Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<1718192021>»
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#361 Posted : Friday, April 5, 2019 8:35:28 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thùy Dương - RFI - Thứ Sáu, ngày 05 tháng 4 năm 2019

Toutankhamon và kho báu Pharaon Ai Cập cổ đại « tái xuất » Paris


Một trong 150 cổ vật được trưng bày tại triển lãm Toutankhamon, kho báu của Pharaon tại Paris 23/03-15/09/2019.lavillette.com

Sau đợt triển lãm ở Los Angeles, Hoa Kỳ, với khoảng 700.000 khách tham quan, triển lãm « Toutankhamon, Kho báu của Pharaon » mở cửa tại Paris từ ngày 23/03/2019 đón công chúng tới chiêm ngưỡng khoảng 150 cổ vật vô giá, trong đó có khoảng 60 cổ vật lần đầu tiên được chính quyền Cairo cho phép đưa ra khỏi Ai Cập.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 15/09/2019 và nhà tổ chức hy vọng số khách sẽ vượt xa con số 1,2 triệu người, đưa « Toutankhamon, Kho báu của Pharaon » vào top các triển lãm đông khách nhất lịch sử nước Pháp.

Toutankhamon, niềm đam mê của người Pháp

Thực ra, « Toutankhamon, Kho báu của Pharaon » được giới thiệu tại Paris chỉ là một chặng trong tua triển lãm vòng quanh thế giới cho đến năm 2024, qua 10 thành phố, từ Los Angeles, Paris, Luân Đôn, Sydney và 6 thành phố khác cho đến nay vẫn chưa được công bố. Tại Paris, kho báu của Toutankhamon được giới thiệu tại phòng trưng bày rộng khoảng 2.000m² tại Grande Halle de la Vilette.

150 cổ vật được trưng bày nằm trong số hơn 5.000 cổ vật được nhà khảo cổ Howard Carter tìm thấy nguyên vẹn cách nay một thế kỷ, vào năm 1922, trong một hầm mộ hiếm hoi chưa từng bị xâm phạm trước đó tại Thung lũng của các vị vua. Cũng chưa có hầm mộ của Pharaon nào được tìm thấy với nhiều cổ vật như hầm mộ Toutankhamon.150 cổ vật cho đến trước triển lãm được lưu giữ và trưng bày tại một bảo tàng ở quảng trường Tahrir, Cairo. Do bảo tàng đóng cửa, khi được đưa trở lại Ai Cập vào năm 2024, các cổ vật sẽ được đưa về trưng bày vĩnh viễn tại bảo tàng mới có tên gọi Đại Bảo Tàng Ai Cập, gần kim tự tháp Gizeh.

Một tuần trước khi triển lãm chính thức được khai trương, báo chí Pháp tiết lộ nhà tổ chức đã bán được 130.000 vé. Và chỉ một tuần sau ngày khai trương, số vé bán ra đã đạt hơn 200.000 vé. Ông Dominique Farout, cố vấn khoa học của ban tổ chức triển lãm - nhà nghiên cứu về Ai Cập, giảng viên Viện Khéops và trường Louvre, chuyên về lịch sử các nền văn minh, lịch sử nghệ thuật, khảo cổ, bảo tàng học … thuộc trường đại học danh tiếng ENS Paris - nhấn mạnh trên đài France Inter ngày 19/03/2019 :

« Dù gì thì trong quá khứ người Pháp cũng luôn có sở thích về Ai Cập cổ đại, từ cách nay nhiều thế kỷ. Ở Pháp, lúc nào cũng như vậy. Và cứ cách một thời gian, sở thích đó của người Pháp lại được đánh thức dậy. »


Quả đúng là người Pháp có niềm đam mê dành cho nền văn minh Ai Cập cổ đại kỳ bí, kim tự tháp, pharaon, Toutankhamon … Đây cũng không phải là triển lãm đầu tiên về Pharaon được tổ chức tại Pháp. Đợt triển lãm thu hút đông du khách nhất mọi thời đại ở Pháp chính là triển lãm về Ai Cập cổ đại được tổ chức cách nay hơn hơn nửa thế kỷ, vào năm 1967, tại Petit Palais, Paris, với hơn 1,2 triệu lượt khách tham quan, cho dù chỉ có 50 cổ vật được trưng bày. Cho tới nay, vẫn chưa có cuộc triển lãm nào có sức hút mãnh liệt như vậy. Nhờ số khách đông kỷ lục, cuộc triển lãm 1967 được vinh danh là « triển lãm thế kỷ ». Năm 2012, triển lãm « Toutankhamon, hầm mộ và kho báu » tại Cung triển lãm, cửa ô Versailles cũng thu hút được 250.000 lượt người xem.

Niềm đam mê Ai Cập cổ đại của người Pháp còn được thể hiện qua nhiều công trình, tác phẩm, tiêu biểu nhất như Kim tự tháp bằng kính tại sân bảo tàng Louvre, vừa tròn 30 năm tuổi hôm 30/03/2019 và được mệnh danh là viên kim cương trong lòng Paris, minh chứng cho sự hài hòa giữa kiến trúc cổ điển và phong cách hiện đại.

Ngoài ra, còn phải kể đến cột tháp Obélisque, dựng từ cột đá Luxor có từ thế kỷ XIII, trước Công Nguyên, cao 22m, nặng 230 tấn, từ đền Luxor, món quà của Ai Cập tặng cho nước Pháp, đã được đặt trang trọng tại quảng trường Concorde vốn ẩn chứa nhiều ý nghĩa lịch sử và cũng là quảng trường lớn nhất Paris.

Con đường đến sự sống vĩnh hằng của Toutankhamon

Vậy lần này, khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng những gì để thỏa lòng đam mê và hiếu kỳ? 150 cổ vật được chọn lọc kỹ càng tái hiện lịch sử cuộc đời của hoàng đế Toutankhamon, sinh vào khoảng năm 1342 trước Công Nguyên, lên ngôi vua năm 8 tuổi và qua đời khi mới 18 tuổi. Du khách sẽ được ngắm nhìn từ các vật dụng của Toutankhamon, thời thơ ấu, khi trị vì, cho tới các món đồ tháp tùng vị vua nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập cổ đại trong chuyến lữ hành đi tìm cuộc sống vĩnh hằng bên kia thế giới.

Điều này đã được nhà nghiên cứu Dominique Farout khẳng định : « Như quý vị thấy đấy, chúng ta có các món đồ trang sức, các yếu tố ma thuật, các món đồ chỉ phục vụ tang lễ, mang tính tôn giáo …, những hiện vật liên quan đến chính cuộc đời của Toutankhamon, thời thơ ấu của nhà vua. Tôi nghĩ rằng các hiện vật được trưng bày lần này là phiên bản giản yếu thực thụ và rất tuyệt vời của tất cả các cổ vật đã được tìm thấy trong hầm mộ Toutankhamon ».

Từ ngai vàng, bình hoa, hòm rương, đồ trang sức, các bức tượng, đến những đồ vật mang tính nghi lễ, tôn giáo đều lung linh ánh vàng. Điều đáng tiếc là hai cổ vật có thể coi là « át chủ bài » để thu hút du khách là xác ướp của pharaon và mặt nạ tang lễ đúc từ 111 kg vàng đậy trên quan tài chứa xác ướp của Toutankhamon lại không được trưng bày tại triển lãm.

Lý do rất đơn giản là xác ướp của Toutankhamon dễ vỡ, dễ hỏng nên không thể vận chuyển khỏi Ai Cập, còn mặt nạ vàng ròng thì giờ đây đã bị cấm « xuất cảnh ». Mặt nạ nổi tiếng này đã từng được triển lãm tại Paris năm 1967 và góp phần vào thành công của « triển lãm thế kỷ ».

Tuy nhiên, du khách vẫn có thể phát huy trí tưởng tượng khi ngắm nhìn bản sao của mặt nạ. Và bù lại, du khách cũng được chiêm ngưỡng những cổ vật quý hiếm chưa từng được giới thiệu cho công chúng, ngay cả ở Ai Cập, chẳng hạn tượng những người lính canh gác phòng tang lễ trong hầm mộ Toutankhamon.


Các cổ vật được trưng bày tại triển lãm Toutankhamon, Kho báu của Pharaon đều lấp lánh ánh vàng.
© Vincent Nageotte

Ngoài các hiện vật được đưa từ Ai Cập sang Pháp, còn có một cổ vật quý thuộc sở hữu của bảo tàng Louvre, Paris. Đó là tượng thần Amon, vị thần bảo hộ pharaon Toutankhamon - một trong những tác phẩm có giá trị nhất trong bộ sưu tầm ai Ai Cập cổ đại của Louvre. Là bảo tàng hàng đầu thế giới, Louvre được chính quyền Cairo tín nhiệm đề nghị phối hợp tham gia triển lãm. Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris giải thích về sự hiện diện của bức tượng thần Amon tuyệt đẹp tại triển lãm « Toutankhamon, kho báu của Pharaon » :

« Tôi tự nhủ là nếu nhà chức trách Ai Cập muốn Louvre tham gia, thì chúng tôi phải suy nghĩ xem có điều gì đó xứng tầm để đặt cược vào triển lãm này. Và tôi tự hỏi mình rằng tại sao bảo tàng Louvre không cử một đại sứ. Bộ sưu tầm hiện vật của bảo tàng Louvre là một trong những bộ sưu tầm Ai Cập cổ đại lâu đời nhất ở châu Âu và trên thế giới. Khu trưng bày hiện vật của Ai Cập cổ đại có từ năm 1827, cách nay gần 200 năm. Vậy thì tại sao chúng tôi lại không cử một đại sứ tới triển lãm về Ai Cập ? Ý tưởng này làm chúng tôi hài lòng, thu hút chúng tôi. Và chúng tôi đã cho mang bức tượng này tới trưng bày tại triển lãm ».

Nghệ thuật trưng bày

Những cổ vật liệu đã được phục chế trước khi đem ra trưng bày tại Paris ? Đương nhiên là có. Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris nhấn mạnh đài France Inter : « Đối với một cuộc triển lãm, chẳng hạn sau khi đã lựa chọn các cổ vật để trưng bày … chúng tôi phải xem xét, kiểm tra tình trạng của các hiện vật, để biết được phải có các điều kiện vận chuyển và lắp đặt như thế nào. Việc lựa chọn các tác phẩm trưng bày phụ thuộc vào khả năng có thể vận chuyển chúng đến nơi khác được hay không.

Tất cả những điều đó phải được cân nhắc, tính toán trước. Và đúng là phải phục chế các hiện vật trước khi làm cho chúng trở nên bền chắc hơn nếu có dịp trước khi mang ra trưng bày ở triển lãm (…) Nhưng phục chế không có nghĩa là thêm các chi tiết, không bao giờ được làm như vậy. Người ta làm cho chúng chắc chắn hơn, bền vững hơn ».

Đương nhiên 150 cổ vật là trung tâm thu hút sự chú ý của khách thăm quan, nhưng không thể không nói tới một yếu tố tôn vinh giá trị của các cổ vật và góp phần đảm bảo cho du khách cảm nhận hết vẻ đẹp của kho báu của Toutankhamon : nghệ thuật xắp xếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật tại triển lãm lần này.Ông Vincent Rondot, giám đốc khu trưng bày Ai Cập cổ đại của bảo tàng Louvre, Paris giải thích :

« Cần nói rõ ngay là nghệ thuật trưng bày là do các ủy viên đặc trách tổ chức triển lãm quyết định. Họ chính là các quản đốc bảo tàng của Ai Cập phụ trách triển lãm và công ty Mỹ phụ trách tua triển lãm vòng quanh thế giới. Chúng tôi không tham gia, nếu có thì cũng là gần như không đáng kể, vào công tác xắp đặt, tổ chức trưng bày. Trong một không gian trưng bày khá rộng, bên trong các tủ kính có các hiện vật được bày trang trọng ở chính giữa và khách tham quan đi vòng quanh được để ngắm nhìn hiện vật từ mọi góc độ. »

Về cách xắp xếp này, nhà nghiên cứu Dominique Farout, cố vấn khoa học của ban tổ chức triển lãm cho biết thêm : « Trên thực tế, tại các bảo tàng cũ hiện nay ở Cairo được đặt trên các khay trưng bày mà người xem thường thì không thể nhìn thấy mặt sau, còn ở đây, chẳng với các món đồ trang sức, khách tham quan nhìn thấy được cả mặt còn lại. Tôi khuyên quý vị nên ngắm chúng cả từ phía sau. Thật khó có thể tin được, nhưng nhìn từ mặt sau chúng cũng đẹp tuyệt vời như mặt trước mà người ta hay ngắm vậy (…)

Các món đồ trang sức đẹp một cách phi thường, khác lạ. Những người thợ chế tác một cách khéo léo, tinh tế. Có rất nhiều chi tiết tinh xảo ở mặt mà chúng ta thường không nhìn thấy. Đó là mặt áp vào cơ thể. Và ở triển lãm lần này, chúng ta nhìn thấy tất cả. Còn về các tủ kính trưng bày, tôi choáng ngợp về chất lượng tủ kính. Đó là kính không phản quang, không gây bóng lóa. Người xem ở trong phòng tối đen, nhưng đồng thời mọi thứ lại được chiếu sáng, nhìn được rất rõ ràng ».

Khoản tiền thu được từ vòng triển lãm tại 10 thành phố lớn sẽ được dành cho Đại Bảo Tàng Ai Cập, ở cao nguyên Gizeh, góp phần đóng góp vào số tiền khổng lồ 1 tỉ đô la chi cho việc xây dựng và hoạt động của bảo tàng. Nhưng một trong những mục tiêu lớn khác của nhà chức trách Ai Cập khi « mạo hiểm » đưa các cổ vật vô giá rời đất nước đi chu du vòng quanh thế giới là nhằm thu hút sự chú ý của công chúng toàn cầu đối với nền văn minh Ai Cập cổ đại.

Chưa biết liệu triển lãm lần này sẽ hấp dẫn người Pháp đến đâu, nhưng ngay từ ngày mở cửa triển lãm, sau khi được đắm chìm trong không gian huyền bí, hư hư, thực thực, nhiều du khách đã mong muốn sớm được đến Ai Cập để thỏa nỗi đam mê về Ai Cập cổ đại, về vị vua Toutankhamon nổi tiếng nhất lịch sử Ai Cập.


150 hiện vật tại triển lãm tại La Vilette nằm trong số hơn 5.000 cổ vật được nhà khảo cổ Carter tìm thấy nguyên vẹn năm 1922 tại hầm mộ Toutankhamon.



viethoaiphuong
#362 Posted : Sunday, April 7, 2019 7:57:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 06 tháng 4 năm 2019

Christophe trình làng tuyển tập song ca



Danh ca Christophe cho ra mắt album mới mùa xuân 2019©TV5 monde

Vào mùa xuân năm 2019, nam danh ca Christophe trình làng một tuyển tập song ca gồm những bài hát ăn khách một thời với lối hoà âm mới. Mang tựa đề "Christophe etc….", album này gồm 14 ca khúc hoà quyện giọng ca thần tượng những năm 1960 với nhiều tài năng mới của làng nhạc Pháp hiện thời.

Đây là album phòng thu thứ 14 của nam danh ca người Pháp, ba năm sau khi ông thành công với tập nhạc ‘‘Les Vestiges du Chaos’’. Trong suốt thời gian vừa qua, Christophe đã không ngừng đi biểu diễn ở khắp nơi và mỗi lần có cơ hội, ông vẫn thường mời các ca sĩ trẻ tuổi lên hát chung trên sân khấu …… Cũng từ những dịp hát chung ấy, mới nẩy sinh ý tưởng thực hiện một tuyển tập song ca. Bản thân tác giả đã từng tham gia khá nhiều dự án ghi âm cùng với các bạn đồng nghiệp.

Lần này, Christophe hợp tác với các nghệ sĩ của cả hai thế hệ thời trước cũng như thời nay, ông triệu mời khá nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về mặt tìm tòi sáng tạo âm thanh, kể cả nhạc nhẹ, nhạc pop hay dòng nhạc điện tử frenh touch. Trong đó có ban nhạc trẻ Nusky & Vaati trên đã cùng ghi âm lại bản nhạc ‘‘Succès fou’’, một trong những tình khúc ăn khách của nam danh ca Christophe vào năm 1983.

Trong suốt sự nghiệp trải dài trên hơn nửa thế kỷ, nam danh ca Christophe đã từng sáng tác hàng trăm ca khúc. Việc ghi âm lại 14 ca khúc đặt ra một vấn đề quan trọng : chọn lựa ca khúc sao cho hợp với người thể hiện, cũng như với đối tượng người nghe. Về điểm này, có thể nói ngay (ngoại trừ bản tình ca bất hủ Aline /Gọi tên người yêu) nhiều ca khúc của Christophe từng được đặt thêm lời Việt không xuất hiện trên album này.

Những bài hát quen thuộc với người Việt như Tình yêu thiết tha, Cho quên thú đau thương, Một thời để yêu hay Cơn đau Tình ái. Những bài hát này thuộc vào giai đoạn sáng tác đầu (những năm 1965-1975), trong khi các ca sĩ được mời ghi âm với Christophe lại chọn dòng sáng tác của những thập niên sau.

Trong cách soạn nhạc, tác giả Christophe nổi tiếng là một nhân vật cầu toàn, luôn sáng tác những giai điệu cực kỳ trau chuốt, có thể ghi âm đi ghi âm lại hàng chục lần cho tới khi nào thật vừa ý. Những giai điệu dễ in đậm trong ký ức như Aline, Les Mots bleus, Petite Fille du Soleil hay là Succès Fou từng ăn khách một thời nay lại được khoác áo mới. Album này xen kẻ lối hòa âm điện tử với những bài hát có cách phối khí rất mộc thậm chí tiết chế, tối thiểu.

Những giai điệu lãng mạn của Christophe mang thêm những sắc màu hiện đại, giọng ca của ông phiêu diêu lướt nhẹ trên những chồng lớp âm thanh, tạo cảm tưởng các ca khúc tuy đã xưa nhiêu thập niên nhưng nghe như được viết cho thời nay. Về điểm này Christophe không ngại tái tạo, các tác phẩm kinh điển nhất vẫn có thể làm lại từ đầu vì theo quan niệm của ông một phiên bản hoàn hảo cách nay bốn thập niên, giờ đây có lẽ không còn thích hợp. Tuy nhiên, nếu như lời bài hát cũng như giai điệu vẫn được giữ nguyên, trên album song ca của Christophe, một số phiên bản mới đôi khi lại phản tác dụng do các giọng ca bị chỉnh sửa quá nhiều qua công nghệ âm thanh.

Trong thời gian qua, khá nhiều nghệ sĩ Pháp nổi tiếng đều đã từng cho ra mắt những album song ca tương tự. Bản thân Christophe cũng đã từng tham gia các dự án ghi âm chung với một số đồng nghiệp, điển hình là album gần đây của các ca sĩ nổi danh cùng thời như Adamo hay là tuyển tập song ca của Eddy Mitchell. Chất giọng kim của nam danh ca người Pháp tuy không còn sắc sảo như xưa, nhưng không cần phải thêm nhiều chỉnh sửa.

Sau khi thành danh trong một thập niên liền từ giữa những năm 1960 cho tới cuối thập niên 1970, Christophe đã vắng bóng sân khấu trong gần 20 năm, kể từ năm 1983 trở đi. Tác giả này tìm lại cảm hứng sáng tác từ đầu những năm 2000, cho thấy sở trường của ông trên lãnh vực tìm tòi, thử nghiệm những âm thanh khác lạ.

Với ba giải thưởng lớn của làng nhạc Pháp : giải Victoires năm 2003, Giải thưởng Charles Cros năm 2008, Giải thưởng lớn của Hiệp hội các tác giả Pháp Sacem năm 2010, giai đoạn thứ ba này thật sự đánh dấu sự khởi sắc đáng kể trong một sự nghiệp sáng tác dài hơn nửa thế kỷ. Trung thành với danh hiệu ‘‘Le Beau Bizarre’’ người có tính thẩm mỹ với góc nhìn ngoại khổ, nam danh ca Christophe luôn đi tìm giai điệu thăng hoa từ những nét đẹp kỳ lạ.

Christophe - Aline

https://www.youtube.com/watch?v=-E_Hyn53acA

Les mots bleus (Christophe)
https://www.youtube.com/watch?v=LdfB8pM-qLw

Christophe Succès fou
https://www.youtube.com/watch?v=SbpVQtN7AQI
viethoaiphuong
#363 Posted : Thursday, April 11, 2019 5:36:58 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

200 năm Raffles thành lập cảng Singapore

Tuấn Thảo / RFI
Đến thăm Singapore vào mùa xuân, du khách không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy khá nhiều hình ảnh của ông Stamford Raffles trong thành phố : bích chương, biểu ngữ, quà lưu niệm, logo quảng cáo hay tượng đá dựng trên đường phố. Hỏi ra mới biết đang là mùa kỷ niệm 200 năm ngày ông Raffles thành lập cảng Singapore.

Đáng ngạc nhiên hơn là bức tượng màu trắng dựng trên vỉa hè đại lộ Orchard, đối diện với thương xá Tang Plaza. Bức tượng này khắc họa chân dung của ông Stamford Raffles, còn được xem như là cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ở trong tư thế đứng khoanh tay trước ngực, dáng vẻ trầm ngâm suy ngẫm. Thông thường, bức tượng ông Raffles được đặt ở khu phố cổ, nằm ở phía trung tâm hành chính. Đằng này, bức tượng trắng lại được dựng trên đại lộ sầm uất nhất của Singapore : Orchard Road với các cửa hàng lớn và những thương hiệu sang trọng lộng lẫy không thua gì Fifth Avenue ở Manhattan, New York hay đại lộ Champs-Élysées ở Paris.


Bức tượng trắng khắc họa chân dung ông Raffles, dựng trên Orchard Road, đại lộ sầm uất nhất của Singapore
Tuấn Thảo / RFI

Dĩ nhiên bức tượng trên đường Orchard chỉ là bản sao, nhằm mục đích quảng cáo cho chương trình kỷ niệm. Bản gốc là một bức tượng bằng đồng đen, do nhà điêu khắc nổi tiếng Thomas Woolner (1825-1892) sáng tác. Sinh thời, Thomas Woolner là một trong những nghệ sĩ khởi xướng phong trào nghệ thuật Tiền Raphael ở Vương quốc Anh. Ông đã hoàn thành bức tượng bằng đồng đen của ông Stamford Raffles đầu năm 1887, hầu chuẩn bị lễ kỷ niệm 50 năm trị vì của Nữ Hoàng Victoria (Jubilee Day).

Không phải ngẫu nhiên mà bức tượng gốc được đặt tại mặt tiền của toà nhà nguy nga Victoria Memorial Hall nằm trên Quảng trường Empress Place. Toà nhà Victoria Theatre & Concert Hall là Nhà hát lớn của thành phố, tuy không hiện đại bằng nhà hát giao hưởng Esplanade (Theatres on the Bay), nhưng về mặt lịch sử lại là một trong những công trình kiến trúc lâu đời nhất của Singapore. Từ nhà hát Victoria, chỉ cần tản bộ một quãng ngắn dọc bờ sông, du khách sẽ bắt gặp ngay một bức tượng khác của ông Stamford Raffles, cũng trong tư thế đứng khoanh tay trước ngực, mắt hướng nhìn ra biển.

Nằm giữa bến tàu Boat Quay, địa điểm lịch sử này còn được gọi là ‘‘Raffles Landing Site’’ tức là nơi ông Stamford Raffles từng cập bến và đặt chân lên lãnh thổ Singapore cách đây đúng hai trăm năm. Bức tượng này nằm bên cạnh Viện Bảo tàng các nền Văn minh châu Á (Asian Civilisations Museum ACM), nơi diễn ra cuộc triển lãm ‘‘Raffles in South East Asia’’ từ ngày 01/02 đến 28/04/2019, kể lại hành trình của ông Stamford Raffles tại Đông Nam Á. Song song với cuộc triển lãm này, Sở du lịch Singapore cho biết, có 200 sự kiện văn hóa lớn nhỏ sẽ lần lượt diễn ra trong năm 2019, quan trọng nhất là chương trình tại Bảo tàng & Thư viện Quốc gia, Nhà hát Victoria, Trung tâm Nghệ thuật Fort Canning, Trung tâm Văn hóa Geyland East .....

Được tổ chức cùng với Bảo tàng Anh British Museum, cuộc triển lãm ‘‘Raffles in South East Asia’’ kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Sir Stamford Raffles thông qua những cổ vật mà ông đã sưu tầm hay những tác phẩm mà ông đã từng viết, trong đó có quyển Sổ tay hành trình tại Java gồm hai tập, được xem như là một đóng góp lớn về mặt kiến thức lịch sử và sinh vật học thời bấy giờ. Cũng nhờ vào sự đóng góp này mà ông được phong tước thành Sir Stamford Raffles. Lúc sinh tiền, ông từng làm việc cho công ty thương mại Đông Ấn (Anh) và được bổ nhiệm làm Phó Thống Đốc Anh tại vùng Bencoleen. Từ năm 1805 đến năm 1824, ông từng sinh sống tại Penang, Java và Sumatra.

Một chi tiết nhỏ nhưng khá quan trọng là ông nói rành tiếng Mã Lai cũng như am tường về phong tục tập quán của dân địa phương. Yếu tố này đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông thuyết phục vua Johor thuộc vương triều Malacca thời bấy giờ trao cho Vương quốc Anh quyền thiết lập trạm thông thương tại Singapore, nằm ở mũi cực nam bán đảo Mã Lai. Ông Stamford Raffles chính thức đặt chân lên Singapore vào cuối tháng Giêng (28/01) năm 1819, và chưa đầy một tháng sau đã ký kết được hiệp ước thành lập một thương cảng tự do, phát triển nhanh chóng vì không đánh thuế các thuyền bè vận tải, và nhờ vậy mà lật ngược thế cờ, thách thức độc quyền của hai đội thương thuyền hùng hậu trong vùng eo biển Malacca là Hà Lan và Bồ Đào Nha.

Chỉ trong một thời gian ngắn, Singapore đã phát triển thành một trong những thương cảng quan trọng nhất châu Á. Sau nhiều thập niên nằm dưới quyền cai trị của Anh, rồi sau đó hợp nhất với Liên hiệp bang Malaysia, Singapore đã chính thức tuyên bố độc lập vào tháng 8 năm 1965. Cho dù thực tế cho thấy mô hình phát triển Singapore không ‘‘lý tưởng’’ như người ta nghĩ, nhưng trong mắt du khách, Singapore đã nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia thịnh vượng nhất trên thế giới, nền kinh tế thị trường tự do được phát triển cao độ, GDP bình quân đầu người thuộc vào hàng nhất nhì châu Á.

Ghé thăm Singapore nhất là đại lộ Orchard, du khách có cảm tưởng là trên đất nước này, ai ai cũng giàu có. Ít ra không hề thấy dấu hiệu của sự nghèo đói ngay cả ở những khu phố bình dân như xung quanh Mustafa Center, phố Pagoda Street gần Chinatown hay đường Jalan Besar ở phố Little India. Có lẽ cũng vì Singapore là xứ sở đầy kỷ luật trật tự, ngay cả ở chốn công cộng không phải hút thuốc chỗ nào cũng được, mà phải đứng trong phạm vi dành cho người ghiền nicotin. Chuyện hôn nhau chốn công cộng cũng bị cấm, chuyện ngủ lây lất hay ăn xin ngoài đường phố càng bị phạt nặng.

Bước vào các quầy bán thức ăn food court tại các trung tâm thương mại (tiêu biểu là Food Opera của thương xá ION), chỉ cần tinh ý một chút là du khách sẽ nhận thấy có rất nhiều ông cụ bà cụ, đáng lẽ ra đã được nghỉ hưu từ lâu, mà vẫn đẩy xe dọn chén đĩa hay bán đồ ăn hay thức uống cho thực khách. Theo hệ số Gini, chênh lệch giàu nghèo ở Singapore cũng thuộc vào hạng cao (cao hơn cả Hoa Kỳ và Nhật Bản). Chỉ có điều là du khách không thể nhìn thấy sự nghèo khó gần như đã trở nên vô hình ấy.

Tuấn Thảo - RFI - ngày 09-04-2019

viethoaiphuong
#364 Posted : Saturday, April 13, 2019 4:36:22 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 13 tháng 4 năm 2019

Clara Luciani, tài năng đầy triển vọng 2019


Clara Luciani biểu diễn tại liên hoan Francofolies 2018 -La RochelleAFP/XAVIER LEOTY

Lần đầu tiên thoạt nghe giọng ca của Clara Luciani, ta khó thể nào hình dung ca sĩ này lớn hay nhỏ về mặt tuổi tác, trong những nốt trầm nhất người nghe cũng có thể bị nhầm lẫn, khó phân biệt được giọng nam hay giọng nữ. Những nét khác biệt nho nhỏ ấy lại là một ưu thế vào cái thời cực thịnh của các cuộc thi hát truyền hình, làn sóng sau đè làn sóng trước.

Sinh tháng 7 năm 1992 tại Martigues, cách thành phố Marseille khoảng 40 cây số về phía đông, Clara Luciani xuất thân từ một gia đình người gốc đảo Corse, từng sinh sống và lập nghiệp ở thành phố Ajaccio. Họ Luciani trong thổ ngữ đảo Corse có nghĩa là "tia sáng nho nhỏ".

Để cho Clara dễ đi học, bố mẹ cô dọn nhà về vùng ngoại ô thành phố Marseille. Trước khi chọn hẳn con đường nghệ thuật, Clara đã mất khá nhiều năm để tìm tòi một hướng đi thích hợp, cô làm nhiều nghề để kiếm sống : nhân viên bán hàng, phụ bếp cũng như chạy bàn, dạy kèm hay giữ trẻ trong những năm đầu học đại học (khoa Lịch sử Nghệ thuật).

Có một thời gian, Clara kiếm sống nhờ làm người mẫu chụp hình quảng cáo. Ngoài một gương mặt ăn ảnh, cô còn có chiều cao thích hợp với nghề này : 1m82. Thời thiếu nữ, Clara đã có dáng gầy và cao từ năm 14 tuổi, chẳng những thế, khác với các bạn gái cùng trang lứa, Clara có giọng trầm khàn. Hai yếu tố khác thường ấy nếu không nói là ‘‘ngoại khổ’’ lại khiến cho cô bé cảm thấy bị hất hủi ở trường lớp, khi các bạn học không thích thấy cô bé chung chạ gần gũi, không muốn cho Clara nhập bọn vì sợ bị phá đám.

Điều đó có lẽ đã in đậm khắc sâu trong tâm hồn Clara, làm nảy sinh nhiều mặc cảm từ lúc nào không hay. Clara cho biết là từ khi còn nhỏ, cô không thích giọng nói của mình, vì có một sự chênh lệch qúa lớn giữa vóc dáng và tuổi tác. Có lẽ cũng vì thế mà cho dù cô thích sáng tác và ca hát, nhưng cô không nghĩ là mình sẽ có cơ hội trong lãnh vực âm nhạc do cô hoàn toàn không biết là mình có một ‘‘chất giọng’’ khá đặc biệt, điều mà sau này mới được tiết lộ qua các buổi casting tuyển lựa các tài năng mới.

Vào năm 19 tuổi, Clara rời thành phố Marseille đến thủ đô Paris lập nghiệp. Tuy rất nhút nhát và thiếu tự tin, nhưng gương mặt và chiều cao của Clara lại nhanh chóng thu hút sự chú ý. Sau một thời gian làm việc trong ngành quảng cáo, Clara tình cờ gặp hai thành viên của nhóm La Femme (2011). Ban nhạc này đang tuyển lựa một giọng ca chính. Sự hợp tác của họ gặt hái khá nhiều thành công đáng kể. Album nhạc pop điện tử đề tựa ‘‘Psycho Tropical Berlin’’ được giới phê bình ở Pháp xếp vào danh sách 5 album nhạc rock hay nhất năm 2013. Trên album này, Clara ghi âm hai bài hát La Femme và It’s Time To Wake Up (2023).

Tựa như con côn trùng hóa thân thành cánh bướm lộng lẫy, thành công bước đầu tạo cơ hội cho Clara Luciani hợp tác với nhiều tên tuổi lớn của làng nhạc Pháp, trong đó có Benjamin Biolay cũng như nam ca sĩ Raphael. Nhân vòng lưu diễn nước Pháp ‘‘Somnambules’’ trong khoảng thời gian 2015-2016, Clara đã từng tham gia phần mở đầu tour biểu diễn của anh.

Mãi tới mùa xuân năm 2018, sau khi hợp tác với nhiều nghệ sĩ xuất thân từ dòng nhạc pop điện tử của Pháp French Touch, trong đó có Maxime Sokolinski (ban song ca Hologram), Benjamin Lebeau (The Shoes) hay là Ambroise Willaume (Revolver), Clara Luciani mới cho ra mắt album đầu tiên của cô mang tựa đề Sainte-Victoire. Album này đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía công chúng lẫn giới phê bình. Trong số các ảnh hưởng rõ rệt, ngoài cách phối nhạc bằng phím điện tử của bậc đàn anh Étienne Daho, album này có nhiều sắc thái gần với các nghệ sĩ như Nico, Gainsbourg và thậm chí Françoise Hardy …..

Nhờ album đầu tay này, Clara Luciani đoạt giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique của Pháp dành cho đợt biểu diễn của một tài năng mới nhân buổi lễ lần thứ 34 tổ chức tại Paris hồi tháng Hai năm 2019. Ở tuổi 26, Clara Luciani được xem là một trong những gương mặt nổi bật của làn sóng mới bao gồm nhiều tác giả và nghệ sĩ độc lập.

Một cách tinh tế, Clara đã đặt tựa cho album đầu tay của cô "Sainte-Victoire". Hiểu theo nghĩa đen là ngọn núi Sainte-Victoire, địa danh này trở nên bất tử nhờ tài vẽ tranh của danh họa Cézanne, tựa này đủ nói lên đam mê của cô với bộ môn ‘‘lịch sử nghệ thuật’’ mà Clara từng đeo đuổi. Đó cũng là biểu tượng của vùng Provence, nơi mà Clara đã sinh ra và lớn lên.

Hiểu theo nghĩa bóng, Sainte-Victoire (Tượng thần Chiến thắng) cũng là một cách để cảm ơn bố mẹ và những người thân đã cho cô thêm nghị lực để phấn đấu, vươn lên. Giải thưởng Victoires de la Musique năm 2019 cũng như giải của Viện Charles Cros hồi tháng Giêng là những phần thưởng xứng đáng cho Clara. Cô bé nhút nhát và thiếu tự tin thuở nào, giờ đây đã hóa thân thành một phụ nữ đầy cá tính, chất giọng mê hoặc trầm ấm, đôi mắt nâu huyền sâu thẳm.
viethoaiphuong
#365 Posted : Wednesday, April 17, 2019 4:37:15 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

RFI - ngày 16-04-2019

Victor Hugo, « vị cứu tinh » của Nhà Thờ Đức Bà Paris



Paris nhìn từ trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris.
REUTERS/Charles Platiau/File Photo

Nhà Thờ Đức Bà Paris là một biểu tượng tôn giáo, kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Paris và cả nước Pháp. Nhưng trong suốt 856 năm tồn tại, không phải lúc nào công trình được xây dựng từ thời Trung Cổ cũng được coi là một « viên ngọc quý » hay một « báu vật ».

Vào thời Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789, nhất là hồi đầu thế kỷ XIX, trong tình trạng xuống cấp nặng nề, nhà thờ đã có thời bị bỏ hoang, biến thành nơi chứa đồ. Người ta thậm chí còn tính đến chuyện phá dỡ công trình để lấy những viên đá xây nhà thờ bán đi lấy tiền. Vào năm 1831, tiểu thuyết « Nhà Thờ Đức Bà Paris » của Victor Hugo ra đời và gây tiếng vang lớn, góp phần làm hồi sinh công trình vốn được xây dựng trong suốt gần 200 năm, kể từ năm 1163.

Trong tác phẩm của Victor Hugo, Nhà Thờ Đức Bà Paris hiện lên như một nhân vật sống động, lộng lẫy, huy hoàng nhưng phải chịu sự khinh miệt, bị khạc nhổ làm vấy bẩn, ô uế. Victor Hugo muốn nói tới các hành vi phá hoại và những người phục dựng nhà thờ không đúng cách, bằng cách cho thêm các chi tiết của thế kỷ XIX vào kiệt tác kiến trúc Trung Cổ theo phong cách gothique.

Sử gia Anne-Marie Thiesse, giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp CNRS, giải thích trên báo Le Monde ngày 16/04/2019 là Victor Hugo đã đấu tranh kịch liệt chống các hành vi phá hoại các công trình tôn giáo, tạo động lực thúc đẩy chính quyền cho phục dựng Nhà Thờ Đức Bà Paris. Vào năm 1843, công tác cải tạo nhà thờ được khởi công dưới sự chỉ đạo của Eugène Viollet-le-Duc và kéo dài suốt 20 năm. Chính trong giai đoạn này, chóp nhọn hình mũi tên cao 93m, làm bằng gỗ sồi bọc chì, nặng 750 tấn (500 tấn gỗ sồi và 250 tấn chì), với bốn dãy tượng các tông đồ tạc bằng đồng, đã được dựng lên. Kiệt tác Trung Cổ đã hồi sinh ! Sau này, nhà thờ còn được cải tạo thêm nhiều lần.

Nhờ Victor Hugo, Nhà Thờ Đức Bà Paristrở thành « nhà thờ lớn của dân tộc »

Tại Pháp, cho đến cuối thế kỷ XVIII, thời Trung Cổ bị coi là thời kỳ tối tăm, u muội của thói mê tín dị đoan. Nhà Thờ Đức Bà Paris, công trình của thời Trung Cổ vì thế không được đánh giá cao, đặc biệt vào thời Cách Mạng Tư Sản Pháp. Nhưng theo sử gia Anne-Marie Thiesse, nhờ tác phẩm « Nhà Thờ Đức Bà Paris », vào thế kỷ XIX, người Pháp được khám phá lại công trình kiến trúc gothique, không chỉ về nét đẹp thẩm mỹ mà còn cả về góc nhìn chính trị.

Trong tiểu thuyết của Hugo, nhà thờ thành biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc. Đại văn hào Victor Hugo đã tái hiện một xã hội Pháp với những con người thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội, từ giới quý tộc, cho đến cả những nhân vật như Esmeralda và Quasimodo vốn từng bị xã hội ruồng rẫy, gạt bỏ. Nhà Thờ Đức Bà Paris nhờ vậy làm sống lại tình đoàn kết dân tộc. Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên Cứu Quốc Gia Pháp CNRS kết luận nhờ có Victor Hugo, Nhà Thờ Đức Bà Parisđã trở thành « nhà thờ lớn của dân tộc » Pháp.

viethoaiphuong
#366 Posted : Thursday, April 18, 2019 5:37:52 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nhà Thờ Đức Bà : Bảo Vật Tôn Giáo và Cộng Hòa


Mão gai đội đầu của Chúa Giêsu trong một dịp trưng bày tại Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 21/03/2014.
REUTERS/Philippe Wojazer/File Photo


Tú Anh - RFI - điểm báo Pháp - ngày 17-04-2019

Lịch sử của chúng ta, Nhà Thờ Đức Bà sẽ tái sinh,Tổng động viên

Mái Nhà Chung

Nhà Thờ Đức Bà bốc khói trên Le Monde. Ngôi đại giáo đường 800 năm sừng sững sau cơn bão lửa trên trang nhất của Le Figaro, thánh giá vẫn rực rỡ màu vàng ánh trước đống gỗ cháy thành than trên báo La Croix là những hình ảnh tiêu biểu cho các bài xã luận, 24 giờ sau khi ngọn lửa được dập tắt.

Trong bài « Ngôi nhà chung của chúng ta », nhật báo công giáo nhận xét, sau ngọn lửa thiêu đốt báu vật tôn giáo xuất hiện một ngọn lửa khác, ngọn lửa hy vọng. Ở nước Pháp ngày nay, hiếm khi có một niềm xúc động chung được tất cả mọi người chia sẻ. Khi mái nhà thờ sụp xuống, không ai là không cảm thấy một nỗi buồn sâu kín tràn ngập tâm hồn và vẫn kéo dài cho đến hôm sau. Vì sao ? Bởi vì một ngôi nhà thờ, từ muôn đời là một mái nhà chung.

Nhà Thờ Đức Bà là một trong những nơi mà cả mọi người, không phân biệt giai tầng xã hội, không phân biệt tôn giáo có thể quy tụ về mà không tốn một đồng xu. Có đạo hay vô thần, mọi người đều ý thức giá trị chung đó khi thấy Nhà Thờ Đức Bà, thiếu chút nữa, bị thiêu rụi. Nhưng báu vật này, dù đẹp cách mấy, không phải chỉ là một tòa kiến trúc đơn thuần mà vì nó là ngôi nhà chung của mỗi chúng ta. Tái thiết nó, như đã từng giúp cho các nhà thờ Reims, Rouen, Turino bị lửa đạn tàn phá hồi sinh là xây lại chính căn nhà của mình.

Cầu nối giữa con người và Thiên Chúa

Le Monde, cùng một nhận định : Trái tim nước Pháp bị trúng thương. Nằm bên bờ hai nhánh sông Seine từ muôn đời, Nhà Thờ Đức Bà là cầu nối đặc biệt giữa con người hữu hạn và Thượng Đế vĩnh hằng.

Từ địa lý, quốc sử cho đến văn học, Nhà Thờ Đức Bà là trung tâm của nước Pháp. Đó là cây số « số không », là toạ độ gốc tính khoảng cách Paris với các địa danh khác. Cung thánh (chánh điện) là nguồn cảm hứng làm nên những chương tiểu thuyết tuyệt tác của văn học Pháp và cũng là nơi chứng kiến những vì vua quỳ gối trước thánh giá trong lễ đăng quang, lễ cưới hay mừng chiến thắng.

Nhà Thờ Đức Bà cũng là một chứng nhân lịch sử của chế độ Cộng hòa khi vui cũng như lúc buồn. Vui khi mừng ngày chiến thắng Đệ nhất Thế chiến 1918, hay vào ngày 26/05/1944 tướng De Gaulle dự thánh lễ giải phóng thủ đô. Lúc tai biến, Cung thánh đã ba lần đón tiếp hàng trăm nhân vật của địa cầu trong năm 1970,1974 và 1996 đến dự tang lễ của De Gaulle, Pompidou và Mitterand - ba vị tổng thống Cộng hòa. Văn hào Victor Hugo viết lại một câu để đời : bên cạnh những nét nhăn trên mặt nhà thờ người ta luôn thấy một vết sẹo. Vết sẹo lần này, không cách nào xóa được cho dù « Chúng ta sẽ xây lại nhà thờ » mà tổng thống Macron cam kết trong đêm xảy ra hỏa hoạn.

Trái tim thế giới trúng thương

Libération : Nhà Thờ Đức Bà của nhân dân. Trong vòng ít phút, tâm trạng xúc động lan khắp địa cầu. Thế giới như bị trúng tên vào giữa trái tim.

Trong bài xã luận, nhật báo thiên tả khẳng định Nhà Thờ Đức Bà là cội rễ của Thiên Chúa Giáo lẫn Cộng Hòa là « bản sắc của dân Pháp » : Jeanne d’Arc, Henri 4, Louis 14, Napoleon, De Gaulle cho đến tu sĩ Pierre… cả một kho tàng ấn tượng, hình ảnh, ký ức, cảm xúc làm nên chất keo gắn bó với nước non, như mô tả của Jean Jaurès đã bị cháy. Nhưng, hy vọng là đây « sau ngọn lửa, các nhà hảo tâm chữa cháy », Libération chơi chữ. Trong vòng 24 giờ, tiền quyên góp tái xây dựng Nhà Thờ Đức Bà lên đến 700 triệu euro.

Nhưng không phải chỉ có các nhà tài phiệt hay đại công ty hảo tâm, một làn sóng liên đới lan khắp thế giới và khắp nước. Tại trụ sở Quỹ Bảo Tồn Di Sản Quốc Gia, chuông điện thoại reo không ngớt : buổi sáng nhận được 1,3 triệu euro, đến buổi chiều được 4 triệu. Le Figaro dành một trang tóm lược những lời chia buồn và bài tỏ tình liên đới trên khắp thế giới tái thiết nhà thờ. Nhật báo thiên hữu cảnh báo : đây là một công trình gian nan cho dù tổng thống Pháp cam kết sẽ hoàn tất trong vòng năm năm, trước Thế vận hội Paris 2024.

Làm cách nào ? Nhật báo Les Echos chú ý đến ngọn gió « tổng động viên tái thiết ». Cùng quan điểm, La Croix thông báo nỗ lực chung phối hợp quỹ tư nhân và ngân sách nhưng cái khó không phải là có tiền là làm nhanh và làm gì cũng được. Kiểm điểm thiệt hại và bảo tồn cho được kiến trúc thời Trung Cổ là hai công trình mất nhiều thời gian. Một vấn đề nát óc khác mà Le Figaro, cũng như đồng nghiệp Le Monde nêu lên là « điều tra tìm nguyên nhân hỏa hoạn ». 50 thanh tra được huy động .
viethoaiphuong
#367 Posted : Thursday, April 18, 2019 5:43:28 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nhà thờ Đức Bà, ký ức Paris sẽ hồi sinh


Quang cảnh Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn. Ảnh chụp ngày 16/04/2019.
Christophe Petit Tesson/Pool via REUTERS

Thụy My - RFI - ngày 17-04-2019
Chiều nay 17/04/2019 đúng 18 giờ 50, giờ mà ngọn lửa bắt đầu bốc lên ở Nhà thờ Đức Bà Paris hôm thứ Hai 15/4, chuông của tất cả các giáo đường trên nước Pháp đồng loạt đổ để tỏ tình tương thân tương ái đối với « Trái tim nước Pháp », « Thánh đường mẹ của các giáo đường ».

Người dân Paris lẫn du khách đều sững sờ chứng kiến ngôi giáo đường nguy nga nhất thủ đô, đã tồn tại trên 850 năm bốc cháy dữ dội. Tối hôm đó, những chiếc « bateau mouche », tàu chở khách tham quan dọc theo sông Seine, vẫn còn phát bài giới thiệu thường lệ, trong đó có Nhà thờ Đức Bà. Một công trình tồn tại hơn tám thế kỷ, đã chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử nước Pháp.

Hơn 850 năm lịch sử

Năm 1455, thánh nữ Jeanne d’Arc được minh oan tại Nhà thờ Đức Bà Paris. Hơn ba thế kỷ sau, hoàng đế Napoléon Đệ nhất chọn Vương cung Thánh đường Paris là nơi làm lễ đăng quang. Ngày 26/08/1944, tướng De Gaulle sau khi diễu hành mừng thủ đô Paris được giải phóng khỏi phát-xít Đức, đã đến Nhà thờ Đức Bà dự thánh lễ.

Dưới thời Đệ tam, Đệ tứ và Đệ ngũ Cộng hòa, các buổi lễ trang trọng cũng được tổ chức tại đây để mừng chiến thắng, như với các thống chế Foch, Joffre, Leclerc, De Lattre De Tassigny. Tang lễ của các tổng thống Charles De Gaulle, George Pompidou, François Mitterrand đều diễn ra tại Nhà thờ Đức Bà.

Những chiếc chuông nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà từng ngân vang để tưởng niệm các nạn nhân chuyến bay 447 Air France Rio-Paris (2009), nạn nhân vụ khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 15/11/2015…

Được bắt đầu xây dựng từ năm 1163, lúc đó Paris mới có 50.000 dân, và đến hai thế kỷ sau mới hoàn thành, Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) đã tránh được số phận của nhiều nhà thờ thời Trung Cổ. Đứng vững suốt tám thế kỷ qua, nhưng đại nạn lại xảy ra vào thế kỷ 21 với vụ hỏa hoạn ngày 15/4 !

Nhà thờ Đức Bà Paris trong nghệ thuật

Không chỉ có giá trị về kiến trúc và lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Paris còn đi vào tâm thức mọi người qua văn chương, điện ảnh…mà nổi tiếng nhất là tác phẩm « Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà » của văn hào Victor Hugo, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Từ tiểu thuyết này, đã có ít nhất 10 bộ phim truyện và 5 phim truyền hình ra đời. Bộ phim xưa nhất là « La Esmeralda » của Alice Guy và Victorin Jasset ra mắt từ năm 1905. Bộ phiem được biết đến nhiều nhất là « Notre-Dame de Paris » của Jean Delannoy năm 1956 với các diễn viên nổi tiếng Gina Lollobrigida và Anthony Quinn. Hãng phim Disney cũng làm phim hoạt hình « Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà », trình chiếu năm 1996.

Nhà thờ Đức Bà Paris là bối cảnh của rất nhiều bộ phim, trong đó có thể kể « Nửa đêm ở Paris » của Woody Allen, « Định mệnh tuyệt vời của Amélie Poulain » của Jean-Pierre Jeunet…

Nhiều vở múa ba-lê về Nhà thờ Đức Bà Paris như vở « La Esmeralda » của Jules Perrot từ năm 1844 có nhiều phiên bản khác nhau, đặc biệt tại Nga, « Notre Dame de Paris » của Roland Petit năm 1965…Nhưng thành công nhất là vở nhạc kịch « Notre Dame de Paris » năm 1998 của Luc Plamondon và Richard Cocciante, đã được trình diễn tại hơn 20 quốc gia bằng 9 thứ tiếng, đến tháng Giêng này đã được 5.000 buổi.

Trong hội họa, nổi tiếng nhất là tác phẩm « Lễ tấn phong của Napoléon » có kích thước 10 x 6 mét, do họa sĩ của hoàng đế Napoléon Đệ nhất là Jacques-Louis David thực hiện từ năm 1805 đến 1807. Các danh họa Marc Chagall, Maurice Utrillo cũng thường dùng Nhà thờ Đức Bà Paris cùng với dòng sông Seine cuộn chảy bên cạnh làm bối cảnh.

Trong tác phẩm sơn dầu độc đáo « Nữ thần Tự Do dẫn dắt nhân dân » của họa sĩ trường phái lãng mạn Eugève Delacroix về cuộc cách mạng tháng 7/1830, người ta cũng nhìn thấy hai ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà Paris phía sau. Thậm chí một số trò chơi video gần đây cũng đặt Nhà thờ Đức Bà Paris vào vai trò trung tâm.

Hồi sinh từ tro tàn ?

Đối với Công giáo, các thánh tích lưu giữ tại đây là vô giá. May mắn là đã cứu được vòng mão gai của Chúa Giêsu, khi bị quân La Mã đóng đinh trên thập tự giá ; chiếc áo của thánh Louis, và một chiếc đinh trên thánh giá. Tượng con gà bằng đồng đặt chót vót trên tháp nhọn của nhà thờ, ngỡ rằng đã bị nung chảy khi tháp bị sụp đổ, đã tìm lại được trong đống đổ nát hôm qua. Tuy nhiên các thánh tích bên trong của nữ thánh Geneviève và thánh Denis, hai vị thánh bảo hộ Paris, không rõ có còn giữ được hay không.

Trong cảnh hoang tàn hôm nay, liệu có thể hồi sinh Nhà thờ Đức Bà Paris ? Gaël Hamon, người sáng lập Art Graphique & Patrimoine, khi trả lời AFP khẳng định nước Pháp có đủ kỹ năng để phục hồi Nhà thờ Đức Bà như cũ. Các kiến trúc sư, đội ngũ nghệ nhân đẽo đá, làm mái vòm, thợ mộc của Pháp có thể tái tạo các phần đã bị hư hại của thánh đường, bên cạnh đó là sự giúp sức của công nghệ mới. Tuy nhiên các công trình khác có thể bị ảnh hưởng, vì những người thợ tay nghề cao phải tập trung cho Nhà thờ Đức Bà Paris. Dự kiến phải tuyển mộ thêm 100 thợ chế tác đá, 150 thợ mộc và 200 thợ làm mái.

Một câu hỏi khác là có nên phục dựng y như cũ, hay sử dụng các vật liệu bền vững hơn như bê-tông ở thánh đường Reims, kim loại như Chartres hay Saint Denis ? Đây là chủ đề đang được bàn cãi, cũng như thời gian tái thiết được tổng thống Emmanuel Macron đề ra là 5 năm cho kịp với Thế vận hội Paris 2024. Có người cho rằng phải mất 15 đến 20 năm. Nếu đặt ra thời hạn 5 năm – hai năm để dọn dẹp mặt bằng, lập danh sách những hạng mục và chọn đơn vị thi công, và ba năm để tiến hành công việc – thì buộc lòng phải từ bỏ việc phục dựng khung nhà thờ bằng gỗ sồi y như thời xưa.

Một tỉ euro để trùng tu

« Trái tim nước Pháp » bốc cháy, nhưng du khách vẫn tiếp tục tìm đến. Jean-François Rial, giám đốc công ty Voyageurs du Monde nhận xét : « Điểm chung của vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris với các vụ khủng bố năm 2015 là nỗi xúc động to lớn mà sự kiện gây ra. Tuy nhiên điểm khác biệt lớn lao là nếu khủng bố khiến du khách e sợ không dám đến Pháp, thì vụ hỏa hoạn này lại có tác động ngược lại ». Ngay từ buổi tối xảy ra vụ cháy cho đến nay, đông đảo người tìm đến để ngắm nhìn Nhà thờ Đức Bà Paris sau trận hỏa hoạn, để cầu nguyện, tiếc thương cho một di sản mỗi năm có ít nhất 13 triệu người đến tham quan.

Vụ hỏa hoạn xảy ra ngay trong Tuần Thánh khiến người Công giáo bàng hoàng. Hôm nay lẽ ra tất cả các linh mục ở Paris sẽ tề tựu về Nhà thờ Đức Bà để nhận dầu thánh như mọi năm. Nhưng lễ bắt đầu Tuần Thánh phải diễn ra ở nhà thờ Saint Sulpice, Sainte Eustache, và lễ Phục Sinh cũng thế.

Do Nhà thờ Đức Bà Paris được coi là công sản, Nhà nước Pháp chịu trách nhiệm trùng tu, mỗi năm chỉ có thể dành ngân sách eo hẹp là 2 triệu euro cho di tích nổi tiếng này, vì còn nhiều công trình khác phải duy tu. Kiến trúc sư Jean-Michel Wilmotte ước tính chi phí tái thiết Nhà thờ Đức Bà sẽ vượt quá 1 tỉ euro. Những món tiền do các gia tộc giàu có và các công ty tư nhân hứa tặng cho đến hôm nay 17/04/2019 đã lên đến gần 900 triệu euro, chưa kể hiện vật.

Tranh cãi vẫn chưa chấm dứt khi đặt vấn đề coi Nhà thờ Đức Bà là « báu vật quốc gia » để giảm thuế đến 90% đối với những món tiền đóng góp. Trước dư luận, gia đình tỉ phú Pinault sau khi tuyên bố tặng 100 triệu euro đã từ chối việc được giảm thuế. Hôm nay thủ tướng Edouard Philippe loan báo sẽ trình một dự luật mang tên « Nhà thờ Đức Bà » liên quan đến việc giảm thuế cho các đóng góp và khởi động cuộc thi quốc tế để phục chế tháp nhọn của công trình.

Paris không có Nhà thờ Đức Bà ? Đó là điều khó tưởng tượng đối với người dân và đặc biệt là du khách đến với thủ đô nước Pháp. Được UNESCO đưa vào danh sách di sản nhân loại từ năm 1991, Nhà thờ Đức Bà địa điểm được thăm viếng nhiều nhất Paris, hơn cả tháp Eiffel.

Nhất là ở bên kia bờ Đại Tây Dương – người Mỹ rất quen thuộc với hình tượng Quasimodo nhờ ấn tượng sâu sắc từ vở nhạc kịch « Notre Dame de Paris », và có truyền thống hào phóng với các di sản. Món đóng góp đầu tiên của người nước ngoài đến từ Hoa Kỳ : ông Henry Kravis, đồng sáng lập quỹ đầu tư Mỹ KKR và vợ là Marie-Josée Kravis « đau buồn vì vụ hỏa hoạn », đã tặng ngay 10 triệu đô la lúc nghe tin Nhà thờ Đức Bà Paris đang bốc cháy.
viethoaiphuong
#368 Posted : Thursday, April 18, 2019 5:54:44 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thu Hằng - RFI - Thứ Năm, ngày 18 tháng 4 năm 2019

Nhà Thờ Đức Bà Paris lung linh trong câu chuyện Dame de Cœur


Buổi trình diễn âm thanh ánh sáng Dame de Coeur tại Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) ngày 23/10/2018.RFI / Tiếng Việt

Những ngọn đèn trên quảng trường trước Nhà Thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris) vụt tắt. Toàn bộ mặt tiền nhà thờ chìm trong bóng tối. Im lặng. Rồi một giọng nói cất lên. Một, hai, rồi ba đốm sáng vụt lên rồi khuất trong màn đêm trên mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà. Buổi biểu diễn âm thanh và ánh sáng Dame de Cœur bắt đầu như vậy.

Đốm sáng như linh hồn của chàng lính trẻ, mới 18 tuổi, bị thương nặng trong Thế Chiến I (1914-1918) và sắp lìa cõi đời. Trong cơn hấp hối, chàng lính trẻ gặp một nữ y tá và bảo cô kể cho nghe về Nhà Thờ Đức Bà vì anh chưa một lần được đặt chân đến thăm. Notre-Dame de Paris được miêu tả qua những vần thơ, với giọng kể ngọt ngào, truyền cảm và thương cảm cho người lính trẻ xấu số và lãng mạn.

Đối lập với hình ảnh đen trắng về chiến trường khói lửa của Thế Chiến thứ nhất, Nhà Thờ Đức Bà được miêu tả mang mầu nhuộm vàng, vàng như những hạt lúa mì, đẹp nổi bật giữa đảo Cité. Tiếp theo là màn ánh sáng mãn nhãn, xen giữa những câu đối thoại giữa người lính và nữ y tá, quyến rũ theo nhịp kể ngọt ngào về lịch sử và kiến trúc của Nhà Thờ Đức Bà.

Dame de cœur làm nổi bật vẻ đẹp hơn 850 năm của Nhà Thờ Đức Bà

Tiếng chuông nhà thờ ngân vang khi nữ y tá nói bắt đầu nói về kho báu của Nhà Thờ Đức Bà, về cột mốc số 0 (le point Zéro), điểm khởi đầu của 14 quốc lộ Pháp, nằm trên quảng trường, rồi đến tiếng đàn ống (orgue) và dàn hợp xướng.

Tổng cộng 17 bức tranh ánh sáng lộng lẫy lần lượt ôm trọn trên mặt tiền Nhà Thờ Đức Bà. Từng họa tiết trang trí, từng bức tượng bên ngoài nhà thờ được chiếu sáng, hiện lên lung linh trong màn đêm yên tĩnh. Nhà Thờ Đức Bà khoác một mầu áo khác nhau, lộng lẫy qua nhiều sự kiện quan trọng của Paris.

Đến cuối buổi trình diễn là một bầu trời đầy sao và dường như thêm một vì sao, linh hồn của người lính trẻ, vừa bay lên hòa vào cõi vĩnh hằng.

Trong khoảng 20 phút, khán giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau với Dame de Cœur. Đức ông Chauvet, quản lý Nhà thờ Đức Bà, cùng với đội tình nguyện muốn người dân Paris khám phá lại vẻ đẹp hơn 850 năm lịch sử của viên ngọc giữa đảo Cité.

Nhờ tài trợ của một nhà hảo tâm người Mỹ, họ muốn tưởng nhớ đến những người lính Mỹ đã sát cánh chiến đấu với quân đội Pháp trong Thế Chiến thứ nhất, năm 2018 đánh dấu tròn 100 năm. Vì thế, hòa bình là chủ đề chính của buổi chiếu bên ngoài Nhà Thờ Đức Bà. Bên trong, khán giả có thể cảm nhận được vẻ đẹp, nét linh thiêng pha chút huyền bí của nhà thờ trong tiếng đàn ống và ánh sáng phát ra từ 80 đèn chiếu được bài trí một cách tinh vi.

Đây là lần thứ hai, tác phẩm Dame de Cœur được chiếu tại Nhà Thờ Đức Bà. Khoảng 160.000 khán giả đăng ký nhận giấy mời cho 16 xuất diễn trong 8 buổi tối (18-25/10/2018), sẽ được vào bên trong quảng trường trước cửa nhà thờ. Dĩ nhiên, du khách hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng từ xa tác phẩm hòa âm ánh sáng này. Nhưng với ánh sáng của những ngọn đèn và tiếng ồn giao thông, khó có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp và ý nghĩa của câu chuyện về người lính trẻ.

Bruno Seillier, người thổi hồn vào những công trình cổ

Không phải lần đầu tiên Nhà Thờ Đức Bà là nhân vật chính trong những tác phẩm của Bruno Seillier. Tác giả, đạo diễn người Pháp từng nổi tiếng với những buổi hòa âm ánh sáng khác như La Nuit aux Invalides (Paris), 1918 : La naisance d’un monde nouveau (điện Invalides),Les Luminessences d’Avignon (Avignon), Les Ecuyers du Temps (lâu đài Saumur), La Conquête de l’Air (Grand Palais, Paris), Les Chroniques du Mont (tu viện ở Mont-Saint-Michel), La cité des pierres vivantes (Carcassonne)…

Trả lời đài KTO, một kênh truyền hình Công Giáo của Pháp, đạo diễn Bruno Seillier giải thích về niềm đam mê với lịch sử, với các công trình kiến trúc và những sáng tạo của ông bắt nguồn từ niềm đam mê đó :

« Điều mà tôi đặc biệt thích, đó là nâng giá trị của một công trình, một câu chuyện, một cuộc đời, một ngày tháng lịch sử. Hồi còn nhỏ, tôi rất thích những di tích của các thành phố lớn, cũng như ở những thành phố nhỏ bình dị hơn. Niềm đam mê, ngưỡng mộ, tình yêu dành cho những công trình kiến trúc, cho lịch sử, tôi muốn chia sẻ trong các buổi biểu diễn. Vẻ đẹp và truyền tải là những từ chủ đạo trong các tác phẩm của tôi ».

Chính nhờ niềm đam mê với lịch sử và kiến trúc, từ một ý tưởng, một dự án, một địa điểm, một ngày tháng đáng nhớ, đạo diễn Bruno Seillier có thể tư vấn và thiết kế những dự án văn hóa, du lịch có quy mô với độ chính xác cao đến như vậy. Ông giải thích tiếp :

« Thời điểm khám phá đầu tiên, đó là một công trình, một nơi chốn. Tôi cần được tiếp xúc trực tiếp với công trình đó, thường là một mình, để có thể cảm nhận được, để đối thoại được với địa danh đó. Và đó là thời điểm đặc biệt !

Sáng tạo luôn là một quá trình phức tạp. Bắt đầu là giọng nói, rồi những hình ảnh đầu tiên bắt đầu xuất hiện. Lần đầu tiên, chúng tôi cảm thấy áp lực, vì không biết có thành công hay không. Sau đó khi thấy đứa con của mình biết đi, thì gánh nặng giảm đi rất nhiều và tràn đầy niềm vui ».

Tác giả của những buổi trình diễn âm thanh ánh sáng biết chọn những từ ngữ chính xác, giọng nói truyền cảm lột tả hết vẻ đẹp thi vị của mỗi công trình và để người xem như được sống trong câu chuyện :

« Đúng là cần giọng kể vì đó là yếu tố truyền tải đầu tiên. Rồi còn phải kể đến hình ảnh. Dù có vẻ hơi tiêu cực một chút, nhưng khi nói đến những buổi chiếu video hình ảnh quy mô lớn, tôi rất thích nhắc đến cụm từ « cảm giác rạo rực » ở ba cấp độ khác nhau.

Cấp độ thứ nhất hoàn toàn mang tính công nghệ, thị giác. Đây là cú sốc công nghệ, ví dụ khi nhìn thấy bức tường nhúc nhích, biến đổi… đó là điều ngạc nhiên thứ nhất. Cấp độ hai chủ yếu là xúc cảm. Công trình toát ra được hiệu lực cảm xúc. Và cấp độ ba là tinh thần. Người ta như nhìn thấy tâm hồn và chính ở điểm này, những lời kể giúp công chúng hiểu sâu hơn và kích thích họ muốn trở lại lần sau. Vì rất nhiều người nói với tôi rằng, ở buổi chiếu thứ nhất, họ không hiểu hết nội dung. Mỗi người tiếp nhận một cách khác nhau và vì vậy họ cần xem lại ».

Buổi biểu diễn Dame de Cœur hoàn toàn miễn phí vì Đức ông Chauvet muốn « chinh phục lại » người dân Paris, những người thường nản lòng trước đoàn du khách xếp hàng dài để vào thăm Nhà Thờ Đức Bà. Tuy nhiên, khán giả cũng được kêu gọi đóng góp một phần vào chi phí của buổi biểu diễn. Chi phí cho đợt diễn năm 2017 lên đến hơn 100.000 euro.
viethoaiphuong
#369 Posted : Saturday, April 20, 2019 5:19:00 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Hoài Dịu - RFI - Thứ Sáu, ngày 19 tháng 4 năm 2019

Nhà thờ Đức Bà Paris lại kể chuyện tình yêu


Ảnh trích đoạn vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà Paris.
Ảnh chụp từ màn hình Youtube

Mười tám năm sau, thời hoàng kim của Nhà Thờ Đức Bà Paris đã trở lại. Chàng thi sĩ Gringoire tiếp tục kể cho chúng ta nghe về mối tình éo le của nàng du mục Esmeralda xinh đẹp. Vở nhạc kịch Nhà Thờ Đức Bà Paris, dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Victor Hugo, ra mắt công chúng lần đầu tiên vào năm 1998, nay một lần nữa bước lên sân khấu Palais des Congrès đến ngày 08/01/2017.

« Comédie musicale » là một thể loại sân khấu tổng hợp, pha trộn giữa kịch nói, nhạc và múa. Ra đời vào khoảng đầu thế kỉ XX, « comédie musicale » còn gọi là nhạc kịch có nguồn gốc từ ballet và opéra. Vào những năm 1910, loại hình này rất phát triển ở Mỹ và trở thành một hình thức nhạc kịch mới đương đại, mà đặc sắc nhất là những vở comédie musicale Broadway.

Bằng việc gắn kết những giai điệu jazz, blues hay pop vào những lời hát thoại với nội dung khai thác từ văn học, điện ảnh, nhạc kịch-comédie musicale đã khẳng định vị trí độc lập của mình. Tại Pháp, ngay sau khi vở Nhà Thờ Đức Bà Paris được trình làng, thể loại này đã trở thành mốt thời thượng, nhiều tác phẩm nhạc kịch khác ra đời như : Les Ailes de La Lumière, Le Cabaret des Hommes Perdus hay Le Roi Lion…

Ý tưởng phôi thai từ năm 1993, nhưng vở nhạc kịch này thực sự được Luc Plamondon và Richard Cocciante tạc nên hình hài trong vòng ba năm, bắt đầu từ năm 1994 đến năm1996. Lúc thì họ sáng tác cùng nhau trong những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ở Paris, Roma hay Montréal, khi thì mỗi người ở một góc trời riêng đâu đó. Để rồi mỗi lần gặp là mỗi lần diệu kì. Ca từ của Luc và giai điệu của Richard như thể sinh ra để cho nhau, những miếng ghép lồng gọn, vừa in, như trò chơi con trẻ.

Năm 1998, vở diễn được trình chiếu tại 20 quốc gia vòng quanh thế giới và chuyển ngữ sang 9 thứ tiếng. Với hơn 4.000 buổi diễn, Nhà Thờ Đức Bà Paris đã thu hút hơn 10 triệu khán giả trên toàn cầu. Một thành công khá hiếm hoi đối với comédie musicale kiểu Pháp, dưới cái bóng khổng lồ của nhạc kịch Broadway Mỹ. Nói về sự qua mặt này, Luc Plamondon hài hước « Chúng tôi đã diễn ở Luân Đôn trong vòng một năm rưỡi. Chúng tôi đã nhận được nhiều lời bình « chết người » đại loại như : « Những vở nhạc kịch Pháp giống như Napoléon vậy. Tốt hơn hết là nên đứng xem từ xa bằng ống nhòm ở phía bên kia của bờ biển Manche ».

Trong lần tái bản này, những phần cốt yếu của Nhà Thờ Đức Bà Paris vẫn được giữ nguyên như phiên bản năm 1998. Một vài thay đổi nho nhỏ về phục trang và màn múa của Val d’amour, hứa hẹn mang đến cho khán giả một làn gió nhẹ tươi mới hơn.

Tạm biệt các ngôi sao kỳ cựu như Garou, Patrick Fiori và Hélène Ségara. Chỉ còn Daniel Lavoie, người từng thủ vai Frollo, là nghệ sĩ duy nhất ở lại. Giọng hát sâu thẳm của Daniel Lavoie vẫn như ngày nào và nàng Esmeralda rồi lại sẽ « thuộc » về anh. Những tài năng của dàn diễn viên mới như Angelo del Vecchio trong vai Quasimodo, Haba Tawaji trong vai Esmeralda hay Alyzée Lalande trong vai Fleur-de-Lys… ngay từ buổi trình diễn đầu tiên đã làm tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông.

Một trong số ca khúc được coi là đứa con cưng của Nhà Thờ Đức Bà Paris là bản trio (tam ca) trữ tình của ba nhân vật Quasimodo, Frollo và Phoebus có tiêu đề « Belle ». Đây là giây phút mà ba người đàn ông, ở ba địa vị xã hội khác nhau, lần lượt gửi lời yêu thương nồng cháy đến Esmeralda, sau khi nàng bị tuyên án tử hình. Ba trái tim, ba âm sắc khác nhau của giọng hát : là sự trầm đục chân chất của Quasimodo, là vẻ cao nhã mà trang nghiêm của Frollo và cữ giọng rộng thoáng đầy quyết đoán từ Phoebus. Bài hát này đã giành danh hiệu ca khúc hay nhất của năm tại lễ Giải Thưởng Âm Nhạc Pháp năm 1999 và được khán giả TF1 bình chọn là ca khúc của thế kỉ 20.

Đằng sau thành công sáng chói của những lần công diễn đầy ắp tiếng vỗ tay nồng nhiệt ấy, sự trở lại của Nhà Thờ Đức Bà Paris có thể sẽ đứng trước nhiều thách thức. Với một vài điểm yếu chưa được cải thiện, như : phần lớn âm nhạc trong cảnh II của vở nhạc kịch là những khúc hát độc thoại và balade ở tempo chậm, ca từ quá « cơ bản » và có nhiều sự lặp lại, đã khiến người nghe bị chìm đắm khá lâu trong không khí nặng nề, lê thê. Hệ quả là sự nhàm chán, một điều thật khó tránh khỏi.

Liệu cuộc tái ngộ lần này, Nhà Thờ Đức Bà Paris có vượt qua được chính « bức tường » danh hiệu do mình bồi đắp nên cách đây mười tám năm hay không ? Câu trả lời còn bỏ ngỏ, lịch biểu diễn và sân khấu vẫn đang tiếp tục được lấp đầy. Người Paris vẫn thong thả dạo chơi bên bờ sông Seine êm ả nơi Nhà Thờ Đức Bà, ngày ngày soi bóng hình xưa. Tiếng hát thầm thì đâu đó, nhắc về một tình yêu giản dị của chàng gù Quasimodo đối với cô gái du mục : « Hãy để cho tôi, chỉ một lần thôi, được vuốt lên dòng suối tóc của nàng Esméralda xinh đẹp ».

(Tạp chí đăng lần đầu ngày 10/12/2016)

viethoaiphuong
#370 Posted : Saturday, April 20, 2019 5:53:06 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nhà Thờ Đức Bà Paris cháy: Sững sờ… và chiêm nghiệm


Ngôi thánh đường của nước Pháp nhìn từ mặt tiền ngày 15/04/2019.
B.MOSER©BSPP via REUTERS

Trọng Thành - RFI - ngày 20-04-2019
Notre-Dame de Paris lâm nạn. Từ sững sờ đến chiêm nghiệm : Sau thảm họa bất ngờ, truyền thông đồng loạt nói đến những giá trị của công trình độc nhất vô nhị này. Nhiều bài học lịch sử được nhắc lại, nhiều suy ngẫm được rút ra. Tuần báo L’Obschạy tựa trang bìa : « Nhà Thờ Đức Bà, chuyện ngày xửa ngày xưa. Từ huy hoàng đến thảm kịch ». Courrier International với tựa đề « Notre-Dame, thánh đường của nhân loại », dẫn nhiều phản ứng từ báo chí nước ngoài. Le Point nói về « Notre-Dame, 9 thế kỷ tình yêu».

Sững sờ…

Báo Đức Suddeutsche Zeitung ghi nhận « Nước Pháp bị đâm trúng tim ». Báo Ba Lan Gazeta Wyborcza so sánh hỏa hoạn với vụ khủng bố tháng 11/2015 nhắm vào nhà hát Bataclan, Paris, khiến 137 người chết. Trong vụ cháy kinh hoàng này, không có nạn nhân nào, nhưng theo Gazeta Wyborcza, một cú sốc tương tự hiện rõ trên gương mặt người dân Paris, đau đớn trước một tổn thất lớn lao. Triết gia Đức Peter Sloterdijk trên Le Point hay xã luận cũng của báo này thậm chí so thảm họa với vụ khủng bố tháp đôi New York 11/09.

Tuần báo Le Point thốt lên : « con gái đầu lòng của Giáo Hội Công Giáo bị đánh đúng vào nơi linh thiêng nhất ». Bởi, Nhà Thờ Đức Bà là « trái tim Thiên Chúa của nước Pháp ». Notre-Dame, chứng nhân của những thời khắc vinh quang và đau đớn. Vào mỗi ngày Chủ Nhật, tiếp theo một thảm kịch quốc gia, chính tại Notre-Dame, mọi người thường tề tựu tham gia thánh lễ tưởng nhớ các nạn nhân. Nhưng lần này, nạn nhân lại chính là Notre-Dame, là đức tin của người Thiên Chúa.

Le Point trong bài « Một cuốn sách kỳ diệu về lịch sử nước Pháp » cho biết ngôi thánh đường khổng lồ trong suốt 850 năm tồn tại, đã từng nhiều lần thoát khỏi họa tiêu vong qua những biến động lớn, từ các cuộc chiến tranh tôn giáo, thời Đại Cách mạng cuối thế kỷ XVIII, Cách mạng 1831, Thế chiến thứ nhất, rồi Thế chiến Hai… Điều gây sững sỡ là thảm họa lại xảy ra trong một xã hội được coi là bình an như hiện nay, công nghệ hùng hậu như hiện nay.


Xã luận Courrier International với tựa đề « Một di sản chung » ghi nhận : từ Thượng Hải, Mêhicô, Luân Đôn, hay Montréal…, hầu như ai cũng biết đến Nhà Thờ Đức Bà Paris, qua những đồ lưu niệm nho nhỏ, một bức hình, hay nhân vật chàng gù Quasimodo của Victor Hugo, khảm sâu trong tâm tưởng người xem phim hoạt hình Disney.... Nhà Thờ Đức Bà không phải của riêng 2,2 triệu người Paris, hay 67 triệu người Pháp, mà là di sản chung của 7 tỉ rưỡi cư dân Trái đất.

Nhưng giờ đây, chuông Notre-Dame bặt tiếng. Mọi người chợt nhận ra : các thánh đường vĩ đại tưởng như vĩnh cửu, cũng giống như các nền văn minh, « đều theo lẽ có sinh, có tử ».

… chợt ngộ ra

Nhưng có một nghịch lý đã xảy ra : cùng với tai họa kinh hoàng, mọi người đột ngột nhận ra những giá trị phi thường của ngôi thánh đường. Như nhận định của nhà nghiên cứu về thời Trung Cổ, viện sĩ hàn lâm Michel Zink, trong bài trả lời phỏng vấn của Le Point, với tựa đề « Zink : Quel soulagement déchirant ! » (tạm dịch là : « Zink : Thở phào trong đau xót ! ) : « Làn sóng cảm thông, chia sẻ và đóng góp hào phóng mà thảm họa tối thứ Hai dấy lên tại nước Pháp và trên thế giới là một bằng chứng cho thấy Notre-Dame / Đức Bà vẫn sống ».

Notre-Dame không chỉ là linh hồn của nước Pháp, mà còn là của cả châu Âu. ABC, tờ báo Tây Ban Nha nhận xét : Ít có công trình kiến trúc nào tiêu biểu đến như vậy cho lịch sử châu Âu, không phải ngẫu nhiên đây là công trình được thăm viếng nhiều nhất ở Liên Hiệp Châu Âu (với 13 triệu du khách hàng năm). Vụ hỏa hoạn là một bi kịch đối với tất cả mọi người, nhưng cũng có thể chính là một cơ hội để đo lường « giá trị biểu tượng » của công trình này.

Báo Anh The Guardian nhắc lại những gắn bó lịch sử Anh - Pháp thời trung cổ qua ngôi đền thờ. Notre-Dame là nơi vua Anh Henri VI được phong làm người đứng đầu nước Pháp hồi thế kỉ XV, nơi vua Pháp François đệ nhất làm lễ thành hôn với Marie Stuart, hoàng hậu tương lai xứ Scotland… Tuy nhiên, điều đáng nói nhất theo The Guardian là, công trình trung cổ này đáng được coi là « một hiện thân cho nền văn minh châu Âu trong một thời gian dài », về vẻ đẹp của tượng, của tranh, của âm nhạc và nhiều sưu tập.

Hồn Gothic với tinh thần Khai Sáng

Báo Ba Lan Gazeta Wyborcza chỉ ra tính chất độc nhất vô nhị của Notre-Dame, như một công trình mang tính « nối kết » lịch sử, gắn liền châu Âu hiện đại với châu Âu thời Trung Cổ.

Vương cung thánh đường của nước Pháp sở dĩ có được hình hài như ngày nay chính là nhờ can thiệp phi thường của văn hào Victor Hugo. Tác phẩm « Nhà Thờ Đức Bà Paris » ra đời năm 1831 là một đóng góp quyết định cho sự phục sinh của ngôi thánh đường thời Trung Cổ, vốn bị khinh rẻ trong suốt giai đoạn Phục Hưng và thế kỷ Khai sáng, tiền Cách mạng, sau đó.

Bài « Cái đích đầy cuốn hút » của L’Obs chú ý đến giai đoạn đứt gẫy văn hóa đặc biệt này của châu Âu, mà nước Pháp chính là một ví dụ tiêu biểu.

Đầu thế kỷ XIX, các thánh đường Thiên Chúa Giáo lâm vào tình trạng hoang phế. Kiến trúc gothic bị đánh giá là « hỗn độn », « quá mong manh », hay « trang trí thừa thãi »… Nghệ thuật thời Trung Cổ nhìn chung có xu hướng bị vứt vào sọt rác của lịch sử, bị gắn nhãn mê tín, phong kiến, hay kém thẩm mỹ. Kiến trúc La Mã và Hy Lạp, theo phong cách Corinth, với các cột trụ và trán tường vuông vức từng được coi là mẫu mực trong suốt ba thế kỷ.

Theo L’Obs, « các nhà Khai Sáng đã đánh mất chiếc chìa khóa » cho phép họ nhận ra vẻ đẹp của các di sản văn hóa cổ xưa đó. Thế hệ các nghệ sĩ lãng mạn đầu thế kỷ XIX đã tuyên chiến chống lại trào lưu thống trị này.

Victor Hugo là người tiên phong. Tiểu thuyết « Nhà Thờ Đức Bà Paris » đã tạo nên một mặt trận thống nhất, quy tụ hai nhóm xã hội lớn : những người theo quan điểm tự do và những người chủ trương phục hưng đức tin Công Giáo. Kết quả là : Ủy ban Quốc gia về các Công trình Lịch sử ra đời, nhiều nguồn vốn quan trọng được huy động.

Kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc đã nỗ lực khôi phục và cải biến Nhà Thờ Đức Bà với khát vọng thầm kín. Hòa trộn tâm hồn gothic, phóng khoáng và huyền bí, với tinh thần duy lý của kỷ nguyên Khai Sáng. Nhiều ý tưởng nghệ thuật của Victor Hugo được dùng làm kim chỉ nam.

Tâm thức nào bừng dậy ? Rung động nào lan tỏa ?

Vẫn bài « Nước Pháp bị đâm trúng tim » trên báo Đức Suddeutsche Zeitung nhận xét : « Notre-Dame – công trình kiến trúc mà nghệ thuật và lịch sử phương Tây hóa thân trong từng viên đá – chính là trái tim của một dân tộc từng được hình thành với hai hạt nhân, nền quân chủ và Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng Nhà Thờ Đức Bà cũng là một phần quan trọng trong cuộc sống của những người Pháp vô thần, hay những người không theo đạo. Công trình được coi là biểu tượng cho phong cách nghệ thuật vừa uy nghi, đường bệ, nhưng cũng vừa tinh tế và thanh lịch kiểu Pháp… biểu tượng của lòng hiếu khách và sự tỏa sáng của nước Pháp ra thế giới ».

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Le Point, triết gia Đức Peter Sloterdijk trở lại với Victor Hugo. Để giúp công chúng hiểu hơn những giá trị kỳ lạ của ngôi đền, từng hồi sinh sau nhiều lần bị phế bỏ, rồi phục dựng. Với đại văn hào Pháp, ngôi đền thờ thuộc loại cổ xưa nhất Paris này chẳng khác gì « một thứ quái vật » đầu Ngô, mình Sở. Nhưng nhà phân tâm học Freud từng chỉ rõ : tâm hồn con người cũng sâu xa và chất chứa, như những trầm tích (khảo cổ) được bảo tồn trong lòng đất. Cái kiến trúc « cổ sơ, hỗn tạp » đầu Ngô, mình Sở ấy lại chính là một không gian văn hóa đặc biệt, nơi lưu giữ những trầm tích lộ thiên.

Triết gia Đức đặt câu hỏi : Vào thời điểm ngọn tháp Mũi Tên của Notre-Dame bốc cháy, rồi gục xuống, những gì sâu thẳm trong lòng người bị đánh thức? Khi Nhà Thờ Đức Bà lâm nạn - không gian văn hóa ấy tan nát - Cung Thánh đổ vỡ, những rung động nào tỏa ra thế giới ?

« Bình an mầu nhiệm »

Trên Le Point, viện sĩ Michel Zink đưa công chúng trở về với thời khởi thủy, với giám mục Maurice de Sully, người khởi công Nhà Thờ Đức Bà năm 1163. Ít người biết cũng chính vị giám mục này đã để lại một « tác phẩm đồ sộ » khác : các bài thuyết giảng ngày Chủ Nhật hàng tuần cho đại chúng bằng tiếng Latinh. Ngay lập tức được dịch sang tiếng Pháp, những lời giảng ấy vẫn tiếp tục vang lên trong các thánh đường cho đến tận thế kỷ XIX.

« Bình an mầu nhiệm » là cảm nhận của nhà báo Stefan Hrib, trên tờ Tyzden của Slovakia. Đối với người phóng viên này, Notre-Dame de Paris là biểu tượng cho « lòng từbi ». Theo ông, «… lịch sử như một vở kịch không hồi kết… với những điều tuyệt vời… với những thảm kịch… tình yêu… hận thù… Giáo Hội khi thịnh, lúc suy, khi yêu thương, lúc kiêu ngạo… những người đối lập khi cao thượng, lúc tàn ác… ». Nhưng tại đây, trên hết, mãi mãi là « bình an huyền nhiệm ». Trong không gian đẹp vô cùng này, mỗi người như được mời gọi : hãy khiêm nhường. Nhà Thờ Đức Bà bốc cháy, nhưng những điều tốt đẹp nhất ở chốn này chẳng thể biến thành tro bụi.

Thiếu tiền bảo trì : Nguyên nhân chính của thảm họa ?

Khơi dậy những giá trị lịch sử, nghệ thuật, xã hội của báu vật bị tổn thương, báo chí cũng bắt đầu tìm cách lý giải các nguyên nhân dẫn đến thảm họa. Le Point, với bài « Notre-Dame : Báu vật quốc gia bị coi nhẹ từ quá lâu », cho biết để phục chế Nhà Thờ Đức Bà, trong tình trạng ngày càng xuống cấp, cần khoảng 150 triệu euro trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, Nhà nước chỉ chấp nhận bỏ ra 2 triệu/năm. Theo một thỏa thuận với chính quyền mới đây, cứ một euro của mạnh thường quân, Nhà nước sẽ góp thêm một euro. Tốc độ huy động đầu tư rốt cục quá trễ. Không chỉ Nhà Thờ Đức Bà Paris xuống cấp, mà nhiều công trình văn hóa, lịch sử khác trên khắp đất nước cũng cần được trùng tu.

Về phần mình, trong khi chờ đợi kết quả điều tra của Công Tố Paris, L’Obs có bài « Đáng lẽ có thể tránh được điều này ! » thuật lại cuộc tranh luận xung quanh vấn đề những ai phải chịu trách nhiệm về thảm họa. L’Obs dành lời cho ông Didier Rykner. Nhà sáng lập « Tribune de l’art » cực lực lên án tình trạng các công trình phục chế nhìn chung không tuân thủ các quy tắc an toàn.

Báo Ý Repubblica, được Courrier International dẫn lại, trực diện buộc tội : « Nhà nước Pháp là thủ phạm của sự lơ là ». Repubblica tố cáo chính quyền thu được gần 4 triệu euro/năm, nhờ bán vé cho du khách thăm tháp, nhưng chỉ rót một nửa số tiền này cho Nhà Thờ. Trong khi đó, ban quản lý Nhà Thờ cương quyết không buộc du khách thăm thánh đường phải mua vé, chỉ nhận quyên góp tình nguyện. Theo Repubblica, chính Nhà nước phải chịu trách nhiệm về tình trạng Notre-Dame de Paris, cũng như việc nhiều nhà thờ khác bị bỏ rơi, bởi Nhà nước là chủ sở hữu, theo Đạo Luật phân ly Giáo Hội với Nhà nước năm 1905. Tóm lại, trong việc « quản lý các di sản tôn giáo, ở quê hương của các nhà Khai sáng và Thể chế thế tục (Laïcité), có nhiều điều phải được xem lại ! ».

Tái thiết : Cơ hội đoàn kết

Trên hầu hết các tuần báo lần này, độc giả liên tục chứng kiến những kêu gọi tái thiết nhanh chóng. Về góc độ kỹ thuật, Courrier International nhấn mạnh đến một đóng góp có thể sẽ rất quan trọng của nhà sử học Mỹ Andrew Tallon và đồng nghiệp Stephen Murray. Trước khi qua đời, Andrew Tallon – được coi là người hiểu rõ nhất về kiến trúc Notre-Dame de Paris - đã để lại cho hậu thế các bản chụp chi tiết bằng laser. Toàn bộ mọi ngóc ngách của kiệt tác, với khoảng một tỉ điểm chụp, từ nền móng cho đến đỉnh tháp, chỉ với sai số 5 mm. Với các dữ liệu này, Nhà Thờ Đức Bà hoàn toàn có thể được dựng lại giống hệt như trước.

Nhưng tái thiết Notre-Dame không đơn giản chỉ là khôi phục một công trình kiến trúc. Theo báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, tái thiết cũng chính là để « châu Âu nối lại với những cội rễ của mình ». « Một nước Pháp đa văn hóa - với những người thế tục, những người theo đạo Hồi - cùng nhau đoàn kết xây dựng lại thánh đường Công Giáo, di sản của toàn dân tộc, của nền văn minh chung. Đó là một bài học rất đáng để suy ngẫm ».

Lửa « Đức Bà » thổi bạt lửa Fouquet’s ?

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà Thờ Đức Bà Paris xảy ra trong một thời điểm hết sức đặc biệt. Với L’Obs, trong bài viết trang nhất với tựa đề « Đức Bà ấy là của chúng ta », dường như trong cái rủi, có cái may.

Vụ hỏa hoạn bất ngờ đặt trở lại cái tâm linh – tôn giáo và những giá trị nghìn năm của Notre-Dame vào tâm điểm của công luận. « Ngày 16 tháng Ba, trong tiếng la ó của ‘‘nhiều người Áo Vàng’’, mặt tiền của tiệm ăn nổi tiếng Fouquet’s trên đại lộ Elysée bị phóng hỏa. Ngọn lửa - mà chính quyền rất mong dập tắt - ấy, ít nhất có thể cũng tạm thời bị thổi bạt bởi ngọn lửa đánh chặn (contre-feu) khủng khiếp Notre-Dame ».

Trong bài trả lời phỏng vấn Le Point mang tựa đề « Đây là tín hiệu ! », triết gia Đức Peter Sloterdijk cũng liên hệ giữa hai đám cháy : ở tiệm ăn Fouquet’s và ở Notre-Dame de Paris để nói về tình thế nghiêm trọng hiện tại ở nước Pháp. « Đốt cháy Fouquet’s là một chuyện, nhưng nhìn thấy Nhà Thờ Đức Bà cháy có thể khiến người ta phải thay đổi quan điểm ». Peter Sloterdijk cho rằng một bài học có thể rút ra từ đây : phải chăng tai nạn này là một « tín hiệu », một cơ hội cho phép người Pháp hướng đến một sự đoàn kế tmới với chất lượng khác trước? Phải chăng chính trong bối cảnh này, đông đảo dân chúng có thể tập hợp xung quanh tổng thống, « rời bỏ những lập trường tiêu cực cố hữu, và hiểu rằng chừng nào Notre-Dame chưa được dựng lại, chừng đó các đấu tranh xã hội cần phải tạm lắng.Tính toàn vẹn về mặt biểu tượng của cả một dân tộc là điều rất cần được trân trọng ».

Thánh đường cháy, « mô hình xã hội » bị đe dọa

Cũng trong hướng chiêm nghiệm này, Courrier International giới thiệu một bài viết của báo Mỹ New York Times, với tựa đề « Mặt trận mới của Macron ». Nhà báo Michael Kimmelman nhìn thấy sự « tương đồng đầy ấn tượng », giữa vụ hỏa hoạn kinh hoàng Notre-Dame với phong trào xã hội « Áo Vàng » kéo dài từ nhiều tháng nay.

Theo tác giả, phong trào này sở dĩ đã bùng lên, do đông đảo người dân lo sợ « mô hình xã hội », hệ thống an sinh xã hội, vốn là niềm tự hào của người Pháp từ nhiều thế hệ nay, có nguy cơ « tan thành mây khói ». Trong vụ hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà, không có ai là nạn nhân, nhưng nhà báo Mỹ cũng so sánh với vụ hỏa hoạn khu chung cư xã hội Grenfell (Luân Đôn) năm 2017, khiến gần 100 người chết, vụ sập cầu Genova (nước Ý) năm 2018, hay vụ Thư viện Quốc gia Brazil bị thần lửa thiêu trụi cũng hồi năm ngoái, để nhấn mạnh đến nguy cơ bất bình đẳng gia tăng, tư nhân hóa mù quáng…

New York Times ghi nhận nước Pháp đang trong giai đoạn tìm đường sáng tạo mới. Với độ lùi thời gian, cuộc phản kháng Áo Vàng sẽ chỉ là một giai đoạn trên con đường tiến hóa của một đất nước từng vượt qua bao thách thức. Mỗi lần đều biết cách tái sinh trong vinh quang. Thánh đường của nước Pháp cũng vậy !

Hỏa hoạn Notre-Dame, vận mệnh Giáo Hội

Xã luận của Le Point thì đặt câu hỏi : « Vụ hỏa hoạn bùng lên đúng vào giữa Tuần Thánh (một thời điểm hệ trọng với người Công Giáo – người viết) và đúng vào lúc chỉ hơn một giờ trước phát biểu dự kiến của tổng thống Macron (với toàn thể nhân dân, để trình bày một số giải pháp sau ba tháng Thảo luận toàn quốc – người viết). Liệu có thể coi là một chuyện tình cờ ? ».

Le Point tin tưởng là với tư cách một công trình kiến trúc, Nhà Thờ Đức Bà « sẽ lại tái sinh » như trong suốt những thăng trầm nhiều thế kỷ. Thế nhưng, về mặt biểu tượng, liệu có thể nào không nhìn thấy mối liên hệ giữa thảm họa này với « một thế giới đang rơi vào thời kỳ suy sụp » ? Sau hai ngàn năm tồn tại, phải chăng đã đến lúc Thiên Chúa Giáo bước vào thời kỳ « thoái trào không thể cứu vãn », với xu thế giải ảo thượng phong ở phương Tây, với những bê bối tình dục của một bộ phận giới tăng lữ, đang trên đường chấp nhận đầu hàng nhục nhã.

Cũng chính trong bối cảnh này, bài xã luận « Notre-Dame, ngôi thánh đường bất khuất » nhắc đến hàng loạt xuất bản trong những ngày gần đây liên quan đến Giáo Hội, đòi dân chủ hóa, minh bạch, trở về những giá trị tâm linh nguyên thủy…, của sơ Véronique Margron, nhà thần học dòng Đa Minh (« Un moment de vérité »), của nhà văn, nhà báo Jean-Pierre Denis (« Un catholique s’est échappé ») hay của nữ văn sĩ Christiane Rancé (« Dictionnaire amoureux des saints »).

Le Point đặc biệt khuyên nên khẩn cấp đọc cuốn « Un catholique s’est échappé ». Tác phẩm của Jean-Pierre Denis nhắc đến văn hào Bernanos với cuốn « Scandale de la vérité » (ra đời năm 1939). Trong tác phẩm vừa ra mắt, Jean-Pierre Denis nói đến tình trạng gần như « chết não » của Giáo Hội hiện nay. Le Point nhắn nhủ : Hãy đọc sách này trong tư thế của Nhà Thờ Đức Bà, « luôn tái sinh sau mọi phong ba, bình thản và chính trực ».


viethoaiphuong
#371 Posted : Sunday, April 21, 2019 3:57:01 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Nhà thờ Đức Bà Paris, chụp từ trên không = drone, thứ Ba 16/4/2019
(sau trận hoả hoạn kinh hoàng chiều tối 15/4/2019)

Xây lại nhà thờ Đức Bà Paris : Một bài toán khó?

Minh Anh - RFI - Thứ Bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2019
Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/04/2019 bị « bốc hỏa ». Toàn bộ mái nhà và tháp nhọn mang tên nhà kiến trúc Viollet-le-Duc bị thiêu rụi và sập đổ. Trong những giây phút tràn đầy xúc động, tổng thống Pháp tuyên bố cho xây lại tòa thánh đường nổi tiếng nhất thế giới này trong vòng năm năm. Một bài toán khó ?

Phải mất đến 200 năm để hoàn thành và trải qua nhiều biến động và thăng trầm lịch sử đất nước, nhưng hơn 850 năm ngôi thánh đường nổi tiếng nhất hành tinh này đã trụ vững với thời gian. Vậy mà ngày ngày 15/04/2019, chỉ vì một sự cố có phải do « bất cẩn » hay không hiện các chuyên gia vẫn đang điều tra đã thiêu rụi toàn bộ phần mái của tòa nhà.

Bà Odile Pinard, sử gia và hướng dẫn viên tình nguyện tại nhà thờ Đức Bà, trên kênh truyền hình France 24, đau xót cho rằng một phần lớn lịch sử nước Pháp đã bị bốc theo khói bụi:

« Toàn bộ cột kèo và xà nhà có từ thế kỷ XIII được làm bằng các loại gỗ có tuổi đời còn xưa hơn bởi vì vào thời kỳ đó người ta đã biết cách xử lý và dùng các loại gỗ được sấy rất kỹ. Người ta có thể hình dung cả một rừng cây ngàn năm tuổi đã bị biến mất. Người ta gọi là « rừng xà » vì người xưa phải dùng đến rất nhiều cây để thiết kế, do vậy người ta có cảm giác như đang đi vào rừng khi lên xem tầng áp mái ».

Tháp nhọn Viollet-le-Duc : Tân thời hay Cổ điển ?

Giọt lệ chưa kịp ráo, tranh cãi đã nổ ra. Khi hình ảnh chiếc tháp nhọn Viollet Le Duc bốc cháy rồi đổ sụp khiến những ai chứng kiến cảnh tượng không khỏi đau lòng. Những hình ảnh đó thúc đẩy ý tưởng phải dựng lại tháp nhọn.

Bởi vì, theo ông Jean-Marie Henriquet, 76 tuổi và cháu 3 đời của kiến trúc sư chiếc tháp nhọn Viollet-le-Duc, đây chính là một trong những điểm độc đáo mang lại dáng vẻ hiện đại của nhà thờ Đức Bà Paris vào thời ấy. « Ngọn tháp này, cao 93m được dựng lên nhằm làm giảm nhẹ cảm giác nặng nề sừng sững từ hai tháp chính khi nhìn trực diện nhà thờ Đức Bà. Còn nếu nhìn từ bên hông và phía sau nhà thờ, người ta có cảm giác như có một cái gì đó vươn cao hơn và tháp nhọn này góp phần làm cho tòa nhà nhẹ nhàng và thanh thoát hơn ».

Tháp nhọn được dựng lên vào năm 1860 để thay thế chiếc tháp đầu tiên có từ năm 1250 đã bị hư hỏng nặng. Bao bọc quanh tháp là các bức tượng 12 vị tông đồ. Điểm nổi bật đáng chú ý là trong số các bức tượng xung quanh tháp, bức tượng ông Saint-Thomas lại có những đường nét của Viollet-le-Duc, đang ngước mắt nhìn chóp ngọn tháp. Một hình thức để lại dấu ấn riêng độc đáo của nhà kiến trúc. Một niềm tự hào cho hậu thế của Viollet-le-Duc.

Giờ đây, ngọn tháp kiêu hãnh đã bị biến mất dưới ngọn lửa « hung dữ ». Việc tái thiết là lẽ tất nhiên. Nhưng với hình dạng như thế nào, theo nguyên mẫu hay là phóng tác như chính bản thân ông Viollet-le-Duc đã từng làm với chiếc tháp đầu tiên ? Đây chính là một trong những điểm tranh luận lớn giữa một bên là theo trường phái cổ điển và bên kia là hiện đại.

Do vậy, vẫn theo ông Jean-Marie Henriquet, « (…) nếu không dựng lại chiếc tháp nhọn này, bất kể là kiểu hiện đại hay là của thế kỷ XVIII, việc không dựng lại chiếc tháp này chẳng khác gì làm mất đi một yếu tố của nhà thờ. Do vậy, cần phải làm chiếc tháp này và nó phải là một tuyệt tác nghệ thuật ».

« Rừng » kèo nhà : Gỗ, Thép hay Bê-tông ?

Một cuộc tranh luận khác cũng không kém phần gay gắt : Bộ khung xà nhà bị cháy, nếu làm lại sẽ phải được làm bằng vật liệu gì : Gỗ, Bê-tông hay là Thép ? Để có được khu « rừng » xà nhà có một không hai, cách đây hơn 8 thế kỷ, người xưa đã phải dùng đến 1300 cây sồi có tuổi đời từ hơn trăm năm tuổi, tương đương với « ít nhất 3000m3 gỗ ». Để có thể tái hiện lại « khu rừng năm xưa » này, các nhà thiết kế cũng phải dùng đến ngần ấy cây sồi trăm tuổi, được trồng trễ nhất là vào thế kỷ XIX và về mặt kỹ thuật, không dễ gì thực hiện do quy mô và trọng lượng của cả khu rừng.

Ở đây có một câu hỏi mà ông Félix Bulcourt, giám đốc trường đào tạo thiết kế mẫu ENS ở Paris, rất đam mê kiến trúc nhà thờ Đức Bà, nêu lên với France 24 :

« Việc sử dụng các nguyên vật liệu và kỹ thuật cũ xưa có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn là dựa vào các phương pháp hiện đại. Vấn đề chính ở đây nên biết đến để bảo vệ toàn bộ khu di tích, liệu người ta có thể chấp nhận gìn giữ một nhà thờ nằm ngay giữa lòng Paris mà không thể đón khách trong nhiều năm liền hay không ? »

Nhưng cũng không có gì bảo đảm là cấu trúc mái nhà thờ sẽ phải được « sao y bản chính ». Bị phá hủy năm 1914, bộ khung xà nhà thờ Đức Bà Reims được tái thiết lại bằng bê-tông gia cố sau 20 năm thi công. Nhà thờ Đức Bà Chartes bị hỏa hoạn năm 1836, cột kèo nhà bị thiêu rụi và được xây lại hai năm sau đó bằng thép và mái nhà lợp đồng. Gần đây nhất là tại Anh Quốc, khung xà tòa nhà Nghị Viện xây từ thế kỷ XVII cũng được làm lại bằng thép sau một trận hỏa hoạn năm 1994. Tất cả đều bị thay đổi so với cấu trúc ban đầu nhưng không vì thế mà làm mất đi dáng vẻ lộng lẫy, uy nghiêm và nét thời gian của những tòa nhà cổ kính đó.

Thời gian tu sửa : Năm, mười hay hai mươi năm ?

Thách thức cuối cùng cho công trình « thế kỷ » này chính là vấn đề thời gian. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngay hôm sau ngày xảy ra thảm họa tuyên bố muốn xây lại nhà thờ Đức Bà chỉ trong vòng 5 năm. Mục đích cũng là để kịp đón Thế Vận Hội Mùa Hè năm 2024. Liệu thời hạn nêu lên đó có khả thi hay không ?

Về điểm này, bà Catherine Tricot, kiến trúc sư và quản lý nhà xuất bản Les Editions Regards, trước khi có tuyên bố của tổng thống Pháp, trên đài RFI có lưu ý rằng còn quá sớm để có thể xác định thời gian để thực hiện do vẫn còn chưa biết rõ tầm mức thiệt hại.

« Chúng ta còn chưa biết chắc là tòa nhà có còn trụ được hay không, bởi vì khu nhà thờ này vừa trải qua một đợt thử thách quá lớn, nghĩa là chịu sức nóng, các cú sốc rồi sau đó là một lượng nước quá lớn. Các tảng đá xây gần như chạm đến ngưỡng sức chịu đựng, vì thế tòa nhà cũng tương đối yếu hơn. Chúng ta hoàn toàn chưa thể biết được sự tàn phá đã đến mức độ nào. Do vậy, còn quá sớm để mà nói đến ».

Một quan điểm cũng được nhiều nhà thiết kế đồng chia sẻ. Chỉ riêng khâu kiểm tra độ an toàn cũng đã mất hết nhiều tháng và ít nhất là 17 tháng để hoàn tất việc chẩn đoán với điều kiện « có đủ nhân lực » để tiến hành. Do vậy, theo ước tính của nhiều chủ doanh nghiệp chuyên về hồi phục các công trình lịch sử thì thời gian ít nhất để tu sửa và tái thiết nhà thờ Đức Bà Paris là từ 10-15 năm.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng thời hạn này cũng có thể thực hiện với điều kiện « phải có một sự chọn lựa đúng đắn về mặt công nghệ » như giải thích của kiến trúc sư Jean-Michel Wilmotte trên đài France Inter. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc công tác trùng tu sẽ phải sử dụng các loại nguyên vật liệu tổng hợp. Và đây cũng chính là phần tranh cãi chính giữa các chuyên gia như nêu ở trên.

Nhà thờ Đức Bà Paris và Vatican: Một mối quan hệ lịch sử

Giờ tạm gác lại một bên các cuộc tranh cãi để nhìn lại một góc lịch sử khác của nhà thờ Đức Bà Paris. Tòa thánh này không chỉ là một công trình mang đậm dấu ấn lịch sử kiến trúc, lịch sử nước Pháp mà còn là nơi có một mối quan hệ đặc biệt với các đời giáo hoàng từ ngàn xưa. Thông tín viên Eric Senanque từ Roma tường thuật :

« Chính vị giáo hoàng Alexandre III là người đã đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ Đức Bà năm 1163, theo lời mời của giám mục thành Paris, Maurice de Sully. Trong những thế kỷ gần đây, nhiều vị giáo hoàng cũng đã đến thăm nhà thờ này. Chính tại thánh đường này ngài Piô VII (đọc là đệ thất) vào ngày 02/12/1804 đã làm chủ lễ đăng quang tôn giáo cho Napoleon.

Gần đây nhất, giáo hoàng Phao Lô II đã chủ trì một lễ cầu nguyện nhân chuyến thăm Paris năm 1980. Ngài phát biểu « Nơi đây, chúng ta thấy được thiên tài của nước Pháp. Một công trình nguy nga, một báu vật của nghệ thuật gôtic, kính dâng đức Mẹ của Chúa Trời ». Giáo hoàng Phao Lô II đã quay lại thăm nhà thờ Đức Bà lần thứ hai vào năm 1997. Tại đây, ngài đã tuyên phúc cho Frederic Ozanam, một trong những gương mặt công giáo xã hội của Pháp.

Chuyến thăm cuối cùng của một giáo hoàng là ngày 12/09/2008 : Giáo hoàng Benedicto XVI đã có một buổi lễ đọc kinh chiều tối với sự tham gia của 3000 vị linh mục, trợ tế, nam và nữ tu. Vị giáo hoàng người Đức này nhắc nhở : « Chúng ta ở đây tại nhà thờ chính giáo phận Paris, nhà thờ Đức Bà Paris, được dựng lên ngay giữa lòng thành phố như là một tín hiệu sinh động cho sự hiện diện của đấng Chúa Trời giữa dòng người ». Giáo hoàng Benedicto đã kính viếng thánh tích vòng gai của đức chúa Giêsu. »

Vẫn theo thông tín viên Eric Senanque, giữa Tòa thánh Vatican và nhà thờ Đức Bà Paris luôn có một mối quan hệ gần gũi rất đặc biệt. Ví dụ, khu khuôn viên phía ngoài nhà thờ mang tên Gioan XXIII, vốn dĩ chưa bao giờ đến thăm thánh đường với tư cách là giáo hoàng, nhưng thường xuyên đến đây khi ông còn là sứ thần tòa thánh ở Paris. Cũng tại khuôn viên này người ta còn đặt tượng giáo hoàng Phao Lô II.

Thánh đường này còn giúp cho các tín đồ Paris theo dõi cuộc bầu chọn giáo hoàng mới. Năm 2013 chẳng hạn, hàng trăm tín đồ đã có mặt ngay khi làn khói trắng bay lên trên nóc nhà nguyện Sistina tại Roma và tham gia buổi cầu nguyện được tổ chức để chào mừng ông Jorge Maria Bergoglio đắc cử giáo hoàng hiện nay.

Một cách mầu nhiệm hơn, ngay dưới chân nhà thờ Đức Bà Paris, bức tượng sáp giáo hoàng Phanxicô đã được khánh thành vào tháng 04/2015 trước khi được đưa về bảo tàng Grévin.

viethoaiphuong
#372 Posted : Tuesday, April 23, 2019 2:50:16 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Northern Lights over the Murmansk region in Russia
by Valentin Zhiganov

viethoaiphuong
#373 Posted : Wednesday, April 24, 2019 2:58:45 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Venice - Italia


viethoaiphuong
#374 Posted : Wednesday, April 24, 2019 11:16:54 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Toàn tập nhạc phim Chaplin nhân 130 năm ngày sinh

Tuấn Thảo - RFI - ngày 23-04-2019
Bốn năm sau ngày phát hành bộ đĩa Blu Ray gồm 11 bộ phim truyện của Chaplin (The Charlie Chaplin Collection), nay đến lượt bộ Toàn tập nhạc phim Chaplin được xuất bản. Tập hợp các bài hát chủ đề và nhạc phim nổi tiếng nhất, bộ đĩa này được cho ra mắt (16/04/2019) nhân dịp 130 năm ngày sinh của ‘‘vua hề Sác lô’’.

Mang tựa đề ‘‘Charlie Chaplin Film Music Anthology’’, bộ đĩa này cho thấy là ngoài tài đóng phim và làm đạo diễn, Charlie Chaplin còn là một nhạc sĩ ‘‘đại chúng’’ theo đúng nghĩa của từ. Lúc sinh tiền, ông đã viết kịch bản và thực hiện trên dưới 85 bộ phim. Bên cạnh đó, ông còn soạn nhạc cho hầu hết các tác phẩm điện ảnh của mình, ông đã thành danh trong kỷ nguyên phim câm, nhạc nền nhằm mục đích phụ họa hay mình họa là điều không thể thiếu, trước khi có lời thoại, âm thanh và kỹ thuật lồng tiếng.

Bộ đĩa ‘‘nhạc phim Chaplin’’ cho thấy công việc soạn nhạc là một phần không hể tách rời trong quá trình làm phim, do âm nhạc góp phần vào lối dẫn dắt câu chuyện. Trong hơn nửa thế kỷ, Chaplin đã sáng tác hầu như toàn bộ các phần nhạc minh họa. Trong đó, dĩ nhiên có những giai điệu trở nên cực kỳ quen thuộc như nhạc phim Limelight (Ánh đèn sân khấu / Les Feux de la Rampe 1952), bài hát từng được dịch sang tiếng Việt thành ‘‘Ánh đèn màu’’.

Còn nhạc phẩm "Smile" là ca khúc chủ đề của ‘‘Les Temps Modernes’’ (Thời đại tân kỳ / Modern Times 1936). Bản nhạc này đã có hàng loạt phiên bản quốc tế qua các giọng ca của Nat King Cole, Judy Garland, Sammy Davis Jr, Michael Jackson ….. Một trong những bài hát ăn khách cuối cùng của ông là bài This is my song, nhạc chủ đề bộ phim ‘‘A Countess from Hong Kong’’ (Nữ bá tước Hồng Kông 1967), từng ăn khách qua tiếng hát của nữ danh ca người Anh Petula Clark.

Vào nghề sân khấu chuyên nghiệp từ thuở thiếu thời, Charlie Chaplin tự học đủ loại bộ môn nghệ thuật, chứ không hề qua bất cứ trường lớp nào. Từ lúc còn nhỏ, ông đi theo mẹ lưu diễn trong các gánh hát rong. Có một lần mẹ ông bị tắt tiếng, nên ông buộc phải lên sân khấu hát thay thế, lần đầu tiên hát trước công chúng, ông mới lên năm mà đã có bản lĩnh dạn dĩ, không bị khớp.

Thời thanh niên, ông là thành viên gánh hát Fred Karno (1912). Do không có tiền để trả cho thầy dạy nhạc, ông buộc phải tự mò mẫm, học đàn violon. Thế nhưng, vì ông chỉ thuận tay trái, cho nên ông phải tự chế tạo một cây đàn vĩ cầm, đảo ngược thứ tự dây đàn, để rồi tự học đàn từ 4 tới 6 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Huyền thoại của một thần đồng ‘‘Chaplin’’ (ra đời với nhiều năng khiếu bẫm sinh) hóa ra là không có thật, mà phần lớn là do nước mắt và mồ hôi sau bao tháng ngày luyện tập.

Sau những năm tháng rèn luyện ấy, Chaplin chơi thạo violon và piano, lúc đầu ông chọn ngành âm nhạc, nhưng dự án thành lập một công ty xuất bản gặp thất bại, do vậy ông chuyển hẳn sang ngành điện ảnh từ năm 1918 trở đi. Một trong những tổ khúc nhạc phim đầu tiên do ông sáng tác là ‘‘Les lumières de la Ville’’ (Ánh đèn đô thị / City Lights 1931).

Trong sáng tác, Chaplin soạn rất nhanh các khúc nhạc phim khôi hài dí dõm (tiêu biểu là đoạn nhạc vui nhộn trong phim Modern Times). Nhưng ông càng đặc biệt tìm tòi trau chuốt các điệu nhạc sáng tác cho thể loại phim chính kịch, những giai điệu u uất trầm buồn, lãng mạn, nhưng không kém phần thanh lịch. Ông cố gắng đưa ra một hình ảnh hoàn toàn khác với những gì khán giả thường thấy khi liên tưởng đến ‘’vua hề Sác lô’’.

Sau khi rời Hollywood, Charlie Chaplin đã sống một thời gian ở châu Âu, rồi định cư luôn ở Thụy Sĩ. Nhưng ông vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với các nhạc sĩ mà ông quý mến, ông vẫn thường tiếp đón các nghệ sĩ lừng danh như Isaac Stern hay Arthur Rubinstein tại nhà riêng ở thành phố Vevey. Sau các bữa ăn tối, ông thường tổ chức các đêm nhạc thính phòng thắp nến cho gia đình hay người thân. Từ các lần tiếp xúc ấy, ông học ở bạn hữu cách sáng tác âm thanh bổ sung cho hình ảnh.

Charlie Chaplin vĩnh biệt cõi đời vào ngày Noel 25/12/1977. 40 năm sau, một Viện bảo tàng mang tên ‘‘Chaplin's World’’ (Thế giới của Chaplin) đã được khai trương tại thành phố Vevey nhân ngày giỗ năm chẳn của nhà đạo diễn người Anh. Tính từ năm 2017, viện bảo tàng này thu hút khoảng 500.000 lượt khách mỗi năm (cao gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu).


Biệt thự "Manoir de Ban", nơi Chaplin sống 25 năm cuối đời được biến thành bảo tàng
Chaplin's World™ © Bubbles Incorporated

Sinh thời, sau khi giải nghệ ‘‘quay phim’’, Charlie Chaplin thật ra vẫn tiếp tục làm việc do đam mê với nghệ thuật thứ bảy. Ông dành nhiều thời gian (trong suốt những năm 1960) để viết thêm hay viết lại nhạc phim cho các bộ phim truyện ngắn và dài của ông trong giai đoạn 1918-1923 : trong đó có các tác phẩm như ‘‘Charlot Soldier’’ (Sác lô đi lính), ‘‘Le Cirque’’ (Rạp xiếc / The Circus 1928), ‘‘The Kid’’ (Thằng Nhóc 1921), cũng như nhiều bản ghi âm đàn piano chưa được công bố, từng được viết cho các bộ phim ngắn như “The Pilgrim” hay là “A Pay Day” .....

Cũng nhờ bộ đĩa này, khán thính giả cũng được dịp khám phá lại bộ phim ‘‘L’Opinion Publique’’ (Công luận 1923), phim này còn có tựa đề nguyên tác là A Woman of Paris (Một phụ nữ ở Paris), có thể được xem như tác phẩm chính kịck “nghiêm túc” đầu tiên của Chaplin, nhưng lại ít được công chúng biết đến do Chaplin chỉ đóng một vai phụ, để có đủ thời gian thực hiện toàn bộ cuộn phim, từ khâu hình ảnh đến âm thanh.

Do tự học từ thuở thiếu thời, Charlie Chaplin ở ngoài đời, không hề tinh thông nhạc lý, ông không thể đọc hay viết các nốt nhạc, nhưng ngược lại ông thừa hiểu cách truyền tải diễn đạt âm nhạc sao cho dễ hiểu và dễ cảm nhận nhất đến đại đa số khán thính giả. Nơi tác giả Chaplin, dòng nhạc đại chúng không hề có nghĩa xấu của chữ bình dân. Những năm tháng nghèo khổ cơ hàn đã khiến Chaplin tạo nên nhân vật phim câm chú Sác lô ăn mày, đến kỷ nguyên phim có đối thoại, ông lại dùng âm nhạc như một ngôn ngữ “đa cảm” thay thế cho lời nói, để nói lên những gì ngôn từ, câu chữ không thể nào diễn đạt nổi.

viethoaiphuong
#375 Posted : Saturday, April 27, 2019 8:58:30 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2019

Dick Rivers, cả đời dành cho nhạc rock


Dick Rivers, một trong những ca sĩ nhạc rock tiêu biểu của Pháp, cùng với Johnny Hallyday và Eddy MitchellREUTERS/Charles Platiau

Nổi tiếng là một trong những biểu tượng nhạc rock Pháp, Dick Rivers đã thành danh từ đầu những năm 1960, cùng thời với Johnny Hallyday và Eddy Mitchell. Cả ba gương mặt này đã giúp phổ biến nhạc rock Pháp qua việc phóng tác các bài hát ăn khách của Anh Mỹ. Dick Rivers vừa qua đời hôm thứ Tư 24/04/2019 vì bệnh ung thư, hưởng thọ 74 tuổi.

Tên thật là Hervé Forneri, ông sinh trưởng (1945-2019) tại thành phố Nice, miền nam nước Pháp trong một gia đình khá giả. Ông đam mê nhạc blues và nhạc rock từ thời niên thiếu, tự học hát tiếng Anh bằng cách nghe đi nghe lại hàng trăm lần các đĩa nhựa (hiếm hoi do chưa được phổ biến rộng rãi) của các nghệ sĩ Mỹ thời bấy giờ. Cùng với hai bạn học biết chơi nhạc jazz, ông thành lập vào năm 15 tuổi nhóm ‘‘Les Chats Sauvages’’ (Mèo hoang). Nhóm này đi dự liên hoan ca nhạc San Remo tại Ý, nhưng gặp thất bại trong việc ký hợp đồng ghi âm.

Đến Paris lập nghiệp năm 16 tuổi, ông lại thành công một cách bất ngờ với nhóm Les Chats Sauvages, vốn được lăng xê để cạnh tranh trực tiếp với một ban nhạc khác rất ăn khách thời bấy giờ là Les Chaussettes Noires, ca sĩ chính của nhóm này là Eddy Mitchell. Về phần mình, Dick Rivers thành danh nhờ phóng tác sang tiếng Pháp những bài hát nổi tiếng của Ray Charles (What I’d Say /Est-ce que tu le sais), Cliff Richard với nhóm The Shadows (Theme for a Dream /C’est pas sérieux), hay là Roy Orbison (Blue Bayou /Tu n’es pas là).

Theo lời kể của ca sĩ người Pháp, khi vào nghề ca hát ông đã chọn nghệ danh Dick Rivers vì đó là tên của nhân vật chính ‘‘Deke Rivers’’ trong bộ phim ca nhạc Loving You (của đạo diễn Hal Kanter). Elvis Presley từng thành công trên màn ảnh lớn với vai diễn này vào năm 1957. Ngoài ‘‘ông hoàng nhạc rock’’ Elvis, Dick Rivers còn rất ngưỡng mộ các tên tuổi như Chuck Berry, Johnny Cash, Little Richard, vì theo ông họ đã thực hiện cú đột phá ngoạn mục khi giúp phổ biến rộng rãi dòng nhạc ‘‘rhythm and blues’’, đem luồng nhạc này vào dòng chính. Nếu không có Chuck Berry, thì cũng chẳng bao giờ có Elvis Presley, James Brown và The Rolling Stones, có thể được xem như là ba vế phát triển quan trọng nhất của dòng nhạc rhythm and blues.

Xen kẻ các bài hát phóng tác với các bản nhạc gốc (bài Twist à Saint-Tropez), Dick Rivers và nhóm ‘‘Les Chats Sauvages’’ trở thành một trong những gương mặt tiên phong trong việc phổ biến nhạc rock và nhạc twist tại Pháp vào đầu những năm 1960. Tuy nhiên, cũng như trường hợp của Richard Anthony, vốn được xem như là người đầu tiên khởi xướng phong trào nhạc trẻ ở Pháp những năm 1960, tài năng của Dick Rivers sau đó sẽ không được công nhận đúng mức. Trong làng nhạc rock Pháp, ông được xem như là nhân vật thứ ba, đứng sau Johnny Hallyday và Eddy Mitchell. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ông có thái độ ganh tị hoặc đưa ra những tuyên bố chỉ trích các đồng nghiệp. Trong quyển hồi ký Mister D, thực hiện với tác giả Sam Bernett vào năm 2011, ông cho rằng thế giới nhạc rock rộng thênh thang, đủ mênh mông cho tất cả những ai say mê đeo đuổi dòng nhạc này. Trong số các nghệ sĩ nhạc rock, ông cảm thấy gần gũi nhất với Alain Bashung.

Đang ở trên đỉnh thành công với nhóm Les Chats Sauvages, Dick Rivers tách ra riêng và bắt đầu sự nghiệp đơn ca từ năm 1963. Song song với các bản nhạc ăn khách cuối những năm 1960, đầu thập niên 1970 như ‘‘Viens me faire oublier’’ hay là ‘‘Rien que toi’’, Dick Rivers thường xuyên triệu tập các nhạc sĩ có uy tín trong làng nhạc rock tham gia vào các album của mình. Trong số này có các nghệ sĩ quốc tế như Jimmy Page, Steve Cropper, James Burton, Charlie Sexton ….. Do không phải là tác giả có khả năng sáng tác nhạc rock, nên Dick Rivers rất chú trọng về mặt âm thanh, các album do ông thực hiện thường đậm đặc chất rock.

Sự nghiệp của Dick Rivers bắt đầu xuống dốc từ giữa những năm 1970 trở đi. Tuy ông vẫn giữ được một lượng khách hâm mộ trung thành ở Pháp cũng như ở Canada, đủ để tổ chức các đợt biểu diễn hàng năm, nhưng Dick Rivers không có được một bản nhạc thật sự ăn khách (ngoại trừ bài hát Nice, Baie des Anges ghi âm vào năm 1984) để được giới truyền thông quan tâm đến. Sau vòng lưu diễn của nhóm Les Chats Sauvages vào năm 1982, ban nhạc này tái hợp nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày được thành lập, Dick Rivers chủ yếu hoạt động như một nghệ sĩ độc lập. Cũng như trường hợp của Daniel Guichard (Mon Vieux), ông tự đi tìm nguồn tài chính cho việc ghi âm các album của mình. Tuy có nhiều lúc thật chán nản và thất vọng do không được giới chuyên nghiệp quan tâm đúng mức, nhưng không bao giờ ông chịu buông tay, từ bỏ niềm đam mê, vì như ông từng nói cả đời ông chỉ dành cho nhạc rock.

Có lẽ cũng vì ông say mê đeo đuổi âm nhạc mà khi vĩnh viễn ra đi ông đã để lại 33 tập nhạc ghi âm trong phòng thu (studio) và ba tập nhạc live. Album cuối cùng được xuất bản vào năm 2014 và bản nhạc gần đây nhất là một bài song ca (bài Africa) do ông ghi âm với Julien Doré để tưởng niệm nữ ca sĩ Rose Laurens. Nếu như nhạc rock (những năm 1960-1970) vẫn là sở trường của nam ca sĩ, trên một số album, Dick Rivers đã từng thử sức với nhiều dòng nhạc khác, kể cả nhạc soul (1965), nhạc nhẹ (1970), hay nhạc country (1976) thời ông thực hiện các bản phóng tác của những bản nhạc đồng quê nổi tiếng như Jambalaya hay là (Take Me Home) Country Roads.

Trong vòng hơn nửa thế kỷ sự nghiệp, Dick Rivers vẫn trung thành với dòng nhạc rock mà ông gọi là ‘‘mối tình đầu đời’’. Phong cách của ông từ khi mới vào nghề có một nét gì đó khác biệt với hai đồng nghiệp Johnny và Eddy. Ông vĩnh biệt cõi đời đúng vào lúc ăn mừng sinh nhật (lần thứ 74) của mình. Trong làng nhạc rock, ít có nghệ sĩ nào có ngày sinh và ngày giỗ rơi cùng một ngày.

viethoaiphuong
#376 Posted : Saturday, May 25, 2019 8:11:41 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 25 tháng 5 năm 2019

Tưởng niệm ca sĩ kiêm tác giả Nilda Fernández


Nam ca sĩ kiêm tác giả Nilda Fernandez qua đời ở tuổi 61.Marylène Eytier

Một lối sáng tác tinh tế với những giai điệu khác thường nhờ có lối cấu trúc không rập khuôn. Một giọng ca nam chuyên hát giọng kim, nên khi thoạt nghe lần đầu, ta có thể tưởng lầm đây là một giọng nữ. Những nét khác biệt ấy tạo cho Nilda Fernández một chỗ đứng riêng trong làng nhạc Pháp.

Theo nguồn tin từ phía gia đình, ca sĩ kiêm tác giả người Pháp gốc Tây Ban Nha Nilda Fernández vừa qua đời ở tuổi 61, hôm 19/05/2019 tại miền Nam nước Pháp, do chứng suy tim. Lần cuối anh xuất hiện trước công chúng là cách đây đúng một năm, nhân một vòng lưu diễn các liên hoan. Trên sân khấu, Nilda Fernández đã trình bày các bài thơ của Federico García Lorca do chính anh phổ nhạc.

Sinh năm 1957 tại Barcelona, anh tên thật là Daniel Fernández nhưng khi chọn nghệ danh, anh lại đảo ngược cách xếp chữ thành Nilda, vì thế (ở Nam Mỹ) từng có sự hiểu lầm rằng anh là ca sĩ chuyển giới. Năm lên 6 tuổi, Nilda theo bố mẹ sang Pháp định cư. Gia đình anh ban đầu lập nghiệp ở vùng Toulouse, đến khi vào đại học anh lại chọn thành phố Lyon. Tốt nghiệp khoa sư phạm, anh kiếm sống nhờ làm giáo viên tiếng Tây Ban Nha (ở vùng ngoại ô thành phố Rouen). Thời thanh niên, anh tự học nhạc và bắt đầu sáng tác rất sớm.

Nilda Fernández tham gia biểu diễn cùng với một ban nhạc (nhóm Les Reflets). Album đầu tiên được anh ghi âm vào năm 24 tuổi (1981) sau khi ký hợp đồng với hãng đĩa Pathé-Marconi, nhờ vào sự hợp tác của nhà sản xuất Claude Dejacques. Nhưng bất đồng quan điểm sâu đậm khiến hai bên phải chia tay nhau. Đĩa nhạc đầu tay này gặp thất bại, chán nản, Nilda Fernández trở lại với nghề dạy học để kiếm sống, nhưng vẫn không xao lãng công việc sáng tác.

Mãi tới năm 1988, Nilda Fernández tự bỏ tiền ghi âm bài hát ‘‘Madrid, Madrid’’. Thành công của bản nhạc này tạo cơ hội cho anh ký hợp đồng mới với hãng đĩa EMI. Album thứ nhì này gồm khá nhiều bài hát mang đậm ảnh hưởng Tây Ban Nha, mà anh từng ghi âm ở phòng thu Hacienda. Đến khi được phát hành vào năm 1991, album này lập kỷ lục số bán trên thị trường Pháp, đem lại cho Nilda Fernández 4 đề cử nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique. Nhờ bài hát ‘‘Nos Fiançailles’’ (Nilda viết bài này với em trai là Juan Manuel Fernández) anh đoạt danh hiệu Giọng ca nam đầy triển vọng nhất năm 1992. Album này cũng đoạt luôn giải nhất của Viện Âm nhạc Charles-Cros.

Trong vòng hai thập niên, từ năm 1992 cho tới năm 2013, Nilda Fernández đã ghi âm 8 album và 2 tuyển tập chọn lọc, các album thường được phát hành trong cả hai phiên bản tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nhờ vậy, anh có được một lượng khách hâm mộ trung thành ở Nam Mỹ (chủ yếu là Achentina, Chilê và Mêhicô). Những chuyến lưu diễn ấy tạo cơ hội cho Nilda hợp tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi như nữ danh ca Mercedes Sosa hay là nhạc sĩ Latin Jazz Michel Camilo ở New York. Ảnh hưởng cũng như nhịp điệu châu Mỹ La Tinh lại càng thấm nhuần vào các sáng tác của anh.

Vào năm 1999, Nilda Fernández thực hiện một trong những giấc mơ mà anh từng ôm ấp, ghi âm tập nhạc ‘‘Castelar 704’’ gồm toàn là những bản phổ nhạc từ các bài thơ nổi tiếng (trong đó có bài Gacela del Mercado Matutino) của thi hào Federico García Lorca. Trên album này, anh chỉ ghi âm những phiên bản rất mộc, chỉ đệm với tiếng đàn ghi ta và và bộ gõ.

Tuy nhiên, album này hoàn toàn gặp thất bại trên thị trường, vì thế hãng đĩa đã buộc anh phải thực hiện một dự án mang tính thương mại hơn qua việc ghi âm lại các bản nhạc Pháp ăn khách vào những năm 1960, 1970. Mang tựa đề ‘‘Mes Hommages’’, qua đó Nilda vinh danh các nghệ sĩ đàn anh như Léo Ferré, Barbara, Jean Ferrat, Nino Ferrer hay Michel Polnareff, nhưng bên cạnh đó anh cũng ghi âm những ca khúc rất ‘‘thị trường’’ như các bản cover của Joe Dassin, Christophe và nhất là Mike Brant…

Album này đánh dấu sự đoạn tuyệt giữa Nilda Fernández với ngành công nghiệp giải trí. Theo quan niệm của tác giả, thà không có hợp đồng còn hơn là phải ghi âm những gì mình không thích hát. Nilda Fernández chấp nhận đánh đổi ‘‘tiền tài danh vọng’’ để có được sự tự do của một nghệ sĩ ‘‘du ca’’. Hầu hết các album sau đó đều do anh tự sản xuất, album cuối cùng vào năm 2013 chỉ được phát hành trên mạng chính thức.

Sự nghiệp của Nilda Fernández nhiều lần bị gián đoạn, do anh cố tình xa lánh ngành công nghiệp giải trí. Anh nổi tiếng là một nghệ sĩ ‘‘cứng đầu’’ khó tính, không chịu vào khuôn khổ, không đặt đâu ngồi đấy (Nino Ferrer và Jean Louis Murat cũng thuộc vào diện này). Anh tự tổ chức các đợt biểu diễn tại các liên hoan và thoát khỏi áp lực tìm kiếm lợi nhuận của ngành sản xuất đĩa hát.

Song song với việc sáng tác ca khúc, Nilda còn chuyển qua viết lách và cho xuất bản ba quyển tự truyện (Ça repart pour un soliloque, nhà xuất bản Stock, năm 1995 / Les Chants du monde, nhà xuất bản Presses de la Renaissance, năm 2007 / Contes de mes 1001 vies, Archipel, 2017). Trong vòng 5 năm, Nilda rời hẳn nước Pháp sang nước ngoài sinh sống một thời gian, tìm cảm hứng mới trong sáng tác, anh đi biểu diễn tại Nga, Cuba hay tại những nơi anh chưa từng đặt chân tới.

Thành danh trong làng nhạc nhờ ngòi bút độc đáo, những giai điệu anh viết thường có những nét thanh tao quý phái, giọng hát của Nilda vì thế mà càng thanh thoát bay bổng. Lối sáng tác của anh khá tiêu biểu ở chỗ Nilda thích phá vỡ cấu trúc truyền thống của ca khúc. Về điểm này, bài ''Nos Fiançailles'' là trường hợp tiêu biểu nhất. Bài hát có khúc nhạc mở đầu và phiên khúc, nhưng đổi lại không hề có điệp khúc và kết thúc bằng một bài thơ.

Vào nghề một cách kín đáo, Nilda Fernández rốt cuộc lại vĩnh viễn ra đi một cách rón rén nhẹ nhàng, tác giả này để lại cho đời nhiều giai điệu hòa quyện du dương, một chút ngọt bùi lẫn cay đắng, đầy khoảnh khắc thầm lặng, bao thổn thức sâu lắng.

viethoaiphuong
#377 Posted : Tuesday, May 28, 2019 1:38:57 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2019

Tưởng niệm thần tượng tóc vàng Doris Day


Diễn viên kiêm ca sĩ Doris Day tại New York năm 1946Library of Congress/Handout via REUTERS

Một giọng ca mềm mại du dương, tinh tế rõ nét trong lối rải chữ. Một vẻ đẹp hồn nhiên tươi thắm nhờ một mái tóc xoăn và nụ cười tươi tắn. Gương mặt ấy giờ đây không còn nữa. Doris Day đã từ trần hôm 13/05/2019 tại nhà riêng ở Carmel by the Sea, bang California, hưởng thọ 97 tuổi.

Ngày Doris Day ra đi cũng vĩnh viễn khép lại trang sử huy hoàng của Hollywood những năm 1950-1960, giai đoạn cực thịnh của các hãng phim lớn (như Paramount, MGM hay là Warner Bros), thời của các tác phẩm nhạc kịch cũng như những bộ phim hồi hộp trinh thám. Doris Day thành công trong cả hai lãnh vực ca nhạc và điện ảnh, bà thuộc vào thành phần nghệ sĩ khá hiếm hoi có tới hai ngôi sao trên Đại lộ Danh vọng (Walk of Fame) với tư cách là ca sĩ kiêm diễn viên.

Vào năm 1956, Alfred Hitchcock đạo diễn bậc thầy chuyên làm phim gây hồi hộp (master of suspense) quay tác phẩm ‘‘Kẻ biết quá nhiều’’ (The man who knew too much 1956). Tác phẩm này được xem là tiêu biểu cho khả năng đóng phim và ca hát của Doris Day (1922-2019). Về diễn xuất, bà vào vai của một người đàn bà bình thường, nhưng hóa ra lại có đầy bản lĩnh và nghị lực phi thường vì muốn cứu đứa con trai bị bắt cóc.

Giới phê bình ghi nhận là trong số các ngôi sao màn bạc tóc vàng từng được tuyển chọn để đóng phim Hitchcock, Doris Day là người duy nhất thủ vai một bà mẹ phúc hậu đoan trang so với các đồng nghiệp khác (Kim Novak, Grace Kelly, Tippi Hedren, Janet Leigh, Eva Marie Saint….)

Về ca hát, bản nhạc Que Sera, Sera (của hai tác giả Jay Livingston và Ray Evans) giúp cho Doris Day đoạt giải Oscar dành cho ca khúc hay nhất vào năm 1957. Bản nhạc này từng được tác giả Phạm Duy chuyển ngữ thành bài hát ‘‘Biết ra sao ngày sau’’ từng ăn khách trước năm 1975 qua giọng ca Thanh Lan.

Trước khi thành danh trong cả hai lãnh vực ca nhạc và điện ảnh, Doris Day (tên thật là Doris Mary Ann Kappelhoff) sinh cùng năm với Judy Garland, lại không nuôi mộng làm ca sĩ hay diễn viên, cho dù bà xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, bố là giáo sư âm nhạc người Mỹ gốc Đức. Từ thuở thiếu thời, bà chỉ đam mê với nghệ thuật múa. Thế nhưng vào năm 16 tuổi, bà bị chấn thương nghiêm trọng do tai nạn xe hơi. Nằm liệt giường ở nhà trong vòng một năm, bà vẫn thường nghe các chương trình ca nhạc trên đài phát thanh. Cũng từ đó mà bà học được cách phát âm tròn vành chắc nhịp và lối rải chữ tinh tế theo độ dài của từng nốt nhạc, vốn là sở trường độc đáo của Ella Fitzgerald, từng được mệnh danh là ‘‘Đệ nhất phu nhân’’ của làng nhạc jazz (First Lady of Jazz).

Vào nghề ca hát từ đầu những năm 1940, Doris Day thành danh trong làng nhạc trong thời kỳ hậu chiến (sau Đệ Nhị Thế Chiến). Bà xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh lớn vào năm 1947 trong bộ phim ‘‘Romance on the High Seas’’ của đạo diễn Michael Curtiz với ca khúc nổi tiếng ‘‘It’s Magic’’. Ngay từ đầu, sở trường ca hát tạo cơ hội cho Doris Day đóng những bộ phim tuy có lúc không hẳn thuần chất là nhạc kịch (như The Wizard of Oz hay là An American in Paris) nhưng vẫn có những tiết mục ca nhạc làm điểm nhấn ngoạn mục.

Hầu hết những ca khúc mà Doris Day ghi âm cho các bộ phim đều thành công trên thị trường. Riêng nhạc phẩm Secret Love (Tình yêu thầm kín) của hai tác giả Sammy Fain và Paul Francis Webster, ca khúc chủ đề của bộ phim cao bồi Calamity Jane (tựa tiếng Pháp là La Blonde du Far-West / Cô gái tóc vàng miền Viễn Tây 1953) sau khi đoạt giải Oscar dành cho ca khúc hay nhất năm 1954, đã được cộng đồng LGBT chọn làm biểu tượng của họ, cũng như ca khúc ‘‘Over the Rainbow’’ của Judy Garland đã cho ra đời vào tháng 6 năm 1969 (tức cách đây đúng nửa thế kỷ) phong trào đòi quyền bình đẳng của giới gay nói riêng, cộng đồng LGBT nói chung với màu cờ mang biểu tượng cầu vồng.

Từ đầu những năm 1960 trở đi, Doris Day chủ yếu đóng phim hài với nhiều bạn diễn lẫy lừng trong đó có David Niven hay Cary Grant, nhưng quan trọng nhất vẫn là nam tài tử Rock Hudson (tiêu biểu qua các bộ phim như Pillow Talk 1959, Lover come back 1961 hay là Send me no flowers 1964). Có một thời gian, cặp diễn viên này ngự trị các rạp xinê, phim của họ rất ăn khách và trên màn ảnh họ lúc nào cũng có vẻ rất ăn ý khi đóng phim với nhau.

Cũng trong giai đoạn này mà Doris Day xây dựng hình ảnh của một ngôi sao sáng chói nhưng vẫn dễ gần gũi, thân thiện như ‘‘cô láng giềng’’. Tuy nhiên, hình ảnh ấy cũng bị cho là quá ‘‘trơn tru’’, thiếu cá tính, Doris Day có vẻ đẹp rực rỡ của những phụ nữ tóc vàng, nhưng không bao giờ bà có hành vi hay tuyên bố gây tai tiếng. Có lẽ cũng vì muốn duy trì hình ảnh ấy mà Doris Day đã từ chối một vai diễn quan trọng nhất trong đời : vai của Mrs Robinson có mối tình ‘‘vụng trộm’’ với cậu sinh viên vừa tốt nghiệp Dustin Hoffman trong bộ phim ‘‘The Graduate’’ (Le Lauréat), từng đoạt giải Oscar vào năm 1968.

Đang trên đà thành công, Doris Day lại phát hiện rằng bà bị sạt nghiệp sau cái chết đột ngột của người chồng thứ ba (ông Martin Melcher). Lúc còn sống, ông đầu tư làm ăn thất bại nhưng không cho vợ con hay biết, ông cũng không nộp thuế thu nhập dù là nhà quản lý chính thức, do vậy Doris Day vào năm 45 tuổi lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bà buộc phải đóng phim truyền hình nhiều tập ‘‘The Doris Day Show’’ từ năm 1968 đến năm 1973, cho dù bà chưa bao giờ ký hợp đồng với các đài truyền hình, rốt cuộc bao nhiêu tiền thù lao cũng chỉ để trả nợ.

Sau thời kỳ khó khăn này, Doris Day quyết định giải nghệ. Bà lui về sống ẩn dật tại thị trấn Carmel by the Sea, bang California. Vào năm 1975, bà cho phát hành quyển hồi ký cho thấy sự nghiệp và cuộc đời của bà không phải là một dòng sông phẳng lặng êm ả như người ta thường nói. Từ năm 1978 trở đi, bà dành trọn thời gian cho Quỹ bảo vệ thú vật The Doris Day Animal Foundation, do chính bà sáng lập. Bà nhận được hai giải Thành tựu trọn đời nhân kỳ trao giải Golden Globe (1998) rồi đến giải Oscar (2008).

Tên tuổi của Doris Day chỉ được nhắc đến trở lại vào năm 2011, khi tuyển tập chọn lọc của bà ‘‘My Heart’’ đột ngột lọt vào Top Ten thị trường Anh quốc, đĩa hát này chủ yếu bao gồm những bài hát từng được Doris Day ghi âm vào những năm 1980. Thế nhưng khi được hỏi về sự thành công hơi ‘‘muộn màng’’, bà chỉ mĩm cười cho rằng đó chỉ là những bọt biển chợt tan, không thể nào làm ‘‘vẩn đục’’ tâm hồn nay đã bình an.


viethoaiphuong
#378 Posted : Saturday, June 1, 2019 7:06:36 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 01 tháng 6 năm 2019

Sting đến Paris giới thiệu tuyển tập mới


Nam danh ca Sting tham gia buổi hoà nhạc do Amnesty International tổ chức tại Athens, Hy Lạp 23/06/2018REUTERS / Costas Baltas

Trong khuôn khổ vòng lưu diễn quốc tế, nam ca sĩ Sting đến thủ đô Paris biểu diễn cuối tháng Năm 2019. Nhân dịp này, cựu thành viên sáng lập ban nhạc rock người Anh The Police cho ra mắt một tuyển tập chọn lọc bao gồm các bài hát nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông.

Mang tựa đề ngắn gọn là ‘‘My Songs’’ (Những bài hát của tôi), album phát hành vào cuối tháng 5/2019 bao gồm 19 ca khúc tiêu biểu cho cả hai giai đoạn sự nghiệp. Giai đoạn đầu từ năm 1977 đến năm 1984, thời Sting (tên thật là Gordon Sumner) là tay đàn bass và ca sĩ chính của nhóm nhạc rock người Anh. Giai đoạn thứ nhì từ năm 1985 cho tới nay, có thể được xem như những thập niên thành công nhất về mặt sáng tác cũng như trong sự nghiệp đơn ca (cho dù một cách chính thức nhóm The Police không hề tuyên bố giải tán, và nhóm này cùng thực hiện vòng lưu diễn thế giới vào năm 2007).

Lần trước Sting biểu diễn tại Paris là vào tháng 11 năm 2016, nhân dịp khai trương trở lại nhà hát Bataclan, phải đóng cửa trong hơn một năm sau đợt khủng bố kinh hoàng. Nổi tiếng là một nghệ sĩ dấn thân, Sting đã biểu diễn nhằm gây quỹ trợ giúp các nạn nhân khủng bố. Còn lần này, buổi biểu diễn tại nhà hát La Seine Musicale diễn ra trong một bầu không khí nhẹ nhàng hơn.

Ca sĩ kiêm tác giả Sting trở lại Paris chủ yếu để giới thiệu album mới. Buổi biểu diễn này cũng là điểm khởi đầu cho vòng lưu diễn châu Âu của nam danh ca. Sau nước Pháp, Sting sẽ đến Bulgari, Đức, Áo, Ý, Slovakia, Cộng hóa Séc, các quốc gia vùng Baltic và các nước Bắc Âu là Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy.

Cách đây hơn một năm, Sting đã khá thành công với album nhạc reggae (mang tựa đề "44/876") thực hiện với nam ca sĩ người đảo Jamaica Shaggy. Lúc đầu hai nghệ sĩ dự tính chỉ hợp tác ghi âm một bản song ca (nhạc phẩm "Don’t Make Me Wait") nhưng rốt cuộc họ cảm thấy tâm đầu ý hợp nên mới quyết định cùng thực hiện nguyên một album. Sting cho biết là tuy đến từ hai phương trời âm nhạc khác nhau, nhưng cả hai đều mến mộ Bob Marley và họ đã tìm thấy trong dòng nhạc reggae một ngôn ngữ chung để diễn đạt cảm xúc.

Trong suốt thời gian làm việc chung với nhau, Sting và Shaggy đã từng phối lại bản nhạc nổi tiếng "Roxanne". Điều đó làm nảy sinh ý tưởng thực hiện một tuyển tập, qua đó, Sting hòa âm lại toàn bộ các ca khúc từng ăn khách trước đây của mình, trong số này có các bản nhạc cực kỳ nổi tiếng như "Englishman in New York, Desert Rose, Shape of My Heart, Every Breath You Take, Fragile và nhất là Fields of Gold" …

Nam danh ca Sting thuộc vào hàng nghệ sĩ có một sự nghiệp solo ngoạn mục, thành công hơn nhiều so với thời gian ông đi hát chung với nhóm The Police. Trong làng nhạc quốc tế, số nghệ sĩ được như ông không phải là nhiều. Có thể nhắc đến Lionel Richie, ca sĩ của nhóm The Commodores, bắt đầu hát solo từ năm 1980. George Michael sau thời gian đầu thành công với nhóm Wham lại càng ăn khách hơn nữa khi bắt đầu hát đơn ca từ năm 1985. Một cách tương tự, tên tuổi của Robbie Williams lên như diều gặp gió từ năm 1996, sau giai đoạn hát chung với nhóm boys band Take That. Còn Justin Timberlake thành công rực rỡ từ năm 2002 trở đi, thời kỳ hậu NSYNC.

Về phần mình, Sting bắt đầu tách ra riêng từ năm 1985. Tập nhạc solo đầu tiên của ông (The Dream of the Blue Turtles) đánh dấu sự hợp tác với nhiều nghệ sĩ nhạc jazz nổi tiếng chẳng hạn như Kenny Kirkland chơi đàn phím, Branford Marsalis chơi kèn saxophone hay là Darryl Jones chơi đàn bass (và hiện là một trong những nhạc sĩ chuyên đi biểu diễn với nhóm The Rolling Stones).

Trong các album solo kế tiếp (trong đó nổi bật hơn cả là "Nothing Like The Sun" 1987, "Ten Summoner's Tales" 1993, "Mercury Falling" 1996, "Sacred Love" 2003), Sting hợp tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi kể cả bậc đàn anh Gil Evans và các nghệ sĩ cùng thời như tay đàn Eric Clapton, Mark Knopfler ca sĩ chính của nhóm Dire Straits (nổi tiếng với bài "Money for Nothing", bài này có một đoạn là sáng tác của Sting trích từ nhạc phẩm "Don't Stand So Close to Me") và thậm chí Andy Summers, một trong ba thành viên của nhóm The Police.

Tuy thành danh với một ban nhạc pop rock, nhưng Sting ngay từ lúc đầu có một lối sáng tác và tiếp cận âm nhạc của một nghệ sĩ nhạc jazz, thích biến tấu giai điệu và luôn hoà quyện nhiều luồng ảnh hưởng âm nhạc với nhau, kể cả nhạc pop, folk, country reggae, funky soul, new age hay là world music. Trong vòng hơn ba thập niên liền từ năm 1985 đến 2019, Sting đã cho ra mắt 14 album solo và mỗi album đều có một sắc thái khác biệt, ông luôn cố gắng tìm tòi thử nghiệm trong sáng tác tựa như Peter Gabriel của nhóm Genesis, Roger Waters của nhóm Pink Floyd. Nhờ vào nỗ lực ấy, Sting đã đoạt hàng loạt giải thưởng âm nhạc quốc tế trong đó có 17 giải Grammy, 3 giải thưởng Brit Awards & một Quả cầu vàng Golden Globe.

Nổi tiếng là một nghệ sĩ dấn thân, hoạt động tích cực trong hai lãnh vực môi trường và nhân quyền, dù có bận rộn cách mấy, Sting luôn tham gia các buổi biểu diễn gây quỹ tài trợ các tổ chức như Ân xá Quốc tế (bên cạnh các nghệ sĩ như Bruce Springsteen hay Peter Gabriel). Ngoài ra ông còn huy động giới nghệ sĩ quốc tế (như Annie Lennox, Billy Joel, Elton John, James Taylor …..) tham gia các chương trình từ thiện tổ chức thường niên trong khuôn khổ trong khuôn khổ Quỹ môi trường RainForest Foundation nhằm bảo vệ rừng nhiệt đới.

Có lẽ cũng để cảm ơn những nỗ lực ấy mà giới khoa học Columbia đã đặt tên một loài ếch nhái chuyên sống trên cây theo nghệ danh của Sting (Dendropsophus Stingi) và điều đó (như có lần Sting đã từng tuyên bố với báo chí) làm cho bản thân ông cảm thấy hạnh phúc, vì nó có nhiều ý nghĩa hơn tất cả các giải thưởng hay thành tựu âm nhạc mà Sting đã đạt được trong đời.
viethoaiphuong
#379 Posted : Wednesday, June 5, 2019 4:54:22 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Thu Hằng - RFI - Thứ Tư, ngày 05 tháng 6 năm 2019

Thiên An Môn trong những ca khúc nhạc rock bị cấm tại Trung Quốc


Ca sĩ nhạc rock Trung Quốc Lý Chí (Li Zhi) trong một buổi biểu diễn.
Ảnh chụp màn hình YouTube.RFI / Tiếng Việt

Suốt 30 năm, sự kiện Thiên An Môn trở thành cụm từ « húy » tại Trung Quốc. Càng đến ngày 04/06 kỉ niệm vụ thảm sát những người đấu tranh đòi dân chủ trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, bộ máy kiểm duyệt Trung Quốc càng hoạt động hết công suất. Âm nhạc không phải là trường hợp ngoại lệ !

Lý Chí (Li Zhi), một ca sĩ nổi tiếng trong làng nhạc rock Trung Quốc, biến mất một cách bí ẩn từ tháng 02/2019 mà theo một bài viết của AP ngày 03/06, « những nghệ sĩ dám nói về Thiên An Môn bị đẩy vào bóng tối ». Sau hai ca sĩ nhạc rock đàn anh Thôi Kiện (Cui Jian) và Hà Dũng (He Yong), Lý Chí dám đề cập về vụ thảm sát Thiên An Môn trong một số bài hát của mình.

Vẫn hãng tin AP, vào đầu tháng 04/2019, đưa tin « Một nghệ sĩ bị Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Tứ Xuyên cấm lưu diễn 23 buổi » trên địa bàn tỉnh vì có « các hành động không phù hợp ». Công chúng bắt đầu chú ý và liên hệ đến việc Lý Chí mất tích từ hồi tháng Hai sau khi anh đăng một tấm ảnh chụp đang được truyền nước trong một bệnh viện.

Theo Hermine Roumilhac, phóng viên của ban tiếng Hoa đài RFI, Lý Chí chỉ nổi tiếng và có ảnh hưởng trong giới nhạc rock tại Trung Quốc, nhưng chính nhờ lệnh cấm trên, ca sĩ sinh năm 1978 được công chúng biết đến nhiều hơn :

« Người ta khám phá ra rằng đây là một ca sĩ dấn thân và dám hát nhiều bài hát về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn. Vì thế người ta cũng hiểu hơn về « các hành động không phù hợp » mà Lý Chí bị cáo buộc. Từ một ca sĩ không tên tuổi, Lý Chí bỗng trở thành một ngôi sao dù bị cấm biểu diễn ở Trung Quốc.

Như nhận xét của nhiều nhà báo, các biện pháp kiểm duyệt, cấm đoán của chính quyền Trung Quốc lại càng giúp các nghệ sĩ bị kiểm duyệt trở nên nổi tiếng hơn. Lý Chí là một trường hợp như vậy. Nếu không có quyết định kiểm duyệt trên, rất ít người biết rằng ca sĩ nhạc folk rock đã sáng tác nhiều ca khúc về sự kiện Thiên An Môn ».

Ba bài hát gợi nhắc Thiên An Môn trong vòng kiểm duyệt

Ba bài hát của Lý Chí đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp về Thiên An Môn thường được nhắc đến là Dân tộc không cần tự do, Quảng trường, Mùa Xuân 1990...

Trong bài thứ nhất Dân tộc không cần tự do, Lý Chí hát : « Một người anh em đến tìm tôi, mang tiền và những câu chuyện tới. Cậu ấy vừa cười vừa nói : dân tộc không cần tự do vì chúng ta đang sống trong thời kỳ đẹp nhất, trong giai đoạn đẹp nhất. Có những người thầm lặng theo dõi, lại có những người chồng chất hoài nghi về cuộc đời, nhưng tôi nghe thấy họ đồng thanh hô : Dân tộc không cần tự do ».

Hermine Roumilhac nhấn mạnh : « Nếu như nghe kỹ lời bài hát và âm điệu, chúng ta thấy bài hát mang vẻ chế giễu, mỉa mai. Đó là lời nói đùa khi cho rằng « Dân tộc không cần đến tự do ». Thực ra đó là cách Lý Chí nói rằng « người dân cần tự do ».

Bài hát thứ hai, Mùa Xuân 1990, nhắc đến kỷ niệm một năm ngày mất của một nữ sinh 17 tuổi :« Tối nay, chị gái của em, em nghĩ tới chị. Bạn bè của chị già đi, còn chị mãi ở tuổi 17 ».

Hermine Roumilhac cho rằng « lời bài hát hẳn nhắc đến cái chết của một ai đó trên quảng trường Thiên An Môn. Đó là cách để thể hiện tình yêu đối với những người đến quảng trường rồi không trở về. Trong bài hát, Lý Chí không nói chính xác về chuyện gì nhưng người nghe có thể đoán được qua tựa đề bài hát Mùa Xuân 1990 rằng ai đó đã chết trên quảng trường Thiên An Môn ».

Bài hát thứ ba, Quảng trường, trực tiếp nhắc đến quảng trường Thiên An Môn và phong trào sinh viên 1989. Lý Chí cố tình sử dụng những từ ngữ rất mạnh, gây sốc cho người nghe, nhưng để cảnh tỉnh thế hệ trẻ.

« Hôm nay, quảng trường này là mồ chôn tôi, bài hát này dành tưởng nhớ bạn. Bạn sẽ được giáo dục và bạn sẽ thành một người xấu, chỉ biết ăn, uống, tiểu tiện, đại tiện. Bạn sẽ như một con vật, sẽ không biết cứu những người đang dần chết ».

Trong điệp khúc, có đoạn : « Giết nó đi ! Đâm cho nó thêm phát nữa ! Còn tôi, tôi không hề tin về điều này ! »Có thể là Lý Chí bắt chước giọng của một quân nhân quát những người biểu tình có mặt trên quảng trưởng Thiên An Môn.

Hermine Roumilhac kể tiếp : « Trong một buổi biểu diễn, khi bắt đầu đến bài Quảng trường, một người nào đó trong thính phòng hét lên : « Gọi xe cứu thương ! Gọi cứu thương ngay ! » Hình ảnh này làm liên tưởng tới đoạn video rất nổi tiếng về vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn, trong đó người ta thấy nhiều học sinh, sinh viên vừa kêu « Cứu thương ! Cứu thương ! » vừa mang người bị thương đến các xe cấp cứu nhưng hẳn đó có người bị chết trước khi được cấp cứu ».

Cả ba bài hát trên của Lý Chí xuất hiện vào khoảng năm 2015 và vẫn được hát trong các buổi biểu diễn nhỏ. Bỗng nhiên từ tháng 04/2019, tất cả các tài khoản mạng xã hội Weibo và WeChat của ca sĩ bị đóng. Các trang nghe nhạc trực tuyến xóa hết tất cả các bài hát của Lý Chí… không để lại bất kỳ dấu vết nào như Lý Chí chưa từng tồn tại. Hermine Roumilhac giải thích :

« Vì vào đúng đợt 30 năm sự kiện Thiên An Môn, hoặc là vì ca sĩ bị ai đó tố cáo, hoặc do Lý Chí bắt đầu có chút tiếng tăm. Nếu như chỉ hát trên sân khấu nhỏ khoảng 30 người, ca sĩ không có vẻ gì là nguy hiểm cho an ninh quốc gia. Nhưng giới trẻ bắt đầu biết đến anh. Ca sĩ nhạc rock có ít nhiều ảnh hưởng đến giới trẻ.

Trong một đoạn video mà tôi xem được, một số thanh niên đến xem Lý Chí biểu diễn, họ nói là nhờ Lý Chí, họ học được cách hiểu cuộc sống. Họ ủng hộ anh vì Lý Chí giúp họ nhận ra cuộc sống thực. Đúng là nhờ sự chân thành, với những ca từ trong bài hát của mình, Lý Chí dần trở thành người quan trọng đối với những người ủng hộ anh ».

30 năm Thiên An Môn, 30 năm nhạc rock bị cấm ở Trung Quốc

Xuất hiện tại Trung Quốc vào thời kỳ cải cách kinh tế trong những năm 1980 sau 10 năm khổ nhục dưới thời Cách Mạng Văn Hóa (1966-1976), nhạc rock gắn liền với một phần lịch sử Trung Quốc. Hermine Roumilhac giải thích tiếp :

« Có nhiều người đi nước ngoài về hoặc sinh viên nước ngoài đến Trung Quốc du học đã mang vào đất nước nhiều dòng nhạc nước ngoài. Vì thế, trong các trường đại học, sinh viên được tiếp xúc với nhạc rock và bắt chước phong cách này, thành lập các nhóm nhạc rock. Ngay từ năm 1979 đã xuất hiện những nhóm rock đầu tiên trong nhiều trường đại học ở Bắc Kinh (Wan Li Ma Wang, Bu Dao Weng), sau đó là nhiều nhóm rock khác (Dalu Yuedui của người nước ngoài) ».

Trong một bài viết về « Lịch sử chính trị của dòng nhạc punk-rock Trung Quốc », nhà nghiên cứu Pháp Nathanael Amar nhận định nhạc rock trở thành công cụ phản kháng của sinh viên và thể hiện niềm hy vọng dân chủ cho cả một thế hệ trẻ.

Thôi Kiện (Cui Jian, sinh năm 1961), là một trong những ca sĩ dấn thân thể hiện khát khao tự do của giới trẻ. Được mệnh danh là « người đỡ đầu cho nhạc rock Trung Quốc », chính Thôi Kiện giúp nhạc rock trở nên nổi tiếng ở Trung Quốc. Theo Hermine Roumilhac, các bài hát của anh rất nổi tiếng, trong đó phải kể đến bài Tôi chẳng có gì(1986), ghi dấu ấn trong làng nhạc rock Trung Quốc :

« Trong bài hát này, ông nói đến chuyện tình của một chàng trai và một cô gái. Chàng trai kể : « Tôi hỏi một cô gái, em có muốn đến với anh không ? » Cô gái cười trả lời tôi : « Ồ, anh chẳng có gì. Không tiền, không tự do ! ».

Thực ra, người ta có thể hiểu câu chuyện này theo nhiều cách khác nhau. Theo nghĩa đen, đó là một câu chuyện tình, nhưng cũng có một số phân tích cho rằng « cô gái » trong bài hát được ví như Trung Quốc, kiểu : Tôi sẵn sàng cống hiến hết mình cho đất nước, nhưng đất nước lại nói rằng tôi chẳng có gì để trao cho đất nước, vì thế đất nước không cho tôi gì hết, kể cả tự do ».

Qua những lời ca, Thôi Kiện gián tiếp thể hiện quan điểm của anh về cuộc sống và xã hội, về chính trị và tự do trong những năm 1980. Điều đặc biệt là Thôi Kiện đã hát ca khúc này, cùng với nhiều bài khác, trên quảng trường Thiên An Môn vào tháng 05/1989 khi phong trào sinh viên bắt đầu. Từ đó, Tôi chẳng có gì trở thành bài ca của cả một thế hệ trẻ Trung Quốc.

« Cũng từ đó, Thôi Kiện bị cấm, như nhiều nhóm nhạc rock khác. Lịch sử nhạc rock Trung Quốc chấm dứt cùng với sự kiện Thiên An Môn. Họ bị cấm biểu diễn trước công chúng. Vì thế, họ chỉ biểu diễn nhỏ lẻ trong những quán bar hoặc tại sân khấu tư nhân. Rất nhiều nhóm bị tan rã. Thôi Kiện tiếp tục hát nhưng bị cấm tổ chức những chương trình biểu diễn lớn ».

viethoaiphuong
#380 Posted : Friday, June 7, 2019 8:38:29 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Paul Cézanne: Từ tài năng bị "hắt hủi" đến "cha đẻ của mỹ thuật hiện đại" Pháp

Thu Hằng - RFI - Thứ Sáu, ngày 07 tháng 6 năm 2019


Chân dung tự họa Paul Cézanne (khoảng 1880-1881) trưng bày tại The National Gallery, Anh.CC/National Gallery

Giống như Van Gogh (1853-1890), Paul Cézanne (1839-1906) không sống được nhờ nghề vẽ tranh. Nếu như Van Gogh được em trai Théodore thường xuyên gửi tiền, Paul Cézanne được người cha giầu có, chủ xưởng sản xuất mũ, sau làm chủ ngân hàng, chu cấp cho đến cuối đời.

Lận đận đời tư, cô đơn tìm chỗ đứng trong hội họa

Được mệnh danh sau này là « cha đẻ của mỹ thuật hiện đại », nhưng con đường sự nghiệp của Paul Cézanne gặp đầy trắc trở. Không được chính thức học vẽ do bị cha cấm, Cézanne theo học các lớp buổi tối miễn phí. Năm 1861, khi tròn 22 tuổi, lần đầu tiên ông được cha cho phép lên Paris. Cézanne đã lui tới xưởng vẽ mang tên Académie Suisse, trên đảo Cité, để quan sát, học hỏi kinh nghiệm với hy vọng thi đỗ trường Mỹ Thuật danh tiếng.

Thất bại ! Ông trở về làm việc trong ngân hàng của cha được một năm, nhưng cuối cùng quyết định trở lại Paris theo đuổi hội họa. Nhờ lui tới xưởng vẽ Académie Suisse, Paul Cézanne biết Pissaro và Guillaumin. Sau đó, nhờ bạn học cũ Emile Zola, người trở thành nhà văn và nhà báo nổi tiếng của Pháp, Paul Cézanne làm quen với Bazille, Renoir, Monet, Sisley và Manet.

Cézanne vẽ phong cảnh những vùng nông thôn nổi tiếng trong giới họa sĩ trường phái Ấn tượng nằm quanh Paris, từ Pontoise đến Auvers-sur-Oise hay La Roche-Guyon. Ở vùng Provence miền nam, Cézanne lấy cảm hứng từ khu mỏ Bibémus, đồi Lauves, khu Jas de Bouffan nơi cha mẹ ông có một cơ ngơi lớn, ngọn núi Sainte-Victoire hay vùng Estaque nhìn ra vịnh Marseille.

Bà Fabienne Morucci, phụ trách khai thác các khu di tích liên quan đến Cézanne, kể lại với RFI Tiếng Việt rằng Cézanne vẽ người dân Aix mà ông gặp hàng ngày và Hortense, người mẫu mà họa sĩ gặp ở Paris và chính thức trở thành vợ ông sau gần 16 năm sống chung, khi ông không còn tình cảm :

« Dù ông vẽ một vài bức chân dung vợ, nhưng người ta có cảm giác người phụ nữ trong tranh cứng nhắc, khuôn mặt rất ít cảm xúc. Cézanne cũng có một vài bức tự họa nhưng cũng không có nhiều biểu cảm trên khuôn mặt. Tác phẩm của ông thiên về mầu sắc, thiên nhiên, hình dạng hơn là những khuôn mặt.

Về mối quan hệ với vợ ông, thật sự là rất phức tạp !Cézanne giấu kín cha về mối quan hệ với Hortense. Mãi sau này, vài năm trước khi cha qua đời, ông nói rằng ông có vợ và một cậu con trai. Nhưng thực ra, Cézanne sống rất ít với vợ con vì ông luôn đi đi về về giữa Paris và Aix. Ông rất yêu con trai nhưng mối quan hệ giữa Cézanne và vợ luôn phức tạp ».


Khi Cézanne quyết định về sống hẳn ở Aix-en-Provence, hai mẹ con ở lại Paris vì Hortense không hợp với gia đình nhà chồng. Ngay cả khi ở Aix, Cézanne để vợ và con trai sống trong căn hộ ở trung tâm, còn ông vẫn sống với gia đình ở Jas de Bouffan. Vì vậy, khi Cézanne qua đời, vợ con ông không có ở bên. Họ chỉ xuống Aix-en-Provence lo hậu sự, rồi trở về Paris, không màng đến xưởng vẽ.

Lý do chính khiến Cézanne quyết định về Aix ở ẩn, vui với thiên nhiên là vì tranh của ông liên tục bị từ chối ở các Phòng trưng bày hội họa và điêu khắc ở Paris (Salon Officiel). Và nếu được nhận, tranh của ông chưa đủ sức hút công chúng và giới phê bình.

« Cũng vì quá thất vọng sau mỗi lần tham gia triển lãm ở Paris mà không được biết đến, nên 5 năm cuối đời, Cézanne quyết định ở lại hẳn Aix-en-Provence. Và đây là điều mang ý nghĩa quan trọng cho nơi ở cuối cùng của Cézanne. Cuối cùng ông được sống trọn vẹn ở Aix-en-Provence, nơi mà ông yêu thích, nơi ông có thể tự do làm việc với thiên nhiên. Cézanne chỉ di chuyển giữa ngôi nhà mà ông cho xây vào năm 1898 đến ngọn núi Saint-Victoire, cách Aix-en-Provence chừng 5 km. Với ông, đây thực sự là một chốn yên bình ».

Thất bại ở Paris, nhưng nhờ Ambroise Vollard, cuối cùng một số tác phẩm của Cézanne đã được giới thiệu rộng rãi với công chúng. Năm 1895, nhà buôn tranh trẻ tổ chức triển lãm riêng đầu tiên cho họa sĩ vùng Provence gồm khoảng 150 tác phẩm.

« Phải nói là nhờ vào những nhà sưu tầm tranh, như Ambroise Vollard, những người công nhận phong cách của Cézanne. Nhưng đúng là Cézanne cũng hủy rất nhiều tác phẩm vì quá thất vọng do tranh của ông không được công chúng quan tâm trong các cuộc triển lãm ở Paris. Nhờ những nhà sưu tập này mà những tác phẩm còn sót lại của Cézanne được giữ gìn ».

Bạn cũ của Cézanne ngạc nhiên khám phá những tiến bộ trong nét vẽ của ông. Một số họa sĩ trẻ tìm thấy một điểm tựa, một hướng tham khảo trong phong cách của Cézanne. Danh tiếng của ông dần bay xa nhờ các triển lãm trong những năm 1898, 1899, 1904, 1905, 1906. Bà Fabienne Morucci nhận xét :

« Về vai trò của Cézanne trong trường phái Ấn tượng, ông đóng vai trò quan trọng như Manet và Monet, là một trong những nhà sáng lập ra trường phái Ấn tượng. Nhưng ông cũng là một họa sĩ của trào lưu hiện đại, có nghĩa là ông đồng thời chuyển từ Ấn tượng sang trường phái Lập thể và tiếp nhận mọi yếu tố hiện đại trong hội họa. Và đó chính là điểm đặc biệt lớn của Cézanne. Ban đầu, ông kết hợp với các họa sĩ Ấn tượng, nhưng ông cũng tách khỏi họ rất nhanh và hướng đến phong cách riêng, chủ yếu theo Lập thể ».

Xưởng vẽ riêng trên đồi Lauves, món quà đẹp nhất trong đời

Ngôi nhà kiêm xưởng vẽ của Cézanne (Atelier de Cézanne) nằm trên sườn ngọn đồi Lauves, sát trung tâm thành phố Aix-en-Provence, được danh họa Pháp coi là món quà đẹp nhất trong đời. Nhưng xây được ngôi nhà, ông cũng phải nhờ vào tài sản thừa kế từ người cha. Tản bộ trong khu vườn bao quanh ngôi nhà, bà Fabienne Morucci giới thiệu :

« Chúng ta đang ở điền trang, nơi ở cuối cùng của Paul Cézanne. Ông vẫn sống ở trung tâm thành phố Aix-en-Provence, trong một căn hộ, gần nhà thờ lớn. Tòa nhà đó vẫn tồn tại, nằm ở phố Boulegon, gần tòa thị chính.

Trong khu vườn rộng 5.000 m2, đặc trưng của vùng Provence, đầy những cây thông, bụi nguyệt quế, một cây đoạn cổ thụ (tilleul). Khu vườn được để mọc tự nhiên, không tỉa tót theo nguyện vọng của Cézanne. Ông muốn có một khu vườn đơn giản, đúng chất vùng Provence, xanh mướt lá cây ».


Ngôi nhà hai tầng, không lớn lắm, được xây khá đơn giản. Tầng trệt có một phòng ngủ và kho lưu tranh. Toàn bộ tầng 1 (tầng 2 Việt Nam) được dành làm xưởng vẽ với những khung cửa sổ lớn, lấy ánh sáng từ hướng nam, và được thiết kế thông minh nhờ hệ thống cửa gấp để tránh ánh nắng gay gắt trực tiếp.

Cứ 30 phút, một nhóm khoảng 25 khách được hướng dẫn viên đưa lên tham quan xưởng vẽ thứ 26 và cũng là cuối cùng của Paul Cézanne :

« Cézanne sử dụng xưởng vẽ gần như cho đến hơi thở cuối cùng vì ông từng nói muốn được chết với cây cọ trong tay. Vì thế, với Cézanne, không có chuyện gác bút nghỉ hưu. Tám ngày trước khi qua đời vì viêm phổi, ông vẫn miệt mài làm việc ở xưởng vẽ.

Vào khoảng giữa tháng 11/1906, khi đang vẽ dở bức Căn nhà nhỏ của gia đình Jourdan(Le Cabanon de Jourdan), hiện được trưng bày ở bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Roma, thì trời chợt đổ mưa. Ông phải thu dọn hết đồ nghề, khoác lên vai chiếc ba lô chứa đầy những tuýp mầu, bảng mầu và cọ vẽ, thêm bộ giá vẽ, rồi chống gậy về nhà. Nhưng trên đường về, do sức khỏe yếu đi từ năm 1890 vì mắc bệnh tiểu đường, ông bị ngã xuống hố. Ông nằm bất động suốt vài tiếng đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã, sau đó mới được những người thợ tẩy đẩy xe vải đi qua phát hiện nhờ ánh chớp.

Người ông ướt đẫm, lạnh buốt tới xương. Ông được đưa về căn hộ ở số 23 phố Boulegon, giao cho người quản gia vì Aix lúc đó không phải là thành phố lớn và hầu hết mọi người đều biết đến Cézanne. Sáng hôm sau, nghĩ rằng đã khỏe hơn, ông đi bộ từ căn hộ lên xưởng vẽ làm việc, nhưng rồi cảm thấy trong người không ổn, ông quay về nhà nghỉ ngơi. Đáng tiếc là tám ngày sau, Cézanne qua đời vì viêm phổi ở tuổi 67 ».

Trên chiếc tủ thấp dựng sát tường, đối diện cửa vào xưởng vẽ, vẫn còn ba đồ vật được Cézanne sử dụng thường xuyên trong nhiều tác phẩm tĩnh vật : một hũ đựng quả ô liu, một hũ ngâm gừng và một chai rượu rhum Zamaica. Trong góc là những bộ áo vẽ, những chiếc mũ bê rê được treo trên móc, chiếc rương đựng dụng cụ vẽ vẫn nằm trên sàn nhà, góc bên kia là chiếc giá vẽ và chiếc thang cao tới trần mà chủ trang trại trước để lại… nhiều đồ đạc, dụng cụ của Cézanne vẫn còn nguyên.

Bị bỏ hoang, rồi trải qua nhiều đời chủ, Xưởng vẽ Cézanne hiện do Phòng Du lịch Aix-en-Provence sở hữu và quản lý. Từ tháng 01/2019, Xưởng vẽ của Cézanne liên tục được trùng tu để có thể tiếp đón lượng khách tham quan hàng năm lên đến 80.000 người. Cũng vì cấu trúc ngôi nhà không cho phép chịu cùng một lúc trọng lượng của hơn 25 người, nên khách tham quan cần đặt hẹn trước với Xưởng vẽ.


Users browsing this topic
Guest
24 Pages«<1718192021>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.