Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Quỳnh Giao
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 19, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


QUỲNH GIAO

Trường Kỳ


Về phía những nữ ca sĩ, có thể nói Quỳnh Giao là người tương đối còn có nhiều hoạt động so với những nữ ca sĩ cùng thời, sau khi đã đến với âm nhạc từ khi mới được 15 tuổi trong một dịp tình cờ. Vào năm 61, khi thân mẫu chị là nữ danh ca Minh Trang đang cộng tác với ban Tây Hồ của nhạc sĩ Hoàng Trọng thì phải ngưng hát do căn bệnh hen suyễn gây trở ngại nên Quỳnh Giao được mời vào thay thế cho mẹ. Từ khi hát lần đầu tiên với ban nhạc “người lớn “ đó, chị đã thay tên thật của mình là Đoan Trang khi cộng tác trong ban nhi đồng trước đó bằng tên Quỳnh Giao. Từ đó trở đi, Quỳnh Giao được coi là một trong vài tiếng hát có nhiều hoạt động nhất qua những chương trình ca nhạc của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Đội vàTiếng Nói Tự Do trước năm 75. Quỳnh Giao tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Đoan Trang, sinh năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế. Thân phụ chị qua đời khi chị mới lên 5 tuổi. Thân mẫu chị sau đó tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Vào ngày 24 tháng 4 năm 75, Quỳnh Giao cùng chồng và con rời Việt Nam sang cư ngụ tại thành phố Annandale, tiểu bang Virginia. Trong thời gian ở Annandale, Quỳnh Giao gần như ngưng mọi hoạt động về ca nhạc ngoài việc tiếp tục mở lớp dậy dương cầm và thỉnh thoảng thực hiện vài băng nhạc có tính cách lưu niệm do chính chị tự đàn và hát trong một cuộc sống êm đềm và phẳng lặng. Có thể trong thời gian này là thời gian Quỳnh Giao muốn trở lại với những sinh hoạt ca nhạc, tuy nhiên ở trong một môi trường không thuận lợi cho việc phổ biến giọng hát của mình cũng như không gặp được những sự khuyến khích cần thiết nên cũng đành bó tay...

Từ năm 90, sau khi bước vào khúc rẽ tình cảm quan trọng qua việc lập gia đình lần thứ hai, Quỳnh Giao cùng chồng về California cư ngụ. Với sự khuyến khích của chồng, Quỳnh Giao đã cảm thấy thế giới nghệ thuật quyến rũ hơn để chú tâm rất nhiều vào việc phát triển khả năng vững vàng sẵn có. Cũng với sự khuyến khích đó, Quỳnh Giao đã mạnh dạn bước vào việc thực hiện cho mình những CD, tổng hợp những nhạc phẩm giá trị thành một bộ sưu tập riêng cho mình và cho những thính giả yêu mến tiếng hát của chị.

Sau CD đầu tiên “ Khúc Nguyệt Quỳnh “do trung tâm Quỳnh Giao thực hiện vào đầu năm 92. Một cách khá đều đặn sau đó, chị đã thực hiện thêm 4 CD khác là Tiếng Chuông Chiều Thu, Chiều Về Trên Sông, Hành Trình Phạm Duy và gần đây hơn cả là CD Hình Ảnh Một Buổi Chiều.

Căn cứ vào những hoạt động âm nhạc của Quỳnh Giao và giọng hát vững vàng của chị hẳn giới yêu nhạc ai cũng sẽ đồng ý là giọng ca đó, tiếng hát đó với thời gian vẫn sẽ còn là một trong những giọng ca tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam...

Trường Kỳ
PC
#2 Posted : Wednesday, January 23, 2008 2:32:39 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Tạp ghi Quỳnh Giao: Nghiêm Phú Phi - Bậc thầy khó quên, cái neo đã chìm
Tuesday, January 22, 2008
Quỳnh Giao


Năm 2008 này mở đầu với nhiều chuyện không vui.

Tin Lê Quỳnh mất làm gia đình chúng tôi bồi hồi vì nhiều kỷ niệm cùng người nghệ sĩ ấy. Trong nhà, chúng tôi nói chuyện với nhau về cô Trúc và cháu Victor, khi ấy còn rất nhỏ. Thế rồi, tin Nghiêm Phú Phi qua đời vào buổi sáng khi chuẩn bị đi dự tang lễ của Lê Quỳnh đã ập xuống như sét đánh!

Cả tuần qua, giới nghệ sĩ bàng hoàng xúc động trước tin ông qua đời. Nói là giới nghệ sĩ là nói chung, chứ những người thương tiếc ông thật ra nhiều vô kể! Từ đám sinh viên Quốc Gia Âm Nhạc ngày trước cho tới những người làm việc trong các đài phát thanh của Sàigòn. Từ nghệ sĩ tại các phòng trà trước 75, đến các nghệ sĩ trẻ, những trung tâm âm nhạc sinh hoạt ở hải ngoại... và nhất là những nhạc sinh ông đã đào tạo từ năm 1956 đến nay, trong đó có người viết bài này...

Vì vậy, lần này xin phép độc giả và thân hữu gần xa để nói chuyện riêng tư.

Ngày ấy người viết mới lên mười, được mẹ đem đến chú học đàn. Học trò thường gọi Nghiêm Phú Phi bằng thầy, chỉ duy nhất có mình gọi thầy bằng “chú”.

Chú Phi người gốc Bắc, mà nói đặc giọng Nam. Chú rất ít nói, và thường chỉ nhỏ nhẹ dạy bảo học trò cách tập, dáng ngồi... Học với ông một năm thì chuyển qua học với bà Ðỗ Thế Phiệt, là dì ruột của mình, cũng vừa về nước sau chú Phi một năm.

Hàng tuần, người viết vẫn gặp chú trong trường nhạc và ở đài phát thanh. Khác với các giáo sư dương cầm tốt nghiệp từ Pháp về, thường chỉ dạy đàn trong trường nhạc và tư gia, chú Phi còn đàn trong các ban nhạc của các đài phát thanh Quốc Gia, đài Quân Ðội, đài Tự Do và đài truyền hình... Và hằng đêm, chú đội mũ đeo kính đen đánh đàn ở phòng trà Ðêm Mầu Hồng. Như một nghệ sĩ trong một quán nhạc rất... Paris.

Chú Nghiêm Phú Phi không chủ trương chỉ có nhạc cổ điển mới là chính phái, mà luôn luôn coi trọng âm nhạc Việt Nam. Chú Phi tốt nghiệp về hòa âm tại Pháp, khi trở về viết hòa âm cho các bài dân ca thì đều có nét chung là rất công phu, độc đáo. Hãy nghe lại Trường Ca Mẹ Việt Nam hay Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy do Nghiêm Phú Phi hòa âm, chúng ta mới thấy thế nào là nghệ thuật hòa âm đã chắp cánh cho âm nhạc.

Tuy bận rộn với thời khóa biểu như con thoi, chú Phi còn là nhạc trưởng ban đại hòa tấu và hợp xướng Hải Sơn của đài phát thanh Quốc Gia. Ông vừa viết hòa âm vừa làm nhạc trưởng. Ngày ấy, Quỳnh Giao mới chỉ mười sáu, hàng tuần ngóng giờ lên đài hát ban Hải Sơn với các cô chú và anh chị. Là người nhỏ nhất trong ban lại được chú giao cho những bài hợp ca, bè hai, bè ba rất khó. Hát ban Hải Sơn là một niềm vui kỳ lạ vì phần hòa âm thật công phu, dàn nhạc lớn với cả chục vĩ cầm.

Những trường ca như Con Ðường Cái Quan của Phạm Duy hay Hội Trùng Dương của Phạm Ðình Chương thì phải là hòa âm của Nghiêm Phú Phi mới phát huy hết nghệ thuật của tác giả, khiến người nghe thấy được sự hùng vĩ tuyệt vời của đất nước.

Cũng tại đài phát thanh Quốc Gia, ngày ấy có một nữ xướng ngôn viên xinh đẹp, giọng Nam vô cùng gợi cảm, được mời riêng để giới thiệu trong các chương trình ca nhạc. Nữ xướng ngôn viên khác thì đọc tin tức, chứ riêng Ngọc Sương được đề cử giới thiệu nhạc. Hàng ngày, cô đến đọc lời giới thiệu các chương trình nhạc trong đó có ban Hải Sơn. Và, con người ít nói ở trên kia để ý đến cô lúc nào, trong đài chả ai là không biết.

Nhưng với tính ít nói đã thành thần thoại, chú Phi tỏ tình thế nào thì các danh tài cùng thời như Mộc Lan, Châu Hà hay Anh Ngọc đều thắc mắc. Họ đố nhau xem bao giờ cá cắn câu! Mà thắc mắc cũng dễ hiểu, vì cô Sương xinh đẹp nên lúc ấy có rất nhiều người theo đuổi. Sau cùng, con người ít nói ấy đã thắng tất cả các đối thủ!

Khi nhạc sư Ðỗ Thế Phiệt qua đời năm 1970, chú Phi thay thế chức vụ giám đốc trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ và tại chức cho tới khi tan hàng năm 1975. Ông và gia đình kẹt lại đến năm 1985 mới sang Mỹ định cư.

Những người bạn cùng chia sẻ năm tháng thê lương ấy đều có chung một kinh nghiệm: Nghiêm Phú Phi là người chừng mực và nghiêm túc nhất. Ông nghe tất cả mọi đài phát thanh quốc tế và ghi âm hàng đêm! Có tin đồn gì về tin tức từ bên ngoài thì đạp xe tới hỏi ông là rõ. Có hay không, đúng hay sai, ông Phi là người mà mình có thể kiểm chứng vì nghe và nhớ hết! Trong cảnh tù đầy chung, khung cửa sổ ra thế giới bên ngoài là Nghiêm Phú Phi! Một người khác nay cũng vừa hội ngộ với chú Phi ở cõi bên kia là nhạc sĩ Lê Thương.

Hãy nhớ lại Sàigòn tang thương sau 1975 để nhớ đến những người nghệ sĩ này, với cái tai được đào tạo để nghe những gì tốt đẹp nhất của con người! Thương lắm!

Lúc mới sang Mỹ, thầy trò chúng tôi gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Kể cho nhau nghe bao nhiêu chuyện.

Cô chú Phi lén nghe đài VOA hằng đêm, chuyện gì bên Mỹ cũng theo dõi. Cô chú biết Quỳnh Giao và Mai Hương đi hát những nơi nào, lên đài trả lời phỏng vấn với Lê Văn ra sao... Và đúng năm 1985 ấy, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền lén gửi ra ngoại quốc tập thơ “Vang Vang Trời Vào Xuân” với bút hiệu Trần Kha, được Cung Tiến phổ nguyên tập thành một song's cycle (liên khúc). Cũng khó hát như thơ Thanh Tâm Tuyền!

Năm đó, trưởng ban Việt ngữ đài VOA là Lê Văn bèn tổ chức một buổi trình bày để giới thiệu liên khúc tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Thành phần ca sĩ là Mai Hương và Quỳnh Giao với dương cầm Nghiêm Phú Phi. Phải nói là nhạc sĩ Cung Tiến rất cẩn trọng với những sáng tác của ông. Chính ông đã viết luôn phần dương cầm cho liên khúc, nên ngoài Nghiêm Phú Phi, không thể tìm người đàn đúng nguyên bản của tác phẩm, ngoại trừ phải mời tới nhưng nhạc sĩ đã tốt nghiệp nhạc viện và tập dượt công phu mới trình bày nổi. Tiếng đàn điêu luyện và tính tình hiền lành của chú chiếm cảm tình mọi người. Phần hai là phần trình diễn của cặp Lê Uyên Phương, vốn là bạn thân của Cung Tiến.

Hăng hái vì thành quả của buổi Vang Vang Trời Vào Xuân, Lê Văn tổ chức 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương. Lần này thành phần nghệ sĩ đông đủ hơn, gồm ban hợp ca Thăng Long hải ngoại (Hoài Bắc, Hoài Trung, Mai Hương), ban tam ca Tiếng Tơ Ðồng (Kim Tước, Mai Hương, Quỳnh Giao) và Lệ Thu. Ban nhạc cũng đông đủ hơn với Nghiêm Phú Phi, Ðan Thọ, Hoàng Thi Thao, Dương Ðức Trường và một tay trống của địa phương.

Người giới thiệu chương trình là Mai Thảo, nhà văn nổi tiếng nói thẳng, nói chẳng lấy lòng của chúng ta lại rất quý trọng Nghiêm Phú Phi, một người không thích uống rượu!

Buổi hát thành công rực rỡ, tiếng vang lan tận đến bên Âu Châu. Lê Văn được mời là người tổ chức và đem cả chương trình 40 năm âm nhạc Phạm Ðình Chương hát tại Âu Châu trong hai tuần. Lần này không có Lệ Thu mà thêm phần dân ca với Diễm Chi, và phần nhạc chiến đấu với Nguyệt Ánh. Phái đoàn đi từ Mỹ, đến Ðức Quốc hát ở Munich, Stuggart, rồi đi Thụy Sĩ hát ở Bernes và Bales, và sau cùng là Pháp hát ở tỉnh Troyes, và ngày cuối cùng hát ở rạp Maubert tại Paris.

Chúng tôi di chuyển bằng máy bay, bằng xe lửa và bằng xe hơi, đi xuyên qua các làng nhỏ, cảnh đẹp như trong truyện. Chú Phi và cô Sương vừa đến Pháp là bị rơi mất giấy tờ. Mới chân ướt chân ráo ra đến nước ngoài, chuyện giấy tờ làm chú cũng lo. Nhưng bà Lê Văn rất tháo vát, nói tiếng tây như đầm, đến consulat một buổi là xong! Ðoàn đi đến đâu cũng được tán thưởng nên nghệ sĩ vui vô cùng. Ăn cơm Tây, uống rượu Tây mà hát nhạc Việt thì là Tiên rồi. Nhưng Tiên thì cũng có lúc đau ốm: sau khi Nguyệt Ánh bị đầy bụng, không tiêu, thì Hoài Trung bị đau lưng, đêm nằm dưới đất cứng, không nằm nệm được. Vậy mà chú Phi, với cái chân bị tật, vẫn khỏe mạnh như thường.

Mỗi ngày sau khi đi đường dài cả 10 tiếng mới đến nơi, nghỉ một chút là trình diễn ngay. Ca sĩ còn có bài hát bài không phải hát, chứ nhạc sĩ, nhất là người đàn dương cầm coi như phần chính của ban nhạc thì không được nghỉ một bài nào cả. Ðêm nào cũng được kết thúc chương trình bằng trường ca Hội Trùng Dương với các giọng ca tràn đầy sức mạnh, với giọng Hoài Trung như sóng nước mênh mông và tiếng dương cầm Nghiêm Phú Phi vũ bão, bao la như nước vỡ bờ làm khán giả xúc động đến rưng lệ...

Có đi và chung sống như trong một gia đình, mới thấy cô Sương đúng là người vợ hiền, như cái xương sống của chú Phi. Chú chỉ đàn thôi, chứ việc lớn nhỏ nào cũng do cô chu toàn. Từ bài bản tới miếng ăn miếng uống, nhất nhất là gọi cô Sương. Cả ngày nghe chú gọi “mẹ, mẹ, ra làm cái này, lấy cái kia....” lúc nào cô cũng vui vẻ làm, coi chú như ông vua vậy.

Sau này, khi Quỳnh Giao ra mắt đĩa nhạc Hành Trình Phạm Duy tại Houston, với sự tham dự của Phạm Duy, thì cũng chú Phi đã chống gậy bay qua đàn dương cầm cho cô cháu hát. Ông từng nói rất vui, rằng xưa kia đã đờn cho mẹ hát, nay đờn cho con gái!

Ðấy là những kỷ niệm và báu vật không thể quên được của một người đã được biết và làm việc chung với Nghiêm Phú Phi trong hơn nửa thế kỷ.

Nhưng Nghiêm Phú Phi còn hơn vậy.

Ông bị polio và phải chống nạng, điều ấy, ai cũng biết. Ông là bậc sư về nhạc cổ điển Tây phương, tốt nghiệp ở những lò đào tạo danh tiếng nhất của Pháp, và rất khó tính khi dạy nhạc. Ðiều ấy, chúng ta cũng có thể biết, học trò đích thực của trường Quốc Gia Âm Nhạc thì càng biết. Nhưng ông là nhạc sĩ có tâm hồn Việt Nam và muốn đưa âm nhạc Việt Nam lên ngang tầm thế giới. Một số người yêu nhạc và hiểu nhạc thì có thể hiểu được ước nguyện đó của ông. Ông có một số tác phẩm viết cho dàn nhạc giao hưởng những bài divertissements dựa vào âm giai ngũ cung hoàn toàn Á đông, nhưng chỉ được trình bày đôi lần trên sân khấu trường Quốc Gia Âm Nhạc, có nhiều bản còn chưa được phổ biến...

Ðiều mà ít ai biết, Nghiêm Phú Phi còn là một cái neo.

Ông ràng chúng tôi lại với nhau, với kỷ niệm và tình cảm của năm xưa. Bất cứ ai đã từng làm việc trong trường Quốc Gia Âm Nhạc hay đài phát thanh thời xưa mà ghé thăm miền Nam California đều liên lạc với Nghiêm Phú Phi. Ông giữ mối giao tình bền chặt với từng người và liên lạc với mọi người để gần xa, từ Úc, từ Âu hay từ Việt Nam, đều có những buổi hội ngộ rưng rưng nước mắt, ngay tại nhà ông.

Khi ấy, Nghiêm Phú Phi im lặng như một ông Phật, nhìn cô Sương hầu hạ mọi người trong sự náo nhiệt đầy cảm động. Chúng tôi mà còn gặp lại được nhau, và biết tin tức của nhau, chính là nhờ Nghiêm Phú Phi. Ông mất đi, giới yêu nhạc và yêu nghề của thời xưa đã mất một cái neo.

Ðúng 10 năm trước, Mai Thảo ra đi đã đem theo cái neo ràng buộc nhiều anh chị em cầm bút với nhau. Bây giờ đến lượt Nghiêm Phú Phi trong lãnh vực âm nhạc và phát thanh.

Làm sao chúng tôi không khỏi thấy một sự trống vắng, một nỗi bơ vơ?

Trong khi viết bài này lại còn được tin, là ở miền Ðông bên kia nhà thơ Vương Ðức Lệ cũng vừa từ giã chúng ta, buổi trưa Chủ Nhật 20. Ông cũng là một người bạn đáng quý trong các nhân vật đã từng phục vụ trong ngành phát thanh, tại đài Sàigòn, trước năm 1975...

Năm 2008 này mở màn với quá nhiều mất mát...

PC
#3 Posted : Thursday, July 2, 2009 7:01:02 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Ai giết Jacko?

Tuesday, June 30, 2009

Quỳnh Giao




Một khác biệt giữa tuổi ấu thơ và tuổi trưởng thành là sức viễn mơ.

Tuổi thơ thường tin vào truyện kỳ diệu, khi trưởng thành thì ai cũng hiểu là đấy chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thôi. Duy nhất có một thành phần có khả năng biết về thực tế mà vẫn sống trong cõi mơ. Họ làm đẹp cho đời sống quá thực tiễn khô khan của chúng ta bằng sức mơ mộng đó vì diễn tả đời sống theo cách khác. Ðó là các nghệ sĩ.

Trong ý nghĩa ấy, Michael Jackson là một nghệ sĩ đích thực.

Nhưng anh là nghệ sĩ đi tới tận cùng của sự đích thực đó. Rồi đi ra ngoài, nhảy ra ngoài... cho tới thảm kịch tuần qua khi tạ thế ở tuổi rất trẻ mà đã cống hiến quá nhiều. Chúng ta cảm ơn mà cũng thương cảm người nghệ sĩ đó.

Thương cảm vì Jacko sống và chết ở hai cõi.

Nổi tiếng từ thuở ấu thơ, khi mới lên bốn, Michael Jackson kéo dài sự ấu thơ tới vô tận, cho đến ngày nay. Viết về Jacko mà gọi bằng “ông” thì mình thấy có gì đó không ổn. Anh là một đứa trẻ, mãi mãi là đứa trẻ và làm mê hoặc hầu hết mọi đứa trẻ đã có dịp nhìn thấy tài nghệ của anh, cả tỷ người trên thế giới. Một nghệ sĩ đã qua tuổi gọi là trưởng thành mà vẫn có dáng vẻ ấu thơ yếu đuối như vậy đã thật sự trải tấm màn viễn mơ lên đời sống. Peter Pan là nhân vật có thật!

Michael Jackson cũng thật sự sống một lúc trong hai cõi tiếp cận với nhau ở lằn mong manh như tơ trời: như một thiên tài và một người điên. Sức mê hoặc rất lớn của tài nghệ Jacko có khi đã mê hoặc chính anh. Bồng đứa con nhỏ xíu tung tung bên cạnh bao lơn là hành động của một người không bình thường, tài nghệ của anh cũng vậy. Rất không bình thường khi nhảy múa trên sân khấu tựa như một người không còn bị sức hút của trái đất!

Michael Jackson còn sống một lúc trên hai cõi trắng đen. Anh là người da đen đã không còn màu da. Khoa học, phẫu thuật mô bì hay nghệ thuật thẩm mỹ thay da đổi thịt không thể giải thích tất cả. Jacko vượt khỏi lằn ranh của màu da như người ta vượt bức tường ánh sáng để bay lượn vào một thế giới hết còn màu sắc vì cơ thể anh trong suốt qua làn da quá mỏng. Khi đi vào giấc mộng, anh có sống hay suy nghĩ như một nghệ sĩ da đen nữa không? Nhiều phần là không.

Vắt ngang hai cõi, Michael Jackson cũng vượt luôn bức tường thanh sắc của nam nữ.

Trên sân khấu, hãy nhìn Jacko giật đôi mông, xoa bàn tay dưới rốn và lắc đầu gối đầy vẻ khiêu dâm của đàn ông. Nhưng, nhắm mắt lại ta nghe thấy tiếng soprano trong vắt và cách luyến láy rất... con gái! Lối trình diễn sexy này khiến ta không còn phân biệt được tính phái của nghệ sĩ. Làm nhiều người mơ mộng về một thế giới mà đàn bà cũng là đàn ông, hay ngược lại!

Những tai tiếng nổi lên từ năm năm trước về tội sách nhiễu tình dục với một bé trai càng khiến người ta hồ nghi, tự hỏi, và kinh ngạc về người nghệ sĩ, một cách quảng cáo có khi vô tình mà rất hay, rất lạ. Thiên tài hay người điên vậy, nam hay nữ vậy, con trai hay đàn ông vậy...? Jacko đã lập gia đình như nhiều người đàn ông trưởng thành khác, nhưng nếu lại thấy anh thường xuyên giao du với “quần chúng con nít” thuộc đủ mọi màu da và ghì chặt các đứa trẻ, mình hơi rờn rợn! Nhiều người khác thì tìm cách kiện cáo để làm tiền.

Ngần ấy đặc tính “lưỡng thể” rất kỳ lạ khiến Michael Jackson trở thành một quái tượng, một hiện tượng kỳ quái. Anh là “Vua nhạc Pop” và cũng là tỷ phú đã giúp cho nhiều người trở thành triệu phú nhờ các sản phẩm của anh. Vậy mà cuối cùng Jacko ngập nợ. Ngôi nhà anh ở, một cung đình của cõi mơ được gọi là “Neverland” - thế giới ảo của Peter Pan - là một lâu đài ở thuê.

Với một dàn nhân viên từ luật sư, bác sĩ tới gia nhân, cận vệ, Michael Jackson chết vì đứng tim, có khi vì dùng quá liều khi tiêm thuốc an thần hay chống đau... Một nhân vật quá quan trọng như vậy làm sao lại chết như thế? Hay là chính vì cách sống quá bất thường ấy? Một ông vua khác là Elvis Preskey đã chẳng đột ngột từ trần trong hoàn cảnh tương tự hay sao?

Những câu hỏi trên dẫn chúng ta trở ngược về tuổi thơ của Michael Jackson.

Jacko không có tuổi thơ bình thường.

Danh vọng quá lớn và quá sớm đã cướp mất sự ấu thơ của anh. Từ một đứa trẻ, anh vọt lớn thành một nghệ sĩ và không kịp trưởng thành như các đứa trẻ khác, với mọi buồn vui tầm thường của mọi đứa trẻ. Ðứa bé này muốn gì thì đó là mệnh lệnh của một nghệ sĩ lớn, và mọi người đều phải thỏa mãn, dần dà thì tìm cách khai thác.

Thế giới của những người trưởng thành đã khai thác khả năng viễn mơ của đứa bé nghệ sĩ. Thần đồng bỗng là thần tài cho cả một triều đình hào nhoáng mà có thật, vì trị giá bạc tỷ, nhưng vẫn là không thật trong tâm trí của chú bé Jacko. Trong thế giới của Michael Jackson, người duy nhất không biết đếm có lẽ là Jacko.

Sau rất nhiều lao đao vất vả, vào tuổi năm mươi, Michael Jackson thật sự là đứa trẻ mới lớn và bị sức ép dồn dập của tiền bạc và nghề nghiệp. Anh phải tái xuất giang hồ, chuẩn bị một chuyến đi show rất dài tại Anh trong khi sức khỏe suy sụp dần, thân hình còn có 50 ký da bọc xương, bên trong chỉ có thuốc chứ không còn chất bổ.

Cơ thể dật dờ của anh hết chịu đựng nổi những đòi hỏi của nghệ thuật và tiền tài. Người ta nói rằng anh phải dùng thuốc chống đau, trong có đầy ma túy. Có thể lắm. Người ta cũng nói rằng anh bị khủng hoảng tâm thần và chuẩn bị cải đạo theo Hồi Giáo, dàn cận vệ của anh là nhân viên của tổ chức Nation of Islam. Cũng có thể lắm.

Thể chất và tinh thần của Michael Jackson không còn chịu đựng được ngần ấy đòi hỏi và đứa trẻ 50 tuổi đã thành cây đàn đứt dây vào ngày 25 vừa qua. Chúng ta có thương người nghệ sĩ đa tài này thì cũng nên bình tâm nhìn lại, có lẽ sẽ hiểu ra là những ai đã giết Michael Jackson. Họ đông lắm!

Phượng Các
#4 Posted : Wednesday, July 23, 2014 9:56:38 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Theo tin từ nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, ca sĩ Quỳnh Giao vừa từ trần sáng nay.
Phượng Các
#5 Posted : Thursday, July 24, 2014 7:17:04 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)


FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Nghệ sĩ Quỳnh Giao qua đời sáng sớm Thứ Tư, 23 Tháng Bảy, tại nhà riêng ở Fountain Valley, California, sau một thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 68 tuổi.

Nhà bình luận Nguyễn Xuân Nghĩa, phu quân của bà, cho nhật báo Người Việt biết.


Quỳnh Giao tên thật là Nguyễn Ðoan Trang, Pháp Danh Như Nghiêm, sinh năm 1946 tại làng Vỹ Dạ, Huế, là con gái của nữ danh ca tân nhạc Minh Trang.

Khi mới 5 tuổi, thân phụ của bà qua đời, và người mẹ tái giá với nhạc sĩ Dương Thiệu Tước.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao nổi tiếng ngay từ lúc thiếu thời, từng hát trên đài phát thanh quốc gia Sài Gòn, trong các chương trình của Ban Nhi Ðồng Kiều Hạnh.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm, và được một nhạc sĩ của Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Alliance Française, hướng dẫn về thanh nhạc và opera.

Từ tuổi 15, Quỳnh Giao đã trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp, là một trong những ca sĩ quan trọng trong các chương trình của các đài phát thanh Sài Gòn, Quân Ðội và Tiếng Nói Tự Do.

Trong những năm đầu thập niên 1970, Quỳnh Giao cũng với các em gái là Vân Quỳnh, Vân Khanh và Vân Hòa thành lập ban tứ ca Bốn Phương, chuyên hát tại vũ trường Ritz và thu âm cho các trung tâm băng nhạc Jo Marcel, Phạm Mạnh Cương và Premier.

Bà sang Mỹ năm 1975, định cư đầu tiên tại tiểu bang Virginia, đến thập niên 1990 thì chuyển về sống tại California.

Nghệ sĩ Quỳnh Giao cùng với hai ca sĩ Mai Hương và Kim Tước lập ban Tiếng Tơ Ðồng ở hải ngoại và thu được nhiều thành công.

Ngoài ra, bà luôn luôn hỗ trợ các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật trong cộng đồng, và cũng cộng tác với nhiều cơ quan truyền thông Việt ngữ. Nghệ sĩ Quỳnh Giao phụ trách mục Câu Chuyện Âm Nhạc trên nhật báo Người Việt và Người Việt TV trong nhiều năm.

Vài tháng cuối đời, vì sức khỏe yếu, bà không còn viết nữa. Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tuần, bà đã viết bài viết - có lẽ là cuối cùng trong đời - về âm nhạc Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975, cho số báo đặc biệt kỷ niệm 60 Năm Hiệp Định Geneva, đăng trên Người Việt. (Ð.D.)
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.