Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Chút Nắng Cuối Ngày-Lâm Tuyết Nhung
Chôm Chôm
#1 Posted : Wednesday, October 27, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
CHÚT NẮNG CUỐI NGÀY
Lâm Tuyết Nhung
I
Ông Thiên đứng bên cửa sổ nhìn ra phía sau nhà, nơi vợ ông và gã thanh niên tên Hiệp đang lui cui làm lại mảnh vườn. Mặt ông nóng bừng. Ruột ông đau quặn. Ông ghét cay ghét đắng cái gã đàn ông tên Hiệp đó nhưng không biết phải làm thể nào để tống cổ nó ra khỏi nhà của mình.
Chủ nhật tuần trước, Hiệp cũng đến. Lần đó, vợ ông cho ông biết Hiệp là người làm chung sở với bà, hắn đến để giúp đóng cái hàng rào và làm lại cái vườn. Ông Thiên nhìn thấy thái độ ma giáo, lời nói bỡn cợt như có tà ý của Hiệp là ông bất mãn ngay. Bất mãn hơn nữa là Hiệp trông còn trẻ và đẹp trai hơn ông, vì thế ông gắt um lên:
-Mấy cái chuyện đó sao không thuê người ta làm, đi nhờ người quen làm gì cho phiền phức.
Bà vợ ông trừng mắt:
-Thuê ai bây giờ. Sao ông khhông thuê đi.
Rồi bà gắt ngược lại:
-Biểu ông làm thì ông không làm. Giờ có người muốn giúp thì cự nự. Thôi ông cứ để chuyện này tôi lo cho. Có phiền thì một mình tôi phiền thôi. Không để phiền đến ông đâu.
Bị cự nự ngay trước mặt địch thủ, ông Thiên bực bội bỏ vào phòng. Bà vợ ông dắt Hiệp ra vườn. Ông Thiên đứng trong cửa sổ nhìn ra. Hai người vừa làm vừa đùa giỡn.Tiếng cười vang vào nhà làm ông điên tiết. Ông thù ghét Hiệp từ ngày đó.
Những ngày chủ nhật kế tiếp, Hiệp vẫn cứ đến, và ông Thiên vẫn cứ bất mãn. Tuy nhiên, ông thuộc loại ít nói, ít làm, nên chẳng biết phải đối phó với Hiệp ra sao. Mỗi lần Hiệp đến, ông ở mãi trong nhà, loay hoay bên cái tivi và cái cửa sổ. Vợ ông Thiên biết ông không thích Hiệp nhưng bà phè lờ. Những lúc chỉ có mình ông thì bà mang hắn ra so sánh để xỉ vả sự bất tài của ông làm ông sùng ứa gan. Những lúc ngồi với đám đông thì bà lại nhắc tên hắn luôn miệng, làm như hắn là một phần đời của bà, bà làm ông muốn độn thổ. Ông tức lắm mà chưa biết phải làm gì để vùng lên cả. Đang còn tính toán đủ trò thì một hôm, trong một cái đám cưới của một người làm chung sở với vợ ông, ông và bà được sắp ngồi chung bàn với hai vợ chồng Hiệp. Bửa tiệc vừa bắt đầu là bà vợ ông mang cái tài khéo léo của Hiệp ra khen ngay. Trong lời nói, bà như có ý muốn khoe cho mọi người biết là mình đã được Hiệp lo lắng đến cỡ nào: ‘’Tôi chỉ mới bưng cục gạch là ảnh dành bưng liền, gentleman chưa. Tôi chỉ nói sơ sơ ý muốn của mình là ảnh đã vẽ ngay được cái plan, tài tình thiệt’’... Ông Thiên buồn bã quay mặt đi chỗ khác. Vừa lúc đó, ông bắt gặp cái nhìn ngỡ ngàng từ Phấn, cô vợ của Hiệp. Mặt cô đỏ bừng. Đôi môi cô mím chặt lại. Ông Thiên không ưa gì hai vợ chồng Hiệp vì xưa nay ông vẫn xếp mình vào thành phần có học, có địa vị, chơi với họ sẽ làm giảm danh giá của mình đi, nhưng lần này ông bỗng ái ngại dùm cho Phấn. Tuy nhiên, ông khoan khoái nhủ thầm: nó biết thì càng tốt, để nó về nó dủa thằng chồng nó một tăng rồi giữ luôn cái thằng chồng mắc dịch đó ở nhà, không cho đến nhà ông nữa là ông sẽ nhẹ nợ. Nghĩ đến đó, lòng ông Thiên bỗng vui rộn rã. Ông ăn uống ngon lành hơn mọi khi, và khi Hiệp mời vợ ông ra nhảy thì ông chỉ khinh khỉnh nói thầm theo:
-Cái đồ mắc dịch.. Sao lại cứ đè vợ người ta mà chĩa thế kia.
Và ông cầm ly rượu lên tiếp tục uống. Một lúc sau, những cặp khác cùng bàn cũng đưa nhau ra nhảy. Cái bàn ăn chỉ còn lại ông Thiên và Phấn. Cô như chỉ chở có dịp này để nói chuyện riêng với ông nên cô hỏi ngay:
--Ông Thiên này, nãy giờ tôi nghe vợ ông cứ khoe khoang cái chuyện ông chồng tôi làm cái này hay cái kia cho bả mà chưa bao giờ tôi nghe bả khoe cái chuyện ông làm gì cho bả cả. Vậy chứ lúc đó ông ở đâu, làm gì, mà để cho người khác làm mấy cái chuyện mà đáng lẽ ông phải làm thế kia.
Ông Thiên đỏ mặt tía tai vì không ngờ cô nói thẳng như vậy nhưng ông thuộc loại người ăn từ tốn, nói nhỏ nhẹ, nên ông lấy lại điềm tỉnh ngay. Ông ôn tồn nói:
-Tôi không muốn làm gì cho bbà ấy vì tôi thấy những cái chuyện bà đòi làm toàn là những cái không cần thiết cho đời sống mà thôi. Tôi khuyên bà ấy muốn gì thì thuê người ta làm mà bà ta đâu có nghe. Cứ muốn làm, rồi kéo người này người kia vào phụ, rồi đi khoe khoang tùm lum nên tôi để mặc. Còn về ông chồng của cô thì tôi nói cho mà nghe. Nhà của tôi mà ông ta muốn đến khi nào thì đến, muốn làm trời gì thì làm, tôi chưa nói gì ông ta cả mà tại sao bây giờ cô lại đi nói
tôi thế này.
Phấn thấy lời ông Thiên giải thích có lý qúa nên cô ngượng ngùng đáp:
-Nếu thế thì tôi hồ đồ thật. Vậy chứ mỗi khi ông chồng tôi ghé thăm và phụ bà vợ ông làm công tác thì ông làm gì?
Lòng ông Thiên đang sôi sục nên ông căm hờn nói luôn:
-Tôi ở trong phòng coi tivi nhწng tôi giận lắm. Tôi rủa chồng cô hết lời luôn.
Phấn bật cười. Cô nói:
-Vậy thì lần tới ông đừng ở trong phòng coi tivi nữa. Nè, ông ra khỏi nhà, tìm chỗ nào đó đi chơi cho thoải mái, còn nếu không có chỗ nào để đi thì qua nhà tôi uống trà vớí tôi cho vui.
Nói đến đó, nét mặt Phấn tươi hẳn lên. Cô vồn vã:
-Đúng rồi. Qua nhà tôi chơi để tôi có dịp chọc tức thằng chả một phen. Lâu nay chả cứ nói tôi xệ, không ai thèm để ý tới. Hm. Để xem lần này thằng chả còn nói nữa không.
Ông Thiên ớn lạnh nhìn Phấn. Ông còn chưa biết cô nói đùa hay nói thật nên chưa biết phải trả lời ra sao thì cô ân cần:
-Tôi mời thật đấy. Trừ phi ông thay đổi được bà vợ ông và tôi thay đổi được ông chồng tôi. Còn không thì tội gì ngồi đó mà tức giận chi cho mệt.
Ông Thiên chưa kịp nói gì thì Hiệp và bà vợ của ông đã về lại chỗ. Suốt tối đó, ông Thiên suy nghĩ mãi về lời nói của Phấn, nhưng vì ngay từ lúc đâu, ông đã xếp Hiệp và cô ta vào loại không đủ tư cách để làm bạn với ông, nên ông cũng không có gì hồ hởi cho lắm.

Chủ Nhật sau đó, Hiệp lại đến. Ông Thiên ngạc nhiên quá sức. Lòng ông thất vọng tràn trề. Ông tưởng sau hôm đó, Hiệp bị vợ dủa cho một tăng và không cho đi đâu nữa chứ ai ngờ nó lại đuợc tự do, vác xác nghênh ngang tới nhà ông như thế này. Đã thế khi nhìn qua cửa sổ, ông bắt gặp Hiệp đang đưa tay kéo lại mảng tóc đang phủ xuống trứơc mặt của bà vợ ông, hắn lại còn nói gì đó khiến bà cúi xuống ngượng ngập làm ông chịu hết nổi. Ông cầm cái điện thoại lên, tìm số điện thoại của Hiệp, và bắt đầu gọi. Giọng Phấn trả lời ở đầu giây bên kia làm ông Thiên tê tái cả người. Ông ấp úng nói không thành câu làm Phấn cằn nhằn:
-A lô. Ai vậy. Làm ơn nói rõ chút được không?
Ông Thiên đành lấy hết gan nói:
-Tôi là Thiên đây. Cô có rảnh không? Tôi đến ngay được không?
Phấn im lặng môt hồi rồi mới hỏi:
-Thằng chả đang ở; bên đó hả? Vậy mà hắn nói với tôi là hắn qua nhà bạn coi football. Cái tên mắc dịch.
Ông Thiên hết hồn. Cả đời ông lần đầu tiên mới nghe được cái lối nói thô tục như thế. Ông tính chào rồi cúp máy nhưng chợt nghe Phấn đổi giọng:
-Vậy thì ông qua đây đi.. Ghé mua cái bánh hay cái kẹo gì đó rồi qua uống chén trà cho vui.
Ông Thiên cúp máy rồi vội vã làm theo lời mời. Vậy mà khi đứng trước cửa nhà Hiệp bấm chuông, hai chân của ông bỗng run quá cở. Ông chỉ có ý định trả thù Hiệp thôi mà ông thấy cử chỉ của mình sao bần tiện quá không chịu được. Phấn ra mở cửa. Lần này, cô mặt cái quần ngắn qua khỏi đầu gối một chút, có bông lấm tấm trắng đỏ, cái áo T-shirt trắng ngắn tới lưng, mái tóc quấn rối còn để nhiều sợi lòa xòa trên trán và trên cổ nên trông cô như một người con gái mới lớn làm ông Thiên thấy mình như một ông già đang đi dụ dỗ con nít. Nhin thấy ông bối rối, ngượng ngùng Phấn tự nhiên mời:
-Vào nhà đi. Đừng có ngại gì cả. Tôi mời ông trước mà.
Ông Thiên nói cám ơn, đưa cái bánh mua vội vàng ở chợ cho Phấn, rồi theo Phấn vào nhà. Phấn mời ông ngồi rồi mở cái bánh ra coi. Vừa nhìn thấy cái apple pie cô nhăn mặt nói:
-Ư, sao mua cái này làm gì, ăn vừa dở vừa mập. Để tôi lấy bánh khác cho ăn. Bánh này tôi làm đó nghe. Ăn đở ngán hơn.
Ông Thiên chưng hửng. Chưa gì mà ông đã không ưa Phấn rồi. Ăn nói gì đâu mà bất lịch sự qúa. Vậy mà bà vợ ông lại thích chơi với cái đám người này, lạ thật.
Phấn vào bếp bắt ấm nước, rồi quay qua hỏi ông Thiên:
-Thằng chả còn ở bên hả?
Ông Thiên gật đầu. Phấn phân trần:
-Sau hôm đó, tui hỏi chả mà chả chối biến. Chả nói là tại ông nhờ nên chả mới tới làm chứ chả làm sao mà tự tiện đến nhà ông cho được.
Ông Thiên nổi giận đùng đùng. Có bao nhiêu điều uất ức trong lòng ông tuôn ra hết. Phấn nghe một hồi mệt quá nên phải chận ông lại:
-Làm gì mà dữ tợn vậy cha. Không thích người ta đến thì cứ nói thẳng với người ta đi, mắc mớ gì bây giờ lại phang tôi.
Ông Thiên xuống giọng:
-Tôi...Tôi xin lổi. Sao cô kkhông nói anh ấy dùm đi.
Phấn cười khan:
-Tôi hả. Thằng chả đời nào nghe tôi. Chuyện gì chả làm cũng có lý do chính đáng hết. Tôi làm sao nói lại được. Với lại chả chỉ qua đó sửa chữa gì đó thôi. Cũng có lợi cho ông lắm mà.
-Tôi đâu có muốn lợi thheo kiểu đó đâu.
Phấn ngẩn người:
-Kẹt thiệt há.
Có tiếng nước sôi réo vang ra từ trong bếp. Phân đứng lên:
-Nước sôi rồi, đó; tôi vào bếp châm bình trà.
Một hồi sau Phấn mang trà và bánh ra. Cô đặt hết các thứ xuống thềm nhà, nơi có cái bực cấp để đi xuống một căn phòng lưới nhìn ra phía sau vườn. Phấn ngồi xuống thềm và gọi ông Thiên đến ngồi chung với mình. Ông Thiên nhìn Phấn lạ lùng. Ai đời lại mời khách ngồi xuống dưới đất như thế này, không văn minh chút nào hết. Phấn trấn an:
-Ngồi đây ăn bánh uống trà mới đã. Nè. Ngồi xuống đây đi, ngồi đây nhìn xuống cái hồ nước mới thấy lòng êm ả quá chừng. Đó. Ông thấy chưa?
Bấy giờ, ông Thiên mới nhìn thấy cái hồ nước phía sau nhà. Lòng ông chợt êm ả như lời Phấn nói.
Ông gật đầu bày tỏ sự đồng ý của mình. Phấn nói:
-Lâu lâu cũng nên để mìnnh tự do một chút mới thấy tâm hồn hòa với cảnh vật chung quanh. Sống khép nép, gò bó hoài chán lắm. Lâu ngày mình sẽ quên mất mình là ai bây giờ.
Ông Thiên buồn cười vì những lời nói mà ông cho là rẻ tiền đó của Phấn nên ông hỏi lại:
-Cô học cái đó ở đâu ra thế.
-Trong mấy cái phim Tàu chớ đâu. Nghe tụi nó nói chuyện nhiều khi ngộ hết sức.
Rồi Phấn nói luôn:
-Lâu nay tôi biết ông vẫn coi rẻ thứ người như tụi tôi. Tôi nghe nói trước kia ở Việt Nam ông là bác sĩ, qua đây ông cũng là bác sĩ, vì vậy ông chỉ lựa người làm lớn để chơi mà thôi. Hôm nay ông đến đây là vì ông bực mình ông chồng của tôi, hay là ông muốn trả thù thằng chả cũng không chừng. Nhưng mà đó là chuyện của ông. Tôi thì khác, ai dễ thương, đàng hoàng thì tôi chơi, giàu nghèo gì cũng được. Tôi lại không có ý muốn trả thù thằng chả, bữa hôm đó tôi chỉ giỡn chơi cho vui vậy thôi. Tính chả vậy chứ tốt lắm, ưa giúp người, nhất là mấy người đẹp. Vì vậy khi tôi mời ông qua nhà uống trà là tôi mời thật tình đó. Ông bà là người đàng hoàng, được nhiều người kính nể, tôi rất muốn được quen biết hai ông bà. Nếu ông vẫn còn có ý định trả thù thằng chả thì sau khi ăn xong miếng bánh, uống xong tách trà này mình coi như không hề có cuộc gặp gở này, từ đây về sau chuyện ai nấy lo. Nhưng nếu ông thích làm bạn với tôi thì ở lại uống thêm vài tách trà nữa, mình nói chuyện khác vui hơn. Ông nghĩ sao?

Ông Thiên lặng người. Ông không ngờ ở tuổi của mình bây giờ lại bị một cô gái mà ông coi không ra gì nói thẳng thừng như thế. Mặt ông đỏ bừng vì xấu hổ. Ông muốn đứng dậy ra về nhưng ông sợ làm mất lòng Phấn, như xưa nay ông vẫn sợ không dám làm mất lòng người khác. Phấn thấy tình cảnh bối rối của ông nên cô trêu thêm:
-Sao vậy. Bộ tôi nói nặng lời lắm sao? Chịu không nổi hả?
Ông Thiên vội vàng đính chính:
-Không có đâu. Cô nói thật lắm. Tôi hơi...tự cao một chút, nhưng không...tệ như cô nghĩ đâu.
-Vậy thì tốt. Tôi ít học, lại nói năng bừa bãi, nhưng khi nào cũng thành thật. Tôi chơi với ai cũng thật lòng chứ không chơi theo kiểu giàu sang phú quý đâu.
Ông Thiên hỏi lại:
-Kiểu giàu sang phú quý là kiểu gì?
-Là kiểu của mấy người làm lớn như ông đó. Nói thì không dám nói, mà làm cái gì thì lại sợ người ta nói, nhưng vẫn cứ muốn làm, cho nên làm xong rồi thì lại lo đính chính tùm lum. Sống như vậy mà vui cái chỗ nào không biết nữa.
Ông Thiên phật lòng đính chính:
-Mỗi người có một cách sống khác nhau. Nãy giờ tôi có chỉ trích cô điều gì đâu mà sao cô ‘phang’ - ông xài chữ của Phấn - tôi tới tấp như thế kia.
Phấn bật cười:
-Cha. Biết xài chữ rồi đó nghe. Nè ăn miếng bánh đi rồi tính.
Ông lấy tay cầm lấy miếng bánh. Lần này ông ăn không cần giữ kẻ. Phấn đã muốn thế thì ông còn lo âu gì nữa. Ăn xong ông xin thêm một ly trà. Phấn reo lên:
-Cha. Chịu làm bạn với tôi rồi sao?
Ông Thiên gật đầu. Lần đầu tiên ông nói thật lòng mình:
-Tôi rất thích cái tính của cô. Trước kia thì tôi có coi thường cô thật. Nhưng bây giờ thi hết rồi. Cô nói về tôi rất đúng. Lúc đầu tôi có ý định trả thù... nhưng khi nhìn thấy cô vừa trẻ vừa xinh xắn thì tôi thôi ngay. Tôi già rồi, có dụ dỗ cô để trả thù chồng cô thì chắc cô cũng không chịu đâu. Vậy thì tôi xin cô bỏ qua chuyện đó. Chúng ta làm bạn được không cô bạn nhỏ?
Phấn cười tươi đáp:
-Được. Ông bạn già.
Hai người vừa nói chuyện vừa ngắm chiều xuống. Ngoài kia, bầu trời đang trong xanh chợt đổi qua màu cam, rồi màu tím thẩm. Ông Thiên nhìn trời, nhìn xuống mặt hồ, rồi nhìn qua Phấn. Khuôn mặt trẻ con và xinh xắn của Phấn nổi bật giữa khung trời tím làm ông Thiên ước ao phải chi ông biết vẻ thì ông đã xin vẽ lại hình ảnh của Phấn vào lúc này. Phấn vẫn không hay biết gì, cô tiếp tục hỏi và ông Thiên tiếp tục nói. Ông thì kể chuyện về những ngày ông mới lớn. Còn Phấn thì nói về những chuyện mới xảy ra chung quanh cuộc đời của cô. Khi nhắc đến gia đình của nhau, Phấn nói:
-Tôi còn má và người em gái &ở Việt Nam. Thỉnh thoảng gọi điện thoại nói chuyện nên chẳng đã gi hết. Gần đây con em tôi nó cho tôi cái địa chỉ email bảo tôi viết mỗi ngày nhưng tôi đâu có biết xài email đâu mà viết. Nhà có cái PC mà ảnh đâu có dạy tôi đâu. Ảnh chỉ đưa cho tôi cái ký hiệu và mật số, bày tôi lên net rồi biểu tôi tự mò lấy mà tôi thì biết đâu đâu mà mò.
Ông Thiên hỏi:
-Cô có muốn tôi chỉ cho cô kkhông?
Phấn reo lên:
-Thiệt hả.
Nhưng rồi cô xịu mặt:
-Nhưng tôi dốt lắm... Tôi chỉ làm ông bực mình thêm mà thôi.
Ông Thiên phấn khởi:
-Tôi hứa sẽ không bực mình cô đâu.
Phấn nghe vậy thì đứng lên, kéo ông Thiên đi về phía dàn máy computer. Thế là hai cái đầu chụm lại, một người thì nhẹ nhàng, từ tốn: đầu tiên...làm như thế này nhé, kế đến ...làm như thế này nhé, giấy đâu rồi viết xuống cả quên. Còn một người thì ồn ào, liếng thoắng: viết email bằng tiếng Việt thì viết như thế nào, có shopping được không, coi hột xoàn thì làm sao, wow, cái cục này bự ghê, coi đã thiệt...
Một hồi sau, khi thấy mình ở nhà Phấn đã hơi lâu, ông Thiên đứng lên, nhìn đồng hồ rồi nói:
-Tôi ở chơi cũng hơ;i lâu rồi. Bây giờ tôi phải đi về đây. Lần khác mình tiếp tục.
Phấn cũng đứng lên, cô nói cám ơn và tiễn ông ra cửa.
Vừa chui vào xe là ông Thiên lại nghĩ đến Hiệp. Lòng ông lại sôi sùng sục. Ông cố gắng nghĩ đến cô bạn mới quen để cho lòng hả dạ chút ít nhưng không cách nào được. Ông là người hiền lành, yêu gia đình, thích êm ả, cho nên cái cảm giác sẽ mất đi những gì mình yêu quý lâu nay đã làm ông đau khổ quá chừng. Ông nghĩ đến lúc về tới nhà là ông phải đối diện với bà vợ, với những lời mỉa mai của bà; và với Hiệp, với nổi đau nung nấu trong lòng mà ngao ngán.

II
Mảnh vườn sau nhà đã làm xong. Dù đứng bên trong cửa sổ nhìn ra ông Thiên cũng nhìn thấy những bụi hoa đủ màu chen chúc nhau chung quanh cái hồ cá trông rất đẹp mắt. Cái hàng rào cũng xong được một phần tư. Ông Thiên thấy thành qủa tốt đẹp thì lòng ông cũng dịu xuống. Ông bảo vợ:
-Nhớ trả tiền công đàng hoàng cho người ta đi.
Bà vợ ông khoác tay:
-Trả làm gì. Nếu phải trả tiền thì thà thuê thợ chuyên môn làm có hơn không. Để đó tôi mua quà cho người ta được rồi.
Ông phản đối:
-Quà làm sao cho đủ. Bắt người ta làm nhiều việc thế kia thì phải trả công cho người ta chứ.
Bà vợ ông lên giọng:
-Chuyện đó đâu cầnn ông phải lo. Muốn lo sao không lo từ đầu đi.
Ông Thiên bực bội im hơi, lặng tiếng. Bây giờ ông mới nhận ra một điều là chính bà vợ ông đã làm ông không ưa gì Hiệp. Nếu bà đừng có những cử chỉ trìu mến hắn, hay bà đừng đem hắn ra để so sánh, thì ông đâu có đến nỗi ghét hắn nhiều như thế. Hai tuần nay, ông không đến nhà Phấn thăm cô như lời hứa vì ông thấy hành động đó sao đáng khinh quá. Chồng người ta không có nhà mà mò tới thì coi sao cho được. Tuy nhiên, chủ nhật hôm nay khi Hiệp vừa đến là bà vợ ông lăng xăng chạy ra ân cần săn sóc thì ông lại điên tiết lên. Ông chạy vội lại cái điện thoại gọi cho Phấn. Giọng Phấn trả lời bên kia đầu giây có vẻ buồn buồn làm ông áy náy. Ông hỏi lại:
-Cô sao thế? Có chuyện buồn ư?
-Có. Có muốn nghe không thì ghé qua tôi nói cho nghe. Thằng chả đang ở bển phải không?
-Ừ. Đang ở đây. Tôi qua thăm cô liền.
Rồi nhớ đến cái apple pie lần trườc, ông hỏi:
-Cô thích bánh gì thì nói để tôi mua. Không cô lại ...
-Thôi đừng mua nữa. Đang buồn muốn thúi ruột ra. Ăn cái giống gì được.
Ông Thiên nóí ok luôn miệng, rồi gác máy và vội vã ra xe.
Phấn mở cửa mời ông Thiên vào nhà. Hai con mắt cô còn sưng húp làm ông ái ngại không dám nói tiếng nào. Phấn không chào hỏi gì mà chỉ khóc òa lên. Cô mếu máo:
-Bà già tôi mất rồi. Em tôi mới gởi email qua.
Cô vừa khóc, vừa nói, vừa đi đến bên thềm, vừa mời ông Thiên ngồi. Ông Thiên vội vàng dìu cô ngồi xuống trước và ngồi xuống bên cạnh nhìn cô khóc. Chờ cho Phấn khóc đã đời rồi ông mới an ủi:
-Ai rồi cũng sẽ chết. Mai mốt cô và tôi cũng thế. Buồn thì cũng có ích gì đâu.
Rồi không biết nói gì hơn, ông đùa:
-Chỉ mong lúc tôi chết sợ có người khóc mà thôi.
Phấn ngừng khóc ngạc nhiên nhìn ông. Cô hỏi:
-Bộ không có ai thương ông cả sao?
Ông Thiên nhún vai:
-Con cái thì lớn hết, có gia đình riêng rồi, chắc không khóc đâu. Bà ấy thì chắc chỉ muốn cho tôi chết để được tự do thoải mái, chắc sẽ khóc nhưng chỉ khóc cho người ta coi thôi.
Phấn gạt ngang:
-Thôi đừng nói tầm bậy. Nói cho đã rồi đâm buồn. Khờ qúa.
Phấn như tạm quên nỗi buồn, cô nói để cô vào bếp pha trà, ông Thiên nói để ông giúp cô, thế là hai người cùng đứng lên đi vào bếp. Thấy dáng đi yếu ớt và cái gáy còn in đầy vết cạo gió của Phấn, ông Thiên hỏi:
-Cô đang bịnh hay sao thế?
-Ừ. Tôi bịnh hôm thứ sáu. Cảm cúm thôi. Tưởng hôm nay bớt để ngày mai còn đi làm mà không thấy bớt gì hết. Lại được tin bà già mất nữa thì không biết lành có được hay không đây.
-Cô có uống thuốc không?
-Ấy da. Cần gì thuốc. Uống nhiều nước cam là đủ rồi.
Ông Thiên nghe Phấn nói rành rẻ như một bác sĩ nên ông bật cười:
-Vậy cũng được.
Ông nghĩ đến bà vợ của mình và nhận thấy sự khác biệt rất rõ ràng giữa bà vợ ông và Phấn. Một đằng thì đâu phải ra đó, chuyện tốt thì khoe ra còn chuyện xấu thì dấu kín mít, ngoài mặt thì rất khiêm nhường nhưng bên trong thì khi nào cũng muốn được người ta chú ý đến. Còn một đằng thì sao cũng được, khi đau yếu cũng như khi đau buồn đều đón nhận một cách thoải mái dễ chịu. Điều này làm ông Thiên thấy thương Phấn hết sức. Ông dành cái ấm nước từ tay Phấn, bảo Phấn ra ngoài ghế ngồi nghỉ. Phấn trở lại bản tính hồn nhiên nên trêu ông:
-Muốn lo cho người ta hả? ‘Lòng chợt từ bi bất ngờ’ hồi nào vậy? Chết bây giờ đó nghe cha.
Ông Thiên cười hiền hòa:
-Cô nói đúng lắm. Tôi muốn lo cho cô. Vậy cô cứ để mặc tôi. Tôi không chết đâu.
Phấn đưa gói trà cho ông rồi ra ngồi lại bên thềm. Một lúc sau, ông Thiên mang hai tách trà ra ngồi chung với Phấn. Cô nâng tách trà lên mũi ngửi. Sau đó, cô nheo mũi khen ông pha trà ngon. Cử chỉ cô trông rất dễ thương làm ông Thiên quên hết mọi sự. Ông vui rộn rã với chút tình cảm nhẹ nhàng đang len lỏi trong lòng, nhưng ông cũng buồn se sắt với chút nắng cuối ngày đang long lanh trên mặt hồ ngoài kia. Ông muốn được ngồi mãi như thế này với Phấn, nhưng ông biết điều đó không thể nào xảy ra, cho nên ngồi một lát, ông lấy hết can đảm ra nói với Phấn:
-Phấn này - đây là lần đầu tiên ông gọi tên cô - tôi không muốn nói điều này ra lúc này, khi mà cô đang bệnh và đang buồn như thế kia, nhưng tôi không còn dịp nào để nói nữa cả. Vậy tôi muốn cô nghe tôi nói đây. Từ này về sau tôi không thể nào đến thăm cô được nữa dầu trong thâm tâm
tôi rất muốn đuợc ngồi với cô như thế này. Tôi nghĩ nếu tôi cứ tiếp tục đến đây - ông tính nói: thì tôi sẽ yêu cô mất và sẽ khinh tôi luôn, nhưng ông chỉ nói - thì tôi sẽ khinh tôi, cô ccũng sẽ khinh tôi, và nếu ai biết thì họ cũng sẽ khinh tôi luôn. Tuy nhiên, tôi cũng không muốn không còn được gặp cô nữa vậy thỉnh thoảng cô chịu khó theo anh Hiệp đến nhà tôi chơi, hay gởi email, hay gọi điện thoại cho tôi cũng được. Cô là cô bạn nhỏ của tôi và tôi là ông bạn già của cô, thỉnh thoảng có hỏi han nhau chắc không ai nói năng gì phải không?
Phấn nghiêm nét mặt lại, nhưng chỉ một lát sau, cô nhanh chóng lấy lại sự hồn nhiên và đùa:
-Phải đó, ông già.
Buổi chiều đang xuống dần bên ngoài khung cửa. Màu tím ở cuối chân trời càng lúc càng đậm dần, bao phủ căn phòng, và đọng lại trên đôi mắt buồn tênh của Phấn. Ông Thiên nhìn sâu vào đôi mắt đó và nói:
-Tôi sẽ không bao giờ quên bbuổi chiều hôm nay.
Rồi ông lấy cây bút viết số điện thoại phòng mạch, số điện thoại cầm tay, địa chỉ email của mình lên cái khăn giấy. Ông trao tờ giấy lại cho Phấn, nhắc nhở Phấn ghé thăm, gọi điện thoại và viết email cho ông, rồi đứng lên xin phép ra về. Phấn tiễn ông ra cửa. Đôi mắt buồn bã ngước lên nhìn ông nói nhỏ:
-Bảo trọng nghe ông già.

Ông đưa tay vỗ nhẹ vào vai Phấn trả lời:
-Take care nghe cô nhỏ.
Và từ đó, ông Thiên giữ lời hứa không đến thăm Phấn nữa.

III
Một tháng sau, cái hàng rào được Hiệp xây xong. Ông Thiên thở phào nhẹ nhõm, ông nhắc bà vợ trả tiền đàng hoàng cho Hiệp nhưng bà không nghe. Bà muốn cho Hiệp quà chứ không muốn trả tiền. Bà nói bạn bè cho quà thì có ý nghĩa hơn, nhưng ông Thiên biết cái tính keo kiệt của bà nên ông chán nản không muốn bàn tiếp. Trong đời ông, ông ghét nhất là cái chuyện nhờ vã người nào. Ông nghĩ nếu làm được thì làm, làm không được thì thuê thợ chuyên môn làm. Tiền kiếm ra là để tiêu vào những chuyện cần thiết cho đời sống chứ đâu phải để tiêu cho hết vào những thứ xa xỉ như áo quần, hột xoàn, rồi đi nhờ người khác làm dùm những chuyện cần thiết kia cho đỡ tốn. Ông đâm ra thù ghét cái mảnh vườn phiá sau nhà và cái hàng rào vì chúng làm cho ông có cái cảm tường như ông đang hưởng thụ trên công sức của người khác. Phải chi bà vợ ông chịu trả tiền cho Hiệp thì chắc ông bớt khốn khổ hơn.
Mùa hè năm đó, hãng bà vợ ông Thiên tổ chức picnic như mọi năm. Những năm trước, ông Thiên không bao giờ đi, viện cớ mình không quen ai hết. Năm nay ông tự nguyện đi theo bà. Ông hy vọng sẽ gặp được Phấn dù không để làm gì cả cho nên khi nên nơi ông đưa mắt tìm Phấn và khi nhìn thấy Phấn rồi thì ông Thiên yên tâm, sung sướng nghĩ thầm là mình đã không phí công đi. Bà vợ ông gặp Hiệp thì vồn vã chào hỏi, khệ nệ mang các thứ lại ngồi cạnh hai vợ chồng Hiệp và ân cần mời mọc các bánh trái do bà mang theo nhưng ông Thiên thấy Hiệp không còn vẽ gần gũi như xưa nữa. Hiệp trả lời những câu hỏi của bà vợ ông cho có lệ rồi sau đó đứng lên đi chào hỏi những người khác. Bà vợ ông nhân dịp gặp một người cùng làm chung đi ngang qua, cũng đứng lên đi theo hỏi chuyện người ấy. Lúc này chỉ còn lại mình ông Thiên và Phấn. Phấn mời ông một khúc bánh mì. Ông Thiên nhận lấy. Ông mời lại Phấn lon nước ngọt. Cô cũng đưa tay nhận lấy nhưng chưa uống ngay. Thấy những vết cạo gió đỏ lòm sau gáy của Phấn ông Thiên hỏi:
-Cô lại bị cảm nữa hay sao?
-Sơ sơ thôi. Không có gìì đâu.
-Sao không đi bác sĩ đi ?
-Đi làm gì cho tốn tiền. Vài ngày là hết thôi mà.
Ông Thiên bật cười. Rồi ông đề nghị:
-Hay cô đến phòng mạch của tôi để tôi coi cho. Cam đoan không lấy tiền đâu. Ông chồng cô đã có lòng giúp nhà tôi thì tôi cũng muốn làm lại chút đỉnh cho huề cả làng.
Phấn thẳng thắn:
-Đừng có nhắc cái chuyện đó với thằng chả mà thằng chả gây ầm lên bây giờ.
Ông Thiên ngạc nhiên:
-Sao thế?
-Ai biết chuyện gì. Thằng chả chỉ gắt tùm lum chứ có nói gì cho nên ai mà biết được.
Ông Thiên như đoán được lý do nên ông sượng sùng muốn độn thổ. Ông lặng lẽ đứng lên, ra xe lấy cuốn chi phiếu và viết đại một số tiền mà ông cho là phải chăng rồi mang trở lại đưa cho Phấn. Ông nói:
-Tôi xin lỗi hai vợ chồng cô về cái chuyện đó. Bà vợ tôi nhờ tôi trả tiền cho anh Hiệp mà tôi bận quá nên quên mất tiêu, bây giờ nhắc đến mới nhớ ra. Nhờ cô giao tấm chi phiếu này lại cho anh Hiệp. Nói dùm tôi xin lỗi anh ấy vậy.
Phấn ngần ngừ:
-Chuyện không mắc mớ gì tới tôi sao biểu tôi làm.
-Chuyện cũng không mắc mớ gì tới tôi mà tôi cũng làm thì sao. Coi như tôi xin cô lần này.
Phấn cầm lấy tấm chi phiếu rồi nói:
-Tôi chỉ đưa cho thằng chả thôi. Còn nói xin lỗi dùm thì tôi không nói đâu.
Rồi cô lắc đầu:
-Tôi không hiểu mấy người này làm cái gì nữa. Mà thôi. Ai muốn giận ai thì giận chứ không có tôi đâu nghe. Còn xin lỗi thì tôi không nhận đâu. Ông với tôi đâu có gì đâu mà lỗi với phải. Mà muốn có lỗi để xin thì cũng không tới phiên ông đâu. Tính tôi muốn gì thì nói liền cho nên ông không có cơ hội làm lỗi đâu. Tôi chọc sùng ông thì có.
Ông Thiên cười:
-Tôi quen rồi. Không sùng cô đâu.
Sau đó, hai người bắt đầu hỏi thăm chuyện của nhau trong thời gian xa cách.
Một lúc sau, bà vợ ông Thiên về lại chỗ ngồi, mặt bà có vẻ rầu rầu. Ông Thiên biết lý do gì nên ông thở dài ái ngại cho bà. Tuy nhiên, lòng ông lại thấy thanh thản vì đã trả được món nợ lâu nay. Kể từ nay, ông không còn phải mang ơn một người mà ông không ưa một chút nào nữa.
Chiều xuống dần. Chút nắng vàng vọt bắt đầu giăng mắc trên các đọt lá. Ông Thiên đưa mắt tìm Phấn, mong ước được nhìn lại đôi mắt long lanh, vương một chút màu chiều tím của Phấn như buổi chiều ngày nào. Phấn thấy ông Thiên nhìn mình thì cười hồn nhiên như không hay biết chuyện gì. Ông Thiên thì khác, ông sung sướng ngồi bên Phấn, nhìn lại khung trời tím bàng bạc cuối chân mây, cám ơn trời đất đã cho ông thêm một buổi chiều và nghĩ thầm:
-Có lẽ bấy nhiêu đó cũng đủ thôi.

Lâm Tuyết Nhung

Truyện trúng giải nhì kỳ thi viết truyện ngắn của nguyệt san Kỷ Nguyên Mới
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.