Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Thử Mở Lại Vài Trang Sách Cũ - Lương Thư Trung
Phượng Các
#1 Posted : Tuesday, July 12, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,704
Points: 20,055
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 654 time(s) in 614 post(s)

Thử Mở Lại Vài Trang Sách Cũ

Lương Thư Trung


Thân tặng Nguyễn Ngọc Thanh

Nói tới nhà quê, phần đông người ta nghĩ ở đó ít người biết chữ, dân quê chỉ biết lo làm ruộng cày bừa và sống một đời chắc thiệt, lam lũ quanh năm lo miếng cơm manh áo bằng chính mồ hôi và sức lực của mình. Nếu có người rộng lượng, mở lòng ra thêm một chút, thì người nhà quê chỉ biết mê cải lương, mê hát bội và hát hò theo lối truyền khẩu trong các mùa cấy mùa gặt hoặc trong các đêm giã gạo đêm trăng như sách vở xưa ghi chép lại.

Nhưng cách nào đó, thời nào dân quê cũng bị đặt để dưới tận cùng cái nhìn của mọi giai tầng trong xã hội và đặc biệt trong sách vở, văn chương, người nhà quê chỉ như những hoa đồng cỏ nội được nhắc như một cái cớ hay như một cách trang trí một vẽ nhà quê thật nghèo nàn cho một căn phòng kiến thức xa vời qua cái gọi là tác phẩm văn chương với nhiều bĩ thử.
Trong văn học miền Nam trước năm 1975, có lẽ ai cũng biết hai tác giả tiêu biểu cho cái chất nhà quê miền sông nước Cửu Long là Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam, cũng như trước kia, thời kỳ chữ quốc ngữ còn phôi thai, có Hồ Biểu Chánh với những quyển tiểu thuyết phóng tác, kể ra còn quá ít tác phẩm phản ảnh trung thực nét đặc trưng quê mùa của dân quê, đặc biệt qua các tác phẩm văn học của các nhà ấy, chữ dùng ở nhà quê cũng đã chắc lọc, mài giũa nhiều bận để trở thành chữ trong sách vở, thiếu cái chất rặt nòi dân dã quê mùa.
Thành ra, đi tìm lại những gì của nhà quê qua sách vở là một việc không dễ. Chi bằng phải sanh ra và lớn lên ở nhà quê rồi phải cùng từng trải với dân quê trong các công việc đồng lúa, cấy cày, phải biết cắm câu giăng lưới, và nhất là phải có tấm lòng chịu học hỏi ở họ và nhất là đừng bao giờ chê bai họ dốt nát mới may ra học ở họ nhiều điều mà ngay cả tác phẩm đoạt giải văn chương lớn cũng như các viện đại học lớn cũng không ai dạy cho mình cái chất quê mùa đó khi các tác gia một lúc nào đó có lòng muốn đi tìm kiếm thử một chút chân quê như vậy, không dễ.
Bằng chứng, là khi các tác giả muốn viết về một thứ từ ngữ nào đó về vùng quê hay tìm lại nguồn gốc một chữ dùng, một tên gọi về một cửa sông, một ngọn núi, người ta hay dùng những bằng chứng trong các sách vở. Đó là cái căn gốc chắc chắn nhất, nó bảo kê bài viết có giá trị, dễ thuyết phục người đọc nhất; chứ ít có ai chịu đến từng vùng hay ít có ai chịu nghe một người khác sống lâu năm tại vùng đất nào đó nói về cái căn gốc của vùng địa dư ấy. Cái lợi của bút lục là chắc, nhưng cái hại của bút lục là quá nệ vào sách vở.
Thử lấy một thí dụ, trong quyển “Nửa tháng trong miền Thất Sơn” của Nguyễn Văn Hầu, khi có người hỏi tại sao miền Thất Sơn núi non trùng trùng điệp mà lại gọi là Bảy Núi? Theo tác giả, có nhiều giả thuyết về tên gọi Thất sơn: “Theo Đại Nam Nhất Thống Chí phần An Giang tỉnh, mục Sơn Xuyên, thì Thất sơn là núi Tượng, núi Cấm, núi Ốc Nhâm, núi Nam Vi, núi Châm Biệt, và núi Nhân Hòa.
Nhưng theo cụ Hồ Biểu Chánh qua tác phẩm “Thất Sơn Huyến Bí” thì Thất Sơn là các núi Trà Sư, núi Két, núi Dài, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Tô và núi Cấm.
Theo một nhà khảo cứu ngoại quốc, ông P. Gourou, từng thăm dò nhiều, đã kết luận Thất Sơn là các núi Trà Sư, núi Két, núi Bà Đội Om, núi Cấm, núi Dài, núi Tượng, và núi Tô.
Theo các bô lão miền này qua lời một sơn nhân tên là Lương Văn Phụng thì Thất Sơn gồm các núi Két còn gọi Anh Vũ Sơn, núi Dài Năm Giếng còn gọi Ngũ Hồ Sơn, núi Cấm còn gọi Thiên Cẩm Sơn, núi Tượng còn gọi Liên Hoa Sơn, núi Nước còn gọi Thủy Đài Sơn, núi Dài còn gọi Ngọa Long Sơn, và núi Tô còn gọi Phụng Hoàng Sơn.”(1) Và tác giả Nguyễn Văn Hầu kết luận: tuy thứ tự có khác, nhưng hai thuyết của Hồ Biểu Chánh và của nhà khảo cứu ngoại quốc giống nhau, nên ông cho rằng “chúng ta có thể tin Bảy Núi là các núi đó.” Nhắc lại một chút như vậy để thấy cho dù các bô lão có kể lại một người từng sống ở vùng Thất Sơn huyền bí này như sơn nhân Lương Văn Phụng, có biết tường tận về tên gọi các núi qua chữ nôm và Hán Việt, cũng không được các nhà biên khảo về địa chí tin cẩn. Mà ở đây, rõ ràng là tác giả dựa vào một tác phẩm và tài liệu nghiên cứu của hai tác giả khác nhau nói về một tên gọi giống nhau về một địa danh là bằng chứng đáng tin cậy nhất.
Ngoài ra, từ khi chúng tôi còn rất nhỏ, bên bếp un xua muỗi khói bay nghi ngút vào mỗi tối mấy tháng gần Tết, chúng tôi thường nghe ông bà nội tôi, rồi tía má tôi kể lại cách gọi tên các ngọn núi vùng Thất Sơn theo cách gọi của các bà con cô bác và các bô lão vùng Tri Tôn(Xà Tón) thì Bảy Núi là núi Két, núi Tượng, núi Dài, núi Bà đội Om, núi Ông Tô, núi Năm Giếng và núi Ông Cấm. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ quen gọi theo các bô lão ở vùng này như vậy bởi lẽ các bậc tiền bối ấy, những người thực sự sống ở vùng Bảy Núi và tổ tiên chúng tôi là những người đã cho tôi ý niệm tuyệt đối về những chất liệu “thiệt và rất thiệt” về một tên gọi được truyền tụng lại qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ biến thiên của trời đất mà vẫn không thay đổi cách gọi tên nào khác về các ngọn núi này. Và tôi tin hơn trong sách là như vậy. Bàn về điều này, có lẽ tôi cũng bắt gặp Linh mục Ngô Phúc Hậu, chánh xứ họ đạo Cái Rắn ở Cà Mau qua quyển “Nhật Ký Truyền Giáo” của Ngài, khi kể lại cho người nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn về tên gọi “Sông Ông Đốc”, không qua bút lục mà qua các bô lão kể lại. Thật hiếm thay! : “Con sông này dài hơn năm mươi cây số, bắt đầu từ sông Trẹm, thị trấn Thới Bình, và kết thúc ở bờ biển phía Tây Nam. Con sông mang tên Ông Đốc vì vào cuối thế kỷ 18, vua Gia Long đã trốn qua6n Tây Sơn đến ở Cái Rắn, đặt hai quan Đốc trấn ở hai điểm: Ông Đốc Lới đóng quân ở Đốc Lới (thuộc ấp Tân Ánh bây giờ), và ở cách nhà thờ Cái Rắn chừng 8 cây số); và Ông Đốc Vàng đóng quân ở vàn con sông nói trên. Bộ vua Gia Long đã đến ở Cái Rắn hả cha? Ừ, ông đã đến ở vùng này và cho đào một cái ao gọi là Ao Ngự, ở cách nhà thờ Cái Rắn chừng hai trăm mét. Cha lấy tài liệu ở đâu mà nói rành rẽ dữ vậy? Các vị cao niên ở đây kể lại như thế.”(2) Nói thế, không có nghĩa dựa vào sách vở là không tốt. Nhưng phải thành thật nhận ra rằng, thỉnh thoảng trong các sách, trong tự điển không phải lúc nào cũng tuyệt đối hoàn hão. Chính vì vậy mà các tác giả luôn khiêm nhượng, dè dặt ở các lời tựa của các cuốn sách của mình là kêu gọi sự đóng góp của chư độc giả để bổ khuyết những sơ sót, nếu có . Điển hình, bộ “Tự Điển Việt Nam”của tác giả Lê Văn Đức, và Lê Ngọc Trụ hiệu đính là bộ tự điển đầy đủ nhất và được các tác gia dùng đến nhiều nhất, đã viết:”Mặc dù đã cố gắng với nhiều công phu, chúng tôi chắc chắn không làm sao tránh được thiếu sót và sai lầm. Chúng tôi mong rằng quý vị độc giả uyên bác vui lòng chỉ giáo cho chúng tôi những khiếm khuyết để kỳ tái bản, bộ Tự Điển Việt Nam này được tu bổ hoàn hảo hơn.”(3)
Thành ra, có thể vì tự điển tiếng Việt ít được cập nhật, và lại cũng ít có lần được tái bản nên tác giả cũng không có cơ hội bổ khuyết thêm những thiếu sót. Đặc biệt bộ “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của Huỳnh Tịnh Của soạn ra năm 1895, in ở Sài Gòn do nhà REY, CURIOL & Cie xuất bản, sau này do nhà in Văn Hữu ở Sài Gòn in lại vào năm 1974, có nhiều chữ không rõ nghĩa hoặc chưa đủ nghĩa, dù tác giả có bổ túc thêm phần sai sót ở ngay trang đầu sau phần “Tiểu tự”. Chẳng hạn giải nghĩa chữ “cá linh”(4), tác giả ghi:”Thứ cá nhỏ mà nhiều dầu, hình tích giống cá sông con.” Thật tình nếu theo cắt nghĩa ghi như vậy, tôi nghĩ nếu bạn chưa bao giờ biết một chút gì về cá linh, là đành chịu chết, không hiểu nổi “loại cá nhỏ mà nhiều dầu” và “hình tích giống cá sông con”. Trong khi cá linh là loại cá gồm có hai loại hình dáng hơi khác nhau. Thứ nhất, là “cá linh rìa”, có vóc mình dẹp, vẫy nhỏ, có hàng vẫy cặp theo hai bên hông lấm chấm đen màu hơi lợt, và loại cá linh thứ hai có dáng hình ống tròn dài cỡ bằng ngón tay, dân quê gọi tên là “cá linh ống”. Sinh sản trên thượng nguồn theo mùa nước đổ tháng tư, tháng năm âm lịch cá linh tràn vào các sông rạch miền Cửu Long. Lúc còn nhỏ bằng đầu đũa ăn gọi là cá linh non. Cá linh lớn tối đa bằng ngón chưn cái, một vài con lớn bằng nửa cườm tay, nhưng rất hiếm. Mùa nước nổi theo nước lên đồng, đến nước trên đồng bắt đầu phân đồng vào ngày 25 tháng 9 âm lịch, cá linh rục rịch theo nước ra sông, gọi là mùa cá ra. Tên gọi “cá linh” là do vua Gia Long đặt. Theo cụ Vương Hồng Sển, trong quyển Hơn Nửa Đời Hư có nhắc:” Ngày nay còn khá nhiều điển tích lúc chúa Ánh chạy trốn. Con cá nhỏ nhảy vào thuyền báo tin đừng sớm ra khơi, cứu chúa khỏi bị Tây Sơn chận ngoài biển, chúa đặt tên là cá linh.”(5)
Trong bộ Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng có chỗ dư, chỗ thiếu như vậy. Lấy thí dụ chữ “cóc bịch”, tự điển giải thích đây là loại tiếng “lóng”:Tiếng mắng yêu, hài hước: Con cóc bịch nà!”(hàng cuối trang 199). Nhưng ngoài thực tế ở nhà quê hai chữ “cóc bịch” để chỉ con cóc lớn cũng như hai chữ “ếch bà” để chỉ con ếch cái rất lớn. Sở dĩ dân quê hay gọi con cóc lớn là “cóc bịch” vì khi người ta đi móc cóc theo các hang ở các bờ tre hoặc bờ đìa bằng cái móc làm bằng dây chì gai dài cỡ một thước, nếu hang nào có cóc lớn là người ta biết liền vì khi đầu móc chạm vào lưng con cóc, theo bản năng sinh tồn, con cóc bự gồng mình lên như con cá nóc khi người ta chạm tay vào mình, nó cũng căng cái bụng tròn lên như vậy, và người ta nghe tiếng chạm của móc vào da cóc kêu “bịch, bịch”.
Từ đó mà có những danh từ dành riêng cho những loài ếch nhái như vậy. Thực tế thì như vậy, nhưng nói ra có bạn khó tính lại cho rằng “giả thuyết này không thuyết phục”. Mà quả thật, nói mà không có sách thật khó lòng làm cho các nhà kinh điển tin dùng. Nhưng biết làm sao bây giờ !?!. Ngoài ra, có những chữ thường dùng, tự điển lại bỏ trống hoặc có những chữ viết lại không đúng với chữ gốc. Đó là trường hợp bộ “Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” của Bửu Kế do nhà xuất bản Thuận Hoá in năm 1999, dày 2812 trang(6), soạn thảo rất công phu nhưng có vài thiếu sót thật đáng tiếc. Chẳng hạn khi đi tìm chữ “ngã” nghĩa là “ta”(trang 1206), trong bộ tự điển này hoàn toàn không có. Từ đó những chữ như “ngã bối”, “ngã chấp”, ngã kiến”, “ngã sinh”,”ngã tào”,”ngã tri chủ nghĩa”, đều không có. Thêm một thiếu sót khác, khi coi chữ “tứ”(trang 1902) với bộ “tâm” có nghĩa là “phóng túng”, chỉ có chữ “tứ dục” nghĩa “thả lỏng sự ham muốn” là viết với bộ “tâm”. Còn các chữ khác cùng bộ “tâm” như vậy như chữ “tứ tình” nghĩa như chữ “tứ dục”, chữ “tứ túng” nghĩa “buông lung không kềm chế”, chữ ‘tứ ý” nghĩa “tự ý muốn làm gì thì làm”, nhưng trong tự điển lại viết với bộ “tứ” nghĩa là “bốn”, thành ra làm cho chữ đã không đúng mà nghĩa lại càng rời xa cái gốc của chữ “tứ” với bộ “tâm”.
Từ đó, mỗi lần chúng tôi phải dùng bộ “Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên” của Bửu Kế, phải so đi so lại với nhiều quyển tự điện Hán Việt khác như của các tác giả Thiều Chửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Khôn, vì dù ít dù nhiều, bộ từ điển của Bửu Kế đã làm chúng tôi càng dè đặt, đắn đo và coi cho thật kỹ. Trong một tác phẩm khác mà các giới văn học đánh giá rất lớn về giá trị văn chương,truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, nhưng có một sai sót, mà từ trước đến nay, chúng tôi chờ đợi về một phát hiện về cái sai rất nhỏ mà quan trọng này từ các nhà viết văn học sử, các nhà phê bình văn học, nhưng vẫn chưa thấy ai hoặc đã có tác giả nào đã viết rồi, nhưng chúng tôi chưa may mắn được đọc chăng? Câu chuyện “Rừng Mắm”(7) của Bình Nguyên Lộc có lẽ ai ai cũng đã biết về một gia đình nông dân nghèo miệt Sa Đéc phải bồng chống xuống xuồng xuôi về miệt Cà Mau phá đất lâm lập nghiệp tại cái xóm giữa rừng gọi là Ô Heo. Một hôm, hai ông cháu thằng Cộc đứng giữa rừng mắm, và có mẫu đối thoại nhỏ sau đây, chúng tôi xin ghi chép lại để các bạn tường lãm: “
- Nhìn xuống gốc cây! Ông nội bảo. Nước chưa lớn hẳn, để lộ bùn đen dưới gốc cây ra. Bùn đen từng nơi lại trắng xoá những đoá hoa năm cánh, hai màu đối chọi trông rất đẹp.
- Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc?` Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây này là cây mắm, đây là rừng mắm đây. Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây mắm bao giờ? Con không nghe, vì cây ấy không dùng được để làm gì cả, cho đến làm củi chụm cũng không được. Vậy chớ trời sanh nó ra làm chi mà vô ích dữ vậy ông nội, lại sanh hằng hà sa số như là cỏ ấy.”(8)
Cái sơ sót nằm ngay trong đoạn văn đối thoại ấy. Hồi còn đi học, chúng tôi đọc Rừng Mắm như để bắt chước lối hành văn và cũng để giải trí. Sau này khi có dịp về U Minh để phá rừng làm rẫy, và nhiều lúc phải tìm cây mắm để cưa ra từng lóng, từng lóng có chiều dài cỡ tám tấc hay một thước để làm củi bán cho các lò gạch để đốt lửa hầm gạch. Hoặc sau này, có dịp về làm gạch tại các miệt gần bờ Cửu Long giang, mỗi ngày chúng tôi phải vác hằng mấy ghe chở đầy củi mắm, từ tháng này qua tháng khác. Củi mắm chụm hầm gạch lửa tốt hơn trấu nhiều, than củi mắm đượm lắm. Từ đó, chúng tôi mới nhớ lại câu trả lời của ông nội thằng Cộc về cây mắm trong truyện ngắn Rừng Mắm của Bình Nguyên Lộc, có lẽ không được đúng lắm với thực tế cây mắm ngoài rừng. Nhưng chẳng biết tỏ bày cùng ai. Sau này, có dịp đọc được cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của linh mục Ngô Phúc Hậu, tác giả cũng đã nhiều lần nhắc đến cây mắm, một loại cây mang dáng vẻ tiêu biểu cho nét đặc thù của vùng Cái Rắn, Năm Căn, Cái Keo, Đồng Cùng, Cái Nước, Bà Hính, Chà Là thuộc vùng đất Cà Mau. Chẳng những cây mắm giữ phù sa bồi thành bãi, thành ruộng đồng mà còn rất hữu dụng trong việc làm củi đuốc, cất nhà, và đóng đồ gia dụng chứ không phải “không dùng được để làm gì cả, cho đến làm củi chụm cũng không được.”
Nhân có hôm mở lại trang sách cũ, , quyển “Sống và Viết” của Nguiễn Ngu Í (9), trong phần Bình Nguyên Lộc, để tìm lại hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Rừng Mắm, mới hay cớ sự câu trả lời của ông nội thằng Cộc trong Rừng Mắm không đúng là do tác giả cho biết ông viết truyện này là do cảm hứng từ bức tranh vẽ “chót mũi Cà Mau, mấy cây mắm, một chiếc ghe và hòn Khoai” của một hoạ sĩ yêu văn ông mang tặng, chứ tác giả chưa đi đến Cà Mau lần nào và có lẽ cũng chưa rành về đặc tính cùng công dụng của loại cây này. Trên đây xin ghi lại cái “thiệt” của cây mắm ngoài thiên nhiên và cái “thật” của cây mắm trong sách vở để hầu góp nhặt chút hiểu biết về cây mắm với hy vọng các nhà nghiên cứu phê bình khi trích dẫn các tài liệu mang tính văn học như cây mắm trong Rừng Mắm để tiện bề tùy nghi.
Qua vài trang sách cũ có dịp được mở lại khi tuổi đời không còn bé bỏng nữa, chúng tôi không có ý tìm cái trúng cái trật trong sách vở của tiền nhân mà muốn gởi nơi đây lời tâm sự là “cái thiệt trong đời sống nơi thôn quê” nhiều lúc không giống”cái thật trong sách vở”, đặc biệt là các chữ thường dùng mỗi ngày trong các sinh hoạt đồng áng qua các mùa màng, nhưng nó cũng giúp cho sách vở khá nhiều nếu các nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, về phê bình văn học chịu chấp nhận những “cái thiệt” đó mặc dù nó không có sách vở nào ghi chép lại để làm bút lục cho đời sau.
Giữa “thiệt” và “thật” nó khác nhau là vậy!!!
Lương Thư Trung
Mùa Đông, 12- 2003 Ghi chú:
1/ Nửa Tháng Trong Miền Thất Sơn của Nguyễn Văn Hầu, Hương Sen xuất bản, Sài Gòn ,năm 1970. Xuân Thu (Hoa Kỳ) tái bản.
2/ Nhật ký Truyền Giáo của Linh mục Ngô Phúc Hậu, do nhóm Cựu Chủng Sinh Cần Thơ Hải Ngoại (Hoa Kỳ) tái bản.
3/ Trích lời “Tựa” bộ Tự Điển Việt Nam của Lê Văn Đức, và Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà xuất bản Khai Trí Sài Gòn, năm 1970.
4/ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của do nhà xuất bản Văn Hữu, Sài Gòn, năm 1974. Xuân Thu (Hoa Kỳ) in lại.
5/ Hơn Nửa Đời Hư của Vương Hồng Sển, Văn Nghệ(Hoa Kỳ), 1996.
6/ Từ Điển Hán Việt Từ Nguyên của Bửu Kế,Thuận Hoá, 1999.
7 và 8/ Ký Thác, tập truyện, của Bình Nguyên Lộc, Văn Nghệ (Hoa Kỳ), 1986, trang 22.
9/ Sống và Viết với.... của Nguiễn Ngu Í, phần Bình Nguyên Lộc, trang 234, Đại Nam (Hoa Kỳ) tái bản.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.