https://quangduc.com/a62...bao-hoa-voi-ba-na-du-ky
Nữ sĩ Huỳnh thị Bảo Hòa với “Bà Nà du ký”
Châu Yến Loan
Huỳnh thị Bảo Hòa là một trong những người phụ nữ đầu tiên in tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ.
Bà tên thật là Huỳnh thị Thái, sinh năm 1896, quê xã Hòa Minh huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam ( Nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Thân phụ của bà là ông Huỳnh Phúc Lợi, giữ một chức quan võ nhỏ dưới triều Nguyễn. Thân mẫu là bà Bùi thị Trang. Bà Huỳnh thị Bảo Hòa là một phụ nữ tiến bộ thời bấy giờ. Bà thông thạo cả chữ Hán, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp, hưởng ứng phong trào cắt tóc ngắn, đi xe đạp, tham dự đám tang cụ Phan Châu Trinh, tích cực hoạt động xã hội, diễn thuyết để cổ xúy cho việc thăng tiến phụ nữ, viết báo, viết tiểu thuyết, kịch bản tuồng hát bội, khảo luận.
Vào giữa tháng 6 năm 1931, nhân chuyến đi nghỉ mát ở Bà Nà, bà đã viết Bà Nà du ký đăng trên tạp chí Nam Phong số 163, tháng 6 năm 1931 để giới thiệu với độc giả một thắng cảnh thiên nhiên mà theo bà đó là một cảnh Bồng lai ở dưới trần thế.
Bà Nà nằm trên đỉnh Núi Chúa. Núi này còn có tên là Giáo Lao sơn hay Sóc Đao sơn nằm ở phía Tây Bắc huyện Hòa Vang. Núi nhọn như ngọn giáo nên mới có tên như vậy, chạy dài đến cả trăm dặm. Nửa núi phía đông thuộc nguồn Lỗ Đông, nửa núi phía bắc thuộc nguồn Cu Đê, phía nam trổ ra núi Cảnh Hóa, núi Dương Sơn, phía tây – nam mở ra núi Tượng Võng thuộc nguồn bắc Ô Gia làm ranh giới. Sông Phù Âu ở Thừa Thiên chảy thẳng đến phía Bắc, sông Vàng chảy đến phía Nam, người đi thuyền ngoài biển khơi, ngó vào lục địa mà nhận biết được, chỉ một ngọn núi này còn thấy rõ thôi, ngọn núi rất cao, ngự chiếm cả phương trời, nên gọi là núi Chúa.(Tham khảo Hòa Vang huyện chí)
Bà Nà có độ cao 1.487 m so với mực nước biển, thuộc về dãy Trường Sơn, ở địa phận xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, cách thành phố Đà Nẵng 46 km. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 17 dến 20oC. Ở Bà Nà, du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa riêng biệt trong một ngày: sáng - xuân, trưa - hạ, chiều - thu, tối - đông và khác với Đà Lạt là không bị ẩm ướt vì các cơn mưa nhỏ. Đặc biệt khi cơn mưa xuất hiện, chúng ta được xem mưa rơi xung quanh sườn núi mà phần đỉnh vẫn luôn khô ráo, vẫn trời quang mây tạnh, không khí thoáng đãng mát mẽ. So với Tam Đảo, Đà Lạt, Bà Nà có ưu thế hơn về tầm nhìn toàn cảnh. Từ trên những mỏm núi, du khách có thể bao quát cả một không gian mênh mông.
Với những ưu thế đó, từ những năm đầu thế kỉ XX người Pháp đã chọn Bà Nà làm nơi nghỉ mát và xây dựng nơi đây rất nhiều biệt thự, lâu đài.
Sau khi tìm ra Đà Lạt, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cử đại úy Debay thám sát vùng núi lân cận khu vực Đà Nẵng-Huế để tìm kiếm điểm nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh. Tháng 4 năm 1901 đoàn thám hiểm của Debay đã tìm ra núi Chúa, có khí hậu mát mẻ gần giống với Đà Lạt. Từ đó cho đến năm 1912, người Pháp mới tiến hành quy hoạch khu Bà Nà, có chính sách bảo vệ động thực vật và vào tháng 5 năm 1919, luật sư Beisson là người đầu tiên xây dựng nhà nghỉ ở Bà Nà.
Cũng trong năm này, Pháp đẩy mạnh xây dựng khu nghỉ mát, hoàn tất con đường nối Bà Nà với đường thuộc địa số 1 (sau này là quốc lộ 1), tạo điều kiện dễ dàng cho những công sở, quan chức và kiều dân Pháp đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh ở Bà Nà.
ba-na-hill--ngoi-lang-trong-mo-10
(nguồn Internet)
Về tên gọi Bà Nà, có người giải thích rằng khi người Pháp đặt chân đến vùng này thấy rất nhiều cây chuối nên gọi là núi Banane, về sau người Việt đọc chệch thành Bà Nà. Nhà văn Nguyên Ngọc cho rằng chữ Bà Nà là tiếng Người Katu có nghĩa là "núi của tui". Một truyền thuyết khác lại nói Bà Nà là tên viết tắt của Bà Ponagar hay bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu.(Tham khảo Wikipedia)
Trong Bà Nà du ký, bằng cách kể chuyện chân thực, giản dị mà vô cùng hấp dẫn, bà Bảo Hòa đã dẫn dắt người đọc theo suốt cuộc hành trình để cùng bà khám phá, chiêm ngưỡng những cảnh đẹp hoang dã, thơ mộng của một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú.
Bà kể rằng, thời bấy giờ ô tô từ Đà Nẵng đến Bà Nà phải dừng lại ở Phú Thượng cách Đà Nẵng hơn 20 km rồi tiếp tục ngồi kiệu đi lên. “Mới đến chân núi đã thấy núi nguy nga, tráng lệ nhưng hình thế vô cùng hiểm trở, ba bề tiếp với các núi con, một mặt liền với thôn An Lợi, có suối lớn, có hố sâu, thủy thổ rất độc, nước uống sinh bệnh sốt rét, vàng da, trong rừng thì lắm thú dữ sài lang, hổ báo, rắn rết, chim muông. Đường lên núi xa thăm thẳm, len lõi trong rừng già quanh co mười mấy cây số, trèo non lội suối khó khăn. Có chỗ thì xoáy như trôn ốc, có chỗ thì tréo như hình chữ chi nên phải từ từ mà lần bước. Tuy khó nhưng nhờ có đường rộng rãi khang trang, qua suối có cầu, lên dốc có bậc nên cũng tiện lắm. Đường núi có nhiều cây cối rậm rạp, bóng che mát rợp, càng lên cao thì càng mát, thanh khí nhẹ nhàng làm cho tinh thần khoan khoái khác hẳn với cái nóng bức của Đà Nẵng vào những ngày hạ chí.”(Bà Nà du kí)
Với ngòi bút tả thực sắc sảo, óc quan sát tinh tế, cách ví von dí dỏm bà Bảo Hòa đã vẽ lại cảnh vật trên đường lên Bà Nà thật là ngoạn mục chẳng khác gì tiên cảnh: “Bên thì sườn núi vắt vẻo, bên thì hố sâu thăm thẳm, những cây cao mọc đầy thành hàng ngay thẳng chẳng khác chi binh lính bồng súng đứng chào, các dây leo bám trên cành cổ thụ lủng lẳng, chằng chịt như treo đèn kết hoa, những bụi lan rừng giấu mình trong hang sâu tỏa hương thơm ngát. Cỏ cây chen lá, lá chen hoa, bông thắm nhị vàng, những hạt sương long lanh dưới ánh nắng ban mai như kim cương giát vào lá ngọc cành vàng. Suối chảy quanh co, nước trong suốt, hai bên bờ bướm lượn nhởn nhơ, ve ngâm vượn hót, gió cuốn thông reo, cảnh tượng thiên nhiên như hoa thêu gấm dệt, như sáo thổi đờn kìm, làm cho tinh thần say mê mải miết, dường như lạc bước thiên thai.”(Bà Nà du ký)
Những thắng tích của Bà Nà được bà giới thiệu bằng những câu chuyện truyền kỳ hấp dẫn như chuyện núi Gia Long, động Đào Nguyên, ông Phơi, ông Cụt, ông Hang. Động Đào Nguyên có bàn thạch, suối trong, vườn đầy hoa thơm trái ngọt để đãi người lạc bước. Nhưng ra khỏi động rồi thì quên mất đường đi nên chẳng mấy ai đến được Đào Nguyên, chỉ có kẻ lỡ đường lạc lối tình cờ mới gặp mà thôi. Đá ông Phơi thì to lớn dị thường, trơ trọi đứng riêng một góc núi, khi ông Phơi trắng như mốc là trời sắp mưa to, khi ông mốc vàng là trời nắng hạn. Từ thuở xa xưa, người nông dân ở những vùng lân cận, mỗi khi cày cấy thường trông lên núi Chúa xem sắc đá mà chiêm nghiệm nắng mưa. Dưới ngòi bút của bà Bảo Hòa cảnh nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay khiến những ai chưa đến Bà Nà càng thêm háo hức.
Bà Nà đẹp nhờ có nhiều suối, khắp các tầng núi tầng nào cũng có khe suối. Trên đỉnh núi gần nhà nghỉ mát bà thấy có một cái suối lớn, “mạch từ trong núi chảy ra, miệng suối rộng lớn vòng quanh co ở dưới trũng núi, nước trong suốt đáy, cây lớn sum sê, bóng mát thanh u, rễ da chằng chịt, ngả nghiêng bên bờ, đứng dưới suối hơi nước bốc lên mát lạnh như ở cung thủy tinh nước đá vậy.” (Bà Nà du ký)
Đường lên núi Gia Long cũng có suối đẹp “nước ở lưng chừng núi chảy xuống réo rắt như đờn, trắng xóa như căng lụa bạch, phía trên đá nhô ra như che đỡ lấy mạch nước chảy, trên mặt đá phẳng lỳ nhẵn bóng như ván gỗ khiến du khách càng thêm say đắm.”(Bà Nà du ký)
Ở Bà Nà, bà Bảo Hòa biết được nhiều thảo mộc và động vật quí hiếm khác hẳn với loài dưới đồng bằng như con rắn có bốn chân dưới bụng, miệng lại có râu tựa như rồng con, có giống sâu hễ đụng vào mình nó thì nó cuộn tròn lại như nửa hột đào, vỏ cứng mà đen, nhìn kỹ cũng không thấy đầu đuôi đâu cả. Con Tích vi giống con tắc kè mà lại có cánh bay, bay nhảy trên ngọn cây rất giỏi, bắt được nó phơi khô ngâm rượu uống khỏi đau xương.
Bà Nà nổi tiếng không chỉ có thắng cảnh mà còn có khí hậu mát mẻ, trong lành là nơi dưỡng bệnh và nghỉ ngơi lý tưởng.
Thú vị hơn cả là đứng trên Bà Nà nhìn về Đà Nẵng, Quảng Nam, bà Bảo Hòa tưởng như mình đã lên ở một địa cầu nào khác trông lại cõi trần : “ Nào thôn ổ lâu đài, ruộng dâu lúa mía, bình địa cao nguyên, chỗ cao chỗ thấp, miếng đỏ miếng vàng lốm đốm như bức tranh thiên tạo, khe ngòi sông rạch, quanh co uốn khúc như rắn bạc rồng vàng… Kia kìa Vũng Thùng tàu đậu phô ống khói, nọ cầu Thủy Tú xe lửa chạy như rắn bò, núi Ngũ Hành, cầu Cẩm Lệ đành rành trước mắt, tháp nhà thờ Tourane lù lù như hai ông thầy dòng bận áo trắng đứng im bất động, trong thì bãi cát chạy vòng theo bờ biển, ngoài nữa thì sóng bạc mênh mông không biết đâu là bờ bến.”( Bà Nà du ký)
Lên Bà Nà, bà có cảm giác như đi lạc trong mây và sương khói. Cảnh mây mù huyền ảo ban chiều rất nên thơ đã để lại trong tâm hồn bà một ấn tượng khó phai: “ dưới trũng núi, xa xa có một thứ khói như mây trắng bốc lên ngùn ngụt, bay tỏa lên không trung rồi lần lần bao phủ khắp các cụm cây cối nhà cửa như bức màn trắng khổng lồ giăng khắp núi non, đến nỗi người ta đứng cách nhau chỉ độ mấy thước cũng không trông thấy mặt… lũ trẻ nhanh chân chạy trước lấp trong đám mù, chỉ thấy màu áo xanh đỏ phấp phới không khác gì một bọn tiên đồng nhởn nhơ thấp thoáng trong mây, thật là tuyệt thú.”(Bà Nà du ký)
Cảnh bình minh rực rỡ trên núi Bà Nà, mà theo bà, chỉ ở trên núi cao mới có dịp trông thấy, cũng được bà phát họa bằng ngòi bút sinh động, tài hoa:“ một vành đỏ thắm xa xa như lướt mấy tầng sóng bạc mà nhô lên, lúc đầu thấy nửa, sau lần lần mọc rõ toàn hình, tròn vành vạnh như cái nong lớn, chung quanh tia sáng tỏa ra như hào quang rực rỡ, dưới chân có đám mây xen lẫn như nâng đỡ xe loan, một góc chân trời như ánh lửa lừng đỏ chói, mặt biển như tấm thảm vàng kim tuyến.”(Bà Nà du ký)
Với một tâm hồn nghệ sĩ giàu tình yêu thiên nhiên, bà Bảo Hòa rất mê cái thú xem trăng trên đỉnh núi, nhưng tiếc rằng những ngày ở Bà Nà bà chưa gặp trăng tròn. Tuy thế dù trăng non bà cũng không để cho lỡ dịp. Giữa khung cảnh bao la tĩnh mịch của núi rừng, dưới ánh trăng sáng lờ mờ, bà đã bồi hồi cho thân thế nên ứng khẩu ngâm mấy câu thơ cho tiêu sầu giải muộn:
Đời đáng chán hay chưa đáng chán?
Cuộc bể dâu ngao ngán mấy ông xanh!
Dở dang thay thẹn mặt tài danh
Kìa vận hội đã bao phen thi thố
Thế mới biết nhân tâm nhiều tật đố
Mà hay cho tạo vật cũng đa đoan!
(Bà Nà du ký)
Sống trong thời Pháp thuộc, làm thân phận của một người dân mất nước bà không sao khỏi đau lòng trước cảnh giang sơn gấm vóc đã thay chủ đổi ngôi. Đứng trên núi Gia Long, mảnh đất xưa kia Nguyễn Ánh tỵ nạn Tây Sơn đồn binh lập trại tạm trú để chờ ngày phục quốc thì giờ đây người Pháp đã dựng lên biệt thự thừa lương, bà đã ngậm ngùi thốt lên: “một góc giang sơn, tang thương mấy độ! Điếu cổ hoài kim, mình ta với núi!”(Bà Nà du ký)
Những ngày ở Bà Nà, bà Bảo Hòa đã tận mắt chứng kiến những tòa nhà nguy nga lộng lẫy là nơi dành riêng cho các quan chức Pháp mùa hè lên nghỉ mát, dưỡng bệnh còn người Việt Nam chỉ phục dịch mà thôi. Về thương mại, hãng Morin Frères của Pháp nắm độc quyền cung cấp mọi dịch vụ du lịch từ vận chuyển đến ăn ở, giải trí với giá rất đắc nên chỉ tiện cho người Pháp còn người Việt Nam khó mà vói tới. Đất nước của ta mà dân ta không được hưởng một quyền lợi gì, trước sự bất công đó bà Bảo Hòa rất bất bình và thương xót cho người dân mình, bà đã nói một cách nhẹ nhàng mà chua chát: “Thiết tưởng Chánh phủ mà muốn ra ơn cho được tiện lợi cả hai đàng, thì trong các sở chỗ nào còn dư đất, chánh phủ cho làm thêm một sở nhà riêng tùng tiệm cho các viên chức tòng sự liêu thuộc người An Nam, ai đau ốm mệt nhọc được lên đấy nghỉ ngơi điều dưỡng, thì ơn của chánh phủ ai mà chẳng cảm bội.”(Bà Nà du ký)
Là phụ nữ, bà Bảo Hòa rất quan tâm đến nữ giới, làm sao để đưa họ tiến bộ cho kịp trào lưu văn minh, đó là vấn đề bà luôn canh cánh bên lòng, ngay cả khi xem trăng trên đỉnh núi Bà Nà bà cũng không quên nghĩ đến nữ quyền.
“ Lẽ trong thanh khí, chị Hằng Nga soi thấu cũng chau mày cho nhân loại, vì nam nữ bất bình, mà vấn đề giải phóng phụ nữ biết bao giờ giải quyết cho xong. Thế mà nữ giới còn ngủ say chưa tỉnh, riêng ta với cô Hằng thao thức canh chầy.”(Bà Nà du ký)
Bà Nà du ký của nữ sĩ Huỳnh thị Bảo Hòa đã cống hiến cho người đọc một bức tranh toàn cảnh về Bà Nà khi người Pháp mới xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Tác phẩm lôi cuốn người đọc không chỉ bằng ngòi bút tài hoa của một nữ sĩ đa tài đã làm nổi bật những vẻ đẹp độc đáo của một chốn danh sơn mà còn vì bàng bạc trong những trang viết là một tấm lòng yêu nước thương dân tha thiết của tác giả.
Bà Nà du ký cũng như các tác phẩm khác của nữ sĩ Bảo Hòa luôn thể hiện những tình yêu cao quý đó.
Châu Yến Loan