Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Simone de Beauvoir
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, December 29, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Simone de Beauvoir, Mối tình xuyên Đại Tây Dương

Ngân Xuyên dịch


Mọi chuyện bắt đầu vào tháng Giêng 1947, khi Simone de Beauvoir (1908 - 1986), nữ văn sĩ Pháp nổi tiếng, bạn đời của nhà triết học lớn Jean-Paul Sartre, đến Mỹ theo lời mời của một số trường đại học. Trong thời gian lưu lại ở Chicago, theo lời khuyên của một cô bạn người New York, bà đã có cuộc gặp nhà văn Nelson Algren (1909 - 1981). Ông đã dẫn bà đi thăm khắp thành phố, chỉ cho bà thấy khu "dưới đáy" của Chicago, đến thăm khu phố Ba Lan, nơi ông lớn lên. Chiều ngày hôm sau bà rời đi Los Angeles, nhưng trái tim đã để lại Chicago. Họ yêu nhau nồng nàn, say đắm, nhưng không được sống bên nhau, bởi rời Chicago cuộc đời Algren mất hết ý nghĩa, cũng như Simone không thể từ bỏ Paris. Suốt mười bảy năm (1947 -1964), ngoài những lần gặp gỡ hiếm hoi, mối tình xuyên Ðại Tây dương của họ chở nặng trên những cánh thư. Cuộc tình chấm dứt khi cuốn hồi ký "Sức mạnh đồ vật" của Simone de Beauvoir ra đời (1963). "Em hy vọng anh sẽ hài lòng với những trang viết về anh, em đã đặt vào đấy tất cả trái tim mình" - bà viết cho Algren. Nhưng phản ứng của nhà văn Mỹ thật bất ngờ, gay gắt. Ông đã xỉ vả thậm tệ cuốn sách trên báo chí và cho đến tận lúc chết cũng không có ý định nối lại mối quan hệ bị gián đoạn với nữ văn sĩ Pháp. Ông mất trong cảnh cô độc tại nhà riêng của mình ở Chicago, không có ai bên cạnh lo việc tang ma. Sau khi Algren mất, Simone sửng sốt khi được biết rằng mặc dù nguyền rủa bà công khai như vậy, nhưng ông vẫn cất giữ các bức thư của bà. Chúng đã được đem bán đấu giá và một trường đại học ở bang Ohio đã được quyền sở hữu. Ít lâu sau họ xin phép bà cho công bố các bức thư đó. Vị tất khi được viết ra chúng đã nhằm để công bố, bởi chúng mang đầy những lời bộc bạch rất riêng tư. Nhưng đối với Simone de Beauvoir sự tự khám phá bản thân, thậm chí có gây xốc chăng nữa, vẫn là một trong những phương châm có tính nguyên tắc: nhà văn khi kể về mình cũng là giúp cho sự tự nhận thức của nhân loại, nhà văn không thể có điều gì bí mật che giấu người đương thời và hậu thế. Bà cho phép công bố với điều kiện là tự bà chuẩn bị các bức thư đem in và dịch chúng sang tiếng Pháp. Năm 1986 Simone de Beauvoir mất, chưa kịp hoàn thành công việc này. Con gái bà là Sylvi Le Bone de Beauvoir đã làm tiếp phần việc dở dang của mẹ và cho ra mắt cuốn sách "Lettres à Nelson Algren. Un amour transatlantique" ("Thư gửi Nelson Algren. Mối tình xuyên Ðại Tây dương") tại Pháp năm 1997. Trong mười bảy năm, Simone de Beauvoir đã gửi cho Nelson Algren tất cả 304 bức thư. Dưới đây chúng tôi trích dịch một số.


Thứ Bảy, buổi chiều 23/2/1947
Trên tàu hỏa, dọc đường đến California

Nelson Algren quý mến!
Tôi thử viết bằng tiếng Anh. Xin hãy thứ lỗi về mặt văn phạm. Nếu có từ nào đó bị dùng sai thì xin anh hãy cố gắng đọc hiểu. Thêm nữa chữ của tôi xấu khủng khiếp vì tàu lắc rất mạnh.
Hôm qua, sau khi chia tay anh, tôi trở về khách sạn viết nốt bài báo - tôi sợ là nó chẳng ra gì, nhưng thôi kệ - và ăn tối với những người đồng hương của tôi mà óc thầm nguyền rủa họ. Họ quả thật đáng ghét, hơn nữa chỉ vì họ mà tôi không thể ăn tối được với anh. Sau đó tôi gọi điện cho anh và họ tiễn tôi ra tàu. Tôi nằm trên giường, mở tập truyện của anh ra đọc cho đến lúc thiếp đi. Hôm nay tôi tiếp tục đọc, đồng thời nhìn phong cảnh qua cửa sổ tàu: ngày yên tĩnh hiếm có, và trước khi đi ngủ tôi muốn nói là tôi rất thích tập truyện của anh và cả anh nữa. Có lẽ anh cũng cảm thấy điều đó, dù thời gian thật ít ỏi và chúng ta thậm chí không kịp nói chuyện nghiêm túc với nhau. Tôi sẽ không nhắc lại lời cám ơn anh nữa, nhưng ở bên anh tôi thấy thật dễ chịu, và tôi muốn để anh biết điều đó. Thật buồn khi phải nói với anh câu chào "tạm biệt", mà cũng có thể là "vĩnh biệt". Tôi muốn lại được đến Chicago vào tháng tư để kể cho anh về tôi và nghe anh kể về anh. Chẳng biết tôi có tranh thủ được thời gian không? Ngoài ra, tôi hơi phân vân: nếu như hôm qua phải khó khăn lắm chúng ta mới chia tay nhau được, thì liệu sau khi chúng ta có mấy ngày bên nhau và gần như chắc chắn là thành bạn của nhau sẽ còn khó khăn đến đâu? Tôi không biết. Nói chung lại, tạm biệt hay là vĩnh biệt, nhưng tôi sẽ không quên hai ngày qua ở Chicago, nói cách khác, tôi sẽ không quên anh.

S. de Beauvoir



24/2/1947
Đại học Pensylvan
Cao đẳng Philadenphia

Nelson quý mến!
Tôi lại ở New York sau một chuyến đi giảng bài dài ngày khắp các trường cao đẳng và đại học trong vùng. Tôi sẽ ở lại đây khoảng hai tuần. Tôi đã có vé trở về Paris vào ngày 10 tháng Năm, nhưng thật là tiếc nếu bay đi mà chưa được gặp lại anh. Ðến Chicago thì rất phức tạp cho tôi. Tôi còn một đống bài phải viết, còn mấy bài nói chuyện và hai bài giảng ở ngay tại New York này. Có thể, anh đến đây sau ngày hai bảy được không? Như thế chúng ta sẽ được gặp nhau thường xuyên và trò chuyện được nhiều. Nếu anh đồng ý, tôi sẵn sàng gọi điện vào bất cứ lúc nào để thoả thuận ngày giờ anh đến. Nếu không, tôi sẽ cố tìm cách đến chỗ anh khoảng hai ngày. Xin anh hãy trả lời cho tôi biết. Nếu có thể được, anh nhớ mang theo một bản cuốn tiểu thuyết của anh (cuốn "Buổi sáng không đến" (1942), có lời đề tựa của nhà văn Richard Rite). Hôm qua tôi nhìn thấy nó tại một nhà với cái hình chụp anh rất tồi, trông không giống anh chút nào. Tôi đã định đánh thó nó nhưng mà không được.
Tạm biệt anh. Hy vọng chúng ta sẽ sớm gặp nhau.

S. de Beauvoir


Simone de Beauvoir gọi điện cho Algren từ New York. Chuyến về Pháp của bà bị hoãn lại, vì thế bà quyết định đến thăm ông ở Chicago. Sau đó họ cùng nhau trở lại New York, sống bên nhau tuần cuối cùng trước khi Simone về Pháp.


17/5/1947
Trên máy bay.
Thứ bảy, nửa ngày về chiều
Newfoundland

Anh yêu, "chàng thổ dân" đáng yêu, tuyệt diệu của em, anh lại buộc em phải khóc, nhưng đây là những giọt nước mắt dịu dàng, dịu dàng như tất cả những gì từ anh mà ra. Em đang ngồi trên máy bay, mở cuốn sách của anh ra, và em muốn nhìn thấy nét chữ của anh. Em nhìn vào trang bìa trong, lấy làm tiếc là đã không bảo anh ghi lại một dòng gì đấy làm kỷ niệm, nhưng đột nhiên em thấy chữ ký của anh, nét chữ đẹp đẽ, mềm mại, tràn đầy tình yêu. Em áp mặt vào cửa hông máy bay và bật khóc ngay ở độ cao trên mặt biển xanh, nhưng đó là những giọt nước mắt ngọt ngào, những giọt nước mắt của tình yêu, của tình yêu chúng ta. Em yêu anh. Người tài xế tắc xi hỏi: "Ðó là chồng bà à?" - "Không" - "Thế nghĩa là bạn? - và ông ta nói thêm vẻ thông cảm - "Trông ông ấy xúc động quá!". Em cố nén lòng mình và đáp lại: "Chúng tôi chia tay rất nặng nề, bởi Paris ở quá xa!". Nghe thế ông ta sôi nổi nói chuyện với em về Paris. May là anh không đi với em ra sân bay: trên đại lộ Madison và ở La-Gardia có mấy người quen - chỉ có Chúa mới biết được là đôi khi người Pháp đáng ghét đến thế nào, và đây là trường hợp xấu nhất. Em không giữ được bình tĩnh, thậm chí khóc cũng không khóc được. Cuối cùng thì máy bay cũng cất cánh. Em thích máy bay. Khi trong lòng đầy xáo động thì máy bay, theo em, là phương tiện đi lại hay nhất, nó hòa điệu với trạng thái tâm hồn. Máy bay, tình yêu, bầu trời, nỗi đau, hy vọng - tất cả hòa thành một. Em nghĩ về anh, lật lại trong ký ức từng chi tiết nhỏ nhặt, đọc cuốn sách của anh, tiện thể cũng nói là cuốn này em thích hơn cuốn trước. Tiếp viên mang đến rượu witky và bữa trưa rất tuyệt: gà hầm sữa chua và kem sôcôla. Anh chắc sẽ hân hoan khi nhìn thấy những cảnh này: trời mây, biển cả, bờ bãi, cánh rừng, làng mạc - tất cả như nằm gọn trong lòng tay, và chắc anh sẽ rạng rỡ với nụ cười thơ trẻ ấm áp của mình. Hoàng hôn đã xuống trên Newfoundland, còn ở New York chỉ mới ba giờ sáng. Hòn đảo đẹp một cách khác thường, phủ đầy những hàng thông tối sẫm và những mặt hồ buồn bã im lìm, đâu đó có những đám tuyết. Thấy cảnh này chắc là anh thích. Máy bay đã hạ cánh và hành khách phải chờ thêm hai giờ nữa. Không biết giờ này anh đang ở đâu? Có thể cũng đang trên máy bay chăng? Khi anh trở lại ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta, em sẽ nấp dưới giường đợi anh, ồ không, em sẽ có mặt ở khắp nơi. Bây giờ em sẽ luôn luôn ở bên anh - trên những đường phố buồn chán của Chicago, trên mặt đất, trong phòng anh. Em sẽ ở bên anh như người vợ trung thành bên người chồng yêu quý. Chúng ta không cần thức tỉnh, bởi đây không phải là giấc mơ, đây là một hiện thực tuyệt diệu và tất cả chỉ mới bắt đầu. Em cảm thấy anh ở bên cạnh, giờ đây dù em đi bất cứ đâu cũng có anh theo cùng - không chỉ cái nhìn anh, mà cả toàn bộ trọn vẹn con người anh. Em yêu anh, đấy là tất cả những gì em có thể nói được. Anh đang ôm em, em riết chặt anh và hôn anh, như mới hôn cách đây mấy giờ.

Simone của anh.



Thứ Tư 4/6/1947

Người chồng yêu của em! Em sung sướng biết bao khi hôm nay đi xuống dưới nhà thấy có thư anh, đó quả là một điều kỳ diệu! Em dường như lại được nghe thấy giọng nói vui nhộn đáng yêu của anh, thấy lại nụ cười anh, anh đang ở bên em và chúng ta đang vui vẻ chuyện trò. Hóa ra, trao đổi thư từ cũng có thể là một việc rất thú vị, nếu thư đi từ lại nhanh chóng thì cũng y như là nói chuyện với nhau vậy. Hình như anh đang ở đâu đây bên cạnh, em cảm thấy là anh yêu em và như đang nhìn em vào giây phút này, em cảm thấy là anh đang cảm thấy em yêu anh biết chừng nào. Anh yêu của em, anh không thể hình dung được là em sung sướng biết bao, em không thể ngờ anh có thể mang lại cho em nhiều hạnh phúc đến thế. Cả một ngày nắng ấm, vui tươi, rạng rỡ là nhờ bức thư dịu dàng của anh đốt cháy tâm hồn em. Em ghen với việc anh có thể viết được những bức thư như thế, điều đó quả không phải, bởi em không tài nào diễn tả được mọi tâm tư, tình cảm của mình bằng một thứ tiếng khác. Anh viết sắc sảo, mô tả rất hay các ấn tượng của mình, kể chuyện rất sinh động. Còn em buộc phải dùng một thứ tiếng Anh trẻ con nghèo nàn, dù cũng như anh, em hy vọng không phải là đồ ngốc. Nhưng đột nhiên anh lên mặt tỏ vẻ tinh tế và thú vị hơn em, rồi xem khinh em vì ngôn ngữ lắp ba lắp bắp thì sao?...

Buổi chiều

Anh yêu, bây giờ chỗ em là nửa đêm, còn ở Chicago là mấy giờ? Có lẽ đang giờ ăn tối. Anh đang làm gì? Gặm xương như anh viết trong thư trước? Em đang ngồi trong căn phòng ở khách sạn của mình (trước 1948, S. de Beauvoir nhiều năm sống ở khách sạn "Luizian" - ND), nó bị bỏ hoang lâu ngày nên trông rất tồi tàn, nếu như phải dẫn anh đến đây thì em xấu hổ lắm. Tường trông cũng còn tạm vì mới được quét lại màu thuốc đánh răng hồng, nhưng trần thì bẩn thỉu kinh khủng, nói chung cả căn phòng đều trong tình trạng thảm hại như vậy, nó rất bất tiện và xấu xí, phải cần đến một người đàn ông có kinh nghiệm quản lý dùng "bàn tay đàn bà" sửa sang, sắp xếp lại. Nhưng em đã quen với khung cảnh này, em đã sống ở đây trong suốt cuộc chiến tranh, đã nấu mì và rán khoai tây tại đây, bây giờ em không thể rời nó được như đầu óc bình thường đòi hỏi.

Sự thật, đầu óc em không bình thường chút nào, chiều nay em cảm thấy mình là người bất hạnh nhất trên đời, hãy cho phép em được khóc một chút. Thật tuyệt biết bao nếu được khóc trên ngực anh, nhưng vì không thể được khóc trên ngực anh mà em đã khóc, đó thật đúng là một điều thậm vô lý. Viết những bức thư tình quả là đại xuẩn ngốc, bởi tình yêu làm sao nói hết được qua những bức thư, nhưng biết làm gì khi giữa anh và người anh yêu bị ngăn cách bởi cả một đại dương đáng nguyền rủa? Em có thể gửi cho anh gì nữa đây? Hoa thì sẽ héo, nụ hôn và nước mắt thì không bỏ vào phong bì được. Chỉ còn lại ngôn ngữ, nhưng tiếng Anh không giúp em bày tỏ được đúng tình cảm của mình. Anh có thể kiêu hãnh đấy, thậm chí từ bên kia đại dương anh vẫn biết cách làm cho em rơi nước mắt! Em rất mệt mỏi và rất buồn nhớ anh. Khi quay trở lại nhà em thấy nặng nề. ở Pháp có cái gì đấy buồn bã một cách khác thường, dù em yêu cái buồn ấy. Sau đó, em sang Mỹ như đi nghỉ, không đòi hỏi gì ở mình, vậy mà phải làm một cái gì đó, nhưng là cái gì thì chính em cũng không hiểu và không tin có thể làm được không. Hôm nay em đang sống một buổi chiều lạ lùng, em đã cố uống thật nhiều để khoả lấp nỗi lòng, nhưng đến giờ này em vẫn không yên được. Em đã kể anh nghe về một phụ nữ rất quái đản (nữ nhà văn Violett Leduc (1907 -1972), bà tự gọi mình là "kẻ quái đản" - ND) đem lòng yêu em. Thậm chí em còn nhớ là đã nói ở đâu và khi nào - trên chiếc giường đôi ở New York- chúng ta nói chuyện về những người phụ nữ, em nhìn khuôn mặt dễ thương của anh và em thấy hạnh phúc. Thế đấy, hôm đó em đã ăn tối với chị ấy. Bốn ngày trước em gặp chị ấy - chị ấy đi kiếm em và thú nhận chuyện đó. Em đang ngồi trong quán cà phê thì chị ấy bước vào, người run như lá liễu. Em hứa ăn tối với chị ấy. Chị ấy mang đến một bản thảo giống như tập nhật ký ghi lại tỉ mỉ, không chút ngượng ngùng tình yêu đối với em - phải nói là viết rất được, chị ấy là người có tài năng văn chương, cảm nhận mọi điều rất sâu sắc và biết cách diễn tả tinh tế. Ðọc bản thảo đó là một việc nặng nhọc và hầu như không chịu nổi, nhất đây lại là nói về em. Chị ấy khiến em cảm phục và đồng cảm sâu sắc, nhưng nếu em có mặt ở Paris thì hai người chỉ gặp nhau tháng một lần. Em không ưa cái hội của chị ấy lắm, chị ấy biết điều đó. Ðáng ngạc nhiên là bọn em lại có thể bình thản bàn luận về tình yêu của chị ấy đối với em và nói về nó như một căn bệnh. Nhưng, như anh có thể đoán ra được, đi theo hội chị ấy là một thử thách không dễ dàng gì. Chị ấy bao giờ cũng mời em vào các nhà hàng sang trọng, bắt buộc gọi sâmpanh và các món ăn đắt tiền nhất. Em nói chuyện khẽ tiếng, kể đủ thứ trên đời, cố tỏ ra thoải mái và vui vẻ. Chị ấy thì ngồi uống như điên. Sau đó bọn em vào quán bar, ở đó chị ấy bắt đầu "ca" bài bi thảm, ảo não khiến em phát hoảng lên phải cáo từ. Còn chị ấy, em biết, đi về nhà khóc lóc, đập đầu vào tường và dự định kế hoạch tự sát. Chị ấy không muốn có bạn bè nào khác ngoài em, suốt ngày ngồi một mình, chờ một năm sáu lần gặp em. Em thấy hết sức nặng nề, khổ sở khi phải bỏ mặc chị ấy một mình trên phố trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, đầu óc quay cuồng với cái chết, nhưng em có thể làm gì được? Thái độ mềm yếu và thông cảm từ phía em chỉ càng làm cho tình cảnh tệ hơn mà thôi. Dù em có thiện cảm với chị ấy bao nhiêu đi nữa, em cũng không thể hôn được chị ấy. Biết cách nào thoát ra được đây?

Sáng nay, em mang từ "Temps Modern" (tờ tạp chí văn học, chính trị của giới trí thức cánh tả không cộng sản, thành lập năm 1946 bởi J-P Sartre cùng với S. de Beauvoir, R.Aragon, M.Merleau-Ponty - ND) về một đống bản thảo và cả ngày vùi đầu vào đọc. Trong đó có một bản tự thú khiến nhức nhối tâm can: một cô gái điếm kể lại đời mình. Lạy Chúa, thế giới hiện ra trong mắt cô ta chỉ là cái cuộc đời duy nhất mà cô ta đã sống và chết đi mà không được biết đến một cái gì khác cả! Ðiều đó thật là khủng khiếp! Cô ta viết bằng một thứ ngôn ngữ thật thà, thô mộc, trần trụi nên hầu như không thể nào đăng được. Ðáng khóc là những chuyện đó, chứ không phải khóc cho những cảm xúc vụn vặt của mình. Thế mà cô ta còn đủ sức cười cợt được!

Thế nhé, anh yêu, em đi ngủ đây. Em đã được an ủi phần nào khi viết xong thư cho anh. Em được tiếp thêm sức mạnh khi nghĩ rằng anh tồn tại, đang chờ đợi em, rằng tình yêu và hạnh phúc sẽ quay trở lại. Anh đã có lần nói với em rằng em đối với anh có ý nghĩa nhiều hơn là anh đối với em, nhưng không phải thế, hoàn toàn không phải thế đâu anh. Em buồn nhớ anh, em yêu anh, em là vợ anh, còn anh là chồng em. Em thiếp ngủ trong vòng tay anh đây, tình yêu của em.

Simone của anh.



Thứ Bảy, 7/7/1947

Nelson yêu quý, từ sáng trời đổ mưa, đường sắt bãi công, em không biết làm cách nào để ra được chỗ ở ngoại ô. Sau hai ngày ác mộng vừa qua ở Paris, em rất muốn đến đó nghỉ ngơi và làm việc. Chiều thứ năm, khi viết thư cho anh, tâm trạng em hơi bị u uất, nhưng bây giờ thì qua rồi. Cái chính là em lại muốn làm việc. Em đã uổng công sau khi trở về cố lập tức ngồi vào bàn viết tiếp cuốn sách về phụ nữ (ý nói cuốn "Giới tính thứ hai" - ND) mà em đã khởi thảo trước khi đi. Ðối với em, nó tạm thời đã chết. Em không thể nào tiếp tục viết tiếp được từ cái chỗ bị ngắt quãng. Em sẽ quay lại nó, nhưng là về sau, còn bây giờ em phải sục vào các ấn tượng chuyến đi của mình, em không muốn để chúng tản mát mất, cần phải lưu lại một cái gì đó, dù chỉ là trên giấy, nếu như không thể bằng cách nào khác (về sau những ghi chép này được tập hợp thành cuốn sách "Nước Mỹ ngày qua ngày" - ND). Em sẽ viết về nước Mỹ và về bản thân, muốn trình bày nó như một kinh nghiệm cá nhân: "tôi ở Mỹ". Muốn chỉ ra cái gì ẩn đằng sau những từ "đến", "đi", "nhìn xem đất nước", muốn nhận thấy, cảm thấy, nắm bắt một cái gì đó, v.v. Ðồng thời em sẽ cố gắng suy nghĩ về chính hiện thực cuộc sống Mỹ. Anh hiểu là ý em nói gì chứ? Em sợ mình diễn đạt không được rõ ràng cho lắm, nhưng ý đồ này rất hấp dẫn em.

Ở Paris em đã trải qua khoảng thời gian rất tuyệt. Sáng qua Sartre đưa em đến xem bản nháp bộ phim theo kịch bản của anh ấy do Delannoir quay. Theo em, bộ phim được. Em đã kể anh biết là điện ảnh Pháp hiện nay đã tiến rất xa, bởi vì các đạo diễn mong muốn thể hiện cái nhìn độc đáo riêng về cuộc sống, tìm cách nói lên được một cái gì đó của mình - giống như chúng ta viết sách vậy. Thật thú vị khi xem bản nháp chưa dựng xong. Anh sẽ bắt đầu hiểu làm phim là thế nào, cùng một cảnh có thể quay theo các cách khác nhau ra sao và việc lựa chọn bản cuối cùng phức tạp đến thế nào. Thêm nữa, em quen với hầu hết những người đóng trong phim này, do đó rất hứng thú khi thấy trên màn ảnh một chàng trai hay cô gái mà gần như ngày nào mình cũng gặp ở quán cà phê trên phố Saint-Germain-de-Pré. Sau đó là bữa tiệc coctail ở nhà Gallimar, ông chủ xuất bản của em. Ông ta giàu có nhờ bóc lột các nhà văn bần cùng đến mức tuần nào cũng tổ chức tiệc coctail. Em là người đầu tiên đến. Trong khu vườn và các căn phòng đông chật người, không còn chỗ nào mà len chân, em gặp lại một đống bạn bè cách biệt nhau kể từ hồi em sang Mỹ. Họ chúc mừng em, hỏi chuyện nước Mỹ và thông báo những tin tức đồn đại nóng hổi nhất ở Paris. Cả bọn hẹn đến tối gặp lại nhau. Thế là đến khoảng nửa đếm, em đi tới một chỗ cực kỳ điên rồ nhưng cũng rất đáng yêu, ở đó giới trí thức trẻ Pháp - hay đám trẻ coi mình là thế - tới uống rượu và nhảy múa với các nữ trí thức giả hiệu trẻ trung và xinh đẹp. Ðó là một cái hầm chứa dài và hẹp nằm dưới một quán bar không lớn lắm, tối tăm, trần và tường quét màu đỏ, bàn ghế để chật cứng và đông nghịt người nhảy múa, ước có khoảng một trăm hay hai trăm người ở đó, mặc dù lúc thường nó chỉ chứa được không quá hai mươi người. Khung cảnh dễ chịu, tuy có hơi lạ lùng, bởi vì các cậu bé và cô bé đến đây ăn mặc rất kỳ dị, thường là những bộ quần áo loang lổ sặc sỡ, và chúng nhảy như điên. Nhưng trong đám đó cũng có những cậu trông rất thông minh, còn các cô bé thì có gương mặt dễ thương. Các nhạc công ở đó toàn tay cừ, chơi hay hơn hẳn phần lớn những người da trắng ở Mỹ, họ sống chính bằng nghề này. Ðặc biệt em thích anh chàng thổi kèn (đó là Boris Vian, người sau này trở thành một nhà văn nổi tiếng của Pháp, đặc biệt với tiểu thuyết "Bọt ngày" đã được dịch ra tiếng Việt - ND), một chàng trai trông hấp dẫn lạ lùng, một kỹ sư (để kiếm sống), nói chung là nhà văn và nhạc công. Anh ta thổi rất say sưa, mạnh mẽ, mặc dù anh ta bị đau tim và có thể chết nếu chơi quá nhiều. Anh ta đã cho ra một cuốn sách gây ầm ĩ ("Tôi đến nhổ vào mộ các ngài") - hình như nó do một người Mỹ da đen viết, còn anh ta chỉ dịch ra - nhờ đó đã kiếm được khá tiền, bởi vì cuốn tiểu thuyết đó (một cuốn sách mang tính bạo dâm và đầy nhơ bẩn) được công chúng đổ xô tìm đọc.

Chung lại là bọn em uống rượu thỏa thích, trò chuyện cởi mở, nghe nhạc jazz và xem mọi người nhảy múa (bản thân em thì không nhảy, không bao giờ em thích cái trò đó). Buổi tối diễn ra dễ chịu, dù em không nghĩ là sẽ mau chóng gặp lại những người bạn này. Em không có ý định gặp gỡ thường xuyên với họ, nhưng em thấy thích thú khi biết họ đang sống đâu đó gần bên - ở nước Pháp, ở Paris - cũng đang viết lách, nghe nhạc jazz, nhìn ra phố, nhìn lên trời như em vậy.

Em nghĩ là sẽ sống thêm một tháng nữa như thế này, giữa Paris và làng quê, tuần hai lần vào thành phố, viết sách về nước Mỹ và viết thư cho anh. Em đang đợi, chậm nhất là vào thứ hai, bức thư số 4 của anh. Sáng nay em có hy vọng mong manh là sẽ nhận được nó, nhưng không có! Hãy viết thư cho em, anh yêu, tốt nhất là ngày nào cũng gửi, chứ không phải là tuần chỉ hai lần. Em đã nói với nhiều người về cuốn tiểu thuyết của anh, lúc nào em cũng cảm thấy dường như em đang cầm tay anh và mỉm cười với anh. Paris lúc này là buổi trưa. Còn anh ở Chicago có lẽ đang đi bơi hay đang bận tạp dề vào bếp? Cũng có thể là anh đang ngủ? Em thích thế hơn, để cho em được đến gần bên và đánh thức anh dậy bằng nụ hôn.
Em hôn anh nhiều, thật nhiều.

Simone của anh.



Chủ Nhật 8/8/1948

Chào anh, anh yêu của em! Chúng ta thức dậy cùng nhau, anh chìa nắm đấm cho em, rồi sau đó... Mà thôi, em không thể. Ôi, những cơn tỉnh giấc cô đơn, lạnh lùng trong căn phòng tròn này!

Hôm nay một ngày bình yên, chủ nhật, ngoài phố có gió nhẹ thổi. Sartre cùng mẹ đi vắng một tuần, giao lại căn hộ cho em. Ngồi bên bàn, em nhìn qua cửa sổ ngắm nhà thờ và tiệm cà phê "Do Mago". Bây giờ là mười giờ sáng, em không tính đi đâu cho đến tám giờ tối. Em uống một viên tăng trương lực - em muốn kết thúc một chương. Hôm nay anh chắc cũng làm việc cả ngày, em nghĩ thế. Bài tiểu luận của em "Ðạo đức của tính hai mặt" sắp ra ở Mỹ. Em lại nhìn thấy cái tay làm trò ảo thuật ấy (em gần như đã đoán ra được một số trò của hắn) và lại có mặt tại một hầm chứa đông chật khách du lịch Mỹ đến mức phải vất vả lắm em mới len được vào. Nó nằm ở tầng hầm tiệm "Do Mago", bài trí hấp dẫn theo phong cách kỳ dị nhưng dễ chịu, nhạc jazz ở đó hay nhất Paris, quả thật là tuyệt vời, bọn trẻ nhảy múa rất đẹp. Nhân vật chính ở đó vẫn là anh chàng thổi kèn mà có lần em đã viết cho anh, anh ta vừa mới dịch xong cuốn "Những chiếc đồng hồ lớn" của bạn anh là Kennet Phiring (nhà văn Mỹ, nổi tiếng vào những năm 30, về sau chuyên viết các tiểu thuyết trinh thám - ND). Một điều lạ lùng: bạn em dịch sách của bạn anh, đó là hai thế giới khác nhau, xa nhau vời vợi, còn em và anh thì rất gần nhau. Em kiên trì theo trật tự đã định: ban ngày làm việc, buổi tối gặp gỡ bạn bè - thường là ở tiệm cà phê, nơi đó có witky, khi thì ngồi dưới bóng dù ngoài đường, khi thì ở trong nhà. Nhóm bạn vẫn chừng ấy người: Sartre, anh chàng Bost đẹp trai, Giakometti, Richard Rite - một cuộc sống thật trầm lặng. Em vẫn không nguôi buồn nhớ anh, nỗi nhớ khó nhọc, không nước mắt, giá đôi khi khóc được thì tốt hơn, nhưng em đã khóc quá nhiều vào cái đêm ấy, từ đó chỉ còn lại nỗi đau nghiệt ngã, khô lạnh. Tuy nhiên em vẫn không đến nỗi bị cắt đứt, khi tìm thấy trong va li của mình chiếc khăn mùi xoa có thêu chữ "A" và khi đeo chiếc cà vạt nhỏ màu đen mà anh rất thích.

Hôm qua em vào rạp xem bộ phim "Quả cầu bốc cháy" của Houks làm cùng với Hary Cuper và Barbara Stenvik - đôi đoạn vui nhộn, nhưng nói chung là nhảm nhí. Vì còn thời gian cả một ngày nên em muốn thong thả trò chuyện cùng anh. Em không có tài viết được những chuyện bịa hay ho như anh, nên tốt nhất là em kể cho anh nghe các chuyện thật. Em đã đọc đi đọc lại bức thư mới đây của anh và muốn quay lại nó. Thứ nhất, em nhắc đến một chàng trai xinh đẹp không phải để nhằm khoe khoang. Em cảm thấy, trong quan hệ của chúng ta sự khoe khoang là không nên có. Nếu như em có khoe một điều gì đấy thì đó là về tình yêu của chúng ta. Ðơn giản là em rất muốn chúng ta không chỉ là tình nhân, mà còn là bạn bè, và càng biết nhiều về nhau càng tốt. Còn khoe khoang tiểu sử tình ái của mình thì đặc biệt chẳng sao, hôm nay em sẽ kể cho anh nghe mọi chuyện về em, như anh đã kể cho em nghe về anh vào cái buổi tối tuyệt diệu trong tiệm cà phê "Kasa kontent". Như anh đã biết, em sinh ra trong một gia đình thị dân theo công giáo và rất cổ hủ, mọi người giáo dục em rất nghiêm khắc, cấm đọc đủ thứ sách - em được đọc chúng chỉ vào những năm sinh viên, khi đã ngừng tin vào Chúa. Nhưng dẫu sao em vẫn là cô gái "nết na" nhất đời. Năm mười bảy tuổi em yêu người anh họ thông minh, quyến rũ, cùng tuổi với em, anh ấy đối với em là mẫu hình lý tưởng của người đàn ông. Anh ấy rất quyến luyến em, phát hiện cho em văn học hiện đại và giúp đỡ về mặt tâm lý giúp em thoát khỏi các thiên kiến của gia đình, nhưng anh ấy "tôn trọng" em như một người mang cách nhìn thị dân có thể "tôn trọng" cô em họ, còn khi cưới vợ anh ấy lấy một cô gái què quặt ngốc nghếch, giàu có và còn trinh nguyên với chồng. Chung lại, đó là một mối tình lý tưởng kiểu trẻ con, tầm thường. Ðám cưới của anh ấy đã giáng cho em một đòn, nhưng không phải là quá mạnh, bởi vì chính vào thời gian ấy em có những người bạn mới, đó là các sinh viên như em, trong số họ có Sartre.
Em và Sartre chẳng mấy chốc đã quấn quít nhau, em hai mươi ba, anh ấy hai mươi lăm, em đã vui sướng hiến dâng cho anh ấy cuộc đời mình và cả bản thân. Anh ấy là người đàn ông đầu tiên em chung chăn gối - trước đó em thậm chí chưa hôn một ai. Từ đấy, bọn em có cuộc sống chung, và như em đã nói với anh, em rất yêu anh ấy, nhưng có lẽ là yêu như một người anh.



Thứ tư, 23/7/1947

Anh yêu của em, không có những thư mới của anh sau hai bức đến từ tuần trước, vì thế em quyết định đọc lại chúng. Giá anh biết được là em hoàn toàn không trách cứ gì thú chơi bài của anh. Nếu như anh đã làm việc vất vả cả ngày thì vì sao chiều tối lại không chơi? Cái chính là công việc làm xong, còn khi rời bàn đứng lên và muốn thư giãn thì theo em, có thể làm gì cũng được. Em chẳng hạn, những khi đó thích uống một chút, cái đấy cũng như chơi cờ vậy thôi, chỉ để nghỉ ngơi thôi mà. Nói chung thời gian gần đây em uống hơi nhiều, bởi vì em rất buồn nhớ anh, buồn nhớ nhiều hơn là em có thể hình dung. Nelson anh yêu, anh là người ân cần và đáng yêu nhất trên đời, em rất vui sướng thấy anh muốn chuẩn bị mọi việc thật lý tưởng cho chuyến em đến, nhưng hãy cứ để đó chỉ là dự định thôi nghe anh. Nếu anh khỏe mạnh và yêu em thì hỏi em còn cần gì hơn nữa? Xin anh đừng sửa soạn gì đặc biệt cả. Tất nhiên, nếu anh dùng mười đôla mà mua được một chiếc ô tô thì đó là một điều kỳ diệu, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đi bằng xe buýt và máy bay, thậm chí chỉ bằng xe buýt, và nếu như trong bếp của chúng ta có một ít thịt và ngô - hay thậm chí chỉ ngô không thôi - thì đối với hạnh phúc thế cũng đã đủ lắm rồi, phải không anh? Anh biết đấy, em không phải là người đỏng đảnh, em có thể sống bằng bánh mì và khoai tây, nước lã và tình yêu, vậy nên anh chớ lo lắng gì. Về mặt nào đó đúng là em có hơi sợ. Hôm nay em đã xem bộ phim của Sartre - nó đã hoàn thành và không đến nỗi kém, dù còn có thể làm được hay hơn. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Vấn đề là ở cốt truyện khiến em thấy lo âu. Người đàn ông và người phụ nữ quen nhau sau khi chết và yêu nhau. Họ được phép trở lại dương thế nếu họ biết cách biến được tình yêu của mình thành tình cảm con người thực thụ, sống động thì họ sẽ lại được hưởng toàn vẹn cuộc sống, còn nếu không thì sẽ bị chết vĩnh viễn. Họ đã không biết cách. Ðiều đó đã gây ấn tượng mạnh và em nghĩ về cuộc tình của chúng ta. Chúng ta yêu nhau qua các hồi ức và hy vọng, thường là qua thư từ. Liệu chúng ta có thể biến được tình yêu này thành tình cảm sống động và hạnh phúc của con người không? Cần phải thế. Em nghĩ, chúng ta sẽ có được điều đó, nhưng không phải là đơn giản. Nelson, em yêu anh, nhưng liệu em có xứng đáng với tình yêu của anh không, một khi em không thể hiến dâng cho anh cuộc sống? (trong thư trước Algren bày tỏ hy vọng là trong lần đến sau Simone de Beauvoir sẽ ở lại hẳn - ND). Em đã cố giải thích cho anh rõ vì sao. Anh có hiểu em không? Anh có bực bội không? Ðiều đó có làm anh xa cách không? Anh có luôn tin rằng em thật sự yêu anh, yêu chân thành? Có lẽ, không nên nói những điều như thế trong thư, em rất đau khổ khi phải nói ra mọi điều thẳng thắn như vậy. Nhưng lảng tránh chúng em lại thấy khó hơn gấp bội, bởi em cũng đã tự đặt cho mình những câu hỏi đó. Em không muốn lừa dối anh hay che giấu anh một điều gì. Một trong những câu hỏi đó đã không để em yên ổn hai tháng nay, nó dày vò em, cắn xé trái tim em: có thể dâng hiến một phần mình được không, khi biết rằng không có ý định dâng hiến tất cả? Liệu mình có quyền yêu anh ấy và nói là yêu nếu mình không sẵn sàng trao cho anh ấy toàn bộ cuộc đời khi anh ấy đòi hỏi? Liệu một ngày nào đó anh ấy có căm ghét mình không? Nelson, tình yêu của em, giá như không nói đến vấn đề này thì dễ chịu cho em hơn, bởi anh cũng không đề cập đến nó, nhưng anh đã nói rất tha thiết với em rằng đối với chúng ta không thể có chuyện gì lừa dối hay che giấu nhau. Em không thể chịu được giữa chúng ta lại có những chuyện úp mở, những điều khó chịu không nói ra lời, những sự bực bội kìm nén. Bây giờ mọi chuyện đã được viết hết ra giấy. Nếu anh không muốn thì xin đừng viết trả lời, đợi khi nào gặp nhau chúng ta sẽ bàn bạc. Anh còn nhớ đã có lần em nói em kính trọng anh thế nào: chính sự kính trọng anh đã buộc em phải viết ra trang thư này. Em không có ý nói anh yêu cầu gì ở em, nói chung không biết là khi chúng ta gặp nhau sự thể sẽ thế nào, em chỉ muốn nói một điều: em không bao giờ có thể đem lại cho anh tất cả, vì thế tâm hồn em cứ bị dằn vặt. Anh yêu, đó quả thật là địa ngục - sống xa nhau, không thể nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói về những chuyện quan trọng như vậy. Anh có cảm thấy chính vì tình yêu mà em cố gắng nói lên sự thật bằng mọi giá và điều đó chứa chất nhiều tình yêu hơn là mấy lời "em yêu anh"? Anh có cảm thấy em muốn không chỉ là được yêu, mà còn phải xứng đáng với tình yêu của anh? Xin anh hãy đọc thư này với trái tim đang yêu, hãy hình dung như là đầu em đang ngả vào vai anh. Có thể anh không coi nghiêm trọng lắm bức thư này của em, bởi em viết về những điều anh cũng đã biết. Nhưng em không thể không viết, bởi vì tình yêu của chúng ta cần phải trung thực, cuộc gặp của chúng ta cần phải không bị biến thành bẽ bàng, thất vọng. ở đây em đặt hy vọng vào cả anh và bản thân mình. Dẫu anh xem chuyện này thế nào chăng nữa, xin hãy cứ ôm chặt em.

Simone của anh


Algren viết thư đáp lại rằng ông có ý định đề nghị bà lấy ông, khi bà đến Chicago. Ông thích chờ đợi cuộc gặp để nói chuyện nghiêm túc, nhưng bức thư ngày 23 tháng Bảy đã buộc ông phải nhìn sự việc một cách tỉnh táo, cuộc hôn nhân sẽ đẩy cả hai người đến sự đoạn tuyệt không thể được với cái thế giới mà mỗi người không thể tách rời. Chẳng lẽ có thể chặt đứt gốc rễ ràng buộc bà với Paris, ông với Chicago mà không thấy nuối tiếc và không cảm như đó là một cuộc tự sát tinh thần? Tuy nhiên ông cảm thấy mình buộc chặt với bà bởi những mối dây hôn nhân chặt hơn những mối dây đã từng gắn ông với người vợ hợp pháp trước đây. Còn về tương lai... Liệu một ngày nào đó ông có căm ghét bà không?Hiện thì ông cảm thấy là điều đó không thể có được. Ông biết ơn bà và sẵn sàng vì bà mà từ bỏ hình thức chung sống theo như thông lệ: họ sống bên nhau một thời gian, rồi bà ra đi. Nếu ông có điều kiện thì bay đến Pháp, sau đó trở về nhà, không hề có những cảnh bi thương, sướt mướt.


Thứ Bảy, 28/7/1947

Nelson, anh yêu, em viết cho anh trên giấy màu xanh sáng, bởi vì trái tim em đang ngập tràn một niềm hy vọng cũng màu xanh sáng như vậy: chúng ta sắp có một niềm vui lớn. Nếu mọi việc đâu vào đấy thì em sẽ đến chỗ anh vào đầu tháng chín, chính xác là ngày bảy, và ở lại đến ngày hai mươi. Chúng ta sẽ có gần hai tuần được sống trong vòng tay nhau, ở nơi thanh bình như chốn mục đồng. Em lấy chuyến bay thẳng Paris - Chicago, lên máy bay vào chiều ngày sáu và đến nơi vào ngày bảy, lúc mười hai giờ (theo giờ Chicago). Anh đừng ra sân bay, các thứ thủ tục hải quan khủng khiếp chẳng biết lúc nào mới xong, và em sẽ điên lên mất khi biết anh đang ở gần đâu đó nhưng em không thể thấy được. Hơn nữa sân bay không phải là nơi tốt nhất cho cuộc gặp lại của vợ chồng sau một thời gian dài xa cách. Hãy đợi em ở nhà với rượu wisky ngon, giăm bông và mứt, bởi vì em sẽ rất mệt mỏi và đói bụng. Hãy dự trữ tình yêu nhiều vào, hãy mua hết các nhãn tình yêu sản xuất tại địa phương trong các thứ chai lọ mà anh có ở nhà. Anh yêu, em không thể và thậm chí không tìm cách diễn đạt là em sung sướng đến mức nào. Mọi việc được quyết định một cách đột ngột. Em biết là vào tháng chín em sẽ có hai tuần rảnh, nhưng Chicago thì quá xa xôi, cứ nghĩ đến việc bay đến đấy là em đã thấy sợ, như anh cũng sợ phải đến New York khi em từ đó gọi điện cho anh. Em biết rằng nếu em cứ khăng khăng thì sẽ có thể nhận được tiền từ nhà xuất bản của mình (Sartre đã thuyết phục Beauvoir thực hiện chuyến đi và cấp tiền cho bà -ND). Và đột nhiên em nghĩ: "xa xôi" nghĩa là gì? Hai mươi tư giờ bay nghĩa là gì nếu anh thật sự muốn gặp mặt người anh yêu dấu? Em vừa tự đặt ra câu hỏi đó thì câu trả lời cũng bật ra luôn: nếu em có thể đi được, nghĩa là, em sẽ đi. Việc đã quyết. Em bổ đến hãng du lịch...
Phượng Các
#2 Posted : Tuesday, February 1, 2005 12:00:20 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)




Francoise Sagan, buồn ơi vĩnh biệt


MIÊNG






Adieu tristesse

Bonjour tristesse

Tu es inscrite dans les lignes du plafond

Tu es inscrite dans les yeux que j’aime

Tu n’es pas tout à fait la misère

Car les lèvres les plus pauvres te dénoncent

Par un sourire


Buồn ơi vĩnh biệt

Buồn ơi xin chào [1]

Tên mi viết ở trần cao

Viết trong đôi mắt dạt dào ta yêu

Mi đâu hẳn nỗi khốn nghèo

Khi môi cằn ấy tố trêu

Nụ cười



Dùng câu thơ thứ nhì của Paul Eluard (bài À peine défigurée*, Hơi biến ảnh) làm tựa quyển tiểu thuyết đầu tay, Françoise Sagan bất ngờ bước vào văn học làm sững sờ thế giới, đã đi vào truyền thuyết và nửa sau thế kỷ XX chưa bao giờ ra khỏi vinh quang. Sagan thường phàn nàn «Ngán chút thành công nhỏ nhoi này mà thành điệp khúc suốt đời».

Sinh ngày 21 tháng 6 năm 1935 với tên Francoise Quoirez, tác giả Buồn Ơi Chào Mi [2] chọn bút hiệu Sagan, từ nhân vật của Proust trong À la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) - một trong những nhà văn tác giả ái mộ. Buồn ơi chào mi được hoàn tất trong bảy tuần lễ, đánh máy với hai ngón, trong quán cà phê - chào đời trung tuần tháng ba năm 1954 buộc giải băng mang giòng chữ «Quỷ trong tim » [3], tức khắc trở thành một trong những best-sellers quan trọng sau chiến tranh[4]. Sagan không kịp ước mơ, vinh quang đã ào đến. Tháng 5 được giải Critiques. Và quyển tiểu thuyết mỏng manh chưa tới hai trăm trang được dịch ra 22 thứ tiếng - trong đó có Việt Nam, Nguyễn Vỹ dịch năm 1959.


Mở đầu, truyện giới thiệu trực tiếp tâm trạng nhân vật chính ngôi thứ nhất: «Thứ tình cảm xa lạ này mà sự phiền muộn, sự êm dịu không ngừng ám ảnh, tôi ngần ngại đặt lên nó cái tên vừa đẹp vừa nghiêm trọng, là buồn. Đó là thứ tình cảm trọn vẹn quá, ích kỷ quá đến nỗi tôi hầu như hổ thẹn, trong khi nỗi buồn đối với tôi luôn luôn đáng kính. Tôi chưa hề biết buồn, chỉ biết chán nản, hối tiếc, hiếm hoi hơn nữa là lòng ân hận. Hôm nay có gì lắng xuống trong tôi như lụa, bải hoải dịu dàng, chia cách tôi với người khác.

Hè năm đó, tôi mười bảy hoàn toàn sung sướng. « Người khác » là bố và Elsa, nhân tình của bố… »cùng với Anne đoan trang đứng đắn, bạn người mẹ quá cố. Tôi - Cécile phóng khoáng tự do không chịu nổi Anne muốn hướng dẫn mình vào con đường nghiêm chỉnh. Biết bố có thể tính chuyện trăm năm với Anne, Cécile sắp đặt cho Anne thấy bố đang âu yếm Elsa. Anne thất vọng phẫn nộ lao xe, tai nạn, chết. Từ đó Cécile bắt đầu biết buồn, và Sagan bắt đầu thác loạn.

Vào Couvent des Oiseaux năm 1947, bị đuổi vì Sagan ngấy phải cố gắng, nhà trường thì cho bà thiếu tâm linh. Hỏng tú tài năm 1951 sau khi đã tiêu trọn một năm thưởng thức nhạc jazz ở Saint Germain des Prés, nơi sau này Sagan gặp Jean Paul Sartre (hơn Sagan 30 tuổi) và gắn bó tình bạn bền bỉ. Sau đó ghi tên học văn chương ở Sorbonne nhưng bỏ dở dang. Sagan mê văn, 13 tuổi đọc Les Nourritures terrestres (Thực phẩm trần gian) của André Gide, 14 tuổi đọc Albertine disparue (Albertine biến mất) của Proust, 16 tuổi đọc Les Illuminations (Những bản khắc màu) của Rimbaud, Sagan cho văn chương là tất cả. Rồi đọc Camus, Sartre, Faulkner… và hiểu mình sẽ thiên về văn nghiệp.

1954 Sagan là quả bom văn chương nữ. Sau thế chiến thứ hai, các cô muốn thoát khỏi ảnh hưởng gia đình, khỏi ảnh hưởng bà nội bà ngoại luôn áp đặt mọi chuyện, ngay cả phải bận áo hoa xanh hoa hồng. Các cô bắt chước goá phụ chiến tranh, bận màu đen. Sagan tung đúng lúc những gì trong thâm tâm các cô chờ đợi, rao giảng bài học tự do, cao ngạo vượt khỏi mọi rào cản, trực diện số phận. Buồn ơi chào mi là một cú bất ngờ đối với xã hội thời ấy bám riết truyền thống xưa, quan niệm phải lập gia đình rồi mới luyến ái. Thuốc ngừa thai chưa phát minh. Chuyện phá thai chỉ dành cho gia đình giàu có chạy qua Thụy Sĩ giải quyết. Trai gái chỉ tán tỉnh nhau bằng mắt bằng lời. Tìm khoái lạc là cái gì lạ lùng, Pétain cũng chống và De Gaule cũng chống. Thời De Gaule học trò còn bị cô thầy khẻ tay, trai muốn dụ được gái phải rất mưu mẹo khôn ngoan, đừng hòng các cô dễ dàng quên đức hạnh. 1954 cũng là thời nước Pháp mỏi mệt vì hai cuộc chiến tranh thuộc địa, Đông Dương và Algérie, dân chúng chán nản hững hờ, luân lý chẳng ảnh hưởng gì tới nền chính trị bận rộn. Về phương diện văn chương, Sagan là hiện tượng độc đáo lúc bấy giờ, vừa ra khỏi hiện thực xã hội nhưng chưa có gì mới mẻ khác. Buồn ơi chào mi là « vũ điệu trần truồng giữa căn nhà ngủ người lớn », đẩy sức sống thanh xuân vừa vô luân vừa quyến rũ không cưỡng đuợc. Và cái quyến rũ này đã đưa văn học Pháp cũng như thế giới ra khỏi cằn cỗi không mầm sinh mới, nó khiến cái vô luân càng đáng yêu đáng tha thứ và khiến người muốn chỉ trích cũng phải lựa lời. Vậy mà 3 năm trước đó Sagan đã viết hài kịch thất bại, vất sọt rác.





Người: Khoảng 50 tác phẩm phần lớn là tiểu thuyết, nhân vật Sagan mang dáng vẻ bè bạn chung quanh hoặc chính tác giả: giàu có, tự do, tìm vui trốn tránh nỗi buồn, có thể giao du được, không đến nỗi táo bạo điên khùng, nhưng không nhân vật nào của Sagan là huyền thoại. Ngược lại, cuộc đời tác giả là một huyền thoại, ngoại hạng. Sinh trưởng trong gia đình giàu có và giáo dục tốt, Sagan ngoan ngoãn nghe lời khuyên của bố « xài hết đi » số nhuận bút khổng lồ đối với cây bút chưa tròn mười chín tuổi. Gì chớ tiêu xài thì Sagan đã quá quen trong gia đình trưởng giả, và đó là điều Sagan áp dụng suốt đời.

Tóc vàng ngắn, mái xô lệch phủ trán, dáng yếu đuối, thuốc trên tay, nói nhanh ngắt quãng, luôn luôn ánh mắt ngạc nhiên trẻ con, bất định… vẻ mong manh bên ngoài ấy chứa đựng một đầu óc tự do, táo bạo, cực kỳ thông minh, năng động, nổi loạn, bất chấp, độc đáo và được hầu hết mọi người yêu quý. Thân thể dong dỏng đó cũng bền bỉ với cách sống bạt mạng: Sagan suốt đời ham xe thể thao, thức đêm cờ bạc, rượu và ma túy, yêu cuồng sống vội, đủ món tứ đổ tường, thích cười đùa, thích yêu, thích ái mộ, nói tốt người khác - nhất là những người kiêu ngạo cô đơn không cần ai… Liều lĩnh phóng túng, thích cảm giác mạnh, Sagan nói Những gì luôn luôn quyến rũ tôi là đốt cháy đời tôi, say sưa, choáng váng. Sagan quan niệm trò may rủi giống như tốc độ, thắng thua không quan trọng bằng cảm giác. Đó là nỗi đam mê có thể đưa mình đi thật xa, là khoái lạc, là trò giải trí điên cuồng. Không gì giống tài năng bằng may mắn. Sagan may mắn. Ngày 8 tháng 8 năm 1958, Sagan chơi bàn quay đặt số 8, thắng 80 000 quan Pháp, đúng số tiền cần mua căn nhà đang thuê vùng biển bắc. Rời sòng bạc, bà mang ngay đến chủ nhà, lúc đó 8 giờ sáng- rồi vội vã ra về, dưỡng sức cho buổi tối. Bà sở hữu nhiều năm căn nhà này, sau bán đấu giá qua cơn thiếu hụt, và cũng là nơi bạn cưu mang bà những năm cuối đời, bịnh hoạn. Bà bị cấm tới lui những ổ chơi đen đỏ. Đã nhiều lần tai nạn, và dù suýt chết nhiều lần nhất là năm 1957, Sagan vẫn thích lái xe thể thao bất kể hiểm nguy, bà cùng một số ít bạn bè thân thiết rất gần gũi tử thần.

Giữa quyển này quyển khác, giữa trang trước trang sau là những đêm trác táng khói cần sa ma túy, là rượu ngon, là những đoạn đường rút ngắn xe thể thao vun vút, sống chết đều vội vã hết mình. Sagan không chỉ là một nhà văn, mà là một con người - một con người dám sống, đam mê mọi thói tật. Sinh trưởng và sống trong của cải, Sagan tự cho mình có may mắn, nhưng không vì vậy mà ôm giữ cẩn thận cái may mắn đó. Sagan sống tận cùng, phung phí sức lực và tiền bạc có được, coi thường cái “liệu cơm gắp mắm” nên nhiều lúc đảo điên vì túng bấn. Người ta không cần biết Sagan của Proust nữa dù là công chúa, họ đã có một Sagan xương thịt, nhạy cảm sinh động, sôi nổi điên cuồng, hoang đàng khả ái, hiện thân thời đại. Luôn luôn ham sống và ham viết, luôn luôn yêu văn chương. Bà chẳng lưu tâm gì đến chính trị khiến Sartre tự hỏi mình có quá chính trị không! Sagan đã giúp những năm cuối đời của Sartre vui vẻ, bà chở Sartre trên xe phóng đi ăn đi chơi, và họ cười đùa vô tư như học trò. Quyển Avec mon meilleur souvenir (Kỷ niệm đẹp nhất của tôi) ra năm 1984, Sagan viết về Sartre lời lẽ trân trọng yêu qúy, kể lại những thông đồng giữa hai tài danh thế kỷ XX, không khoe khoang, chỉ khiến người đọc thích thú say mê trước đầu óc, tâm hồn và chữ nghĩa riêng của mỗi người.

Sagan là một Star thực sự, một hiện thân huy hoàng cho văn học Pháp, nẩy lửa và u hoài. Là người trí tuệ, lễ độ, tế nhị, Sagan đưa ta vào căn phòng tưởng tượng, hào phóng thảnh thơi. Mọi sinh hoạt của bà đã nuôi nhiều cột báo. Người ta viết về bà hình ảnh tiểu thuyết gia ăn chơi, đi chân trần, phóng xe, nhậu nhẹt. Nhưng Sagan bất cần những tò mò kiểu đó, và luôn luôn trả lời minh bạch, thẳng thắn không gian lận về chính mình và thời mình sống.

Sagan có hai đời chồng, năm 1958 với éditeur Guy Schoeller lớn hơn 20 tuổi, 2 năm sau ly dị; 1962 bà tái giá và có con trai tên Denis, với Robert Westhoff điêu khắc gia người Mỹ. Năm sau ly dị. Từ đó bà sống độc thân tới khi chết.





Văn: Sagan quan trọng hơn tác phẩm, nổi tiếng hơn các nhân vật của bà. Sagan tiêu hao sức lực trong cái trái nghịch đời mình: sinh hoạt nhộn nhàng với xã hội thượng lưu bên ngoài và nỗi cô đơn không cùng bên trong… Bernard Frank (nhà văn, bạn thân của Sagan) cho rằng Sagan đẩy nhục cảm vào triết lý hiện sinh, người khác bảo Sagan đặt “một chút mặt trời trong nước lạnh” (Tên quyển tiểu thuyết khác của Sagan. Khi phim này chiếu ở miền Nam, dân VN thêm “một chút mặt trời trong ly nước lạnh!). Thường những cuộc tình tay ba, người tình tìm cách tự đày ải như chỉ có mình mới biết yêu thực sự. Nhân vật cô đơn nhưng không om sòm về sự hiện hữu đáng lo âu của mình. Con người sống qua ngày, chán chường, không mục đích, giải quyết nhàn cư bằng những mưu mẹo tình trường, những hành vi táo bạo, lao mình vào cuộc truy hoan. Có lẽ Sagan quen sống giàu sang, nhân vật bà chẳng quan tâm đến vật chất. Bà tô hoạ tình cảm nhân vật như giới đàn anh tô hoạ cá tính. Sagan không phải tiểu thuyết gia của cái sống bần hàn cực nhọc mỗi ngày, bà diễn tả nếp sống phơi phới tự do khiến phát thèm ngỡ là tưởng tượng. Bà rất riêng lẻ trong thời ấy. Những người quan niệm nhà văn phải im lặng đau khổ, viết nhưng đừng sống, thì không ưa bà, cho văn bà là âm nhạc nhỏ “petite musique”, lối mỉa mai loại văn không có gì đáng kể. Dĩ nhiên bị chê thì chẳng ai vui, ngay cả Sagan xem đời là một cuộc chơi, bà tuyên bố Cứ nghe nói mãi về « âm nhạc nhỏ », tôi tự nhủ « mang một ít Wagner vào đấy » . Bù lại, nhà văn Francois Mauriac, (1885-1970: năm 1926 được giải nhất về tiểu thuyết Viện Hàn Lâm Pháp; 1933 được bầu vào Viện Hàn Lâm; 1952 được Nobel văn chương), được mệnh danh và cũng tự nhận mình là « nhà văn Công giáo », gọi Sagan là “tiểu quỷ duyên dáng”. Và Emile Henriot (1889-1961, nhà báo, nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn, được bầu vào viện Hàn Lâm năm 1945) gọi Buồn ơi chào mi là “kiệt tác nhỏ vô sĩ tàn ác”.

Văn Sagan thuộc loại cổ điển, câu ngắn, dễ dãi không trau chuốt bóng bẩy, thẳng thắn, hờ hững bất cần, cá tính mạnh, nhẹ nhàng lịch lãm, chuyển tải trực tiếp rung cảm của tác giả sang độc giả. Nhẹ như khói thuốc, khói cần sa ma túy. Sagan chẳng tha thiết cái mới mẻ. Viết vì thích viết. Không phân vân ba trăm năm sau có ai dư nước mắt khóc mình không, cái đó không ám ảnh bà. Các nhà đạo đức lớn quan niệm viết là vẽ lại quang cảnh tinh thần, nhất là tâm hồn mình. Sagan càng lúc càng đi vào hướng đó, có tài miêu tả những tiểu tiết ít ai để ý với giọng phơn phớt, chủ yếu luôn luôn giải phóng ràng buộc đạo lý. Sagan thành công phát hoạ thế giới nho nhỏ một nhóm người với giọng châm chọc nhẹ nhàng luôn luôn chính xác, cùng lúc hư hư thực thực có chất thơ, vui buồn lẫn lộn, nhiều khi khiến cuộc đời thành phi lý.

Sagan sống đời phong phú, xa hoa, trụy lạc, liều lĩnh, khi mạo hiểm cuộc đời, mình tin chắc sẽ không mất nó, chính quan niệm sống này đã tạo huyền thoại Sagan, là một trong số ít nhân vật gây được tĩnh từ do tên mình, saganien, những kẻ theo Sagan, và saganesque, phong cách Sagan. Nhiều khi bà viết theo đơn đặt hàng vì tiền nhuận bút đã lấy tiêu trước hết rồi. Có phải nhà văn nào mỗi lần viết cũng nặn ra một tác phẩm lớn đâu, nên nhiều quyển bị cho là hời hợt và về sau này người ta hầu như chẳng đọc Sagan, nhưng mỗi quyển mới ra hay tái bản đều được báo chí và công chúng lưu tâm và bán chạy. Có phải để trả giá cho tăm tiếng của bà?

Những năm 60 Sagan bước vào lĩnh vực sân khấu, vở Château en Suède (Lâu đài ở Thụy Sĩ) nổi tiếng tương đương Buồn ơi chào mi trong tiểu thuyết. Thập niên sau bà thử đạo diễn điện ảnh nhưng hoàn toàn thất bại. Thập niên 80, để chứng tỏ cho người nói bà chỉ giam mình trong một môi trường, một thời đại ngắn ngủi, là sai, Sagan cho ra đời tác phẩm dài hơi, như La femme fardée (Người đàn bà dồi phấn), chuyến du thuyền sang trọng nhóm khoảng chục người. Khi gặp cuồng phong, mỗi người lộ rõ chân tướng, cái nhỏ nhặt bủn xỉn cũng như lòng bao dung vị tha… Hay De guerre lasse (Cuộc chiến chán chường), bối cảnh 1942 tổ chức trốn Nazis… Chuyện tình tay ba sôi nổi nghịch cảnh.

Ba mươi năm sau Bonjour Tristesse, Sagan nói về văn bà: “Tôi hiểu rõ tiểu thuyết của mình. Tôi chẳng có gì phải xấu hổ cả, đó không phải loại văn chương tồi mà là việc làm lương thiện. Nhưng tôi biết đọc. Đã đọc Proust, Stendhal... Những người như vậy sẽ làm bạn thôi khoác lác”.

Không biết những người không ưa thích Sagan vì bà khuynh tả, ủng hộ phe Xã Hội dù không vào đảng, và là bạn thân của Tổng Thống François Mitterrand (Sagan cho Mitterrand là người bạn lý tưởng, duyên dáng. Giữa nhà văn và Tổng thống tình cảm nảy nở như cú sét, nuôi dưỡng bởi sự thông minh tuyệt vời của mỗi người), hay vì thói hút xách. Bà đã nhiều lần bị án tù treo và phạt vạ vì tiêu thụ và tàng trữ bạch phiến. Bà nói bà có quyền hủy hoại đời mình miễn không hại ai, rằng pháp luật đặt ra là để thích ứng với con người chứ không ngược lại… Bạn bà hầu hết tiếng tăm, đã ký tuyên ngôn ủng hộ Hãy kết án chúng tôi cùng với Sagan. Bà quỵt thuế bị phạt 1 năm tù treo, bạn bè và kẻ ái mộ phản đối: Sagan thiếu tiền nhà nước, nhưng nhà nước thiếu Sagan nhiếu hơn nữa!

Về phần Sagan, với bản tính tự do bất khuất, năm 1960 đã ký Manifeste des 121 bảo vệ quyền không phục tùng, trong chiến tranh Algérie; năm 1971 ký Manifeste des 343 ủng hộ nữ quyền tự do phá thai.

Ngoài giải Critiques tháng 5 năm 1954, năm 1985 Sagan được giải Prince-Pierre-de-Monaco cho toàn bộ tác phẩm. Không được giải lớn lao nào khác.





Sagan và Việt Nam: Theo Nguyễn Văn Lục, HL 79, “Cuốn sách của Nguyễn Nam Châu, Những Nhà Văn Hoá Mới đã mở cửa chào đón Sagan vào VN, từ đó mà Sagan nổi tiếng”. Với bản dịch của Nguyễn Vỹ và nhiều bài báo viết về Sagan. Thời đó báo thường đăng truyện mấy cậu ấm phóng xe “phom phom”, hút thuốc phì phèo, vẻ cố tình lãng tử. Ảnh hưởng Sagan. Thật ra Sagan cũng chỉ nổi tiếng trong phạm vi nhất định thế giới văn chương, trí thức và sinh viên. Nhưng chính nhờ phim Bonjour tristesse Otto Preminger thực hiện với các tài tử Deborah Kerr, Mylène Demongeot và Jean Seberg, Sagan mới thực sự đi vào đông đảo quần chúng. Vốn quen và yêu văn hoá Pháp, dân Việt Nam hân hoan ngỡ ngàng đón nhận bầu không khí cực kỳ mới mẻ quyến rũ của Sagan. Quen với giáo dục Khổng giáo, tinh thần tự do của Cécile gây thèm muốn nơi giới trẻ, các cô muốn được cái bản lĩnh Sagan gợi ra mà không dám nói, cũng chẳng theo được. Đó là những năm Hippy, những năm chiến tranh bắt đầu leo thang, sinh viên kẻ còn nhà trường, kẻ ra chiến địa… Giới trẻ bị bế tắc. Sau lưng hãy còn cụ Khổng, trước mặt là chiến tranh, họ lo “chạy trốn về phía trước”. Hippy thì chỉ một số ít đua theo thời, cùng lắm cũng chỉ là ăn bận hoa hoè kệch kỡm, tóc phủ vai, lê thê tụm năm tụm ba rồ xe máy ồn ào. Cái mới mẻ Sagan bày ra cao cả hơn, lặng lẽ mãnh liệt, là một ước ao không dễ thực hiện, kéo giới trẻ lên một cấp tư duy mới, suy nghĩ về mình, về người và về chuyện sống còn. Và từ đó, Sagan nhập vào xương thịt, không nhắc và có thể có người không biết Sagan, vẫn rất thường dùng tiếng “buồn ơi chào mi” trong cả hai nghĩa: đón tiếp và từ giã nỗi buồn.

x

Mất ngày 24 tháng 9 năm 2004 vì nghẹt đường hô hấp, ngày 28 Sagan được chôn cất trong nghĩa trang nhỏ gần làng sinh trưởng, nhiều nhân vật chính quyền đưa tiễn tuyên bố ca ngợi tiếc thương. Nữ tài tử điện ảnh Brigitte Bardot mỉa mai “vậy mà khi Sagan còn sống trong khó khăn thì chẳng ai cục cựa ngón tay giúp đỡ!”.

Trong bài Gần xa, Sagan, nhà phê bình Đặng Tiến viết tại Việt Nam đối với thế hệ thời 1954 thì “Sagan là gương mặt thân thuộc, thậm chí thân thương”. Bởi vì dân Việt Nam đọc và sững sờ ái mộ. Bên Pháp giới phê bình và bảo thủ sững sờ kết án. Giới trẻ hai nơi tôn bà thần tượng. Nhưng cũng như tại Việt Nam, thế hệ sinh thập niên 60 -70 chẳng mấy ai đọc Sagan, dù vậy họ đều nhắc đến Sagan với lòng trân trọng. Nếu người ta không đọc hay đã quên tác phẩm viết của Sagan, không ai quên truyền thuyết về bà - người biết tạo nghệ thuật sống cho riêng mình, trước hết là mình, thoát khỏi khung thời đại.

Dù những năm cuối đời túng thiếu bịnh hoạn, không bao giờ Sagan tỏ ý hối tiếc về cách sống phóng đãng của mình, vẫn luôn luôn ham sống. Sagan đã tự giới thiệu trong Tự Điển Văn học Hiện Đại Pháp như sau: “Chào đời năm 1954 với quyển tiểu thuyết mỏng, Buồn ơi chào mi gây công phẫn cả thế giới. Sau một đời và một tác phẩm vừa dễ chịu vừa cẩu thả như nhau, sự ra đi của tác giả chỉ gây công phẫn cho chính bản thân tác giả thôi”.

Sự ra đi của Sagan gây công phẫn cho chính bà vì đến giây phút cuối cùng bà vẫn không muốn chết. Người con gái trẻ tiền vô nhiều triệu dễ dàng và sợ bóng đêm. Người đàn bà luống tuổi không xu dính túi đối diện với âm u huyệt mộ. Dân Pháp xúc động ngẩn ngơ. Báo chí đã đổ bao nhiêu mực khi bà sống, thì ngày bà nằm xuống mực cũng tốn rất nhiều thay nước mắt tiếc thương một con người tài hoa, một con người rất thật.

Buồn ơi chào mi !







MIÊNG

Paris, Octobre 2004.






* À peine défigurée (trong tuyển tập La Vie Immédiate, 1935), nguyên văn và dịch sát nghĩa :


Adieu tristesse

Bonjour tristesse

Tu es inscrite dans les lignes du plafond

Tu es inscrite dans les yeux que j’aime

Tu n’es pas tout à fait la misère

Car Ales lèvres les plus pauvres te dénoncent

Par un sourire

Bonjour tristesse

Amour des corps aimables

Puissance de l’amour dont l’amabilité surgit Comme un monstre sans corps

Tête désappointée

Tristesse beau visage



Paul Eluard











Buồn ơi vĩnh biệt

Buồn ơi chào mi

Mi được viết trong các đường trên trần nhà

Mi được viết trong đôi mắt ta yêu

Mi không hoàn toàn là sự khốn cùng

Bởi đôi môi cằn cỗi nhất tố giác mi

Bằng một nụ cười

Buồn ơi chào mi

Mối tình của những thân thể đáng yêu

Mãnh lực của tình mà sự khả ái hiện ra

Như quái vật không thân thể

Với cái đầu chán nản

Và khuôn mặt đẹp nỗi buồn


________________________________________


[1] Tên bản dịch của Lê Huy Anh, 20 năm Văn học dịch, Nguyêõn Văn Lục, HL79

[2] Tên bản dịch 1959 của Nguyễn Vỹ, Nguyêõn Văn Lục đã dẫn

[3] Có nhiều tên sách Quỷ Trong Tim, Diable au Coeur. Ở đây nxb muốn đồng hoá trường hợp Sagan với nhà văn chết trẻ Raymond Radiguet (1903-1923), đã xuất bản quyển Diable au corps, Quỷ Trong Thân vào năm 17 tuổi, chuyện tình giữa cậu con trai và người đàn bà có chồng, lớn hơn cả chục tuổi. Quỷ Trong Thân cũng gây sửng sốt hồi đầu thế kỷ, nằm trong Collection Les Grandes Classiques.

[4] 8000 bản tháng 5-1954; 45.000 bản tháng 9; 100.000 bản tháng 10; 200.000 bản tháng 12 (1954). Năm năm sau, Bonjour Tristesse đã bán 4 triệu rưởi quyển trên khắp thế giới (tại Hoa Kỳ 1 triệu). Hiện nay vẫn còn bán.
PC
#3 Posted : Thursday, November 6, 2008 1:03:30 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Một thời đã qua của Simone de Beauvoir
Võ Công Liêm





Chuyện tình giữa Simone de Beauvoir và Jean-Paul Sartre cho đến nay vẫn còn trong vòng luẩn quẩn khó hiểu.Một thứ tình yêu không phải phép,rắc rối về đường tình;mang nặng tính chất quái dị của lưỡng tính (bisexuality).



Thời mà chủ nghĩa hiện sinh,siêu thực,dã thú, đa đa …đã bùng lên một cách sôi nổi lôi kéo hằng lớp thanh niên trẻ chưa kể tới cái đám “bohemian” ngông cuồng,sẳn sàng chống báng giới thượng lưu trí thức.Tất cả đã tạo ra một khí thế rối loạn tâm thần cho một xã hội quá khắc khe vào thời đó.Họ kéo nhau vào những quán càphê vỉa hè hay những nơi có chút phóng túng của các nghệ sĩ thường lui tới,biến Paris thành một nơi hò hẹn của giai nhân mặc khách,cái hào nhoáng đó vẫn chứa đựng một lớp vỏ rỗng tuếch.Sartre cặp tay người tình ,o bế đôi môi hồng của De Beauvoir,ngồi ở quán càphê La Flore, ông muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng ông cũng có người tình lừng lẫy như ai,không những Sartre mà là nơi thường lui tới của các nghệ nhân khác Picasso,Jean Coteau,Jean Dubuffet …Sở dĩ có điều đó đối với Sartre vì người ta nhìn thấy sự lãnh cảm của Sartre qua tình yêu với De Beauvoir (?)



Giống như Woolf,Barthes,Plath,Camus và Faucault là những nhà tư tưởng trẻ của thế kỷ 20,họ tượng trưng cho một thế hệ mới, đầy năng động, sáng tạo những gì đáng kể hơn. Sartre và De Beauvoir cũng nằm trong trường phái ấy,giữa hoàn cảnh đó đã phân chia hai đẳng cấp rõ rệt;một loại được xem là “đạo đức”và một loại được xem là bung phá(rebel) đó là”style”thời thượng bấy giờ.



Tuy nhiên; thời hiện sinh đã qua (passe’)cho hiện tượng của nữ quyền,sau thời hậu chiến đưa tới những bi thảm cho nữ giới.Có lẽ; giờ đây người ta thấy được những điều mà Simone de Beauvoir đã nói và làm qua tác phẩm của bà.Cuốn Giới Tính Hai( The second Sex)là một giảo nghiệm quan trọng đối với cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ; đó cũng là một sự phản kháng,chống trả những ước lệ,mệnh lệnh mà đã một thời đè nặng trong cuộc đời bà . Và từ đó cuộc tình của De Beauvoìr bắt đầu dấy lên với Jean-Paul Sartre.



Simone de Beauvoir(1908-1986) bà là người con gái duy nhất của một gia đình có quyền thế.Trong khi đó Sartre nhỏ hơn De Beauvoir tới hai tuổi và bà đã mất cha khi mới 15 tháng;kể từ đó De Beauvoir trở nên thiếu thốn nghèo nàn, đời sống thay đổi,lắm khi còn phức tạp hơn thế nữa.Tuổi mới lớn,cuộc hôn nhân gán ép,buộc bà phải chấp nhận với người đàn ông lớn tuổi như cha mình.Thế rồi cuộc tình chênh lệch tuổi tác tan vỡ.Điều ấy đã tiềm tàn trong ý thức của De Beauvoir,bà cho đó là một sự bất công trong việc hôn nhân…



Trong lúc đó Jean-Paul Sartre cũng gặp cảnh khó, ông đấu tranh tư tưởng với người cha kế khắc nghiệt và đầy thù địch với ông, đưa tới sự bất mãn và đau khổ phải nhìn thấy mẹ mình bất hạnh bên cạnh người chồng ích kỷ cũng vì thế mà ảnh hưởng đến sức khỏe của Sartre, ông ngày mỗi cằn cổi, đôi mắt mờ đục “chính cái nhân dáng xấu xí của tôi đã phát giác ra bởi những người đàn bà”Sartre đã kể cho De Beauvoir nghe những nỗi thống khổ của đời ông.



Ở đại học Sorbonne,vào năm 1929 là lúc Sartre và De Beauvoir gặp nhau.Người bạn đồng môn với bà có đôi mắt tinh tế,một (a coup de foudre) cú chớp đầy kinh nghiệm xuyên vào ánh mắt De Beauvoir người đó là Jean-Paul Sartre;một lý thuyết gia của thuyết hiện sinh sau nầy.Chuyện tình lãng mạn đầy đam mê bắt đầu từ đó;

họ rơi vào ăn chơi,nhậu nhẹt,hút xách và tình dục trong cuộc đời của đôi lứa,huyền thoại hóa cuộc sống cho chính mình .



De Beauvoir chối bỏ sự cầu hôn của Sartre,chính bà đã một thời coi chuyện hôn nhân là chuyện ngoài tai,không hề đặt nặng;dù đang yêu Sartre.De Beauvoir muốn giữ cho mình một tình yêu cao đẹp và cho đó là một thứ tình yêu lý tưởng và cần thiết “essential love” lý do Simone muốn liên kết với phong trào giải phóng phụ nữ, đồng thời bà muốn cho quần chúng hiểu sâu sắc về tác phẩm gia trị của bà”The Second Sex”(Giới Tính Hai).Chính đôi khi quan điểm đó cũng mất tính đả thông và bà đã xác nhận như sau:”Jean-Paul Sartre quá nghi ngờ , ông ta không hiểu về tôi;bởi tất cả mọi khát vọng của tôi đã nung nấu từ lâu như ngọn lửa bùng cháy” De Beauvoir muốn giải phóng cho chính bản thân mình.



Năm 17 tuổi De Beauvoir được giáo huấn qua một ông thầy người Nga tên là Olga Kosakievicz;cũng chính ông gây nguồn cảm hứng sau nầy cho De Beauvoir và Sartre;nhờ đó bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Khách Mời(L’Invitee) và Sartre viết cuốn Nguyên Cớ Tuổi tác (Age of Reason) Và kể từ đó hình ảnh De Beauvoir luôn luôn ám ảnh tâm trí Sartre.Kosackievicz đã nhìn đúng cái tâm linh tình cảm của J P Sartre.Sartre rơi tình với người em gái của Olga và ngay sau đó Sartre cho rằng tình yêu đó là tình yêu thật(True love) tình yêu của tự do không hệ lụy,yêu như điên cuồng mà không hề ảnh hưởng đến sự nghiệp của Sartre mà ông đã dẫn chứng phần nào trong Buồn Nôn( La nausée )Tuy nhiên;cái lòng dục vọng của Sartre quả là mong manh, rượt đuổi ông và nỗi đau ấy vẫn vất vưởng trong người của Sartre,mặc cảm đó đưa tới sự lãnh cảm; mặc dù sống bên cạnh De Beauvoir nhưng ít khi xếp mình chung gối với người yêu. Đời nhìn cuộc tình nầy quá lý tưởng,thì tại sao có sự lãnh đạm đó đối với Simone ? Khó hiểu trạng thái tình cảm của Sartre lúc ấy.Phải chăng “chứng bịnh”lưỡng tính ngăn chận con tim háo hức của Sartre (?)



Sau này Simone de Beauvoir đã quan hệ tình cảm với người học trò cũ của Sartre; Jacques-Laurent Bost.Jean biết điều đó nhưng đành bó tay trước sự bất lực của cái goị là “giới tính hai” mà như đã có trong người của Sartre;từ khi còn là sinh viên cho tới già khi nào cũng ăn nói nhu mì, đằm thắm làm cho người ta có cảm tưởng như một”homosexual”.Vậy thì De Beauvoir cặp bồ với cậu học trò nhỏ tuổi đâu làm cho Sartre ngạc nhiên hơn.Bost khi nào cũng nhìn De Beauvoir là người tình của minh không ngoài một nghĩa khác.Thế rồi một buổi chiều;cuộc tình so le ấy tan theo mây gió,thay thế vào những chọn lựa khác;mặc dầu họ sống với nhau khá dài lâu.



Tình yêu là một sự săn đuổi,quá lý tưởng,quá thần tượng rồi cũng đổ vỡ theo sau…Simone de Beauvoir có thể tuyên bố chấm dứt với Sartre,hoặc ngược lại;sự thực quá rõ ràng chẳng qua cái hào nhoáng bên ngoài không nói hết cái thực chất bên trong,họ nhận ra được bề mặt của phiến đá.Simone than rằng:” đời tôi là cả một sự sa ngã nặng nề” Paris bị chiếm đóng và Sartre là kẻ cầm tù.



Sau cuộc chiến tình yêu xích lại gần nhau, đậm đà hơn.Cả hai cảm thấy hạnh phúc và hào khí hơn bao giờ;chuyến đi Nga để tung hô chủ nghĩa Mác-Lê mà họ có cảm giác như những kẻ tiên phong và góp phần cho đảng Cộng Sản Pháp;trước tình thế đó Sartre đã đưa lên quan điểm,lập trường về vai trò của người cầm bút”the writer” như một lý tưởng của đảng Cộng Sản thế giới.



Simone de Beauvoir là một vì sao sáng cho dù bà có bị tai tiếng đi chăng nữa còn Sartre xuất hiện như bóng tối,có sáng chăng vẫn không mấy hài lòng.Jacques-Laurent Bost gọi De Beauvoir “một người đàn bà lừa đảo nhât thế giới”.



Gần kề với cái chết; Jean-Paul Sartre đã trút lời với người bạn đời; Simone de Beauvoir như sau:”Người vợ yêu dấu của tôi” có lẽ; đây là tiếng gọi đầu đời của Sartre và cho cả De Beauvoir.Hai tiếng “vợ yêu” không ngăn nỗi dòng nước mắt của De Beauvoir.Bà rất ngạc nhiên về những lời lẻ ấy của một triết gia hiện sinh,bà diễn tả như đây là nguồn cảm xúc sâu lắng trong lòng Sartre trước khi nhắm mắt bên đời quạnh hiu mà Sartre luôn luôn sống trong nỗi trầm thống đó.



Simone de Beauvoir tác giả Giới Tính Hai (The Second Sex) cũng từ cuốn sách nầy mà bà đã gặp nhiều rắc rối trong đời,những tai họa xẩy ra vào năm 1949 bà cho rằng những cuộc hôn nhân gần như nô lệ hóa, đẩy người phụ nữ vào con đường cùng của tình yêu.



Nhưng không;thời gian không lâu bà lại được tuyên dương như một nữ nhân của tình thương,của cứu trợ,một người bạn tâm giao của giới chị em,ngoài ra bà cũng được coi là một triết gia lừng danh của thế kỷ 20 Pháp quốc.

De Beauvoir và J P Sartre không chính thức là đôi vợ chồng.Họ chỉ được gán cho hai chữ “quan hệ tình cảm” một thứ common-law một thứ “tình chung” và gần gủi ( a close relationship) thế thôi!



Qua hơn nữa thế từ ngày chớm nở ở Sorbonne vào năm 1929 cho tới 1980 cả hai thường gọi nhau cái từ”nè người” “vous” hoặc ngôi thứ hai số nhiều, cái kiểu gọi “object indirect” không bao giờ gọi bằng một từ thân thương “tu”nghe cho dịu dàng.Cái đối xử này chỉ có hai người hiểu và dần dà trở nên cảm thông trong cái không tượng thanh tượng hình.Có điều rất lạ;như đã nói ở trên.Tuy gần bên nhau hay những khi trong cùng một khách sạn xa ngoại thành Paris cũng mình ôm gối chiếc không đụng đến De Beauvoir.Trong một câu hỏi phỏng vấn:” Đã gọi là chung một mái nhà thì tất cả là của chung ? De Beauvoir cũng thừa nhận rằng có đôi điều sáng tỏ như là lý tưởng chủ nghĩa hoặc là điều tự mãn chưa đầy đủ.Tuy nhiên;Sartre là người đã đem lại thành quả lớn lao cho đời bà.Sartre đã có lần viết trong một tạp ghi:”tôi sống đầy đủ kinh nghiệm trong cái thế giới của riêng em”



Simone de Beauvoir là ngọn hải đăng soi sáng cho con tàu giải phóng phụ nữ bị áp bức,bị tước đoạt tình yêu,bà như một tiên tri thời đại.Mặc khác bà là sợi giây liên kết cuối cùng của các thời kỳ văn chương học thuyết Pháp;cũng chính vì thế mà bà đọat giải Goncourt Prize qua cuốn Mandarins vào năm 1954 được xem như cuốn tiểu thuyết hay nhất của bà đã được nhiều sự chú ý.



Trong khi đó chủ nghĩa chuyên chế độc đoán (totalitarianism) lên án gắt gao những hành vi của bà.De Beauvoir chủ trương khuynh tả (leftwing) vận động tích cực đảng xã hội Pháp cho Francois Mitterant 1981 Tổng Thống dân cử.Thành công khác của De Beauvoir thu nhận một số lượng lớn cuốn The Second Sex,riêng ở Mỹ tác phẩm này được bán ra hơn cả triệu cuốn.Từ đó Simone de Beauvoir được coi như một lý thuyết gia căn bản về quyền nữ giới và được triển khai trong luận án tiến hoá “Nữ giới”. Đó là vai trò cần thiết cho xã hội hiện nay. De Beauvoir viết:”Nền văn minh hiện nay, được coi như một tổng hợp sản sinh,trung gian giữa giới tính nam và bán nam(eunuch) và điều đó được xem như nữ tính.



Trên lý thuyết De Beauvoir giao tình với Sartre là dựa trên căn bản của cái quyền tự do hôn nhân,bà đã phá những ước lệ,không cần phải che đậy sự thật hay phải lén lút ghen tương.Sartre đã có lần ghi nhận rằng: “Simone de Beauvoir là một người đàn bà tuyệt vời; thông minh của một người đàn ông và nhạy cảm của một người đàn bà” Ngoài ra bà là một người đàn bà đầy hấp lực hơn những người đàn bà khác.J P Sartre gọi bà là con”hải ly”(beaver) mà ông ta gọi gọn là phi thường;vì bà quá say sưa với công việc của mình.



Cả hai De Beauvoir và Sartre đã thành lập một hiện tượng gọi là Thời Hiện Đại ( Les Temps Modernes ) có khuynh hướng mới chống lại chế độ thuộc địa Pháp ở Đông Dương và Algeria.Ngoài những đấu tranh xã hội,chính vì những vai trò liên quan xã hội bà đã làm điên đầu những nhà lãnh đạo khác.Bà còn viết về cách thức làm tình mà không có con,ngay bản thân bà là người không con.Năm 1972 De Beauvoir cho chuyện phá thai là một điều thuận lợi và hợp lý đối với phụ nữ.Bà đã ký vào bản tuyên ngôn của 243 gái điếm được hành nghề như những hành nghề khác;nhưng đời không thừa nhận và cho đó là một việc làm vô luân…



Nhưng mãi về sau De Beauvoir cảm thấy hành động đó là sai lầm và cho rằng việc phá thai là tội phạm và thay vào đó một chút lòng văn học mà thôi.” Ở tuổi 15 tôi luôn luôn mong muốn trở thành nhà văn,chỉ có con đường đó mới tạo nên tên tuổi của tôi “ và có lần bà tâm sự như sau:”Một ngày không viết lách thì tợ như đống tro tàn” tuy vậy bà cũng ám ảnh với cái chết.



Trong cuốn sách ;gần như cuốn sách cuối đời Giả Từ (Adieux) vĩnh biệt Sartre;bà miêu tả như một sự rạn vỡ kéo dài suốt đời bà,bà cảm thấy đau đớn cho người bạn đồng hành của mình,bà không muốn ai biết chứng bệnh hiểm nghèo ung thư của Sartre cũng như tránh tiếng với quần chúng qua cái chết của Sartre.



Sau cái chết của Sartre ,De Beauvoir trở nên thụ động,bà giữ thái độ im lặng.Bà nói:”Sự im lặng của tôi không có nghĩa là xa rời người yêu tôi và ngay cái chết của tôi cũng không mang lại gần nhau một lần nữa; đó là điều tuyệt hảo mà chúng tôi đã sống bên nhau trong sự giao cảm hài hòa của một thời gian dài lâu với tình yêu Jean-Paul Sartre ./.



(chestermere cuốithu khôngtám)

Thamkhảo: *Michael Dobbs(Era passé de S.d.Beauvoir) *www.Questera.com/Simone de Beauvoir




VÕ CÔNG LIÊM

http://www.vannghesongcu...=32&LOAIREF=1&TGID=1644
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.