutronc xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ rất nổi tiếng. Mẹ anh là Françoise Hardy, thần tượng nhạc Pháp từ những năm 1960. Còn thân phụ là ca sĩ kiêm tác giả Jacques Dutronc. Bản thân Thomas đã từng sáng tác cho mẹ anh một số bài hát trên tập nhạc ''Clair Obscur''. Còn với bố, anh vừa phát hành trong mùa hè năm nay bản song ca ''J'aime les Filles''.

Sự kiện Jacques và Thomas Dutronc hát chung trên cùng một sân khấu cũng không có gì đáng ngạc nhiên cho lắm. Hai bố con từng hợp tác nhiều lần với nhau kể từ năm 1995, thời Thomas Dutronc còn là một nhạc sĩ ghi ta chuyên về nhạc jazz và chưa thật sự bước vào nghề ca hát. Đến khi Thomas thành danh, hai cha con mới làm việc chung như hai đồng nghiệp, họ bổ sung cho nhau vì hai nghệ sĩ này đến từ hai phương trời khác biệt (Jacques Dutronc chuyên hát nhạc rock, Thomas Dutronc thích chơi nhạc jazz du mục). Bài song ca ''J'aime les Filles'' là trích đoạn đầu tiên của album phòng thu gồm các bản phóng tác mà hai cha con con Dutronc sẽ trình làng vào đầu tháng 11/2022.

Hạnh phúc đầu tiên trong ngày : Françoise Hardy và Clara Luciani

Trong khi chờ đợi album mới, Thomas Dutronc vừa cho tái bản album phòng thu thứ tư của mình với tựa đề ''Frenchy''. Mặc dù được đặt tựa tiếng Anh, nhưng album gồm rất nhiều ca khúc kinh điển tiếng Pháp. Ngoài các giai điệu như La vie en rose, La belle vie, C'est si bon, hay My Way, còn có một số ca khúc ăn khách gần đây như ''Playground Love'' của ban nhạc Air, hay ''Get Lucky'' của nhóm Daft Punk phối theo điệu swing. Thomas đã mời nhiều nghệ sĩ quốc tế trứ danh cùng ghi âm với anh, trong đó có diva nhạc jazz người Canada Diana Krall, ca sĩ Hàn Quốc Youn Sun Na, ngôi sao nhạc rock người Mỹ Iggy Pop, ca sĩ chính của nhóm ZZTop Billy Gibbons, hay diễn viên kiêm ca sĩ Mỹ Jeff Goldbum …..

Trong lần tái bản album mang tựa đề ''Frenchy'', Thomas Dutronc chủ yếu mời nhiều ca sĩ Pháp như Jane Birkin, Étienne Daho, Eddy Mitchell và ngay cả bố anh là Jacques Dutronc cũng góp giọng trên album này qua việc ghi âm các bản nhạc bổ sung. Còn về phía Françoise Hardy, do sức khỏe quá yếu cho nên nữ danh ca đã không tham gia vào album của con trai mình. Thomas vẫn dành nhiều tình thương cho mẹ anh khi ghi âm lại một ca khúc rất nổi tiếng của Françoise Hardy. Nhạc phẩm ''Le premier bonheur du jour'' (Hạnh phúc đầu tiên trong ngày), từng ăn khách vào năm 1963, nay được Thomas ghi âm lại với giọng ca Clara Luciani, mà giới phê bình thường hay so sánh với một Françoise Hardy thời còn trẻ.

Tuy xuất thân từ một gia đình có dòng máu nghệ sĩ, Thomas Dutronc đã đắn đo một thời gian khá dài trước khi nối nghiệp song thân. Sinh năm 1973, Thomas ban đầu chọn theo học ngành điện ảnh vì anh nuôi mộng làm đạo diễn, chứ không muốn trở thành ca sĩ. Sau khi tốt nghiệp, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống, tự học đàn ghi ta rồi đi biểu diễn trong các nhóm nhạc jazz độc lập. Thay vì trở thành đạo diễn anh lại tìm ra cách dung hòa đam mê điện ảnh với sở thích chơi nhạc chuyên nghiệp : sáng tác nhạc phim. Trong vòng 5 năm, từ năm 2003 đến 2008, Thomas đã gặt hái khá nhiều thành công nhờ dày công đeo đuổi lãnh vực này, bên cạnh việc sáng tác ca khúc cho nhiều ca sĩ khác.

Từ sáng tác cho Salvador cho đến giai điệu ''Nụ hoa nhỏ''

Mãi đến năm 2007, Thomas Dutronc mới cho ra mắt album ca nhạc đầu tay với tư cách là ca sĩ kiêm tác giả. Tài năng của anh đã thật sự chín muồi và loại nhạc jazz du mục mà anh đeo đuổi, đem lại cho thế hệ trẻ cầm bút sáng tác một luồng sinh khí mới. Tập nhạc đầu tiên này có nhiều nét khôi hài dí dõm, mang ảnh hưởng của Henri Salvador mà anh đã có dịp hợp tác trên tập nhạc ''Chambre avec vue'' của ông vào năm 2000. Nhờ có nhiều kinh nghiệm tay nghề, cho nên album đầu tiên ghi âm khá trễ vào năm 34 tuổi, lại giúp cho Thomas Dutronc lập kỷ lục số bán, hai lần đạt mức đĩa bạch kim.

Bản nhạc chủ đề của album ''Comme un manouche sans guitare'' (Kẻ du mục không đàn cũng chẳng khác gì ''cà phê không đường'') đoạt giải thưởng âm nhạc Pháp Victoires de la Musique 2008 dành cho sáng tác gốc hay nhất trong năm. Từ đó đến nay, Thomas chỉ cho ra mắt 4 album phòng thu, chủ yếu cũng vì anh tham gia cùng lúc vào nhiều dự án tập thể, càng đa dạng càng tốt, bản thân anh cảm thấy hợp hơn với các kiểu sinh hoạt theo nhóm, chứ không thích các dự án solo.

Tuy còn non tay nghề trong những năm tháng đầu đời, Thomas Dutronc chưa hề dựa vào song thân hay gia thế để làm nên tên tuổi. Sự nghiệp cá nhân là do bản thân anh tự tay gầy dựng. Giờ đây, Thomas Dutronc đã trở thành một nghệ sĩ thực thụ, được giới chuyên môn hay các đồng nghiệp công nhận. Ngoài tài nghệ chơi đàn ghi ta, anh còn có cái tài hòa âm phối khí. Nhờ các bản phối nhạc jazz, mà tập nhạc ''Frenchy'' trong lần tái bản càng được thăng hoa bay bổng như trong giai điệu ''Petite Fleur'' (của hai tác giả Fernand Bonifay và Sidney Bechet) như một nụ hoa nho nhỏ khiêm nhường, quả mọng đo đỏ ven đường, mà bỗng thơm ngát mùi hương cho lòng xao xuyến vấn vương.



viethoaiphuong
#469 Posted : Monday, October 24, 2022 11:29:29 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Aimer, tập nhạc cuối cùng của Serge Lama

15/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
''Aimer'' (Yêu) là nhạc phẩm chủ đề trích từ album cùng tên của ca sĩ kiêm tác giả Serge Lama vừa được phát hành hồi trung tuần tháng 10/2022. Album này gồm 12 sáng tác mới, viết cùng với nhạc sĩ Pháp Jean-Claude Petit, người bạn đồng hành trung thành với ông từ nhiều thập niên qua. Theo lời nam danh ca, tập nhạc này là album cuối cùng, khép lại một sự nghiệp trải dài trên hơn nửa thế kỷ.

Thông thường, sau khi trình làng một tập nhạc mới, giới nghệ sĩ đi biểu diễn để quảng bá cho album này. Với Serge Lama, không hề có kế hoạch ấy, do ông đã quyết định ngưng hát trên sân khấu từ cuối năm 2021. Cũng như nam danh ca người Anh Elton John, Serge Lama đã bất đầu đợt lưu diễn cách đây hai năm, để ngõ lời tri ân và đồng thời giã từ khách hâm mộ. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã buộc ông phải hủy bỏ liên tục nhiều buổi trình diễn. Đến khi sinh hoạt gần như đã trở lại mức bình thường, Serge Lama lại gặp thêm nhiều vấn đề sức khỏe. Đồng tác giả của nhạc phẩm ''Je suis malade'' lại ''lâm bệnh'' theo nghĩa đen, chứ không còn ''Tương Tư'' theo nghĩa bóng. Nhạc phẩm này từng được tác giả Lê Xuân Trường đặt thêm lời Việt thành nhạc phẩm ''Không cần nói'' qua phần trình bày của nữ ca sĩ Angela Trâm Anh.

Bong bóng càng mong manh sau tai nạn trong đời

Sức khỏe của Serge Lama thật ra đã yếu dần do liên tục dùng thuốc giảm đau từ hơn nửa thế kỷ qua, sau tai nạn xe cộ. Vào mùa hè năm 1965, ông gặp tai nạn giao thông khi lưu diễn ở miền nam nước Pháp, cùng với nam ca sĩ Marcel Amont. Người vợ sắp cưới của ông thời ấy (Liliane Benelli, chuyên chơi đàn cho nữ danh ca Barbara) cũng như anh trai của Enrico Macias (Jean-Claude Ghrenassia) đều tử nạn tại chỗ, chỉ có Serge Lama thoát chết. Tuy nhiên, nam ca sĩ lại bị chấn thương trầm trọng, buộc phải trải qua 14 lần giải phẫu trong hai năm sau đó. Khi phải nằm liệt giường, Serge Lama tận dụng thời gian dưỡng thương để sáng tác. Nhiều ca khúc ăn khách của tác giả từng được viết trong giai đoạn này, kể cả nhạc phẩm ''Les ballons rouges''.

Hình hài không nguyên vẹn, quả bóng càng mong manh. Qua cách dùng ẩn dụ ''Những quả bong bóng đỏ'' trong nhạc phẩm ''Les ballons rouges'' (ghi âm vào năm 1967), Serge Lama thật ra nói về những tấn bi kịch, những nỗi bất hạnh trong đời mình. Bản thân ông đã nghèo khổ cơ cực từ khi còn nhỏ, lớn lên trong một gia đình cơm không lành canh chẳng ngọt, cho nên thời thơ ấu ông chẳng những không được tặng quà (viên bi hay trái bong bóng) mà còn luôn thiếu thốn tình thương, do bị hất hủi ngược đãi.

Khi đến tuổi trưởng thành, Serge Lama cũng phải mất nhiều năm trước khi thành danh trong sự nghiệp. Ông chính thức vào nghề năm 1964, thành công với album đầu tiên năm 1968 (D'aventures en aventures) nhiều pha phiêu lưu trong một kiếp sống, trong khi đời lại không phẳng lặng như dòng sông. Mối tình đầu đời của ông (cô Liliane) đã bất ngờ tử nạn (mùa hè năm 1965), gần hai thập niên sau khi Serge Lama đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng nhạc Pháp, đến phiên cha mẹ ông lại cũng đột ngột qua đời do tai nạn giao thông (tháng 12 năm 1984), vấn đề là Serge Lama vẫn chưa có dịp hòa giải với song thân, nhất là với mẹ ông. Bản thân ông có ''mặc cảm tội lỗi'', phải trả giá đắt sau này, chỉ một mình sống sót sau tai nạn.

Tầm cao diệu vợi, sự nghiệp tuyệt vời

Thành danh từ cuối những năm 1960, Serge Lama trở thành một trong những tên tuổi hàng đầu của làng nhạc Pháp trong hai thập niên sau đó (1970 và 1980), ngang tầm với các ca sĩ cùng thể loại là Adamo, Enrico Macias, Michel Sardou và nhất là Gilbert Bécaud. Trong vòng hơn 50 năm sự nghiệp, ông đã cho phát hành 24 album phòng thu, 15 tuyển tập chọn lọc, bán hàng triệu đĩa hát và ghi âm hàng loạt ca khúc hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ khác nổi tiếng nhờ chất giọng cũng như khả năng diễn đạt (Dalida, Lara Fabian, Isabelle Boulay, Chimène Badi …..), nhưng cũng như Gilbert Bécaud, tài nghệ của Serge Lama vẫn chưa được công nhận đúng mức.

Serge Lama ngự trị trên thị trường đĩa hát từ khi hợp tác với nhóm sáng tác của hai nhạc sĩ Alice Dona và Yves Gilbert chuyên soạn các giai điệu đo ni đóng giầy cho nam ca sĩ, còn Serge Lama cũng như hai đồng nghiệp đàn anh là Aznavour và Bécaud thì luôn phát huy sở trường sáng tác. Điểm mạnh của ông là cách dùng nhiều ca từ trong cùng một bài hát, trên cả hai vế đồng âm và đồng nghĩa, (ít dùng từ lặp lại ngoại trừ khi đó là điểm nhấn) ngữ vựng bài hát của Serge Lama vì thế mà càng phong phú dồi dào, nội dung ý tứ thêm đa nghĩa, sâu sắc.

Nay ở độ tuổi gần 80 (ông sinh năm 1943), tác giả kiêm ca sĩ cảm thấy chuyện được mất ở đời không còn mấy quan trọng khi nắng tàn le lói hoàng hôn, giải tỏa những mặc cảm để tìm về chốn bình yên trong tâm hồn. Tuy chất giọng của Serge Lama không còn được khỏe khoắn như lúc còn ''xuân thời'', ngòi bút của ông trong cách dùng thủ pháp xưa để làm nổi bật ca từ mới, trong việc giữ nguyên cách sắp chữ nhưng với góc nhìn hoán đổi, những ngón sở trường ấy giúp duy trì lối sáng tác trên tầm cao diệu vợi của một sự nghiệp đã quá tuyệt vời.




viethoaiphuong
#470 Posted : Wednesday, October 26, 2022 11:14:55 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Mister Mat, tập nhạc solo đầu tiên sau 10 năm lưu diễn

22/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
''L'aventure continue'' (Chuyến phiêu lưu tiếp diễn) là tựa đề album mới được phát hành vào đầu mùa thu năm nay của nam ca sĩ người Pháp Mister Mat. Anh là một trong những thí sinh từng gây nhiều ấn tượng nhân vòng chung kết cuộc thi hát truyền hình The Voice, phiên bản tiếng Pháp (mùa thứ 11), đã diễn ra vào cuối tháng 5 năm 2022.

Ngay từ vòng giấu mặt của cuộc thi, Mister Mat đã thu hút sự chú ý của toàn ban giám khảo (4 ghế thành viên đều quay lại) nhờ chất giọng điêu luyện và cách chơi đàn ghi ta nhuần nhuyễn. Sức thuyết phục ấy đến từ việc anh có nhiều năm tay nghề, nhờ kinh nghiệm mà không hề bị khớp trên sân khấu. Thể loại sở trường của Mister Mat từ trước tới nay vẫn là nhạc blues, thể loại nguyên thủy gần sát với cội rễ, chẳng những mộc mạc mà còn ít được biến tấu, phóng tác. Tài nghệ của Mister Mat tìm thấy nơi nhạc phẩm ''Georgia on my mind'' (của Ray Charles) không gian lớn rộng để xoải cánh, bầu trời mênh mông để tung hoành.

Đằng sau nghệ danh tựa như một nhân vật truyện tranh, Mister Mat thật ra là một nhạc sĩ kiêm tác giả khá thành đạt. Trong vòng một thập niên liền, anh là ca sĩ chính của nhóm Mountain Men, từng đoạt khá nhiều giải thưởng nhân các kỳ liên hoan địa phương. Tên thật là Mathieu Guillou, anh năm nay 43 tuổi, sinh trưởng ở thị trấn Voiron, gần thành phố Grenoble (tỉnh Isère). Thời niên thiếu, anh tự học đàn ghi ta, đồng thời chơi bóng bầu dục trong một đội bóng chuyên nghiệp (Stade Olympique Voironnais). Mãi đến năm 25 tuổi, Mathieu mới quyết định ngưng sự nghiệp thể thao để dốc sức sáng tác âm nhạc và đeo đuổi nghề biểu diễn trên sân khấu.

Một thập niên hoạt động trong nhóm Mountain Men

Năm 2005, Mathieu Guillou thành lập một ban nhạc với nghệ sĩ người Úc Ian Giddey, nổi tiếng nhờ tài nghệ chơi kèn harmonica. Mỗi lần lên sân khấu, Ian thường hay biểu diễn chân trần cho nên còn được mệnh danh là ''Barefoot Iano''. Ban nhạc gồm hai thành viên này lấy tên là ''Mountain Men'' có lẽ cũng vì họ sinh trưởng ở vùng cao nguyên, miền núi.

Năm 2006, ban nhạc biểu diễn tại liên hoan các tài năng mới ''Blues sur Seine'', sau khi đoạt giải nhất nhóm Mountain Men được mời sang Canada biểu diễn đúng một năm sau, nhân kỳ liên hoan quốc tế Festiblues de Montréal vào mùa hè năm 2007. Sau khi tham gia chơi nhạc phần đầu vòng lưu diễn của nghệ sĩ nhạc rock Alain Bashung, ban nhạc phát hành album đầu tiên mang tựa đề ''Spring Time Coming'' ''Mùa xuân đang tới'' vào tháng 5 năm 2009. Vào thời ấy, đĩa hát của họ là do tự sản xuất, cho nên cả hai nghệ sĩ ca sĩ phải đi làm thêm để kiếm tiền, chứ chưa đủ sống nhờ chơi nhạc.

Trong cùng năm ấy, nhóm Mountain Men đoạt giải thưởng lớn tại Liên hoan Cognac Blues Passion. Nhờ vậy vào đầu năm 2010, họ được mời sang thành phố Memphis, một trong những chiếc nôi âm nhạc quan trọng nhất nước Mỹ để biểu diễn nhân liên hoan The International Blues Challenge. Tại thành phố Memphis, tập nhạc ''Spring Time Coming'' được đề cử cho giải thưởng album tự sản xuất hay nhất trong năm. ''Mùa xuân đang tới'' cũng là lúc sự nghiệp của Mountain Men thật sự cất cánh.

Wonderful World : Cơ hội chinh phục thêm nhiều fan mới

Sau khi album đầu tay của nhóm đã được giới chuyên nghiệp công nhận, Mountain Man có thể cống hiến hết mình cho âm nhạc. Trong vòng một tập niên liền từ năm 2009 đến 2017, nhóm này cho ra mắt 6 album, hòa quyện nhạc Pháp với nhạc Mỹ, xen kẻ các bản ghi âm lại với sáng tác gốc. Trong số các bản cover nổi tiếng của nhóm có các bài hát của Georges Brassens, (Smells like Teen Spirit) của Nirvana, hay các bản nhạc folk hoặc country nổi tiếng, kể cả ''Summer Wine'' (Rượu vang mùa hè) được Mister Mat ghi âm với nghệ sĩ Annie Lalalove. Đây cũng là giai đoạn nhóm hợp tác với các thành viên nổi tiếng của các ban nhạc như Noir Désir hay Louise Attaque.

Sau một thời gian dài không ngừng đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhóm này tạm ngưng khi cả hai thành viên quyết định lập gia đình. Mathieu Guillou lấy nghệ danh là Mister Mat khi khởi nghiệp solo và cho phát hành các bản ghi âm một mình sau nhiều năm đi hát trong nhóm. Tập nhạc EP đầu tiên phát hành vào tháng 11 năm 2019 tuy chỉ có 6 bài hát nhưng lại mang tựa đề tượng trưng là "Freedom" (Tự Do) cho thấy Mister Matt đã tìm lại nguồn cảm hứng sáng tác. Tuy nhiên, sự nghiệp solo vừa mới khởi đầu bỗng dưng khựng lại do dịch Covid-19. Trong hai năm liền, Mister Mat không còn cơ hội đi biểu diễn ngoại trừ chuyện kiên nhẫn chờ thời qua sáng tác.

Việc tham gia cuộc thi hát truyền hình The Voice chính là cơ hội cho Mister Mat tìm lại giới hâm mộ, đồng thời chinh phục thêm nhiều đối tượng mới. Tuy chỉ về nhì cuộc thi (giải nhất năm nay về tay nữ ca sĩ Nour), nhưng Mister Mat lại thành công trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng về giai đoạn thứ nhì trong sự nghiệp. Nếu như các bản ghi âm tiếng Pháp rất mộc mạc như nhạc folk, thì các bản tiếng Anh lại tìm về cội nguồn, đôi khi đậm đặc chất bluegrass trong cách chơi những khúc chuyển đổi, lối khẩy đàn chẳng những biến tấu khác thường, mà cách dùng hợp âm còn tài tinh khéo léo. Mister Mat đeo đuổi sự nghiệp không hẳn vì lợi danh nhãn tiền, mà vì trên con đường nhạc blues, hành trình phiêu lưu vẫn tiếp diễn.


viethoaiphuong
#471 Posted : Friday, October 28, 2022 10:24:37 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Phát hành toàn tập Michel Berger nhân 30 năm ngày giỗ

01/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Năm 2022 đánh dấu đúng 30 năm ngày Michel Berger qua đời. Làng nhạc Pháp cũng kỷ niệm ngày giỗ của nam danh ca kiêm tác giả vào mua hè, do anh đã đột ngột từ trần do chứng đau tim vào đầu tháng 08/1992, ở tuổi 44. Để đánh dấu sự kiện này, hãng đĩa Warner vừa cho ra mắt (hồi đầu tháng) bộ toàn tập "Anthologie" của Michel Berger.

Trái với trường hợp của tác giả Serge Gainsbourg cũng vừa được tưởng niệm nhân ngày giỗ năm chẳn, Michel Berger cho dù đã qua đời cách đây ba thập niên, nhưng lại chưa bao giờ có được một bộ "toàn tập" ngang tầm với tài năng sáng tác và diễn đạt của mình. Các bộ tuyển tập trước tuy khá dày đặc phong phú, nhưng vẫn chưa "trọn vẹn" đầy đủ như lần này.

Bao gồm tổng cộng 13 CD, "Anthologie" ngoài việc giới thiệu lại các album phòng thu, còn giúp giới hâm mộ khám phá thêm các phiên bản hiếm thấy, thường là những ca khúc đầu tay phát hành đầu những năm 1970 như "Le Secret" (Điều bí mật) hay là "La tendresse des mots" (Dòng chữ dịu dàng), cũng như vở nhạc kịch nguyên tác tiếng Anh "Dreams in Stone" (Những giấc mơ bằng đá) do chính Michel Berger sáng tác và ghi âm với các thành viên trứ danh của ban nhạc rock Toto vào năm 1982, nhưng chưa bao giờ được phát hành trên thị trường Pháp .....

Bỏ nhạc phim để đi chuyên về sáng tác nhạc kịch

Đáng chú ý nhất có lẽ là bộ đĩa đôi tập trung giới thiệu các sáng tác ít được tìm thấy của tác giả này do đa số các bản ghi âm không còn được xuất bản, trong đó có nhạc nền của ba bộ phim "Sérieux comme le Plaisir" với Isabelle Huppert trong vai chính (1975), "Tout Feu Tout Flamme" với ngôi sao màn bạc Isabelle Adjani (1982), "Rive Droite Rive Gauche" với cặp diễn viên nổi tiếng Nathalie Baye và Gérard Dépardieu (1984), trước khi Michel Berger từ bỏ lãnh vực nhạc phim để luyện thêm sở trường sáng tác nhạc kịch, mà giới chuyên ngành ở Pháp thường gọi là "opéra rock".

Với hơn 200 ca khúc, bộ toàn tập này đưa ra một cái nhìn tổng quát hơn về tài nghệ sáng tác của Michel Berger, cho dù vẫn còn thiếu khá nhiều giai điệu quen thuộc mà anh đã từng viết cho người bạn đời là nữ danh ca France Gall cũng như hai vở nhạc kịch quan trọng nhất là "Huyền thoại của Jimmy" (La légende de Jimmy) cũng như "Giấc mơ danh vọng" trong cả hai phiên bản tiếng Pháp "Starmania" và tiếng Anh "Tycoon" (đồng sáng tác với Luc Plamondon và Tim Rice).

Michel Berger vào nghề rất sớm, từ năm 16 tuổi. Anh thành danh vào giữa những năm 1970 nhưng thật ra lại có mặt trong làng nhạc Pháp từ đầu những năm 1960. Cho dù 4 đĩa đơn đầu tiên của anh (ghi âm với tên thật là Michel Hamburger) đã không thành công vang dội như mong đợi, nhưng Michel Berger có đủ tay nghề để xuất hiện trong "Bức ảnh chụp của Thế kỷ" do nhà nhiếp ảnh Jean Marie Périer thực hiện vào tháng 04/1966, tập hợp trên cùng một một bức ảnh 46 nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong phong trào nhạc trẻ Pháp thời bấy giờ.

Vào nghề cùng lúc, không nổi danh cùng thời

Trong tẩm hình này, Michel Berger lúc ấy mới 19 tuổi ngồi cùng một hàng với hai giọng ca thần tượng là Françoise Hardy và Adamo, ngoài ra còn có nhiều tên tuổi lẫy lừng khác là Claude François, Hervé Vilard hay là Christophe. Trong khi đó, người vợ sau này của anh là France Gall được mệnh danh là "Búp bê tóc vàng" đứng cùng một hàng với các đồng nghiệp Sylvie Vartan, Sheila, Michèle Torr, Eddy Mitchell, Hugues Aufray và nhất là Johnny Hallyday......

Vào nghề cùng lúc, nhưng không nổi danh cùng thời với các thần tượng nhạc trẻ, Michel Berger tạm thời rút lui và chuyển qua khâu hòa âm cũng như sáng tác cho các nghệ sĩ khác. Khi hết hợp đồng với EMI, anh chuyển sang Warner, khi hãng đĩa Mỹ này thành lập chi nhánh đầu tiên tại Pháp vào năm 1971. Nghệ sĩ trẻ đầu tiên hợp tác với Michel Berger chính là Véronique Sanson. Khi nghe album hợp tác của cặp bài trùng này, Francoire Hardy cho biết cô hoàn toàn bị choáng váng, phong trào nhạc trẻ đã thoái trào, nhiều "thần tượng" lừng danh một thuở bỗng nhiên trở nên lỗi thời. Francoire Hardy do biết nắm bắt thời cơ hợp tác với Michel Berger năm 1973 (ca khúc ''Lời nhắn nhủ" Message Personnel) mà gặt hái thành công trong giai đoạn kế tiếp của sự nghiệp.

Chính nỗi tương tư sau khi quan hệ với Véronique Sanson bị đoạn tuyệt đã thúc đẩy Michel Berger ghi âm các sáng tác của chính mình. Ngay từ năm 1973 trở đi, rất nhiều ca khúc như ''Pour me comprendre'' (Để hiểu lòng ta), ''Si tu t'en vas'' (Nếu người ra đi), ''Quelques mots d'amour'' (Vài lời thương yêu), ''Seras tu là'' (Có còn bên anh ?) chẳng qua là sự thăng hoa dịu dàng của một mối tình trái ngang. Đến khi gặp thành công trong sự nghiệp cá nhân bên cạnh người bạn đời mới là France Gall từ năm 1975, lúc đó các sáng tác của Michel Berger mới từ một nỗi buồn le lói không nói nên lời trở thành những nốt nhạc biểu cảm lạc quan, tươi thắm yêu đời.

Nhạc Pháp truyền thống đi vào thời đại pop hoành tráng

Album "chín muồi" đầu tiên của Michel Berger phát hành vào năm 1973 tuy không có đặt tựa đề nhưng thường được gọi là "Trái tim tan vỡ" (Coeur Brisé) dựa theo tấm ảnh minh họa trên bìa tập nhạc. Album này tạo cột mốc quan trọng vì hàm chứa tất cả những ngón sở trường mà Michel Berger phát huy tối đa trong hai thập niên sau đó : một sự hoà quyện tài tình giữa nhạc pop Anh quốc với nhạc rock California. Về mặt ca từ, tác giả này sẽ uốn nắn từng chữ tiếng Pháp cho vừa khít với giai điệu, dùng nhiều âm khép để tránh làm chậm lối phát âm nhưng vẫn tròn vành rõ chữ. Điều quan trọng nhất là hát tiếng Pháp nhưng vẫn giữ chất swing trong nhịp điệu, vốn là thế mạnh của pop-rock Anh Mỹ.

Có lẽ cũng vì thế mà Michel Berger trở thành cánh chim đầu đàn của thế hệ tác giả trẻ những năm 1980 thay đổi cục diện của làng nhạc Pháp (trong đó có cả Jean-Jacques Goldman). Thế hệ này đã biết đưa ca khúc truyền thống của nhạc Pháp vào thời đại của nhạc pop hoành tráng, cả âm thanh lẫn hình ảnh. Sự thành công rực rỡ vào năm 1979 của ''Starmania'' mở ra kỷ nguyên mới cho dòng nhạc kịch tiếng Pháp, trong khi thể loại này thịnh hành tại Anh Mỹ từ nhiều thập niên trước.

Trong vòng hai thập niên liền, Michel Berger ngự trị làng nhạc Pháp với một loạt ca khúc ăn khách được rất nhiều nghệ sĩ ghi âm, trong đó có Balavoine với tình khúc ''S.O.S d'un terrien en détresse'' từng được Dimash Kudaibergenn, ca sĩ Kazakhstan, ghi âm lại. Ngoài ra còn có Maurane, Diane Tell và nhất là tình khúc "Quelque chose de Tennessee" trên album chủ đề (Rock'n'roll Attitude) sáng tác riêng cho danh ca số một của Pháp Johnny Hallyday .

Tuy rất nổi tiếng trong làng nhạc Pháp, Michel Berger vẫn giữ nguyên phong cách khiêm nhường kín đáo. Có lẽ cũng vì thế mà anh đã để lại hình ảnh khá "lý tưởng" của một nghệ sĩ không bị tai tiếng, nghiêm túc về mặt sáng tác, đàng hoàng với các bạn diễn ..... Sự kiện hãng đĩa Warner quyết định "ngả mũ chào" Michel Berger, tôn vinh đúng mức một tài năng quá cố, bị một số người cho là hơi muộn màng. Nhưng thà muộn còn hơn không. Nghe lại dòng nhạc của anh vẫn thấy chút tình người thấp thoáng, trong giai điệu có sương mai sâu lắng tiềm tàng, cho tâm hồn đọng lại trên cánh thời gian.



viethoaiphuong
#472 Posted : Monday, October 31, 2022 10:53:06 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Halloween và những ca khúc khó quên

29/10/2022 - Anh Thư / RFI
Một mùa Halloween lại đến. Trẻ nhỏ lại rộn rịp chuẩn bị trang phục hóa trang. Và những tiếng gõ cửa lại rộn ràng vang lên. Nhưng nhắc đến Halloween, thì người ta cũng không thể nào quên được một “Thriller” rùng rợn nhưng đầy mê hoặc của Michael Jackson, một “Unchained Melody” huyễn hoặc của Alex North, hay tuyệt phẩm nhạc Việt “Người về từ lòng đất” của nhạc sỹ Quốc Dũng.

Halloween là chữ viết tắt của cụm từ “All Hallows Evening” hoặc “All Hallows' Eve”, một lễ hội truyền thống được tổ chức vào ngày 31 tháng 10 hàng năm, là buổi tối trước ngày Lễ Các Thánh trong đạo Kitô giáo.

Halloween : Hài hước để đối đầu với quyền lực tử thần ?

Đây là ngày bắt đầu Tam nhật Các Thánh (Allhallowtide), chuỗi ngày tôn vinh những vị Thánh, vị tử đạo vào Lễ Các Thánh “la Toussaint” ngày 1 tháng 11, và tưởng niệm đến những người thân đã khuất vào Lễ các đẳng Linh Hồn ngày 2 tháng 11. Ý nghĩa trọng tâm theo truyền thống của Halloween xoay quanh chủ đề sử dụng "sự hài hước và chế giễu để đối đầu với quyền lực của cái chết".

Theo một số nguồn thì lễ hội Halloween bắt nguồn từ dân tộc Celt, là một dân tộc sống cách đây hơn 2,000 năm trên các vùng đất bây giờ là Anh quốc, Ái Nhĩ Lan và miền Tây Bắc nước Pháp (La Bretagne). Dân tộc Celt bắt đầu năm mới vào ngày 1 tháng 11 Dương Lịch. Một lễ hội được cử hành vào đêm trước năm mới để vinh danh vị thủ lãnh đã quá cố là Samhain. Ngày lễ hội này báo hiệu sự bắt đầu của mùa lạnh, của những ngày tối tăm thường được liên kết với sự tàn tạ và sự chết chóc của loài người. Dân tộc Celt tin rằng Samhain cho phép những linh hồn người chết được trở về nhà trên trần gian vào đêm hôm đó.

Halloween đến Mỹ nhờ những dòng di dân đầu tiên, đa số đến từ Anh Quốc và một số từ các vùng thuộc dân tộc Celt, với khá nhiều phong tục khác nhau. Nhưng vì nhiều lý do, mãi đến thập niên 1800 mới trở thành tục lệ được nhiều người hưởng ứng.

Các hoạt động phổ biến trong lễ hội Halloween là tiệc hội hóa trang, khắc bí ngô thành jack-o'-lantern, trick-or-treat (trẻ con hoá trang đến gõ cửa nhà hàng xóm để xin bánh kẹo), lấy táo hoặc kể chuyện kinh dị. Ở nhiều nơi trên thế giới, sẽ có những cử hành Kitô giáo trong ngày lễ Halloween như tham dự lễ nhà thờ và thắp nến trên các ngôi mộ. Trong khi ở các nơi khác, Halloween là một ngày hội mang tính thương mại nhiều hơn.

Halloween là ngày lễ ma quỷ không có nghĩa là tôn vinh ma quỷ mà mục đích chính là giáo dục con người sống phải có lòng từ bi, bác ái, biết giúp đỡ những người gặp khó khăn và không nên sống ích kỷ, tham lam, bủn xỉn. Hơn thế, mặc dù lễ hội hóa trang Halloween với chủ đề ma quỷ nhưng cũng để khuyên răn con người không nên chơi đùa với ma quỷ.

Những ca khúc đình đám về Halloween

Nhắc đến Halloween, chúng ta không thể bỏ qua ca khúc Thriller của ca sĩ người Mỹ Michael Jackson, do Rod Temperton sáng tác. Trong "Thriller", các hiệu ứng âm thanh như cánh cửa ọp ẹp, sấm sét, tiếng gió và tiếng chó sói hú được xuất hiện dày đặc, còn lời bài hát thì có chứa các yếu tố rùng rợn.

Ca khúc đã nhận được những phản ứng tích cực từ các nhà phê bình và trở thành hit top 10 thứ 7 liên tiếp của Michael Jackson trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, thắng 3 giải âm nhạc của MTV năm 1984 và đạt vị trí quán quân ở Pháp và Bỉ cũng như lọt vào top 10 ở nhiều quốc gia khác.

Video "Thriller" được chuyển thể từ tác phẩm điện ảnh “American Werewolf in London” của John Landis đã trở thành một video ca nhạc rất thành công. Đoạn phim dài 14 phút là câu chuyện giữa Jackson và nữ diễn viên Ola Ray trong một khung cảnh lấy cảm hứng từ bộ phim kinh dị của những năm 1950.

Trong một cảnh mang tính biểu tượng của video, Jackson cùng các diễn viên khác đã nhảy múa trong sự tạo hình các thây ma (zombie). Mặc dù bản thân bài hát đã là một thành công lớn về mặt thương mại, video của "Thriller" là một thành tựu lớn về nghệ thuật không thể phủ nhận. Vào năm 2009, bài hát trở thành video ca nhạc đầu tiên được lựa chọn đưa vào Trung tâm tư liệu Quốc hội Mỹ.

Nhưng cho những ai tìm kiếm một không gian riêng tư, lãng mạn thì bài hát "Unchained Melody" là một lựa chọn thích hợp. Tác phẩm này là nhạc nền trong bộ phim Ghost (Hồn ma) đã làm lay động bao trái tim khán thính giả, khi xem một trong những bộ phim tình cảm hay nhất. Bộ phim có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Patrick Swayze, Demi Moore, Tony Goldwyn và Whoopi Goldberg… đạo diễn bởi Jerry Zucker. Phim được đề cử cho nhiều Giải Oscar, bao gồm Phim hay nhất, Giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất, và Giải Oscar cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Whoopi Goldberg.

“Unchained Melody" do Alex North sáng tác, dựa trên phần lời của Hy Zaret. Đây là một trong những bài hát ghi âm nhiều nhất trong thế kỷ 20 với 500 phiên bản được chuyển ngữ qua hàng trăm thứ tiếng.

Nhưng ai nói rằng Halloween chỉ có ở trời Tây? Trong dòng nhạc Việt Nam hiện nay, các nhạc sỹ trẻ cũng theo kịp trào lưu khi sáng tác các ca khúc chủ đề Halloween như nhạc sỹ Nguyễn Hải Phong với các bài hát như: Linh hồn và thể xác, Con Ma, Halloween.

Nhưng nếu nói là tuyệt phẩm của nhạc Việt, mang đến cảm giác rung rợn ma mị trong không khí đêm Halloween, chúng ta không thể không thưởng thức ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sỹ Quốc Dũng, mang tên "Người về từ lòng đất".

viethoaiphuong
#473 Posted : Tuesday, November 1, 2022 11:24:05 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Paris By Night đến Bangkok, thuê chuyến bay đưa khán giả Việt Nam sang

04/10/2022 - VOA Tiếng Việt
Paris By Night, nhạc hội quen thuộc với người Việt khắp thế giới, sẽ tổ chức hai đêm diễn ở Bangkok, thủ đô Thái Lan, và sẽ có chuyến bay thuê riêng để đưa khán giả từ Việt Nam sang, theo tìm hiểu của VOA.

Với chủ đề ‘Nguyễn Ngọc Ngạn – Lời cảm ơn’, Paris By Night lần thứ 134 sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 để nhà tổ chức và khán giả tri ân ông Nguyễn Ngọc Ngạn, người dẫn chương trình kỳ cựu đã gắn bó với chương trình hơn 30 năm.

Trước nhu cầu của khán giả trong nước muốn đến Bangkok xem sô mà không mua được vé máy bay, Trung tâm Thúy Nga, nhà tổ chức chương trình, đã thuê hẳn một chuyến bay của Vietnam Airlines, hãng hàng không quốc gia Việt Nam, để đưa khán giả sang.

VOA đã liên lạc người phụ trách bán vé chuyến bay này và được cho biết đây là chuyến bay Trung tâm Thúy Nga có được thông qua một công ty du lịch bên Thái Lan đàm phán với Vietnam Airlines. Giá vé khứ hồi Sài Gòn-Bangkok trên chuyến bay thuê chuyến duy nhất này vào khoảng 7 triệu đồng.

Hiện giờ đã có một số công ty du lịch trong nước đã chào bán tua du lịch Thái Lan kết hợp xem đêm diễn Paris By Night 134.

Tiếp cận khán giả trong nước

Trao đổi với VOA, bà Marie Tô Ngọc Thủy, giám đốc điều hành Trung tâm Thúy Nga, cho biết hiện một trong hai đêm diễn ở Bangkok đã bán hết vé, còn đêm còn lại còn chỉ vài trăm vé.

Các nhạc hội Paris By Night mấy chục năm qua chủ yếu được tổ chức ở Mỹ và dành cho khán giả Việt ở hải ngoại. Các đêm diễn ở Bangkok lần này, cũng như sô ngay trước đó ở Singapore, đánh dấu sự chuyển hướng của Trung tâm Thúy Nga muốn tiếp cận khán giả trong nước nhiều hơn, người đứng đầu trung tâm Thúy Nga nói với VOA.

“Trung tâm Thúy Nga muốn có một nơi mới, một thị trường mới,” bà Thủy nói.

Là di sản của Việt Nam Cộng hòa (người sáng lập – ông Tô Văn Lai – là người của chế độ cũ), Trung tâm Thúy Nga làm các chương trình Paris By Night để gìn giữ và tôn vinh nền âm nhạc và các giá trị văn hóa một thời ở miền Nam Việt Nam. Từ chỗ bị chính quyền cấm đoán, các chương trình Paris By Night hiện nay đã được nghe và xem rộng rãi, công khai trên khắp Việt Nam.

“Thật sự khách của Paris By Night là khắp nơi trên thế giới mà nhiều nhất là ở Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn đến gần Việt Nam để khán giả có thể tận mắt xem Paris By Night,” bà Thủy nói thêm.

Bà thừa nhận khi Trung tâm Thúy Nga làm chương trình ở Mỹ, nhiều khán giả Việt Nam không thể đến xem được do gặp vấn đề xin thị thực nhập cảnh vào Mỹ.

“Đông Nam Á là thị trường rất lớn. Làm ở Bangkok, chúng tôi có những khán giả từ Lào, Campuchia, Đài Loan hay Nhật có thể bay qua dễ dàng,” bà nói và cho biết mặc dù ở Singapore chi phí đắt đỏ, nhưng hai đêm Paris By Night 133 trước đó ‘đều được hưởng ứng nồng nhiệt’.

Mặc dù đối tượng hướng tới là khán giả từ Việt Nam, nhưng giá vé Paris By Night lần này, dao động từ 160 cho đến cả ngàn đô la, là mắc hơn so với khi tổ chức ở Mỹ, bà Thủy thừa nhận và cho biết đó là do chi phí làm chương trình ở Bangkok quá đắt đỏ. Trung tâm Thúy Nga phải đưa gần 60 nghệ sỹ từ Mỹ sang Thái Lan. Riêng tiền vận chuyển thiết bị từ Úc sang đã tiêu tốn 50 ngàn đô la, bà tiết lộ.

“Chúng tôi có tìm hiểu mức giá vé đó có quá tầm của khán giả Việt Nam không và biết rằng ở Việt Nam hiện giờ có rất nhiều đại gia, họ sẵn sàng đi chơi mà không ngại xài tiền,” bà cho biết.

Khi được hỏi về việc làm chương trình trên chính lãnh thổ Việt Nam để phục vụ người hâm mộ trong nước thay vì phải đến những nước lân cận, bà Thủy nói bà ‘chưa có ý định’ và cũng chưa từng ngỏ ý xin phép chính quyền hay liên lạc với các công ty tổ chức trong nước.

“Ở Việt Nam có vấn đề kiểm duyệt nội dung chương trình,” bà giải thích. “Rồi rạp có chuẩn mực quốc tế thì ở Việt Nam tôi chưa thấy có để có thể làm việc dễ dàng.”

‘Gìn giữ âm nhạc miền Nam’

Người đứng đầu Trung tâm Thúy Nga cho biết qua những phản hồi của khán thính giả gửi đến trung tâm, bà biết được các chương trình Paris By Night ‘là món ăn tinh thần của nhiều người dân trong nước’.

“Có những bình luận trên Facebook, YouTube nói những chương trình Paris By Night đã làm sống lại một thời tuổi thơ họ đã sống như thế nào,” bà cho biết.

Bà lý giải lý do các chương trình Paris By Night được người dân trong nước ưa thích là vì có những nghệ sỹ của trung tâm có lượng fan hâm mộ đông đảo và vì ‘sự chọn lựa dòng nhạc’.

“Trung tâm Thúy Nga muốn gìn giữ dòng nhạc vàng ngày xưa của những tác giả miền Nam, do dòng nhạc đó ngày càng có nhiều khán giả trẻ trong nước thấy rằng đây là dòng nhạc rất có giá trị,” bà giải thích.

“Có những bài hát từ xưa lắm rồi đến bây giờ vẫn có người yêu cầu,” bà cho biết.

Bà khẳng định Trung tâm Thúy Nga vẫn giữ nguyên đường hướng đã được ông Tô Văn Lai, thân phụ quá cố của bà và là người sáng lập trung tâm, xác định, đó là ‘không đi vào chính trị mà chỉ thuần túy về văn nghệ’.

Dừng lại trên vinh quang?

Trong chương trình cảm ơn ông Nguyễn Ngọc Ngạn lần này, bà Thủy tiết lộ ‘sẽ có một màn hợp ca để tri ân’ và các nghệ sỹ sẽ thể hiện ‘tâm trạng bùi ngùi khi chia tay’.

Về tương lai của nhạc hội Paris By Night sau những biến động vừa qua ở Trung tâm Thúy Nga với sự qua đời của ông Tô Văn Lai và sự ra đi của ông Nguyễn Ngọc Ngạn, bà Thủy nói hiện giờ bà ‘chưa nghĩ đến những sô kế tiếp’.

“Thời gian vừa qua chúng tôi quá bận bịu với công việc. Tôi cần có thời gian cho tâm hồn lắng đọng vì sự ra đi của thân phụ tôi và muốn có thời gian cho gia đình,” bà nói.

Bà thừa nhận ‘chắc chắn sẽ có đường hướng mới cho Trung tâm Thuý Nga’ với ‘format (định dạng) có thể khác hơn’ và ‘phải tìm người MC mới thay thế chú Ngạn’.

Tuy nhiên, bà nói rằng nếu Paris By Night cứ tiếp tục đến một ngày mà nó ‘không còn được hưởng ứng nữa thì thật sự rất buồn’. Do đó, bà tính rằng ‘nếu không thể làm tốt hơn nữa thì dừng lại’ để cho ‘Paris By Night trở thành huyền thoại’ như là một di sản mà thân phụ bà để lại cho một thế hệ.

“Nếu không làm được tới nơi tới chốn hay là không còn những yếu tố quan trọng nữa (người sáng lập Tô Văn Lai, MC Nguyễn Ngọc Ngạn) thì làm nữa để làm gì?” bà Thủy nói.




viethoaiphuong
#474 Posted : Saturday, November 5, 2022 5:12:57 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

''Khi mình yêu'' : 20 năm sự nghiệp của Chimène Badi

05/11/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Năm 2022 đánh dấu đúng hai thập niên giọng ca Chimène Badi xuất hiện trong nghề sân khấu. Tại Pháp, cô thành danh vào đầu những năm 2000, sau khi tham gia vào một cuộc thi hát truyền hình (kênh M6). Bài hát ăn khách làm nên tên tuổi của Chimène Badi là nhạc phẩm ''Entre Nous'', từng được tác giả Lan Anh đặt thêm lời Việt thành tình khúc ''Khi mình yêu''.

Đầu thập niên 2000, làng nhạc Pháp có hai phong trào đang nở rộ : các vở ca nhạc kịch và các cuộc thi hát phát sóng truyền hình. Cũng như bao nghệ sĩ cùng trang lứa, Chimène Badi đã lớn lên với giấc mơ danh vọng ấp ủ từ lâu. Khi tham gia các buổi casting thử giọng, cô dung hòa cả hai vế : mỗi lần thi hát, Chimène thường hát lại nhạc phẩm ''L'envie d'aimer'' (Khao khát yêu thương) ca khúc chủ đề của vở nhạc kịch ''Les Dix Commandements'' (Mười điều răn) của nam ca sĩ quá cố Daniel Lévi. Chính với ca khúc này, Chimène Badi đã được tuyển vào ''Popstars'', một chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng tại Pháp thời bấy giờ.

Sinh năm 1982 trong một gia đình người Pháp gốc Algérie tại vùng ngoại ô Paris, Chimène Badi từ thuở thiếu thời, đã nuôi mộng trở thành ca sĩ, cho dù cô không được đào tạo qua các lớp thanh nhạc. Chimène rèn luyện chất giọng của mình chủ yếu là nhờ tự học qua băng đĩa, hát lại các bản nhạc xưa của Piaf hay của Aznavour. Sau khi thi trượt bằng tú tài, Chimène tạm gác chuyện học hành sang một bên, tự cho mình hai năm để khởi nghiệp và tìm kiếm hợp đồng ghi âm. Thời gian đầu cô làm nhiều nghề để kiếm sống, ban đêm đi hát tại các quán nhạc, ban ngày tham gia các buổi casting tuyển lựa tài năng mới.

Ghi âm 8 album trong 20 năm sự nghiệp

Năm Chimène tròn 20 tuổi, cô được tuyển vào chương trình truyền hình "Popstars" của Pháp. Tuy có đầy năng khiếu, nhưng sở trường của Chimène vẫn là hát solo các bản nhạc nhẹ, trong khi tiêu chuẩn chấm thi của ban giám khảo thời bấy giờ là tuyển lựa nhiều giọng ca mới để thành lập một nhóm nhạc trẻ đúng theo tên gọi của chương trình là ''Popstars'' (Các ngôi sao nhạc pop). Rốt cuộc ban giám khảo đã không chọn Chimène làm một trong những thành viên của nhóm. Tuy nhiên, chất giọng đặc trưng đầy sức thuyết phục của Chimène Badi lại lọt vào tai giới sản xuất đĩa hát. Nhờ vậy, Chimène ký được hợp đồng ghi âm đầu tiên trong đời.

Vào mùa đông năm 2002, Chimène Badi rời Pháp sang Québec (Canada) để thực hiện các bản ghi âm cho album đầu tay, với nhóm sản xuất của tác giả Rick Allison chuyên làm việc với nữ danh ca Lara Fabian.

Tập nhạc đầu tay với ca khúc chủ đề ''Entre Nous'' (Giữa đôi ta) phát hành vào đầu năm 2003, trở thành một trong những album ăn khách nhất trong năm, giúp cho sự nghiệp của Chimène Badi cất cánh ngoạn mục, ngay từ lúc mới vào nghề ở tuổi đôi mươi. Nhạc phẩm '''Entre Nous'' sau đó đã có thêm nhiều phiên bản ghi âm, kể cả phần trình bày của Grégory Lemarchal. Trong tiếng Việt, bài này cũng được nhiều nghệ sĩ ghi âm lại trong đó có các ca sĩ Khánh Hà hay Hồ Ngọc Hà.

Sự thành công bước đầu này mở đường cho Chimène Badi hợp tác sau đó với nhiều tên tuổi lớn. Cô trở thành ca sĩ được mời biểu diễn thường xuyên trong các show truyền hình. Chimène được dịp hát chung (nhạc phẩm Je te promets) với Johnny Hallyday nhân vòng lưu diễn các sân vận động, mừng sinh nhật 60 tuổi của nam ca sĩ. Chimène cũng ghi âm một bản song ca với danh ca Michel Sardou (nhạc phẩm ''Le chant des hommes''). Nhờ vào bản ghi âm lại của bài hát ''Je viens du Sud'' (Người từ phương Nam) của Michel Sardou, Chimène Badi lập kỷ lục số bán đạt mức đĩa kim cương với album phòng thu thứ nhì. Ngoài việc giành lấy hạng đầu thị trường Pháp, Chimène còn được đề cử danh hiệu Tài năng mới xuất sắc nhất khối Pháp ngữ.

Nhiều lần thi trượt nhưng sau đó lại về đầu

Ghi âm các bản song ca, đứng chung sân khấu với các nghệ sĩ trứ danh tên tuổi lớn trở thành một trong những ưu điểm của Chimène Badi. Sau khi thành công với Michel Sardou vào năm 2007, Chimène lặp lại thành tích này khi được mời ghi âm (nhạc phẩm ''Say you Say me'') với ca sĩ kiêm tác giả người Mỹ Lionel Richie vào năm 2012. Đó cũng là thời điểm cô thành công với album chuyên đề danh cho hai dòng nhạc ''Gospel & Soul'' (Phúc âm và Soul). Thành công này dẫn đường cho Chimène ghi âm phiên bản tiếng Pháp ca khúc chủ đề của ''Cats'' khi vở nhạc kịch này được đưa sang Paris biểu diễn vào năm 2016. Sau đó nữa, cô hợp tác với nhà sản xuất Đức Alex Christensen để ghi âm ca khúc ''Voyage Voyage'' (nguyên tác của Desireless) với dàn nhạc giao hưởng Berlin.

Trong vòng 20 năm sự nghiệp ca hát, Chimène đã ghi âm 8 album phòng thu và hơn 10 album hợp tác với nhiều ca sĩ khác (Roch Voisine, Dany Brillant, Amaury Vassili …..). Thế nhưng trong số các dự án ấp ủ từ nhiều năm qua có album ''Chimène chante Piaf'' phát hành vào mùa thu năm nay, nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày giỗ của Édith Piaf (1963-2023) thông qua một vòng lưu diễn trên các sân khấu Pháp kể từ đầu năm tới. Chuyện ''Chimène hát nhạc Piaf'' cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên cho lắm, vì đã từ lâu cô thường hay hát lại những ca khúc của bậc tiền bối.

Tuy nhiên khách hâm mộ tinh ý sẽ nhận thấy rằng thời còn non tay nghề, Chimène tránh đụng đến những bài hát nói về kiếp người quá đỗi thương đau, hứng chịu nhiều mất mát thiệt thòi (Mon Dieu, Les Amants d'un jour). Giờ đây, với kinh nghiệm sân khấu, Chimène có thể trình bày những bản nhạc được cho là ''khó trị'' của Piaf, người hát không những cần có kỹ thuật và chất giọng, mà còn cần có đủ độ dày dặn từng trải để có thể lột tả trọn vẹn ý tứ.

Đối với Chimène Badi, năm 2022 đánh dấu cùng lúc hai sinh nhật : 40 năm tuổi đời và 20 năm tuổi nghề. Trên đường đời, Chimène đã nhiều lần thi trượt (rớt bằng tú tài và bị loại khỏi chương trình "Popstars") thế nhưng trong cái rủi lại có cái may. Tuy không về đầu cuộc thi, nhưng nhờ nghị lực phấn đấu, cô lại vượt trội hơn so với các thí sinh khác. Sự nghiệp của Chimène Badi hứa hẹn nhiều dự án mới trong thời gian tới, chừng nào tình thương nơi công chúng còn vỗ về, chừng nào giọng hát nội lực vẫn còn nhiều đam mê.


viethoaiphuong
#475 Posted : Friday, November 11, 2022 6:26:28 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Các dự án kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Maria Callas

31/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Nếu còn sống trên đời, huyền thoại Maria Callas vào năm tới sẽ ăn mừng sinh nhật 100 tuổi. Từ đầu mùa thu này cho tới năm 2023, có khá nhiều dự án quan trọng sẽ lần lượt được tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Maria Callas, trong đó có một viện bảo tàng lớn tại Athens, một cuộc triển lãm lưu động tại nhiều nước trên thế giới, cũng như một bộ phim của Hollywood về sự nghiệp của diva gốc Hy Lạp.

Cuối tuần qua, Hội đồng thành phố Athens thông báo kế hoạch thành lập một viện bảo tàng mới nhằm vinh danh thần tượng Maria Callas (1923-1977). Theo nguyệt san Diapason của Pháp, chuyên thông tin về làng nhạc cổ điển và sân khấu kịch opera, đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Athens tôn vinh một trong những ''vĩ nhân'' đến từ Hy Lạp, nổi tiếng trên toàn cầu. Cách đây đúng hai thập niên, viện bảo tàng đầu tiên dành riêng cho Maria Callas đã ra đời tại thủ đô Athens. Tuy nhiên, do thiếu nguồn đầu tư, bảo tàng này gặp thất bại và buộc phải đóng cửa sau hơn 7 năm hoạt động (từ đầu năm 2002 đến cuối năm 2008).

Viện bảo tàng thứ nhì mang tên Maria Callas

Rút kinh nghiệm từ lần trước, Tòa thị chính Athens lần này huy động các nguồn đầu tư quan trọng, đồng thời cung cấp một bộ sưu tập phong phú, đa dạng hơn trước. Ngoài các tài liệu lưu trữ chưa từng được phổ biến, bảo tàng mới tại Athens sẽ giới thiệu với công chúng các bài tập, bảng điểm hay sổ tay ghi chép của Maria Callas từ khi bà còn học ở Nhạc viện quốc gia, các bức ảnh chụp, các bản ghi âm hiếm, các quyển tổng phổ opéra có chữ ký của nữ danh ca, các vật dụng cá nhân, đồ nữ trang, phụ kiện hay trang phục sân khấu…

Đằng sau bộ sưu tập phong phú này là nỗ lực quyên tặng của hàng chục hiệp hội văn hóa của Hy Lạp cũng như các nhà sưu tầm tư nhân. Theo tạp chí Diapason, thị trưởng hiện thời của Athens, ông Kostas Bakoyannis đã dày công thuyết phục các đối tác đóng góp vào kho lưu trữ của viện bảo tàng tương lai. Hầu hết các nhà hát lớn trên thế giới, nơi thần tượng Maria Callas từng đi biểu diễn lúc sinh tiền, đều đã nhận lời. Bên cạnh các hiện vật đến từ các nhà hát nổi tiếng của Ý như La Scala tại Milano, nhà hát La Fenice tại Venise cũng như sân khấu Arena di Verona, nơi Maria Callas khởi nghiệp tại Ý vào năm 1947, còn có sự đóng góp của hai nhà hát lẫy lừng thế giới Metropolitan Opera và Carnegie Hall tại New York.

Về phía các tư liệu mang tính gia đình hay cá nhân, thị trưởng Athens đã thuyết phục các gia đình của nhiều nghệ sĩ quá cố, trong đó có các danh họa Hy Lạp Alekos Fassianos, Dimitris Mytaras hay Panagiotis Tetsis… Sinh thời, các nghệ sĩ này đều từng quen biết Maria Callas chẳng những qua công việc mà còn ở ngoài đời. Sáng tác nghệ thuật đối với họ là điểm chung khởi đầu, để rồi sau đó nhường chỗ lại cho mối quan hệ sâu sắc hơn. Đến khi các nghệ này qua đời, gia đình và con cháu họ đã tặng lại nhiều hiện vật sưu tầm về thần tượng Maria Callas. Theo dự kiến, viện bảo tàng Athens sẽ mở cửa đón khách vào mùa hè năm 2023. Chương trình sinh hoạt kỷ niệm đạt tới đỉnh điểm vào đầu tháng 12 năm tới, đúng vào ngày sinh lần thứ 100 của diva người Hy Lạp.

Quỹ tài trợ di sản nghệ thuật của Maria Callas

Song song với kế hoạch mở bảo tàng tại Athens, còn có nhiều dự án tại Pháp của Quỹ Maria Callas, do ông Tom Volf điều hành. Quỹ này được thành lập vào năm 2017, theo đề xướng của ông Georges Prêtre, nhạc trưởng người Pháp và cũng là người bạn đồng hành trung thành nhất với Maria Callas từ cuối nhưng năm 1950 cho tới khi bà qua đời. Họ đã cùng ghi âm những tác phẩm để đời của Maria Callas, trong đó có vở Carmen của Bizet, Tosca của Puccini và tuyển tập chọn lọc bao gồm các giai điệu opera trứ danh nhất cho hãng đĩa EMI (nay là Warner Classics). Sau ngày Maria Callas qua đời, nhạc trưởng Georges Prêtre cùng với một số bạn thân lập hội của những người ngưỡng mộ La Callas (theo cách gọi của người Pháp), tiền thân của Qũy tài trợ hiện thời. Theo báo La Croix, mục tiêu của hội này là bảo vệ di sản nghệ thuật của diva người Hy Lạp, bằng cách sưu tầm hiện vật và nhất là quyên tiền để mua lại tất cả những gì có liên quan đến Maria Callas thông qua các cuộc bán đấu giá.

Nhờ vào việc vận động quyên tiền, qũy này đã tập hợp được nhiều tài liệu quý báu, kể cả thư từ, nhật ký, bản thảo viết tay, phim ảnh đời tư, hàng ngàn bức ảnh gốc (kể cả phim âm bản). Các tư liệu này được lưu trữ, nhưng thay vì được giữ kín, lại mở rộng cho nhiều đối tượng, kể cả các nhà nghiên cứu, sinh viên làm luận án hay khách ngưỡng mộ. Cũng từ khối lượng thư từ trao đổi này mà hình thành nhiều sinh hoạt, như hội thảo chuyên đề, biểu diễn kịch hay triển lãm lưu động, trong đó có chương trình ''Maria by Callas'' vào năm 2017 tại nhà hát La Seine Musicale tại Paris và cung triển lãm Grimaldi tại Monaco vào năm 2018.

Riêng trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Maria Callas, Quỹ tài trợ các dự án do ông Tom Volf điều hành sẽ dựng thêm cuộc triển lãm thứ nhì, hợp tác với nhiều bảo tàng và phòng triển lãm để trưng bày những tư liệu và hình ảnh chưa được phổ biến. Cuộc triển lãm lưu động này trên nguyên tắc sẽ đi qua các nước Hy Lạp, Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Điển và sau đó nữa là Hoa Kỳ, do Maria Callas đã đi biểu diễn tại rất nhiều sân khấu lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó vào mùa thu năm nay, nhà hát Châtelet ở Paris giới thiệu lại vở kịch với nữ diễn viên điện ảnh Monica Bellucci trong vai thần tượng Maria Callas. Toàn bộ nội dung vở kịch dựa trên tác phẩm ''Lettres & Mémoires'' (Thư từ và Hồi ký) của Maria Callas do nhà xuất bản Albin Michel phát hành và do tác giả Tom Volf tập hợp lại rồi dựng thành vở kịch trên sân khấu. Đợt biểu diễn này bắt đầu vào ngày 14/11 tại thủ đô Paris, mở màn cho chương trình sinh hoạt kỷ niệm Maria Callas trên toàn nước Pháp.

Ngôi sao màn bạc Angelina vào vai thần tượng Maria Callas

Về phía Hollywood, theo nhật báo Greek Herald, một bộ phim kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Maria Callas đang được chuẩn bị cho năm tới. Với tựa đề '' Maria'' ngắn gọn, bộ phim do Steven Knight viết kịch bản và do đạo diễn người Chile Pablo Larraín thực hiện. Năm nay 46 tuổi, ông đã từng nhận đề cử Oscar và từng đoạt giải tại nhiều liên hoan lớn kể cả Cannes (2012), Berlin (2015) và Toronto (2016). Thể loại phim tiểu sử (biopic) không còn gì xa lạ với Pablo Larrain, người đã từng quay phim về cuộc đời của tác giả Pablo Neruda, phu nhân Jackie Kennedy hay công nương Diana Spencer. Cả hai bộ phim tiểu sử Jackie (2016) và Spencer (2021) với Kristen Stewart và Natalie Portman trong vai chính, đều đã nhận đề cử Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Lần này, thần tượng điện ảnh Angelina Jolie đã được tuyển để đóng vai chính trong bộ phim phác họa lại đoạn cuối cuộc đời của giọng ca soprano vĩ đại nhất thế giới. Trong những ngày tháng cuối cùng ở Paris giữa những năm 1970, Maria Callas chạnh lòng nhớ lại một kiếp sống đầy biến động, giữa quá khứ vàng son và tương lai u ám, khi một huyền thoại sinh động đã đánh mất vầng hào quang.

Sinh thời, Maria Callas từng được Leonard Bernestein mệnh danh là "Kinh Thánh của opera". Nhờ có giọng cao thuần chất dramatic coloratura tràn đầy màu sắc và kịch tính, cũng như nhờ vào tài năng diễn xuất phi thường, mà bà trở thành một trong những giọng ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhạc cổ điển.

Tuy nhiên, trong đời tư, Maria Callas vướng vào nhiều vụ tai tiếng đặc biệt là mối quan hệ ngoại tình với nhà tỷ phú Aristote Onassis, làm hao tốn biết bao giấy mực thời bấy giờ. Gần nửa thế kỷ sau ngày vĩnh viễn ra đi, Maria Callas vẫn là một trong những giọng ca được tôn sùng trong làng nhạc kịch opera. Giọng ca soprano hay nhất mọi thời đại có chiều sâu bí ẩn hơn cả nhân vật tiểu thuyết, bà sống trên tột đỉnh vinh quang, để rồi ra đi một cách âm thầm tức tưởi. Hai yếu tố đối nghịch ấy có thể giải thích vì sao huyền thoại Callas vẫn đầy ma lực quyến rũ, những góc khuất bí ẩn trong đời lại càng tỏa ánh rực rỡ sáng ngời.



viethoaiphuong
#476 Posted : Monday, November 14, 2022 1:06:19 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thomas Jolly, đạo diễn của Starmania và Thế vận hội 2024

14/11/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Tuy chưa phải là một gương mặt quen thuộc với công chúng, nhưng đạo diễn Thomas Jolly lại rất nổi tiếng trong giới chuyên ngành sân khấu ở Pháp. Được đào tạo tại thành phố Rouen, Thomas Jolly vào năm 40 tuổi, vừa được bổ nhiệm trong tuần qua làm giám đốc nghệ thuật cho các buổi lễ khai mạc cũng như bế mạc Olympic Paris 2024.

Thông báo này đã gây ra tiếng vang lớn trong giới hoạt động văn hóa tại Pháp, phần lớn cũng vì cách đây 7 năm, tên tuổi của anh hầu như không được ai biết đến. Đạo diễn Thomas Jolly thật sự thành danh nhân kỳ liên hoan sân khấu kịch nghệ Avignon vào năm 2014. Trên sân khấu, anh đã dựng lại tác phẩm ''Henry VI'' (gồm 3 tập) của Shakespeare. Cùng với tác phẩm ''Richard III'', vở kịch trường thiên này tạo thành Bộ tứ đầu tiên của đại văn hào Shakespeare, kể lại thời kỳ nội chiến tại Vương quốc Anh trong hậu bán thế kỷ XV (từ năm 1442 đến năm 1485).

Giai đoạn xung đột này còn được gọi là Chiến tranh Hoa hồng, khi cuộc tranh giành ngôi vua giữa hai dòng họ Lancaster (Henry VI) và York (Richard III) đạt tới đỉnh điểm. Tại liên hoan Avignon của Pháp, vở kịch do đạo diễn Thomas Jolly thực hiện đã kéo dài trên sàn diễn tới 18 tiếng đồng hồ mà vẫn thu hút khán giả. Nhờ thành tích này, Thomas Jolly đoạt giải Molière năm 2015 dành cho nhà chỉ đạo sân khấu xuất sắc nhất. Trong mắt các chuyên gia, cái biệt danh ''thần đồng kịch nghệ'' cũng đến với Thomas Joky kể từ đó.

Đam mê với sân khấu kịch nghệ từ năm 11 tuổi

Sinh năm 1982 tại vùng ngoại ô thành phố Rouen (vùng Normandie), Thomas Jolly đã trải qua một tuổi thơ khá êm ấm trong một gia đình hạnh phúc. Mặc dù bố mẹ anh không xuất thân từ giới hoạt động nghệ thuật, nhưng gia đình luôn khuyến khích Thomas trao dồi tính sáng tạo. Anh bắt đầu học diễn xuất, đóng kịch từ năm 11 tuổi. Thời còn ở lớp phổ thông cấp 2 (trường trung học Jeanne D'Arc), anh vẫn tiếp tục học thêm các khóa diễn xuất, khi đến tuổi trưởng thành, anh gia nhập đoàn kịch của nhà hát Théâtre des Deux Rives, nay là trụ sở của Trung tâm đào tạo Kịch nghệ vùng Normandie, tương đương với nhạc viện quốc gia.

Đối với Thomas Jolly, đây là một chặng đường quan trọng trong hành trình nghệ thuật của bản thân. Nhờ vào các lớp đào tạo bài bản chính quy (ngân sách hoạt động là do nhà nước tài trợ), cậu thanh niên có cơ hội tiếp cận với các tác phẩm thuộc hàng ''sử thi'' kinh điển của các nhà hát chuyên nghiệp, kể cả bộ thiên anh hùng ca của thi hào La Mã Ovid, các vở bi kịch của đại văn hào người Anh Shakespeare hay các tác phẩm thuộc dòng kịch phi lý của giải Nobel văn học người Ai Len Samuel Beckett …. Xuất thân từ một trường đào tạo quốc gia, Thomas sau thời kỳ này, nuôi dưỡng một đam mê lớn : rũ bỏ lớp bụi thời gian trên các tác phẩm hàn lâm kinh điển, kể chuyện làm sao cho thật dễ hiểu nhất với đại đa số khán giả. Tất cả những gì được học hỏi tại Rouen sẽ được đạo diễn trẻ tuổi người Pháp tận dụng phát huy sau này.

Sau khi tốt nghiệp bằng cử nhân về ngành sân khấu tại Đại học thành phố Caen, Thomas Jolly thành lập đoàn kịch ''La Piccola Familia'', thu hút sự chú ý của giới chuyên môn khi đoạt giải thưởng của công chúng tại liên hoan kịch Impatience tổ chức tại nhà hát Odéon. Uy tín của Thomas Jolly ngày càng lớn dần, tất cả các tác phẩm ''khô khan nhất'' một khi vào tay đạo diễn trẻ tuổi này đều trở nên dễ hiểu hơn, như thể anh có cái biệt tài nắm bắt cốt lõi của tác phẩm, gói ghém thông điệp để rồi truyền đạt tới công chúng. Trước khi trở thành một đạo diễn tài ba, Thomas Jolly đã có nhiều năng khiếu và trình độ sư phạm.

Sau khi đoạt giải Molière, giải thưởng sân khấu cao quý nhất của Pháp, nhân dịp liên hoan mùa hè năm 2022, anh đã cho dựng lại cùng lúc hai vở kịch kinh điển của Shakespeare trên sân khấu nhà hát thành phố Angers. Tác phẩm ''Henry VI'' một khi được gộp lại với ''Richard III'' trở thành một vở kịch trường thiên dài 24 tiếng. Sau thành công này, anh buộc phải rời nhà hát Angers để dành thêm thời gian cho các dự án quan trọng trong hai năm tới.

Gần 10 triệu euro đầu tư cho Starmania, phiên bản mới

Song song với việc hợp tác với các nhà hát lớn (tại các thành phố Rouen, Rennes, Strasbourg, Angers), Thomas Jolly còn đã hoàn chỉnh phiên bản mới của vở nhạc kịch ''Starmania'' của hai tác giả Michel Berger và Luc Plamondon. Ra đời cách đây hơn 4 thập niên, vở kịch Starmania được diễn trở lại tại nhà hát La Seine Musicale từ ngày 08/11/2022 cho tới 29/01/2023. Sau nước Pháp, đoàn kịch sẽ thực hiện vòng lưu diễn tại châu Âu và Canada.

Vở nhạc kịch Starmania 2022 đã nhận được nhiều lời khen từ giới phê bình ở Pháp. Giờ đây, giới sản xuất hy vọng tác phẩm này sẽ được công chúng nhiệt tình hưởng ứng. Đây là điều khá quan trọng, vì đại dịch Covid-19 đã khiến cho ngày ra mắt tác phẩm đã nhiều lần bị dời lại , các chi phí sản xuất vì thế cũng tăng vọt, từ 6 triệu nay lên thành gần 10 triệu euro. Đối với Thomas Jolly, vở nhạc kịch Starmania đã được ấp ủ trong vòng ba năm trời, kể từ khi Raphaël Hamburger con trai của cặp vợ chồng France Gall và Michel Berger đã bật đèn xanh cho dự án này. Dù có nhiều rủi ro, nhưng kế hoạch vẫn được hỗ trợ bởi công ty sản xuất Fimalac Entertainment, ngoài đạo diễn Thomas Jolly, còn có nhà biên đạo múa người Bỉ gốc Maroc Sidi Larbi Cherkaoui (từng hợp tác với Beyoncé), trong khi khâu trang phục do nhà tạo mốt Nicolas Ghesquière đảm nhiệm. Nhà thiết kế này từng nổi tiếng nhờ thực hiện các bộ sưu tập thời trang của Louis Vuitton.

Olympic 2024: Thomas Jolly muốn biến sông Seine thành thác lửa

Dường như các dự án đòi hỏi nhiều công sức đầu tư, cũng như với quy mô cực kỳ hoành tráng không làm cho đạo diễn Pháp lo lắng, chùn bước. Ủy ban Thế vận hội Paris 2024 cho biết đã chọn Thomas Jolly làm giám đốc nghệ thuật, vì anh là gương mặt tiên phong trong thế hệ đạo diễn Pháp thời nay, đầy tham vọng và ý tưởng sáng tạo.

Xuất thân từ ngành kịch, Thomas Jolly nay phải nghĩ xa hơn nữa, phá vỡ các khuôn thước của nghệ thuật kịch nói để tạo dựng một tác phẩm biểu diễn ở ngoài trời, trên quy mô rộng lớn. Khi nhận lời thực hiện Thế vận hội 2024, anh sẽ phải dàn dựng 4 chương trình biểu diễn kể cả lễ khai mạc và bế mạc Olympic tại trung tâm thủ đô Paris cũng như trên sông Seine, và trên quảng trường Place de la Concorde cho hai buổi lễ Paralympic.

Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien, Thomas Jolly phác họa vài nét chính của chương trình Olympic 2024. Anh cho biết là niềm vui khôn xiết ban đầu đã nhường chỗ lại cho sựu tập trung cao độ trước một nhiệm vụ ''to tát'' đến như vậy. Đạo diễn Thomas Jolly đã bắt đầy suy nghĩ, hình dung một chương trình kết nối nhiều vế với nhau : lịch sử cùng với sáng tạo, di sản là chiếc nôi cho sự đổi mới. Từ đây cho đến cuối năm 2022, Thomas Jolly có nhiệm vụ tập hợp xung quanh mình nhiều êkíp đa năng, quy tụ nhiều tác giả đến từ nhiều lãnh vực khác nhau kể cả kịch nghệ, điện ảnh, truyền hình, cồng nghệ video, truyện tranh để soạn ra các ''kịch bản minh họa'' cho đợt biểu diễn trong khuôn khổ Thế vận hội Paris 2024.

Đầu năm 2023, toàn bộ nhóm sáng tác sẽ chuyển sang giai đoạn phát triển và nghiên cứu tính khả thi của dự án. Trong mùa hè năm 2023, chương trình được đưa vào khâu diễn tập trên một dòng sông ở Pháp với nhiều đoàn nghệ sĩ bao gồm các đạo diễn, biên đạo múa, nhà quay phim, vận động viên cũng như giới nghệ sĩ xiếc …..

Ý tưởng chỉ đạo của Thomas Jolly là đưa Thế vận hội Olympic vào trung tâm thủ đô Paris, cùng lúc trên đại lộ Champs-Élysées, quảng trường Concorde, sân vận động quốc gia Stade de France và trên sông Seine. Giấc mơ của đạo diễn Pháp là dùng muôn ngọn đuốc để thắp sáng sông Seine, hòa quyện nước và lửa, dùng lửa đuốc vì theo anh, đây là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Thế vận hội.

Điều quan trọng theo nhà đạo diễn là dung hòa được cả hai vế, thực hiện một chương trình ngoạn mục nhưng vẫn không quá tốn kém, tiết kiệm năng lượng để bảo vệ môi trường, gìn giữ sinh thái. Tuy không phải là một dự án dễ dàng, nhưng Thế vận hội Paris 2024 đối với Thomas Jolly giống như một món quà sinh nhật năm 40 tuổi. Cậu bé từng ôm ấp giấc mơ nhìn thấy muôn ánh đèn sân khấu tỏa ánh lung linh. Sắp tới đây, khán giả của Thomas Jolly sẽ là cả tỷ người trên hành tinh.


viethoaiphuong
#477 Posted : Thursday, November 17, 2022 7:57:00 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(AFP) – Tác phẩm “Thảm họa trắng” của Andy Warhol được bán với giá 85 triệu đô la. Trong một phiên đấu giá do Sotheby tổ chức hôm 16/11/2022 tại New York, Hoa Kỳ, tác phẩm lụa in đen trắng “Thảm Họa Trắng” (White Desaster) của danh họa Andy Warhol đã được gõ búa 85 triệu đô la. Theo AFP, đây là tác phẩm thành công nhất của danh họa người Mỹ và cũng là tác phẩm ám ảnh nhất thế kỷ 20. Tuy nhiên giá trị của tác phẩm này không vượt qua những kỷ lục đấu giá của những tác phẩm trước đó của Warhol. Năm 2013, tác phẩm “Cái chết và chuỗi thảm họa” (Death and Disaster Series) đã được bán với giá 105 triệu đô la, tại phiên đấu giá của Sotheby. Một bức tranh lụa in, vẽ chân dung huyền thoại điện ảnh Maryline “Shot Sage Blue Marilyn” đã được bán với giá 195 triệu đô la vào tháng Năm vừa qua.


viethoaiphuong
#478 Posted : Sunday, November 20, 2022 5:48:22 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Dòng nhạc Joe Dassin thăng hoa với giọng ca Garou

19/11/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Từ đây cho tới tháng 04/2023, nam ca sĩ Garou thực hiện vòng lưu diễn châu Âu : sau Pháp và Bỉ, anh sẽ đến Rumani, Ba Lan và Thụy Sĩ. Mặc dù khá bận rộn với sân khấu, nhưng danh ca vùng Québec, Canada vẫn có đủ thời gian để ghi âm và trình làng, hồi đầu tháng 11/2022, tuyển tập chọn lọc mang tựa đề ''Garou joue Dassin'', hiểu theo nghĩa là Garou chơi nhạc Dassin.

Tập nhạc vừa được phát hành là album phòng thu thứ 11 của Garou, bao gồm 12 bài hát rất quen thuộc, cộng thêm một liên khúc mang tựa đề ''Autour du Feu'' được ghi âm trực tiếp với lối hòa âm rất mộc để tạo lại bầu không khí ấm cúng thân mật của những bài hát lửa trại. Lối thực hiện này trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt album, tạo thêm sự gần gũi, thu hẹp khoảng cách không gian, gắn liền các giai điệu thành một khối vững vàng, mà vẫn nhẹ nhàng. Khán giả có cảm tưởng ngồi bên cạnh Garou để nghe anh hát. Tuyển tập Garou chơi nhạc Dassin đánh dấu sự hội tụ giữa giọng ca trầm ấm hàng đầu của vùng đất lạnh (Canada) và những giai điệu trữ tình lãng mạn với ca từ tha thiết nồng nàn.

Garou từng lớn lên với dòng nhạc Dassin

Cách đây 2 năm, làng nhạc Pháp đã cho phát hành nhiều album tưởng niệm, nhân 40 năm ngày Joe Dassin qua đời. Sau Hélène Ségara hay Cristina Marocco, đến phiên thế hệ nghệ sĩ trẻ của Pháp như Matthieu Chedid và nhóm Les Frangines ghi âm lại các giai điệu quen thuộc nhất của Joe Dassin. Khi đến phiên mình, danh ca Garou không chỉ đơn thuần thực hiện một tập nhạc cover, mà là dựng lại một bầu không khí đặc thù, tạo cơ hội cho nghệ sĩ và khán giả cùng ngồi lại với nhau, chia sẻ những câu chuyện tình, những kỷ niệm chung còn nhớ mãi từ thưở nào.

Theo lời kể của nam danh ca vùng Québec, lần đầu tiên anh được nghe các bài hát của Joe Dassin, là khi bố mẹ anh bật máy nghe đĩa hát ở nhà. Garou lúc ấy chỉ mới có 5 tuổi. Đến khi anh lớn lên và bắt đầu đeo đuổi nghề sân khấu, những giai điệu tiếng Pháp do công chúng yêu cầu mà anh vẫn thường hát trong các quán nhạc vẫn là những tình khúc của Joe Dassin. Một cách tự nhiên, anh có thể ôm đàn ghi ta và đánh lại hầu hết các bản nhạc, hát đi hát lại đến đỗi thuộc lòng. Điều đó giải thích phần nào vì sao anh đặt tựa đề ''Garou chơi nhạc Dassin'', chứ không đơn thuần là hát nhạc Dassin.

Giai điệu thăng hoa nhờ cặp bài trùng sáng tác

Theo anh, trái với dòng nhạc trẻ Pháp thời nay, với lối đặt ca từ khá đơn giản và thường hay lặp đi lặp lại, các bài hát của Joe Dassin lại có rất nhiều ý và nhiều chữ. Sinh thời, Joe Dassin đã hội tụ xung quanh mình 2 tác giả lẫy lừng nhất làng nhạc Pháp là Pierre Delanoe và Claude Lesmesle. Cả hai đều đã từng sáng tác (soạn nhạc hay đặt lời) cho gần 5.000 bài hát. Họ còn phóng tác một số giai điệu nổi tiếng của Toto Cutugno thành bản nhạc ăn khách cho Joe Dassin. Ngoài lối sáng tác đo ni đóng giày của hai ngòi bút này, Joe Dassin còn thích chọn những bài hát mà tác giả kể lại một câu chuyện, phác họa nhân vật và dựng kịch bản hẳn hoi. Điều đó buộc người hát nhạc cần có trí nhớ tốt, vì mỗi bài hát có rất nhiều ca từ, chẳng khác gì một quyển tiểu thuyết thu gọn lại chỉ trong vài phút đồng hồ.

Thành danh cách đây 2 thập niên, nhờ vai diễn Thằng Gù Quasimodo trong vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, Garou đã nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn của làng nhạc Pháp, ăn khách tại vùng Québec, cũng như tại nhiều quốc gia khối Pháp ngữ. Song song với các album nguyên tác, Garou còn tham gia vào nhiều dự án hợp tác, lập kỷ lục đĩa kim cương với tuyển tập "Forever Gentlemen" tạo dựng lại thời ''Rat Pack'' vàng son của Frank Sinatra và Dean Martin, đạt mức đĩa bạch kim với hai tập nhạc "Rhythm and Blues" và nhất là "Soul City", trong đó Garou tìm lại dòng nhạc sở trường của anh là nhạc blues và nhạc soul, từ cái thời anh bắt đầu đi hát để kiếm sống.

Từ Dassin đến Garou : Những bài hát xuyên thế hệ

Đối với Garou, hát nhạc Joe Dassin cũng là dịp để tìm lại cái thuở ban đầu, thời bố mẹ anh mới yêu nhau và giờ đây, đến phiên con gái anh khám phá dòng nhạc này. Điều đó cho thấy các bài hát của Joe Dassin đã đi vào lòng người mến mộ từ lúc nào không hay. Có ít nhất 3 thế hệ cảm thấy gắn bó với những giai điệu chào đời từ giữa những năm 1970. Nay đến phiên Garou, với một lối hòa âm và diễn đạt khác, tiếp tục phổ biến một dòng nhạc mà anh cho là ''tuyệt vời''.

Trong vòng hơn 20 năm sự nghiệp của mình, Garou đã bán được hơn 5 triệu album và đã nhận được hàng loạt giải thưởng âm nhạc quốc tế, trong đó có 11 giải Félix (hiệp hội Adisq vùng Québec), 3 giải thưởng Victoires de la Musique của Pháp, 2 giải thưởng lớn Wictory của Ba Lan, 3 giải âm nhạc thế giới World Music Awards của Monaco với tư cách nghệ sĩ Canada (kể cả Pháp ngữ và Anh ngữ) ăn khách nhất ở nước ngoài …

Điều làm cho danh ca Garou ngạc nhiên là khi đi diễn tại nhiều quốc gia, công chúng luôn yêu cầu anh hát lại những bản nhạc Pháp quen thuộc, trong đó thường có các giai điệu của Joe Dassin. Trên album vừa được phát hành, không phải ngẫu nhiên Garou kết thúc đĩa nhạc này với bài ''Autour du Feu'', một liên khúc gồm bốn giai điệu tuyệt hay của Joe Dassin, khi mọi người quây quần lại với nhau bên ngọn lửa hồng, cho cung đàn sưởi ấm khúc hoàng hôn khi tiếng thu vừa chạm ngưỡng tâm hồn.



viethoaiphuong
#479 Posted : Wednesday, November 23, 2022 5:41:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Từ Đà Nẵng đến Liège : Những chuyến ngao du của họa sĩ Vink

23/11/2022 - Thu Hằng / RFI
Vink, họa sĩ người Bỉ gốc Đà Nẵng, là người đầu tiên đưa cổ tích Việt Nam vào truyện tranh Bỉ. Tháng 01/2021, Vink tặng thành phố Liège, như lời cảm ơn, 173 bản vẽ gốc trích từ những tác phẩm truyện tranh theo suốt sự nghiệp của ông. Hơn một năm sau, Liège giới thiệu đến công chúng “Những chuyến ngao du của Vink” (Les Voyages de Vink) tại Bảo tàng Mỹ thuật La Boverie từ 04/07/2022 đến 16/01/2023.

Triển lãm đặc biệt dành cho tác phẩm đặc biệt

Tên của triển lãm Les Voyages de Vink được ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học của Bảo tàng La Boverie lấy cảm hứng từ tác phẩm Les Voyages d’He Pao (tạm dịch : Những chuyến ngao du của He Pao), một trong hai tác phẩm dài tập quan trọng gắn liền với sự nghiệp của Vink, tên thật là Vinh Khoa. Và những tác phẩm này được trưng bày ở một nơi rất đặc biệt trong bảo tàng, theo giải thích của ông Alain Delaunois :

“Chúng ta đang đứng trong Galerie noire (Phòng triển lãm đen) của Bảo tàng La Boverie, thành phố Liège ở Bỉ. Tại khu vực này, khách tham quan có thể ngắm những bản vẽ gốc truyện tranh do họa sĩ Vink thực hiện. Đây là món quà Vink tặng cho bảo tàng, và nhất là có đến 173 bức tranh, nên chúng tôi muốn giới thiệu những tác phẩm đó.

Những bản vẽ truyện tranh này được vẽ trên giấy, trước tiên là bằng bút chì sau đó là viền mực mầu và vẽ mầu nước. Công việc được Vink thực hiện vô cùng tỉ mỉ. Việc đóng khung, bảo quản mầu trên tranh phải hết cẩn thận. Điều này giải thích cho việc chúng ta đang đứng ở nơi được gọi là Galerie noire, nơi mà ánh sáng và độ ẩm được kiểm tra nghiêm ngặt để bảo quản các tác phẩm.

Galerie noire là gian trưng bày đặc biệt dành cho những tác phẩm thực hiện trên giấy trong thời gian gần đây hoặc thời trước, thậm chí là từ vài thế kỷ trước. Vì vậy, ánh sáng và độ ẩm được điều chỉnh để các tác phẩm vẽ chì, mầu nước hoặc mực Tầu không bị hỏng hoặc bị phai mầu vì ánh sáng quá mạnh.

Các tác phẩm cũng không được trưng bày lâu ở đây. Chúng tôi luôn thay đổi. Có những tác phẩm rất cổ, ví dụ từ thế kỷ XVII, chúng tôi chỉ trưng bày khoảng 2 tháng rưỡi, sau đó cất lại vào kho và triển lãm loạt tác phẩm khác. Như chị thấy, đèn chiếu sáng trong Galerie noire này chỉ bật lên khi có người vào xem và khi đi ra thì đèn cũng tắt”.

173 tác phẩm là một món quà rất lớn, đầy ý nghĩa mà Vink muốn cảm ơn thành phố quê hương thứ hai của ông. Tác giả gốc Đà Nẵng chia sẻ :

“Tôi sống ở đây hơn 50 năm, tôi có cảm tưởng là mình có nợ với thành phố Liège, với nước Bỉ nói chung. Khi tôi tặng món quà này cho Bảo tàng Mỹ Thuật Liège, tôi cảm thấy được trả nợ. Lý do chính là như vậy. Và bảo tàng sẽ giữ gìn tốt hơn”.

Lời cảm ơn gửi đến đến Liège, quê hương thứ hai

Đáp lại tấm lòng của Vink, Bảo tàng Mỹ Thuật Liège muốn giới thiệu rộng rãi đến công chúng một phần sự nghiệp ông, từ họa sĩ-tác giả truyện tranh nổi tiếng, đến người kể lại lịch sử qua hình ảnh, trong đó phải kể đến tác phẩm đáng chú ý là Pays de Liège, vie d’une église (tạm dịch : Vùng đất Liège, cuộc sống của một nhà thờ) phác lại nghìn năm lịch sử của Công quốc Liège. Ông Alain Delaunois giải thích :

“Tác phẩm của Vink được vẽ trên giấy, sử dụng mực và mầu nước nên có thể rất dễ bị hỏng theo thời gian. Những tác phẩm đó được bắt đầu trong những năm 1984-1985 nên một số bản vẽ gốc cũng đã có từ gần 45 năm nay. Vì thế, tác phẩm của Vink hoàn toàn xứng đáng được triển lãm tại đây. Thêm vào đó, việc Vink tăng cho Bảo tàng Mỹ Thuật Liège chừng đấy số tranh, cũng là lý do để giới thiệu đến công chúng trong khu triển lãm Galerie noire đặc biệt này.

Điểm đặc biệt trong công việc của Vink, một họa sĩ sống ở Liège từ rất lâu, là trong ông có cả một nền văn hóa châu Á rất lớn, vì thế sự pha trộn giữa hai nền văn hóa này tạo cho tác phẩm của ông những nét kì lạ, vừa có ảnh hưởng đến từ những nước châu Á, vừa có nét của văn hóa phương Tây. Có thể thấy rõ trong tác phẩm của ông cả một chuỗi ảnh hưởng, có thể là những câu chuyện hay những thể loại đặc trưng của châu Á nhưng phim kung-fu, võ thuật Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc. Tất cả những yếu tố đó khiến những cuộc phiêu lưu trong các tác phẩm của ông trở nên đặc biệt, tạo bất ngờ cho công chúng”.

Thành phố Liège có vị trí thuận lợi, giáp với Đức và Hà Lan, gần Pháp và Luxembourg. Thành phố nhỏ đón rất nhiều khách du lịch từ các vùng lân cận nên khách đến thăm bảo tàng Mỹ Thuật cũng rất đa dạng, với đủ ngôn ngữ. Ngoài những người đam mê truyện tranh và biết đến Vink, đặc biệt qua những cuộc phiêu lưu của He Pao và Nhà sư điên (Le Moine Fou), hai tác phẩm dài tập chính của Vink, ban tổ chức chú ý đến mọi chi tiết, dù nhỏ nhất, để khách tham quan bảo tàng có thể biết đến công việc Vink và những tác phẩm hội họa gần đây của ông, sau khi ngừng sáng tác truyện tranh.

“Ngay lối vào triển lãm, chúng tôi đặt một tấm biển lớn giải thích một chút về Vink, về con người ông và với tư cách là nghệ sĩ vẽ truyện tranh. Ngoài ra, khách tham quan có thể thoải mái xem triển lãm với những tấm biển nhỏ giải thích tranh được trích từ tập truyện nào. Nhưng mục đích chính của chúng tôi là để người xem không bị cuốn theo những lời giải thích, mà nhãng đi công việc của người nghệ sĩ - một phần công việc để sáng tạo nên những tập truyện tranh. Nếu người xem muốn biết thêm về câu chuyện thì họ sẽ tìm đọc những tập truyện tranh đó. Còn ở đây, trong triển lãm, họ có thể ngắm nhìn hoặc cảm nhận chất lượng nghệ thuật và kỹ thuật trong các tác phẩm của Vink.

Mỗi mảng, có khoảng 3-4 tranh, có chỗ là 9-10 tranh, là một câu chuyện được trích từ một cảnh trong một tập truyện, giúp người xem có thể tưởng tượng ra phần tiếp theo vì như chị thấy, các tranh được trưng bày không có khung thoại, không có chữ, có nghĩa là không có lời thoại để người xem cảm nhận tính nghệ thuật, mầu sắc mà không bị phiền vì lớp chữ.

Nhưng Vink cũng muốn có những đoạn nghỉ giữa các tác phẩm nên chúng tôi đã để xen kẽ các tác phẩm có kích thước khác nhau, ví dụ ở đây là bìa của một tập truyện tranh hoặc bên kia là một bản vẽ nháp. Chúng tôi cũng trưng bày một số tác phẩm hội họa vì sau khi ngừng sáng tác truyện tranh, Vink chủ yếu dành thời gian cho hội họa, vẽ chân dung và phong cảnh”.

Thú vui hội họa

Vink đã không thể đến dự buổi khai trương triển lãm mà ông là nhân vật chính vì lý do sức khỏe. Trở lại Galerie Noire với RFI Tiếng Việt, ông cho biết cảm nhận :

“Tất cả những tác phẩm này, tôi đã biết trước hết rồi, vì mỗi trang như tôi được thể hiện trong đó, nhìn các tranh đó như nhìn mình trong gương nên tôi chỉ nhìn thoáng qua vì nhìn đến 60 tấm gương thì cũng hơi kỳ cục.

Tôi phải nói đây là một trong những triển lãm lớn nhất. Cách đây 20 nay, tôi cũng có một triển lãm ở Bourges, Pháp, nhưng phải nói đây là một triển lãm rất công phu. Triển lãm này hoàn toàn do ê-kip của Alain Delaunois xây dựng. Tôi rất hài lòng về việc trình bày ánh sáng, sắp đặt các tranh rất bài bản, rất mỹ thuật”.

Kết thúc triển lãm là tác phẩm “Cô gái bên dòng nước” Vink vẽ một quán cà phê ở Đà Nẵng, phía sau là con sông Hàn. Đây là bức tranh mà ông Alain Delaunois, tùy viên khoa học của Bảo tàng Mỹ Thuật, bị lôi cuốn ngay khi đến nhà họa sĩ chọn một số tác phẩm hội họa để giới thiệu.

“Tôi vẽ tại chỗ trong một quán cà phê ở Đà Nẵng, nhưng phía sau tôi thêm một dòng sông của Đà Nẵng, nhưng thực ra sông đó không phải ở trước mặt tôi trong quán cà phê. Tôi bắt đầu vẽ bằng bút chì tại chỗ, rồi có cô tiếp viên, cô chịu ngồi đó để cho tôi chụp hình. Sau đó tôi hoàn thiện ở nhà, có lẽ mất đến cả tháng vì mỗi chi tiết, tôi đều phải kiếm tài liệu”.

Một dòng sông ở phía xa mở ra một con đường mới, như muốn nói Vink khép lại sự nghiệp tác giả truyện tranh và toàn tâm toàn ý với thú vui hội họa :

“Từ lâu, kể cả khi vẽ truyện tranh, tôi vẫn thích vẽ thêm tranh hội họa bằng mầu nước hoặc sơn dầu. Nhưng làm cả hai công việc cùng lúc thì không thể được. Mỗi trang truyện tranh mất rất nhiều thời giờ, cần ít nhất một tuần. Rồi phải làm trong thời hạn cố định để ra sách. Trong khi vẽ tranh hội họa thì tự do, được làm ở nhà. Mình sửa lui, sửa tới, làm chậm làm mau đều được hết. Rất thoải mái”.

Trong mỗi tác phẩm hội họa được trưng bày tại triển lãm đều có thể thấy tâm hồn của Vink như ở một nơi xa. Ở chốn trời Tây, nhưng lòng vẫn hướng về Việt Nam. Tác phẩm “Một phụ nữ trẻ ở kinh thành Huế” (2021) thể hiện người phụ nữ đậm nét Việt, dáng khoan thai trong trang phục truyền thống. Những họa tiết đồ vật xung quanh cho thấy họa sĩ rất tỉ mỉ và giữ nguyên nét văn hóa truyền thống Á đông, đã theo ông hơn nửa thế kỷ tại Liège.



Users browsing this topic
Guest (3)
24 Pages«<222324
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.