Cô gái Mỹ mê ca dao và mê... người Việt“Mê ca dao như... điếu đổ”- Martha Lackritz, hay còn gọi là Martha Thảo, cô gái Mỹ thế hệ 8X đã thốt lên một câu rất Việt Nam như thế.
Martha Thảo cùng trẻ em vùng cao Việt Nam Cách đây 2 năm, Martha Thảo sang Việt Nam để thực hiện dự án nghiên cứu về ca dao VN nhờ học bổng Fulbright (Mỹ), với dự định sẽ dịch 1.000 bài sang tiếng Anh để xuất bản tại Mỹ…
“Tôi sinh ra ở Texas, miền đất “Cowboy” của Mỹ, nhưng tôi là một người gốc Nga và Do Thái. - Martha Thảo mở đầu câu chuyện như vậy - Từ năm 17 tuổi tôi đã xa nhà, tới miền Bắc Mỹ để học lớp 11 và 12 ở một trường phổ thông đặc biệt dành cho những học sinh giỏi Văn và những môn nghệ thuật.
Tôi học đại học về văn học Pháp, tại trường Brown University ở miền Đông Bắc Mỹ. Tôi đã đi nhiều nước, nhưng lại thấy Việt Nam rất hợp với mình”. Martha Thảo dự định cuối năm 2006 mới trở về Mỹ để tiến hành việc xuất bản cuốn Ca dao Việt Nam bằng tiếng Anh và học thêm ngành Luật.
Bạn bè thân thiết vẫn thường gọi chị là Thạch Thảo. “Tôi rất thích cái tên Việt này. Một năm sau khi sang Việt Nam, mẹ của một người bạn gái đã đặt cho tôi cái tên này. Nghĩa là, cỏ mọc từ trong đá…”. Nói rồi, Martha Thảo tự giới thiệu: “Tôi sinh năm 1980, khi sang Việt Nam tôi mới biết là mình cầm tinh con khỉ vàng”.
Martha Thảo đã theo học liền 2 khóa tiếng Việt dành cho người nước ngoài (tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội). Nhưng rồi chị tự thấy học tiếng Việt ở lớp không mấy hiệu quả. Chị tìm ra cách học mới cho mình, đó là học ở bất cứ nơi nào, bất kỳ ai được gặp.
Martha Thảo cứ rong ruổi đến những vùng quê, nơi có sông và có hồ, có hoa dại và cỏ lạ… mà chị thích khám phá, tìm hiểu. Ngày nào ra đường chị cũng mang theo máy ghi âm, ghi lại những lời nói người mình gặp để về nhà đọc, học theo.
“Chính cuộc sống đã giúp tôi hiểu và nói tiếng Việt tốt hơn”.
Martha Thảo đã không chọn các thể loại văn học khác mà chọn ca dao để dịch sang tiếng Anh, trước hết vì nó hấp dẫn chị do có chất thơ và nhạc. Đọc ca dao, theo chị, có thể cảm nhận và hiểu nhiều hơn về đất nước, con người Việt Nam. “Tôi chọn cũng vì thấy còn rất ít dịch giả nước ngoài dịch ca dao Việt Nam”.
Martha Thảo cho biết, rất nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Anh phát hành ở Mỹ, nhưng phần lớn là các tác phẩm nói về chiến tranh. “Người Mỹ có thể biết tới một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam thời chiến tranh Mỹ ở VN, biết nhiều đến tác phẩm văn học nói về cuộc chiến ấy, nhưng văn học dân gian thì chẳng mấy ai biết. Tôi rất muốn giới thiệu một phần nhỏ bé của văn học dân gian VN tới người Mỹ…”.
Hiện tại Martha Thảo đã dịch xong gần 500 bài ca dao Việt Nam. Tuyển tập ca dao bằng tiếng Anh chị dự định xuất bản ở Mỹ với 1.000 bài. Martha Thảo cho biết, chị còn cần nhiều thời gian để sưu tầm và nghiên cứu cũng như chỉnh sửa những bài ca dao đã dịch.
Chị nói: “Ca dao Việt Nam rất khó dịch, chẳng hạn: Ước gì dải yếm em dài/ Để em buộc lấy những hai anh chàng, hay Anh như cây gỗ xoan đào/ Em như câu đối, dán vào nên chăng?/ Em như cây kiểng trên chùa/ Anh như con bướm đậu nhờ nên chăng?
Thật khó có thể lột tả hết ý nghĩa cũng như diễn đạt khi dịch ra tiếng Anh sao cho có chất thơ, chất nhạc. Nhiều câu nếu dịch nguyên xi thì không có nghĩa, nên phải dịch dài hoặc phải thêm rất nhiều chú thích may ra người đọc mới hiểu hết được”.
Martha Thảo thổ lộ: “Tôi cũng đã thử dịch thơ Hồ Xuân Hương mấy bài. Tôi thích thơ bà từ khi đọc cuốn Thơ Hồ Xuân Hương bằng tiếng Anh của dịch giả Mỹ John Balaban”.
Martha Thảo còn có kế hoạch: “Tôi dự định sẽ viết truyện tranh dành cho thiếu nhi bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi đã từng du học ở Paris để nghiên cứu về một hệ thống giáo dục trẻ em bằng hai ngôn ngữ mà”. Ngoài ra, Martha Thảo thỉnh thoảng có dịch thơ của một số tác giả VN đăng trên tạp chí Prospect Literary Journal, San Antonio Current.
Hỏi chuyện riêng tư, Martha Thảo cười, nói: “Ai cũng hỏi tôi về chuyện ấy…”. Chị tiết lộ: “Bạn trai tôi là họa sĩ Đ.A.K, người Việt, hơn tôi gần… 20 tuổi”. Thấy tôi ra vẻ ngạc nhiên, chị liền nói: “Phụ nữ lúc nào cũng thích yêu một anh chàng có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống hơn mình và… biết chiều mình nữa.
Ngoài anh ấy, rất may là tôi cũng thấy hợp với các bạn của anh ấy, và cũng yêu quý hai đứa con rất dễ thương của anh ấy… Chúng tôi luôn tôn trọng và ủng hộ nghề nghiệp của nhau. Có thể nói, tôi mới bắt đầu tin đến “cái duyên” từ khi gặp anh K.”.
Chị cười rất tươi, rồi tiếp lời: “Tôi có thể nói một chút kinh nghiệm của tôi như thế này, yêu đàn ông Việt Nam rất dễ, nhưng lấy đàn ông Việt Nam thì rất khó. Đàn ông lấy vợ còn cần được sự ủng hộ của gia đình nữa, mặc dù tôi biết rất nhiều phụ huynh có cô con dâu là người nước ngoài và họ rất quý. Nhưng lấy một cô gái nước ngoài thì khó mà có một cô con dâu chiều được lòng cả ông bố lẫn bà mẹ lắm, họ làm sao có thể đi chợ, làm công việc nội trợ tốt bằng cô gái Việt…”.
Thú thực, nghe Martha Thảo tâm sự điều này bằng tiếng Việt tôi như vẫn không tin chị là một cô gái Mỹ. Từng lời nói của Martha Thảo vừa tròn vành rõ chữ, không hề lơ lớ, vừa tự nhiên, hơn hết chị am hiểu đời sống, phong tục VN…một cách sâu sắc, tường tận.
“Ở đâu, với ai, tôi cũng khát khao tìm những kinh nghiệm mới”. Martha Thảo bộc bạch: “Nhà văn Mỹ nổi tiếng - Tobias Wolff, đã từng sang Việt Nam trong chiến tranh rồi có bài viết về những nỗi đau khổ và sai lầm của mình hồi ấy.
Ông đã giải thích tại sao ông lại đi lính lúc chỉ mới vừa 18 tuổi, đó là vì kinh nghiệm là quả lắc trong chuông, là tiền trong ngân hàng. Câu đấy rất đúng đối với những người làm thơ như tôi: đi đâu, làm gì, gặp chuyện vui hay buồn…đều là những kinh nghiệm được tích lũy, hay nói nôm na đó là bột lâu dần tích lại để gột nên hồ”.
Hoàng Nghĩa Namhttp://www.tienphongonli...icleID=15156&ChannelID=6