Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Dân chủ và phát triển
nv
#1 Posted : Wednesday, May 18, 2005 4:00:00 PM(UTC)
nv

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 2
Points: 0

Dân chủ và phát triển

Phát triển-trước, dân chủ-sau,
hay Dân chủ-trước, phát triển-sau,
that's the question
Hậu Shakespeare


Hoàng Xuân Đài


Phát triển-trước, dân chủ-sau hay dân chủ-trước, phát triển-sau?

Từ gần nửa thế kỷ nay, trường phái ‘phát triển-trước, dân chủ-sau’ có phần được nhiều tín đồ vì họ cho rằng phát triển sẽ tạo các điều kiện cho dân chủ, sẽ giúp gia tăng số người biết đọc biết viết, thành hình một giới trung lưu, và nuôi dưỡng những cách cư xử có tính toàn cầu (cosmopolitan), những tiền đề cho dân chủ. Ngoài ra, chủ trương này thích hợp với những đòi hỏi của tình thế- Chiến tranh Lạnh-, các nước giàu mạnh phương Tây ủng hộ và viện trợ các quốc gia chuyên quyền vì không muốn các nước này rơi vào quỹ đạo của Liên bang Xô viết.

Chủ trương này được tiếp tục đề cao khi không còn Chiến tranh Lạnh vì các thành tựu kinh tế tại các nước chuyên quyền tại châu Á như Singapore, Nam Dương, Đại Hàn, Đài Loan và gần đây hơn Trung Quốc.

Giáo sư János Kornai, chuyên gia về chuyển đổi kinh tế từ hệ thống xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa, với những kinh nghiệm sống trong quá trình chuyển đổi tại các nước cựu cộng sản đông Âu, là người bào chữa cho chủ trương ‘Phát triển-trước, dân chủ-sau’. Phần một của bài viết sẽ trình bày quan điểm của Kornai.

Amartaya Sen, giải Nobel kinh tế học, là trạng sư rất nhiệt thành với chủ trương ‘dân chủ-trước, phát triển-sau’. Phần hai của bài viết trình bày quan điểm của Amartaya Sen cùng những dữ kiện thống kê biện hộ cho chủ trương ‘dân chủ-trước, phát triển-sau’ của Joseph T. Siegle, giáo sư đại học Maryland, Michael M. Weinstein, giám đốc Policy Planning and Research tại Robin Hood Foundation, và Morton H. Halperin, giám đốc Open Society Policy Center, phó chủ tịch Center for American Progress, đồng tác giả cuốn ‘How Democraties promote Prosperity and Peace‘.

Việt Nam hiện nay là một người học trò của giáo sư János Kornai, với một số thành tựu, nhưng sẽ gặp khó khăn. Phần ba của bài viết trình bày một số quan điểm giải thích tình trạng này.

1. Phát triển-trước, dân chủ-sau

Giáo sư János Kornai sinh tại Budapest, tốt nghiệp hai bằng tiến sĩ kinh tế năm 1961 và khoa học năm 1965. Sau khi được mời giảng dạy tại một số trường đại học tại châu Âu và Mỹ, ông là giáo sư kinh tế học tại đại học Harvard từ năm 1986.

Kornai được giới chuyên môn về kinh tế chuyển tiếp (từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa) biết đến rất nhiều. Không một cuốn sách nào đề cập đến vấn đề này mà không quy chiếu về những đóng góp đáng kể của Kornai. Ông đã viết và xuất bản khoảng 15 cuốn sách, được dịch ra nhiều thứ tiếng. Gần đây, cuốn 'Road to a Free Economy' đã được dịch ra tiếng Việt 1. Nếu người ta có thể xem nền kinh tế chuyển tiếp là một môn học riêng biệt , thì János Kornai được coi như là người sáng lập.

Ít nhất có hai lý do khiến cho những tác phẩm của János Kornai làm người ta chú ý, ngoài lý do đó là những sách đọc bắt buộc cho những nhà nghiên cứu, cố vấn cho các chính phủ và làm việc về kinh tế chuyển đổi. Lý do thứ nhất là nhiều chuyên gia dường như hiểu những mục tiêu của các nước muốn chuyển đổi, những điều cần thiết phải làm để thiết lập một nền kinh tế tự do, nhưng họ không nhận thức thấy một cách đầy đủ tình trạng xuất phát của các nước này. János Kornai, dù sao, rất hiểu biết hệ thống xã hội chủ nghĩa từ bên trong, như nhan đề của một số sách của ông ta đã minh họa. Vào năm 1959, ông đã cho xuất bản cuốn 'Siêu trung ương tập quyền trong quản trị kinh tế (Overcentralization in Economic Admistration)', được tái bản lần thứ hai vào năm 1994. Năm 1980, ông hoàn thành cuốn ' Kinh tế thiếu hụt (Economics of shortage)'. Hai cuốn sách này nắm bắt được những nét đặc trưng của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và sau đó, vào năm 1992, soạn thảo cuốn 'Hệ thống Xã hội chủ nghĩa (The Socialist System)'2.

Các cuốn sách của Kornai cho phép tìm hiểu một cách rõ ràng và thấu đáo quá trình chuyển đổi. Từ khi sự chuyển đổi bắt đầu tại các nước Trung và Đông Âu, và ngay cả trước đó, những phân tách của Kornai đã làm sáng tỏ một điều : sự chuyển đổi là một quá trình thay đổi thể chế, đặc biệt để khuyến khích sự phát triển hữu cơ của khu vực tư. Gần với ba chủ trương 'giải tư, tự do hoá và ổn định (privatization, liberalization, stabilization)' của IMF trong khuyến cáo cho các nước đang phát triển muốn được IMF hổ trợ, Kornai nhấn mạnh tầm quan trọng chủ yếu của đường lối 'cứng rắn hoá sự kiềm chế ngân sách (hardening the budget constraints)' của các công ty. Bên bờ vực của cuộc cách mạng nhung tại Trung và Đông Âu, Kornai đã cho ra cuốn sách 'Con đường đi tới nền kinh tế tự do, Thay đổi từ một hệ thống xã hội chủ nghĩa (The road to a Free Economy- Shifting from a Socialist System)'. Các chuyên gia UNDP Việt Nam cho rằng, có lẽ điều quan trọng nhất là những cuốn sách của Kornai không những chỉ dạy cho các cố vấn kinh tế thị trường về những chuyển đổi từ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường, mà còn có giá trị rất lớn cho các nhà hoạch định chính sách của các nước xã hội chủ nghĩa.

Kornai hiểu rõ những đặc trưng đã ăn sâu vào chủ nghĩa xã hội cũng như quen thuộc với thuật ngữ của nó, do đó ông ta là cố vấn ưu tú và người tranh luận thú vị trong phạm trù này đối với các nước xã hội chủ nghĩa muốn đi vào con đường chuyển đổi, như Việt Nam chẳng hạn.

Trong bài viết 'Chuyển đổi hệ thống từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa có nghĩa gì và không có nghĩa gì'3, Kornai đã đưa ra một số điểm rất đáng quan tâm.

Hai chủ nghĩa này được xem như đã ngự trị thế giới trong suốt thế kỷ 20. Tuy nhiên, nhận định này tự nó không hiển nhiên và thường chạm trán với ba lý luận chống đối.

Chống đối thứ nhất cho rằng đề cập đến xã hội chủ nghĩa dọc theo, và hầu như song song với tư bản chủ nghĩa là quá đáng và không biện hộ được. Nhìn dưới góc độ lịch sử thế giới, xã hội chủ nghĩa chỉ hiện diện trong một thời gian chuyển tiếp rất ngắn, như một lầm lạc giai đoạn trong tiến trình những biến cố lịch sử. Quan điểm này có thể xem là đúng đối với các sử gia trong khoảng 200 năm về sau, nhưng đấy không phải là cách nhìn của những người sống trong thế kỷ 20. Sự thành lập, sự tồn tại và sự sụp đổ toàn bộ của chủ nghĩa xã hội đã để lại những vết nhơ, những đau khổ sâu đậm và kinh hoàng trong thế kỷ này. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã sống dai dẳng trong một thời gian khá dài và sẽ còn dai dẳng trên một quy mô rộng lớn tại Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới. Liên bang Xô viết đã được xem như là một siêu cường, với một sức mạnh quân sự khủng khiếp. Hệ thống xã hội chủ nghĩa đã đè nặng không những trên hàng trăm triệu người ở dưới quyền thống trị của nó, mà còn ảnh hưởng trên phần còn lại của nhân loại.

Quan điểm chống đối thứ hai: tại sao chỉ có hai hệ thống? Có thể nói đến một hệ thống thứ ba, không xã hội cũng không tư bản? Ở đây Kornai không đặt câu hỏi có nên ao ước thiết lập một loại hệ thống thứ ba. Thế kỷ 21 hay 22 có thể sẽ đem đến một cái gì, nhưng điều chắc chắn là thế kỷ 20 đã không thấy sự xuất hiện rõ ràng của một hệ thống thứ ba.

Quan điểm chống đối thứ ba đào sâu hơn quan điểm thứ hai, nhưng theo một chiều hướng khác. Tại sao chỉ có một hệ thống xã hội chủ nghĩa? Thật vậy, hệ thống xã hội chủ nghĩa tại Liên bang Xô viết dưới thời Stalin khác với thời Khrushchev, cả hai đều khác xã hội chủ nghĩa Hung dưới thời János Kádár hoặc xã hội chủ nghĩa Ba Lan dưới thời Gomulka, Gierek và Jaruzelski. Cũng tương tự, tại sao chỉ nói đến một hệ thống tư bản bao gồm những chỉnh hợp hiện tại tại Hoa Kỳ và Thụy Điển?

Những câu hỏi trên đây đề xuất những vấn đề căn bản về giải thích và phân loại. Kornai đề nghị dùng từ ‘hệ thống’ như một khái niệm có tính bao hàm toàn diện và toàn thể, và chấp nhận mỗi hệ thống tồn tại như là sự biểu lộ có tính đặc trưng lịch sử của nhiều loại khác nhau.

Cái khuôn khổ của quan niệm ‘hệ thống’ trên được coi là chấp nhận được khi thoả mãn được ba điều:

a/ Những biểu lộ có tính lịch sử của chủ nghĩa tư bản với những đặc thù chung, do đó chúng có thể hiểu một cách hợp lý như là những biến thể của cùng một hệ thống. Một cách tương tự, chủ nghĩa xã hội cũng có thể xem như vậy.

b/ Những thuộc tính cơ-bản-có-tính-đặc-trưng-hệ-thống (basic system-specific attributes) với tầm quan trọng đủ để ảnh hưởng một cách sâu đậm trên thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, văn hoá và đời sống hàng ngày.

c/ Những thuộc tính cơ-bản-có-tính-đặc-trưng-hệ-thống cung cấp các tiêu chuẩn chủ yếu để phân biệt hai hệ thống lớn.

Sau những rào đón trên, Kornai định nghĩa những thuộc tính cơ-bản-có-tính đặc-trưng-hệ-thống của hai chủ nghĩa xã hội và tư bản theo hai mô hình sau đây:

Trong các mô hình này, để phân loại những đặc tính chủ yếu của hai hệ thống, cách tiếp cận của Kornai mang tính xác thực chứ không tiêu chuẩn. Cụm từ 'xã hội chủ nghĩa' không phải là mộ tổ chức xã hội tưởng tượng mà những người tin tưởng vào hệ tư tưởng này mong muốn áp dụng. Đó là sự hình thành có tính lịch sử đã tồn tại trên 26 nước tự gọi là xã hội chủ nghĩa, đuợc xem là ‘xã hội chủ nghĩa hiện hữu’. Một cách tương tự, đáng lẽ cộng lại tất cả những đặc tính mà các người binh vực cho chủ nghĩa tư bản tưởng rằng đáng khát khao, phần thứ hai của mô hình đưa ra những nét chính có thể nhận thấy được trong ‘tư bản chủ nghĩa hiện hữu’.

Một cách cố tình, Kornai không muốn dùng những mô tả chi tiết, thịt rơi máu chảy của từng hệ thống, mà chỉ muốn mô tả đặc điểm tối thiểu có thể xem là cần và đủ cho những hệ thống hiện đại và có thể quan sát được trong lịch sử thao tác của xã hội hay tư bản chủ nghĩa. Kornai chú trọng đến những thuộc tính cơ-bản-có-tính đặc-trưng-hệ-thống để phân biệt hai hệ thống.

Ba khối đầu của mô hình tổng kết những điểm đặc trưng cơ bản của mỗi hệ thống: những biểu thị đặc điểm của quyền lực chính trị, sự phân phối quyền tư hữu và những cơ chế điều phối áp đảo của hệ thống. Khi các khối này đã định vị, chúng sẽ quyết định một cách mạnh mẽ đến đến những quyền lợi, động cơ và các ứng xử của những người tham gia (dân cư, xí nghiệp, cơ quan chính phủ,...), và những đặc trưng mang tính đặc thù hệ thống này được mô tả trong khối 4. Khối 5, tầng nông nhất của hệ thống, mô tả những tính đều đặn đặc thù hệ thống và các hiện tượng kinh tế cố hữu như là kết quả của các tương tác của các tầng sâu hơn (các khối 4, 3, 2, và 1).

Sự cứu xét những điểm đặc-trưng-cơ-bản-hệ-thống có thể trả lời câu hỏi được đặt ra một cách thường xuyên là sự chuyển đổi hệ thống bắt đầu và kết thúc ở đâu? Quá trình chuyển đổi bắt đầu khi xã hội thay đổi vị trí từ các đặc-trưng-cơ-bản của hệ thống xã hội chủ nghĩa được mô tả trong các khối 1,2 và 3 và kết thúc khi xã hội đạt đến hình thể của các khối 1,2 và 3, đặc trưng của tư bản chủ nghĩa. Ngoài ra, tình trạng thay đổi phải được bám rễ và không thể đảo ngược lại.

Cần phải quan tâm đến một số khác biệt về bản chất và mức độ. Có những chuyển đổi nhỏ nhưng quan trọng vì đó là những chuyển đổi có tính hệ thống, trong khi đó nhiều chuyển đổi lớn nhưng không có tính hệ thống, tầm ảnh hưởng sẽ không quan trọng. Chẳng hạn, phá giá đồng bạc không có tính hệ thống, nhưng việc đưa đồng bạc trở thành đổi được (convertible) trên thị trường quốc tế có tính hệ thống. Sự giảm thiểu một số giường bệnh tại nhà thương không có tính hệ thống, trái lại cho phép y sĩ hành nghề như là y sĩ gia đình là một sự thay đổi có tính hệ thống.

Ngoài ra, cần phải phân biệt bản chất của hai sự chuyển đổi. Sự chuyển đổi sang xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản áp đặt lên xã hội với bạo lực, khi cướp được chính quyền. Nó thanh toán những đối lập chính trị và đàn áp chống đối. Các đảng cộng sản khi nắm quyền đã có một cái nhìn về xã hội, kinh tế và văn hoá mà họ muốn tạo dựng: một hệ thống loại trừ quyền tư hữu và thị trường, thay vào đó là sở hữu nhà nước và kế hoạch hoá. Cái nhìn này mang nặng tính độc quyền tư tưởng, do đó mọi tình trạng thân chủ nghĩa tư bản sẽ bị đàn áp. Đó là một ‘chương trình gen (genetic program)’ của xã hội chủ nghĩa đã được cấy vào cơ thể sống của xã hội, những lực tự phát sẽ thao tác trong xã hội. Hệ thống sẽ tự hoàn thành và loại bỏ những cơ chế và tổ chức kỵ với nó. Nó có số khá lớn kẻ đi theo, đề ra và thi hành các mệnh lệnh để thực hiện những đề cương vĩ đại.

Trái lại, tư bản chủ nghĩa không cần được áp đặt trên xã hội. Chỉ cần tháo gỡ một số rào cản đi đến tư bản chẳng hạn bãi bỏ những định chế cấm quyền tư hữu, cấm tư doanh, cấm giải tư ... thì sớm muộn gì tư bản sẽ có thể bắt đầu phát triển, tuy rằng sẽ chậm hơn sự chuyển đổi sang xã hội chủ nghĩa.

Một thí dụ điển hình diễn tả sự khác biệt giữa hai chuyển đổi. Dưới thời Stalin, chính sách tập thể hoá nông nghiệp đã được áp đặt trên nông dân bằng bạo lực, trái lại chính sách nông nghiệp tại Trung Quốc dưới thời Đặng Tiểu Bình bằng các điều chỉnh và biện pháp khuyến khích nông dân khai thác một cách cá thể các ruộng đất của công xã, đã giúp chính sách này trở thành một sáng kiến thành công trên một quy mô rộng lớn.

Về mặt bản chất chính trị của các chuyển đổi, có ba loại thay đổi từ xã hội chủ nghĩa sang tư bản chủ nghĩa:

- Loại 1: Chế độ độc tài cộng sản được thay thế bằng một chế độ độc tài chống cộng. Điều đó đã xảy ra vào năm 1919, với sự sụp đổ của chế độ Cộng hoà Xô viết Hung của Béla Kun và thay vào đó là chế độ khủng bố trắng. Chế độ xã hội chủ nghĩa non yếu, nửa vời của Allende nước Chí Lợi (Chile) đã bị thay đổi bằng một cuộc đảo chánh quân sự bởi Pinochet, đã áp đặt một triều đại khủng bố trong nhiều năm trước khi quyền lực chính trị phần nào được dân chủ hoá sau khi tư bản chủ nghĩa thiết lập trở lại và củng cố. Một cách tương tự, chế độ độc tài áp đặt bởi Liên bang Xô viết tại Afghanistan đã được thay thế bằng một chế độ độc tài chống cộng và thần quyền.

- Loại 2 : Đó là những cuộc 'cách mạng nhung' đã xảy ra tại nhiều nước đông Âu, không có giai đoạn khủng bố chống cộng. Chế độ dân chủ đã được xây dựng từ những đổ vỡ của chế độ chính trị cũ. Các nước này đã thành lập các cơ chế dân chủ hoặc đã có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng dân chủ.

- Loại 3: Đây là trường hợp xảy ra tại Trung Quốc và có thể Việt Nam. Các đảng cộng sản thay đổi từ bên trong, xuyên qua một chuyển đổi từ một lực lượng chính trị chống tư bản chủ nghĩa một cách sắc cạnh và tàn nhẫn sang một lực lượng chính trị thân tư bản chủ nghĩa, một cách che đậy nhưng như chưa bao giờ có thành kiến. Có hiện tượng thâm nhập giữa đảng cộng sản từ trung ương và đặc biệt cơ sở và tầng lớp xã hội chỉ đạo của kinh doanh cá thể. Người ta thường thấy những cán bộ của đảng kinh doanh trong khi vẫn giữ một chức vụ trong đảng. Hoặc có thể một kịch bản khác xảy ra: thủ trưởng một công ty quốc doanh hay một giám đốc-chủ nhân một công ty cá thể có thể thành bí thư của tổ chức đảng. Nếu chính những người lãnh đạo đảng không đứng ra làm chủ nhân một công ty cá thể, thì có thể vợ, anh chị em hoặc con có thể làm thế cho, và quyền lực chính trị và thương nghiệp đúng là được giữ lại trong gia đình. Đường lối này đưa đến một đảng cầm quyền tiếp tục thi hành quyền lực chính trị độc tài, vẫn là cộng sản một cách cường điệu, nhưng trong thực tế thân thiện với quyền tư hữu và kinh tế thị trường không kém gì Pinochet hoặc các nhà độc tài Đại Hàn.

Nhưng theo định nghĩa của mô hình trên, như vậy là không có chuyển đổi hệ thống gì cả, vì vẫn những người cũ nắm những vai trò chóp bu, những vai trò lãnh đạo xã hội, như trước. Như câu chuyện cười về các con chim đậu trên cây. Một phát súng nổ, chúng bay đi và đậu lại trên các cành cây, mỗi con đậu một cành khác, nhưng cả bầy chim vẫn đậu trên cây như cũ. Thật vậy, câu chuyện cười này có phần nào đúng. Cái mức độ thay đổi các thành phần ưu tú không phải là một thay đổi hệ thống. Nhưng đối với một người hiện nay là chủ xí nghiệp, và trước kia là bí thư đảng, cách quản trị của ông ta phản ánh một mong muốn kiếm lợi nhuận và phát huy giá trị của công ty, mà không cần hỏi ý kiến hoặc sự chấp thuận của bí thư huyện uỷ hay tỉnh uỷ. Đó là sự khác nhau của khối 4 trong mô hình hệ thống xã hội và tư bản: một thành viên của tầng lớp ưu tú kinh tế cũ sẽ hành sử khác khi đi vào kinh tế mới. Tình bạn cũ có thể cho phép một cán bộ có công ăn việc làm trong một thời gian, nhưng nếu làm ăn cẩu thả, không có hiệu năng, anh ta sẽ bị sa thải. Tiến trình này đòi hỏi thời gian. Tuy nhiên, kinh tế thị trường đặt nền tảng trên tư hữu sẽ tuyển chọn thích hợp với chính những đòi hỏi và những luật chơi của nó với một mức độ chắc chắn cao.

Có người sẽ lấy làm ngạc nhiên khi thấy dân chủ không được đả động đến trong khối 1 của mô hình tư bản chủ nghĩa. Kornai cho rằng, như là một phát biểu thực chứng, dân chủ không phải là điều kiệu cần cho tư bản chủ nghĩa hoạt động : tư bản chủ nghĩa có thể thao tác trong một chế độ độc tài, miễn là quyền lực chính trị thân thiện với quyền tư hữu, kinh doanh tự do và tự do khế ước giữa cá nhân. Điều kiện đòi hỏi tối thiểu là chính trị không tích cực ủng hộ, nhưng hạn chế những chống đối quá mức quyền tư hữu và thị trường. Nói một cách khác, quyền lực chính trị không được thi hành chính sách sung công hàng loạt hay huỷ hoại tư hữu, không được đưa ra các quy chế gây tác hại một cách nghiêm trọng, rộng rãi và có hệ thống đối với lợi ích kinh tế của các tầng lớp hữu sản. Nó không được ngăn cấm điều phối thị trường một cách lâu dài ở hầu hết nền kinh tế. Những lời lẽ cường điệu chẳng có mấy giá trị ở đây (Hitler chẳng đã chửi bới chế độ tài phiệt đó sao?), cái chính là ứng xử thực tế của giới cầm quyền.

Theo Kornai, có hai cách để đánh giá dân chủ : công cụ (instrumental) và bản chất (intrinsic). Về mặt công cụ, dân chủ không đưa đến tư bản. Kornai cho rằng tuân thủ các quy luật dân chủ có thể làm khó khăn hơn trong việc thực thi các chính sách đáng mong mỏi. Có các chế độ chuyên quyền có tính hiệu quả cao, như Đài Loan, Đại Hàn trong các thập niên đầu sau Chiến tranh thế giới thứ 2 hay Singapore ngày nay, và có các nền dân chủ ì ạch, như Ấn Độ trong hầu hết thời kì sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nhà đầu tư có thể ưa sự ổn định của một nền dân chủ đã được củng cố hay sự ổn định bất luận xuất hiện trong chế độ dân chủ hay chuyên chế. Ngược lại, Kornai tin tưởng vào giá trị bản chất của dân chủ như bảo đảm tự do chính trị và ngăn cản độc tài.

2. Dân chủ-trước, phát triển-sau

Amartya Sen 5, kinh tế gia và triết gia, giải Nobel kinh tế năm 1998, được coi là chuyên gia về kinh tế nạn đói, đã đưa ra những lý giải cho rằng có dân chủ thật sự mới có kinh tế tốt, nghĩa là dân chủ là nhân, giàu có là quả. Không có gì giải thích sự phồn thịnh tại Đại Hàn là hậu quả của chính sách quyền lực của Lý Thừa Vãn, của Phác Chánh Hy. Trái lại, những nghiên cứu kinh tế nghiêm túc đã chứng tỏ với một sức thuyết phục cao rằng đó là hậu quả của một chính sách tận dụng thị trường quốc tế, một nền kinh tế mở cho mọi sáng kiến và cạnh tranh, một chương trình tích cực và hữu hiệu giải quyết nạn mù chữ, cải cách điền địa, khuyến khích tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu.

Tự do chính trị không làm hại những thành tích kinh tế. Trên thực tế, những liên hệ công cụ cho phép những quyền tự do chính trị giữ một vai trò tích cực trong những trường hợp thiếu thốn cùng cực. Cách ứng xử của nhà cầm quyền trước các nhu cầu và đau khổ cao độ của quần chúng tùy thuộc vào quyền hành sử các quyền tự do chính trị như là quyền bầu cử, chỉ trích và biểu tình chống đối. Chẳng hạn, dân chủ sẽ là một lợi khí có thể cho phép tránh được các nạn đói.

Những người chống đối quan điểm này đưa ra dẫn chứng rằng các nước tự do dân chủ vốn là những nước giàu có, do đó không bao giờ có nạn đói. Hiện nay, trên thế giới, có những nước dân chủ nghèo, điển hình là Ấn Độ. Nhưng tại nước này, nhờ có dân chủ nên không có những nạn đói lớn. Ấn Độ đã bị một nạn đói kinh khủng vào năm 1943, làm cho hai triệu đến ba triệu người chết. Nhưng đó là thời điểm nước này còn ở dưới sự đô hộ của đế quốc Anh. Từ ngày độc lập vào năm 1947, và sự thành hình của chế độ chính trị đa đảng, Ấn Độ không bị một nạn đói nào đáng kể, tuy rằng có những năm mất mùa hoặc những nạn đói nhỏ. Các dữ kiện thống kê chứng tỏ rằng không có một mâu thuẫn nhân quả nào giữa sự hành sử các quyền công dân tối thiểu và phát triển kinh tế hoặc không có nạn nghèo đói. Hiện tượng này cũng dễ giải thích. Tại các nước độc tài, nạn đói chỉ giết hại thường dân, những kẻ thấp cổ, bé miệng, không bao giờ các lãnh tụ, các tướng tá, bị đói. Không có tự do báo chí, không có đối lập các vị lãnh đạo này không bao giờ bị chỉ trích. Không có bầu cử tự do, các vị lãnh đạo này không bao giờ bị bất tín nhiệm hoặc mất chức. Họ đứng trên luật pháp, không bao giờ bị trừng phạt. Họ là một thứ hoàng đế tân thời. Tệ hơn nữa, tại một vài nước như Bắc Triều Tiên, các nhà lãnh đạo dùng nạn đói như là một vũ khí để xin viện trợ hoặc để được quốc tế thừa nhận như trường hợp các phe phái vũ trang tranh chấp quyền lực tại Soudan, Liberia, Sierra Leone...Một thể chế dân chủ cho phép thông tin đi lại một cách dễ dàng sẽ rung chuông báo động những nạn đói trầm trọng. Một thí dụ điển hình là nạn đói tại Trung Quốc vào những năm 1958 đến 1961 đã làm chết 30 triệu người, có thể tránh được hoặc ít ra hạn chế hậu quả tàn khốc của nó nếu có tự do báo chí, tự do thông tin. Không có tự do ngôn luận chính nhà cầm quyền Trung Quốc đã tự lừa dối mình và đã là nạn nhân của chính guồng máy truyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc, những báo cáo láo tô hồng của các chính quyền địa phương. Người ta biết rằng vào cao điểm của nạn đói, chính phủ Trung Quốc nghĩ rằng họ còn trên 100 triệu tấn lúa so với số lúa dự trữ thật sự trong kho. Sự thiếu thông tin này đã không cho phép họ lấy những biện pháp cần thiết kịp thời khi hàng triệu người lăn ra chết đói như rạ. Chính Mao, người đưa ra chính sách Nhảy Vọt vào cuối thập niên 50 - nguyên nhân gây ra nạn đói -, đã thừa nhận lỗi lầm không có một hệ thống thông tin dân chủ. Năm 1962, Mao đã tuyên bố tại một hội nghị quy tụ 7000 cán bộ cao cấp: "Không có dân chủ, các đồng chí không biết những gì xảy ra tại các cơ sở hạ tầng. Tình hình phức tạp, các các đồng chí không có khả năng góp nhặt tất cả các thông tin cần thiết để đối phó. Không có thông tin giữa gốc và ngọn, những cơ quan lãnh đạo đã lấy những quyết định cục bộ, chủ quan và sai lầm.....". Sau khi Mao chết, tình hình Trung Quốc khả quan hơn về mặt kinh tế nhưng không cởi mở về chính trị. Những nước muốn theo đường lối này phải coi chừng những khủng hoảng đang chờ đợi Trung Quốc. Amartya Sen cho rằng "cởi mở kinh tế nhưng không cởi mở chính trị" chỉ có thể chấp nhận được khi mọi việc đều thuận buồm xui mái, nhưng nếu có một sai lầm chính trị xảy ra, sự thiếu vắng những quyền dân chủ tối thiểu sẽ đưa đến những bùng nổ khủng khiếp, không lường trước được và không kiểm soát nổi. Amartya Sen kết luận rằng, trong quá trình tìm hiểu các nhu cầu kinh tế, tầm quan trọng của quyền chính trị xuất phát từ cái nhìn về con người. Con người phải được nhìn như một cá nhân tính (individuality) thụ hưởng trọn vẹn những quyền mà nó được hành sử thật sự, không như một đơn vị "súc vật" sống một cách thụ động.

Trong bài viết ‘Why Democraties Excel’, đăng trên ‘Foreign Affairs’, september/october, 2004, Joseph T. Siegle, Michael M. Weinstein và Morton H. Halperin đã đưa ra những dữ kiện thống kê để chứng minh rằng các nước-dân-chủ hơn các nước-chuyên-quyền về nhiều mặt.

Để cuộc tranh luận có tính khoa học và nghiêm túc, trước hết phải dựa trên những tiêu chuẩn rõ rệt : tiêu chuẩn dân chủ và tiêu chuẩn kinh tế lợi-tức-kém

Vì có nhiều định nghĩa cũng như quan niệm về dân chủ, các tác giả này đã dùng chỉ số dân chủ (democracy index) do Ted Robert Gurr, giáo sư đại học Maryland, nghĩ ra vào năm 1990. Bảng chỉ số hàng năm sẽ cho một nước trên thế giới số điểm từ 0 (dân chủ ít nhất) đến 10 (dân chủ nhiều nhất) dựa trên mức độ nước đó biểu lộ những đặc trưng dân chủ được kê khai trong bảng chỉ số dân chủ.

Vì lý do mọi người cho rằng các nước giàu có trên thế giới là những nước có một nền dân chủ vững mạnh, và cuộc tranh luận chỉ có nghĩa khi so sánh các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém và các nước-chuyên -quyền-lợi-tức-kém, do đó các tác giả đề nghị chọn GDP theo đầu người dưới 2000USD (thời giá 1995) làm tiêu chuẩn kinh tế lợi-tức-kém.

Các dữ kiện của Chỉ báo Phát triển của Ngân hàng Thế giới (World Bank’s World Development Indicators) từ năm 1960 đến nay, cho thấy một sự thật đơn giản : trung bình, các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém tăng trưởng bằng các nước các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém. Nếu không kể các nước đông Á (Singapore, Đại Hàn, Đài Loan, Trung Quốc), GDP theo đầu người các nước dân-chủ-lợi-tức-kém tăng trưởng 50% cao hơn các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém. Các nước chọn con đường dân chủ như Cộng hoà Dominican, Ấn Độ, Latvia, Mozambique, Nicaragua và Senegal đã qua mặt các nước chuyên quyền tương ứng như Angola, Cộng hoà Congo, Syria, Uzbekistan và Zimbabwe. Ngoài ra, 25% các nước-chuyên-quyền kém nhất như Cuba, Bắc Triều Tiên, Somalia không kiểm kê nghiêm túc các thống kê, mức tăng trưởng của các nước-chuyên-quyền có thể còn kém hơn các dữ kiện thống kê chính thức.

Các nước dân-chủ-lợi-tức-kém hơn hẳn các nước chuyên-quyền-lợi-tức-kém về chỉ số phát triển con người HDI (Human Development Index), giá trị trung bình của ba chỉ tiêu:
- khả năng sống lâu, đo bằng tuổi thọ tính từ khi sinh ra
- trình độ giáo dục, tính tổng hợp tỉ lệ biết chữ của người lớn và các tỉ lệ đi học tiểu học, trung học, đại học
- và mức sống, đo bằng giá trị GDP theo đầu người, thực tế theo sức mua tương đương .

Tại các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém, người dân, trung bình, sống 9 năm lâu hơn, có nhiều may mắn học đến trung học cao hơn 40% và năng suất nông nghiệp cao hơn 25% dân các nước chuyên-quyền-lợi-tức-kém . Con số về năng suất nông nghiệp có một tầm quan trọng rất lớn vì phần đông (70%) dân các nước-lợi-tức-kém là nông dân. Năng suất nông nghiệp cao có nghĩa là công ăn việc làm, vốn và lương thực nhiều hơn. Số tử vong trẻ con các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém ít hơn 25 %. Điều này cũng vô cùng quan trọng vì đó là hậu quả của chính sách chăm sóc sức khỏe của phụ nữ trong lúc có thai, dinh dưỡng, phẩm chất của nước uống và trình độ giáo dục thiếu nữ.

Khả năng tránh được các tai hoạ cũng cao hơn tại các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém. Từ 1960, các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém đã phải đương đầu với những tụt hậu nặng nề (giảm hơn 10% GDP) hai lần nhiều hơn các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém. Từ năm 1980, 70% các nước-chuyên-quyền-lợi-tức- kém đã phải bị ít nhất một lần như vậy, trong khi đó chỉ có 5 trên 80 vụ kinh tế tụt hậu tệ hại nhất từ 40 năm nay đã xảy ra tại các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém.

Nhìn dưới lăng kính này, những thời kỳ mà các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém tăng truởng nhanh, và được các người chủ trương phát triển-trước, thường xuyên đề cập đến, lại ít hơn những thời kỳ cố gắng để đền bù các mất mát trong những thời kỳ đen tối. Chẳng hạn nước Chí Lợi (Chile), được thường xuyên nói đến như một kiểu mẫu phát triển trong 13 năm dưới chế độ chuyên quyền 17 năm của Pinochet, đã phải chịu đựng hai khủng hoảng kinh tế trầm trọng : mất 12% GDP theo đầu người vào giữa thập niên 1970 và 17% trong những năm đầu của thập niên 1980. Phải đợi đến giữa thập niên 1980, Chí Lợi mới lấy lại mức độ GDP theo đầu người cao hơn mức độ 1973, năm Pinochet cướp chính quyền.

Luận điệu được lặp đi lặp lại, -dân chủ sẽ cám dỗ các quyền lợi mị dân làm phương hại kinh tế một cách toàn bộ-, là hoàn toàn sai. Từ 30 năm qua, trung bình, các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém không thâm thủng ngân sách nhiều hơn các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém. Một cách tương tự, cả hai đều có cùng chi phí cho giáo dục và y tế.

Dân chủ cho phép đối phó một cách hiệu quả hơn để tránh các tình trạng khẩn cấp nhân đạo : từ 20 năm nay, 87 vụ khủng hoảng trầm trọng về tị nạn và 80% những người dân bị hất ra khỏi chỗ ở trong năm 2003 đều sống trong các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém.

Có người cho rằng dân chủ hoá quá sớm trong các nước-lợi-tức-kém có thể cho phép các chính trị gia cơ hội khơi động các phẩn uất chia rẻ miền hoặc dân tộc. Theo quan điểm này, một bàn tay sắt chuyên quyền có thể giữ một xã hội rạn nức được ổn định. Nhưng lập luận này cũng không đứng vững trước sự kiểm tra của kinh nghiệm. Từ 1980, cứ 5 năm một lần, các nước nghèo thường có những tranh chấp kéo dài một năm. Nhưng các nước-dân-chủ không tranh chấp thường xuyên như các nước-chuyên-quyền. Trong vùng châu Phi dưới Sahara, miền đất xảy ra nhiều tranh chấp nội chiến gần đây, tại những nước đang có cải tổ dân chủ, các cuộc tranh chấp bằng vũ lực ít hơn 50% so với tiêu chuẩn tranh chấp trong vùng.

Tuy các dữ kiện cho thấy những nước-dân-chủ-lợi-tức-kém làm việc giỏi hơn các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém, để sinh lợi nhuận cho dân chúng, nhưng, hiển nhiên, có những biến thiên trong mỗi loại. Có nước dân chủ loạng choạng, trái lại, một vài nước-chuyên-quyền, đặc biệt tại đông Á, phát triển mạnh. Những trường hợp này chứng tỏ phát triển dưới các chế độ chuyên quyền là một điều có thể xảy ra. Tuy nhiên, tầng lớp các nước-chuyên-quyền này khó có tính đại diện cho tất cả các nước-chuyên-quyền. Đại Hàn, Đài Loan, Singapore, và Nam Dương đã khuyến khích khu vực kinh tế cá thể, theo đuổi thành công chính sách xuất cảng, và bị ảnh hưởng mạnh của các nước dân chủ Tây phương khi chấp nhận và thực hiện các định chế kinh tế và chính trị của các nước này. Hơn nữa, khi Trung Quốc đã làm cho thế giới kinh ngạc về các thành tựu kinh tế sáng chói vào những năm 1970 nhờ áp dụng chính sách kinh tế thị trường, nhưng chủ-nghĩa-chuyên-quyền không phải là điểm đặc trưng của sự tăng trưởng này. Đây là điều cần được nhấn mạnh khi so sánh với các thành tích kinh tế tồi dở của các nước-chuyên-quyền đông Á khác như : Bắc Triều Tiên, Miến Điện, Cămpuchia, và Phi Luật Tân dưới thời Marcos. Như vậy, trừ một số trường hợp ngoại lệ vừa kể, ưu thế của kinh nghiệm sẽ hướng dẫn các chính sách phát triển với sự hiển nhiên toàn bộ áp đảo : từ 40 năm nay, các nước-dân-chủ-lợi-tức-kém có nhiều thuận lợi phát triển hơn các nước-chuyên-quyền-lợi-tức-kém.

Lý luận cho rằng phát triển sẽ đưa đến dân chủ cũng không có tính thuyết phục bao nhiêu. Một cách chính xác, 6000USD là mức độ GDP theo đầu người được các chuyên gia chấp nhận như là ngưỡng cửa để dân chúng có thể đòi hỏi tham gia đời sống chính trị nhiều hơn, bước đầu dẫn đến một chuyển đổi dân chủ. Nhưng rất khó mà trắc nghiệm được giả thiết này, vì số nước-chuyên-quyền đạt đến mức độ lợi tức này rất hiếm. Từ 1960, chỉ có 16 nước-chuyên-quyền đạt đến 2000US GDP theo đầu người. Trong số này, chỉ có 6 nước -Đài Loan, Đại Hàn, Tân ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và có thể Mễ Tây Cơ- chấp nhận và thi hành dân chủ sau khi đã phát triển kinh tế. Những dữ kiện này không đủ để thiết lập một căn bản chắc chắn có tính thuyết phục cho mô hình phát-triển-trước áp dụng cho toàn thể các nước đang mở mang.

3. Việt Nam : từ chuyển đổi hệ thống đến chuyển đổi xã hội

Từ hơn thập niên nay, Việt Nam đi vào con đường kinh tế thị trường và đã gặt hái một số thành quả đáng kể, với đà tăng trưởng kinh tế trung bình 7.4%, chỉ đứng sau Trung quốc, và năm 2004, Việt Nam có nhiều triển vọng giữ nguyên đà tăng trưởng này. Trong năm 2003, đầu tư nước ngoài chiếm 8% GDP, một tỉ số cao hơn đối với Trung quốc. Cải cách nông nghiệp, chia đất cho nông dân tự do canh tác là yếu tố tích cực nhất làm cho kinh tế Việt Nam phát triển. Kế đó sản xuất tăng nhờ đầu tư dồi dào, nhân công rẻ và giỏi. Năm 2003 xuất cảng tăng 20% thu về 20 tỉ USD (bên cạnh số tiền khiêm nhường quốc tế tặng là 2 tỉ). Hàng hóa Việt Nam xuất cảng sang Hoa Kỳ tăng gấp đôi trong năm 2002 sau khi hai nước thi hành bản thỏa ước thương mãi song phương, và qua năm 2003 cũng tăng lên gấp đôi nữa. Số người nghèo tại Việt Nam càng ngày càng giảm. Theo Ngân hàng Thế giới năm 1993 tỉ số người nghèo tại Việt Nam là 58%, năm 2002 chỉ còn 29%. Trong ba năm 2001-2003 hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng từ 47 triệu USD...
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.