Kim LEFEVRE (1937 ? - )
Nguyễn Thị Chân QuỳnhSinh tại Hà Nội, có lẽ vào năm 1937 : Kim không có khai sinh thực sự. Cái tên Lan Kim Thu do cha dượng đặt và khai cho khi Kim lên mười để có giấy tờ đi học.
Cha đẻ là một quân nhân Pháp, Jean Tiffon, song hai cha con chưa bao giờ gặp nhau : Kim là con vô thừa nhận. Mẹ Kim người Bắc, có một trình độ học vấn cao so với phụ nữ thời xưa (Certificat détudes), vì trót sinh con hoang nên bị gia đình hất hủi. Thời thơ ấu của Kim là một chuỗi ngày đau khổ, lọt lòng mẹ đã bị gửi đi ở vú, rồi nhờ họ hàng, hết nhà này đến nhà kia - mẹ còn phải nhọc nhằn kiếm tiền. Đi đến đâu Kim cũng toàn nghe những lời cay đắng :"Cái giống lai nó bạc lắm". Năm lên 6, mẹ bị gia đình ép phải bỏ Kim vào Viện mồ côi, đời sống lại còn cay cực hơn đến nỗi có lần Kim toan tự tận. Năm 1945, vì thời cuộc, Viện phải giải tán, Kim đuợc mẹ đón về, song vì không nhận ra mẹ, bà phước không chịu giao trả. Người mẹ buồn tủi, khóc lóc, trông cái dáng sụt sùi, thiểu não của mẹ, một hình ảnh quen thuộc chợt lóe ra trong ký ức Kim, cuối cùng hai mẹ con cũng được đoàn tụ. (Nếu quả Kim sinh năm 1937, 1943 vào Viện, 1945 xuất Viện thì mới ở có hai năm sao Kim đã có thể quên được mẹ ?). Tiếng gọi là "đoàn tụ", thực ra xuất Viện là Kim lại tiếp tục cuộc đời "ăn cơm nhà dì, uống nước nhà cô" một thời gian nữa rồi mới được mẹ đón về ở với cha dượng, một người Tầu ở Chợ Lớn, hết sức lạnh nhạt với Kim mặc dầu cô bé tìm đủ mọi cách để lấy lòng. Không thành công, Kim dám xoay ra ăn cắp tiền cốt để bị trừng phạt, ít nhất như thế người ta cũng có đếm xỉa đến Kim, nhưng Kim vẫn thất bại. Năm 12 tuổi cha bán đi làm con ở.
Cũng may mẹ Kim đủ sáng suốt để nhận định Kim cần phải có học vấn để tự tạo một tương lai sáng sủa. Người đàn bà vốn rất phục tòng chồng này đã không ngần ngại, lén lút xin cho con riêng đi học, và Kim đã đi học trong một tình trạng khác người : học bài vụng trộm trong bếp, cặp sách dấu trong đống củi...Mặc dầu gặp nhiều trở ngại, song nhờ trí thông minh và nhất là nhờ sự giúp đỡ tận tình của mẹ, Kim đã giành được một địa vị trong xã hội : tốt nghiệp hạng ba trường Đại học sư phạm và được bổ nhiệm ngay tại Saigon. Mấy tháng sau, được học bổng sang Pháp (1960) Kim đã chọn ở lại Pháp, đi dạy học các trường trung học một thời gian rồi chuyển sang ngành ca kịch. Đã từng trình diễn ở các nước Âu, Á và Phi châu.
Năm 1989, Kim cho ra đời cuốn Métisse blanche (Đứa con gái lai bạch chủng) và được Bernard Pivot mời lên đài truyền hình phỏng vấn. Nhờ cuốn sách này Kim đã nối lại được liên lạc với Việt Nam mà Kim cố tình tránh né từ lâu : Việt Nam gợi cho Kim những ngày thơ ấu đầy đau khổ. Ngày nay Kim đã trở về thăm gia đình và thăm Việt Nam, Kim đã giải tỏa được nỗi sợ hãi Việt Nam mà Kim vừa yêu lại vừa hận.
1990 Kim cho ra tiếp cuốn thứ hai Retour à la saison des pluies (Trở lại mùa mưa).
Hai tổ quốc mà không một chỗ đứng
Kim chưa ra đời đã bất hạnh : mẹ Kim vừa có thai thì người cha đột ngột bỏ đi không một lời từ biệt. Có lẽ ông ta cũng yêu mẹ Kim, nhưng chưa đủ để vượt qua những trở ngại của xã hội để đi đến hôn nhân.
Cha không nhận, người Pháp ở Việt Nam cũng không mấy ai muốn có liên hệ xa gần gì với giọt máu rơi này. Khi còn làm bếp cho một ông Giám đốc Viện Hải học ở Nha Trang, thấy ông có ý săn sóc dạy Kim tiếng Pháp, mẹ Kim đánh bạo xin ông giúp Kim đi học, Kim chẳng cũng thuộc nòi giống của ông đấy ư ? Lập tức ngày hôm sau bức tường phân chia chủ tớ lại được vạch ra phân minh. Rồi đến khi Kim đi học ở Đà Lạt, bà Mẹ Nhất cũng lộ vẻ khó chịu khi Kim tỏ lòng biết ơn theo kiểu Việt Nam mà bà cho là quỵ luỵ.
Cha không ngó ngàng đến, người Pháp không nhìn nhận, thậm chí cả những người lai như Kim cũng khinh bỉ Kim là " annamite ". Đối với Kim, nước Pháp đại diện cho người cha mà Kim thù hận. Kim tưởng tượng cha mình là một thực dân hống hách, thuộc " phe bên kia ". Tóm lại, Kim không có cảm tình với quê cha, tuy nhiên, đôi khi ngắm những tấm hình phụ nữ Pháp trẻ đẹp treo trên tường Kim cũng có lần ao ước mình là một cô gái Pháp, và cảm thấy tủi hổ vì thân phận " annamite " của mình !
Nhưng giấc mơ trở thành người Pháp chỉ thoáng qua vì những người thực lòng yêu thương Kim toàn là người Việt, dù đếm được trên đầu ngón tay : mẹ, bà Tư, bà Pho...cho nên Kim thường vui vẻ nhận mình là Việt Nam, thích ăn cơm ta, thích mặc áo dài hơn áo đầm, thích đi chùa hơn đi nhà thờ, và còn tự hứa lớn lên sẽ nhuộm răng thật đen...Kim mong muốn trở thành một cô gái Việt thuần tuý và tự lừa dối mình bằng cách tránh soi gương để khỏi phải đối chiếu với sự thực. Có lúc Kim cũng ao ước cha mẹ mình là người Việt, nếu không thì cũng mong mỏi gặp một tai nạn lớn để có thể trút bỏ hết những giọt máu Pháp trong mình. Song dù Kim có tự lừa dối đuợc mình thì bạn bè, kể cả những người thân nhất, đôi khi cũng thốt ra những lời làm Kim tủi cực : " Mày là con lai, chúng tao tin mày thế nào được ? ". Người lớn cũng một luận điệu : " Nuôi làm gì cái giống lai, ngày sau lớn lên, cái máu Tây mạnh hơn, nó sẽ bỏ mình ngay. Giống lai là chúa bạc ".
Bên cha không nhận, bên mẹ hất hủi, Kim lại mơ ước đến một giải pháp thứ ba : tìm ra một xứ trong đó chỉ có toàn người lai ở, từ cha mẹ đến cô giáo đều lai tuốt. Ở đó Kim sẽ không thấy mình lạc loài và cô đơn.
Là một cô bé nhạy cảm, thèm khát yêu thương mà chỉ tiếp nhận những cử chỉ lạnh nhạt, những lời nói phũ phàng, Kim rất hận Việt Nam, hận đến nỗi từ khi định cư ở Pháp, trong suốt 30 năm, Kim hầu như tuyệt tình với người Việt, tránh né tất cả những gì liên quan đến Việt Nam.
Ngày nay bình tâm nghĩ lại, Kim đã thận trọng cân nhắc : " Việt Nam đã nuôi dưỡng tôi, những tình thương đầu tiên tôi đã tiếp nhận là ở Việt Nam. Tôi nói tiếng Việt, thấm nhuần văn hoá Việt. Tôi thiết tha với Việt Nam, tổ quốc của tôi. Tôi đã hết lòng hoà mình vào đời sống Việt Nam, nhưng Việt Nam không yêu tôi và sẽ chẳng bao giờ chấp nhận tôi. Tuy vậy tôi cũng không lên án Việt Nam. Việt Nam với tôi là hình ảnh người mẹ dịu hiền " (Métisse blanche). " Phụ tình án đã rõ ràng... ".
Còn đối với nước Pháp đã giang tay đón cô sinh viên du học, những ác cảm và thành kiến ban đầu đã hết ngay từ ngày Kim đặt chân đến Paris. Duy đối với người cha thì Kim dứt khoác giữ vững lập trường : " Có thể sau này tôi sẽ tìm gặp đứa em cùng mẹ khác cha, nhưng bắt liên lạc với người cha ấy thì không bao giờ ! ".
Xã hội Việt Nam qua tác phẩm của Kim Lefèvre
Có người từng đặt câu hỏi : " Cái xã hội mà Kim Lefèvre mô tả có đúng sự thật không ? ".
Tôi nghĩ rằng khi viết, Kim Lefèvre đã chân thành và cố gắng tỏ ra khách quan song có thể Kim còn bị giới hạn vì hai điểm :
- " Giáo dục " gia đình.
- Mặc cảm làm con lai.
Cái xã hội mà Kim Lefèvre mô tả có rất nhiều người lấy Pháp và rất nhiều người lai, cậu Albert, anh Yves, bốn người cô họ lai, cùng mẹ nhưng khác cha...Chính mẹ Kim không phải chỉ " xẩy chân " có một lần với cha Kim mà sau đó còn sinh thêm một đứa con trai với một người quân nhân Pháp khác. Và cũng chính mẹ Kim đã từng mơ ước Kim được một người Pháp để mắt tới dù khi ấy Kim chỉ mới có hơn 10 tuổi. Lấy Tây tuy chưa hẳn là một chuyện bình thường nhưng cũng là chuyện thường xảy ra trong gia đình và chung quanh Kim. Đối với ngoại quốc người Việt thường tỏ ra rất cởi mở, riêng về vấn đề hôn nhân dị chủng thì người Việt thời xưa lại rất kỳ thị, đặc biệt với người Pháp sự kỳ thị còn đèo thêm mặc cảm của người dân bị đô hộ. Những cuộc phối hợp dựa trên tình yêu như trường hợp mẹ Kim rất hiếm, phần đông chỉ là chuyện bị cưỡng ép, và nếu có " tự nguyện " thì cũng dựa trên căn bản lý tài, cho nên những người lấy ngoại quốc thường bị khinh bỉ, con nhà " nền nếp " đến bước đường cùng cũng không chịu làm " me tây ". Gia đình Kim, cái " nền nếp " đã trở nên lỏng lẻo, do đó có nhiều điều Kim không hiểu hoặc hiểu lầm, tỉ như chuyện bóp cổ con gái khi mới đẻ ra, Kim nhắc đi nhắc lại mấy lần trong cả hai cuốn sách. Tôi chỉ nghe người Tầu giết con gái, chưa từng nghe người Việt bóp cổ con gái bao giờ, có nghèo thì cũng chỉ đến bán con là cùng. Cái xã hội Việt Nam xưa tuy có trọng nam khinh nữ thật nhưng chưa đi đến chỗ bóp cổ con gái.
Cái xã hội Việt Nam ấy cũng rất giả dối, nghĩ một đằng làm một nẻo, đặc biệt trong quan hệ nam nữ. Người con gái muốn được kính nễ thì phải " treo giá ngọc ", Kim là con lai càng phải " gìn vàng giữ ngọc " gấp bội để xoá bỏ thành kiến rằng con lai thuộc loại dễ dàng. Cho nên Kim cương quyết né tránh anh chàng phi công tài hoa khi nhận ra lòng mình " dường đã xiêu xiêu ". Có lẽ mẹ Kim đã điêu đứng vì trót nhẹ dạ cho nên nhồi nhét vào đầu Kim " làm thân con gái chữ trinh làm đầu " ngay từ khi Kim còn bé, và Kim đã ghi lòng tạc dạ mà chẳng hiểu gì, đến nỗi lần đầu tiếp nhận một luồng mắt đưa tình, cô bé sợ hãi bật khóc vì tưởng mình đã mất trinh !
Cái xã hội Việt Nam ấy đã kỳ thị lại bất công, trút lên đầu những người lai, những đứa trẻ vô tội, tất cả hận thù của một nước bị đô hộ. " Ở Việt Nam tôi chưa hề thấy ai lên tiếng bênh vực cho những đứa con lai như tôi bao giờ ".
Đâu là sự thực ?
Viết xong Métisse blanche Kim đã giải toả được mối hận và những mặc cảm về Việt Nam, song tận đáy lòng Kim vẫn ẩn náu một cô bé đã bị Việt Nam ngược đãi, Kim không tài nào quên được.
Thuở nhỏ Kim quả có một đời sống cay cực, nhưng nói rằng " Việt Nam không yêu và sẽ không bao giờ chấp nhận " Kim thì có phần oan cho Việt Nam. Ngay thời ấy Kim cũng vẫn có những người thành thật yêu Kim : mẹ, bà Tư, bà Pho, lũ bạn ở nhà quê đã từng mời mọc Kim về nhà...thế không là " chấp nhận " thì là gì ? Dĩ nhiên người ta không thể quên đi được sự khác biệt của Kim rành rành in trên nét mặt. Sự khác biệt ấy có thể là một khuyết điểm (như Kim nghĩ), song bà Tư đã chẳng giảng cho Kim hay rằng nó có thể trở nên ưu điểm đấy ư ? Quả nhiên khi Kim vừa lớn lên ; biết bao nhiêu người đã cảm cái sắc đẹp của Kim song vì mặc cảm Kim yên trí những người này chỉ muốn lợi dụng mình. Như vậy không đúng, cái anh chàng Hồ đã chẳng hết lòng yêu và giúp đỡ Kim ngay từ ngày Kim mới bắt đầu bước chân vào Đại học cho tới khi sang Pháp ? Trường hợp này phải nói chính Kim đã phụ Hồ : tuy không yêu nhưng để mặc cho Hồ săn sóc mình như một vị hôn phu chính thức.
Việt Nam bị đô hộ, hận thù tích lũy, gặp dịp phát tiết là trút ra, có kể gì đến phải trái hay bất công ? Đành rằng hành động như thế chẳng có gì là quang minh chính đại, nhưng thử hỏi có dân tộc nào bị giày xéo, áp bức mà không cảm thấy nhục nhã, uất hận ? Ngay như nước Pháp mà Kim chọn để định cư vì " người Pháp không kỳ thị " thử hỏi sau Thế chiến Hai, họ đã đối xử ra sao với những phụ nữ đã từng thân cận với người Đức ? Họ không gọi những người này là " me Đức " nhưng họ đã gọt đầu bêu riếu những người đàn bà khốn khổ này. Lòng kỳ thị phát sinh ra từ cuộc sống bấp bênh nhiều hơn do sự khác biệt chủng tộc. Sự khác biệt chỉ gây tính hiếu kỳ nếu quyền lợi của người quan sát không bị đe dọa. Nước Pháp ngày nay không còn như nước Pháp khi Kim mới bước chân sang, hẳn Kim cũng đã nhận thấy nạn thất nghiệp ngày một gia tăng cùng với chính sách bài ngoại của Le Pen ?
Kim nhận xét ở Việt Nam mình bị lạc loài, sang Pháp được đón nhận ngay. Nhưng hai trường hợp khác hẳn nhau. Nước Pháp giang tay đón tiếp một thiếu nữ trẻ đẹp, có học vấn, có nghề ngghiệp, tương lai. Việt Nam, trái lại, phải bắt buộc cáng đáng một đứa con rơi của kẻ thù, có thể lớn lên nó sẽ hùa theo những đứa con lai khác quay lại ức hiếp, khinh khi người nuôi dưỡng nó. " Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ "...Đã thế Việt Nam lại nghèo khổ, " ốc đã chẳng mang nổi mình ốc ", còn đèo bòng cọc rêu sao được ? Kim phàn nàn ở Việt Nam không có ai bênh vực những đứa con lai, nhưng thời đô hộ, con lai thừa quyền uy để ức hiếp người Việt thì họ còn cần gì ai bênh vực ? Tại sao kẻ bị áp chế lại phải lên tiếng bênh vực cho người ức hiếp mình ? Trường hợp những người lai bị khốn khổ như Kim cũng có nhưng hiếm, số người Việt bị ngược đãi nhiều hơn.
Có lẽ Kim đã đặt sai trọng tâm của vấn đề. Thật ra Kim chỉ khổ khi còn nhỏ, từ khi bắt đầu đi học và " trổ mã " thì Việt Nam không " bạc đãi " Kim nữa, trái lại người ta ưa chuộng và quý trọng Kim. Ngay cả người cha dượng cũng thay đổi thái độ, trọng Kim hơn cả con riêng mình. Kim đã có nhiều người bạn thân, Kim đã chẳng từng thề thốt " sống chết có nhau " (à la vie, à la mort) với cô bạn Lê An là gì ? Khi lĩnh bằng Đại học, chính Kim đã nhận xét, rằng không còn ai , kể cả Kim, phân biệt Kim là con lai nữa.
Kim chọn ở lại Pháp vì đời sống ở Paris thích hợp với Kim hơn. Đây là vấn đề lựa chọn tự do chứ không phải vấn đề tránh né kỳ thị. Ở Saigon, ai làm gì mọi người đều biết, ở Paris mạnh ai nấy sống, không ai có thì giờ dòm ngó đến ai. Lòng ưa chuộng tự do của Kim đã thể hiện ngay từ khi Kim hứa với mẹ sẽ xin đi dạy học ở tỉnh nhà (Tuy Hoà) song lại nộp đơn xin dạy ở Saigon, vì tự biết ở Saigon không bị gia đình kiềm thúc. Kim bỏ Việt Nam, chọn Pháp cùng một lẽ ấy. Sự kỳ thị của Việt Nam đối với Kim chỉ có thực khi Kim còn nhỏ và trong ký ức Kim.
Bốn người con lai, bốn hoàn cảnh, bốn tâm tình. Samuel Baron chỉ nhận mình đã sinh và sống ở Đàng ngoài, đủ để gây lòng tin của độc giả, tuyệt nhiên không bao giờ đả động đến người mẹ Việt. Samuel Baron tách hẳn mình ra khỏi Việt Nam, gọi dân Việt là " dân bản xứ " . Ở thế kỷ 17, Á châu chìm đắm trong đạo Nho, lại là thứ Nho suy vi, trọng văn khinh võ, trong khi Âu Châu hùng mạnh, vũ khí tối tân, rầm rộ đi chinh phục các nước Á, Phi. Việt Nam vốn đã yếu kém về binh bị, lại đèo thêm nạn Nam Bắc phân tranh càng suy nhược. Không cần phải cân nhắc cũng thấy ngay ai mạnh ai yếu. Samuel Baron chọn Tây phương cũng dễ hiểu. Đến quê cha là Hoà Lan mà Samuel Baron cũng từ bỏ để xin gia nhập quốc tịch Anh thì còn nói gì đến quê mẹ hèn yếu ? Chỉ đáng trách là muốn tỏ lòng sùng kính Âu châu, Samuel Baron đã không ngần ngại bóp méo sự thật, kể cả những điều rất dễ kiểm tra khiến người ta đem dạ hoài nghi luôn cả những điều Samuel Baron viết đúng sự thực. Mặc dầu chúng ta cần đến A Description of the Kingdom of Tonqueen chúng ta không thể không dè dặt, biết rằng những nhận định của tác giả đôi khi lệch lạc vì thiên kiến.
Michel Đức Chaigneau sống ở Việt Nam 16 năm, sung sướng tột bực, thế mà vừa đặt chân đến nước Pháp, quả tim Michel Đức đã bị chinh phục ngay. Dĩ nhiên sự lựa chọn này không thể dựa trên ân tình : nước Pháp chưa từng nuôi Michel Đức một ngày, bất quá " cậu Đức " choáng mắt vì đời sống xa hoa, rực rỡ ở Pháp. Có điều khác với Samuel Baron, Michel Đức không vì thế mà khinh rẻ quê mẹ, chối bỏ gốc Việt của mình. Trong gia đình, nếu người mẹ bị coi rẻ thì tất nhiên quê mẹ cũng không được trọng vọng. Rất có thể địa vị bà Benette Huề cao hơn địa vị người mẹ của Samuel Baron. Bà Huề được vua Gia Long và cả đạo Thiên chúa ở đằng sau hậu thuẫn. Người cha Michel Đức, Jean Baptiste Chaigneau, lại con nhà thế tộc, khác với cha Samuel Baron là nhà buôn, nên cách đối đãi của Jean Baptiste Chaigneau với vợ có thể cũng khác. Cho nên dù Michel Đức chọn ở lại Pháp nhưng đối với Việt Nam vẫn còn " vương tơ ". Đôi khi tôi tự hỏi sau khi đã nếm mùi vị đời sống văn minh có bao giờ " cậu Đức " thấy tiếc cái đời sống hủ lậu nơi quê mẹ ?
Trái với Samuel Baron và Michel Đức Chaigneau, Hồ Dzếnh và Kim Lefèvre đều tỏ lòng thương yêu Việt Nam, yêu qua người mẹ. Cuốn sách đầu tay của Hồ Dzếnh mang dòng chữ " kính dâng mẹ " thì cuốn sách đầu tay của Kim Lefèvre cũng mang hàng chữ " A ma mère ".
Tuy không có một thời thơ ấu vàng son như Michel Đức, nhưng may mắn hơn Kim Lefèvre, đời sống thuở nhỏ của Hồ Dzếnh cũng tràn đầy hạnh phúc. Gia cảnh đã hơn mà về nhiều phương diện khác Hồ cũng hơn Kim : về màu da cũng như văn hoá, Hồ Dzếnh dễ hoà đồng với người Việt, ít khi bị phát giác, bị chỉ trỏ...dường như chỉ có một lần cậu bé Hồ đã hậm hực khi bị thầy giáo tiểu học nhiếc là " cái đồ Tô Định " (Chân Trời Cũ, tr. 144) cho nên Hồ yêu thương Việt Nam cũng là tự nhiên.
Hồ là người sống hoàn toàn bằng tình cảm. Tình cảm giúp Hồ tạo nên những dòng thơ xúc động, nhưng cũng chính tình cảm đôi khi dẫn dắt Hồ đi quá đà :
" Tôi tự tạo ra đau khổ để sống, để sung sướng vì thấy mình đau khổ hơn người ". (" Chị Yên ", Chân Trời Cũ ).
Đời sống nội tâm tuy phong phú nhưng Hồ đã mon men đến bên bờ vực thẳm của não bệnh :
" Thường thường tôi chỉ sống bằng mộng. Tôi không bằng lòng ai cả. Hình như tôi không bằng lòng cả tôi. Cái đau khổ tôi tự tạo lấy, dần dần trở nên mãnh liệt. Tôi phải kiếm cớ luôn luôn cho lòng mình thắc mắc, trong cái tin tưởng quái gở là mọi người không ai yêu tôi. Đó thực là một cực hình cho kẻ nào, như tôi, chịu ảnh hưởng sự khủng hoảng tinh thần do chính mình gây ra, do chính mình ham thích ". (" Lòng Mẹ ", Chân Trời Cũ ).
Tuy cũng nhạy cảm, nhưng Kim Lefèvre không để cho tình cảm lấn át lý trí, trừ những lúc ôn lại quá khứ. Không phải thiếu phụ trung niên đã than trách " Việt Nam chẳng yêu tôi " mà chính là cô bé Kim đang hậm hực. Sự thực không phải Việt Nam không chấp nhận Kim mà là Kim không chấp nhận Việt Nam thì đúng hơn. Trong ký ức Kim chỉ có một nước Việt Nam hất hủi Kim chứ không có nước Việt Nam quý trọng Kim, yêu thương Kim.
Hồ Dzếnh chọn Việt Nam vì thương xót, Kim Lefèvre chọn Pháp vì tự do. Vấn đề đặt ra trong Métisse blanche không phải chỉ có một mà là hai ; con lai và tự do. Nhan đề " Đứa con gái lai bạch chủng " đánh lạc hướng người đọc, song lại hấp dẫn hơn một nhan đề loại " Tôi chọn tự do " .
Viết xong Métisse blanche mối hận thù Việt Nam coi như giải tỏa. Kim đã trở về thăm gia đình và Việt Nam. Kim còn dịch Tướng Về Hưu của Nguyễn Huy Thiệp và ký tên vào danh sách những người đòi trả lại tự do cho Dương Thu Hương. Quả nhiên Kim Lefèvre vẫn quan tâm đến quê mẹ.
Châtenay Malabry, tháng hai, 1992
(Thế Kỷ 21, số 33, 34 và 36, 1992)
Nguyễn Thị Chân Quỳnh
http://chimviet.free.fr/...hoc/chquynh/loixua10.htm