TIẾNG VIỆT DẤU YÊU
Đã từ lâu tiếng Việt đối với tôi là một ngôn ngữ dấu yêu. Khi nghe tiếng Việt bên tai, tôi như được nghe tiếng Mẹ hiền yêu dấu với những âm thanh trầm bổng, nhiều cung bậc của tiếng Việt. Mỗi lần đi chợ Việt Nam, khi nghe nhạc Việt cất lên cao, lòng tôi chùng lại vì bùi ngùi thương nhớ những người thân còn bên quê nhà. Vì thế tôi yêu lắm khi được nghe, được nói và được viết tiếng Việt. Trong mười năm trau dồi Việt ngữ, tôi tập tành viết lên những câu chuyện đời mình, đời người. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy yêu đời và hạnh phúc hơn bao giờ hết vì khi được viết là khi tôi được gần gũi gia đình và đồng bào của tôi hơn.
Có hạnh phúc nào bằng khi mình có thể làm được những gì mình yêu thích? Nhưng ở đời không dễ dàng như mình mong ước vì trên vai tôi vẫn còn mang nặng nợ nước, nợ nhà. Tôi không thể dửng dưng hưởng thụ những thú đam mê của mình mà quên đi bổn phận. Mấy mươi năm sống trên đất khách quê người, bắt đầu từ đôi bàn tay trắng, tôi phải xoay sở mọi cách để tìm kế sinh nhai, và vì thế cái thú đam mê tiếng Việt của tôi đành cất giữ trong một góc tim mình. Từ năm bảy năn qua, tôi đã miệt mài trau dồi Anh văn với mong ước về sau có thể hoà nhập vào làng văn chương bản xứ của Hoa Kỳ và thế giới…
Nhưng để học tiếng Anh cho rành rẽ, tôi phải chăm chỉ và dành nhiều thời gian rèn luyện những kỹ năng nói, nghe, đọc, viết… nên đành lùi bước trước những sinh hoạt cộng đồng của người Việt Nam nói chung và nhóm gia đình Việt Bút nói riêng. Thế giới của tôi lúc bấy giờ đã thiếu hẳn đi niềm vui thật sự như thiếu tiếng trẻ thơ và những tia ánh nắng ấm áp ban mai. Cho đến một hôm vào tháng Bảy năm 2016, biến cố lớn đã xảy ra cho gia đình chúng tôi khi thân phụ đã từ giã cõi trần một cách quá đột ngột. Hung tin như một tiếng sét đánh mạnh bên tai. Tôi đau đớn đến tận trời cao. Tim tôi như ai đó xé cắt ra hàng trăm mảnh. Như xưa mỗi lần đau buồn tột đỉnh, tôi đều dùng bút mực để xoa dịu vết thương lòng. Lạ thay những dòng chữ tôi viết không tuôn ra từ tiếng ngoại quốc ngày đêm tôi trau dồi mà là từ tiếng mẹ hiền dấu yêu. Ôi, hai tiếng “Ba ơi” nghe sao lại ngọt lịm tâm can. Tôi đã viết miệt mài cho những câu chuyện về ba với tựa đề: “Ba Tôi và Định Mệnh Người Cầm Bút” và nay đã xuất bản vào tháng năm vừa qua cùng với hai mươi lăm tác giả của nhóm Việt Bút với tựa đề “Tuyển Tập Việt Bút 2017”
Hơn năm năm không viết lách bằng ngôn ngữ tôi đã học từ nhỏ, nhưng nay khi cầm cây viết lên, tôi lại viết thật dễ dàng và trôi chảy hơn ngoại ngữ. Những dòng chữ tuôn trào như những dòng suối tuôn ra sau bao năm bị tắc nghẽn. Tôi cảm nhận từ chữ một như cảm nhận quê hương dấu yêu của tôi đâu đây hiện ra trên mặt chữ. Sau lần về quê gặp mặt người cha già trong chiếc quan tài cô quạnh, về lại Mỹ tôi liên lạc lại với gia đình Việt Bút. Tôi muốn được gần gũi họ để tìm lại hơi ấm đồng bào thiếu vắng trong tôi. Tôi như người em đã bị thất lạc bấy lâu nay mà do duyên số đã trở về đoàn tụ với gia đình. Những người anh, chị của tôi vẫn còn đó, vẫn vui vẻ tiếp đón tôi về lại mái nhà xưa.
Năm nay lần đầu tham dự lại tiền họp mặt trước đêm phát giải thưởng Viết Về Nước Mỹ sau bao năm xa cách gia đình Việt Bút. Tôi thật sự cảm thấy hạnh phúc lắm khi được gặp lại những gương mặt quen thuộc và được nghe những giọng nói ngọt ngào với tiếng cười giòn giã. Ôi, sao tôi lại nỡ nào chạy theo danh vọng, tiền tài mà gần như đánh mất đi những thứ quý giá nhất trên đời mà dẫu có bạc vàng cũng không sao mua được.
Tánh tôi xưa nay hơi nhút nhát trước đám đông, vì thế tôi chỉ biết chào hỏi những người xưa và giới thiệu cùng bắt tay với những người tôi mới quen lần đầu. Trong đó có anh Phan, người tôi thầm ngưỡng mộ bấy lâu nay qua những bài viết hay, nghiêng nhiều về triết lý sống. Sau đó chúng tôi ngồi đối diện nhau trong bàn tiệc nhưng không ai nói với ai thêm một câu nào. Kế bên tôi là hai cô bạn trẻ tuổi, Thụy Nhã và Nguyên Thảo với tính tình hoạt bát hơn tôi nhiều. Cô em Nguyên Thảo biết tôi có mặt trong buổi tiệc trưa hôm đó, cô ấy đã đến tham gia và tình nguyện cùng tôi ra biển và mời anh Phan đi cùng chúng tôi.
Lý do tôi thích được đến biển vì trong tâm khảm tôi, bên kia bờ đại dương là nơi tôi được sanh ra và lớn lên. Tôi thích được đi bộ trên biển cát với những gợn sóng đánh mạnh vào làm cho làn nước tung tăng trên đôi chân không mang dép của tôi. Có lần đi biển Vũng Tàu với gia đình, tôi bước nhẹ trên làn cát biển với nước biển đụng nhẹ vào chân. Tôi cảm thấy tâm mình thật an tịnh khi được tiếp xúc với thiên nhiên. Đi mãi một hồi xa, mẹ tôi kêu người bảo tôi quay trở lại để kẻo lạc đường.
Biển đối với tôi gần gũi và thân thiết như một người bạn thâm giao. Tôi yêu tiếng sóng vỗ, yêu không khí trong lành và yêu những lúc hoàng hôn từ từ hạ xuống với bầu trời đổi màu. Và cũng có thể tôi sanh vào tháng ba, là con song ngư nên thích gần biển đến thế ư? Hay là vì tôi đã sống trên biển những ngày đêm trên đường vượt biên nên tôi thích đến gần biển để thì thầm cảm tạ biển đã bao che và khoan dung đưa chiếc tàu mỏng manh của chúng tôi đến bến bờ tự do bình an.
Thú thật tôi không có nhu cầu phải có người đi cùng tôi ra biển vì tôi thích sự yên lặng một mình, nhưng có Nguyên Thảo và anh Phan đi cùng tôi cũng thấy vui vui. Ngồi trên xe, tôi nghe hai người nói chuyện về văn chương tôi càng thích thú hơn. Nghe anh nói đôi lúc khi ngồi yên lặng trong rừng, anh có thể nghe tiếng thì thầm của gió thổi và tiếng thổn thức của các loài côn trùng. Người văn sĩ có cái khác với người thường. Khi nghe anh kể về những cây viết anh đã xài xong hết mực rồi, nhưng vẫn cất giữ nó làm kỷ niệm. Anh lý luận rằng vì anh thích mới mua cây viết ấy. Nó cùng anh trang trải tâm tình trên những trang giấy trắng vì thế anh coi nó như một người bạn đồng hành. Thế nên làm sao anh lại nỡ bỏ nó ra đi khi nó không còn giá trị sử dụng nữa? Nếu là một người bình thường sẽ cho anh là một người không mấy bình thường, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được ý anh vì những người cầm bút như chúng tôi đa số sống nhiều về nội tâm hơn và biết yêu quý những thứ vô tri nhưng mang nhiều giá trị tâm linh.
Lên đến biển sau hơn nửa giờ chạy xe, chúng tôi được hít thở một bầu không khí trong lành và mát mẻ. Vì có chuẩn bị trước, tôi đã mang theo chiếc mũ tai vành rộng và đôi dép. Tôi thích đi trên con đường dọc dài bờ biển. Nguyên Thảo thích chụp hình nên anh Phan đã ngừng lại chụp hình cho Nguyên Thảo, còn tôi từ từ đi trên con đường tráng nhựa xi măng và giương mắt đi tìm mái nhà xưa bên kia bờ đại dương. Ngay lúc đó, anh Phan hỏi, "các em có thấy Việt Nam mình bên kia biển không?” Nguyên Thảo trả lời: “làm sao thấy qua biển được?” Anh nói, “tại em nhìn bằng mắt!” Tôi nhỏ nhẹ trả lời anh, “Nếu em nhìn bằng tấm lòng thì sẽ thấy bên kia biển Thái Bình là quê nhà mình đó!”
Những giây phút tuy ngắn ngủi ở bên cạnh Nguyên Thảo và anh Phan, nhưng đã để lại trong tôi một kỷ niệm thân thương. Cám ơn Nguyên Thảo đã sợ chị buồn lang thang một mình trên biển mà không ngại đi cùng chị trong khi không được khỏe lắm. Chị cầu xin Ân Trên luôn ban xuống phép nhiệm màu đề giúp em tôi có những ngày sống khỏe mạnh và an lành hơn. Em xin cám ơn anh Phan đã cùng các em ra ngóng gió với một bờ biển đầy dẫy những loài chó chạy nhảy tung tăng. Rất vui khi chúng ta đi ngang qua bên đường, có một chú sóc con đứng bằng hai chân ngang nhiên nhìn chúng ta. Anh vội vã lấy máy chụp hình ra chụp, nhưng hình vẫn chưa đủ to vì chú sóc quá nhỏ bé, thế nên anh mang ra cái ống kính khổng lồ chụp cho chú sóc vài tấm hình thật to và ngây ngô.
Dẫu biết rằng muốn thành công trên con đường văn chương, tôi phải bỏ hết tâm huyết ra để viết bằng ngoại ngữ. Biết là như vậy nhưng tôi cảm thấy niềm vui không trọn vẹn dẫu tôi có thành công trên con đường nghệ thuật mà bỏ lại tiếng Việt dấu yêu. Để thỏa lòng cho cả hai bên, tôi sẽ tiếp tục viết văn một tháng một bài. Có được như vậy tôi mới thật sự sống cho chính mình.
Xin cảm ơn Ân Trên đã cho tôi có cơ hội trở về cội nguồn. Xin cám ơn gia đình Việt Bút đã cho tôi cái cảm giác gần gũi thân thương luôn thiuế vắng trong tôi. Xin cám ơn Việt Báo đã là chiếc cầu kết nối các anh chị em của chúng tôi từ khắp năm châu đã về chung dưới ngôi nhà tiếng Việt qua nhóm Việt Bút.
Xin cám ơn tất cả. Kính chúc mọi người sức khoẻ để lại được gặp nhau vào mùa hè năm sau.
Mùa Hè 2017
Như Ý