Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

15 Pages«<131415
Paris có gì lạ?
viethoaiphuong
#281 Posted : Tuesday, January 8, 2019 9:47:51 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - ngày 08-01-2019

Bảo tàng Louvre miễn phí mỗi tháng một đêm


Kể từ đầu 2019, Louvre mở cửa miễn phí mỗi tối thứ Bảy đầu tháng
Gonzalo Fuentes / Reuters

Kể từ ngày đầu tháng Giêng 2019, Viện bảo tàng Louvre tại Paris áp dụng chương trình ‘‘Samedis Nocturnes’’, mở cửa miễn phí mỗi tối thứ Bảy đầu tháng. Khách tham quan có thể tự do vào xem các phòng triển lãm thường trực từ 18h đến 21h45.

Sau một thời gian bị thất thu do đợt khủng bố tại Paris (nhà hát Bataclan) cuối năm 2015, Bảo tàng Louvre dần dà khôi phục lại lượng khách viếng thăm thường niên. Trong năm 2018, Louvre lập kỷ lục mới với hơn 10,2 triệu lượt khách, cứ trên 4 khách mua vé vào cửa là có 3 du khách nước ngoài. Để so sánh, lượt khách trong năm 2018 đã tăng thêm 7% so với mức trung bình (tính từ năm 2010 tới năm 2015) là 9,7 triệu lượt khách tham quan.

Theo thông lệ, kể từ năm 1996 cho tới nay, Louvre mở cửa đón khách miễn phí vào mỗi ngày Chủ nhật đầu tháng, từ tháng Ba cho tới tháng Mười hàng năm. Sau hơn hai thập niên, chương trình ‘‘Chủ nhật miễn phí’’ đã không đem lại nhiều kết quả như mong đợi. Do vậy, ban giám đốc điều hành Louvre mới bỏ rơi ‘‘công thức’’ này và có ý định chuyển sang khai thác tối thứ Bảy (Samedis Nocturnes), mở rộng chương trình sinh hoạt văn hóa để thu hút thêm nhiều đối tượng : chủ yếu là giới học sinh, sinh viên và các gia đình có con nhỏ sống ở Paris và vùng phụ cận, bên cạnh các thành phần truyền thống là du khách nước ngoài và dân Pháp đến từ các tỉnh thành.


Theo đề xuất của ban tổ chức, năm 2019 sẽ là năm thử nghiệm, dựa vào các kết quả để rồi từ đó thích nghi về khe giờ thăm viếng miễn phí cũng như các bộ sưu tập cần được giới thiệu rộng rãi. Bảo tàng Louvre hiện sở hữu hơn 380.000 hiện vật, trong đó có khoảng 10% được trưng bày thường trực . Thế nhưng, khách tham quan phải mất khoảng ba ngày nếu muốn xem tường tận 10% bộ sưu tập này được trưng bày trên 5 tầng, ở 8 khu vực khác nhau, chia đều trên ba cánh Richelieu, Denon và cuối cùng là Sully (trên bản đồ là không gian triển lãm hình vuông).

Theo quy định mới, khách đến viếng thăm miễn phí Viện bảo tàng Louvre mỗi tối thứ Bảy đầu tháng có thể tự do tham quan hai cánh Denon và Sully. Riêng cánh Richelieu cũng mở cửa miễn phí, thế nhưng khách tham quan phải ghi tên đặt chỗ trước, do lượng khách vào cửa bị giới hạn ở mức 3.000 người trong mỗi đêm thứ Bảy đầu tháng.

Theo ghi nhận của báo Le Figaro, ngày thứ Bảy miễn phí đầu tiên (05/01/2019) đã thu hút khoảng 11.000 khách thăm viếng, một kết quả khả quan theo đánh giá của giám đốc Bảo tàng Louvre ông Jean-Luc Martinez, do ngày thứ Bảy vừa qua rơi vào thời điểm kết thúc mùa nghỉ Tết dương lịch. Theo giải thích của ông Martinez, chương trình Tối thứ Bảy miễn phí không chỉ đơn thuần là đi xem triển lãm trong viện bảo tàng vào ban đêm, mà còn có thêm nhiều sinh hoạt khác như hoà nhạc cổ điển.

Trong chương trình khai mạc, một bộ ngũ tấu biểu diễn ngay trước lối vào khu vực triển lãm Richelieu. Còn trong các gian phòng Napoléon III, có màn trình diễn dương cầm các tác phẩm của Chopin, Debussy và Schubert. Bên cạnh đó, còn có những góc vẽ và đọc sách, trò chơi tổ chức cho thiếu nhi như ‘‘Săn tìm kho báu’’, theo đó các em và gia đình phải tìm cách giải đáp nhiều câu đố để tìm ra bảo vật trưng bày. Tính tổng cộng, có khoảng 10 sinh hoạt khác nhau diễn ra trong khuôn viên Cour Marly thuộc khu vực triển lãm Richelieu. Chính cũng vì thế ban điều hành Louvre chọn tối thứ Bảy để tổ chức các sinh hoạt như vậy hầu tạo thêm không khí vui tươi, sôi động.


Còn theo báo La Croix, thật ra Louvre đã bắt đầu thử nghiệm công thức ‘‘tối thứ Bảy miễn phí’’ kể từ tháng Sáu năm 2018 với 11 buổi tối đón tiếp khách tham quan, vào cửa tự do, nhưng phải đăng ký trước trên mạng. Điều đó theo báo La Croix, có thể giải thích vì sao lần này, 3.000 vé phải đặt trước (dành cho khách thích nghe nhạc hay tham gia các sinh hoạt văn hóa song song) đã hết sạch chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ. Điều đó có nghĩa là có một sự chờ đợi rất lớn nơi chương trình sinh hoạt mới của Bảo tàng Louvre.

Theo ghi nhận của báo Libération, việc hạn chế lượng khách thăm viếng đã tạo ra một bầu không khí thoải mái dễ chịu hơn tại cánh Richelieu. Nhiều gia đình người Pháp sống ở vùng ngoại ô đến tham quan Louvre nhân dịp này, cho biết là đã lâu lắm rồi họ không có dịp trở lại thăm viện bảo tàng. Không khí nhẹ nhàng và bớt căng thẳng so với nhịp sống ban ngày, dân Paris cũng ngại vào thăm Louvre vào những ngày cuối tuần, khi họ thấy du khách đứng xếp hàng quá đông chờ tới phiên mình vào cửa.

Cũng theo báo Le Figaro, khá nhiều khách tham quan do không biết là phải đặt chỗ trước để vào xem cánh Richelieu, đã đổ qua hai khu vực kia là Denon và Sully. Rốt cuộc họ phải kiên nhẫn đứng xếp hàng hơn 1 tiếng đồng hồ mới có thể vào cửa. Hơn thế nữa khách đến sau 21h có thể bị từ chối, không được cho vào cửa, do thời gian tham quan theo ban tổ chức ít nhất là 45 phút cho tới 1 tiếng đồng hồ.


Nhìn chung, ban điều hành Louvre đã đạt kết quả tích cực, vì lượng khách trẻ tuổi mà họ nhắm tới đã hiện diện khá đông đảo. Trong số các bạn trẻ, có khá nhiều bạn đã đến xem Louvre tận mắt sau khi được xem một số tác phẩm nghệ thuật trong video clip của Beyoncé và Jay-Z. Cặp vợ chồng nghệ sĩ người Mỹ dưới nghệ danh The Carters đã từng quay video “Apeshit” tại Bảo tàng Louvre.

Bộ phim ca nhạc này đã thu hút 150 triệu lượt khán giả, và một cách bất ngờ đã thu hút sự chú ý của giới trẻ đối với các tác phẩm hội họa và điêu khắc tại Bảo tàng Louvre, tiêu biểu qua các bức tranh ‘‘Chiếc bè của chiến thuyền Méduse’’ (Théodore Géricault hoàn tất tác phẩm vào năm 1819) hay là bức ‘‘Tượng thần chiến thắng Samothrace’’ (thế kỷ thứ III trước Công nguyên).


Lẽ dĩ nhiên, đối với những khách lần đầu tiên ghé thăm Viện bảo tàng Louvre, hầu như ai cũng đều muốn xem tận mắt bức kiệt tác Mona Lisa (La Joconde), tác phẩm của Leonardo da Vinci nằm ở trên tầng một (phòng số 711) giữa hai gian phòng triển lãm ‘‘Trường phái hội họa Ý 1250-1800’’ và ‘‘Trường phái hội họa Pháp 1700-1850’’.

Điều cần nên nói trước để khách tham quan tránh bị thất vọng hụt hẫng : Tác phẩm kinh điển Mona Lisa (La Joconde) là một bức tranh khổ trung bình (77 cm x 53 cm), nhưng lại nhỏ khi được trưng bày trong một gian phòng rộng lớn. Có lẽ vì thế, hầu hết các khách tham quan đều có cùng một phản ứng : không ngờ một tác phẩm vĩ đại lại nhỏ bé như vậy.


viethoaiphuong
#282 Posted : Tuesday, January 8, 2019 9:54:47 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thụy My - RFI - ngày 08-01-2019

Nhà hàng khỏa thân duy nhất ở Paris đóng cửa


Một góc nhà hàng khỏa thân O'Naturel.
capture d'ecran website O'Naturel..

O'Naturel, nhà hàng duy nhất tại Paris dành cho những người theo « trường phái » khỏa thân, đã bị phá sản. Những người sáng lập loan báo trên trang web ngày 08/01/2019 : « Chúng tôi vô cùng tiếc nuối phải thông báo với quý vị là nhà hàng O’Naturel sẽ đóng cửa vĩnh viễn ».

Do không đủ khách hàng, nhà hàng sẽ đóng cửa kể từ ngày 16/02 tới. Hai anh em Mike và Stéphane Saada, đồng sáng lập O’Naturel, giải thích trên Le Figaro : « Chúng tôi dành một ít thời gian để từ đây cho đến lúc đó, để những ai muốn thử nghiệm cũng như các khách hàng trung thành có thể đến ».

Nhà hàng O’Naturel khai trương vào tháng 11/2017, tại khu vực phía đông Paris, có khoảng 20 bàn. Sau khi gởi lại quần áo, các khách hàng trong trang phục của ông Adam và bà Eva có thể thưởng thức các món ăn tại đây với giá từ 39 đến 49 euro.

Thông báo đóng cửa không có gì là ngạc nhiên đối với Cédric Amato, phó chủ tịch Hiệp hội những người thích khỏa thân ở Paris, vốn là khách hàng thường xuyên của O’Naturel. Theo ông, « hãy còn quá sớm » để mở một cửa hàng dành riêng cho những người khách thích sống « thiên nhiên ». « Trong vòng một năm qua, không có mấy người đến ăn tối trong tình trạng khỏa thân tại thủ đô nước Pháp ».

Trước đây viện bảo tàng Palais de Tokyo ở Paris cũng đã mở cửa cho những người khỏa thân vào tháng 5/2018, và năm 2017, vào những ngày đẹp trời, rừng Vincennes ở phía đông Paris cũng dành riêng một khu vực cho những khách du ngoạn « trần như nhộng ».

Theo ông Amato, vấn đề của O’Naturel là thiếu khách quen hàng ngày. Ông nói: « Không phải ngày nào người ta cũng thích cởi quần áo để đi ăn ». Hơn nữa, nhà hàng tọa lạc tại một khu dân cư, và không có khoảng không gian để đặt bàn ghế bên ngoài vào những hôm thời tiết thuận lợi.



viethoaiphuong
#283 Posted : Thursday, January 17, 2019 2:28:33 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Thùy Dương - RFI - Thứ Sáu, ngày 03 tháng 2 năm 2017

Dưới bóng những cây cầu cổ kính, lộng lẫy của Paris


Cầu Pont Neuf - Paris.LOIC VENANCE / AFP

Sông Seine đoạn chảy qua Paris và ngoại ô có tới 37 cây cầu bắc qua. Nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Pont Neuf - cây cầu lâu đời nhất Paris và Alexandre Đệ Tam - cây cầu lộng lẫy nhất Paris.

Pont Neuf - cầu lâu đời nhất của Paris

Pont Neuf có nghĩa là Cầu Mới. Đây là cây cầu lâu đời nhất trong số những cây cầu hiện đại bắc qua sông Seine, đoạn chảy qua Paris. Sở dĩ cầu có tên gọi là Cầu Mới vì đây là cây cầu bằng đá đầu tiên của Paris. Trước kia, các cây cầu ở Paris đều bằng gỗ.

Pont Neuf nằm ở vị trí trung tâm Paris, được xây dựng từ năm 1578 đến năm 1607, trong thời gian trị vì của vua Henri Đệ Tam và Henri Đệ Tứ. Phải mất gần 30 năm cây cầu mới được hoàn thành vì các khó khăn tài chính, Chiến Tranh Tôn Giáo (1588-1598) và các xung đột chính trị.

Anh Louis Antoine, hướng dẫn viên du lịch và là đồng sáng lập Hiệp Hội « Một người bạn ở Paris » giới thiệu : « Viên đá đầu tiên được đặt vào một ngày mưa to, và vị vua đặt viên đá đó cũng chứa chan nước mắt khóc thương vì hai cận thần được ông sủng ái đã qua đời một tháng trước đó. Vì thế, người dân Paris đã mệnh danh Pont Neuf là « cây cầu nước mắt » (…) Ngay khi mới được khai trương, cây cầu đã đón nhận thành công lớn vì đây là cây cầu có tầm nhìn rất rộng ra sông Seine. Những cây cầu xây trước Pont Neuf đều có các ngôi nhà được xây dọc theo hai bên thành cầu. Vì thế, khi đi trên cầu, người dân Paris không thể ngắm nhìn sông Seine. »

Như vậy, Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên không có nhà cửa bao quanh lòng cầu, chỉ có một trạm bơm được xây trên một hệ thống cọc để bơm nước từ sông Seine tới Louvre (khi đó là cung điện) và vườn Tuilerie. Trạm bơm có tên gọi Samaritaine, đây là trạm bơm nước đầu tiên của Paris. Đến năm 1813, khi Paris có hệ thống dẫn nước mới thì trạm bơm Samaritaine mới bị dỡ bỏ.

Pont Neuf cũng là cây cầu đầu tiên của Paris có vỉa hè. Và trong vòng 200 năm sau khi Pont Neuf được khánh thành, đây vẫn là cây cầu có vỉa hè duy nhất ở Paris. Người ta phỏng đoán phần vỉa hè của Pont Neuf theo dự tính ban đầu có lẽ là dành để xây dựng các ngôi nhà như những cây cầu trước đó.

Nhờ không có các ngôi nhà chắn tầm nhìn mà khi đi trên cầu, mọi người có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn dòng sông Seine trải dài và các công trình nổi tiếng của Kinh Đô Ánh Sáng nằm dọc hai bên bờ sông.

Dài hơn 230m, đây là cây cầu đầu tiên bắc qua cả hai nhánh của sông Seine, nối liền quận 6 ở tả ngạn và quận 1 ở hữu ngạn sông Seine, bắc qua cả mũi đất phía Tây của đảo Île de la Cité, nơi có quảng trường Dauphine. Pont Neuf rộng 20,5m, gồm 11,5m lòng cầu và hai bên vỉa hè, mỗi bên rộng 4,5m.

Pont Neuf có 12 nhịp cầu uốn hình vòng cung. Phần cầu bắc qua nhánh lớn của sông Seine nối sang quận 1 gồm 7 nhịp. Còn phần nối sang quận 6 gồm 5 nhịp. Tại mỗi trụ cầu có một "ban công" hình bán nguyệt nhô ra phía ngoài sông Seine. Mạn ngoài của cầu được trang trí bằng 381 bức điêu khắc gương mặt của các vị thần trong các truyền thuyết cổ đại, chẳng hạn như thần dê, thần rừng. Mỗi bức tượng lột tả một cảm xúc khác nhau, nhiều bức tượng khắc họa vẻ nhăn nhó, trông khá kỳ dị. Đại văn hào Victor Hugo xưa kia đã gọi những bức tượng đó là « những cơn ác mộng hóa đá ».

Trong một thời gian rất dài, cây cầu đã trở thành một trung tâm náo nhiệt và sầm uất về thương mại của thành phố. Trong bài thơ có tiêu đề « Thành phố Paris », được sáng tác vào năm 1660, thi sĩ Berthod đã miêu tả Pont Neuf là nơi bán hàng quen thuộc của những người bán thuốc bôi, thuốc mỡ, sách truyện, quần áo cũ, là nơi hành nghề của những người nhổ răng dạo, … Vào năm 1619, chính trên cầu Pont Neuf, quầy bán sách cũ đầu tiên của Paris đã xuất hiện.

Vào cuối giai đoạn trị vì của vua Henri Đệ Tam, các nhà buôn và thợ thủ công đã dựng các quầy hàng bằng gỗ tại các ban công bán nguyệt để buôn bán. Năm 1775, các quầy hàng bằng gỗ này bị dỡ bỏ và thay vào đó là các quầy hàng xây bằng đá, do kiến trúc sư danh tiếng Soufflot thiết kế. Kiến trúc sư Soufflot cũng chính là người đã thiết kế Điện Panthéon - Đền thờ các vĩ nhân của Pháp. Đến năm 1854 thì các quầy hàng bằng đá cũng bị dỡ bỏ, việc buôn bán và làm nghề thủ công trên vỉa hè của cầu chấm dứt. Vỉa hè cầu Pont Neuf trở thành nơi dạo bộ lý tưởng cho người dân.

Trong tác phẩm mang tựa « Bức họa Paris » năm 1781, tác giả Louis-Sébastien Mercier đã viết : « Pont Neuf trong thành phố giống như trái tim trong cơ thể con người, trung tâm của mọi sự chuyển động và tuần hoàn, người dân và khách nước ngoài đổ tới cầu nhiều tới mức chỉ cần đi dạo trên cầu mỗi ngày 1 tiếng là có thể gặp được người mà ta muốn gặp ».

Trải qua hơn bốn thế kỷ, với biết bao đổi thay của lịch sử, cây cầu vẫn còn đó và đã trở thành cảm hứng sáng tạo và đi vào tác phẩm hội họa của một số họa sĩ nổi tiếng như Pierre-Auguste Renoir hay Camille Pissarro. Họa sĩ Renoir vẽ bức tranh « Pont Neuf » vào năm 1872. Bức tranh sơn dầu này hiện nằm tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Quốc Gia ở Washington, Mỹ. Còn bức tranh « Pont Neuf » của họa sĩ Pissarro vẽ năm 1901 được trưng bày tại bảo tàng Nghệ Thuật Philadelphia, Mỹ. Cây cầu cũng là bối cảnh chính của bộ phim « Les Amants du pont Neuf » (Những tình nhân của cây cầu Pont Neuf), sản xuất năm 1991.

Cũng trong năm 1991, cùng với quần thể dọc bờ sông Seine, Pont Neuf đã được công nhận là Di Sản Thế Giới của UNESCO.

Alexandre Đệ Tam - cầu lộng lẫy nhất Paris

Nếu Pont Neuf nổi tiếng là cây cầu lâu đời nhất Paris thì cầu Alexandre Đệ Tam lại nổi tiếng là cây cầu đẹp nhất, lộng lẫy nhất, hoành tráng nhất « Kinh Đô Ánh Sáng ».

Cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở một khu vực quan trọng, tập trung nhiều công trình lịch sử có giá trị của của thành phố Paris. Cầu nằm trên trục thẳng nối từ Điện Invalides bên tả ngạn sông Seine (quận 7) tới đại lộ Wilson Churchill bên hữu ngạn (quận 8) với hai công trình Grand Palais và Petit Palais nằm hai bên. Gần đó là tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysée, Phủ Tổng Thống (Điện Elysée), quảng trường Concorde, Tòa nhà Quốc Hội (Palais Bourbon)…

Cầu Alexandre Đệ Tam là biểu tượng của tình hữu nghị giữa hai nước Nga và Pháp. Sa hoàng Nga Alexandre Đệ Tam và tổng thống Pháp Sadi Carnot đã cho xây dựng cây cầu nhân dịp Triển Lãm Hoàn Cầu được tổ chức ở Paris vào năm 1900. Sa hoàng Nicolai Đệ Nhị - con trai của sa hoàng Alexandre Đệ Tam đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng cầu vào năm 1896 và vào ngày 14/04/1900, cũng chính Nikolai Đệ Nhị, cùng với tổng thống Pháp Emile Loubet, đã khánh thành cây cầu. Đây cũng là ngày tổng thống Emile Loubet khai mạc Triển Lãm Hoàn Cầu tại Grand Palais.


Cầu Alexandre Đệ Tam - Paris.
@wikipedia/philippe alès

Năm 1975, cầu Alexandre Đệ Tam được công nhận là công trình lịch sử của Pháp. Năm 1991, cũng như Pont Neuf, cùng với các công trình hai bên bờ sông Seine, cầu Alexandre Đệ Tam được UNESCO công nhận là Di Sản Thế Giới.

Nét đẹp của cầu Alexandre Đệ Tam nằm ở sự giao hòa giữa kỹ thuật xây dựng hiện đại và phong cách nghệ thuật mới. Nhà báo Patrick de Carolis và nhà sử học Louis Laforge, trong cuốn sách « Paris - dọc theo sông Seine », đã trích dẫn các quy định mời thầu, cho biết là các kiến trúc sư phải đảm bảo là « cây cầu sẽ không làm ảnh hưởng đến những cảnh đẹp mắt và sống động trên sông Seine, nhìn từ phía quảng trường Concorde thì những cảnh đó là độc nhất vô nhị : các cây cầu nối tiếp nhau với tầu thuyền tấp nập trên sông », cây cầu không được quá cao, che lấp các cảnh quan nổi tiếng xung quanh, nhưng cũng không được quá thấp làm ảnh hưởng tới tàu thuyền đi lại trên sông, và đặc biệt cây cầu phải hài hòa với hai công trình nằm ngay gần đó cùng được xây dựng để phục vụ Triển Lãm Hoàn Cầu là Grand Palais và Petit Palais.

Cầu Alexandre Đệ Tam chỉ có một nhịp dài 107 m, với ba điểm nối và không có cột chống trung gian nào. Cầu rộng 40m. Toàn bộ khung cầu được đúc sẵn bằng thép từ nhà máy Le Creusot rồi được vận chuyển đến lắp ghép tại chỗ bằng đinh ốc. Đây là một trong những công trình đầu tiên trên thế giới được xây dựng theo công nghệ này. Loại thép dùng để xây cầu cũng là loại thép đặc biệt, chỉ được dùng cho các mục đích quân sự ở Pháp vào thời đó. Vì thế, phải có giấy phép đặc biệt mới được sử dụng loại thép này để xây dựng cây cầu. Để chống lại sức đẩy của nước, phần móng cầu sát bờ sông được gia cố bằng các khối bê tông khổng lồ, có thể nói là chưa từng có vào thời kỳ đó.

Việc trang trí cây cầu được giao cho các nhà điêu khắc nổi tiếng thời đó như Dalou, Garder, Gauquié, … Với các tác phẩm điêu khắc lộng lẫy, cầu Alexandre Đệ Tam được coi như một viện bảo tàng.

Hai bên thành cầu được trang trí bằng 32 cột đèn bằng đồng với các tượng thiên thần nhỏ có cánh. Ở mỗi đầu cầu, có hai cột lớn bằng đá cao 17m. Phía dưới mỗi cột được trang trí bằng một bức tượng đá tượng trưng cho nước Pháp dưới thời trị vì của vua Charlemagne, thời Phục Hưng, thời trị vì của vua Louis XIV và thời hiện đại. Còn trên đỉnh mỗi cột đặt một bức tượng đồng mạ vàng hình nữ thần và ngựa có cánh, tượng trưng cho nghệ thuật, nông nghiệp, trận chiến đấu và chiến tranh. Ở chính giữa, hai bên mạn ngoài cầu được trang trí bằng bức tượng các nữ thần sông Neva với các loại vũ khí của Nga và các nữ thần sông Seine với các loại vũ khí của Pháp. Ngoài ra, hai bên thành cầu còn có các bức tượng các em nhỏ dắt sư tử, các vị thần sông với cá hoặc ốc.

Từ tháng 04 - 11/1900, trong thời gian diễn ra Triển Lãm Hoàn Cầu, đã có 50 triệu du khách đến chiêm ngưỡng cây cầu.

Cây cầu lộng lẫy và nổi tiếng bậc nhất Paris đã đi vào nhiều tác phẩm điện ảnh, chẳng hạn như bộ phim « Midnight in Paris » (Paris lúc nửa đêm) của đạo diễn gạo cội Woody Alen. Danh ca Adèle của nước Anh, người đã thắng 6 hạng mục quan trọng tại giải Grammy năm 2012 cũng đã chọn cây cầu Alexandre Đệ Tam để quay clip « Someone like you ».


viethoaiphuong
#284 Posted : Sunday, February 17, 2019 12:49:45 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


I love Mon Paris

FB - 17/2/2019 by Luciana Roc

1 user thanked viethoaiphuong for this useful post.
linhvang on 2/18/2019(UTC)
viethoaiphuong
#285 Posted : Sunday, February 17, 2019 12:52:15 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


I love Mon Paris

FB - 16/2/2019 by Dominique Gentien


viethoaiphuong
#286 Posted : Sunday, February 17, 2019 12:55:35 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Montmartre - Paris
I love Mon Paris

FB - 16/2/2019 by Luciana Roc



1 user thanked viethoaiphuong for this useful post.
linhvang on 2/18/2019(UTC)
viethoaiphuong
#287 Posted : Saturday, February 23, 2019 9:51:18 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


La Chapelle royale, château de Versailles.
by Luciana Roc

FB - Groupe I love Mon Paris

viethoaiphuong
#288 Posted : Friday, March 1, 2019 5:57:49 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Invasion de parapluies au Village Royal
by Marietta Medjid

FB - I Love Mon Paris
28/2/2019


viethoaiphuong
#289 Posted : Wednesday, March 13, 2019 8:53:25 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Thùy Dương - RFI - Thứ Tư, ngày 13 tháng 3 năm 2019

Chợ Rungis : từ "Bụng của Paris" đến chợ đầu mối lớn nhất thế giới


Trải rộng trên 234 ha, chợ Rungis có diện tích rộng hơn công quốc Monaco.© RFI/Clémence Denavit

Cách nay tròn 50 năm, vào những ngày cuối tháng Hai đầu tháng Ba 1969, khu chợ thực phẩm Les Halles, vốn nổi tiếng với tên gọi« le ventre de Paris » (bụng của Paris), được chuyển vềRungis, vùng ngoại ô Val de Marne, cách cửa ngõ Paris khoảng 7 km về hướng nam.

Hiện giờ, chợ Rungis, với tên gọi đầy đủ là Chợ Quốc Tế Rungis, là chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn nhất thế giới, cung cấp thực phẩm không chỉ cho người dân Paris và vùng phụ cận, mà còn cho nhiều vùng của nước Pháp và một số nước khác.

Ký ức về chuyến di dời chợ lớn nhất thế kỷ XX

Được vua Louis VI mở hồi thế kỷ XII ở trung tâm Paris trên diện tích 7 ha để cung cấp thực phẩm cho người dân thành phố, đến giữa thế kỷ XX, chợ Les Halles trở nên quá chật chội, nhếch nhác, thường làm tắc nghẽn giao thông … Vào thập niên 1960, chính quyền của tổng thống De Gaulle quyết định di dời chợ Les Halles ra ngoại ô Paris.

Dự án xây chợ Rungis khi đó có giá tới hơn 1,1 triệu franc (gần 170 triệu euro).Kiến trúc sư Jean Bourcin-Gonin, từng tham gia quy hoạch chợ Rungis, hồi tưởng :

« Chúng tôi bắt đầu từ khu chợ hải sản, vì nó nằm trong tòa nhà rất dài, dài khoảng 270 mét và nằm dọc xa lộ nên khi đó người ta trông thấy rõ. Và vì mọi người hồi đó không tin rằng chợ Rungis sẽ được hình thành, khi người ta nhìn thấy những chiếc cần trục, máy cẩu, khi người ta thấy có sự đầu tư, có một tấm pa-nô lớn về chợ quốc tế của vùng Paris ở chỗ này, họ bắt đầu suy nghĩ và tự nói với nhau là đang có điều gì đó diễn ra, họ dè chừng nhưng vẫn phải dõi theo ».

Mỗi người một suy nghĩ, nhiều người phản đối chuyện phải di dời khỏi trung tâm thành phố. Một số khác lại ủng hộ, với hy vọng ở chợ mới sẽ có điều kiện làm việc tốt hơn. Ngày 27/02/1969, các nhà buôn ở chợ Les Halles bắt đầu thu dọn chuyển đi.

Đài France 2 (ngày 27/02/2019) phát lại một số hình ảnh lưu trữ của Viện Nghe nhìn Quốc gia Pháp INA về sự kiện được báo chí Pháp khi đó gọi là « đợt chuyển chợ lớn nhất thế kỷ XX ».

Một người chuyển hàng chia sẻ : « Cá nhân tôi, tôi nghĩ là có thể tôi hiện đại hơn những người khác một chút. Tôi chờ đợi việc chuyển chợ. Điều kiện làm việc tại chợ này thực sự là không thể chịu đựng được nữa, xét về mọi mặt ». Một người chuyển hàng khác nói với phóng viên : « Đây là chuyện nghiêm túc. Lịch sử đang sang một trang mới ».

Trong vòng vài ngày, 30.000 nhân viên của 1.000 doanh nghiệp, với 1.500 xe chở 5.000 tấn hàng nhằm hướng ngoại ô Val de Marne thẳng tiến. Ngày 02/03/1969, chợ Les Halles chính thức đóng cửa. Đó cũng là ngày phiên đầu tiên ở chợ Rungis bắt đầu !

Trong một phóng sự trên đài France 3 (ngày 27/02/2019), cụ Maurice Desailly, 82 tuổi, vốn nhà một nhà buôn phô mai ở chợ Rungis, vẫn giữ nguyên ký ức về những ngày đầu khi mới chuyển từ chợ Les Halles về chợ Rungis. Cụ Desailly nhớ lại :

« Khi đó chúng tôi chỉ có một nửa số phòng lạnh so với bây giờ. Chúng tôi là những người duy nhất có điện thoại trong tòa nhà này. Khi đó chỉ có rất, rất ít nhà hàng mở cửa, trong suốt hai tháng đầu, chúng tôi chỉ ăn bánh sandwich và uống bia ». Kể từ đó, khu chợ Rungis không ngừng phát triển.

Chợ Rungis, « thành phố không bao giờ ngủ đêm »

Trải rộng trên 234 ha, chợ có diện tích rộng hơn công quốc Monaco. Quy mô lớn của chợ, với hơn 1.200 doanh nghiệp, 12.500 lao động và nhiều nhà hàng, quán bar và lượng thực phẩm tươi sống khổng lồ bán ra với đủ chủng loại, đã đưa Rungis trở thành « khu chợ ngoại hạng ». Báo Le Parisien ngày 17/02/2019 cho biết mỗi năm có hơn 3 triệu tấn thực phẩm tươi sống được bán ra, trước khi tới tay gần 20 triệu người tiêu dùng, chủ yếu ở vùng Paris. Doanh thu năm 2018 của chợ đạt 9,4 tỉ euro.

Là chợ đầu mối thực phẩm, chợ Rungis hoạt động từ đêm đến gần trưa. Thời điểm mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ lại là lúc chợ Rungis bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, với 26.000 xe chở hàng ra vào chợ mỗi đêm. Không phải vô cớ mà chợ Rungis được ví như một « thành phố không bao giờ ngủ đêm ». Chợ không phục vụ khách hàng mua lẻ, cũng không mở cửa tự do cho khách tham quan. Muốn đi thăm chợ, khách phải đăng ký tham quan vào ban đêm, với giá 80 euro/người.

Khách hàng của chợ là chủ các nhà hàng, những người buôn bán thực phẩm, từ thịt, hải sản, phô mai, tới rượu, gia vị, đặc biệt là rau và trái cây và cả hoa tươi, cây cảnh… Khoảng 70% số hàng bán ở chợ Rungis là rau củ và trái cây.

Rau quả là sản phẩm được nhiều người kinh doanh nhất. Khu vực bán rau quả gồm hàng chục tòa nhà. Cứ hai ngày lại có hai đoàn tàu chở rau quả từ miền nam nước Pháp tới chợ hoặc từ Tây Ban Nha chở sang. Chợ Rungis cũng là nguồn cung cấp rau quả cho các nhà buôn nhiều nước, đặc biệt là Anh Quốc. Vào mùa Giáng Sinh, 1/3 số cây thông bán ra trên toàn nước Pháp được trung chuyển qua chợ Rungis.


Rau và trái cây là mặt hàng được bán nhiều nhất ở chợ Rungis.
RFI/Clémence Denavit

Mô hình được « xuất khẩu » ra nhiều nước

Không chỉ là nơi buôn bán, chợ Rungis còn là nơi những người làm việc trong lĩnh vực thực phẩm, kinh doanh nhà hàng, ăn uống tới học tập. Công ty quản lý chợ Rungis, Semmaris, tổ chức nhiều chương trình học cho đầu bếp chuyên nghiệp, hay các khóa đào tạo cho những người muốn theo nghề bán buôn, bán sỉ thực phẩm. Chợ Rungis cũng là nơi người ta đến để học cách xử lý, đóng gói, bảo quản hàng hóa, thậm chí tìm hiểu về « nghệ thuật mặc cả, trả giá »…

Sau 50 năm phát triển, Rungis cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là vì thói quen, nhu cầu ăn uống của người dân đã có nhiều thay đổi. So với thời trước, khi lượng hàng bán được có thể dễ dàng đạt tới 70 tấn/ngày, hiện giờ trung bình mỗi ngày, các nhà buôn « chỉ » bán được khoảng 10 tấn hàng. Do khách hàng ngày càng chú ý đến chất lượng thực phẩm, nhất là thực phẩm sạch, nên kể từ năm 2015, chợ Rungis có một khu chuyên bán thực phẩm sạch.

Phương thức mua sắm cũng thay đổi nhiều, nhất là với thương mại điện tử. Chợ Rungis hiện đang phải chuẩn bị dự án để cạnh tranh trong bối cảnh B to B, sàn thương mại điện tử về thực phẩm tươi sống, đã được triển khai hồi cuối năm 2018 với số tiền đầu tư lên tới 4 triệu euro. Đã hết thời các nhà buôn ở chợ Rungis lúc nào cũng ghi chép bằng giấy, bút, giờ đây, họ đều phải biết sử dụng máy tính bảng.

Trả lời phỏng vấn trên kênh France 2 ngày 27/02/2019, ông Didier Loli, nhà buôn rau quả, giải thích : « Nhờ máy tính bảng này mà chúng tôi bán được hàng trực tiếp theo cách mà hồi trước chúng tôi không thể làm được. Cũng nhờ máy tính bảng, chúng tôi biết được trong kho còn những hàng gì và số lượng bao nhiêu. Nhờ thế, khi khách hàng đến, chúng tôi sẵn sàng trả hàng cho khách, biết chính xác lượng hàng chúng tôi còn để bán cho họ. Sử dụng máy tính bảng cho phép tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền và nhất là nó cho phép hạn chế số tiền hàng mà khách nợ, thời hạn họ trả nợ và nhờ đó chúng tôi chắc chắn được là khách không nợ chúng tôi quá nhiều tiền thì mới phục vụ họ ».

Tuy công ty Semmaris, doanh nghiệp quản lý chợ Rungis, đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng có một điều không thể phủ nhận là mô hình tổ chức, hoạt động của chợ đang là hình mẫu của nhiều nhà quản lý nước ngoài. Theo RFI, nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Nga, Hungary, Ai Cập, Bénin, Kazakhstan… đã và đang hợp tác với Semmaris để nhập khẩu mô hình quản lý chợ Rungis, từ công tác kiểm dịch, bảo quản thực phẩm, tới giải quyết hàng tồn đọng, quản lý kho bãi, xử lý rác thải…
viethoaiphuong
#290 Posted : Thursday, July 11, 2019 7:17:03 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Paris tìm cách hạn chế xe trượt

Tuấn Thảo - RFI - ngày 10-07-2019


6 công ty thuê xe trượt ngưng hoạt động do chi phí sửa xe quá cao.
Tuấn Thảo / RFI

Tại Paris, một nửa các công ty cho thuê xe trượt chạy bằng điện buộc phải ngưng hoạt động, vì chi phí bảo trì và sửa chữa quá cao. Tình trạng này một phần cũng vì Paris đã bắt đầu áp dụng nhiều quy định khắt khe hơn, hầu hạn chế việc sử dụng tùy tiện xe trượt trong thành phố.

Kể từ ngày 01/07/2019, thủ đô Paris áp dụng các quy định mới hạn chế việc sử dụng xe trượt chạy bằng điện (trottinette électrique). Lúc đầu, nhiều người dân Paris đã hưởng ứng phương tiện giao thông này, nhưng nhiều tai nạn xe trượt gần đây buộc hội đồng thành phố phải tăng cường các biện pháp kiểm soát.

Cách đây vài năm, chẳng có ai biết xe trượt là gì. Nhưng kể từ một năm nay, xe trượt đã xuất hiện ở khắp nơi, do không có trạm đậu xe cố định, cho nên các loại trottinette nằm ngổn ngang, la liệt trên vỉa hè, đôi khi đặt ở những chỗ gây cản trở lối đi, khiến cho người đi bộ phải than phiền, người lái xe cũng bực mình vì một số người đi xe trượt không tôn trọng luật giao thông.

Theo số liệu của hội đồng thành phố, tính tới đầu tháng 7/2019, có khoảng 20.000 xe trượt chạy bằng điện trong Paris. Lime (với logo màu xanh quả chanh) là công ty đầu tiên được chính thức đưa vào hoạt động vào tháng 6 năm 2018. Chỉ một năm sau, có tới hơn một chục hãng cho thuê xe trượt chen chân vào thị trường Paris, trong đó đa phần là các công ty khởi nghiệp (start-up). Nhưng sau ngày 01/07/2019, có ít nhất là 6 công ty thuê xe trượt Bold, Wind, Tier, Hive, Ufo và Voi buộc phải ‘‘bỏ cuộc’’.

Tuy vậy, với 6 công ty còn lại, số lượng xe trượt ở Paris vẫn còn cao hơn nhiều so với các thủ đô khác như Madrid, Lisboa hay Luân Đôn. Trong khi nhiều thành phố lớn đã đơn thuần cấm sử dụng loại xe trượt chạy bằng điện, như trường hợp của Barcelona (Tây Ban Nha), Seattle (Mỹ) hay là Villeurbanne (Pháp).

Theo thăm dò của báo Le Parisien, có khoảng từ 10% đến 15% dân Paris sử dụng xe trượt để di chuyển trong thành phố. Vậy thì xe trượt đặt ra những vấn đề nào khác so với xe đạp ? Theo ông Xavier Desjardins, giáo sư đại học Sorbonne chuyên về quy hoạch đô thị, cuộc tranh luận gần đây khiến cho mọi người có cảm tưởng là xe trượt tràn ngập Paris, nhưng thật ra phương tiện di chuyển này vẫn còn rất khiêm tốn, chỉ tương đương với khoảng 4% các phương tiện giao thông nói chung. Hàng năm, có khoảng 6.500 vụ tai nạn xe hơi, trong khi tai nạn xe đạp là khoảng 600 vụ. Do vậy, xe trượt chưa thể được xem là nguy hiểm hơn xe đạp. Điểm khác biệt lớn nhất là vẫn còn thiếu những quy định rõ ràng về xe trượt.


Trước đây, dịch vụ cho thuê xe đạp Velib có đặt nhiều trạm đậu xe trong khắp thành phố, trong khi xe trượt được khai thác theo mô hình ‘‘free floating’’ tức là không có chỗ trả xe hay đậu xe cố định, chỉ cần dùng ứng dụng dựa theo GPS để tìm ra vị trí của mỗi chiếc xe. Do thiếu quy định, nên đội xe trượt bị thảy bừa bải trên vỉa hè, khiến cho dân thành phố có cảm tưởng thiếu an toàn, mất trật tự.

Kể từ nay, người đi xe trượt buộc phải tôn trọng nhiều giới hạn về mặt tốc độ. Các công ty cho thuê xe trượt buộc phải ‘‘kềm hãm động cơ’’, nén tốc độ xuống còn 20 cây số/giờ thay vì 30 20 cây số/giờ, còn trong những khu vực trung tâm dành cho người đi bộ, tốc độ bị giới hạn tối đa ở mức 8 cây số/giờ. Xe trượt cũng không được đậu hay chạy trên vỉa hè, mà phải dùng làn dành cho xe đạp.

Liệu những quy định mới sẽ được tôn trọng và hạn chế các tai nạn ? Theo ông Jean-Paul Lechevalier, phát ngôn viên của hiệp hội ‘‘60 Millions de Piétons’’ (60 triệu người đi bộ), chỉ riêng trong khu vực trung tâm Paris nơi có nhiều không gian dành cho khách bộ hành, cũng có gần 1.000 cây số vỉa hè. Quy định cấm các xe trượt chạy hay đậu trên vỉa hè không dễ áp dụng.

Không thể nào bố trí thêm cảnh sát ở mỗi ngã tư đường phố để kiểm soát giao thông. Chuyện phạt vạ chưa chắc gì là đủ, mà phải rút hẳn giấy phép hoạt động của các công ty khai thác nếu các hãng này không đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn. Vấn đề thứ hai là việc giáo dục sao cho những người đi xe trượt ý thức rằng, người đi bộ ít đề phòng khi đi trên vỉa hè, xe trượt chạy bằng điện lại ít có tiếng động, cho nên càng dễ gây ra tai nạn.


Khác với xe đạp Velib có trạm đậu xe khắp thành phố, xe trượt theo mô hình "free floating" không có chỗ trả xe hay đậu xe cố định
Tuấn Thảo / RFI

Tuy vậy, theo ông Xavier Desjardins giáo sư đại học Sorbonne và là tác giả của quyển sách nghiên cứu ‘‘Urbanisme et mobilités’’ (Quy hoạch đô thị và Sự di động), rất khó mà cấm hẳn việc sử dụng xe trượt như New York, Barcelona hay Valencia đã từng làm. Đối với các đô thị có chủ trương giảm ô nhiễm, xe trượt vẫn được xem là một phương tiện khá tốt để thay thế xe hơi. Trong thành phố việc di chuyển thường là dưới 10 cây số, đi xe trượt thay vì lái xe hơi giúp giảm bớt nạn kẹt xe, cũng như tình trạng thiếu chỗ đậu xe. Điều đó có thể giải thích vì sao Paris, do có chủ trương hạn chế tối đa xe hơi, muốn tìm ra một giải pháp ổn thỏa cho các hình thức di chuyển mới.

Và dường như không phải chỉ có Paris, vì sau một thời gian cấm hẳn, New York, San Francisco cũng bắt đầu xem xét lại việc có nên triển khai hay không các loại xe trượt trong thành phố. Ngoài các quy định giao thông rõ ràng, các phương tiện di chuyển mới đòi hỏi nơi các chuyên viên quy hoạch đô thị một kế hoạch phát triển dài hạn và phân biệt đâu là những sáng kiến thực sự giúp cải thiện đời sống người dân trong thành phố.


viethoaiphuong
#291 Posted : Sunday, July 14, 2019 5:53:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Paris : 14/7/2019 - diễn binh trên đại lộ Champs-Elysees - Chào mừng Quốc khánh Pháp !


Đại diện quân đội 11 nước châu Âu là khách mời danh dự trong cuộc diễn binh mừng Quốc Khánh Pháp ngày 14/07/2019 tại Paris.
REUTERS/Charles Platiau



Vào lúc 10 giờ sáng nay, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự lễ duyệt binh trên đại lộ Champs Elysées, mở đầu cuộc diễn binh mừng ngày Quốc Khánh, 14 tháng 7. Mười một lãnh đạo châu Âu là những vị khách mời danh dự của Paris, thành phần chính phủ, cùng đông đảo quan khách đã có mặt trên khán đài ở quảng trường Concorde dự lễ diễn binh.

Trong bối cảnh Anh Quốc chuẩn bị rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu và quan hệ đồng minh đang bị chính quyền Trump thách thức, "Hợp tác quân sự châu Âu và Cùng Nhau Hành Động " là chủ đề chính của lễ diễu binh năm nay.

Paris đặc biệt vinh danh 9 đối tác châu Âu sát cánh với Pháp trong trong kế hoạch tăng cường khả năng tự vệ của châu Âu mang tên Sáng Kiến Can Thiệp Châu Âu.

Lãnh đạo 9 nước nói trên (gồm Đức, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đan Mạnh, Hà Lan, Phần Lan, Estonia và Bỉ) cùng với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu và tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương là những khách mời danh dự của tổng thống Macron năm nay.

2019 cũng là kỷ niệm đúng 100 năm Pháp tổ chức lễ diễn binh đầu tiên sau Thế Chiến Thứ Nhất.

Không Quân Pháp đã mời Đức, Tây Ban Nha và Anh cùng tham gia chương trình bay biểu diễn mừng Quốc Khánh 14 tháng 7 năm nay.

Cuộc diễn binh hôm nay huy động 4.300 quân nhân, gần 200 xe đủ loại, 69 máy bay và gần 40 trực thăng của quân đội. Trên bộ, cuộc diễu hành diễn ra trên một đoạn đường dài 1,2 cây số, từ Khải Hoàn Môn đến quảng trường Concorde. Đội bay biểu diễn Patrouille de France đã bay trên đại lộ Champs-Elysees, thả khói với ba màu xanh trắng đỏ, mầu cờ của nước Pháp.



Đội bay biểu diễn Patrouille de France đã bay trên đại lộ Champs-Elysees,
thả khói với ba màu xanh trắng đỏ, mầu cờ của nước Pháp.



viethoaiphuong
#292 Posted : Tuesday, July 23, 2019 5:39:53 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

"Cinema Paradiso" khoác áo ngàn sao cho Louvre

Tuấn Thảo - RFI - ngày 19-07-2019


Mùa hè 2019, Paris có nhiều chương trình chiếu phim ngoài trời : Moulin Rouge, La Villette và bảo tàng Louvre.
REUTERS/Regis Duvignau

Biến quảng trường vuông giữa lòng Viện bảo tàng Louvre thành một rạp chiếu phim miễn phí ngoài trời. Đó là sáng kiến độc đáo của Elisha Karmitz, giám đốc công ty MK2, chuyên sản xuất và phân phối phim qua các rạp xinê cùng tên. Chương trình sinh hoạt này nhằm kỷ niệm 30 năm xây dựng Kim tự tháp bằng kính cung điện Louvre.

Mang tựa đề ‘‘Cinema Paradiso’’, chương trình này sẽ trình chiếu 8 tác phẩm điện ảnh nay được xem như kinh điển trong hơn một tuần lễ liên tục, từ Thứ Sáu 19/07 cho tới Thứ Sáu 26/07/2019. ‘‘Quảng trường vuông’’ còn được gọi là nôm na là ‘‘sân vuông’’ nằm ở phía sau Quảng trường Napoléon (sân chính), nơi có dựng Kim tự tháp bằng kính, bao quanh bởi 7 đài phun nước hình tam giác vuông. Ban tổ chức đã chọn ‘‘sân vuông’’ phần lớn vì lý do an ninh, mặt khác, ban kỹ thuật dễ làm việc hơn khi phải dựng màn ảnh lớn trên một diện tích vuông vức, không có gì cản trở tầm nhìn.

Có thể nói là chương trình chiếu phim được mở rộng cho mọi đối tượng. Giới thích phim phiêu lưu khám phá lại tập ba của anh hùng ''Indiana Jones : Cuộc thập tự chính cuối cùng' (23/07) của đạo diễn Mỹ Spielberg. Giới trẻ em được dịp xem nhân vật Chihiro trong phim hoạt hình Nhật bản ‘‘Vùng đất linh hồn’’ (Voyage de Chihiro 25/07) của đạo diễn Hayao Miyazaki. Phim lịch sử cổ trang Pháp có "Hoàng hậu Margot" (La Reine Margot 19/07) của đạo diễn Patrice Chéreau.

Cũng như ‘‘Hoàng hậu Margot’’, phim hình sự của Mỹ ‘‘Mật mã Da Vinci’’ (Da Vinci Code 24/07) của Ron Howard được chọn, vì theo lời ban tổ chức, phim có nhiều cảnh quay tại Louvre. Tác phẩm kinh điển ‘‘Cinema Paradiso’’ của đạo diễn Ý Giuseppe Tornatore được trình chiếu hôm 22/07. Bộ phim này từng tặng cho Philippe Noiret một vai diễn để đời và nay gợi hứng cho công ty sản xuất phim MK2 đặt tên "Cinema Paradiso" cho chương trình chiếu phim ngoài trời.

Tất cả các buổi chiếu phim miễn phí đều bắt đầu lúc 10 giờ tối (22 giờ), tuy nhiên khán giả muốn xem phim phải vào bên trong từ 19 giờ. Khán giả được yêu cầu đến sớm vì lý do an ninh. Bên trong ‘‘sân vuông’’ có nhiều sinh hoạt như lớp khiêu vũ miễn phí dành cho người lớn, trò chơi xã hội dành cho trẻ em, các quầy bán thức ăn, các quán bar giải khát.

Phía bảo tàng Louvre cho biết, ban tổ chức chờ đợi 3.000 khán giả mỗi đêm. Ba ngàn chiếc ghế bố sẽ được sắp xếp trước màn hình khổng lồ từ lúc 20 giờ. Để đặt vé trước, khán giả phải truy cập trực tiếp vào mạng Cinema Paradiso của công ty MK2. Quầy vé trực tuyến mở cửa vào 10 giờ sáng. Các tấm vé tuy miễn phí nhưng có ghi số rõ ràng, buộc người xem phim phải đặt trước, do chỗ ngồi có giới hạn.

Đây là lần thứ nhì chương trình Cinema Paradiso được tổ chức tại Paris. Lần trước là cách đây 4 năm, tại Bảo tàng Grand Palais. Tuy nhiên, vào thời ấy, sự kiện tổ chức trong năm 2015 đã không thu hút đông đảo khán giả như mong đợi, do có bán vé vào cửa. Lần này, ông Elisha Karmitz, khi lên thay thế thân phụ Marin Karmitz ở chức vụ giám đốc công ty MK2, đã muốn thực hiện những chiến dịch tiếp thị ngoạn mục, tạo ra nét khác biệt cho hãng MK2 so với các công ty truyền thông khác.

Nổi tiếng từ hơn 4 thập niên qua nhờ phân phối phim và hợp tác sản xuất dòng phim độc lập, công ty MK2 khi tổ chức Cinema Paradiso cũng muốn cho sự kiện này có một nét gì đó đặc biệt và khác lạ hơn. So với chương trình chiếu phim ngoài trời trên đại lộ Champs Élysées hay tại công viên La Villette, diễn ra hàng năm và tại một địa điểm cố định, chương trình Cinema Paradiso chỉ được tổ chức 4 năm một lần, và mỗi lần là tại một không gian bất ngờ, hùng vĩ tráng lệ. Sau mái vòm thủy tinh của Viện bảo tàng Grand Palais, nay đến phiên Kim tự tháp bằng kính cung điện Louvre, thả hồn mơ mộng dưới bầu trời mùa hạ, màn ánh chiếu bóng khoác áo muôn ngàn ánh sao.

viethoaiphuong
#293 Posted : Sunday, September 22, 2019 8:57:16 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

(Le Parisien) – Ngày Paris Không Xe hơi.
Hôm nay, Chủ Nhật, 22/09/2019, chính quyền thủ đô Paris tổ chức Ngày Không Xe hơi. Từ 11 giờ đến 18 giờ, toàn bộ thành phố chỉ có các phương tiện đi lại không phát khí thải, kể cả xe hơi chạy điện, không được phép lưu hành. Người vi phạm bị phạt 135 euro. Đây là lần thứ 5, Paris tổ chức ngày Không Xe Hơi. Các phương tiện vận tải công cộng, như bus, hay xe cứu hỏa, xe cảnh sát, cấp cứu, vẫn được phép lưu hành. Chính quyền Paris. Khoảng 21.000 trạm đỗ xe ở cửa ngõ Paris phục vụ khách với giá duy nhất 10 euro/ngày.


RFI - 22/9/2019

viethoaiphuong
#294 Posted : Wednesday, October 9, 2019 7:24:20 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thùy Dương - RFI - Thứ Tư, ngày 09 tháng 10 năm 2019

Sở hữu căn hộ Paris : Giấc mơ ngày càng xa vời, khó tới


Ảnh chụp từ Pont des Arts, Paris.
Tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong 3 tháng quý 2/2019 đạt ngưỡng 10.000 euro/m2.RFI/Vietnam

Paris là một trong những thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới. Tuy nhiên, theo một báo cáo mới được Phòng công chứng vùng Paris và Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE công bố vào đầu tháng 09/2019, tính trung bình, giá căn hộ tại thành phố Paris trong quý 2 năm 2019 (tháng 4-5-6) vẫn không ngừng tăng, đạt ngưỡng 10.000 euro/m2.

Đắt nhất là căn hộ trong các quận trung tâm như quận 1, 4, 6. Giá căn hộ ở khu phố Odéon, quận 6 thậm chí còn lên đến mức hơn 17.000 euro/m2. Chỉ sau một năm, giá chung cư Paris tăng 6,3%. Còn nếu tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%. Một căn hộ có giá khoảng 2.800 euro/m2 hồi năm 2000 nay có thể đã tăng 248%.

Và điều đáng nói là đây mới chỉ là giá trung bình của những căn hộ trong các tòa nhà cũ, chứ không phải giá nhà riêng hay căn hộ trong các khu nhà hiện đại, tiện nghi mới xây. Tính trung bình trong cả nước, nếu 10 năm qua, giá bất động sản tăng 10%, thì tỉ lệ này ở Paris lên tới 60%. Kể cả tại hai thành phố có giá bất động sản cao nhất nước Pháp, chỉ sau Paris, là Bordeaux và Lyon, thì giá căn hộ cũng chỉ bằng chưa đến một nửa giá tại Paris.

Mặc dù giá bán căn hộ trong ba tháng quý hai năm 2019 tăng chóng mặt, 10% (quận 6), 13% (quận 8), nhưng số lượng các vụ giao dịch tại thủ đô nước Pháp cũng tăng 10%, đạt mức cao kỷ lục kể từ năm 2017. Điều này cho thấy nhu cầu mua căn hộ ở Paris vẫn rất cao. Theo báo Le Parisien ngày 05/09/2019, trang Meilleurs Agents chuyên đánh giá bất động sản cho biết trong nội thành Paris, số người tìm mua nhà nhiều hơn 26% so với số người rao bán nhà.

Theo nhiều chuyên gia bất động sản, giá căn hộ ở Paris sẽ tiếp tục tăng 6% trong 12 tháng tới đây.

Cuộc « trốn chạy » khỏi Paris

Ai là những người có thể trở thành chủ sở hữu một căn hộ Paris ? Trả lời trên đài truyền hình France 3, một thanh niên nói vui là bây giờ chỉ « trúng số độc đắc » thì mới có cơ may mua được nhà ở Paris. Trên thực tế, theo Meilleurs Agents, với giá nhà như hiện nay, phần lớn dân Paris chỉ có thể mua được căn hộ rộng 22m2, chỉ có 24% dân có đủ khả năng mua căn hộ 36m2. Còn báo Le Monde cho biết theo tính toán của các nhân viên của công ty môi giới ngân hàng Vousfinancier, một hộ gia đình cần có thu nhập 11.000 euro/tháng, cao gấp hàng chục lần mức lương tối thiểu của một người, thì mới có thể vay tiền ngân hàng mua một căn hộ 75m2 trong nội thành Paris.

Chính giá bất động sản « cao chót vót » đã khiến giấc mơ sở hữu một căn hộ ngày càng khó thành hiện thực đối với rất nhiều người dân và khiến nhiều hộ gia đình, nhất là các gia đình có con nhỏ, phải chuyển ra ngoại thành hoặc chuyển về các tỉnh thành khác sinh sống, kể cả các gia đình trung lưu. Đó là trường hợp của cô Sigrid. Đều là công chức cao cấp, kiếm được 8.000 euro/tháng, nhưng hai vợ chồng cô vẫn không thể mua được một căn hộ ở Paris. Họ chuyển về ở thành phố Tours - cách Paris hơn 1 tiếng đi tàu, nhưng vẫn đi làm ở Paris. Trả lời phỏng vấn của đài RFI, cô Sigrid chia sẻ :

« Đối với tôi, giá căn hộ ở Paris dường như là cao đến mức hoang tưởng, gần bằng giá ở Luân Đôn hay New York, cái giá mà rất ít người, thực sự là rất, rất ít người có thể mua được. Tôi là công chức cao cấp trong một cơ quan Nhà nước. Chồng tôi là công chức cao cấp quản lý doanh nghiệp, nhưng không có tiền chung dành dụm của hai vợ chồng, chúng tôi không thể mua nhà được.

Tôi sắp 40 tuổi và đây là đã đến lúc sở hữu một căn hộ phù hợp với chúng tôi, tức là gồm 2 phòng ngủ, một phòng khách riêng và bếp riêng theo đúng nghĩa. Nhưng mua căn hộ ở Paris là điều không thể, ở các thành phố ngoại ô gần Paris thì cũng vậy, chúng tôi cũng không thể mua được. Vì thế, rất nhanh, chúng tôi chuyển về tỉnh, nhưng là nơi có tàu cao tốc TGV chạy đến. Ở đó, chúng tôi mua nhà với giá 2.000 euro/m2, ngôi nhà rộng 230 m2 với 1.000m2 vườn.

Bây giờ, một tuần của tôi chia thành hai phần, hai ngày ở nhà và ba ngày đi làm ở Paris. Thời gian đi lại là 2 tiếng buổi sáng và 2 tiếng buổi tối. Đây là sự thay đổi gần như hoàn toàn, nhưng khá dễ chịu ».

Sở hữu một căn hộ ở Paris là điều ngày càng khó đạt được, ngay cả với giới trung lưu.

Những người có lựa chọn như cô Sigrid không phải là hiếm. Nhà xã hội học Jean Viard, giám đốc nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof của Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po nói đến « cuộc trốn chạy » khỏi Paris của các gia đình. Theo chuyên gia Viard, nhiều người đến Paris để học hành và bắt đầu cuộc sống lứa đôi. Khi cuộc sống ổn định và con cái chào đời, nhiều công chức quyết định rời thủ đô vì họ không có đủ tiền để thuê hay mua một căn hộ tiện nghi. Nếu phải chọn, họ muốn chuyển ra ngoại thành hay về tỉnh sống và hàng ngày đi tầu đến Paris làm việc hơn là phải thay đổi chỗ làm. Đối với nhà xã hội học Jean Viard, Paris không phải là thành phố mà các cặp đôi có con có thể dễ dàng trụ lại được.

Nếu như trước đây, các gia đình thường lựa chọn vùng ngoại ô Paris, thì nay các thành phố lớn ở tỉnh lại được ưa chuộng nhiều hơn, nhất là các thành phố chỉ cách Paris một vài giờ tàu, như Rennes, Nantes, Bordeaux, Lille : các thành phố này ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với dân thủ đô do ngày càng có nhiều dịch vụ, đời sống văn hóa và chất lượng cuộc sống đều được cải thiện hơn nhiều so với ngoại ô Paris.

Nguyên nhân và hệ lụy

Tại sao giá bất động sản tại Paris lại tăng chóng mặt đến như vậy ?Trả lời đài France Info ngày 05/09/2019, nhà xã hội học Jean Viard, giám đốc nghiên cứu hợp tác với Trung tâm nghiên cứu chính trị Cevipof của Trường Khoa Học Chính Trị Sciences Po gọi Paris là thành phố của các quan chức có thu nhập cao, Paris đã trở thành một thành phố của thế giới chứ không còn là thành phố của nước Pháp, với nhiều tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp quốc tế lớn, những vị trí được trả lương rất cao. Những quan chức cao cấp, những người có thu nhập « khủng » đang dần thay thế tầng lớp bình dân và trung lưu ở Paris.

Nhìn rộng ra, phần nào đó là do quỹ đất để Paris xây dựng thêm nhà ở mới là rất ít. Trong khi đó, những mạng lưới cho thuê căn hộ du lịch trực tuyến như Airbnb lại bùng nổ quá nhanh, gián tiếp thu hẹp quỹ nhà ở của người dân và đẩy giá nhà càng cao. Airbnb đã trở thành « kẻ thù không đội trời chung », không chỉ của giới kinh doanh khách sạn ở Paris, mà cả của chính quyền thành phố. Đó là chưa kể đến việc Paris ngày càng thu hút giới đầu tư nước ngoài giàu có, mua nhà tại Paris làm chỗ ở thứ hai, chỉ để thi thoảng đến ở, thời gian còn lại là « khóa cửa, để không ». Từ năm 1999 đến năm 2016, số chỗ ở kiểu này đã tăng 58%, hiện chiếm 8% quỹ nhà ở của thành phố.

Vậy, chính quyền Paris có giải pháp gì để hạn chế tình trạng khan hiếm chỗ ở và giá chung cư tăng quá nhanh ? Dân biểu Ian Brossart, trợ lý thị trưởng Paris, chuyên trách các vấn đề về nhà ở, phát biểu trên đài RFI :

« Tôi nghĩ rằng cần phải xóa bỏ những hiện tượng đang gây hại cho chúng ta, nhất là việc ngày càng có nhiều căn hộ là chỗ ở thứ hai, tức là những căn hộ mà người chủ chỉ ở vài tuần mỗi năm, những chủ nhà này là người nước ngoài giàu có. Tôi muốn là chúng tôi có thể áp mức thuế nhà cao hơn đối với các căn hộ là chỗ ở thứ hai bởi vì sự phát triển của kiểu chỗ ở này ảnh hưởng đến các tầng lớp trung lưu ở Paris. Chúng tôi đề xuất với Nhà nước như vậy.

Tại Paris, hiện giờ có 100.000 căn hộ không có người ở, tức là 100.000 căn hộ để trống hoàn toàn. Chúng tôi cũng muốn là có thể trưng dụng một số căn hộ kiểu này để có chỗ ở cho người dân Paris. Nhưng rất tiếc là quyền trưng dụng lại thuộc về tỉnh trưởng. Vì thế, chúng tôi đề nghị là quyền trưng dụng nhà phải được giao cho chính quyền thành phố để chúng tôi có thể sử dụng các căn hộ đó. Cá nhân tôi thì tôi muốn có giai đoạn phân quyền mới, tức là Nhà nước trao cho chính quyền thành phố phương tiện để giải quyết các vấn đề này ».

Tính từ năm 2009, giá chung cư đã tăng 57%.

Việc giá nhà Paris bị đẩy lên quá cao cũng đã gây ra nhiều hệ quả về mặt xã hội. Hàng năm, có khoảng 10.000-12.000 người rời bỏ thành phố. Paris đang đối mặt với vấn đề « suy thoái dân cư », kéo theo đó là tình trạng « xói mòn bản sắc văn hóa ». Vấn đề nhà ở Paris sẽ là một trong những chủ đề quan trọng trong chương trình tranh cử của các ứng viên cho chức đô trưởng Paris dự kiến diễn ra vào tháng 03/2020. Trong khi chờ đợi, các chuyên gia bất động sản dự báo giá căn hộ ở Paris sẽ tiếp tục tăng 6% trong 12 tháng tới đây.

Users browsing this topic
Guest
15 Pages«<131415
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.