Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

2 Pages<12
Miêng
Phượng Các
#21 Posted : Sunday, August 7, 2005 9:23:53 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ba mươi tháng Tư, đọc lại Miêng
Linh Hồn của Biển



"Rồi bỗng bạo dạn hơn, chị choàng qua, siết vòng tay lại."
"Anh cũng đừng nghĩ quẩn quanh nữa. Em không giậïn anh đâu. Em cũng... thương anh lắm!"
"... Xong rồi anh ạ... Vâng, lúc năm giờ sáng, trong tay em..."
(Biển, truyện ngắn của Miêng).

Một tác giả người Mỹ, trên tờ The New Yorker cho rằng, trong thị trường sách, cũng như trong thị trường phim, có hai loại ăn khách (hits): sách ngủ (sleepers) và sách bom (blockbusters). Những tác giả như John Grisham, Tom Clancy hay Danielle Steel viết loại blockbusters. Sách của họ được quảng cáo rầm rộ, ngay từ khi chưa in; và khi in ra, chỉ trong vài ngày là đứng đầu bảng. Nhưng chỉ trong vài tuần lễ là từ từ nguội dần. Độc giả biết rất rõ về món hàng họ mua: tiểu thuyết Danielle Steel luôn luôn là tiểu thuyết Danielle Steel. Sleepers, những cuốn sách ngủ, số lượng bán ra không làm sao biết được, bởi vì nó cứ từ từ đến với bạn đọc, thường là qua một người bạn giới thiệu (Bạn đã đọc Biển của Miêng chưa?, đại khái vậy). Ở Mỹ, sleepers được bán ở những tiệm sách độc lập, những nơi mà khách hàng thường hỏi như vầy: (Mới đây, dạo này), có cuốn nào đọc được không?

Cá nhân người viết lần đầu làm quen với Miêng, qua truyện Biển, đăng trên Thế Kỷ 21. Đọc, chú ý, nhưng lại để đó, cho đến khi một bạn văn hỏi: đã đọc truyện đó chưa. Sau này anh bạn nghĩ, chính anh mới là người làm tôi chú ý đến một tác giả còn đang ngủ như Miêng.
Đây là một kinh nghiệm hết sức cá nhân, và nó còn liên can tới một cái tôi đáng ghét, nhưng cũng xin được viết ra.
Thời gian ở Trại Cấm Thái Lan, người viết có tự dịch một truyện ngắn, Bụi, và đưa cho một bà Mỹ làm thiện nguyện trong trại. Sau khi đọc, sửa cho đúng văn phạm, cú pháp, bà gửi cho một người quen, làm cố vấn văn chương cho một tạp chí ở Mỹ. Ông này trả lời: truyện ngắn không hẳn truyện ngắn, mà là một thứ "drama" (kịch). Ông phân tích giữa hai thể loại, rồi yêu cầu: tôi cần ít nhất là 20 truyện ngắn như thế này, nếu muốn lăng xê tác giả. Một truyện ngắn mà đạt tới "drama" như trên, có khi chỉ nhờ ăn may, nhờ sống ở Trại Cấm. Nó do Trại Cấm viết, chưa chắc của tác giả!
Khi đọc Biển, có lẽ tôi đã có cùng một hoài nghi: mình cần phải đọc chừng 20 truyện ngắn như vầy.
(Theo tôi, còn rất nhiều người đã bỏ qua Biển: lại chuyện vượt biển! Chỉ nội cái tên truyện, đã cho thấy, đây là một giấc ngủ dài, sau khi đã quá mệt mỏi.)

Vào năm 1992, một người đàn bà có thời đã từng là một nữ nghệ sĩ trình diễn tên là Rebecca Wells xuất bản một cuốn tiểu thuyết, Little Altars Everywhere, tại một nhà sách nhỏ, nay đã dẹp tiệm, tại Seattle. Wells thì vô danh, nhà sách thì không có tiền để quảng cáo. Tuy nhiên, bà có một người bạn, trải qua lễ Tạ Ơn với một người bạn, là người sản xuất (producer), của chương trình "All Things Considered" thuộc đài phát thanh "National Public Radio". Ông này đọc cuốn sách, và chuyển qua cho Linda Wertheimer, chủ nhân một chương trình TV. Linda khoái cuốn sách quá, thế là bà đưa Wells lên đài. Một thính giả ở Blytheville, Arkansas nghe cuộc phỏng vấn kể trên. Ông này lại có bà vợ tên là Mary Gay Shipley, chủ một tiệm sách trong thành phố. Ông chồng mua sách tặng vợ. Mary Gay quá mê nó. Thế là Wells tỉnh ngủ, cứ lên dần, và trở thành một tác giả có sách bán chạy nhất.

Nhà văn người Nhật Kawabata, Nobel văn chương 1968, trong bài mở đầu tập truyện "Những truyện ngắn ở trong lòng bàn tay", viết: Những người viết, khi trẻ thường làm thơ. Tôi, thay vì làm thơ, viết những truyện trong lòng bàn tay.... Tinh thần thi ca những ngày trẻ thơ của tôi sống mãi ở trong chúng".
Biển, của Miêng cũng thuộc loại truyện lòng tay. Đọc, tôi nghĩ, ngoài tinh thần thi ca ra, còn có những giọt nước cam lồ nhỏ xuống cho cả một thế hệ: một người đàn bà khóc thương một người đàn ông mất trí nằm trong bệnh viện và trong những giờ phút cuối cùng, người đàn ông lầm vị nữ bồ tát với người vợ đã chết, cùng với con cái, trong lần vượt biển.
Lầm lẫn, có lẽ không phải như vậy. Hoặc đây là giá trị biểu kiến của truyện. Trong cuốn Chữ và Vật, Michel Foucault cho rằng người điên, hay Kẻ Khác (l'Autre), là một người nhìn tất cả sự vật đều giống nhau, khác với người bình thường, hay Kẻ Vẫn Thế (le Même). Cũng trong cuốn sách, ông cho rằng tự tử là phán đoán sáng suốt cuối cùng của một con người bình thường.
Nếu chúng ta chấp nhận hành động vượt biển như là phán đoán sáng suốt sau cùng, như vậy người đàn ông sống sót trong khi vợ con chết hết, đã thực sự tin rằng người đàn bà đang nhỏ lệ là vợ của ông. Cũng tương tự như vậy - và đây là ý nghĩa đích thực của truyện ngắn theo tôi - "sự thực" xuất hiện, khi người đàn bà gọi điện thoại cho chồng: "... Xong rồi anh ạ... trong tay em".

Camus có truyện ngắn "Người đàn bà ngoại tình", câu chuyện về một người đàn bà, đêm đêm, sau khi làm xong hết bổn phận của người vợ, trong cuộc lữ của cả hai vợ chồng, đã len lén thoát ra ngoài, để ngắm trời ngắm sao... Đây là một đề tài lớn của dòng văn chương hiện sinh, theo tôi, thoát thai từ truyện ngắn "Before the Law", của Kafka.
Đây là câu chuyện một người nhà quê ra tỉnh, tới trước "Pháp Luật", tính vô coi cho biết, nhưng bị người lính gác cản lại. "Anh vô được mà, nhưng đợi chút xíu nữa đi". Chờ hoài chở hủy, chút xíu nữa đi hoá ra là cả một cuộc đời. Trước khi chết, anh nhà quê phều phào hỏi, tại sao chỉ có một mình anh tính vô chơi, coi cho biết; người lính gác nói: cửa này chỉ mở ra cho anh, tôi đứng đây, cũng chỉ vì anh; nhưng bây giờ anh đâu cần tới nữa, và tôi cũng xong bổn phận ở đây. Nói xong anh bỏ đi.
Trong truyện ngắn Evelyne của James Joyce, trong tập "Những người dân thành phố Dublin", người lính của Kafka xuất hiện qua anh chàng thuỷ thủ tầu viễn dương. Một người yêu thương, và có đủ điều kiện để đưa cô gái Evelyne tới một cuộc sống khác tốt đẹp hơn; nhưng tới giờ phút chót, cô gái quyết định "ở lại".
Truyện ngắn Biển, của Miêng, bằng những tình cảm độ lượng thoát thai từ tinh thần Phật giáo, theo tôi, đã đưa ra một đề nghị chót cho vấn nạn người đàn bà ngoại tình. Bằng hành động "trong tay em", người đàn bà đã vượt quá "Luật Pháp", ôm cả hai cuộc đời, bên trong và bên ngoài cánh cửa (lưu đầy và quê nhà?), nhập làm một.
Trong bài Tựa cho tập truyện đầu tay, mới xuất bản của Miêng, Nguyễn Nam Trân viết: "Tôi có cảm tưởng nhân vật của Miêng phần lớn mang một vết thương chưa lành, hay chưa biết bao giờ lên sẹo"... " (Tác phẩm) ghi lại bao nỗi thăng trầm của những đời người trong đó có bạn, có tôi. Chúng mình vẫn là những kẻ sống sót của một thời máu lửa, và vẫn còn là nhân chứng của một thời hỗn mang, đến nay mỗi ngày vẫn còn như đi trên dây xiếc để giữ một thế quân bình cho tầm hồn".
Theo tôi, kinh nghiệm của Miêng - như trong Biển, hoặc Nhân Chứng - không có bạn có tôi ở trong đó. Tôi muốn nói nam giới. Nhân vật của Miêng lại càng không phải những kẻ sống sót sau một cuộc chiến. Kinh nghiệm của bà là về người đàn bà ngoại tình, về chuyện Vượt Cạn, về chuyện ôm lấy người đàn ông mất trí, thay vì người tình (người đàn ông Việt Nam lưu vong, một vị bác sĩ thành đạt nơi xứ người), như trong Nhân Chứng:
"Mẹ tính đến để nói là muốn giữ lại với tonton tình bạn êm đẹp. Và cũng để báo cho tonton biết là mẹ có bầu với tonton."
Nhân vật chính trong truyện sau đó đã tự tử, khi khám phá ra nhân cách của người tình. Nhân Chứng cũng làm chúng ta liên tưởng tới người đàn bà độc nhất tỏ mắt, không tên, trong thế giới "Mù Lòa" của Jose Saramago, nhà văn Bồ Đào Nha, Nobel văn chương 1998. Rằng mù lòa ở đây là một bệnh lý học về lương tâm, hơn là một khuyết tật của mắt, hoặc của kính đeo mắt. Không phải chúng ta trở nên mù, mà là chúng ta mù, những người mù có thể nhìn nhưng không nhìn (I don't think we did go blind, I think we are blind, I think we are blind, blind but seeing, blind people who can see but do not see). Tương tự, "gì gì có vần "ương" theo sau mà chả là em" (Biển) gợi nhớ những nhân vật không tên của Jose Saramago. Đây là viễn ảnh u tối của tác giả về nỗi cô đơn của con người hiện đại.
Ở cuối Mù Lòa, một vài người lại nhìn được, và một người trong số họ đưa ra nhận xét: kinh nghiệm dậy chúng ta một điều rằng, chẳng hề có người mù, chỉ có sự mù lòa.

Sự thực, nói Miêng không phải là một kẻ sống sót sau cuộc chiến, là chỉ muốn tách biệt hẳn bà ra khỏi cái dòng văn chương hải ngoại vốn vẫn cay đắng vì một Miền Nam thất trận, (có cả người viết, lẽ dĩ nhiên!). Trong một bài phỏng vấn đăng trên tạp chí The Paris Review, khi được hỏi những ảnh hưởng mạnh mẽ nhất vào công việc, tầm nhìn (vision), chuyện viết lách của ông, G. Steiner đã trả lời: "Đó là cái lò Frankfurt (school). Walter Benjamin, nếu còn sống, chắc chắn là người viết cuốn "Sau Hỗn Mang" (After Babel, tác phẩm của G. Steiner) thực sự vĩ đại. Tôi luôn luôn bị ám ảnh rằng cuốn sách đúng ra phải là của ông, và nó sẽ tuyệt vời biết bao."

Đọc Biển, tôi cũng bị ám ảnh bởi một cuốn Sau Hỗn Mang như thế. Như thể bao nhiêu giọt nước mắt của người đàn bà ngoại tình nhỏ xuống, là để khóc than cho một tác phẩm vĩ đại:
Giả sử, những người đã chết vẫn còn sống, cuộc phiêu lưu trên biển cả chỉ là những chuyến ngao du, chẳng hề có hải tặc, hãm hiếp, nhục nhã, cay đắng...
Rằng sau đó, tất cả mọi người Việt Nam lưu vong lại được trở về nhà, trong vinh quang, trong hạnh phúc...


Nguyễn Quốc Trụ
Phượng Các
#22 Posted : Monday, August 22, 2005 12:34:57 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ý kiến về MIÊNG, TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN
(Văn Mới Xuất bản, 1999)

HOÀNG ÐỖ

Tuyển Tập Truyện Ngắn của Miêng là một thành tựu lớn trong nền văn học hải ngoại. Cuốn truyện khá hay. Tac giả khá lão luyện trong kỹ thuật dựng truyện, sắp xếp tình tiết, xây dựng nhân vật, và vẽ ra một bối cảnh rộng lớn của kiếp nhân sinh. Hai mươi một truyện ngắn trong tuyển tập này như một bản hùng ca vừa bi tráng vừa ai oán, vừa thiết tha, mà khi gấp cuốn sách lại, âm hưởng của nó vẫn vang vọng trong lòng người đọc.

Miêng viết cẩn thận. Mỗi câu chuyện đều được bắt đầu và kết thúc trong chừng mực, vừa đủ. Tác giả không giải thích lê thê cũng như không bí hiểm trong cách dùng chữ đặt câu. Và điểm mà tôi thích nhất trong toàn bộ tuyển tập của Miêng là cái nhìn vừa trang trọng và vừa giễu cợt của tác giả trước một vấn đề, một sự kiện, hoặc bất cứ một nhân vật nào. Và hình như tác giả cũng không ngần ngại khi đưa ra những chủ đề có tính taboo dàối với người Việt chúng ta như đồng tình luyến ái và loạn luân. Mà thật ra, đấy là những vấn đề đã tồn tại và sẽ còn tồn tại mãi trong kiếp con người.

Ngoại trừ một số ít truyện có chút vui nhộn, hầu hết không khí trong tuyển tập này bao trùm một màu đen tang tóc, buồn thảm. Anh Nguyễn Mộng Giác trong bài « Ðọc Miêng » trên Văn Học số 161, cho đây là « dáng dấp những bi kịch Hy Lạp ». Có lẽ vậy. Cái chết và nỗi điên loạn như luôn luôn ám ảnh những nhân vật của Miêng. Và cho dù nhân vật đã chết, số phận vẫn chưa buông tha những người còn sống sót. Bà mẹ trong « Hy Sinh », nhân vật chính trong « Lạc », và chị Thảo trong « Hiếu Thảo » là ba nhân vật phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của những nhân vật đã chết. Mỗi người một vẻ. Nhưng rút cuộc, chính cái chết này mới bắt đầu nói lên ý nghĩa (hoặc vô nghĩa) của cuộc sống những người còn lại.

Ðọc Miêng, tôi còn có cảm tưởng tác giả như muốn chứng minh một điều gì không thể chứng minh được. Người con trai trong « Hiếu Thảo» muốn giêt Mẹ để chứng minh rằng chị Thảo sẽ bớt khổ hơn nếu Mẹ chết. Nhưng kết quả hoàn toàn trái ngược. Mẹ chết đã để lại trong chị Thảo một nỗi trống vắng thênh thang. Và cũng vì mất Mẹ, chị Thảo không còn tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống nữa . Cuộc đời của chị xưa nay gắn bó với Mẹ. Chị với Mẹ tuy hai mà một. Số phận người này níu kéo số phận người kia. Ở điểm này nếu nói rộng hơn, Miêng có vẻ lên án các cụ ngày xưa đòi hỏi ở con cái quá nhiều. O Hậu trong « Già », cặp tình nhân trong « N.Y. » và chị Thảo là nạn nhân trực tiếp của tính ích kỷ do các cụ đặt ra. Bà cụ trong « Già » không đoái hoài gì đến con cháu, nhưng khi cụ không đủ sức tự săn sóc mình nữa thì lại thích có người hầu hạ, cung phụng cụ. Cặp tình nhân trong « N.Y. » không hiểu sao hai bà mẹ lại ghét nhau ghê gớm. Hai cụ có một mối thù từ thuở nào đó và sẵn sàng truyền lại cho con cái mình. Trong « Hiếu Thảo», hình ảnh hai ông bà cụ và một cô gái già có nét gì đó vừa cô đơn vừa sầu thảm. Có lẽ cuộc đời của chị Thảo sẽ khác hơn, có ý nghĩa hơn nếu hai cụ không đòi hỏi ở chị nhiều quá. Bi kịch của chị Thảo, của O Hậu, của cặp tình nhân có lẽ rất phổ biến trong các gia đình Việt Nam.

Nói chung, cái độc đáo của Miêng là sự tinh tế, thông minh, và sâu sắc khi viết về mọi vấn đề trong thời đại của chúng ta. Ðọc đến đoạn con khỉ Chi Chi cầm cái dao loáng máu làm tôi lạnh người, đoạn bà cụ Chắc vừa gõ mõ tụng kinh vừa mưu tính lợi hại cho tôi sự mỉa mai cay đắng của kiếp nhân sinh, và đoạn đáng nhớ nhất là bà mẹ nhận tiền tử của con lại cứ ngỡ rằng con dành dụm gửi về biếu mẹ. Cho đến cái chết của Quỳ cũng có một điều gì đó thật mông lung, cô quạnh. Nói đúng ra Qùy chết vì tự nàng lao đầu vào cuộc tình không lối thoát. Qùy nghĩ rằng Cương yêu nàng đến độ giết vợ để hòng chung sống vơi nàng. Nàng hoàn toàn nghĩ sai. Cương làm tình với nàng lần cuối như một cách trả ơn nàng đã ra làm chứng cho y. Kết quả là nàng mang thai. Qùy đến tìm Cương và bắt gặp y đang làm tình với một người con gái trẻ khác. Qùy thất vọng nhảy xuống sông Seine tự tử. Nói cho cùng, nguyên nhân đưa đến cái chết của Qùy có lẽ bắt đầu từ lúc đứa con trai và chồng nàng bị tai nạn xe hơi đến độ tật nguyền. Qùy viết trong nhật ký : « Tôi thường ngồi lịm giữa cầu thang nhớ tới thân hình xiêu vẹo anh khó nhọc bước lên ». Chồng Qùy trở nên khó tính và mất đi nhiều khả năng đã có. Trong khi đó Cương đem đến cho nàng nhiều an ủi và, một cách nào đó, thổi vào nàng sự sống đang lần mòn chết đi. Bi kịch của Qùy phần lớn khơi mào từ chính trong gia đình của nàng hơn là do Cương đem đến. Có một điểm hơi vô lý trong truyện này: Qùy ra làm chứng cho Cương. Thiết tưởng sự làm chứng của nàng hoàn toàn vô ích nếu không muốn nói góp phần vào buộc tội Cương sớm hơn. Miêng loay hoay ở trang 146, 147 và 148 nhưng vẫn không thuyết phục được người đọc sự cần thiết và hợp lý để Qùy ra làm chứng.

Một số ghi nhận mà theo tôi có vẻ hơi thái quá trong Tuyển Tập Truyện Ngắn của Miêng. 1) Vài truyện diễn tiến quá mau làm người đọc có cảm tưởng đang đọc một summary ; cốt truyện và nhân vật không có cơ hội phát triển tự nhiên. 2) Nhân xưng trong truyện « Cái Giếng » chưa được chỉnh cho lắm. 3) Mưa có ý nghĩa đặc biệt trong truyện của Miêng, thường báo trước một biến cố quan trọng nào đó sắp xảy ra, nhưng nhiều đoạn tác giả hơi lạm dụng tiếng mưa (oversimply, oversignify), thành thử, một cách nào đó, làm mất đi ý nghĩa hiển nhiên của nó. 4) Không khí điên rồ và bịnh hoạn bao phủ quá nhiều. Một số truyện và nhân vật có nguy cơ tiến đến ranh giới của morbidity và pathos. Nếu không khéo léo, tác giả rất dễ đưa người đọc vào trạng thái hoài nghi hoặc câu chuyện chính nó cũng mất tính reliable.

Anh Nguyễn Mộng Giác Viết : « Tôi nghĩ chưa có nhà văn nữ Việt Nam nào dựng một không khí tiểu thuyết thảm khốc như thế, trước Miêng ». Thật đúng vậy, và có lẽ chưa có nhà văn nữ Việt Nam nào viết về một thời đại đã qua hoặc đang xảy đến với cái nhìn u uất và đầy cảm tính như Miêng. Tuyển Tập Truyện Ngắn của Miêng là một tác phẩm quan trọng trong nền văn học hải ngoại. Ông Nguyễn Hưng Quốc, trong một số bài viết gần đây, nhận định nền văn học èo uột của chúng ta hiện nay. Ông có lối lý luận sắc bén và chặt chẽ, không thể không đồng ý với ông. Tuy nhiên, truyện ngắn của Miêng là một bằng chứng ngược lại điều ông nói.



HOÀNG ÐỖ

Spokane, Washington,

10-1999
Pearl
#23 Posted : Tuesday, March 28, 2006 8:51:46 PM(UTC)
Pearl

Rank: Newbie

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 37
Points: 0

ÐỌC MIÊNG

Nguyễn Mộng Giác




Mỗi lần đọc được một tác phẩm hay mới xuất bản của văn chương hải ngoại, tôi mừng rỡ, sau dó bần thần khôn nguôi.



Mừng rỡ, vì kho tàng văn học của người Việt có thêm một báu vật. và bần thần khi nghĩ trong hoàn cảnh lưu vong thất tán hiện nay của chúng ta, tác phẩm giá trị ấy trong tương lai sẽ ra sao, tác giả và tác phẩm có được định vị xứng đáng trong văn học sử của dân tộc hay mất hút trong đống lưu niệm bề bộn của không biết bao nhiêu sắc dân di cư trên thế giới. Người Việt chúng ta có kinh nghiệm di dân thua xa người Hoa, người Do Thái, người Ý, người Ðức.



Trong số những người Hoa được mộ qua Hoa Kỳ làm phu đường sắt trên một trăm ba mươi năm trước, tôi đoán thế nào cũng có những người có tài làm thơ. Ðời kham khổ quá, cô đơn trên xứ lạ, quê hương mịt mù, thân nhân mòn mõi chờ đợi bên kia đại dương mà hy vọng hồi hương mong manh, bấy nhiêu tình ý ấy tất nhiên phải kết tụ thành thơ. Và thơ ấy nhất định phải hay. Ðau khổ tột cùng thường đi đôi với Thi ca tuyệt vời. Những phu đường sắt người Hoa thời ấy lại bị người da trắng cấm bước chân tới những nơi tương đối sạch sẽ như hàng quán, công viên… nên càng mê những vần thơ «cám cảnh, ngôn chí» của bạn thơ đồng hương. Chưa có máy Xerox, chưa có Internet, không có báo cộng đồng, họ chép tay những bài thơ ấy chuyền cho nhau, số bản sao có lẽ không nhỏ. Những bài thơ ấy nay về đâu?



Những câu hỏi ấy cứ ám ảnh tôi, sau khi đọc tuyển tập truyện ngắn của Miêng (bút hiệu của nhà văn nữ Nguyễn Thị Xuân Sương, hiện ở Paris), do nhà Văn Mới vừa xuất bản.



Từ lâu tôi đã đọc truyện ngắn của Miêng trên các tạp chí văn chương như Thế Kỷ 21, Văn, Hợp Lưu, Văn Học, và khâm phục lối viết truyện ngắn độc đáo của chị. Nhưng cái hay, cái độc đáo hiện rải rác từng mảng đây đó không giúp cho tôi thấy hết giá trị văn chương của Miêng. Phải chờ đến lúc chị tuyển 21 truyện ngắn để nhà Văn Mới xuất bản thành sách, rồi sách in ra với mẫu bìa khác thường (chỉ có một chữ Miêng to tướng và tên nhà xuất bản, người mua sách bình thường không thể biết sách thuộc loại gì, của ai…), tôi mới nhận thức được hết tài năng văn chương của tác giả.



Về nhân vật : Trong bài Tựa, Nguyễn Nam Trân viết: «Tôi có cảm tưởng nhân vật của Miêng phần lớn như mang một vết thương chưa lành hay chưa biết bao giờ lên sẹo». Trước đó, Nguyễn Nam Trân có giải thích tính cách nhân vật truyện của Miêng: «(Tác phẩm) ghi lại bao nỗi thăng trầm của những đời người trong đó có bạn, có tôi. Chúng mình vẫn là những kẻ sống sót của một thời máu lửa, và vẫn còn là nhân chứng của một thời hỗn mang, đến nay mỗi ngày vẫn còn như đi trên dây xiếc để giữ một thế quân bình cho tâm hồn».



Tôi hoàn toàn đồng ý với ghi nhận của Nguyễn Nam Trân, chỉ xin thêm điều này: hầu hết những nhân vật bị thương của Miêng đều là phụ nữ. Nhà văn bày ra trước mắt chúng ta những mẫu đời phụ nữ bị đày đoạ, bị đẩy tới những hoàn cảnh nghiệt ngã đến nỗi điên loạn, hoặc phải chọn cái chết vì không có lối thoát. Bi kịch được tác giả đẩy lên tới cùng cực, và số phận (hay định mệnh) không nương tay cho bất cứ ai, từ một người mẹ quê chất phác nhận tiền tử của con mà cứ hí hửng tưởng con «hi sinh» chịu sống cần kiệm để gửi tiền về cho mẹ già (Hi sinh) cho đến người con gái già héo hắt cả đời vì mẹ và tìm không ra lẽ sống lúc mẹ chết đi; từ người mẹ điên loạn vì mất con trên đường vượt biển (Lạc) cho đến người phụ nữ trí thức ngoại tình trầm mình xuống sông Seine chẳng khác nào nhân vật của Tolstoï trong Anna Karénine (Nhân Chứng).



Tác nhân của bao nhiêu thảm kịch ấy có nhiều: gần nhất là đàn ông. Dưới ngòi bút của Miêng, bọn đàn ông đều lố bịch, giả dối, ngoại tình như máy, và vô tâm trước những đau khổ họ gây ra cho vợ con. Thử đọc những truyện ngắn như Ai Thương, Nhân Chứng, Nghịch Cảnh, N.Y., Ỡm Ờ, Quá Khứ. Truyện nào cũng khiến giới mày râu phải xấu hổ.



A tòng với bọn đàn ông là chế độ cộng sản (như trong các truyện Ðiêu Thuyền, Cái Giếng) và Ðịnh mệnh. Có nhiều truyện mang dáng dấp những bi kịch Hy lạp (Quá Khứ, Nghịch Cảnh, Nhân Chứng). Trong cơn lốc cuồng nộ thảm khốc là bối cảnh thông thường của truyện ngắn Miêng, nhân vật nào cũng bị chấn thương, mê sảng, điên dại, hãi hùng. Tôi nghĩ chưa có nhà văn nữ Việt Nam nào dựng một không khí tiểu thuyết thảm khốc như thế, trước Miêng. Chị đẩy nhân vật tới tận cùng của mọi thử thách, không cho những nhân vật cùng giới tính của chị được sống cuộc đời bình thường. Miêng thích những mẫu đời dị thường, những hoàn cảnh cực đoan.



Về lối viết : Tác giả tự làm khó mình. Tôi có cảm tưởng Miêng muốn tự thử thách mình khi chọn nhiều mẫu sống, nhiều mẫu nhân vật, nhiều mẫu bối cảnh khác nhau để viết truyện. Chị bắt đầu viết vào lứa tuổi không còn đem đời mình làm mẫu cho bao nhiêu tác phẩm mang dáng tự truyện. nhưng cũng chưa tới lứa tuổi viết hồi ký hay di chúc. Tạm gọi là những nhà văn có tác phẩm đầu tay ở tuổi trung niên, một hiện tượng đặc thù của văn chương hải ngoại.



Ở vào tuổi đó, tích lũy của kinh nghiệm sống (nhất là kinh nghiệm qua một thời tao loạn khốc liệt như Việt Nam nửa thế kỷ qua), cộng với kiến thức, đã khiến cho những nhà văn trung niên của hải ngoại có một cách viết đầy tự tín. Họ đã qua cái tuổi mê mình, và biết nhìn tới những thân phận khác để thấy cuộc đời đa diện và mênh mông hơn mình tưởng. Nhân vật truyện thường ở ngôi thứ ba. Trong tập truyện của Miêng, đôi khi nhân vật cũng xưng «tôi», nhưng qua tình tiết diễn tiến câu chuyện, ai cũng thấy nhân vật ở ngôi thứ nhất ấy không phải là tác giả.



Tuổi đời và kiến thức cũng giúp cho những nhà văn trung niên tránh được cái thói mù quáng chạy theo thời trang, những kiểu làm dáng vụ hình thức, ưa biểu diễn bằng những quái chiêu gây sốc. Giống như những người viết cùng thế hệ mình, Miêng có lối viết chừng mực, trầm tĩnh, đơn giản. Chị không vặn vẹo chữ nghĩa bắt chúng làm trò phù thủy . Chị cũng không trấn áp bạn đọc bằng những thủ pháp gây sững sờ. Chị viết truyện như một đạo diễn tài năng và tự tin, nắm vững bí quyết của nghề đến nỗi truyện cứ diễn tiến trôi chảy tự nhiên, cho đến một lúc bất ngờ nhất, từ trong tự nhiên, bi kịch xuất đầu lộ diện, và đời sống tưởng là bình thường mới trở lại chân tướng uyên nguyên đầy bất thường của nó.



Trong 21 truyện ngắn tác giả viết từ 1992 đến 1999, những truyện dài trên mười trang (như Cái Giếng, Ðiêu Thuyền, Hiếu Thảo, Lạc, Nhân chứng, Nghịch cảnh, Quá khứ, Quan phu) được viết theo một kỹ thuật khác với lối viết những truyện ngắn dưới mười trang. Trong những truyện ngắn dài, Miêng có tài sắp xếp các chi tiết để câu chuyện có được hai ưu điểm rất ít người viết văn đạt được cùng lúc: sự lôi cuốn hấp dẫn nhờ tình tiết và sự tinh tế trong tâm lý và tư tưởng.



Thử đọc một truyện tiêu biểu thuộc loại này: truyện Nhân chứng.



Tình tiết câu chuyện vô cùng rắc rối, phức tạp. Một phụ nữ thuộc tầng lớp trí thức ở Pháp ngoại tình với chồng người bạn thân của mình. Người đàn ông ngoại tình kia lại lăng nhăng với một phụ nữ trẻ hơn, tệ hơn nữa, lập mưu giết vợ để thong dong chung sống với người phụ nữ trẻ đó. Vụ án mạng chắc chắn đã làm rúng động dư luận, nhất là khi người đàn bà ngoại tình ra trước toà thú nhận mình ngoại tình để cho hung thủ được trắng án, dù biết trước thú nhận như thế chồng con sẽ xa lánh. Gia đình tan nát, nhân vật chính tìm gặp tình nhân, bắt gặp anh ta đang ân ái với người khác. Tuyệt vọng, nhân vật chính tự trầm ở sông Seine.



Cái kết của truyện cũng giống như cái kết bi thảm trong tiểu thuyết Anna Karénine của Léon Tolstoï. Văn hào Nga viết hẳn một bộ tiểu thuyết dài 500 trang mới diễn tả hết bi kịch phức tạp của Anna. Cũng bao nhiêu tình tiết rối rắm, bao nhiêu diễn biến tâm lý phức tạp của một vụ ngoại tình và án mạng, Miêng chỉ cần 15 trang. Trong mỗi chi tiết, mỗi câu, đều hàm chứa một bi kịch lớn; nhưng điều đó không hề khiến cho truyện nặng nề. Không khí truyện của Miêng rất gần với không khí truyện dài của Faulkner, và truyện ngắn của Tennessee Williams (ít người biết tới truyện ngắn của kịch tác gia này, chỉ biết những vỡ kịch của ông). Nhưng hình thức truyện ngắn của Miêng lại giản dị và nhiều chất thơ, giống như những huyền truyện của nhà văn Ý Dino Buzzati.



Nhưng theo tôi, tài năng của Miêng thể hiện rõ nhất ở những truyện thật ngắn. Tác giả có biệt tài nén những ngọn sóng ngầm, những điên loạn bi đát vào trong một lớp vỏ «tưởng như êm ả bình thường». Trong những truyện này, chất bi đát được gói kín khéo léo, để chờ đến vài câu chót, khói thuốc nổ ấy bùng lên trước mắt độc giả. Ðọc những truyện thật ngắn này của Miêng, tôi có cảm tưởng đang nghe một điệu nhạc blue của một nhạc công da đen: anh thổi saxophone diễn tả nỗi cơ cực của những người nô lệ cùng màu da với anh, và đến chỗ thống thiết nhất, anh lấy tay bịt miệng kèn lại. Âm thanh uất nghẹn càng khiến bi kịch nô lệ thống thiết hơn. Truyện thật ngắn «Biển» là thành công trọn vẹn của Miêng trong thể loại này.



Trong bài Tựa , Nguyễn Nam Trân đã rất tinh nhạy khi nhận ra được không khí đầy «âm thanh và cuồng nộ» trong văn của Miêng. Nguyễn Nam Trân viết: «Yêu, ghét, đam mê, phản bội, thoái hoá, biến chất… hay lẩn trốn vào trong cơn điên dại như lẩn trốn vào cõi tĩnh lặng của con mắt một trận bão. Ðiên dại, hôn mê, khắc khoải là bầu không khí bao trùm lên một nỗi đau thời thế».



Không khí ấy thật hiếm hoi trong văn nghiệp các nhà văn nữ Việt Nam xưa nay.



Nguyễn Mộng Giác

Users browsing this topic
Guest (4)
2 Pages<12
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.