Rank: Advanced Member
Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 9,291 Points: 11,028
Thanks: 758 times Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
|
RFI - Trọng Nghĩa - 19/1 2019
Nghệ thuật đàm phán trong mọi lãnh vực
Khi tất cả các đồng nghiệp chú ý đến những chủ đề nghiêm trọng, tuần báo Le Point lại có vẻ như chú ý một đề tài rất nhẹ nhàng. « Nghệ thuật thương thuyết » là tựa lớn trang bìa của tạp chí Pháp kèm theo ghi chú hóm hỉnh bên dưới : « Với người chủ của mình, với người hôn phối, với con cái, trong kinh doanh, trong chính trị (có hoặc không có những người Áo Vàng) ».
Đối với Le Point, cái dở của người Pháp chính là không thấy rõ được khía cạnh tích cực của việc đàm phán thương thuyết, đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày, trong gia đình hay ngoài xã hội.
Theo giáo sư khoa học chính trị Aurélien Colson tại trường Essec, phụ trách Viện Nghiên Cứu và Giảng Dạy về Đàm Phán, người Pháp thường đồng hóa sự thỏa hiệp, kết quả tự nhiên của một cuộc đàm phán, với một hành vi nhượng bộ hay lùi bước. Tuy nhiên, ở những nước Châu Âu khác, ở Đức hay ở các nước Bắc Âu, đàm phán trái lại là một hoạt động cao cả gắn liền với lợi ích chung, góp phần nâng cao giá trị của những người tham gia.
Đối với Le Point, đàm phán có thể là thuốc giải độc cho bạo lực, cho phép giải quyết trong danh dự những xung đột vốn có trong bất kỳ xã hội loài người nào, từ những trắc trở trong cuộc sống hàng ngày, đến các xích mích ngoại giao giữa các quốc gia.
Theo tuần báo Pháp, bất kể mục tiêu hơn thua, bối cảnh, số lượng các bên tham gia, nghệ thuật đàm phán tốt đều tuân theo một số nguyên tắc được áp dụng trong mọi lĩnh vực. Lionel Bellenger, cựu giáo sư triết học, hiện giảng dạy môn đàm phán tại trường cao đẳng thương mại HEC xác định : « Đàm phán có vị trí trung tâm trong mọi quan hệ xã hội và đòi hỏi một số đức tính bất di bắt dịch nơi người tham gia, cho dù đó là đàm phán ngoại giao, đàm phán thương mại hay chỉ đơn thuần là việc tìm kiếm một thỏa hiệp trong hôn nhân ».
Đức tính đầu tiên là biết lắng nghe, vì giải pháp cho vấn đề hầu như lúc nào cũng nằm trong những gì mà đối phương nói.
Đức tính thứ hai là tôn trọng đối phương. Tốt hơn hết là không nên tận dụng quá mức lợi thế mà mình đã giành được, bởi vì nếu đè bẹp đối thủ, ta có nguy cơ phải trả giá về sau về hành vi sỉ nhục đó.
Đức tính thiết yếu cuối cùng theo Lionel Bellenger là tính chất thực tế, biết thích nghi : « Đàm phán không phải là để chứng tỏ rằng mình đúng, mà là để có được sự đồng ý của đối phương. Đây là hai điều rất khác nhau ».
|