Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Khai diễn phiên xử nghi can đánh chết Kim Phạm
Phượng Các
#1 Posted : Friday, July 11, 2014 6:50:22 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
WESTMINSTER, Calif (NV) - "Có người hỏi tôi có thấy lo lắng không. Tôi trả lời rằng cho dù kết quả thế nào tôi vẫn luôn có niềm tin. Tôi đã nói điều này với vợ và con tôi vào đêm qua. Trong cuộc sống tuy ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh nhưng tôi tin vào công lý. Còn nếu như công lý vẫn không như mình muốn thì vẫn còn niềm tin vào Đức Chúa, vì tôi là người Thiên Chúa Giáo."

Đó là lời chia sẻ của ông Dũng James Phạm, thân phụ của Kim Phạm, trong ngày đầu tiên của phiên tòa xử vụ xô xát bên ngoài quán bar Corsby, đưa đến cái chết của con gái ông tại Santa Ana vào ngày 19 tháng Giêng, 2014.

Phiên tòa bắt đầu vào khoảng 8 giờ 30 sáng ngày 9 tháng Bảy, tại tòa án Central Justice Center, Santa Ana. Rất nhiều cơ quan truyền thông như ABC, LA Times, đã đợi sẵn trước phòng xử. Một nhóm 15 người với bảng hiệu có mã số đeo trên áo đứng riêng biệt với những người tham dự phiên tòa, được bảo vệ bởi hai cảnh sát viên. Trong số 15 nhân chứng ra tòa hôm nay, không có ai là người Việt Nam.

Vào khoảng 8 giờ 40', sáu thanh niên trẻ cùng hai người lớn tuổi bước đến trước cửa phòng xử. Đó là gia đình, người thân của nạn nhân trong vụ án, Kim Phạm. Năm phút sau đó, mọi người bắt đầu được vào phòng án. Gia đình Kim Phạm ngồi chung với nhau ở khu vực bên cánh trái, cùng với một đại diện của tòa án Westminster.

Đúng 9 giờ sáng, Thẩm phán Thomas M. Goethals cùng bồi thẩm đoàn và ba luật sư bước vào, rồi 2 nghi can Vanessa Zavala và Candace Marie Brito được dẫn vào phòng xử. Cả hai bị còng tay. Mặc dù có trang điểm nhẹ và trang phục màu sáng, cả hai không dấu được vẻ lo lắng và mệt mỏi trên gương mặt. Đăc biệt, Marie Brito, nghi can thứ nhất trong áo thun cam và áo khoác ngoài màu đen, có vẻ ngoài tiều tụy hẳn so với hình ảnh được công bố trong buổi họp báo ở sở cảnh sát thành phố Santa Ana trước đây.

Mười trong số 14 bồi thẩm viên là phụ nữ, đa số là người da trắng.

Người tham dự phiên tòa ngồi kín phòng xử. Tuy nhiên, ngoài gia đình nạn nhân là người Việt, và các cơ quan truyền thông, còn lại tất cả đều là người gốc Hispanic.

Luật sư Troy Pino, công tố viên, mở đầu phiên tòa bằng cách nhấn mạnh: “Họ (nhóm thanh niên người gốc Hispanic) liên tục đánh và tấn công vào nạn nhân, ngay cả khi nạn nhân đã ngã xuống đường. Những người bạn của nạn nhân đã cố gắng để kéo nạn nhân ra khỏi cuộc ẩu đả. Họ xứng đáng bị trừng phạt”

Tiếp sau đó, Michael Molfetta, luật sư bào chữa cho nghi can Zavala trình bày đoạn video quay lại cuộc xô xát cùng hình ảnh cắt ra từ đoạn phim đó. Ông nói: “Có nhiều nguyên nhân khác chứ không chỉ riêng cú đá của can phạm đã gây ra cái chết của nạn nhân.” Ông cũng khẳng định “Zavala hoàn toàn hợp pháp trong việc đánh trả. Những hình ảnh trong video cho thấy nạn nhân chính là người tấn công trước.”

Đoạn phim dài khoảng 8 phút được quay bởi một trong những nhân chứng có mặt ở quán bar lúc đó. Hình ảnh và âm thanh khá rõ để nhận thấy rất nhiều người, đa số là thanh niên, vây quanh cuộc xô xát. Mọi người đều dùng điện thoại để quay lại trận ẩu đả, xen lẫn với những tiếng cười, la hét và lời thách thức.

Chấm dứt phần trình bày của mình, luật sư Molfetta nói: “Tất cả mọi người lúc đó đều tham gia. Tất cả họ đều có liên quan đến vụ án, họ không chỉ là đứng xem, mà họ gián tiếp ảnh hưởng đến vụ án, mặc dù họ không nhìn nhận điều đó.”

Những nhân chứng đầu tiên được công tố viên Troy Pino tuần tự mời lên thẩm vấn. Ba người đầu tiên là cảnh sát có mặt nơi xảy ra án mạng. George Kenneth, cảnh sát viên, người được gọi đến khi trận ẩu đả đã diễn ra và là người ôm lấy đầu của Kim Phạm khi cô ngã xuống, cho biết “nạn nhân lúc đó rất yếu. Chúng tôi làm động tác cấp cứu và nhận thấy nhịp tim của cô rất yếu. Sau đó, chúng tôi gọi xe cứu thương và chuyển nạn nhân vào nhà thương.”

Hai nhân viên bảo vệ của quán bar Crosby cũng xác nhận có sự gây gỗ và đánh nhau đêm đó giữa hai nhóm thanh niên trẻ, một nhóm Á châu và một nhóm gốc Hispanic. Những chi tiết cụ thể, từ động tác, hành vi của từng người liên quan cho đến trang phục của họ, đã được kể lại trước tòa.

Tất cả đều khẳng định “Có đến hai cú đá vào mặt của nạn nhân Kim Phạm.” và “Sau khi nạn nhân ngã xuống đường, cuộc ẩu đả vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi cảnh sát đến.”

Tiếp sau đó, hai bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho Kim Phạm được bên công tố gọi vào để làm rõ nguyên nhân cái chết.

Lars Anchor, bác sĩ chuyên khoa thần kinh cho biết phần não của nạn nhân hoàn toàn “no activity.” Ông cho biết thêm “nạn nhân có một lượng nhỏ rượu trong người, và không sử dụng ma túy.” Bên cạnh đó, Justin Anderson, người thực hiện sơ cứu cho nạn nhân cho biết “những ngón tay cô ấy đã gẫy hết và chúng tôi phải giúp cô ấy thở oxy.”

Bên công tố và bên bào chữa đều không dành nhiều thời gian cho phần thẩm vấn này. Các câu hỏi và trả lời chủ yếu lập lại những gì đã được ghi trong hồ sơ. Luật sư Molfetta hoàn toàn không có câu hỏi nào.

Sau thời gian nghỉ trưa, phiên tòa tiếp tục với hai nhân chứng là những người có mặt trước quán bar đêm xảy ra án mạng.

Trong phần thẩm vấn của công tố viên Troy Pino, cả hai nhân chứng đều khẳng định người đá vào mặt nạn nhân hiện đang có mặt trong phiên tòa, đó là người mặc áo hồng (Britto) và áo màu sáng (Zavala). Họ khẳng định vì “đứng phía trước nhóm người của Kim Phạm, nghe có sự cãi vã, và sau đó, thấy sự ẩu đả. Nhìn thấy có người đá vào mặt phía bên trái của nạn nhân, và nạn nhân đã ngã xuống đất.”

Không những thế, Patrick, nhân chứng thứ nhất, còn nói rõ màu áo của nạn nhân và người đã thực hiện cú đá.

Darwin Arayata, nhân chứng thứ hai, cũng là người đã quay lại đoạn video cũng có chung câu trả lời với nhân chứng thứ nhất, chỉ rõ hai người thực hiện hai cú đá vào mặt của nạn nhân hiện đang có mặt trong phiên tòa và đang ngồi ở ghế can phạm. Darwin cho biết đã nghe câu hỏi từ phía sau lưng mình “Why are you in my face?” và chỉ rõ người nói câu đó là Marie Brito.

Sẽ còn nhiều nhân chứng khác được thẩm vấn trong những phiên tòa tiếp theo. Câu hỏi lớn nhất mà tất cả những người liên quan đến vụ án đều chưa trả lời được “Giữa Brito và Zavala, ai là người thực hiện cú đá đầu tiên?”

Vụ án Kim Phạm sẽ được tiếp tục tại tòa Central Justice Center, Santa Ana vào 9 giờ sáng ngày mai.

Liên lạc tác giả: Kalynh@nguoi-viet.com
Phượng Các
#2 Posted : Friday, July 25, 2014 10:23:32 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
SANTA ANA, California (NV) - Hai nghi can bị tình nghi đá vào cô Kim Phạm trong vụ ẩu đả trước một quán bar ở Santa Ana hồi Tháng Giêng, rồi cô qua đời sau đó, vừa bị bồi thẩm đoàn 12 người kết tội “ngộ sát” (voluntary manslaughter) và “cố ý hành hung” (guilty of assault of force) trong phiên tòa ở cùng thành phố hôm Thứ Năm.

Theo công tố viên Troy Pino, hai người này có thể bị mỗi người 11 năm tù giam.

Hai nghi can Candace Brito, 27 tuổi, và Vanesa Zavala, 26 tuổi, luôn tay quẹt nước mắt trong khi nghe tuyên bố tội danh của mình.

Ðặc biệt hơn, một phụ nữ trẻ tuổi trong bồi thẩm đoàn cũng khóc trước khi thư ký phiên tòa bắt đầu đọc bản luận tội.

Luật Sư Michael Molfetta, người bào chữa cho nghi can Candace Mario Brito, nói với báo giới: “Thân chủ của tôi không ngạc nhiên trước phán quyết này.”

Tuy vậy, trái với nhiều ngày trước, gương mặt nghi can Brito tỏ ra khá căng thẳng và hồi hộp ngay khi được đưa vào phòng xử án để nghe phần luận tội.

Luật Sư Kenneth Reed, đại diện nghi can Vanesa Zavala, không có mặt trong phiên tòa.

Mẹ và em gái của nghi can Zavala bật khóc khi biết con và em mình không bị buộc tội “cố tình giết người,” mà phía công tố mong muốn.

Gia đình của nghi can Candace Mario Brito rời khỏi phòng xử ngay sau khi nghe tuyên bố cô không bị tội “cố tình giết người,” và cũng từ chối trả lời các câu hỏi.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, ông Dũng Phạm, cha của nạn nhân, nói một cách bình thản: “Với phần kết tội này, tôi không mừng cũng không buồn, không cho rằng đó là nặng hay nhẹ. Từ lúc Kim mất thì coi như tôi cũng chết rồi, tôi đâu còn muốn quan tâm đến thế giới này nhiều nữa nên tôi cũng đâu cần điều gì cho thỏa đáng nữa đâu.”

“Chỉ có một điều là nếu bản án tương xứng và có mục đích răn đe những tội ác thì nó đạt được mục đích của pháp luật. Còn nếu như bản án nhẹ thì nó không có tính răn đe người khác, không ngăn ngừa tội phạm được thì sẽ ảnh hưởng đến xã hội,” ông nói tiếp.
Trầm ngâm một thoáng, người cha mất con này nói thêm: “Tôi cho rằng không có người thắng không có kẻ thua. Nhìn thấy những can phạm ngồi khóc tôi cũng đau lòng chứ, tôi đâu có cảm giác sung sướng khi nhìn cảnh đó. Nhưng biết làm sao được. Với tôi chỉ là luật pháp có đạt được mục đích hay không, nhất là đây là Hoa Kỳ, việc bảo vệ con người phải đặt lên hàng đầu.”

Anh Hiền Trần, người bạn khá thân của Kim Phạm từ hơn một năm qua, thì cho rằng anh “hy vọng phần kết tội phải hơn như thế.”

Bà Maria Zavala, mẹ của nghi can Vanesa Zavala, khóc khi tiếp chuyện với phóng viên nhật báo Người Việt.

Bà nói: “Rất mừng khi biết con tôi không bị kết tội giết người, mà chỉ là tội ngộ sát. Tuy nhiên, nỗi mừng đó cũng không hoàn toàn bởi vì nó vẫn phải ở tù.”

Cảnh sát viên Patty Navaro, người giả danh tù nhân để tiếp cận với nghi can Vanesa Zavala, nhẹ nhàng từ chối trả lời phỏng vấn của báo chí vì “đó là luật cảnh sát.”

Tuy nhiên, bà bày tỏ: “Tất cả những gì tôi có thể nói là hãy tin vào luật pháp. Và đây là một bản án thuyết phục.”

Với nụ cười hiếm hoi trong suốt hơn hai tuần qua, công tố viên Troy Pino, cho rằng: “Với tôi, đây là một bản án hợp lý. Nhưng tôi không biết, và cũng không thể trả lời là nguyên nhân từ đâu bồi thẩm đoàn có kết luận này. Tuy nhiên, một lần nữa, tôi tin đây là bản án hợp lý.”

Rồi ông trầm giọng: “Ðây là một bài học. Chúng ta có thể ra ngoài vui chơi, uống rượu cùng bạn bè. Nhưng đừng để tự ái làm mình bị xúc phạm, rồi gây ra lầm lỗi. Trong câu chuyện này, một cô gái 23 tuổi đã chết....”

Ông Pino không thể nói thêm, vì chính ông cũng không kiềm được cảm xúc. Ông xin lỗi mọi người và bước nhanh qua khỏi các phóng viên và máy quay phim, đi vào phòng làm việc của mình.

Anh Ken Nguyễn, một người anh của Kim Phạm, nói trong xúc động: “Quyết định của bồi thẩm đoàn không quan trọng với tôi, nó không thực sự quan trọng với tôi. Mọi việc xảy ra có lý do của nó, quyết định này không thay đổi những gì tôi nghĩ về em tôi.”

Cũng có mặt trong suốt ngày qua để theo dõi phiên tòa là cô Darlin Trần, một cư dân ở Garden Grove.

Cô “không quen biết với gia đình Kim Phạm, nhưng từ khi đọc báo thấy sự việc quá đau lòng, lại nghe nói không có người Việt nào đến tham dự nên sắp xếp thời gian đến xem.”
“Hồi hộp nhưng biết chắc họ phải bị xử có tội thôi. Tôi ngồi nghe mọi người phân tích và hiểu đây là xứ Mỹ, đâu phải muốn đánh ai là đánh, con chó con mèo mình còn không nỡ đánh thì có đâu mà đánh một con người đánh bầm giập như thế. Tôi xem lại những hình ảnh trong phiên tòa mà cũng phải bật khóc. Có tội thì phải đền tội,” người phụ nữ này nhận xét.

Phiên tòa để quyết định bản án sẽ diễn ra vào ngày 12 Tháng Chín, cũng tại Tòa Thượng Thẩm California ở Santa Ana.


Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.