Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Mộng Cầm
PC
#1 Posted : Monday, July 23, 2007 4:00:00 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Vĩnh biệt nữ sĩ Mộng Cầm

23:19:36, 24/07/2007
Hà Đình Nguyên



Bà Mộng Cầm lúc sinh thời - ảnh: T.L

Trong khoảng nửa thế kỷ vừa qua, chuyện tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm vẫn luôn là đề tài làm tốn hao nhiều giấy mực của các nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ. Hàn thi sĩ đã từ trần vào ngày 11.11.1940, còn Mộng Cầm từ đó đến nay vẫn sống âm thầm ở TP Phan Thiết (Bình Thuận), và vừa đi vào cõi vĩnh hằng lúc 21 giờ 30 ngày 23.7.2007...

Ở bài viết này, vì tôn trọng chuyện quá khứ, riêng tư của bà nên chúng tôi không ghi tên thật, chỉ lược lại những chi tiết chung quanh "chuyện tình" Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm mà nhiều sách vở, bài báo đã đề cập.

Mộng Cầm sinh ngày 17.7.1917. Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Hóa ra, Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.

Hàn Mặc Tử mất vào cuối năm 1940 thì đến năm 1942, nhà văn Trần Thanh Mại ra cuốn sách đầu tiên giới thiệu thân thế, sự nghiệp của Hàn Mặc Tử. Trong cuốn sách gây xôn xao dư luận lúc đó, Trần Thanh Mại đã dành hẳn một chương để nói về Mộng Cầm: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng... Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.

Dù đã tuyệt giao với những người thân thiết nhất nhưng hình ảnh của Mộng Cầm vẫn luôn ám ảnh Hàn thi sĩ. Nỗi đau đớn triền miên trên thể xác cộng với nỗi đau tinh thần luôn giày vò thiên tài bất hạnh, từ đó thi sĩ bật ra những câu thơ thống thiết: "Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng/Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang/Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết/Ơi! Trời ơi! Là Phan Thiết! Phan Thiết/Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi/Ta đến nơi, Nàng ấy vắng lâu rồi/Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ/Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ/Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng... Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết!/Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu/Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư". (Phan Thiết! Phan Thiết) hoặc "...Nghe gió là ôm ngang với gió/Tưởng chừng như trong đó có hương/Của người mình nhớ mình thương/Nào hay gió tạt chẳng vương vấn gì…" (Muôn năm sầu thảm)...

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket
Mộng Cầm thời trẻ

Hơn 20 năm sau ngày Hàn Mặc Tử mất, vào năm 1961, nhà thơ Nguyễn Vỹ (chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Phổ thông) đã cử nhà báo Châu Mộng Kỳ tìm gặp Mộng Cầm để phỏng vấn về mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Thực ra từ khi có gia đình riêng, Mộng Cầm sống ẩn dật và luôn từ chối gặp gỡ các nhà báo. Sở dĩ Châu Mộng Kỳ thực hiện được cuộc phỏng vấn là do ông vốn là thầy dạy học của một người con trong gia đình Mộng Cầm. Trong bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phổ thông số 63, ra ngày 15.8.1961, bà Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử "chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng...". Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong, bởi cả hai người cùng nấp mưa một chỗ tại sao bà chẳng hề hấn gì? Bà kể tiếp: "Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi. Tôi có trả lời anh: "Chắc là không thể đi đến chỗ trăm năm được, tôi nói trước để anh đừng hy vọng". Anh hỏi lý do. Tôi viện lẽ tôn giáo khác nhau. Tuy vậy chúng tôi vẫn giao thiệp thân mật một hai năm như thế. Trong thời gian này, có nhiều lần Hàn Mặc Tử năn nỉ tôi dẫn về Quảng Ngãi thăm nhà và trong nhiều bức thư anh có đề cập đến vấn đề hôn nhân. Tôi vẫn trả lời thư, nhưng luôn tìm cách từ chối: "Em thiết nghĩ chúng ta sống thế này thanh cao hơn, tôn giáo bất đồng, chữ hiếu bắt buộc em phải nghe lời thân mẫu...". Nhiều người - trong đó có Quách Tấn, Trần Thanh Mại, Ngọc Sương (dì ruột của Mộng Cầm) đều xác nhận chuyện tình cảm giữa Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm là có thật, sở dĩ bà phải "đính chính" trong bài phỏng vấn là muốn bảo vệ hạnh phúc đang có. Âu đó cũng là một việc làm thường tình và đáng thông cảm...

Hôm nay, người thiếu nữ năm xưa - nhân vật đã trở thành huyền thoại trong nhiều bài thơ, khúc nhạc - đã mang vào lòng đất những vui buồn quá khứ. Xin thắp một nén nhang tiễn bà vào vĩnh hằng...

Hay tin Mộng Cầm qua đời, trong suốt ngày hôm qua 24.7, nhiều đoàn khách đã lên đồi Thi Nhân (còn gọi là Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định - nơi có mộ phần thi sĩ Hàn Mặc Tử). Ai cũng xúc động khi ngắm nhìn những hình ảnh nữ sĩ được trưng bày trang trọng ở phòng lưu niệm ở trên đồi. Chị Mai Lan trong đoàn khách đến từ Nam Bộ rưng rưng: "Nữ sĩ qua đời đột ngột quá, tôi từng ấp ủ dự định gặp bà để hiểu hơn về mối tình thơ của bà với Hàn Mặc Tử, tiếc là đã muộn rồi".

http://www2.thanhnien.co...angnam/09.07.07/14c.jpg
Dzũ Kha và bà Mộng Cầm
Cũng trên đồi Thi Nhân, nghệ nhân Dzũ Kha - được gọi là "người giữ lửa thơ Hàn", từng gặp nữ sĩ Mộng Cầm và được bà đề tặng bài thơ Chan chứa đã gửi cho Hàn Mặc Tử trong thời gian hai người quen nhau - bùi ngùi: "Thật buồn khi nàng thơ từng là nguồn cảm hứng sáng tạo cho thơ Hàn không còn nữa. Nhiều lần tôi đến thăm, bà lúc nào cũng gọi anh Trí, anh Trí mỗi khi nhắc đến thi sĩ họ Hàn. Chuyện tình không thành nhưng giữa hai người đã có những kỷ niệm thật đẹp...". (Đình Phú)

Hà Đình Nguyên

thanhnien online
[img][/img] [img][/img]
PC
#2 Posted : Tuesday, July 24, 2007 6:38:41 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
“Người tình thơ” của Hàn Mặc Tử qua đời



TT - Nữ sĩ Mộng Cầm, tên thật là Huỳnh Thị Nghệ (sinh ngày 17-7-1917 ở Quảng Ngãi) - “người tình thơ” của cố thi sĩ tài hoa yểu mệnh Hàn Mặc Tử - vừa qua đời lúc 21g30 ngày 23-7 tại nhà riêng trên đường Trần Hưng Đạo (Phan Thiết, Bình Thuận), hưởng thọ 91 tuổi.

Theo nhiều tài liệu, Hàn Mặc Tử quen biết Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng ở Sài Gòn vào khoảng năm 1934.

Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu, vì “nhiễm tinh thần thơ văn” của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ của “cô Nghệ” dưới bút danh Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với nhau. Cũng chính sự quen biết giữa thi sĩ họ Hàn và Mộng Cầm đã nảy nở tình bạn thơ Hàn Mặc Tử - Bích Khê thắm thiết sau này.

Trong số những tuyệt tác thi ca để lại cho đời, người ta vẫn ngờ rằng có những áng thơ mà chàng thi sĩ tài danh họ Hàn viết riêng cho “người tình thơ” Mộng Cầm:

“Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm/
Nhớ thương còn một nắm xương thôi/
Thân tàn ma dại đi rồi/
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan…”
(Muôn năm sầu thảm).

L.TRƯỜNG

tuoitre online
Phượng Các
#3 Posted : Wednesday, May 20, 2015 1:52:46 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Bí ẩn cuộc tình Hàn Mạc Tử & Mộng Cầm

Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.
Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm, rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc "Hàn Mặc Tử"của Trần Thiện Thanh, bất ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh "người đẹp của thi nhân", nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm.
Quán là một căn nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.

Đây thôn Vĩ dạ, một vết cứa đâm tim

Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm - Hàn Mạc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của Hàn Mạc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: "Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu". Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc thương.


Nữ sĩ Mộng Cầm khi quen nhà thơ Hàn Mạc Tử.

Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên "cúng cơm" là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices.

Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có "máu thơ văn". Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu "Nghệ hỡi Nghệ"…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.

Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mạc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .

Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng...
Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối: "Sao anh không về chơi thôn Vĩ/Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên/Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/Lá trúc che ngang mặt chữ điền…".



Ảnh nữ sĩ Mộng Cầm chụp năm 1990.

Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước, hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi, tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã 3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong "Lệ Thanh thi tập"). Mở đầu bài "Thức khuya" có câu: "Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…" và được cụ Phan rất tán thưởng "…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ". Cụ đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài "Thức khuya" mở đầu: "Chợ lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…".
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là "tình văn chương", còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân thiết của thi sĩ).

"Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu"

Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử.
Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liêu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ "Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng", một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi. Bài thơ như sau: “Sương sa trong lúc hoàng hôn/Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh/Triều dâng con nước mênh mông/Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao/Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?/Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu/Mây mù phủ kín vòng bình địa/Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu”.
Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng Cầm ngâm nga: "Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu" thì cô con gái, bác sỹ Mộng Đào mở lớn nhạc bài "Hàn Mặc Tử".

Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại TP HCM. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà níu tay tôi dặn dò: "Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài hát dùm tôi". Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết.
Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc bài thơ "Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?" của bà được.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.