Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

24 Pages«<1617181920>»
Nhac & Bảo Tàng tranh ảnh nghệ thuật...
viethoaiphuong
#341 Posted : Sunday, January 6, 2019 10:55:39 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 05 tháng 1 năm 2019

20 năm vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris


Hai tác giả Luc Plamondon và Richard Cocciante cùng với đoàn diễn viên Nhà thờ Đức Bà Paris nhân đợt biểu diễn năm 2001
Vanina Lucchesi / AFP

Trong giới yêu nhạc Pháp, hầu như ai cũng biết Richard Cocciante là người đã soạn nhạc (tác giả Luc Plamondon đặt lời) cho toàn bộ vở kịch Nhà thờ Đức Bà Paris. Thế nhưng ít ai biết rằng một trong những nguyện vọng của tác giả này là đem vở nhạc kịch Notre Dame de Paris đến biểu diễn tại Sài Gòn, nơi ông từng sinh ra.

Tác giả Richard Cocciante từng có tuyên bố như trên khi trả lời phỏng vấn báo Le Parisien (số ra ngày 26/12/2018) nhân đợt biểu diễn kỷ niệm 20 năm vở nhạc kịch Notre Dame de Paris. Trong hai thập niên qua, tác phẩm này đã được trình diễn tại 21 quốc gia trên thế giới kể cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và tại nhiều nước châu Âu.

Richard Cocciante sinh tại Sài Gòn năm 1946 trong một gia đình có hai dòng máu, bố người Ý mẹ người Pháp. Ông sống ở Việt Nam cho tới năm 10 tuổi, sau đó ông theo bố mẹ trở về châu Âu. Có lẽ cũng vì thế mà tác giả Richard Cocciante hy vọng một ngày nào đó sẽ nhìn thấy bản gốc vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris được biểu diễn tại Việt Nam (cho dù đã từng có kế hoạch tại Việt Nam dựng bản phóng tác của nhạc sĩ Vũ Huy Tiến từ vở nguyên tác tiếng Pháp vào năm 2014).

Năm nay tròn 20 tuổi, Nhà thờ Đức Bà Paris phiên bản mới đã thay đổi toàn bộ thành phần diễn viên. Ca sĩ người Canada Daniel Lavoie là gương mặt duy nhất đã từng tham gia vào nguyên tác (trong vai cha xứ Frollo), từ đợt biểu diễn đầu tiên cho tới phần ghi âm bản chính gốc. Ngoại trừ tên tuổi này ra, hầu hết các nghệ sĩ còn lại đều là gương mặt mới : Hiba Tawaji ca sĩ người Liban vào vai Esmeralda (thay thế cho Hélène Ségara), ca sĩ người Ý Angelo del Vecchio xuất hiện trong vai thằng gù Quasimodo (sau nam danh ca Garou đến từ vùng Québec), còn Martin Giroux thay thế nam danh ca người Pháp Patrick Fiori trong vai diễn Phoebus …..

Khi chọn biểu diễn tại nhà hát Palais des Congrès (ở Paris) cho tới ngày 06/01/2019, một cách tượng trưng, đoàn diễn viên trở về với cội nguồn, nơi mọi chuyện đã bắt đầu hai thập niên trước, bởi vì cách đây đúng 20 năm, tác phẩm Nhà thờ Đức Bà Paris đã ra mắt công chúng trên cùng một sân khấu. Lần này, ngoài sinh nhật 20 tuổi, đoàn diễn viên còn ăn mừng một sự kiện khác đầy ý nghĩa : từ khi ra đời cho tới tận ngày 06 tháng Giêng 2019, vở kịch này đã được biểu diễn đúng năm ngàn lần trên sân khấu.

Được phóng tác từ quyển tiểu thuyết cùng tên của văn hào Victor Hugo, vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris thành công trước hết nhờ cốt truyện sống động hấp dẫn cộng thêm với những giai điệu cực kỳ dễ nhớ. Thế nhưng, theo lời kể của tác giả Richard Cocciante, vào thời ấy chẳng có nhà sản xuất nào chịu bỏ tiền ra để tài trợ cho việc dàn dựng tác phẩm này trên sân khấu. Vào giữa những năm 1990, thể loại nhạc kịch bị cho là lỗi thời, ít có khả năng thu hút khán thính giả.

Nhà sản xuất Charles Talar là người duy nhất đã đồng ý đầu tư vào dự án này sau khi được nghe một số ca khúc chủ đạo đánh bằng đàn piano. Điều đó có thể giải thích vì sao hai tác giả Luc Plamondon và Richard Cocciante đã mất hơn 5 năm trời để hoàn thành tác phẩm. Những ca khúc đầu tiên viết cho vở kịch (hai nhạc phẩm Belle và Vivre) từng được sáng tác kể từ năm 1993 nhưng mãi đến năm 1998 mới được ghi âm và phổ biến.

Giai điệu đã làm cho nhà sản xuất Charles Talar phải xiêu lòng chính là nhạc phẩm Belle (có nghĩa là Người Đẹp hay Giai Nhân). Chính ông đã đề nghị phát hành trước bài hát này dưới dạng đĩa đơn để thăm dò phản ứng của người nghe, tầm vóc và quy mô của kế hoạch dàn dựng vở nhạc kịch trên sân khấu còn tùy theo sự đón nhận của công chúng. Kết quả là nhạc phẩm Belle lập kỷ lục số bán với tổng cộng hơn 2,5 triệu bản, bài hát cũng được xếp hạng cao trong vòng 60 tuần lễ liên tục, trong đó có 18 tuần ngự trị ở hạng đầu thị trường Pháp và sau đó đoạt giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique dành cho ca khúc hay nhất trong năm (1999). Một số bài khác cũng giành được vị trí quán quân chẳng hạn như nhạc phẩm Le Temps des Cathédrales (Kỷ nguyên Thánh đường) hay là Vivre (Sống) tính cả hai phiên bản của hai nữ ca sĩ Noa và của Hélène Ségara.

Về phần mình, tác giả Luc Plamondon cho biết ông đã lấy cảm hứng để đặt lời cho ca khúc Belle, sau khi được xem lại bộ phim ‘‘Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà’’ Paris của đạo diễn Jean Delannoy với Gina Lollobrigida và Anthony Quinn trong vai chính. Trong đoạn phim Quasimodo bị phạt tội, phải quỳ gối và bị trói bằng dây xích, cho nên Thằng Gù mới thốt lời than van và xin Giai Nhân làm ơn cứu kẻ tật nguyền (Thằng Gù Quasimodo gọi tên Belle trong cách xưng hô chứ không hề dùng tên Esmeralda). Động lòng thương xót kẻ xấu số, người đẹp Esmeralda mới đem bình rót nước uống cho tội phạm khỏi chết khát, bất kể hình dung ghê tởm dị hợm của Thằng Gù.

Bản nhạc Belle trở thành bài hát cực kỳ phổ biến của vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris, từng được dịch trong nhiều thứ tiếng khác nhau kể cả tiếng Anh, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha, Nga, Tiệp, Belarus, Ba Lan, Hàn Quốc ….. Còn trong tiếng Việt bài này có đến hai lời ca khác nhau. Phiên bản tiếng Việt đầu tiên từng được Bằng Kiều, Nguyên Khang, Tiến Dũng cùng thể hiện. Tác giả Hà Quang Minh đặt lời thành nhạc phẩm ‘‘Ta Vẫn Yêu Người’’ với những câu như sau :

Tìm làn mây trôi, trôi về cuối nơi chân trời xa vời. Lòng thầm nghe bao sầu lắng trong tim người cười nói. Ôi nỗi nhớ như êm mãi mưa hoài từng phút hiu quạnh. Ta bỗng mơ về giấc mơ chẳng thể tìm đến. Tình như bóng dáng trăng cao bao ngày nào đâu tới được. Tình như những ánh sao xa cho lòng chất thêm u hoài. Ðể mình ta mãi mãi mang theo khát vọng, mình ta thở dài. Mình ta mãi mãi trông mong giấc mơ xa vời. Nào có ai người sẽ đến bên đời ru giấc rã rời. Chỉ có nỗi buồn cùng những đêm ngà nhìn bóng trăng tàn ……

Phiên bản tiếng Việt thứ nhì của bài Belle (Nàng) cũng từng được Trần Thái Hoà, Thế Sơn, Trịnh Lam ghi âm thành một bài tam ca khác. Trong cách chuyển ngữ, tác giả Thái Thịnh đã đặt lời gần sát hơn với nguyên tác qua những câu mở đầu :

Nàng là một nhan sắc tuyệt thế giữa nhân gian. Nàng là bông hoa mỹ miều hóa công đã ban tặng. Ôi như cánh chim tuyệt vời giữa xuân ngời rực rỡ khung trời. Tôi thấy đang mở rộng dưới chân mình địa ngục tăm tối. Hồn tôi đắm đuối với nét khoe tươi gợn trên áo nàng. Ngàn muôn giáo huấn tín ngưỡng đức tin bỗng dưng phai tàn. Ai, nào ai nói đứng trước dung nhan nàng không rung động. Là đang nói dối giấu diếm con tim khát khao vô vọng. Tôi ước ao một lần bước chân thật gần đến bên nàng. Đan ngón tay vào dòng tóc êm đềm tựa suối thiên đàng ......

Đợt biểu diễn đầu tháng Giêng 2019 đánh dấu 20 năm ngày vở nhạc kịch Notre Dame de Paris ra đời. Không ai có thể ngờ rằng hai thập niên sau, tác phẩm này lại trở thành vở nhạc kịch Pháp nổi tiếng nhất ở nước ngoài với hơn mười ba triệu lượt khán giả trên thế giới. Hai tác giả người Ý Richard Cocciante (soạn nhạc) và người Canada Luc Plamondon (đặt lời) tiếp tục mang tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà Paris đi đánh xứ người từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á. Tiếng chuông ngân vang ấy vẫn còn vọng mãi trong lòng người mến mộ cho tới tận ngày nay.

viethoaiphuong
#342 Posted : Saturday, January 12, 2019 8:32:07 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 12 tháng 1 năm 2019

Tình khúc Joe Dassin qua các giọng ca nữ


Ca sĩ Joe Dassin (trái) và thân phụ là đạo diễn Jules Dassin, tháng Tư 1971 tại nhà hát Olympia, ParisAFP

Nếu còn sống năm nay Joe Dassin sẽ tròn 80 tuổi, do ông sinh ra vào cuối năm 1938. Thế nhưng, ông đã vĩnh viễn ra đi khá sớm, lúc ông mới ngoài 40 tuổi. Gần bốn thập niên sau ngày Joe Dassin qua đời, giới hâm mộ giọng ca này nay đã già đi nhưng vẫn trung thành như thuở nào.

Đầu năm 2019, bộ toàn tập Joe Dassin gồm 14 cuộn CD được tái bản. Khác với những lần trước, bộ đĩa này gồm 13 album phòng thu theo trình tự thời gian (được Joe Dassin ghi âm trong giai đoạn những năm 1966-1979) được bổ sung thêm một tuyển tập chọn lọc gồm những ca khúc ít được phổ biến, chẳng hạn như những ca khúc đầu tay của Joe Dassin, lúc ông mới vào nghề.

Theo ông Jean-Claude Robrecht, chủ tịch Hội Những người hâm mộ Joe Dassin, năm 2019 đánh dấu đúng 60 năm ngày nam ca sĩ thực hiện bản ghi âm đầu tiên. Vào năm 1959, Joe Dassin lúc ấy mới 21 tuổi ghi âm ca khúc chủ đề cho bộ phim "La Loi" (Luật Pháp) tựa tiếng Ý là "La Legge", còn tiếng Anh là "Where the Hot Wind Blows", do thân phụ của ông là Jules Dasin làm đạo diễn. Bộ phim tập hợp dàn diễn viên nổi tiếng thời bấy giờ là Marcello Mastroianni, Yves Montand và Pierre Brasseur xung quanh ngôi sao màn bạc người Ý Gina Lollobrigida. Vào thời ấy, ông ghi âm với tên thật của mình là Joseph Ira Dassin.

Joe Dassin chỉ thật sự thành danh và trở nên quen thuộc với công chúng Pháp từ năm 1969, thời ông hay chuyển ngữ phóng tác sang tiếng Pháp các bản nhạc pop hay country nổi tiếng của làng nhạc Anh Mỹ. Nhạc phẩm Yellow River chẳng hạn trở thành L’Amérique trong tiếng Pháp, một cách để nhắc nhở nguyên quán của ca sĩ người Mỹ, cho dù ông cbủ yếu hát tiếng Pháp.

Trên album tưởng niệm Joe Dassin, các giọng ca nữ của Canada chủ yếu ghi âm (cover) những bản nhạc ăn khách từ năm 1969 trở đi, nhưng thật ra Joe Dassin đã bắt đầu sự nghiệp từ một thập niên trước, tính từ lúc ông thực hiện bản ghi âm đầu tay vào năm 1959. Còn album phòng thu đầu tiên của Joe Dassin được thực hiện vào năm 1964 nhưng mãi tới năm 1966 mới được phát hành.

Rốt cuộc ông phải mất đúng 10 năm để khẳng định vị thế của mình, để được công nhận như một tên tuổi lớn trong làng nhạc Pháp. Những bản nhạc ăn khách của Joe Dassin từng được nhiều thế hệ nghệ sĩ hát đi hát lại, và đó chủ yếu là những giọng ca nam (Tuyển tập ‘‘Ils chantent Joe Dasin’’ phát hành vào năm 1998), trước khi có phong trào mời các nghệ sĩ trẻ ghi âm các tập nhạc ‘‘tribute’’ để tưởng niệm các tài năng đã khuất hoặc để vinh danh các nghệ sĩ đàn anh còn sống.

Mãi tới năm 2007, Isabelle Boulay (Mon Village au bout du Monde) cũng như Amel Bent (L’Été Indien) mới đem lại những bản phối rất thoáng và rất mộc, khác với sắc thái (nói nôm na là rất màu mè) của dòng nhạc nhẹ những năm 1970 mà ta thường được nghe nơi Joe Dassin. Cách đây 5 năm, đến phiên Hélène Ségara dành trọn một album gồm 13 bài song ca ảo, hòa quyện kết hợp tiếng hát của cô với giọng ca của Joe Dassin. Trên album này không hẳn bài nào cũng đạt, lối hoà âm hơi máy móc điện tử đôi khi lại phản tác dụng, trong một số bài, Hélène Ségara đã không làm mất đi cái hồn của bản nhạc nguyên tác.

Còn trên album mang tựa đề Elles chantent Dassin cũng vậy. Những bài hát của nam danh ca người Pháp gốc Mỹ lại có thêm những bản hoà âm mới. Lối phối khí khi thì thiên về dòng nhạc folk hay country, lúc thì rất bossa nova khoác lên trên những giai điệu nổi tiếng của Joe Dassin những lớp màu sắc khác lạ. Tuy nhiên, những giọng ca nữ hợp với dòng nhạc của ông vẫn là những giọng ca trung trầm (như Susie Arioli hay là France d’Amour) …..

Lúc sinh tiền, Joe Dassin thật sự nổi tiếng sau khi chọn đúng hướng đi của ông. Sau thời gian đầu hát những ca khúc khôi hài dí dỏm, ông thật sự tỏa sáng và ngự trị trên đỉnh cao trong một thập niên liền, khi chuyển qua hát nhạc tình. Joe Dassin nổi tiếng nhờ có giọng nam trung ‘‘baryton basse’’, khi hát toàn hơi ông chủ yếu dùng giọng ngực chứ ít khi nào sử dụng giọng óc. Âm sắc của chất giọng nam trung (baryton) vốn đã trầm ấm, biểu cảm.

Nơi Joe Dassin, chất giọng của ông lại càng cực kỳ mùi mẫn ở những nốt thật trầm (bass), nhờ có âm lượng và uy lực, nên giọng ca nghe có chiều sâu và bề dày, khi hát mạnh vẫn đầy đặn, êm ả, chứ không hề đanh thép. Có lẽ cũng vì thế mà trong giai đoạn đăng quang, đạt tới tột đỉnh huy hoàng trong những năm 1971-1977, hầu hết các ca khúc viết cho Joe Dassin đều khai thác cách hát thật trầm với những vết gãy có duyên trong cách nhã chữ.

Điều đó có thể giải thích vì sao khi nghe các bản nhạc của Joe Dassin qua lối trình bày của các giọng ca nữ, giới hâm mộ lại càng muốn tìm lại các bản nhạc gốc của Joe Dassin, do ông ghi âm từ nhiều thập niên trước. Gần bốn mươi năm sau ngày nam danh ca gốc Mỹ qua đời, giới hâm mộ tiếng hát này, nay có thể không còn đông đảo, nhưng vẫn say mê cuồng nhiệt như thuở nào.



viethoaiphuong
#343 Posted : Monday, January 14, 2019 11:24:33 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Paris : Michael Jackson qua lăng kính hội họa đương đại


Kehinde Wiley: Michael Jackson được vẽ phỏng theo bức họa hoàng đế Pháp Philip II.
Kehinde WileCollection Olbricht © Kehinde Wiley

Minh Anh - RFI - ngày 12 tháng 1 năm 2019
Chín năm sau ngày Michael Jackson từ giã cõi đời, một cuộc triển lãm mang tên « Michael Jackson : On the Wall » đã được mở ra ở Grand Palais, tại thủ đô nước Pháp. Người xem có dịp khám phá làm thế nào hình ảnh ông hoàng nhạc Pop hiện diện khắp nơi và nhất là làm thế nào hình ảnh, tác phẩm và cuộc đời ông đã mang lại cảm hứng cho giới họa sĩ đương đại.

Tổng cộng có khoảng 120 tác phẩm (hình ảnh, hội họa, video) đã được trưng bày tại Đại Điện (Grand Palais) ở Paris. Từ một bức chân dung giản dị hai mầu đen trắng của họa sĩ Trung Quốc Yan Pei Ming, cho đến bức họa cao ba mét theo trường pháp Rubens, cho thấy hình ảnh một Michael Jackson ngồi trên lưng ngựa phỏng tác theo bức họa hoàng đế Pháp Philippe II.

Cô Vanessa Desclaux, phụ trách cuộc triển lãm, được tổ chức với sự kết hợp National Portrait Gallery de Londres giải thích với phóng viên đài RFI :

« Chúng tôi buộc phải hạn chế bớt. Khi tôi bắt tay vào dự án này, tôi đã quá đỗi ngạc nhiên khi phát hiện ra danh sách các tác phẩm. Có nhiều cách giải thích : làn sóng truyền thông, nhiều hình ảnh Michael Jackson lưu truyền trên các mạng truyền thông. Rồi tác động mà Michael Jackson tạo ra trong các clip video. Những sáng tạo mà ông ấy trình làng trong các buổi trình diễn và cũng có việc Michael Jackson được nuôi dưỡng cảm hứng từ nhiều nghệ sĩ khác nhau. Tôi nghĩ là rất nhiều họa sĩ đã rất nhậy cảm về điều này ».

Có nghệ sĩ thì lấy cảm hứng từ một số phận bi kịch của ông hoàng nhạc pop. Nhưng số khác lại cho ông một nét mặt rạng ngời… Bất kể đó là một Michael Jackson như thế nào đi chăng nữa, nhắc đến ông là người ta nghĩ đến điệu nhảy « Moon Walk » bất hủ.


viethoaiphuong
#344 Posted : Tuesday, January 15, 2019 12:59:03 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Pháp tôn vinh Leonardo da Vinci nhân 500 năm ngày giỗ


Ảnh chụp bản chương trình kỷ niệm Viva Leonardo da Vinci
Tuấn Thảo / RFI

Tuấn Thảo - RFI - ngày 15-01-2019
Năm 2019 đánh dấu 500 năm ngày Leonardo da Vinci qua đời. Sinh trưởng tại vùng Toscane của Ý, ông từ trần vào năm 1519 tại Amboise. Do vậy, năm nay vùng sông Loire nói riêng và nước Pháp nói chung đều long trọng tổ chức chương trình kỷ niệm thiên tài người Ý, tên tuổi của ông gắn liền với thời Phục Hưng.

Năm 1519 không những là năm Leonardo da Vinci (tiếng Pháp là Léonard de Vinci) qua đời, đó còn là thời điểm khởi công xây dựng lâu đài Chambord theo chỉ dụ của nhà vua François đệ nhất. Trong cùng một năm, Catherine de Médicis thuộc dòng dõi ‘‘Công tước truyền đời’’ đã sinh ra tại thành phố Florence (Firenze). Catherine de Medicis (1519-1589) sau đó trở thành hoàng hậu Pháp khi thành hôn với vua Henri đệ nhị (1533-1559).

Tất cả những nhân vật nổi tiếng này đều đã đóng một vai trò quan trọng trong việc đem phong trào nghệ thuật Phục Hưng từ nước Ý du nhập vào Pháp. Phong trào Phục Hưng đặc biệt phát triển tại vùng sông Loire của Pháp. "Chiêu hiền đãi sĩ", nhiều đời vua Pháp đã tuyển mộ rất nhiều nghệ sĩ và nhân tài, các nhà trí thức hay kiến trúc sư để phát huy luồng tư tưởng tiên phong cũng như cả một nghệ thuật sống tại vùng sông Loire. 500 năm ngày giỗ của Leonardo da Vinci cũng có nghĩa là thời Phục Hưng khởi đầu cách đây 5 thế kỷ.


Bức tượng Leonardo da Vinci trước nhà hát Tosca de Milano
Tuấn Thảo / RFI

Ngoài Chambord, nhiều lâu đài khác cũng tham gia vào chương trình này. Trong đó, nổi tiếng nhất là các lâu đài Azay le Rideau, Valençay, Blois, Chenonceau và dĩ nhiên là lâu đài Clos Lucé, nguyên là nơi sinh sống và làm việc cuối cùng của nhà bác học Leonardo da Vinci. Do ông là cánh chim đầu đàn và hơn ai hết ông là gương mặt tiêu biểu nhất, nếu không nói là hiện thân của phong trào Phục Hưng của Ý. Qua hàng chục sinh hoạt lớn nhỏ khác nhau bắt đầu từ mùa xuân năm 2019, vùng sông Loire tìm cách tái tạo thời kỳ thịnh vượng này về mặt nghệ thuật và văn hóa thông qua một chương trình sự kiện phong phú, đa dạng.

Tâm điểm mùa lễ hội nằm tại lâu đài Clos Lucé, tư gia cuối cùng của thiên tài người Ý. Một cuộc triển lãm lớn diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/2019, khai thác mối tương quan giữa Leonardo da Vinci với vua François đệ nhất, dẫn tới việc thực hiện bức kiệt tác ‘‘Bữa ăn tối cuối cùng’’ (L'Ultima Cena) của Đức Chúa Giê Su với các môn đồ (1495-1498). Bức họa này nằm trên tường tu viện Santa Maria thành phố Milano, không thể nào di chuyển được. Để thay thế, một tấm thảm dệt theo bức bích họa được thực hiện tại Vatican sẽ được trưng bày tại lâu đài Clos Lucé.

Cách đó không xa, lâu đài Amboise tổ chức triển lãm theo chuyên đề ‘‘1519, ngày giỗ của Leonardo da Vinci’’ xoay quanh bức tranh sơn dầu và bộ sưu tập tranh khắc ‘‘Cái chết của Leonardo da Vinci’’ của danh họa François Guillaume Ménageot (1744-1816), cho thấy tài năng của thiên tài người Ý tiếp tục gợi hứng cho nhiều nghệ sĩ đời sau. Một cách tương tự, Viện bảo tàng Sologne và Quỹ Fondaton du Doute tại Blois tổ chức chương trình sinh hoạt theo chủ đề "Nguồn cảm hứng của Leonardo da Vinci" tồn tại cho đến tận bây giờ.

Riêng lâu đài Chambord sẽ tổ chức cùng lúc hai sự kiện do ngày giỗ của Leonardo da Vinci cũng đánh dấu ngày khởi công xây dựng Château de Chambord. Cuộc triển lãm ‘‘Chambord 1519-2019’’ là giao điểm giữa quá khứ và tương lai, từ tháng 5 đến tháng 10/2019, dựa vào bề dày lịch sử của lâu đài, ban tổ chức đã mời nhiều kiến trúc sư quốc tế thử đưa ra một tầm nhìn xa, dùng máy vi tính và công nghệ cao cấp để thực hiện một sơ đồ hiện đại ba chiều của lâu đài Chambord trong tương lai. Còn chương trình lễ hội chính thức kỷ niệm 500 năm lâu đài Chambord sẽ diễn ra từ ngày 28/06 đến ngày 13/07/2019.

Hoàng hậu Catherine de Médicis cũng là một nhân vật lịch sử quan trọng đối với thời Phục Hưng, đặc biệt thông qua cuộc triển lãm "Các bức thảm của Hoàng hậu" tại lâu đài Chaumont sur Loire, từ tháng 9 đến tháng 12/2019. Song song với cuộc triển lãm này, còn có chương trình liên hoan "Nghệ thuật Sống thời Phục hưng" tại lâu đài Châteaudun, giới thiệu trang phục cũng như nghệ thuật ẩm thực có từ thế kỷ XVI. Tương truyền rằng bánh hạnh nhân macaron chính là do Catherine de Médicis đem từ nước Ý vào Pháp những năm 1533-1534 khi bà thành hôn với Henri đệ nhị và sau đó trở thành hoàng hậu nhiếp chính của nước Pháp.

Từ tháng 5 cho tới tháng 10/2019, lâu đài Villandry tổ chức chương trình ‘‘Đêm muôn ánh lửa’’, khi toàn bộ lâu đài chỉ được thắp sáng bằng nến, chứ không hề dùng đèn điện. Còn Azay-le-Rideau thử dùng công nghệ tối tân, đèn laser để thắp sáng lâu đài qua một chương trình biểu diễn kết hợp âm thanh và ánh sáng. Lâu đài Valençay tổ chức cùng lúc nhiều sự kiện trong đó có liên hoan Talleyrand và lễ hội âm nhạc xung quanh các nhạc khí thịnh hành vào thời Phục hưng.

Đó là những sự kiện quan trọng nhất, bên cạnh đó còn có nhiều thành phố khác như Orléans, Bourges, Blois, Amboise, Chambord hay là Tours đều có tổ chức chương trình chiếu ánh sáng theo chủ đề Phục Hưng lên các lâu đài và nhà thờ nổi tiếng nhất của các thành phố. Chương trình vinh danh Leonardo da Vinci kết thúc vào cuối năm 2019 với đỉnh điểm là các sinh hoạt văn hóa có tầm cỡ hàng đầu như triển lãm tại Trường Mỹ thuật Paris, đối chiếu tài năng hội họa của Leonardo da Vinci thông qua các bức phác họa với các tác phẩm của nhiều thế hệ nghệ sĩ như Raphael, Benozzo Gozzoli hay là Filippino Lippi. Viện bảo tàng của Công tước Henri d’Orléans tại Chantilly tổ chức triển lãm xung quanh bức tranh ‘‘Joconde khỏa thân’’ theo trường phái của thiên tài người Ý.

Cuối cùng, từ 24/10/2019 cho tới cuối tháng Hai năm 2020, Viện bảo tàng Louvre dàn dựng cuộc triển lãm cực kỳ hoành tráng về Leonardo da Vinci. Cho tới nay, Louvre luôn trưng bày nhiều bức kiệt tác của thời Phục Hưng, trong đó có La Joconde của ông. Lần này, ngoài bộ sưu tập của Louvre, còn có thêm các tác phẩm đến từ Pinacoteca de Breira thành phố Milano (Portrait de Musicien), Viện bảo tàng thành phố Parma (La Scapigliata), Viện bảo tàng Mỹ thuật Venise (L’Homme de Vitruve), Viện bảo tàng Vatican (Saint-Jérôme) cũng như Viện Bảo tàng Florence (L’Annonciation & L’Adoration des Mages).

Sở dĩ Louvre là viện bảo tàng cuối cùng tôn vinh Leonardo da Vinci do đã từng có tranh luận giữa Pháp và Ý liên quan tới việc cho mượn các tác phẩm nổi tiếng của Ý. Ban điều hành Viện bảo tàng Louvre giữ lễ bằng cách chờ cho tới khi nào triển lãm tại các bảo tàng Ý kết thúc thì lúc ấy Louvre mới tổ chức chương trình kỷ niệm, đúng theo phương châm : tiên chủ hậu khách.

viethoaiphuong
#345 Posted : Sunday, January 20, 2019 10:57:32 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 19 tháng 1 năm 2019

Maurane, hành trình cuối cùng với Jacques Brel


Tuyêrn tập Brel được phát hành 5 tháng sau ngày Maurane qua đời
© RFI/Edmond Sadaka

Trong số các dự án tưởng niệm thần tượng Jacques Brel nhân 40 năm ngày giỗ của nam danh ca quá cố, có đĩa nhạc của ca sĩ Maurane được nhiều khách hâm mộ chờ đợi hơn cả. Cả hai nghệ sĩ đều là người Bỉ, lập nghiệp tại Pháp. Và giờ đây, cả hai đều không còn trên cõi đời này.

Maurane đã đột ngột qua đời vì lên cơn đau tim vào đầu tháng 5 năm 2018, mà khi nghe lại giọng hát của cô, giới hâm mộ lại càng ngẩn ngơ thương tiếc. Được phát hành vào trung tuần tháng 10/2018, tập nhạc này được cho ra mắt 5 tháng sau ngày Maurane từ trần. Theo lời cô con gái của nữ ca sĩ (Lou Villafranca 25 tuổi), dự án ghi âm ban đầu bao gồm 14 ca khúc, nhưng sau khi nghe đi nghe lại nhiều lần, gia đình cô đã quyết định loại bỏ hai ca khúc dí dỏm vui nhộn, cho rằng những ca khúc ấy không còn thích hợp với một dự án ghi âm mà cả tác giả lẫn người diễn đạt đều đã không còn trên cõi đời này. Cùng với nhóm nhạc sĩ chuyên đi biểu diễn với Maurane, cô con gái đã hoàn tất phần hậu kỳ cho album, đồng thời cô đã vẽ hình bìa cho đĩa hát.

Lúc còn sống, Maurane đã ráo riết chuẩn bị đĩa nhạc tưởng niệm bậc thầy Jacques Brel kể từ mùa xuân năm 2018. Dự án này từng được nữ danh ca người Bỉ ấp ủ trong vòng 15 năm trời, mỗi lần cô lên sân khấu, dòng nhạc của Brel vẫn thường được đưa vào trong danh sách các ca khúc biểu diễn. Sau nhiều năm đi hát, trước sự khuyến khích của gia đình cũng như sự thúc giục của giới đồng nghiệp, Maurane nghĩ rằng đã đến lúc cô nên ghi âm những ca khúc đã đồng hành với mình trong suốt cuộc đời ca hát.

Xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, bố là một nhà soạn nhạc (kiêm giám đốc nhạc viện thành phố Verviers), mẹ là giáo sư dương cầm, Maurane từ nhỏ đã thấm nhuần dòng máu nghệ thuật của song thân. Chính với dòng nhạc Jacques Brel mà Maurane đã chọn khởi nghiệp sân khấu. Năm 19 tuổi, Maurane đã diễn một trong những vai chính của vở nhạc kịch ‘‘Jacques Brel en Mille temps’’ của tác giả Albert-André Lheureux.

Thời còn trẻ, Maurane chủ yếu hát những ca khúc trào phúng của Brel về gia đình, xã hội nhiều hơn là tình cảm lứa đôi, do theo cô, dòng nhạc tình của Brel đòi hỏi nơi người diễn đạt rất nhiều kinh nghiệm từng trải. Mãi tới năm 1996, tức là hai năm sau khi Maurane đoạt giải thưởng Victoires de la Musique dành cho tài năng xuất sắc nhất khối Pháp ngữ, Maurane mới ghi âm nhạc phẩm ‘‘Quand on n’a que l’amour’’ (Khi ta chỉ có tình yêu) hát cùng với Céline Dion nhân đợt biểu diễn gây quỹ giúp đỡ Các quán ăn tình thương Les Restos du Cœur, với lối diễn đạt dày dặn chín muồi.

Brel và Maurane là hai tâm hồn nghệ thuật khác nhau. Brel có lối biểu hiện cực kỳ sinh động, diễn đạt qua từng ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ, bài hát không chỉ có hồn nhờ cách hát, mà còn thêm chiều sâu nhờ ngôn ngữ của toàn cơ thể, có lẽ vì thế là Brel dù chỉ đứng một mình trên sân khấu, nhưng ông vẫn có thể hớp hồn toàn bộ khán giả trong thính phòng.

Khác với bậc đàn anh, Maurane có phong cách kín đáo trầm lắng, có lẽ cũng vì thế mà cô chọn hát những ca khúc dễ gợi lên khung cảnh trầm tư mặc tưởng, nhờ vào lối hoà âm phối khí rất mộc, đôi khi chỉ cần đệm duy nhất bằng tiếng đàn piano, mà giọng ca của Maurane vẫn làm dấy lên được những trận cuồng phong trong tâm hồn, cảnh đắm thuyền lúc hoàng hôn.

Cho dù một số bài hát trên album tưởng niệm Brel chẳng hạn như bài ‘‘Rosa’’ hay là ‘‘Vesoul’’ đã mất đi phần nào tính phổ quát do hình ảnh địa danh, cung cách con người hay nếp sống xã hội đã quá nhiều thay đổi, nhưng khi nói về tình cảm, thì hiếm có tác giả nào trong làng nhạc Pháp diễn đạt sự đỗ vỡ hay bằng tác giả Jacques Brel. Mỗi nghệ sĩ một vế, mỗi người một con đường nhưng cả hai bên (Brel và Maurane) đều muốn đến cùng một bến, họ tìm cách diễn đạt một cách trọn vẹn nhất cái tình cảm mất mát thiệt thòi, trầm luân kiếp người. Với tâm trạng của người vừa lỡ chuyến, tác giả khóc cho những gì mình đang đánh mất, dù có biết nhưng vẫn không cứu vãn được gì …….

Bên cạnh những tình khúc để đời như "Ne me quitte pas" (Đừng lìa xa anh), "La chanson des Vieux Amants" (Bài hát của đôi tình nhân già), hay là "La Quête" (Hạnh phúc đi tìm), Maurane chủ yếu chọn những bản nhạc ít quen thuộc hơn với công chúng (không có các bài hát như Amsterdam, Bruxelles hay là Le Plat Pays) nhưng vẫn cho thấy cái tài nghệ sáng tác của Brel trong cách sắp chữ đặt lời, chẳng hạn như trong bài "Je ne sais pas" (Ta không biết), về mặt cấu trúc và ý tứ, bản nhạc này đã gợi hứng rất nhiều cho tác giả Jean Jacques Goldman sáng tác sau đó bản nhạc cùng tên cho Céline Dion.

Nhạc phẩm "Je ne sais pas" được xây dựng trên một ý tưởng chủ đạo : trên đời này điều gì ta cũng biết, nhưng một cuộc sống không còn hay không có (tình yêu của) người, thì ta không hề biết. Bài hát được viết như một niệm khúc cuối do nhân vật trong bài hát tiên đoán cái chết của chính mình, ý tưởng của bản requiem gói trọn trong những lời trăn trối. Có lẽ ngay cả Maurane cũng không ngờ rằng chuyến song hành với Brel lại là cuộc hành trình cuối đời về tới bên kia thế giới. Bản nhạc này có câu :

Không biết vì sao sương mù

Quanh tim bọc khăn che phủ

Thoi thóp hồn chuông nhà thờ

Cầu mong tình đừng tắt thở

viethoaiphuong
#346 Posted : Tuesday, January 29, 2019 7:28:30 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Mai Vân - RFI - ngày 28-01-2019

Hàn Quốc không hẳn là thiên đường cho giới trẻ mê K-pop


Nhóm k-pop BTS phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, tháng 9/2018.
Mark GARTEN / AFP

Trong những năm gần đây, trào lưu K-pop xuất phát từ Hàn Quốc đã chinh phục thanh niên cả thế giới, trong đó có rất nhiều người Pháp. Quê hương của K-pop đã trở thành một nơi đầy sức quyển rũ, thu hút biết bao thanh thiếu niên từ khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng thực tế đôi khi không chỉ toàn màu hồng, điều đã được tạp chí Pháp Le Point đề ngày 24/01/2019 nêu bật trong bài phóng sự mang tựa đề : « Hàn Quốc, miền đất hứa của thế hệ Millennial », đặc biệt là ở Pháp.

Millennnial là thuật ngữ tiếng Anh dùng để chỉ thế hệ sinh trong những thập niên 1980, 1990 và đã trưởng thành khi nhân loại bước qua thế kỷ 21.

Đặc phái viên Le Point đã bắt đầu phóng sự bằng cách đưa độc giả đến tận Seoul, tìm hiểu về sinh hoạt của một thành phần du khách đặc thù của xứ sở kim chi : Những du khách là fan K-pop.

Ngay dưới tầng hầm một tòa nhà ở Hongdae, khu sinh viên ở Seoul, phóng viên Le Point đã tiếp xúc được với hai mẹ con người Pháp, vừa kết thúc 1 tiếng rưỡi đồng hồ học nhảy K-pop.

Người mẹ vui sướng tiết lộ : « Tôi rất mê nhảy múa. Tại đây thì tuyệt vời ». Bà theo một khóa học riêng ở trường Real K-pop Dance School, một cơ sở đã khéo biết tập trung vào lớp khách hàng vốn là những người hâm mộ K-pop đến từ 5 châu.

Chính cô con gái 15 tuổi của phụ nữ này là người đã biến mẹ mình thành fan K-pop. Cô bé giải thích : « Cách đây 3 năm, cháu khám phá ra một video của ban nhạc Hàn Quốc BTS và đã mê ngay. Cháu rất thích lối diễn xuất của họ… và họ lại rất đẹp trai ».

Thế là cô bé đã thuyết phục được gia đình đến tận Los Angeles để xem nhóm BTS trình diễn, rồi sau đó thuyết phục được gia đình đến viếng Hàn Quốc, xứ sở của nhóm thần tượng của mình. Ước mơ của cô là đến học ở Hàn Quốc một khi xong tú tài.

Tại thành phố Papeete, ở Tahiti, nơi gia đình này sinh sống, cô gái đã lập ra một nhóm girls band, mẹ của cô thì giúp thành lập một fan club Hàn Quốc trên toàn đảo. Và cả gia đình đều vui sướng với phim bộ và diễn viên Hàn Quốc.

BTS : Biểu tượng toàn cầu của K-pop

Biểu tượng của K-pop hiện nay gói trong ba chữ BTS, từ viết tắt của Bangtan Sonyeondan, nghĩa là « Hướng đạo sinh trong áo giáp chắn đạn », tên của nhóm nhạc gồm 7 chàng trai đã chinh phục trái tim của thanh niên thế giới.

Theo Le Point, có thể xem BTS là hiện thân của ban nhạc The Beatles thế hệ YouTube. BTS là nhóm K-pop đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng Billboard của Mỹ, đã thu hút khán giả chật cứng nhà hát Bercy, Paris, hai lần vào tháng 10 năm 2018. Tại Berlin, Đức, 17.000 vé đã bán hết trong vỏn vẹn 9 phút.

Với 16 triệu « người theo - followers » trên Twitter, nhóm boys band này đã vừa chiếm lĩnh trang bìa tạp chí Mỹ Time Magazine. Được công nhận là lá cờ đầu của quyền lực mềm Hàn Quốc, BTS đã tháp tùng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhân chuyến công du Pháp hay đến phát biểu tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc

K-pop hướng tới thế giới sau khi chinh phục châu Á

Với BTS là mũi nhọn, « làn sóng Hàn Quốc Hallyu », vốn đã chinh phục Châu Á, giờ đây đang tràn qua các vùng ngoại ô Mỹ và tỉnh thành Pháp, và đã thu hút đông đảo thanh niên đi tìm miền đất hứa Eldorado đến xứ Triều Tiên.

Ở Seoul, các công ty Pháp nhận được vô số đơn xin việc của những thanh niên muốn thực hiên ‘giấc mơ Hàn Quốc’. Lượng người Pháp đến quê hương K-pop với visa « du lịch làm việc » đã tăng 50% từ năm 2013. Số sinh viên nước ngoài đã được nhân lên 12 lần từ năm 2003 và tăng thêm 18,8% vào năm 2017. Trong một thập niên, lượng sinh viên Pháp đến Hàn Quốc đã tăng gấp 6 lần, và đứng hàng thứ hai sau Mỹ.

Còn ở các khu đaị học Pháp, thì các sinh viên kháo nhau rằng Seoul là điểm hẹn vui chơi mới. Ở Itaewon, khu chơi đêm ở Seoul, người ta còn nghe âm hưởng tiếng Pháp nơi một số người phục vụ tại các quán.

Trên các mạng xã hội, những nhóm thảo luận về K-pop hay phim Hàn Quốc nhiều không kể xiết, và bằng nhiều thứ tiếng.

Sự lan tỏa của văn hóa Hàn Quốc đã bắt đầu từ một thập niên và gây bất ngờ cho giới phụ huynh ngày nay . Một bà mẹtham dự ngày Korea Day, tại Lyon gần đây, tập hợp 3000 fan K-pop đã không giấu được nỗi hoang mang : « Con gái tôi, 12 tuổi, đã tự học tiếng Hàn Quốc một mình trong phòng sau khi từ trường về. Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem vì sao ». Bà đã mua một quyển sách về Hàn Quốc để tìm hiểu xem cái gì ở một đất nước xa xôi như thế đã thu hút con gái bà. Nhu cầu học tiếng Hàn đã bùng nổ ở các đại học Pháp, tăng gấp 3 lần ở La Rochelle hay tăng 149% ở Bordeaux-3 từ năm 2008 đến 2010.

Fabien Yoon ngôi sao người Pháp trên màn ảnh nhỏ ở Seoul nhờ các vai trong các phim bộ Hàn Quốc như « Mr Sunshine », vẫn chưa hết ngạc nhiên. Đến đây vào năm 2007, lúc 20 tuổi, vì yêu thích taekwondo, sau đó anh học thêm tiếng Hàn và tiếng Nhật, và lao vào làm việc cật lực trong giới show business Hàn Quốc.

Anh kể lại : « Trước đây, người ta nói là tôi điên rồ ! Ngày nay, giới trẻ thì nói là tôi đã thực hiện giấc mơ của chúng ». Hiện Fabien Yoon đã có 41 000 người theo trên Twitter.

Hàn Quốc hơn hẳn Nhật Bản đang già đi và Trung Quốc vẫn độc tài

Theo các quan sát viên được Le Point trích dẫn, Hàn Quốc quả là đã biết thay da đổi thịt để chuyển hóa từ một xứ sở ít được quan tâm lên thành tâm điểm của giới trẻ thế giới.

Benjamin Joineau, giáo sư tại Đại học Hongik và sáng lập viên L’Atelier des cahiers, một nhà xuất bản chuyên về Hàn Quốc, ghi nhận : « Giới thanh niên đến Hàn Quốc với đôi mắt sáng lên. Hàn Quốc là một ranh giới mới của sự hiện đại và đang thay chỗ của Nhật Bản đang mất đi sức thu hút đang hụt hơi. Sự xinh đẹp tại Hàn Quốc mang đến một hình ảnh về tương lai ít đáng lo ngại hơn ».

Theo Le Point, sau một thời gian dài là « góc chết của Châu Á, nằm trong tầm pháo của Kim Jong Un, Hàn Quốc đã trở thành nam châm thu hút thế hệ Millennial. Và đã qua rồi thời kỳ mà phi hành đoàn của Air France thở dài ngán ngẩm khi trên lịch trình bay phải ghé Seoul, một thủ đô xám xịt ; nơi mà phải vất vả lắm mới có được một cốc cà phê expresso. Ngày nay Seoul đã rộng mở, quán cà phê mọc khắp nơi, tuổi trẻ thế giới đến đây tìm cơ may hay để chụp vài tấm selfies.

Giữa Trung Quốc ô nhiễm và độc đoán và một Nhật Bản ngày càng già đi, vương quốc của Samsung nổi bật với sức sống của mình, với các minh tinh quyến rũ và công nghệ cao. Theo Oriane Lemaire, một phụ nữ đã rời Pháp, sang sống tại Seoul sau khi xem phim Hàn Quốc : « Rất tuyệt vời khi được sống ở thành phố to lớn và sinh đông này, với nhịp sống cuồn cuộn không ngơi nghỉ, nơi mà các « cửa hàng tiện lợi » mở suốt đêm và có ý thức phục vụ thật sự ».

Oriane Lemaire đã hết hạn hợp đồng làm ở đại sứ quán Pháp, và trong hai ngày đã có 80 đơn xin vào làm ở chỗ đó. Điểm quan trọng mà phụ nữ Pháp tại Seoul hay nhắc dến là « ở đây cảm thấy an toàn ».

Đối với Le Point, sự thu hút của đất nước Ban Mai Yên Ả (nhưng ban tối thì cuồng nhiệt) phản ảnh mong muốn của thanh niên phương Tây.

Nền kinh tế thứ tư Châu Á, luôn theo khẩu hiệu pali pali – nhanh nhanh- đã nắm bắt được mong muốn của một thời đại đang thèm khát sự năng động và công nghệ học. một nền văn hóa chuộng dáng vẻ bề ngoài. Những viện thẩm mỹ sửa sắc đẹp dọc đại lộ Gangnam hay những quán cà phê với bài trí tối thiểu hợp với thời đại đã chứng minh được xu hướng này.

Tóm lại người Hàn Quốc biết nắm bắt nhanh những xu hướng thời thượng, họ là những « early adopters », tức là những người khao khát sự mới lạ.

Nhưng Hàn Quốc cũng là một quốc gia bảo thủ về mặt xã hội, nhân danh trật tự, an ninh, tình cảm cao thượng... Phá thai vẫn bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, người lao động nhập cư không mấy được ưa thích, hút một điếu cần sa có thể bị tù.

Giấc mơ và ảo ảnh

Theo nhận xét của Le Point, chính vì những lý do kể trên mà nhiều khi giấc mơ Hàn Quốc lại biến thành ảo ảnh.

Một khi sự hào hứng vì những nét mới lạ trong những tháng đầu biến mất, nhiều thanh niên đã thấy thất vọng. Họ vấp phải một xã hội bị khóa chặt trong những quy tắc xã hội nặng tính truyền thống trên bán đảo, nhìn người nước ngoài một cách đầy nghi kỵ, ca ngợi tính chất thuần túy Hàn Quốc.

Và nhất là hy vọng của họ tiêu tan trước một thị trường lao động khép kín, được bảo vệ bằng một chính sách visa chặt chẽ, và đòi hỏi phải biết nói tiếng Hàn. Việc làm có thể tìm được chỉ là tại các công ty nước ngoài, mà thường khi các hãng này lại ưu tiên tuyển mộ những người tại chỗ biết nói tiếng Anh hay tiếng Pháp, mà theo thông lệ, họ đều đầy đủ bằng cấp.

Rào cản này khiến nhiều thanh niên Pháp, khong thể ở lại sau khi hết hạn visa « lao động nhân kỳ nghỉ hè ». Giáo sư Benjamin Joinau rút ra kết luận : « Hàn Quốc cho lấp lánh một giấc mơ nhưng không cho phương tiện để thực hiện ».

Thất vọng cũng được thấy trong cuộc sống hàng ngày, trong một xã hội cạnh tranh dữ dội, với tỷ lệ tự tử cao nhất trong khối OCDE. Đối với phụ nữ, những câu chuyện tình cảm đẹp chỉ được thấy trong phim bô, còn trong thực tế thường rất chua xót trong một xã hội trọng nam khinh nữ : Hàn Quốc đứng hạng 118 thế giới về nam nữ bình quyền, theo Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới. Ly dị là một chủ đề cấm kỵ…

Sự thu hút của Hàn Quốc như giới phân tích ghi nhận, bắt nguồn từ ước muốn tìm đến những nơi xa xôi để thoát ra khỏi sự bế tắc, nhàm chán trong cuộc sống hiện tại. Bà Oriane Lemaire ghi nhận : « Nhiều thanh niên đến Hàn Quốc với ước ao thoát khỏi những ‘rào cản’ ở Pháp ». Điều trớ trêu là chính thanh niên Hàn Quốc cũng muốn thoát khỏi khung cảnh cứng ngắt ở nước họ, và mở tưởng đến những nơi khác.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do trang web Saramin thực hiện năm 2016, 80% thanh niên Hàn Quốc từ 20 đến 30 tuổi có ước vọng này. Họ muốn thoát khỏi cái mà họ gọi là ‘địa ngục Joseon’, ám chỉ thời đại 1392–1910, vốn đã đặt ra những gọng kềm mà ngày nay vẫn còn tồn tại.Thanh niên Hàn Quốc tố cáo một xã hội vẫn có những quy củ cứng ngắt, nghẹt thở.

Cho dù vậy, Le Point kết luận, BTS và xứ sở của họ vẫn thu hút thanh niên 5 châu. Một cô gái 18 tuổi ở vùng Bretagne, miền tây nước Pháp cho biết cô đang tiết kiệm để đi Hàn Quốc và vui kể lại : « Trước đây, khi tôi thấy ai mặc một cái áo mang ký hiệu BTS, tôi đều vẫy tay chào. Giờ đây, tôi chẳng còn để ý nữa. Áo BTS đã trở thành bình thường chẳng khác gì một cái áo Beatles ».
viethoaiphuong
#347 Posted : Saturday, February 2, 2019 3:06:41 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)


Unique flower house in Dubai

FB - 30/1/2019

viethoaiphuong
#348 Posted : Saturday, February 2, 2019 9:14:35 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 02 tháng 2 năm 2019

Tưởng niệm nhà soạn nhạc phim Michel Legrand


Nhạc sĩ Pháp Michel Legrand từng đoạt ba giải Oscar của MỹAFP PHOTO / TIZIANA FABI

Cùng với Maurice Jarre (tác giả nhạc phim Bác sĩ Jivago), Michel Legrand là nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng nhất trong làng điện ảnh Hollywood. Sinh thời, ông đã soạn nhạc cho hơn 200 bộ phim và từng đoạt ba giải Oscar. Ông vừa qua đời ở Paris hôm 26/01/2019, hưởng thọ 86 tuổi.

Trong thời gian gần đây, cho dù sức khỏe của ông ngày càng yếu đi, nhưng ông vẫn tham gia buổi ra mắt vở nhạc kịch ‘‘Peau d’Âne’’ cuối năm 2018 (đạo diễn Jacques Demy từng phóng tác truyện cổ tích Công chúa Da lừa của Charles Perrault thành phim, còn vở nhạc kịch được diễn tại nhà hát Marigny từ đây cho tới ngày 17/02/2019).

Nổi tiếng là một người hiếu động, không thể nào ngồi yên ở một chỗ, Michel Legrand đã dành trọn cuộc đời cho âm nhạc. Ông không ngừng khám phá tìm tòi cách hoà quyện âm thanh, xóa mờ ranh giới giữa nhạc jazz và dòng nhạc hoà tấu (easy listening). Cho dù thể loại sở trường của ông vẫn là nhạc phim, nhưng ông vẫn dành thời gian trong những năm sau này, để sáng tác một vở kịch opera trào phúng, những khúc giao hưởng đậm chất baroque, những bản concerto dành cho piano và cello.

Sinh năm 1932 tại Paris, Michel Legrand xuất thân từ một gia đình nhạc sĩ. Thân phụ (Raymond Legrand) chuyên phối khí hoà âm cho dàn nhạc của ông Ray Ventura (cậu ruột của nam ca sĩ Sacha Distel). Năm Michel Legrand được ba tuổi, bố ông lại bỏ nhà ra đi mà không một lời từ biệt, kỷ niệm duy nhất của người cha là chiếc đàn piano bỏ lại trong căn nhà. Sau này, tác giả Michel Legrand cho biết ông căm ghét chuỗi ngày thơ ấu trong cô đơn cũng như thế giới tàn nhẫn của người lớn. Điều may mắn duy nhất (nếu có thể gọi đó là may mắn) là từ lúc còn bé, ông bắt đẫu mò mẫm, tự học một mình các nốt nhạc qua phím đàn dương cầm.

Nhờ có năng khiếu, cậu bé năm lên 10 tuổi, được gia đình cho đi học tại Nhạc viện quốc gia Paris. Ngoài đàn piano, ông còn học cách chơi nhiều nhạc khí khác, kể cả ghi ta và kèn đồng. Thầy của Michel Legrand là giáo sư nổi tiếng Nadia Boulanger, về vai vế bà là ‘‘hậu bối’’ của nhạc sĩ Gabriel Fauré và đã từng đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ đương đại kể cả George Gershwin, Aaron Copland hay Philip Glass (nhân vật thứ ba thuộc trường phái tối thiểu). Nhạc sư Nadia Boulanger nuôi tham vọng đưa cậu học trò xuất sắc nhất của bà đi tranh giải thưởng có nhiều uy tín Prix de Rome (Khôi Nguyên La Mã).

Thế nhưng, sau khi được xem một buổi trình diễn nhạc jazz đầy hứng thú (của nhạc sĩ chơi kèn Dizzy Gillespie tại nhà hát Pleyel), Michel Legrand quyết định rời bỏ ngành âm nhạc hàn lâm, để đeo đuổi sáng tác và kiếm sống nhờ lưu diễn với các ban nhạc thịnh hành thời bây giờ. Bực mình, giáo sư Nadia Boulanger đã viết thư cho thân mẫu của Michel Legrand, than phiền ông làm cho bà thất vọng, uổng công dạy dỗ.

Vào nghề từ năm 20 tuổi, Michel Legrand đi biểu diễn ban đầu với Henri Salvador và sau đó được mời sang Mỹ vào năm 1956 làm giám đốc nghệ thuật cho nam danh ca Maurice Chevalier. Tài nghệ hòa âm của ông lọt vào tai của ban điều hành hãng đĩa Columbia (New York), sau một album gồm những bản nhạc hòa tấu nổi tiếng về Paris, Michel Legrand được toàn quyền ghi âm với dàn nghệ sĩ nhạc jazz nổi danh thời bấy giờ : John Coltrane, Bill Evans, Paul Chambers và nhất là Miles Davis. Tập nhạc này (Legrand Jazz) được thực hiện tại New York năm 1958, đánh dấu quan hệ hợp tác giữa Michel Legrand và Miles Davis trong vòng nhiều thập niên liền. Miles Davis đặt cho ông cái biệt danh thân mật là Big Mike, hai người cảm thấy gần gũi với nhau do Michel Legrand là một trong những nhạc sĩ hiếm hoi được đào tạo trong làng nhạc cổ điển nhưng lại biết chơi kèn đồng như một nghệ sĩ nhạc jazz.

Song song với dòng nhạc hoà tấu, sáng tác hay hòa nhạc cho các ca sĩ Pháp nổi danh thời bấy giờ (Dario Moreno, Jacqueline François hay Claude Nougaro với bản nhạc đề tựa Cinéma) Michel Legrand vào nghề nghề soạn nhạc phim từ giữa những năm 1950, trở thành một trong những nhà soạn nhạc năng động nhất trong thể loại này, hầu hết các đạo diễn nổi tiếng đều nhờ đến tài năng sáng tác của ông, trong đó có Marcel Carné, Orson Welles, Robert Altman, Louis Malle, Jean Luc Godard, Agnès Varda, Joseph Losey, Jean Becker cũng như nhiều tên tuổi khác... Thế nhưng, dòng nhạc của Michel Legrand vẫn gắn liền với các bộ phim ca nhạc của Jacques Demy. Cặp bài trùng này hợp tác vói nhau trong vòng gần ba thập niên (từ bộ phim đầu tay vào năm 1961 cho đến khi đạo diễn Jacques Demy qua đời vào năm 1988).

Vào năm 1966, bộ phim ‘‘Những chiếc dù Cherbourg’’ được đề cử bốn giải Oscar. Tuy không đoạt giải thưởng nào của làng điện ảnh Mỹ nhưng tác phẩm này lại là chiếc “chìa khóa” mở rộng cánh cửa Hollywood cho tác giả người Pháp.. Trong vòng hơn 10 năm làm việc tại Hoa Kỳ, Michel Legrand sáng tác nhiều nhạc phim và đoạt 3 giải Oscar dành cho các bộ phim The Thomas Crown Affair (1968), Summer 42 (1971) và Yentl (1983).

Michel Legrand từng gọi những năm tháng làm việc tại Hollywood là "cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất" trong đời ông. Nhờ bộ phim The Thomas Crown Affair (1968) của đạo diễn Norman Jewison với cặp diễn viên nổi tiếng Faye Dunaway và Steve McQueen trong vai chính, Michel Legrand trở thành một trong những nhà soạn nhạc phim sáng giá nhất thời bấy giờ. Ngoài cảnh quay nụ hôn nóng bỏng và dài nhất trên màn ảnh lớn, bộ phim Thomas Crown còn có giai điệu cực kỳ nổi tiếng The Windmills of Your Mind.

Lời tiếng Anh là của hai vợ chồng tác giả Marilyn và Alan Bergman, lời tiếng Pháp Les Moulins de Mon Cœur (tạm dịch là Cối xay giữa trời) của Eddy Marnay. Bài hát này từng được tác giả Anh Thơ đặt thêm lời Việt thành bài ‘‘Những mảnh hồn hoang’’. Khi sáng tác bài này, Michel Legrand đã gợi hứng từ một khúc giao hưởng của Mozart, bản nhạc đem về cho ông bức tượng vàng đầu tiên của làng điện ảnh Mỹ. Từ Hoa Kỳ trở về Pháp giữa những năm 1980, Michel Legrand tiếp tục sáng tác không ngừng trong lãnh vực nhạc phim, hầu như cứ hai năm là có một tác phẩm.

Theo các đồng nghiệp của ông, trong đó có các tác giả Vladimir Cosma và Francis Lemarque, Michel Legrand đem lại nhiều nét thanh tao quý phái cho dòng nhạc phim. Theo họ, Michel Legrand không chỉ là một tác giả lớn mà còn là một tay hòa âm xuất sắc, một nhạc trưởng biết điều khiển một dàn nhạc thính phòng. Nếu như trong những năm tháng đầu đời ông tự học âm nhạc, nhưng khi vào nhạc viện ông lại được truyền nghề một cách kỹ lưỡng. Điều đó được phản ánh qua lối sáng tác tinh tế, qua cách liên kết hợp âm như thể có nhiều khúc biến tấu trên cùng một giai điệu.

Trên đời này có biết bao viên ngọc quý. Nhưng có người so sánh Michel Legrand như một nhà kim hoàn. Ngoài cái tài trau chuốt mài dũa, ông còn khéo tay chạm trỗ thêm một chiếc nhẫn vàng để giúp cho viên ngọc quý càng thêm lộng lẫy, huy hoàng. Bàn tay phù thủy của ông tạo ra những chuỗi hợp âm, giúp cho giai điệu tỏa sáng, gió đưa cối xay nhẹ nhàng, quay mãi đôi cánh thời gian.


viethoaiphuong
#349 Posted : Saturday, February 9, 2019 7:25:22 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 09 tháng 2 năm 2019

Enrico Macias, album mừng sinh nhật 80 tuổi


Enrico Macias song ca với Khaled nhân kỳ trao giải Victoires de la Musique 2013.
RFI /Edmond Sadaka

Vào đầu tháng Hai năm 2019, album ‘‘Enrico Macias & Al Orchestra’’ được trình làng tại Pháp. Ngày ra mắt album phòng thu thứ 18 trùng với thời điểm Enrico Macias tròn 80 tuổi. Ông ăn mừng sinh nhật lần thứ 80 trên sân khấu Olympia, tại Paris với hai buổi trình diễn 09/02 và 10/02/2019.

Sân khấu nhà hát Olympia có lẽ là nơi ông biểu diễn thường xuyên nhất, tính trung bình là cứ hai năm một lần, và lần này sẽ là đợt biểu diễn lần thứ 26 của Enrico Macias. Trên sân khấu, ông được hỗ trợ bởi 25 nhạc sĩ trong đó có dàn nhạc Al Orchestra (chữ viết tắt của Al Andalus Orchestra). Đây là một nhóm nhạc sĩ Pháp-Algérie chuyên chơi thể điệu arabo-andalou, hoà quyện các dòng nhạc đến từ Nam Âu và Bắc Phi. Ngoài mandoline và violon, họ thường kết hợp đàn ghi ta, nhạc cụ truyền thống của Tây Ban Nha với trống darbuka và đàn oud của người Ả Rập.

Dàn nhạc Al Orchestra đã phối lại 13 ca khúc ăn khách nhất của Enrico Macias, kể cả các bài cực kỳ nổi tiếng như Solenzara(‘‘Nắng Xuân’’ lời của tác giả Phạm Duy), L’Oriental, La Femme de mon Ami (‘‘Bản tình ca của chúng ta’’ lời Việt của Khắc Dũng), Paris tu m’as pris dans tes bras (‘‘Paris âu yếm’’ lời của Phạm Duy). Có thể nói là Enrico Macias nằm trong số các ca sĩ hát tiếng Pháp có khá nhiều bài được đặt thêm lời Việt.

Trích đoạn đầu tiên của album này là bài Adieu Mon Pays (Vĩnh biệt Quê hương). Ca khúc này từng được nữ danh ca Khánh Ly ghi âm bằng lời Pháp và lời Việt. Để ghi âm bài này dưới dạng song ca, Enrico Macias đã mời ca sĩ trẻ tuổi Kendji Girac, từng đoạt giải quán quân chương trình The Voice (phiên bản tiếng Pháp) vào năm 2014.

Ở lứa tuổi 80, giọng ca của Enrico Macias có thể không còn mượt mà trầm ấm so với những năm tháng đầu đời, nhưng làn hơi của ông vẫn đầy đặn chắc nhịp, luyến láy truyền cảm, rải chữ tài tình. Ông đã chứng tỏ điều này khi khoác áo mới cho các tình khúc xưa. Khá nhiều phiên bản của năm 2019 trội hơn nhiều so với các bài song ca mà Enrico Macias từng thực hiện vào năm 2012 với thế hệ ca sĩ đàn em (Khaled, Cali, Dany Brillant, Liane Foly, Sofia Essaidi, Natasha St Pier …) trên tập nhạc mang tựa đề Venez tous mes amis (Enrico & Friends).

Về phía ca sĩ Kendji, anh cho biết anh đã được nghe các ca khúc của Enrico Macias từ thời thơ ấu. Có lẽ cũng vì bố của Kendji rất hâm mộ Enrico Macias, cho nên từ khi còn nhỏ, cậu bé đã được các giai điệu của Enrico nuôi dưỡng thấm nhuần, trong số các luồng ảnh hưởng âm nhạc vùng Địa Trung Hải phổ biến trong cộng đồng người du mục. Đối với một ca sĩ trẻ như Kendji, việc ghi âm với Enrico Macias là một món quà, một dịp may trên đường đời sự nghiệp, nhưng anh cho biết người tự hào và vui mừng hơn cả chính là thân phụ của anh (ông cũng là nghệ sĩ), khi ông bố biết rằng đứa con trai cưng đang song ca với thần tượng lớn nhất của mình.

Trung thành với khán giả và khách ngưỡng mộ, Enrico Macias sau khi phát hành tập nhạc mới, sẽ bắt đầu vòng lưu diễn với dàn nhạc Al Orchestra. Trong gần 60 năm sự nghiệp, Enrico Macias đã từng đứng chung sân khấu với hầu như toàn bộ các ca sĩ nổi tiếng ở Pháp như Sylvie Vartan, Claude François, Johnny Hallyday, Sacha Distel, Eddy Mitchell và nhất là Charles Aznavour, người mà ông vô cùng mến phục.

Cũng như danh ca Aznavour, Enrico Macias đã đem dòng nhạc Pháp đi hầu như khắp thế giới New York, Moscow, Rio, Montreal, Buenos Aires, Sydney, Seoul, Tokyo...Trong vòng hơn nửa thế kỷ ca hát, Enrico Macias đã biểu diễn tại hơn 80 quốc gia trên thế giới. Thế nhưng, Enrico Macias lại chưa bao giờ được phép về thăm quê nhà.

Sinh tháng 12 năm 1938 tại thành phố Constantine, miền đông bắc Algérie trong một gia đình nhạc sĩ gốc Do Thái, Enrico Macias (tên thật là Gaston Ghrenassia) buộc phải rời khỏi nguyên quán, năm ông 23 tuổi (1961) vào thời chiến tranh giành độc lập tại Algérie đang diễn ra dữ dội. Trên con đường rời xa xứ sở, bỏ lại đằng sau mái ấm gia đình và những gương mặt thân quen, Enrico Macias đã chấp bút viết bài hát “Adieu mon pays” (Vĩnh biệt quê hương) với tâm trạng da diết nỗi buồn, thương nhớ khôn nguôi, rời bỏ quê mẹ mà không được nói lời giã từ.

Bản nhạc này vì thế có sức sống mãnh liệt ở mọi nơi, ở mọi thời. Bất cứ ai từng trải qua hoàn cảnh phải xa gia đình, quê hương đều có thể bắt gặp mình khi nghe qua bài hát này và họ có cảm tưởng Enrico Macias đã nói thay họ nỗi buồn lưu vong, thở dài thổn thức, nghẹn lời ray rứt. Một bài hát mà theo chính lời của tác giả, với lối kể lể tâm tình gần gũi, càng dễ đi vào lòng người.

Cho tới giờ này, ca sĩ kiêm tác giả Enrico Macias vẫn chưa hề được phép về thăm cố hương một lần, do ông bị chỉ trích có lập trường thân quốc gia Do Thái. Hoàn cảnh ấy đã gợi hứng cho ông sáng tác nhạc phẩm Le Voyage (hiểu theo nghĩa Chuyến về thăm nhà) qua đó, ông mường tượng một chuyến hồi hương, bất kể đường xá gian truân, cho dù lối đi có bị chặn lại bao lần, nhưng cũng như ông nói, tâm hồn kẻ lưu vong chưa bao giờ lạc lối quên đường, vì con tim trung thành tựa như chiếc la bàn, biết nhắm đúng hướng tìm nẻo về quê hương.



viethoaiphuong
#350 Posted : Saturday, February 23, 2019 4:44:34 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 23 tháng 2 năm 2019

Phiên bản tiếng Pháp ca khúc ‘‘500 Miles’’


Justin Timberlake, Carey Mulligan, Oscar Isaac và đạo diễn Joel Coen tại liên hoan Cannes 2013REUTERS / Jean-Paul Pelissier

Bạn có biết đâu là điểm chung giữa ba nghệ sĩ Justin Timberlake người Mỹ, Richard Anthony người Pháp và Isabelle Boulay người Canada ? Tuy nổi danh ở ba thời điểm khác nhau, nhưng họ đều đã từng ghi âm cùng một nhạc phẩm : bài ‘‘500 Miles’’ (hiểu theo nghĩa Đường về nhà còn xa 500 dặm).

Trong nguyên văn tiếng Anh, bản nhạc "500 Miles" (còn có tên là Railroaders' Lament) là lời than thở của một kẻ tha hương, thẹn thùng xấu hổ không dám về nhà, vì không còn một xu dính túi. Trong thời kỳ phục hưng dân ca Hoa Kỳ những năm 1960 (folk revival), nhiều tác giả Mỹ, kể cả Hedy West, đã góp phần phục hồi dòng nhạc folk, qua việc đặt lời mới (If you mised the train I’m on, You will know that I am gone …..) cho những bản dân ca có từ thời xa xưa.

Cũng cùng một bài hát với tựa đề y hệt như nhau, nhưng khi đặt lời cho bài "500 Miles" (Away from Home), ca sĩ kiêm tác giả Bobby Bare lại chọn một bối cảnh hoàn toàn khác biệt (Tear drops fell on Mama’s note, When I read the things She wrote …..) và ông dùng lối hòa âm đặc trưng của dòng nhạc country, để ghi âm bài này vào năm 1963.

Trong bản phóng tác tiếng Pháp, tác giả Jacques Plante chuyển ngữ bài này thành nhạc phẩm ‘‘J'entends siffler le train’’ (tạm dịch là Còi tàu Vĩnh biệt). Bài hát này rất ăn khách vào mùa hè năm 1962 qua giọng ca của Richard Anthony, nhưng tiếng ‘‘Còi tàu Vĩnh biệt’’ lại mang thêm một ý nghĩa đặc biệt. Do được ghi âm và phát hành trong thời kỳ chiến tranh Algérie, bản nhạc đã gây tiếng vang lớn nhất là đối với giới thanh niên trong lứa tuổi đi lính, phải xa gia đình hay người yêu, mà không biết có ngày trở lại. Trong thời gian gần đây, nam ca sĩ Hugues Aufray đã mời Françoise Hardy (một trong những thần tượng nhạc trẻ những năm 1960) cùng ghi âm lại bài này thành một bản song ca.

Trong vòng nhiều thập niên, bản nhạc tiếng Pháp ‘‘J'entends siffler le train’’ được gắn liền với tên tuổi của Richard Anthony. Ông được xem như là cánh chim đầu đàn dòng nhạc trẻ tại Pháp những năm 1960. Kể từ năm 1958, Richard Anthony là người đầu tiên khởi xướng phong trào chuyển thể sang tiếng Pháp các bản nhạc ăn khách thị trường Anh Mỹ (ông ghi âm bài You are My Destiny của Paul Anka và bản nhạc rock Peggy Sue của Buddy Holly).

Thế nhưng theo lời kể của nam ca sĩ kiêm tác giả Hugues Aufray, chính ông mới là người đã đem bài hát này từ Mỹ về Pháp. Ngoài việc là ca sĩ, Hugues Aufray còn nổi tiếng nhờ các bản phóng tác như Blowing in the Wind của Bob Dylan hay là The House of Rising Sun viết cho Johnny Hallyday. Hugues Aufray cho biết, sau khi phát hành đĩa nhạc đầu tiên, ông đã được nam danh ca Maurice Chevalier mời sang Hoa Kỳ trong vòng hai tháng tham gia đợt biểu diễn tại nhiều thành phố trên đất Mỹ vào năm 1961. Trong chuyến đi này, Hugues Aufray đã khám phá nhiều bài hát rất hay (chủ yếu là folk và country) mà ông nghĩ có thể thực hiện sau đó các bản phóng tác.

Đến khi trở về Pháp, ông bỏ lại sau lưng nhiều đồ đạc, để mua thêm một chồng đĩa nhựa bỏ vào trong hành lý mang về tới Paris. Trong số những ca khúc đem về, có bài "500 Miles", phần phóng tác được giao cho tác giả Jacques Plante, còn Hugues Aufray được hãng đĩa phân công chuyển ngữ một số bài hát khác. Tuy nhiên, giám đốc nghệ thuật của hãng đĩa lại đưa bài hát "500 Miles" cho nhiều ca sĩ, thành ra đến khi Hugues Aufray trình làng bài hát này, lại có nhiều phiên bản được phát hành cùng lúc.

Cả hai phiên bản của Richard Anthony và của Hugues Aufray đều được tung ra thị trường vào tháng 7 năm 1962. Vào thời bấy giờ, Hughes Aufray chưa phải là ca sĩ hạng A, trong khi Richard Anthony đã thành danh từ đầu năm 1960. Rốt cuộc phiên bản của Richard Anthony lại thành công rực rỡ trên thị trường, trong khi phiên bản của Hugues Aufray lại gặp thất bại. Điều đáng ngạc nhiên là bài hát này ban đầu không được xem là ca khúc chủ đạo. Richard Anthony ghi âm và chỉ phát hành bài hát này trên mặt B đĩa nhựa. Ca khúc chính của ông thời bấy giờ mang tựa đề ‘‘J'irai twister le blues’’ được bán gần hai triệu bản.

Bản nhạc ‘‘J'entends siffler le train’’ trở thành tình khúc mùa hè đầu tiên của dòng nhạc trẻ. Thành công của bài hát cũng làm thay đổi hình ảnh của Richard Anthony : ông bỏ lỡ cơ hội qúy báu vì ban đầu ông muốn trở thành ca sĩ nhạc rock rốt cuộc lại được xem như một crooner chuyên hát tình ca. Danh hiệu rocker số 1 sau đó được trao cho Johnny Hallyday.

Hơn nửa thế kỷ sau ngày ra đời, bài hát ‘‘500 Miles’’ đã được chuyển sang khá nhiều ngoại ngữ : kể cả tiếng Ý (Le Stagione del Nostro Amore), tiếng Đức (Und dein Zug fährt durch die Nacht), tiếng Nhật (Senaka made 500 mairu), tiếng Slovenia, tiếng Hindi, tiếng Hoa. Còn trong tiếng Việt bài này có ít nhất hai lời khác nhau : từ trước năm 1975, bài hát được tác giả Trường Kỳ chuyển ngữ thành nhạc phẩm ‘‘Tiễn em lần cuối’’. Phiên bản thứ nhì do ca sĩ Ngọc Lan ghi âm dưới tựa đề ‘‘Người tình vạn dặm’’.

Trong số các phiên bản tiếng Pháp nổi bật, ‘‘J'entends siffler le train’’ từng được nhiều ca sĩ ghi âm, kể cả Serge Gainsbourg. Ca sĩ vùng Québec Isabelle Boulay cũng ghi âm dưới dạng song ca với ca sĩ trẻ tuổi Yoan Garneau (thí sinh của chương trình La Voix / The Voice, phiên bản của vùng Québec). Còn trong tiếng Anh bài hát này từng được nhiều giọng ca tên tuổi ghi âm, trong đó có Sonny & Cher, The Kingston Trio hay Reba McEntire một trong những ngôi sao lớn của làng nhạc đồng quê, bên cạnh nhiều ca sĩ và ban nhạc khác. Gần đây hơn nữa, cũng có phiên bản tiếng Anh của Justin Timberlake.

Cực kỳ nổi tiếng trong làng nhạc trẻ urban-hip hop, ca sĩ người Mỹ Justin Timberlake lại ghi âm bài này theo phong cách thuần chất nhạc folk dưới dạng tam ca (hát chung với hai nghệ sĩ Carey Mulligan và David Michael Bennett). Bản nhạc này gợi hứng từ ban tam ca nổi tiếng một thời Peter Paul & Mary, được chọn làm một trong những ca khúc chủ đề của bộ phim Inside Llewyn Davis (dựa vào câu chuyện của tác giả Dave Van Ronk) của hai anh em đạo diễn Joel & Ethan Coen. Một cách để nhắc nhở công lao của các tác giả đã góp phần khởi sắc dòng nhạc folk, phục hồi dòng dân ca Mỹ qua việc thổi một luồng sinh khí mới, làm sống lại những giai điệu tiềm tàng, tưởng chừng như đã ngủ quên từ lâu trong dân gian.



Five Hundred Miles - Justin Timberlake, Carey Mulligan, Stark Sands [Inside Llewyn Davis OST]
https://www.youtube.com/watch?v=GY_S0Xoo02A

Richard Anthony ~ J'entends Siffler Le Train | 1962
https://www.youtube.com/watch?v=3xyhrbtlR3w
viethoaiphuong
#351 Posted : Saturday, March 2, 2019 3:14:53 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tuấn Thảo - RFI - ngày 26-02-2019

Tây Ban Nha : Bảo tàng Prado tròn 200 tuổi


Được trùng tu vào năm 2007, Bảo tàng Prado hiện sở hữu 35.000 tác phẩm, hàng năm thu hút 3 triệu lượt khách
REUTERS /Andrea Comas

Năm 2019 đánh dấu 200 năm ngày thành lập Bảo tàng Prado ở thủ đô Madrid. Kể từ ngày khai trương vào năm 1819, nhờ vào bộ sưu tập nghệ thuật cũng như nguồn tài trợ của hoàng gia Tây Ban Nha, Prado nay đã trở thành một trong những viện bảo tàng có uy tín hàng đầu thế giới, với hơn 35.000 tác phẩm đủ loại và ba triệu lượt khách hàng năm.

Kể từ đầu năm nay cho tới ngày 03/10/2019, Bảo tàng Prado tổ chức một cuộc triển lãm lớn dàn trải trên 8 không gian trưng bày, để giới thiệu với khách tham quan lịch sử hình thành của định chế này, đồng thời cho thấy tầm ảnh hưởng của Viện bảo tàng quốc gia Tây Ban Nha đối với giới nghệ sĩ có tên tuổi từ giữa thế kỷ XIX trở đi.

"Goya toàn tập" nổi bật trong chương trình triển lãm

Cuộc triển lãm với nhan đề ‘‘Prado 1818-2019’’ bao gồm tổng cộng 168 tác phẩm gốc, trong đó có 134 tác phẩm đến từ bộ sưu tập ‘‘thường trực’’ của Bảo tàng Prado, riêng 34 tác phẩm còn lại được mượn từ các viện bảo tàng và phòng triển lãm của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nga hay Hungary. Một cách để cho thấy là trong vòng hai thế kỷ, Bảo tàng Prado đã gợi hứng cho rất nhiều nghệ sĩ quốc tế, mở ra cuộc đối thoại giữa các danh họa thời xưa với các tên tuổi thời nay.

Có lẽ cũng vì thế mà khách xem triển lãm được dịp nhìn thấy các tác phẩm của các danh họa lừng danh thế giới như Renoir, Manet, Sargent được trưng bày chung với các nghệ sĩ đương đại như Arikha ou Pollock. Về phía các nghệ sĩ Tây Ban Nha, các thiên tài Picasso hay Dali được đối chiếu với các bậc thầy là Velázquez, El Greco và nhất là Goya, rất nhiều tác phẩm của họa sĩ này nằm trong kho lưu trữ của Prado.

Ban đầu là bộ sưu tập tranh nghệ thuật của hoàng gia (Prado ban đầu mang tên là Bảo tàng Hoàng gia về hội họa “Museo Real de Pinturas”), các tác phẩm trưng bày tại bảo tàng này đã nhanh chóng trở thành niềm tự hào của cả một quốc gia (tiếng Tây Ban Nha là “Museo Nacional del Prado”).

Về điểm này, phải công nhận là Prado sở hữu một trong những bộ sưu tập tranh quý hiếm nhất thế giới, gồm các tác phẩm thuộc nhiều trường phái châu Âu, kể cả hội họa Hà Lan, Pháp, Ý, Đức và dĩ nhiên là Tây Ban Nha. Các tác phẩm này kể từ giữa thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XIX, từng được sưu tầm bởi các dòng dõi vua chúa thuộc hai triều đại Habsburg và Bourbon, thừa kế ngai vàng của vua Charles Quint (Carlos V sinh 1500 - mất 1558).

Lúc sinh tiền, Charles Quint từng được mệnh danh là ‘‘ông tổ’’ của vương quốc Tây Ban Nha, do ông là vị vua đầu tiên thống nhất hai vùng lãnh thổ Castilla và Aragón, để rồi cai trị Đế chế Tây Ban Nha từ năm 1516 trở đi. Ngoài Tây Ban Nha, đế chế này còn bao gồm cả các vùng miền ở Ý và Hà Lan, cho tới khi nhánh Tây Ban Nha của dòng họ Habsburg bị tuyệt tự.

Tranh Hà Lan thời hoàng kim, điểm mạnh của Prado

Yếu tố lịch sử này giải thích vì sao, bộ sưu tập ‘‘hoàng gia’’ của Bảo tàng Prado có khá nhiều bức tranh quý hiếm của các danh họa trường phái ‘‘sơ khai’’ vùng Flandres, chẳng hạn như Robert Campin, Rogier Van der Weyden, Dieric Bouts, Petrus Christus và nhất là bộ sưu tập của Hieronymus Bosch, trong đó có bức họa ‘‘tam liên’’ mang tựa đề The Garden of Early Delights (tạm dịch ‘‘Vườn trần lạc thú’’).

Hội họa vùng Flandres thời Phục Hưng (Brueghel the Elder) thời baroque (thế kỷ XVI), hay là trường phái hội họa Hà Lan (thế kỷ XVII) cũng ngoạn mục không kém với nhiều tác phẩm của Van Dyck, Rubens và nhất là của bậc thầy Rembrandt (1606-1669), được nhiều viện bảo tàng tổ chức lễ kỷ niệm trong năm 2019.

Với hơn 1.300 bức tranh và 3.000 bức vẽ, hầu hết là của các họa sĩ nổi tiếng, Viện bảo tàng Prado hiện lưu trữ bộ sưu tập tranh của vác bậc thầy Tây Ban Nha lớn nhất thế giới. Trong suốt năm 2019, sẽ có một loạt chương trình văn hóa để đề cao giá trị của bộ sưu tập. Các cuộc triển lãm đối chiếu tác phẩm điêu khắc của Giacometti với kiệt tác Anunciación (Thiên sứ truyền tin) của Fra Angelico, vừa được trùng tu. Các bậc thầy Tây Ban Nha trong đó có Velázquez và El Greco sẽ được trưng bày bên cạnh các danh họa như Rembrandt, Vermeer, Rubens, Van Dyck và nhiều tên tuổi khác của dòng hội họa Hà Lan thời hoàng kim.

Đối chiếu xưa và nay, Viện bảo tàng Prado sẽ khai trương một cuộc triển lãm đồ sộ về danh họa Goya vào ngày 19/11/2019, tức là đúng vào ngày mừng sinh nhật 200 tuổi. Triển lãm không chỉ đơn thuần trưng bày hơn 200 tác phẩm qua tất cả các thời kỳ sáng tác, mà còn cho thấy ảnh hưởng của Goya lên các nghệ sĩ sau này. Manet, Sargent hoặc Sorolla đã từng đến Prado để nghiên cứu tại chỗ và học cách vẽ tranh của các bậc thầy. Nhất là trong thể loại tranh chân dung vẽ theo yêu cầu của các ông vua bà chúa, một cách để thể hiện quyền thế của hoàng gia quý tộc thời bấy giờ.

Quan hệ gắn bó giữa Picasso với Prado

Lúc sinh tiền, Picasso từng được bổ nhiệm làm giám đốc ‘‘danh dự’’của Prado (năm 1936). Một trong những bức vẽ khỏa thân của ông thời ấy làm người xem liên tưởng tới bức tranh "La Maja Desnuda" của danh họa Goya.

Thời còn trẻ, Picasso cũng đã từng nghiên cứu những kỹ thuật của Velázquez trong cách vẽ chân dung nhà vua Felipe Đệ Tứ (Philip IV). Trong các gam màu lạnh, Picasso cũng từng gợi hứng rất nhiều từ cách dùng màu xanh của El Greco. Mối quan hệ mật thiết ấy được thể hiện sau đó qua bức kiệt tác Guernica, sinh thời Picasso không muốn thấy bức tranh này được trưng bày ở một nơi nào khác ngoài Bảo tàng Prado.

Qua các văn bản và tài liệu lưu trữ như các bộ ảnh chụp, các thước phim nhựa, Bảo tàng Prado cho thấy rất nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Picasso, Dali, Miró, Warhol đều đã từng đến Viện bảo tàng Prado để tìm tòi, nghiên cứu hay họ chỉ đơn thuần xem tranh thời xưa để đi tìm nguồn cảm hứng trong dư âm, tiếng vọng từ quá khứ tiềm tàng. Có lẽ vì thế mà cuộc triển lãm nhân sinh nhật 200 tuổi của Prado có thêm tiểu tựa ‘‘Un Lugar de Memoria’’ nơi cất giữ ký ức. Dĩ vãng huy hoàng tưởng chừng mãi ngủ yên nay lại được đánh thức.
viethoaiphuong
#352 Posted : Saturday, March 2, 2019 3:17:48 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Carnaval Rio : Lễ hội rực rỡ nhất thế giới khai mạc

Thu Hằng - RFI - ngày 01-03-2019
Từ ngày 01/03/2019, người dân Brazil và du khách thế giới có thể hòa mình trong lễ hội Carnaval Rio de Janeiro, Brazil. Chủ đề năm 2019 là đề cao phụ nữ, người da đen và thổ dân, nhằm phản đối những phát biểu phân biệt đối xử của tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Trong trang phục lộng lẫy, rực rỡ mầu sắc, những vũ công bốc lửa của 14 trường múa samba sẽ diễu hành với những điệu nhảy rộn rã.

Theo AFP, trên đoàn xe của mình, trường Mangueira, một trong số những trường nổi tiếng nhất Brazil, vinh danh những anh hùng « bình dân », « lòng dũng cảm của những người da đen, trong đó có cả phụ nữ, và những người thổ dân để cho thấy những con người thực sự dựng lên lịch sử của Brazil » nhưng thường lại không được nêu trong sách vở.

Portela, một trường múa nổi tiếng khác, sẽ vinh danh Clara Nunes, nữ ca sĩ nổi tiếng thập niên 1970, chuyên hát về những tôn giáo châu Phi-Brazil và hiện bị nhiều nhà thờ Tin Lành, vốn ủng hộ tổng thống Bolsonaro, đả kích. Nhà thiết kế thời trang Pháp Jean-Paul Gaultier đã thiết kế riêng trang phục cho 120 thành viên của trường Portela tham gia diễu hành từ đêm thứ Hai 11/03 đến rạng sáng thứ Ba 12/03.

Thành phố Rio de Janeiro đã giảm một nửa trợ cấp cho mùa Lễ hội hóa trang Rio 2019. Mỗi trường múa tham gia đoàn diễu hành chỉ nhận được khoảng 117.000 euro, ít hơn một nửa so với các năm trước.

viethoaiphuong
#353 Posted : Sunday, March 3, 2019 10:26:17 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 02 tháng 3 năm 2019


Ca khúc và tác giả: Mon Vieux của Jean Ferrat



Jean Ferrat sáng tác với Michelle Senlis bài Mon Vieux năm 1963AFP /Jean-Marie Huron

‘‘Mon Vieux’’ (Cha Tôi) là một trong những ca khúc tiếng Pháp cực kỳ ăn khách vào giữa những năm 1970, bản nhạc này thường được gắn liền với tên tuổi của nam ca sĩ Daniel Guichard. Nhưng ít ai biết rằng bản nguyên tác đã ra đời từ một thập niên trước đó dưới ngòi bút của hai tác giả : Michelle Senlis đặt lời, Jean Ferrat soạn nhạc.

Vào những năm 1960, tài nghệ sáng tác và trình bày của Jean Ferrat đã được giới chuyên nghiệp công nhận. Trong số các tác giả chuyên đặt lời cho các bài hát của Jean Ferrat, có bà Michelle Senlis, từng viết ca khúc cho nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ, kể cả Juliette Greco, Léo Ferré, Dalida hay Hugues Aufray …..

Trong suốt sự nghiệp, Michelle Senlis cho biết quan hệ hợp tác giữa bà với nam danh ca kiêm tác giả Jean Ferrat đã đem lại rất nhiều thành quả và bền vững hơn cả. Cặp bài trùng này đã cùng nhau viết hơn 30 ca khúc trong đó có khá nhiều bài hát ăn khách như C’est beau la Vie (Cuộc đời vẫn đẹp), Chanson pour toi (Bài hát cho Em), Les Nomades (Những kẻ du mục) …..

Theo thông lệ, Jean Ferrat vẫn thường ghi âm các bài hát do chính ông soạn nhạc và do bà Michelle Senlis đặt lời. Thế nhưng, đến phiên bài "Mon Vieux", bản nhạc này lại trở thành một trường hợp ngoại lệ. Theo lời kể của Michelle Senlis, bà đã viết bài này ban đầu để tặng cho ông bố đang lâm bệnh : "Mon Vieux" theo cách gọi thân mật có nghĩa là Ông già, Ông cụ nhà tôi. Còn tác giả Jean Ferrat lúc ấy đang chuẩn bị ghi âm tập nhạc ‘‘Nuit et Brouillard’’ (Đêm tối và Sương mù) để tưởng niệm các nạn nhân từng bỏ mình trong các trại tập trung Đức Quốc Xã.

Thân phụ của ca sĩ Jean Ferrat cũng từng bị bắt làm tù nhân, bị đưa tới trại tập trung Auschwitz để rồi không bao giờ trở về với gia đình, không được dịp nhìn mặt vợ con lần cuối. Có lẽ cũng vì những kỷ niệm đau buồn ấy vẫn còn là những vết thương chưa lành, Jean Ferrat khi ghi âm tập nhạc ‘‘Nuit et Brouillard’’ (Đêm tối và Sương mù) đã giữ lại bài C’est beau la Vie (Cuộc đời vẫn đẹp) nhưng lại gạt qua một bên ca khúc "Mon vieux" (Cha tôi).

Bản nhạc này được hai ca sĩ khác ghi âm (Jacques Boyer và Jean-Louis Stain) vào năm 1963, nhưng không có phiên bản nào gặt hái thành công. Đến khi ông bố của tác giả Michelle Senlis qua đời vì bạo bệnh, bà không còn muốn nghe bài hát này, bản nhạc Mon Vieux hầu như chìm vào quên lãng do bị ‘‘cấm phổ biến’’ theo yêu cầu của tác giả trong vòng hơn một thập niên liền.

Mãi đến năm 1974, nam ca sĩ trẻ tuổi Daniel Guichard mới ngỏ lời xin ghi âm lại bản nhạc này. Bất ngờ thay, phiên bản của ông lại lập kỷ lục số bán thời bấy giờ để rồi trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu nhất thập niên 1970, nhưng đồng thời sẽ gây ra nhiều mối hiềm khích, bất hoà giữa một bên là tác giả và một bên là người thể hiện.

Sinh năm 1948 tại thủ đô Paris, Daniel Guichard xuất thân từ một gia đình nghèo (bố ông người Pháp, mẹ ông là người Ba Lan gốc Nga). Mồ côi cha năm 15 tuổi, Daniel Guichard buộc phải bỏ học, đi làm sớm cho dù chưa đến tuổi trưởng thành, để đỡ bớt phần nào gánh nặng cho gia đình. Ông làm nghề khuân vác, chở hàng tại phiên chợ Les Halles ở trung tâm Paris, mỗi khi xe vận tải chở hàng đến, ông phải đưa các thùng hàng vào kho lưu trữ. Mỗi lần phải thức dậy sớm để đi làm, Daniel Guichard mới nhớ tới lúc bố mình còn sống, ông cụ không bao giờ than phiền dù có cực nhọc cách mấy, bất kể nắng mưa trưa chiều, mỗi lần ra đường, ông lúc nào cũng bận chiếc áo khoác sờn vai, bạc màu cũ rích.

Khi ghi âm lại nhạc phẩm ‘‘Mon Vieux’’ (Cha Tôi) Daniel Guichard đã chỉnh sửa một số ca từ sao cho hợp với hoàn cảnh của mình, khi mô tả lại cái thời ông vừa mồ côi cha (năm 15 tuổi). Điều đó đã làm phật lòng tác giả Michelle Senlis. Bà khiển trách cậu ca sĩ trẻ tuổi Daniel Guichard đã đặt bà trước ‘‘chuyện đã rồi’’, dám sửa lời bài hát mà quên xin phép trước tác giả. Mọi chuyện đâu lại vào đó, sau khi toà án công nhận Jean Ferat và Michelle Senlis mới thật sự là đồng tác giả bài hát, còn Daniel Guichard chỉ là người trình bày.

Sự nghiệp của Daniel Guichard trong nhiều năm sau đó cũng lắm lúc năm chìm bảy nổi. Sau khi thành công với một số ca khúc vào những năm 1970, 1980 như La Tendresse, Je t’aime Tu vois, T’aimer pour la Vie, Le Cœur à l’Envers, C’est pas facile d’Aimer, Pour ne plus penser à Toi và nhất là Le Gitan. Nhưng không có bài hát nào có thể đạt đến tầm vóc của nhạc phẩm Mon Vieux (Cha Tôi).

Tuy gây nhiều tranh cãi, nhưng phiên bản thứ nhì của bài hát này (với lời chỉnh sửa của Daniel Guichard) lại làm rung động con tim, thổn thức lòng người. Bằng những lời lẽ mộc mạc chân tình, Daniel Guichard dùng chất giọng trầm khàn để kể lại câu chuyện của hai tâm hồn im lặng, cha con sống bên nhau nhưng không biết bày tỏ thương yêu. Mon Vieux theo cách nhìn của Daniel Guichard là một lời nhắn nhủ : nên trân quý những tình cảm ta đang có ở trên đời, khi con tim cảm thấy tiếc nuối, điều đó có nghĩa là hạnh phúc đã lỡ cơ hội, niềm vui chợt đánh mất rồi.

jean ferrat mon vieux

https://www.youtube.com/watch?v=x8l43czQAy4
viethoaiphuong
#354 Posted : Saturday, March 9, 2019 2:50:50 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)



Đắm chìm trong "Đêm đầy sao" của Van Gogh nhờ công nghệ số



Thu Hằng - RFI - Thứ Sáu, ngày 08 tháng 3 năm 2019
Một thế giới lung linh trong sắc vàng của những cánh đồng trải dài, huyền ảo trong mầu xanh thẳm của bầu trời đầy sao và mặt nước long lanh, nhẹ nhàng theo những cánh hoa rơi... Khi đẩy cánh cửa cách âm của Atelier des Lumières (quận 11, Paris) ngăn với dòng đời thực tại, khách tham quan như lạc vào thế giới đầy mầu sắc trong những tác phẩm của Van Gogh.

Trong Trung tâm Nghệ thuật số Atelier des Lumières, với các tác phẩm phủ kín phòng trưng bày rộng 3.300 m2 và không chỉ còn là những bức tranh được đóng khung, trang trọng treo trên tường, người xem như hòa mình vào những sáng tác nghệ thuật có kích thước lớn và độ phân giải cao, được chiếu trên tường, trên sàn và trần nhà khiến bảo tàng sống động hơn.

Sau thành công rực rỡ của triển lãm về họa sĩ Klimt bằng công nghệ kỹ thuật số, bảo tàng Ateliers des Lumières tiếp tục đưa khách tham quan thả hồn vào thế giới hội họa của Van Gogh từ ngày 22/02 đến hết 31/12/2019.

Mỗi lần chiếu kéo dài khoảng 30 phút, được chia thành tám chủ đề khác nhau, phác lại chặng đường nghệ thuật của Van Gogh (Ánh sáng vùng Provence, Những tác phẩm thời trẻ, Thiên nhiên, Ngang qua Paris, Arles, Những cây oliu và cây bách, Saint-Rémy, Đồng bằng Auvers). Phần thứ hai dành nói về hội họa Nhật Bản mà Van Gogh là một người hâm mộ và bị ảnh hưởng từ trường phái đó.

Trả lời RFI tiếng Việt trong buổi khai mạc triển lãm Van Gogh, Đêm đầy sao (Van Gogh, La Nuit étoilée) ngày 22/02/2019, ông Michael Couzigou, giám đốc Atelier des Lumières giải thích tại sao chọn danh họa Hà Lan :

« Van Gogh dĩ nhiên là một nghệ sĩ lớn trong lịch sử nghệ thuật, có thể còn được coi là họa sĩ nổi tiếng nhất thế giới. Thêm vào đó, ông sáng tác rất nhiều tác phẩm, khoảng 900 bức tranh và 1.100 hình vẽ. Những sáng tạo dồi dào này cho phép chúng tôi chọn ra được 500 tác phẩm để tổ chức triển lãm và giới thiệu một cách khá đầy đủ những sáng tác của ông.

Ngoài ra, Vincent Van Gogh còn nổi tiếng về cách sử dụng bảng mầu, rất đa dạng và điều này rất hợp cho triển lãm chiếu hình ảnh sử dụng công nghệ số ».


Thả hồn trong thế giới của Van Gogh

Vincent Wilhelm Van Gogh, cháu của họa sĩ, từng nói vào năm 1965 : « Mỗi lần Van Gogh chuyển đến sống ở một thành phố khác, có nhiều thay đổi trong phong cách nghệ thuật của ông ». Vì thế, người xem như được sống với những gì mà danh họa Hà Lan đã trải qua, như được hòa mình vào thiên nhiên và chia sẻ những trăn trở nội tâm của Van Gogh.

Họ như thong thả dạo bước trên cánh đồng hoa cùng Cặp tình nhân ở Arles (Couple d’amoureux à Arles, 1888), đến thăm Bệnh viện Saint-Paul ở Saint-Rémy-de-Provence (Hôpital Saint-Paul à Saint-Rémy-de-Provence, 1889) nơi Van Gogh từng điều trị, ngắm Những cây oliu (Oliviers, 1889), Hoa Tử đinh hương (Lilas, 1889) hay Những cây hạnh đào trổ hoa (Amandier en fleurs, 1890)… Và bỗng nhiên họ đối diện với ánh mắt sâu thẳm, đượm buồn, trong bức chân dung tự họa của Van Gogh được chiếu khổ lớn trên trụ chính nằm giữa gian triển lãm.

Về mặt kỹ thuật, Ateliers des Lumières sử dụng 140 máy chiếu, 50 nguồn âm thanh giúp người xem đắm chìm trong sắc mầu của những tác phẩm. Ông Michael Couzigou giải thích :

« Để thực hiện được một triển lãm theo kiểu này, các nhà đạo diễn làm việc dựa trên những hình ảnh hoặc video có độ phân giải rất cao. Họ sáng tác với những phần mềm chuyên biệt, dựa trên kịch bản đã được thảo trước.

Thách thức chính là ở điểm này : Vì mục đích là đưa người xem đi sâu vào trải nghiệm, nên các nghệ sĩ trau chuốt từng chủ đề. Từ những hình ảnh hoặc những đoạn video, họ từ từ tạo chuyển động cho những hình ảnh đó, phóng to một vài chi tiết nào đó trong tác phẩm mà mắt thường khó nhìn thấy được.

Chúng tôi tập trung vào những điểm nhấn, chất liệu và mầu sắc mà Van Gogh đã sử dụng trong tác phẩm của mình. Và nhờ kỹ thuật số, công chúng có thể thấy rất rõ những chi tiết này. Và dĩ nhiên đi kèm với triển lãm là âm nhạc. Hai yếu tố, âm nhạc và hình ảnh, đóng vai trò chủ đạo để chúng ta có thể đắm chìm trong sáng tạo nghệ thuật đó ».

Dùng công nghệ để thu hút công chúng mọi thế hệ đến với hội họa

Nghệ thuật công nghệ số đóng vai trò ngày càng quan trọng trong quan niệm về sáng tạo của các bảo tàng và phòng trưng bày. Về phía công chúng, họ không chỉ muốn khoanh tay trước ngực hoặc chắp tay sau lưng, tiến gần rồi lùi xa để ngắm tác phẩm, mà còn muốn hòa theo mạch sáng tác, nét vẽ của của người họa sĩ, dần dần hiện lên trên tường, rồi trải rộng ôm trọn người xem vào giữa. Từ trần đến những bức tường và sàn nhà ngập tràn mầu sắc. Họ có thể gối tay nằm giữa sàn như đang nằm trên thảm cỏ xanh mướt, trên cánh đồng vàng óng hoặc bầu trời đầy sao và chìm trong tiếng nhạc du dương.

Nhờ công nghệ số, công chúng có thể chiêm ngưỡng, ở cùng một nơi, những tác phẩm của một họa sĩ được trưng bày khắp nơi trên thế giới và đôi khi không được phép di dời vì dễ hỏng. Hội Culturespace đã chọn hướng này cho Trung tâm Nghệ thuật số Atelier des Lumières, theo giải thích của ông Michael Couzigou :

« Nguyện vọng của Trung tâm Nghệ thuật số này là giới thiệu các trào lưu nghệ thuật hoặc những nghệ sĩ nổi tiếng trong lịch sử nghệ thuật theo một cách mới, nhờ công nghệ mới mà chúng tôi phát triển, được gọi là AMIEX (Art, Musique Immersive Experience).

Ý tưởng của chúng tôi là kết hợp sự sáng tạo bằng hình ảnh, được thực hiện từ ảnh chụp các tác phẩm nghệ thuật, sau đó được số hóa, đi kèm với âm nhạc - được chọn lọc cho phù hợp hoặc được soạn riêng cho triển lãm - để tạo cảm xúc cho người xem và khiến họ đắm chìm trong dòng chảy nghệ thuật của triển lãm đó.

Đây là một phương pháp khác lạ mà chúng ta không thể thấy được trong những bảo tàng truyền thống. Thêm vào đó, nhiệm vụ của Culturespace là cố gắng tiếp cận được với đông đảo công chúng nhất. Có nghĩa là chúng tôi muốn họ đến xem với cả gia đình, với con cháu để giúp các em khám phá nghệ thuật theo cách mới, có thể hiện đại hơn, năng động hơn. Đây là nhiệm vụ chính của Trung tâm Nghệ thuật số này ».

Từ một xưởng đúc cũ do gia đình Plichon thành lập năm 1835 và hoạt động trong suốt 100 năm, Hội Culturespace đã cải tạo lại hoàn toàn trong vòng bốn năm để biến thành Atelier des Lumières vào năm 2018. Mọi chi tiết trang trí của xưởng đều được giữ lại để trở thành công cụ hỗ trợ cho việc chiếu hình ảnh.

Atelier des Lumières tại Paris là Trung tâm Nghệ thuật số thứ hai được khánh thành ở Pháp, sau trung tâm Carrières aux Baux-de-Provence. Ý tưởng của Hội Culturespace đã thu hút sự chú ý của Bordeaux. Một khu vực trong một căn cứ tầu ngầm cũ đã được thành phố giao cho Culturespaces để lập Bassins de Lumière, dự kiến khánh thành năm 2020. Trên thế giới, Culturespace đã lập trung tâm Bunker de Lumières ở Hàn Quốc trên đảo Jeju vào cuối năm 2018.

viethoaiphuong
#355 Posted : Sunday, March 10, 2019 9:45:45 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 09 tháng 3 năm 2019

Maxime Le Forestier : Album mới nhân sinh nhật 70 tuổi


Maxime Le Forestier trình làng album mới nhân sinh nhật 70 tuổiAFP / CATHERINE GUGELMANN

Sau sáu năm vắng bóng làng nhạc, Maxime Le Forestier xuất hiện trở lại dưới ánh đèn sân khấu với một tập nhạc mới. Album phòng thu thứ mười sáu được trình làng vào thời điểm tác giả kiêm ca sĩ người Pháp ăn mừng trên sâu khấu sinh nhật lần thứ 70.

Tập nhạc này gồm toàn những sáng tác mới, phần lớn các bài hát đã được viết trong những lúc ông không quá bận rộn với các đợt lưu diễn. Phần còn lại, ông hợp tác với người con trai lớn (tên là Arthur) hay là làm việc chung với các nghệ sĩ trẻ tuổi đàn em mà ông ngưỡng mộ như Zazie, Camille hay là Orelsan, đều từng đoạt giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique và họ được xem như là những tài năng xứng đáng nhất của làng nhạc Pháp hiện thời.

Trích đoạn đầu tiên từ album mới của Maxime Le Forestier là nhạc phẩm ‘‘Les filles amoureuses’’ (Những cô gái đang yêu). Bằng một giọng điệu khá khôi hài dí dỏm, tác giả kiêm ca sĩ người Pháp lấy cảm hứng từ gia đình, người thân cũng như thế giới xung quanh mình, dùng các chi tiết tình cờ bắt gặp trong cuộc sống hay được quan sát thường nhật để gợi lên quan hệ yêu đương thời nay.

Một bài hát mà thoạt nghe có vẻ như đang đả kích nữ quyền, nhưng thật ra trong đoạn cuối lại là một lời nhắn nhủ rất trìu mến đối với phái nữ nói chung, người bạn đời của ông nói riêng. Có thể nói là Maxime Le Forestier ít khi nào sáng tác như vậy, nhưng lần này ông kết hợp rất khéo cách phản ánh chi tiết thường thấy ở Michel Delpech và cách uốn nắn giai điệu, một trong những sở trường của Julien Clerc.

Có nhiều khả năng là khi cộng tác với nhiều tác giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, Maxime Le Forestier càng lúc càng cảm thấy tự do hơn. Trong trường hợp của nhạc phẩm ‘‘Les filles amoureuses’’ (Những cô gái đang yêu), cách phối khí tận dụng triệt để bộ đàn dây khoác lên giai điệu một lớp áo rất lạ, âm hưởng của vùng Bretagne hay của dòng nhạc celtic ít phổ biến nơi tác giả này. Lối hoà âm trong những album sau này của ông rất tinh tế trau chuốt, phức điệu nhưng không phức tạp, luôn luôn giữ được một ý tưởng xuyên suốt chủ đạo, hoàn toàn khác hẳn với album gần đây nhất mang tựa đề Enfin, đánh dấu ngày trở lại của Michel Polnareff, nhưng lại không thành công như mong đợi.

Tác giả Maxime Le Forestier đã mất 6 năm để thực hiện album mới. Tập nhạc trước mang tựa đề Le Cadeau (Món Quà) từng được phát hành vào năm 2013. Thật ra, trong vòng 6 năm qua, ông đã khá bận rộn với các đợt biểu diễn. Ngoài các vòng lưu diễn tại các quốc gia thuộc khối Pháp ngữ, nơi ông vẫn giữ được một lượng khách hâm mộ trung thành, đông đảo, Maxime Le Forestier còn tham gia tích cực các buổi trình diễn gây quỹ tài trợ các Quán ăn Tình thương (Les Restos du Cœur của đoàn nghệ sĩ Les Enfoirés). Trong hai thập niên vừa qua (từ năm 1995 đến 2018), ông hầu như không bao giờ vắng mặt các chương trình (22 lần) biểu diễn gây quỹ từ thiện. Bên cạnh đó, ông còn sáng tác khá nhiều ca khúc cho các bạn đồng nghiệp hay tham gia các dự án ghi âm tưởng niệm các nghệ sĩ đàn anh như Georges Brassens hay là Serge Reggiani.

Nhân dịp ăn mừng sinh nhật lần thứ 70, Maxime Le Forestier cho biết hơn bao giờ hết ông muốn tìm lại tình thương của công chúng cũng như hơi ấm dưới ánh đèn sân khấu, chừng nào sức khỏe vẫn còn tốt, ông vẫn tiếp tục biểu diễn, ca hát giờ đây không còn phải là một cái nghề để kiếm tiền nuôi gia đình, mà là một động lực, một niềm vui trong cuộc sống.

Thành danh cùng lúc với các tên tuổi lớn những năm 1970, trong đó có Véronique Sanson, Julien Clerc, Alain Souchon, William Sheller, Michel Delpech, Maxime Le Forestier là một trong những nghệ sĩ khởi xướng phong trào sáng tác nhạc Pháp rất mộc không hẳn là ‘‘nhạc folk’’ theo kiểu Mỹ, nhưng các khúc thụy du, các điệu ru đệm đàn ghi ta do ông sáng tác, lại chân phương thuần khiết như thể bắt nguồn từ dòng dân ca có từ muôn thuở nào.

Mỗi lần sáng tác, Maxime Le Forestier rất trau chuốt trong cách soạn giai điệu, tỉ mỉ trong cách chọn ca từ. Véronique Sanson hay Michel Berger thường chọn những ca từ, có thể dễ dàng hất câu đá chữ, đưa điệu swing vào trong tiếng Pháp, một thứ ngôn ngữ mà khi hát không dựa nhiều vào nhịp điệu như tiếng Anh. Còn Alain Souchon và Laurent Voulzy thì lại chuộng cách chọn danh từ riêng để đặt ca từ, làm giàu vần điệu. Claudia Schiffer hay Paul-Loup Sulitzer trong nhạc phẩm ‘‘Foule Sentimentale’’ là trường hợp điển hình.

Maxime Le Forestier hoàn toàn khai thác một hướng đi khác : Cho dù tiếng Pháp không hợp với điệu swing nhưng ông vẫn tạo được phách nhịp mà không hề bắt chước nhạc pop Anh Mỹ, lối sáng tác của ông rất trầm rất mộc nhưng vẫn giữ được một nét gì đó rất là Pháp, chẳng phải là nhạc blues hay dân ca Hoa Kỳ.

Tác giả này cũng không bao giờ dùng danh từ riêng vì theo ông, tên riêng hay thương hiệu thường gắn liền với một thời. Các bài hát của Serge Gainsbourg hay của Alain Souchon cực kỳ hay nhưng giới trẻ thời nay ít còn biết đến hiệu thuốc lá Gitanes (bài hát Dieu est un Fumeur de Havane), còn người mẫu Claudia Schiffer từ lâu đã bị thay thế (trong bài Foule Sentimentale). Có lẽ cũng vì ông rất khó tính trong cách đặt lời, chọn ca từ sao cho dễ hiểu với đa số người nghe thời nay cũng như thời sau, mà Maxime Le Forestier trong hơn bốn thập niên đã tặng cho làng nhạc Pháp những tình khúc để đời, kinh điển.

Les filles amoureuses

https://www.youtube.com/watch?v=X1cTkTLRAN4
viethoaiphuong
#356 Posted : Wednesday, March 20, 2019 1:05:18 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Thanh Phương - RFI - Thứ Sáu, ngày 15 tháng 3 năm 2019

500 năm ngày Leonardo Da Vinci qua đời: Kỷ niệm và tranh cãi



Bức tranh "Mona Lisa" (La Joconde) của Leonardo Da Vinci tại viện bảo tàng Louvre, Paris.
Ảnh chụp ngày 3/12/2018.REUTERS/Charles Platiau/File Photo

Năm 2019 là kỷ niệm 500 năm ngày danh họa người Ý Leonardo Da Vinci qua đời tại Pháp. Đây là một sự kiện văn hoá lớn đối với cả hai nước Pháp và Ý, nhưng lễ kỷ niệm 500 năm ngày giỗ nhà danh họa này lại đang gây bất hòa giữa hai nước láng giềng.

Sinh năm 1452 tại Toscana, Ý, Leonardo Da Vinci không chỉ là một nghệ sĩ, mà ông còn là nhà thiên văn học, kiến trúc sư, nhà sáng chế thiên tài, nhà triết học, nhà khoa học có tầm nhìn sâu rộng. Nhưng vào năm 64 tuổi, nhà danh họa đã rời bỏ quê hương để sang Pháp sống những ngày cuối đời. Trên lưng lừa băng qua dãy núi Alpes, ông mang theo những bức tranh nổi tiếng của ông, trong đó có bức Mona Lisa ( La Joconde – Tên đầy đủ là Chân dung Lisa Gherardini, vợ của Francesco del Giocondo ). Leonardo Da Vinci đến vùng sông Loire vào năm 1516, nơi có nhiều lâu đài nổi tiếng, trong đó có lâu đài Chambord.

Trả lời RFI Pháp ngữ, ông Jean d’Haussonville, giám đốc Domaine de Chambord, tức là cơ quan quản lý lâu đài Chambord, giải thích:

“ Ông đã được vua François Đệ nhất, lúc đó còn là công tước Milano, mời đến Pháp. Leonardo Da Vinci đang tìm đường kiếm sống. Thậm chí ông đã dự trù đến khả năng sang tận đế quốc Ottoman. Vào thời đó, vua François Đệ nhất, vừa mới lên ngôi, vẫn rất ngưỡng mộ các nghệ sĩ Ý. “

Vua François Đệ nhất tuy mới 22 tuổi nhưng rất say mê nghệ thuật và xem nghệ sĩ già người Ý Leonardo Da Vinci như một bậc cha chú. Mà bản thân Leonardo Da Vinci cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi được sống trong một nước Pháp thanh bình, trong khi bên Ý, chiến tranh diễn ra triền miên giữa các quận công.

Chính là qua nước Ý của Leonardo Da Vinci mà nước Pháp đã khám phá một nghệ thuật sống mới, một quan điểm thẩm mỹ mới, rồi du nhập chúng vào vùng sông Loire. Đó cũng là khởi đầu của thời kỳ Phục Hưng, với việc tu bổ hai lâu đài hoàng gia Blois và Amboise, nơi mà Leonardo Da Vinci yên giấc ngàn thu. Cũng chính danh họa Ý đã gợi cảm hứng cho các nhà thiết kế lâu đài Chambord. Ông Jean d’Haussonville cho biết:

“ Ngoài Paris, chúng tôi là nơi duy nhất lưu trữ các bản vẽ gốc của Leonardo Da Vinci, các họa đồ kiến trúc của ông. Nghiên cứu các bản vẽ ấy cũng giống như một cuộc điều tra trinh thám để xem Leonardo Da Vinci cụ thể đã có ảnh hưởng như thế nào đối với việc thiết kế lâu đài Chambord.”

Hiện là lâu đài thời Phục Hưng lớn nhất thế giới, Chambord dĩ nhiên sẽ tham gia tổ chức các lễ kỷ niệm 500 năm ngày Leonardo Da Vinci qua đời tại Pháp. Trả lời RFI, ông François Bonneau, chủ tịch vùng Centre-Val de Loire, tức là vùng có các lâu đài sông Loire, cho biết:

“ Đây không phải là lúc mà chúng ta biến các lâu đài, các công viên, các khu vườn thành những viện bảo tàng. Mỗi ngôi làng, mỗi địa phương dọc theo sông Loire sẽ tham gia sáng tạo. Sẽ có các buổi hòa nhạc, các cuộc triển lãm và các cuộc hội thảo. Bên cạnh đó, Leonardo Da Vinci còn là một nhà khoa học vĩ đại, đã nghiên cứu để tạo ra các vật thể bay, là người đã sáng chế cho tương lai. Cách làm việc của ông rất cởi mở, mang đậm dấu ấn châu Âu và điều đó ngày nay rất có ý nghĩa. »

Nhưng 500 năm sau khi ông qua đời, các tác phẩm của người nghệ sĩ mang đậm dấu vết châu Âu lại đang gây chia rẽ giữa hai nước láng giềng Pháp,Ý.

Ngày 17/11/2018, Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa của Ý, bà Lucia Borgonzoni, thuộc đảng cực hữu Liên Đoàn (Lega), đã đòi xét lại một thỏa thuận năm 2017 về việc cho mượn tranh giữa nước Ý với viện bảo tàng Louvre của Pháp. Theo thỏa thuận này, Roma cam kết sẽ cho Pháp mượn gần như toàn bộ các bức tranh của Leonardo Da Vinci để triển lãm ở viện bảo tàng Louvre nhân dịp 500 năm ngày giỗ của nghệ sĩ Ý. Đổi lại, Viện bảo tàng Louvre cam kết cho Ý mượn các tác phẩm của danh họa Raphael để triển lãm ở Roma vào năm 2020.

Nhưng nay bà Borgonzoni cho nội dung của thỏa thuận này là “không thể chấp nhận được”. Quốc vụ khanh Ý cho rằng Leonardo Da Vinci là người Ý, ông ấy chỉ chết ở bên Pháp và theo bà, nếu cho viện bảo tàng Louvre mượn tranh của ông, nước Ý sẽ bị gạt sang bên lề một sự kiện văn hóa quan trọng.

Leonardo Da Vinci đúng là chỉ sống có vài năm cuối đời tại Pháp, nơi mà ông trút hơi thở cuối cùng vào năm 1519. Nhưng qua những tuyên bố như trên, chính phủ Ý đã phá vỡ một thông lệ giữa các viện bảo tàng hai nước, đồng thời kích động tinh thần dân tộc của người Ý, đến mức mà có người đã đòi Pháp phải trả lại bức tranh nổi tiếng La Joconde cho Ý.

Đối với ông Stéphane Bern, đại sứ đặc trách các lễ kỷ niệm Leonardo Da Vinci, trả lời RFI, không đáng có cuộc tranh cãi như vậy giữa hai nước Pháp, Ý:

“ Tranh cãi này là hơi buồn cười, bởi lẽ Leonardo Da Vinci đã bị đuổi khỏi nước Ý do ông là người đồng tính. Vua Pháp đã đón nhận ông vì đây là một vị vua có đầu óc rất cởi mở về vấn đề xã hội. Vua François Đệ nhất đã cho phép Leonardo mang theo các tác phẩm đến Pháp. Các tác phẩm đó thuộc về chúng tôi vì đã được nước Pháp mua lại. Như vậy chúng tôi coi như có giấy chủ quyền trên những tác phẩm ấy”.

Hiện nay viện bảo tàng Louvre lưu trữ bộ sưu tập tác phẩm Leonardo Da Vinci nhiều nhất thế giới. Các lễ kỷ niệm 500 năm ngày mất của Leonardo Da Vinci tại Pháp sẽ chỉ được tổ chức vào tháng 10, để không làm lu mờ các lễ kỷ niệm ở Firenze và Milano, đúng vào tháng 5, tháng mà danh họa Ý qua đời. Nhưng cho đến giờ hai nước vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào để chấm dứt tranh cãi về chuyện vay mượn các tác phẩm của Leonardo Da Vinci.

Nhưng cho dù chuyện này có sẽ được giải quyết êm thắm giữa hai chính phủ, dân Ý vẫn không quên mối hận bị Pháp chiếm hữu bức tranh nổi tiếng nhất của Leonardo Da Vinci,La Joconde.

Số phận của bức tranh vẽ một phụ nữ với nụ cười huyền bí cũng khá là ly kỳ. Vào năm 1911, Vincenzo Peruggia, một người Ý làm việc trong viện bảo tàng Louvre đã đánh cắp bức tranh Mona Lisa, để đem tác phẩm này về phía bên kia dãy núi Alpes, quê hương của nó. Trước khi được tìm thấy và trả lại cho Pháp, bức tranh La Joconde đã có đủ thời gian để được trưng bày khắp nước Ý, từ Roma, Milano đến Firenze. La Joconde đi đến đâu cũng được dân Ý lũ lượt kéo đến chiêm ngưỡng, sùng bái như một thánh tích.

Nói chung là mỗi lần trong nước gặp khủng hoảng nội bộ thì các chính khách của Ý lại đánh lạc hướng dư luận bằng cách lôi chuyện nước Pháp giữ tranh của Leonardo Da Vinci ra để kích động tinh thần dân tộc của dân Ý. Như lời bà Sophie Chauveau, tác giả một cuốn tiểu sử Leonardo da Vinci ( Folio, 2008 ), trả lời tờ Le Parisien vào tháng trước, hơn cả dân Pháp, dân Ý rất tự hào về di sản văn hóa của họ. Cái gắn kết dân Ý thành một khối chính là mỹ thuật và Leonardo Da Vinci được ví như là xi măng.

Về phần Stefano Palombari, chủ tịch hội “L’Italie à Paris”, ông ghi nhận điều làm cho dân Ý khó chịu nhất, đó là thái độ kênh kiệu của người Pháp. Dân Ý vẫn có mặc cảm thua kém, với lịch sử của một quốc gia nghèo, bao gồm dân tứ xứ, một quốc gia từng bị chia năm sẻ bảy. Cho nên khi họ thấy báo chí Pháp viết Leonardo Da Vinci là người Pháp thì đương nhiên là họ rất phẫn nộ. Nay họ lại càng ganh tỵ khi thấy viện bảo tàng Louvre sẽ là trung tâm điểm của lễ kỷ niệm 500 ngày doanh họa người Ý qua đời.

Thật ra, như tác giả Sophie Chauveau có nhắc lại, bức tranh La Joconde đúng là đã được vua François Đệ nhất mua lại, nhưng điều mà dân Ý cho tới nay nuốt không trôi, đó là việc Leonardo Da Vinci đã sang sống lưu vong ở Pháp, như thể ông là “một chiến lợi phẩm của” vua Pháp.
viethoaiphuong
#357 Posted : Thursday, March 21, 2019 12:58:31 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 16 tháng 3 năm 2019

20 năm giai thoại tình khúc của Hélène Ségara


Hélène Segara biểu diễn tại liên hoan Edineyat năm 2011
REUTERS/Jamal Saidi

Nhắc tới giọng ca Hélène Ségara, hầu hết những người yêu nhạc Pháp đều nghĩ đến cô ca sĩ người Pháp trong vai chính Esmeralda của vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris. Thành công của đoàn kịch là ‘‘bệ phóng’’ giúp cho cô chinh phục hạng đầu thị trường đĩa nhạc khối Pháp ngữ cách đây vừa đúng 20 năm.

Sau khi kết thúc đợt trình diễn với đoàn kịch Notre Dame de Paris, Hélène Ségara trình làng cuối năm 1999 ca khúc mang tựa đề "Il y a trop de gens qui t'aiment" (Có quá nhiều người yêu anh), một bài hát mà đáng lẽ ra không được chọn làm ca khúc chủ đạo. Nhóm sản xuất dự tính ban đầu phát hành ca khúc ‘‘Elle tu l’aimes’’ nguyên là bản phóng tác lời Pháp của nhạc phẩm tiếng Bồ Đào Nha ‘‘Canção do Mar’’. Bài này từng được đặt thêm lời Việt và từng được ca sĩ Mỹ Tâm ghi âm với tựa đề ‘‘Không còn Yêu’’.

Bất ngờ thay, sự chọn lựa (hơi rủi ro) của Hélène Ségara lại mang tính quyết định. Tuy mới nổi tiếng, nhưng cô chủ yếu thành công nhờ hát chung với Andrea Bocelli (Vivo Per Lei phiên bản tiếng Pháp) và sau đó là nhờ đi biểu diễn cùng với đoàn diễn viên vở nhạc kịch Nhà thờ Đức Bà Paris. Thế nhưng, trong sự nghiệp (đơn diễn) hát solo, bản thân Hélène Ségara chưa từng có một bản nhạc riêng thật sự ăn khách.

Rốt cuộc, cách đây đúng hai thập niên, tình khúc "Il y a trop de gens qui t'aiment" (Có quá nhiều người yêu anh) đã giành lấy hạng đầu bảng xếp hạng đĩa đơn trên các thị trường Pháp, Bỉ cũng như Thụy Sĩ (Top Ten) trong vòng nhiều tuần lễ liên tục. Đây cũng là ca khúc trích đoạn đầu tiên của album phòng thu thứ nhì của Hélène Ségara. Tập nhạc này (với tựa đề ‘‘Au nom d’une femme’’ Nhân danh một người đàn bà) đã lập kỷ lục số bán với gần một triệu rưỡi album bán chạy trong vòng sáu tháng (tương đương với đĩa kim cương).

Về mặt nội dung, tình khúc ‘‘Có quá nhiều người yêu anh’’ (Il y a trop de gens qui t'aiment) đơn thuần nói về một mối tình đơn phương. Nhân vật trong bài hát (một phụ nữ) thầm yêu trộm nhớ một người đàn ông, nhưng mối tình ấy không hề được đáp trả. Xung quanh chàng trai, lúc nào cũng có nhiều người săn đón mời mọc, cho nên anh không còn nhìn thấy thấy ai mới là người thật sự yêu mình.

Đoạn nhạc mở đầu bài hát hơi đơn điệu, cứ lặp đi lặp lại để thể hiện nỗi buồn cô độc của nhân vật chính, tuy được gần bên người mình yêu nhưng lại trở nên ‘‘vô hình’’ như thể giữa hai nhân vật vẫn còn muôn rào cản, cảm xúc đớn đau của người đàn bà về sau mới được thể hiện trong điệp khúc cao trào.

Bài hát ‘‘Có quá nhiều người yêu anh’’ được viết bởi hai ngòi bút : tác giả Thierry Geoffroy soạn nhạc, Christian Vié sáng tác lời. Nhóm tác giả này (cùng với Christian Loigerot) từng sáng tác cho Céline Dion (trong những năm đầu sự nghiệp) Fabienne Thibeault hay là Nicoletta. Riêng nhà soạn nhạc Thierry Geoffroy từng là nghệ sĩ chuyên nghiệp vào đầu những năm 1970, trước khi chuyển qua sáng tác, ban đầu cho cuộc thi hát truyền hình châu Âu Eurovision, rồi sau đó cho nhiều ca sĩ nổi tiếng.

Tác giả Thierry Geoffroy từng là học trò của ông Hubert Giraud được xem là một trong những tác giả lớn của làng nhạc Pháp những năm 1960-1970, ông nổi danh trên thế giới nhờ các bài hát "Mamy Blue" hay là Il est mort le Soleil (từng được tác giả Phạm Duy chuyển ngữ thành nhạc phẩm ‘‘Nắng đã tắt’’). Trong cách dùng hợp âm và nhất là trong cách phối khí, tác giả này chịu nhiều ảnh hưởng của bậc thầy Hubert Giraud, tạo nên sự dồn nén trong khúc nhạc mở đầu, để rồi cho vỡ bật mọi cảm xúc trong phần sau.

Theo lời kể của hai tác giả, bản nhạc ‘‘Có quá nhiều người yêu anh’’ đã được viết từ nhiều năm trước đó, nhưng vẫn chưa tìm ra được môt giọng ca thể hiện xứng cỡ vừa tầm. Bài hát này sau đó trở thành ca khúc ‘‘để đời’’, gắn liền với tên tuổi của Hélène Ségara. Cũng nhờ vào thành tích của tập nhạc solo thứ nhì, cô đoạt được giải Giọng ca nữ xuất sắc nhất trong năm 2000, nhân kỳ trao giải thưởng âm nhạc Victoires de la Musique của Pháp.

Trái với các diva nhạc nhẹ chuyên khoe giọng ca đầy đặn khỏe khoắn, Hélène Ségara trong cách hát tiết chế không thích dùng nhiều vibrato rộng, làn hơi tuy mong manh nhưng lại biết dựa vào bộ đàn dây để đạt tới những nốt nhạc cao vút thánh thót nhất, như thể để thể hiện tột cùng nỗi đau khổ, tâm trí bị dày vò vì yêu mà chưa được thổ lộ, chữ thương không nói nên lời.

Hélène Ségara-- Il y a trop de gens qui t'aiment

https://www.youtube.com/watch?v=u7hHlB9Y0Cc
viethoaiphuong
#358 Posted : Saturday, March 23, 2019 8:24:04 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 23 tháng 3 năm 2019

Tình ca Dalida, phiên bản mới


Các đĩa hát phát hành sau ngày Dalida qua đời, trong văn phòng của người em trai OrlandoAFP / FRANCOIS GUILLOT

"Dalida, những ca khúc huyền thoại" (Dalida : Les chansons de légende) là tựa đề tuyển tập được phát hành trong thời gian gần đây. Album này được trình làng trễ hơn dự kiến, gần một năm sau ngày ra mắt khán giả bộ phim tiểu sử cùng tên kể lại cuộc đời và sự nghiệp của thần tượng Dalida.

Tuy được quảng cáo rầm rộ, nhưng bộ phim tiểu sử này đã không thành công rực rỡ như mong đợi, thu hút chưa đầy một triệu lượt khán giả Pháp vào rạp, trong khi bộ phim biopic về cuộc đời của Édith Piaf (La Môme / La Vie En Rose) lại lôi cuốn hơn 5 triệu lượt người xem. Bộ phim tiểu sử Dalida đã được phát hành cùng lúc với tuyển tập chính thức (với sự đồng ý của gia đình) mang tựa đề ‘‘Dalida, 30 ans déjà’’ nhân dịp tưởng niệm 30 năm ngày giỗ của diva người Pháp gốc Ý.

Có lẽ để tránh dẫm chân nhau mà ngày tung ra thị trường của bộ đĩa “Những ca khúc huyền thoại” đã được lùi lại, danh sách các bài hát cũng đã phần nào thay đổi cho dù đa số các khúc nhạc ở đây đều là những bản tình ca từng được Dalida ghi âm trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình.

Vào thời ấy, Dalida vừa đoạt vương miện hoa hậu Ai Cập, và khi chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp, bà đã được lăng xê để cạnh tranh trực tiếp với ca sĩ Gloria Lasso, vào thời làng nhạc Pháp đang có cái mốt yêu chuộng các giọng ca ‘‘exotique’’mang nhiều âm hưởng của Ý, Tây Ban Nha hay Địa Trung Hải. Điều đó giải thích vì sao Bambino đã trở thành ca khúc gắn liền với tên tuổi của Dalida (signature song).

Cũng trong giai đoạn này, Dalida cũng đã ghi âm rất nhiều ca khúc ăn khách của Ý, đa số đều được chuyển ngữ sang tiếng Pháp chẳng hạn như Portofino, Come Prima hoặc là Romantica, ngoài ra còn có những bài hát cực kỳ nổi tiếng của Anh Mỹ, đặt thêm lời tiếng Ý : điển hình là nhạc phẩm Summer Wine, tựa tiếng Ý là Ci Sono Fiori (bài hát này từng được tác giả Nhật Ngân đặt lời Việt thành bài Men rượu Tình hè).

Lúc sinh tiền, Dalida hát trong 11 thứ tiếng khác nhau : ngoài tiếng Pháp, còn có tiếng Ý, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan, Ả rập (của Ai Cập và của Liban), Hy Lạp, Do Thái, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ. Số lượng ca khúc ghi âm lên tới hơn một ngàn bài, trong đó có khá nhiều trường hợp mỗi bài hát được ghi âm riêng cho từng thị trường, bài Summer Wine chẳng hạn được Dalida hát riêng cho thị trường Ý và không hề được khai thác tại Pháp (cho dù bài này từng được dịch sang tiếng Pháp thành nhạc phẩm Le Vin de l’Été). Một cách tương tự Tình khúc bán cổ điển Aranjuez (La Tua Voce) cũng được Dalida hát bằng tiếng Ý để tránh ‘‘đụng hàng’’ với phiên bản tiếng Pháp của Richard Anthony hay của Nana Mouskouri.

Sau ngày Dalida qua đời, các phiên bản ngoại ngữ đã được tập hợp lại thành nhiều album khác nhau. Trên các mạng trực tuyến, các fan được nghe các phiên bản hiếm hoặc là ít quen thuộc, do trước kia bài hát chỉ được phổ biến theo từng quốc gia hay từng châu lục. Hãng đĩa Barclay vừa tái bản bộ đĩa mang tựa đề ‘‘D’ici et d’ailleurs’’ (Nơi này và Chốn nọ) bao gồm 7 cuộn CD, mỗi đĩa hát được dành cho một ngôn ngữ : Ý, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Ả rập. Đĩa nhạc cuối cùng tập hợp các bài hát ghi âm trong các thứ tiếng còn lại (Hy Lạp, Do Thái, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan và Nhật Bản).

Gần đây, hãng đĩa Barclay cũng đã giao cho nhạc sĩ kèn đồng Ibrahim Maalouf phần thực hiện dự án ghi âm một album tưởng niệm Dalida. Tập nhạc này quy tụ rất nhiều nghệ sĩ không có cùng thế giới âm nhạc với Dalida chẳng hạn như Melody Gardot, Ben l'Oncle Soul, Rokia Traoré hay là Mika ..... Lối tiếp cận của họ mang nhiều tính tìm tòi thử nghiệm, ‘‘phá cách’’ khác lạ, khiến cho nhiều khách hâm mộ không tránh khỏi cái cảm giác hoang mang, hụt hẫng.

Khi vĩnh viễn ra đi ở tuổi 54 vào mùa xuân năm 1987, Dalida đã để lại một khối lượng ghi âm khổng lồ. Tuy nhiên, về mặt sáng tác thì lại không có nhiều ca khúc mới, chủ yếu là những phiên bản của cùng một bài hát ghi âm trong nhiều thứ tiếng khác nhau. Mãi đến năm 1995, tức là gần một thập niên sau khi Dalida qua đời, nhờ vào công nghệ hiện đại (và nhất là nhờ vào kỹ thuật sampling), các bài hát của Dalida bắt đầu được khoác áo mới, có thêm lối phối khí ‘‘tân thời’’, hoặc được ghi âm dưới dạng song ca ảo.

Tính tổng cộng, có 6 tuyển tập remix đã lần lượt được phát hành (trong giai đoạn những năm 1995-2012). Điều đó giải thích vì sao 30 năm sau ngày qua đời, các đĩa hát của Dalida vẫn ăn khách. Tính từ đầu những năm 1950 cho tới nay, diva người Pháp gốc Ý đã bán hơn 140 triệu đĩa nhạc, trong đó có 20 triệu bản được bán ra thị trường, sau khi bà từ trần.

Bên cạnh đó, cón có khá nhiều nghệ sĩ trẻ vinh danh Dalida bằng cách ghi âm lại các bản tình ca nổi tiếng. Bộ đĩa mang tựa đề “Kể từ ngày thần tượng ra đi” (Depuis qu’elle est partie) là một trường hợp khá tiêu biểu. Các nghệ sĩ thuộc thế hệ sau như Amel Bent, Luz Casal, Lara Fabian (các giọng ca nữ) hay là Christophe Willem, Patrick Fiori, Dany Brillant (phái nam) đều hát lại nhạc của Dalida.

Một trong những ca khúc huyền thoại gắn liền với tên tuổi của Dalida vẫn là bài Chuyện Tình Yêu do bà là người đầu tiên thành công với ca khúc này trong tiếng Pháp. Gần đây, sau nhóm Les Stentors và Hélène Ségara, đến phiên Ishtar và Tony Carreirra ghi âm lại bài này dưới dạng song ca trong tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha, một cách để làm sống hoài sống mãi các bản tình ca, mà đằng sau vẫn thấp thoáng bóng hình Dalida.

Dalida - Bambino (1957)

https://www.youtube.com/watch?v=nSmpbGHe8oE
Phượng Các
#359 Posted : Saturday, March 23, 2019 9:00:22 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,689
Points: 20,007
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)
Originally Posted by: viethoaiphuong Go to Quoted Post


Dalida - Bambino (1957)[/size][/color]
https://www.youtube.com/watch?v=nSmpbGHe8oE


Nhớ hồi đó ông Nguyễn Tú A có cho ra đời một video mang tựa là Sài Gòn, Xuân Kỷ Tỵ hốt bạc quá trời, nội dung chỉ là quay lại các cảnh tượng của Sài Gòn . Lúc đó người Việt tỵ nạn khó khăn lắm mới về được VN thăm lại quê hương, nên có hình ảnh gì của VN cũng làm họ háo hức tìm coi . Trong video đó người sản xuất cho nhạc bối cảnh nghe hay ơi là hay, mà lúc đó không biết bản gì . Nay nhân hp cho đăng link bài này mới biết đó là bài Bambino. Tình cờ mà giải được một thắc mắc từ lâu của mình, thật là khoan khoái . Trong video, là nhạc hoà tấu không lời .
viethoaiphuong
#360 Posted : Thursday, April 4, 2019 5:59:28 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,342
Points: 11,181

Thanks: 761 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Tuấn Thảo - RFI - Thứ Bảy, ngày 30 tháng 3 năm 2019

Thalía và các bản song ca La Tinh


Ngôi sao Thalia trên Đại lộ Danh vọng Hollywood Walk of Fame 12/2013Reuters /Kevork Djansezian

Với hơn 25 triệu đĩa hát bán trên thế giới, Thalía được xem như là giọng ca nữ người Mêhicô thành công nhất ở nước ngoài. Tại các quốc gia ở vùng Trung Mỹ và Nam Mỹ, cô còn nổi tiếng nhờ đóng phim truyền hình nhiều tập ‘‘telenovela’’. Được mệnh danh là nữ hoàng nhạc pop La Tinh, Thalía cũng đã từng song ca với những tên tuổi lẫy lừng nhất Luis Miguel, Julio Iglesias hay Michael Bublé.

Tên thật là Thalía Ariadna Sodi Miranda, cô sinh trưởng (1971) tại thủ đô Mêhicô. Thời còn nhỏ, cô bé có tánh tình ngỗ nghịch như con trai, ở nhà hay ở trường cô chỉ thích chơi thể thao với đám bạn trai hàng xóm hay cùng lớp. Mồ côi cha từ năm cô lên 7, Thalía lớn lên trong tình thương của mẹ và của các chị gái. Mẹ của Thalía không muốn cô chơi bời lêu lổng với đám con trai, nên cho cô theo học đàn và học múa ballet cổ điển.

Cũng từ đó mà cô bé trở nên dịu dàng hơn trong phong cách. Đam mê thể thao nhường chỗ cho âm nhạc, Thalía ban đầu nuôi mộng trở thành vận động viên Thế vận hội, sau này lại ôm ấp giấc mơ huy hoàng sân khấu, khi lớn lên cô chỉ muốn hoá thân thành diễn viên hay ca sĩ nổi tiếng. Có lẽ cũng vì tánh cô như con trai, cho nên sau đó cô cho biết có đủ nghị lực và ý chí để vươn lên trong ngành giải trí, một thế giới do đàn ông thống trị.

Sau một thời gian học đàn tại Nhạc viện thành phố Mêhicô, Thalía vào nghề giải trí từ năm 10 tuổi. Cô tham gia ghi âm và biểu diễn trong nhiều ban nhạc thiếu nhi (Din-Din, Vaselina hay Timbiriche), cô cũng xuất hiện trong các vở ca nhạc kịch và đóng phim truyền hình. Với thời gian, cô trở thành một diễn viên truyền hình nổi tiếng. Theo tập đoàn truyền thông Mexico Televisa, Thalía là nữ diễn viên telenovela được trả lương cao nhất. Về mặt âm nhạc, chất giọng khỏe khoắn trung trầm của Thalía hợp với thể loại nhạc trẻ, hầu hết các dự án ghi âm của cô đều khai thác dòng nhạc thương mại. Một điều chắc chắn là Thalía ngay từ những bước đầu sự nghiệp đã có tham vọng đi hát solo chứ không thể đơn thuần là ca sĩ đi hát trong một nhóm.

Thalía trình làng album đầu tay vào năm 1990. Và kể từ album thứ tư, phát hành vào năm 1995, Thalía bắt đầu chinh phục các thị trường ngoài Mêhicô. Điều này phần lớn là nhờ vào sự hợp tác giữa Thalía với nhóm sản xuất Óscar López và Emilio Estefan (chồng của diva Gloria Estefan). Hầu hết các album của Thaliá trong giai đoạn này đều có hai phiên bản, tiếng Tây Ban Nha dành cho thị trường Nam Mỹ và tiếng Anh dành cho thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Chính vào giai đoạn này mà cô lần đầu tiên hợp tác với Julio Iglesias, ông hoàng nhạc tình La Tinh.

Tuy quen biết nhau từ hơn hai thập niên qua, nhưng Thalía đã ghi âm bản song ca Quién Será (của tác giả người Mêhicô Pablo Beltrán Ruiz) với Julio Iglesias trong thời gian gần đây (tháng Tư 2017). Hai người quen nhau từ năm 1995, Thalía xuất hiện như ‘‘khách mời’’ trong cuộn video clip dành cho ca khúc Baila Morena. Cả hai nghệ sĩ này thường đứng chung sân khấu trong các show truyền hình hay nhân các vòng lưu diễn Nam Mỹ của Julio.

Vào tháng Năm 2017, khi phát hành tập nhạc Mexico & Amigos “Mexico và những người bạn” (có thể được xem như phiên bản mở rộng của tập nhạc Mexico phát hành vào năm 2015 hầu vinh danh các tác giả của nước này), Julio đã triệu mời các nghệ sĩ tên tuổi ghi âm cùng với ông nhiều bài hát nổi tiếng. Thalía đã được mời để thu thanh nhạc phẩm Quién Será từng được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề là Sway. Bản nguyên tác được tác giả người Mêhicô Pablo Beltrán Ruiz viết vào năm 1953 theo điệu mambo, chứ không phải là cha cha. Ngược lại, bản song ca của Thalía và Julio được đánh rất nhuần nhuyễn theo điệu cha cha.

Vào cuối năm 2000, Thalía lên xe hoa, nhận lời cầu hôn của ông Tommy Mottola, từng là chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn Sony Music trong gần 15 năm, từ 1988 đến 2002. Trước khi thành hôn và có hai con với ca sĩ Thalía, Tommy Mottola là chồng cũ của diva nhạc pop người Mỹ Mariah Carey. Ông hiện là đồng giám đốc hãng đĩa Casablanca Records, liên doanh với tập đoàn Universal Music. Sự quen biết rộng rãi cũng như những kinh nghiệm quản lý trong làng giải trí của Tommy Mottola giúp cho sự nghiệp của Thalía được phát triển thêm.

Được công nhận là giọng ca nữ Mêhicô thành công và có tầm ảnh hưởng lớn ở nước ngoài, Thalía đã có nhiều ca khúc ăn khách trên thị trường nhạc pop La Tinh trong gần ba thập kỷ qua. Tính đến nay, Thalía đã ghi âm 13 album studio, và có tới 15 ca khúc giành lấy hạng đầu thị trường Mêhicô. Cô cũng đã nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có 5 giải Billboard Latin Music Awards trên tổng số 17 đề cử, và một giải Grammy vào năm 2001 trên tổng số 7 đề cử.

Chất giọng khỏe khoắn có nhiều chỗ hơi nũng nịu làm dáng của Thalía chẳng những hợp với những bản pop ballad mà còn làm nổi bật các bài tình ca kinh điển của Mêhicô. Một trong những trường hợp điển hình là nhạc phẩm Besame Mucho của nữ tác giả Consuelo Velázquez. Tính tới nay, bản bolero này đã có cả ngàn phiên bản khác nhau. Khi ghi âm lại bài này trên tập nhạc Habitame Siempre, Thalía và Michael Bublé đã chuyển sang một nhịp điệu khác. Từ một bài hát nổi tiếng ban đầu nhờ thể điệu bolero nay Besame Mucho lại được biến tấu thành vũ điệu tango, không gian thao thiết bước chân, du dương giai điệu mùi mẫn, dặt dìu nhẹ gót lâng lâng.

Besame Mucho

https://www.youtube.com/watch?v=IGHmWOShddM
Users browsing this topic
Guest (3)
24 Pages«<1617181920>»
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.