Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

rượu Tây
viethoaiphuong
#1 Posted : Thursday, May 30, 2019 6:06:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

170 năm thương hiệu rượu Cointreau
Tuấn Thảo - RFI - ngày 28-05-2019


Thương hiệu Cointreau nay thuộc tập đoàn trứ danh Rémy Martin (ảnh chụp 21/11/2018)
Reuters /Régis Duvignau

Kể từ ngày 13/06 đến 16/06/2019, phòng lễ tân của nhà hàng Pavillon Élysée (nằm gần Viện bảo tàng Petit Palais) tiếp đón trong 4 ngày liên hoan Cointreau Cocktail Show. Các chuyên gia pha rượu tề tựu về Paris nhân dịp 170 năm ngày thành lập thương hiệu rượu mùi Cointreau.

Trên thế giới hiện nay, có khoảng hàng chục thức uống được pha chế với thành phần chính là Cointreau, loại rượu mùi (liqueur) đậm chất hương cam, trong đó có Cosmopolitan (pha với một chút vodka và nước ép trái việt quất cranberry), Cointreau Fizz (pha với nước soda tonic), Caress (pha với rượu Baileys hay là Irish Cream), Sunkiss (pha với nước trái thơm và trái bưởi) …..

Các chuyên gia cocktail từng đoạt giải tại các cuộc thi quốc tế đến Paris trong 4 ngày để dạy cách chế biến rượu pha. Trong số này, có các gương mặt trứ danh là Toby Cecchini đến từ New York. Ông là người đầu tiên đã cách tân loại rượu pha Cosmopolitan còn được gọi tắt là Cosmo (1987), Antonio Lai đến từ Hồng Kông có lối pha chế Cointreau kết hợp thêm nhiều hương vị châu Á và Aurélie Panhelleux, người đồng sáng lập quán rượu nổi tiếng CopperBay ở Paris quận 10 (với đặc điểm quầy bar được làm bằng đồng). Tại các xưởng pha chế, họ sẽ dạy cách pha chế nhiều loại cocktail : ngoài Cosmopolitan, còn có Margarita (Cointreau pha thêm với tequila), White Lady và nhất là SideCar (gồm Cointreau, Cognac và nước chanh tươi, nổi tiếng từ những năm 1920) ……

Cũng nhân dịp này, phòng lễ tân của nhà hàng Pavillon Élysée sẽ được trang trí màu cam vốn là gam màu truyền thống của thương hiệu rượu Cointreau với hai biểu tượng dễ nhớ : kiểu chai vuông vức và thường được đóng dấu 1849, thời điểm thành lập thương hiệu Cointreau, tức cách đây đúng 170 năm.

Rượu Cointreau (nay thuộc tập đoàn Rémy Martin-Cointreau của Pháp) cũng như hiệu Grand Marnier (nay thuộc tập đoàn Campari của Ý) đều là những loại rượu hương cam khá phổ biến. Vào thời xưa, rượu được uống như một loại digestif, uống sau bữa ăn để dễ tiêu hóa. Thời nay, Cointreau được dùng để nấu ăn, làm bánh ngọt hay pha chế các thức uống thành rượu khai vị (apéritif).

Tuy nhiên, thương hiệu Cointreau (danh từ riêng) không phải là côcng ty phát minh ra công thức chế biến rượu mùi hương cam. Rượu hương cam trong tiếng Pháp thường được gọi là ‘‘triple sec’’ do ông Jean Baptiste Combier chế biến tại Saumur vào năm 1834, tức là 15 năm trước khi dòng họ Cointreau thành lập công ty gia đình. Lại rượu này có tên là ‘‘triple sec’’ do được chưng cất ba lần để đạt đến nồng độ cồn cần thiết (20 độ, 30 độ rồi đến 40 độ).


Với 40% nồng độ cồn, Cointreau được xem như là khá mạnh so với các loại rượu mùi chiết xuất nguyên chất (thường là 23% nồng độ cồn). Nguyên liệu chính của Cointreau là các loại cam đắng từ Brazil, Haiti hay Tây Ban Nha cũng như các loại cam ngọt của các nước miền nam Địa Trung Hải …..

Vào năm 1849, hai anh em Adolphe và Édouard-Jean Cointreau thành lập xưởng chưng cất rượu mạnh đầu tiên của gia đình Cointreau ở trung tâm thành phố Angers, trên đường Saint Aubin. Lúc đầu, họ thành công nhờ sản xuất guignolet, một loại rượu mùi trái anh đào (cherry /cerise). Mãi đến năm 1875, rượu hương cam hiệu Cointreau đầu tiên mới được đóng chai và xuất xưởng. Công ty ngày càng được khuếch trương nhờ làm ăn phát đạt, các xưởng chiết xuất được dời về một lần tại bến sông Maine. Mãi tới năm 1969 tức cách đây đúng 50 năm, công ty Cointreau mới dời lần thứ nhì toàn bộ cơ sở hoạt động về vùng ngoại ô Saint-Barthélemy d’Anjou, cách trung tâm thành phố Angers, tám cây số về phía đông.

Vào cuối thế kỷ thứ 19, cam quýt còn được xem là những mặt hàng xa xỉ quý hiếm, nhập khẩu từ các xứ nóng, do vậy loại rượu hưong cam đã nhanh chóng trở thành một thức uống thời thượng. Kể từ khi sáng chế chai rượu hình vuông đầu tiên màu trái cam (1875) gia đình Cointreau đã thành công rực rỡ, nhờ vào một sản phẩm duy nhất nhưng cực kỳ ăn khách.


Trên thế giới hiện có khoảng hàng chục thức uống được pha chế với rượu mùi Cointreau
Tuấn Thảo / RFI

Con trai của nhà sáng lập Édouard Cointreau cũng có tài kinh doanh khi sử dụng các phương tiện quảng bá hiện đại nhất thời bấy giờ. Cointreau trở thành một trong những công ty hợp tác với hai anh em Auguste và Louis Lumière quay những bộ phim đầu tiên trong lịch sử ngành quảng cáo, họ cũng nằm trong số những nhà kinh doanh đầu tiên đăng ký nhãn hiệu cầu chứng (1885).

Nhân kỳ Hội chợ Triển lãm Toàn cầu tại Paris năm 1889, Cointreau đoạt huy chương vàng đầu tiên, mở đầu cho hàng loạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế. Nửa thế kỷ sau ngày được thành lập, Cointreau được công nhận là một đặc sản ẩm thực vùng “Maine et Loire” với hơn 300 giải thưởng khác nhau. Nhờ vậy, rượu Cointreau càng được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.

Được sát nhập vào tập đoàn Rémy Martin kể từ năm 1990, công ty Cointreau hiện sản xuất khoảng 15 triệu lít rượu hàng năm, tương đương với 22 triệu chai Cointreau (dung lượng mỗi chai là 70cl). 90 % khối lượng sản xuất chủ yếu dành cho xuất khẩu. Cointreau đặc biệt nổi tiếng ở Bắc Mỹ với 40 % thị phần là Hoa Kỳ và Canada. 29 % lượng xuất khấu là sang châu Á Thái Bình Dương, 31 % còn lại chủ yếu là các nước châu Âu, Nam Phi và Trung Đông …..


Thực khách thời nay ít dùng Cointreau nguyên chất, mà thường uống pha loãng hay pha chế thành cocktail
Tuấn Thảo / RFI

Hầu hết các thực khách thời nay khi thưởng thức Cointreau ít khi nào uống nguyên chất do rượu đặc khá ngọt, mà thường pha loãng với nước đá hay pha chế thêm nhiều thành phần khác với rượu Cointreau. Nhờ có vị thơm ngát của vỏ cam, nên Cointreau thường là nguyên liệu hấp dẫn để pha chế những ly cocktail làm mê mẩn thực khách nào thích những nốt hương trầm nồng nàn.

Thời nay, dòng sản phẩm của Cointreau càng trở nên đa dạng để thích hợp với khẩu vị của giới sành điệu nói riêng, người tiêu dùng nói chung. Kiểu chai "L’Unique" (Độc nhất) dành cho những người thích gu truyền thống. Loại sản phẩm "Noir" kết hòa quyện hợp nét tươi mát của hương cam với hương vị mịn màng của cognac, loại này chủ yếu dành cho những thực khách nào không thích uống rượu mạnh có nhiều vị ngọt. Cuối cùng là dòng sản phẩm "Rouge Sanguine" (Blood Orange) chủ yếu nhắm vào phái nữ với hương vị đậm đà tươi thắm, màu cam huyết đỏ thẫm như niềm đam mê trong mạch máu.


viethoaiphuong
#2 Posted : Tuesday, September 10, 2019 7:37:31 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Rượu vang Pháp vẫn đắt khách dù không được mùa

Tuấn Thảo - RFI - ngày 09-09-2019


Tuy không được mùa, nhưng lượng rượu vang xuất khẩu của Pháp vẫn cao, do nhu cầu gia tăng
Tuấn Thảo / RFI

Mức sản xuất rượu vang Pháp trong năm 2019 có nguy cơ giảm 12% so với năm trước. Tính trên một chu kỳ 5 năm, khối lượng rượu vang Pháp đã giảm trung bình 4%. Đó là kết quả nghiên cứu gần đây của Agreste, cơ quan thống kê thuộc Bộ Nông nghiệp Pháp. Tuy nhiên, Pháp vẫn duy trì lượng xuất khẩu ở một mức cao.

Theo cơ quan Agreste có hai lý do chính để giải thích cho sự sụt giảm này. Đầu tiên hết đợt giá lạnh bất thường vào đầu mùa xuân năm 2019 và kế đến là đợt nắng gắt với những nhiệt độ kỷ lục vào mùa hè năm nay. Hai hiện tượng khí hậu này gộp lại đã tác động mạnh mẽ đến ngành trồng nho. Kết quả là mức sản xuất rượu vang Pháp trong năm 2019 chỉ đạt tới 43,4 triệu hectolít so với 49,3 triệu hectolít vào năm 2018.

Thời tiết vùng Champagne tương đối ổn định, không bị xáo trộn như vùng Bordeaux hay Var

Một cách chi tiết hơn, thời tiết đột ngột lạnh trở lại vào mùa xuân đã tác động đến các ruộng nho ở vùng Bordeaux, cũng như các vùng phía tây nước Pháp, ven dọc bờ Đại Tây Dương. Trong khi đợt nắng nóng kỷ lục (có lúc lên tới 43 độ C) đã gây nhiều thiệt hại đối với các ruộng nho chủ yếu ở các vùng Gard, Hérault và Var. Còn tại vùng Beaujolais, các trận ‘‘mưa đá’’ đầu tháng 8 năm 2019 đã gây nhiều thiệt hại cho các vườn trồng nho ở trong vùng.

Nhìn chung, cho dù mức sản xuất rượu vang của Pháp trong năm 2019 không quá đỗi tệ hại như năm 2017, nhưng rõ ràng là khí hậu nóng lạnh thất thường, thời tiết đột ngột thay đổi đã ảnh hưởng khá nhiều đến khối lượng sản xuất của ngành rượu vang Pháp nói chung. Tuy nhiên xét về mặt chất lượng, điều đó còn tùy thuộc vào các vùng miền, vốn không bị ảnh hưởng như nhau.

Mức cầu rượu vang Bordeaux của Pháp vẫn tăng đều đặn trên thế giới

Theo cơ quan Liv-Ex, chuyên ấn định ‘‘bảng trị giá’’ của 500 loại rượu vang tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, trong vòng một năm, thời tiết có thể bị xáo trộn thường xuyên ở vùng Bordeaux hay vùng Alsace chẳng hạn, trong khi vùng Bourgogne hay vùng Champagne lại tương đối ổn định về mặt khí hậu. Vì thế cho nên, trong năm rượu Bordeaux bị mất mùa, may mắn thay vùng sản xuất rượu Champagne lại bội thu nhờ được mùa.

Đó là trường hợp của năm 2013. Rượu Bordeaux niên hiệu 2013 được xem là tạm uống được. Cho dù có cất giữ lâu, rượu chưa chắc gì đã ngon hơn, ngược lại năm 2013 lại là năm thượng hạng của rượu Champagne. Một cách tương tự, rượu Champagne chỉ ở mức trung bình vào năm 2010, trong khi các chai rượu Bordeaux đắt khách hơn nhiều khi có gắn niên hiệu 2010, được xem là một trong những năm tuyệt vời nhất của vùng Bordeaux.


Năm 2013 không tốt đối với rượu Bordeaux nhưng lại là năm thượng hạng của rượu Champagne
Tuấn Thảo / RFI

Còn trong năm 2019, theo nghiên cứu của cơ quan Agreste, đa số các loại rượu vang có ‘‘thương hiệu cầu chứng’’ đều có nguy cơ giảm 10% mức sản xuất. Còn về phía các loại rượu nhỏ dùng để chế biến rượu mạnh (eaux de vie), mức sản xuất có nguy cơ giảm tới 20% xuống còn 7,89 triệu hectolít. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là giá của một chai rượu vang Pháp được bày bán trên thị trường, sẽ giảm đi so với năm 2018.

Theo cơ quan Live-Ex, trong trường hợp của nước Pháp vốn có mức tiêu thụ nội địa cao không thua gì lượng xuất khẩu, giá các loại rượu vang (nhất là các niên hiệu nổi tiếng) đều có xu hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Xu hướng tăng giá này đã manh nha trong giai đoạn những năm 2008-2011 và ngày càng trở nên rõ rệt từ năm 2014 trở đi.

Các vùng Gard, Hérault, Var hay Beaujolais đã chịu khá nhiều thiệt hại trong năm 2019

Theo lời ông Justin Gibbs, giám đốc và cũng là người đồng sáng lập cơ quan Liv-Ex, tại các quốc gia như Brazil, Ấn Độ và nhất là Trung Quốc, mức tiêu thụ rượu vang đã bùng phát mạnh mẽ, mức cầu đối với rượu vang Pháp ngày càng gia tăng, và theo luật thị trường, điều đó đã khiến cho giá rượu vang Pháp không ngừng đi lên, so với các loại rượu vang sản xuất tại các quốc gia khác.

Sự kiện ngành rượu vang Pháp bị giảm mức sản xuất, lại càng làm cho vấn đề thêm phức tạp hơn. Mức cung thì giảm, trong khi mức cầu thì vẫn tăng. Ít ra trên phương diện xuất khẩu, rượu vang Pháp năm nay tăng thêm 6% về mặt kim ngạch xuất khẩu. Tuy 2019 nhìn chung không được xem là một niên hiệu thượng hạng, nhưng giá sản phẩm vẫn có thể đắt hơn, nếu mức cầu vẫn tăng lên.
viethoaiphuong
#3 Posted : Monday, September 30, 2019 6:22:23 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Vài điều cần biết về thói quen uống rượu vang tại Pháp

Tuấn Thảo - RFI - ngày 30-09-2019


Mùa thu tại Pháp là mùa truyền thống của các Hội chợ Rượu vang (Foire aux Vins). Nhân dịp này, người Pháp thường mua rượu không chỉ để uống thường ngày, mà còn để cất giữ rượu thượng hạng trong những năm được mùa. Về điểm này, công ty nghiên cứu thị trường SoWine công bố những xu hướng tiêu thụ rượu vang tại Pháp.

Dựa theo số liệu (công bố vào hôm 27/09/2019) của cơ quan thống kê Dynata, bản nghiên cứu của công ty SoWine cho thấy các xu hướng của người tiêu dùng ở Pháp đã biến chuyển rất nhiều trong suốt 20 năm qua. Trong một thời gian dài, cách dùng rượu vang đã không có nhiều thay đổi, nếu không nói là bất biến. Lối tiếp cận của người Pháp (nhìn chung) dựa trên những kiến thức ‘‘gia truyền’’ : hiểu theo nghĩa, trong các bữa ăn gia đình, bố mẹ thường hay uống gì, con cái sẽ uống nấy.

Thế nhưng, theo cơ quan SoWine, thời của những thói quen ‘‘gia truyền’’ dường như đã qua. Trong các bữa ăn gia đình, cũng không còn phải tuân thủ chuyện uống từ đầu đến cuối, 100% rượu vang của vùng Bordeaux hay là của vùng Bourgogne. Tùy theo sở thích, thực khách có thể kết hợp cả hai vùng, nếu biết cách chọn có thể uống cả hai loại rượu vang đỏ và trắng.

Thanh niên hay cao niên, người Pháp giờ đây tò mò hơn và hiểu biết nhiều hơn về rượu vang. Các ứng dụng trên smartphone gia tăng, thông tin đầy rẫy trên mạng xã hội, nhiều chương trình truyền hình hay sách hướng dẫn về nấu ăn lần lượt ra đời, tất cả những yếu tố đó giúp cho người Pháp biết thêm nhiều về rượu vang cũng như về khái niệm ‘‘wine pairing’’ : ăn món nào, uống rượu nấy. Về điểm này, khoảng 60% người Pháp đã từng tham gia ít nhất một lần trong năm những sự kiện liên quan đến rượu vang, đó thường là những hội chợ, liên hoan ẩm thực địa phương, hay là ghé thăm các nhà sản xuất rượu vang, do người Pháp thường có thói quen : ghé thăm vùng nào thì nên dùng đặc sản miền nấy.

Nhìn chung, người Pháp uống khá nhiều rượu vang, ít nhất là hai lần trong tuần. Mức tiêu thụ của dân Pháp vẫn ở một mức tương đối cao so với các nước châu Âu. Khi mua rượu, đại đa số người Pháp (86 %) mua ở siêu thị, họ dựa vào gợi ý của bạn bè hay người thân (53%), họ đọc ý kiến của các chuyên gia (32%) và tìm hiểu qua các trang hướng dẫn trên mạng (15%).

Người Pháp yêu chuộng nhất các loại rượu vang trắng : 91% thường uống rượu trắng khai vị), 89% dùng rượu vang hồng (rosé) và 84% thích các loại rượu vang đỏ. Trong số các loại rượu vang phổ biến nhất đối với người tiêu dùng ở Pháp, 43% là rượu vang Bordeaux, 26% rượu vùng Bourgogne và 21% rượu vùng Champagne. Khi dùng rượu sủi bọt, cứ trên mười người, là có tới chín người thích uống sâm banh.

Tuyệt đại đa số người Pháp thích uống rượu ở nhà (85%) nhiều hơn là khi họ đi ăn nhà hàng (52%), họ uống rượu vang trước hết là với gia đình người thân, rồi sau đó là với bạn bè. Trong số các loại đồ uống có độ cồn yêu chuộng của người Pháp, rượu vang vẫn luôn đứng đầu bảng xếp hạng (49%) trước bia (27%) và sâm banh (21%). Tuy nhiên, có một điểm khác biệt lớn giữa hai thành phần thanh niên và trung niên. Tại Pháp, người tiêu dùng càng trẻ, họ càng thích uống các loại rượu pha (cocktail). Còn người tiêu dùng càng lớn tuổi, họ lại càng thích dùng rượu vang.


Người Pháp uống nhiều rượu vang (49%) hơn là bia (27%) và sâm banh (21%)

Trong số các xu hướng mới, người Pháp (33%) đặc biệt là giới thanh niên ngày càng thích các loại rượu vang ‘‘hữu cơ’’ (vin bio / organic wine). Xu hướng này rất mạnh ở những người từ 26 đến 35 tuổi. Tuy nhiên, trở ngại chính vẫn là giá thành quá cao của các loại rượu vang này, cho dù hơn 50% người Pháp cho biết họ sẵn sàng trả giá cao hơn, phần lớn cũng vì do các loại rượu vang có dán nhãn hiệu ‘‘bio’’ vẫn còn tương đối ít trên thị trường.

Đối với những ai không biết một chút gì về rượu vang, bạn vẫn có thể dựa vào bảng xếp hạng của các chuyên gia thuộc ‘‘Câu lạc bộ Pháp về rượu vang’’ (Club des Français du Vin) thường được đăng trên các báo như Capital hay Le Parisien. Sau khi nếm thử các loại rượu vang, các chuyên gia lập ra danh sách của những chai rượu ‘‘đáng mua’’ nhất. Hầu hết các dây chuyền siêu thị tại Pháp như Leclerc, Franprix, Casino, Auchan, hay các cửa hàng chuyên bán rượu như Nicolas, Le Vin qui parle ….. hàng năm đều có tổ chức "Hội chợ rượu vang". Năm nay, hội chợ kéo dài cho tới 06/10/2019.

Chỉ riêng tại các siêu thị Lidl, có tới hơn 150 nhãn hiệu khác nhau, tức là đã tăng gấp 5 lần so với 10 năm trước, trong đó có 10% là rượu vang ‘‘bio’’ và không chỉ có rượu Pháp, mà còn có thêm rượu nhập khẩu từ Úc và New Zealand. Tại các siêu thị Casino, hội các chuyên gia ‘‘Le Club des Sommeliers’’ lập ra danh sách các loại rượu vang thượng hạng (millésime / vintage) từ năm 1998 đến 2012 (ngoài champagne) dưới 20€ một chai.

Còn tại các cửa hiệu Franprix, chỉ có vào mùa này người ta mới tìm thấy những chai Margaux 2011 với giá mềm 17€ một chai. Ý kiến của các chuyên gia khá cần thiết đối với những ai muốn mua rượu để trữ trong nhiều năm. Đây là cách để giúp cho người tiêu dùng dễ chọn lựa hơn trước khối lượng rượu vang khổng lồ. Tính trung bình hàng năm tại Pháp, có hơn 54 triệu chai được bán chỉ riêng trong mùa Hội chợ Rượu vang.

PS.

Tại Pháp, hơn 54 triệu chai được bán trong mùa Hội chợ Rượu vang

viethoaiphuong
#4 Posted : Monday, October 24, 2022 11:23:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Rượu vang Languedoc xuất khẩu mạnh ra thị trường quốc tế

24/10/2022 - Tuấn Thảo / RFI
Trong những năm gần đây, rượu vang Languedoc ở miền nam nước Pháp thu hút thêm nhiều thực khách trên thế giới. Theo chuyên mục ẩm thực của báo Le Figaro, Languedoc là một trong những vùng sản xuất rượu vang quan trọng nhất nước Pháp. Trong năm 2022, vùng này đã lập kỷ lục xuất khẩu, đặc biệt là sang Mỹ, nơi các loại vang hồng (rosé) của Languedoc đang giành lấy ưu thế từ giới sản xuất rượu vang miền Provence.

Về mặt điện tích trồng nho cũng như khối lượng sản xuất, Languedoc-Roussillon (gọi tắt là Languedoc) là vùng chế biến rượu vang hàng đầu ở Pháp. Theo tuần báo Capital trích dẫn số liệu của liên đoàn các vùng trồng nho miền nam Inter-Sud, doanh thu thường niên của ngành rượu vang Languedoc hiện lên tới 2,7 tỷ euro, trong khi mức xuất khẩu đạt mức 850 triệu euro hàng năm. Để dễ hình dung thì cứ mỗi giây, có 60 chai rượu vang vùng Languedoc Roussillon, chủ yếu là vang hồng (rosé) được bán trên thế giới.

Vang hồng Languedoc ăn khách như rosé miền Provence

Thế nhưng, ít ai biết rằng nhãn hiệu bảo đảm nguồn gốc sản phẩm (AOP) vùng Languedoc tương đối mới. Năm nay đánh dấu đúng 15 năm ngày AOP của vùng Languedoc-Roussillon ra đời, trong khi các vùng miền khác trồng nho để sản xuất rượu vang như Alsace, Bordeaux, Bourgogne hay Champagne đã có từ lâu ''nhãn hiệu cầu chứng'' hầu bảo đảm chất lượng mặt hàng cũng như xuất xứ của sản phẩm.

Theo Ủy ban liên ngành sản xuất rượu vang Languedoc (CIVL), việc có hẳn một tên vùng rõ ràng là một lợi thế. Khách hàng, nhất là khách quốc tế khó thể nào phân biệt các địa danh tuy khác nhau như Nîmes, Montpellier hay Perpignan, nhưng thật ra lại nằm trong cùng một vùng. Việc sử dụng một tên gọi chung giúp cho khách hàng càng dễ nhận dạng sản phẩm.

Nếu như nhãn AOC (chữ viết tắt của Appellation d'Origine Contrôlée) được dùng để chỉ các tiêu chuẩn sản xuất rượu vang tại Pháp từ đầu nguồn cho tới cuối nguồn, thì một cách tương tự, AOP ( Appellation d'Origine Protégée) một khi đã được gắn nhãn, bảo đảm xuất xứ của sản phẩm, công nhận đó là đặc sản của từng vùng miền.

Tuy đứng đầu về khối lượng sản xuất, nhưng vùng Languedoc cho tới giờ về mặt uy tín trên thị trường quốc tế, vẫn còn kém so với hai vùng Bordeaux và Bourgogne (Burgundy), có lẽ cũng vì các đặc sản vùng Languedoc chưa được quảng bá đúng mức. Thế nhưng tình hình đang thay đổi. Rượu vang Languedoc gần đây đã thành công trên thị trường quốc tế, nhờ biết thích ứng các xu hướng mới nơi người tiêu dùng. Vùng Languedoc chủ yếu xuất khẩu các loại rosé, cao hơn nhiều so với các loại vang đỏ và vang trắng.

Trước đây, vang hồng Languedoc tương đương với 25% sản lượng xuất khẩu, nhưng kể từ hai năm nay, mức xuất khẩu đã tăng hơn gấp đôi theo nhu cầu của thị trường. Thực khách quốc tế hiện đang có xu hướng uống nhiều vang hồng hơn trước bất kể mùa nào, như thể đó là một trải nghiệm mới, trong khi tại Pháp, rosé chủ yếu được dùng như rượu khai vị hoặc dùng kèm với các bữa ăn nhẹ và lý tưởng nhất là uống vào mùa hè.

Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 30% rượu vang vùng Languedoc

Ở nước ngoài, do rosé không còn bị phân loại, cho nên càng dễ trở nên phổ biến. Theo Ủy ban liên ngành rượu vang Languedoc (CIVL), các loại vang hồng của vùng Languedoc giờ đây cạnh tranh trực tiếp với các loại rosé miền Provence. Trong tâm trí của nhiều du khách Mỹ, miền Provence ở phía nam nước Pháp luôn được gắn liền với hình ảnh của những cánh đồng hoa tím lavande (oải hương), tiếng ve sầu mùa hạ trên cành ô liu hay một ly vang hồng mát lạnh đang tỏa màu hổ phách dưới ánh nắng miền Địa Trung Hải.

Theo ông Gérard Bertrand, điều hành 16 công ty sản xuất rượu Languedoc, tuy có chất lượng không kém gì rosé miền Provence, nhưng giá vang hồng vùng Languedoc lại mềm hơn. Có lẽ cùng vì thế mà công ty của ông tuy sản xuất đủ ba loại vang trắng, đỏ, hồng nhưng nhãn hiệu ''Côtes des Roes'' chủ yếu bán chạy nhờ vang hồng, hiệu rosé Languedoc này hiện được xuất khẩu khá nhiều sang 150 quốc gia trên thế giới.

Chất lượng cao nhưng giá vẫn mềm (so với rosé miền Provence), hai yếu tố này đủ để cho vang hồng Languedoc thu hút được thêm nhiều người tiêu dùng ở Mỹ. Trái với vùng Bordeaux xuất khẩu ồ ạt sang châu Á, vùng Languedoc chủ yếu xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Thị trường Mỹ về đầu, nhập khẩu hơn 30% sản lượng từ vùng Languedoc, trong khi Trung Quốc về hạng nhì, chỉ đạt từ 15% đến 17%. Ở hạng ba, Canada và Bỉ đạt mức 10%, 7% còn lại là lượng xuất khẩu sang Vương quốc Anh, Đức hay Thụy Sĩ.

Còn trên thị trường Pháp, rượu vang Languedoc được xếp vào gam sản phẩm trung bình, đa số được phân phối tại các chuỗi siêu thị (52%). Phần còn lại được bán tại các quán cà phê, khách sạn, nhà hàng và các tiệm chuyên kinh doanh rượu vang (caviste).

Vang Languedoc được phân phối rộng rãi tại Pháp

Tại các siêu thị, giá trung bình của một chai vang hồng Languedoc là từ 5 đến 7 euro. Mức tiêu thụ rosé (nhờ giá phải chăng) đã tăng từ 1,4 triệu chai vang hồng lên hơn 2 triệu. Còn loại vang đỏ, giá cao hơn một chút so với vang hồng, mức tiêu thụ cũng tăng khoảng 30% trong năm nay, từ 2,8 triệu lên tới mức 3,6 triệu chai. Có thể nói là vùng Languedoc giành lấy được thị phần nhờ bảo đảm chất lượng sản phẩm trong phân khúc trung bình và premium (chưa hẳn là thượng hạng) nhưng giá cả vẫn hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng so với Bordeaux và Bourgogne, trong cùng một phân khúc thị trường.

Ngành trồng nho để sản xuất rượu vang đã phát triển mạnh ở vùng Languedoc-Roussillon (gọi tắt là Languedoc), chiếm tới gần 300.000 héc ta. Kể từ năm 2016, theo bản đồ quy hoạch các vùng hành chính mới, vùng này được sáp nhập vào vùng Occitanie. Nhờ có sản lượng phong phú dồi dào, dòng sản phẩm vùng Languedoc được bán với giá tphải chăng, nhưng có lẽ cùng vì thế mà về mặt chất lượng, rượu vang Languedoc (nơi có diện tích trồng nho lớn nhất) không có nhiều uy tín bằng các vùng khác, theo thứ tự quan trọng vẫn là Bourgogne, Bordeaux và Alsace …..

Điều quan trọng giờ đây đối với giới chuyên ngành sản xuất rượu vang vùng Languedoc-Roussillon không phải là đầu tư thật nhiều để quảng bá rộng rãi, mà là quảng bá làm sao cho thật hữu hiệu, nhờ có chọn lọc mà nhắm trúng đối tượng.Ngoài việc củng cố chất lượng, vùng Languedoc còn cần nên gầy dựng uy tín, nâng cấp hình ảnh để gia tăng sức quyến rũ của các hiệu ''rượu ngon'' mà giá cả vẫn hợp lý phải chăng.


Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.