Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ban hợp xướng Ngàn Khơi hỗ trợ Hội Ung Thư Việt Mỹ
Phượng Các
#1 Posted : Wednesday, June 29, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ban hợp xướng Ngàn Khơi hỗ trợ Hội Ung Thư Việt Mỹ
Tuesday, June 28, 2005



Ca sĩ Nguyên Khang
là một trong nhiều ca sĩ nổi tiếng tham gia chương trình “Mẹ trong lòng người đi”
của ban hợp xướng Ngàn Khơi hỗ trợ Hội Ung Thư Việt Mỹ. (Hình: VACF cung cấp)

Tiểu Ký


“Mẹ trong lòng người đi” là chủ đề đặc biệt của buổi trình diễn tại rạp La Mirada (số 14900 La Mirada Bldv, CA 90638); vào đúng 4 giờ chiều Chủ Nhật mùng 3 Tháng Bảy, do ban hợp xướng Ngàn Khơi trình diễn hỗ trợ Hội Ung Thư Việt Mỹ.

Ngoài các ca sĩ của ban hợp xướng, còn có sự góp sức của nhiều ca sĩ nổi tiếng như Julie (Quang), Nguyên Khang, Nguyễn Thành Vân, và Anh Dũng.

Ðây là năm thứ ba Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức nhạc trình diễn nhạc để gây quỹ hỗ trợ cho các hoạt động giúp bệnh nhân bị ung thư. Ðặc biệt năm nay, hội được ban hợp xướng Ngàn Khơi hỗ trợ 100%. Tất cả chiều nhạc “Mẹ trong lòng người đi” đều do ban Ngàn Khơi trình diễn, cùng với dàn nhạc giao hưởng Ngàn Khơi Festival Orchestra.

Ban hợp xướng Ngàn Khơi đang trên đà “trẻ trung hóa” với 60 ca viên, trong đó lứa tuổi thanh niên chiếm khoảng 40%, với những giọng hát rất đáng quý, phẩm chất cao, như Bảo Châu, Tú Lan, Bích Vân, Lê Hồng Quang.

Bác Sĩ Bích Liên, chủ tịch hội từ thiện này (cũng là một thành viên của ban Ngàn Khơi), cho biết: Ban tổ chức đang làm việc rất cẩn trọng để chương trình có phẩm chất, xứng đáng với lòng tín nhiệm và sự ủng hộ thiết tha của các khán thính giả, giống như các lần tổ chức trước đây. Tới với Hội Ung Thư Việt Mỹ, quý vị không những hỗ trợ được công cuộc từ thiện bất vụ lợi mà còn được thưởng thức một chương trình nhạc hợp xướng công phu, hiếm có do nhiều ca sĩ danh tiếng và ban hợp xướng Ngàn Khơi đảm trách.

Ðặc biệt năm nay, ban thiếu nhi Ngàn Khơi với 25 em bé từ 6 tuổi, dưới sự huấn luyện của cô Lee Lee Trương Ngọc, đã tỏ ra rất xuất sắc trong bản nhạc Hè Về của Hùng Lân. Cô Lee Lee đang học cao học về điều khiển ban nhạc tại trường Fullerton, sẽ là nhạc trưởng điều khiển bản nhạc này. Cô cũng chính là người bỏ công huấn luyện ban thiếu nhi Ngàn Khơi hơn 3 tháng qua vào mỗi chiều Thứ Bảy. Các em hát rất vững và sõi tiếng Việt, ngay cả khi có “giọng bè” của ban hợp ca người lớn hát đệm khiến cho người nghe rất vui và thấy nhiều hy vọng ở tương lai.

Chúng tôi đã được tới nhà thờ First Prestyberian (Garden Grove) nghe ban hợp xướng Ngàn Khơi cùng ban thiếu nhi Ngàn Khơi tổng dượt cùng ban nhạc đại hòa tấu (Ngàn Khơi Festival Orchestra) do anh Thi Nguyễn thành lập và hướng dẫn. Dàn nhạc gồm 40 nhạc công chơi đủ các loại nhạc khí (đàn dây, các loại kèn, trống... với dương cầm thủ Nguyễn Hải Hoàng), tất cả đều chơi rất chuyên nghiệp. Dàn nhạc gồm mọi người thuộc nhiều màu da và sắc tộc khác nhau, nhưng khi họ khởi sự trình tấu, thì thính giả lập tức được trở về với quê hương, qua những âm điệu ngũ cung thuần túy Việt Nam của trường ca Mẹ Việt Nam (do nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác từ cuối năm 1963 tới Tháng Năm 1964).

Tình quê hương, một sợi dây vô hình sắc nhưng thật bền chắc, đã gắn bó chúng ta với xứ sở và người cùng xứ sở. Nghe lại những bài ca quê hương, hầu như mỗi chúng ta đều nhớ tưởng tới những buổi chiều tắm sông thuở nhỏ, những buổi trưa hè mang vợt đi bắt bướm, bắt cồ cộ, những bữa cùng chị em giang nắng nhặt hạt giành giành đỏ cam để mang về đánh chắt hay những đêm sáng trăng, cùng tất cả gia đình ăn cơm ngoài sân trên chiếc chõng v.v...

Quê hương thường dính liền với hình ảnh của mẹ, bao giờ cũng vẫn còn đậm nét trong lòng những người con xa xứ. Mẹ tôi đã qua đời nhiều năm rồi, nhưng cứ mỗi lần về thăm quê cũ, tôi lại như được tắm gội bằng những gáo nước mưa trong vắt thuở nào của mẹ. Thời mà mẹ còn xinh đẹp với “Ðôi má tươi hồng với bàn tay trắng; Nhỏ người vai lẳn... Nghiêng mắt xanh chải tóc mây ngàn...”

Sau khi mẹ rời xa thế giới này đã lâu, hình ảnh mẹ của riêng mình hầu như hòa nhập vào những bà mẹ bất diệt của lịch sử: “Ôi mẹ Việt Nam, năm tháng lo gạo gánh nuôi chồng... Có khi mẹ là Châu Long, nợ trả thay chồng vẫn giữ lòng trắng như ngần và sạch trong. Mẹ là Tiểu Kính Tâm. Lên chùa giải oan. Ôi xót thương trẻ, khóc trong vườn, trẻ con hoang. Ôi mẹ từ bi, giọt máu rơi này, mẹ nhận là con...”

Trong văn hóa Việt Nam, chuyện bà vợ chàng Trương cũng là một bà mẹ quá yêu con nên đã bị oan khuất ”... Nhớ mẹ chăng? Chôn đáy sông mối hận yêu chồng. Chàng Trương có buồn thương khóc, rước mẹ lên nước thiêng sẽ giải oan.” Chuyện “Anh Phải Sống” của Khái Hưng nói tới lòng hy sinh vô bờ của một bà mẹ nghèo khó, bơi thuyền vớt củi trên sông: “Nhớ mẹ, nhớ mẹ yêu đàn con thương đàn con nên trao thân cho nước non. Nhớ nhớ mẹ, trên trường giang mong đàn con sông trôi suốt đời trong trắng. Hỡi ôi, có ngày, có mẹ vui, ôm sóng bơi, vớt củi sông dài. Ngờ đâu, sông đảo điên say máu. Nước cuộn mau, khiến cho mẹ chìm sâu...”

Bà mẹ Việt Nam cũng là mẹ sông, mẹ biển, có tấm lòng bao dung cho tất cả các con dù chúng ở khác chiến tuyến, thân tình bị chia cắt: “Chia anh em vì quên tiếng gia đình. Chia tay chân và cắt đứt ngang mình. Chia đôi bờ yêu đương, cắt da thịt chia xương. Trái tim buồn còn hằn in vết thương lòng. Chia sông Gianh phân tranh mộng đồ vương. Chia con sông Bến Hải buồn thương. Nước yên vui từ nguồn. Bỗng gây nên điệu buồn. Dòng lệ tuôn thành sông không có linh hồn...”

Trường ca Mẹ Việt Nam, qua ban hợp xướng Ngàn Khơi và những giọng solo đặc sắc, thật sự tạo được một ấn tượng rất mạnh vào tâm thức người nghe. Bảo Châu rất trẻ, chỉ mới 20 tuổi, nhưng hát ru con theo điệu dân ca miền Nam thật tuyệt hảo. Lê Hồng Quang lĩnh xướng bài “Biển Ðông gợn sóng” có thể làm người nghe rung động tâm can, không khác gì khi nghe Tú Lan hát “Lính vua, lính chúa, lính làng. Trời ơi, giết bao nhiêu giặc cho chàng phải đi!”

Ngoài trường ca Mẹ Việt Nam, thính giả cũng sẽ được thưởng thức các giọng ca của: Julie (Quang) với hai bài Quê Mẹ (Thu Hồ) và Quán Thế Âm (Phạm Thiên Thư - Phạm Duy); Tú Lan với Giấc Mơ Hồi Hương của Vũ Thành; Nguyên Khang với Ðêm Nhớ Về Sài Gòn và Quê Mẹ Trong Niềm Nhớ của Lê Trần Hoàng viết riêng cho chương trình Ngàn Khơi kỳ này. Ca sĩ Anh Dũng cũng đóng góp bài Quê Hương Tuổi Nhỏ của Phạm Mỹ Lộc (tức Phạm văn Kỳ Thanh) và Nắng Paris, Nắng Sài Gòn của Ngô Thụy Miên. Bích Vân, một giọng ca trẻ xuất sắc sẽ hát Lá Rơi Bên Thềm của Lê Trọng Nguyễn. Bích Liên với Tình Ca, Lê Hồng Quang với Bà Mẹ Gio Linh, Nguyễn Thành Vân với Xa Quê Hương của Ðan Thọ và Xuân Tiên, và Phạm Hà với Về Bến Xưa của Nguyễn Hiền sẽ là những đóng góp phong phú cho buổi trình diễn.

Trong buổi tổng dượt, chúng tôi thấy nhạc trưởng Vũ Tôn Bình làm việc không biết mệt, chăm sóc từng giọng đơn ca, từng “bè” ca tới các nhạc công trong ban nhạc. Hình như ông điều khiển dàn nhạc Tây Phương, đi vào những âm thanh nhiều âm hưởng ngũ cung của nhạc Việt Nam một cách thật dễ dàng. Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình tốt nghiệp tiến sĩ về âm nhạc, ngành điều khiển dàn nhạc (Conducting); đã từng được giải thưởng về Conducting tại Conducting Institute Hopkins center (New Hampshire 1991) và tại New York 1992 (giải của Chorus America). Ông đã từng điều khiển nhiều dàn nhạc giao hưởng chuyên nghiệp tại các xứ Lỗ -Ma -Ni, Moldova, Ukraine (Russia) trong rất nhiều tác phẩm nhạc cổ điển Tây Phương v.v...

Từ khi trở thành giám đốc âm nhạc và nghệ thuật cho ban Ngàn Khơi, nhạc trưởng Vũ Tôn Bình đã gây hứng khởi và sự thăng tiến cho toàn thể các ca viên. Nhạc trưởng có ước vọng đào tạo ban hợp xướng thành ra một “tiếng nói nghệ thuật” tiên phong của cộng đồng người Việt hải ngoại. Theo ông “Một em bé lớn lên thì phải nói. Càng lớn, tiếng nói càng súc tích. Cộng đồng mình cũng vậy, trong vòng 4-5 năm nay, mình đã có tiếng nói mạnh mẽ về giáo dục, chính trị và thương mại thì đây là lúc mình phải có tiếng nói nghệ thuật...”

“Tiếng nói nghệ thuật” của ban Ngàn Khơi vào phút chót của chương trình “Mẹ trong lòng người đi” sẽ là hành âm “Ca ngợi tự do” - đoạn kết của bản giao hưởng Việt Nam 1975 do Lê Văn Khoa sáng tác. Bản Symphony - Giao Hưởng Việt Nam 1975 đã được dàn nhạc lớn của xứ Kyiv (Liên Bang Sô Viết) thu âm. Ngàn Khơi và nhạc sĩ Lê Văn Khoa cho phát hành đầu năm 2005 để kỷ niệm 30 năm người Việt xa xứ. Thính giả khắp thế giới đã nồng nhiệt đón nhận CD ghi âm bản giao hưởng Việt Nam 1975 của Lê Văn Khoa, như một công trình nghệ thuật phong phú và đặc sắc của ông.

Vé có bán tại nhà sách Tú Quỳnh (và Trung Tâm Thúy Nga (714) 891-5665. Liên lạc Hội Ung Thư Việt Mỹ (714) 751-5805 và Ngàn Khơi (714) 531-2773. Mọi đóng góp có thể được trừ thuế theo luật lệ hiện hành.

Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.