Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
phải chi
đỗ quỳnh dao
Đã ngoài tám giờ mà buổi sáng vẫn chưa đến. Vầng đỏ trốn lì ở tận mãi đâu đợi buổi tối cuốn gói đi thật xa rồi mới dám lấp ló. Bầu trời thấp chùng, ui ui xam xám như còn lo sợ. Suốt đêm qua vạn vật phập phồng nơm mớp trước cơn thịnh nộ của tạo hóa, mưa tung tới tấp cây roi nước để giương oai với sét sáng lóe đang xé toạc bóng đen và sấm gầm gừ làm run rẩy màn khuya. Mưa quất sét chớp sấm nổ, quần nhau đến ngất ngư xiểng liểng rồi bỏ đi không một liếc mắt đến bãi chiến tàn. Để lại giờ đây, bờ tường ẩm chương phồng từng mảng sơn sắp tróc vẩy và mặt đất ủng xói lở thành những vũng bùn lầy lội. Xa hơn trên sân cỏ, mấy băng gỗ đợi nắng đến hong khô mớ xương khớp ê ẩm và chiếc cầu tụt mọng nước ngửng cổ ngóng tiếng cười của lũ trẻ.
Nó vẫn thích ngồi bên cửa sổ phòng khách và nhìn ra ngoài. Mỗi lần nó đều thấy như có gì cồn cào trong bụng, trồi lên ngực lên mặt và bật ra nơi khóe mắt. Lúc đó nó có cảm giác đã rời khỏi người và trở nên nhẹ nhàng trong suốt. Nó không còn là nó nữa. Nó là giọt nước, giọt nước rơm rớm, tức tưởi, nghẹn ngào, giọt nước khóc mà không biết vì sao khóc mà chỉ biết ngộp choáng dưới bao nhiêu ước muốn. Phải chi nó cũng nghịch ngợm nhảy tót vô vũng đọng cho tung toé nước khắp quần áo, phải chi nó cũng tung tăng đến trường cặp sách trên lưng vừa đi vừa trả bài trong đầu, phải chi nó chỉ lo nhả từng vòng khói phì phèo, phải chi nó chỉ lo vẽ mắt tô son để chài trai. Ừ phải chi nó như vậy, quậy phá hồn nhiên nhu mì ngoan ngoãn lẳng lơ hư hỏng. Như mọi đứa trẻ. Nó là một đứa trẻ nhưng nó khác mọi đứa trẻ vì nó không đi đứng chạy nhảy mà chỉ ngồi yên ở đây, ngồi bên cửa sổ phòng khách và nhìn ra ngoài.
Có tiếng khóa khua trong ổ. Dì đẩy cửa bước vào, nó gọi là dì cho thân mật chứ thật ra họ không có một liên hệ gia đình nào cả. Chỉ là mẹ nó và dì cùng có cái giọng nói giòn tan và sáng rỡ mặt trời của vùng Marseille. Dì là người láng giềng đến trông nom khi mẹ nó đi vắng. Một người tốt và đáng tin cậy, ngoại trừ giờ giấc co giãn theo số ly Pastis dì cụng. Dì bước lại ôm hôn nó và hỏi:
- Fifille-Con gái-dậy rồi hả?
Giọng nói líu lo như khoanh tròn từng lời, với những chữ cuối kéo dài nhừa nhựa.
Nếu nhìn kỹ, người ta có thể đoán là lúc trẻ dì cũng đã từng phủi ra khá nhiều đàn ông bu quanh, nhưng bây giờ chỉ ngoài năm mươi mà dì giống như một căn nhà hoang phế. Lỗi ở định mệnh cướp mất chồng con của dì trong một tai nạn. Lỗi ở vận xui kết dì với người chồng sau vũ phu rồi cuối cùng bỏ dì. Lỗi ở những ly Pastis lúc đầu uống để quên và dần dà uống vì ghiền. Lỗi ở thời gian rón rén đi từng bước kín đáo cho đến một hôm khi soi gương dì thấy mình điêu tàn đổ nát, có muốn thương lượng điều đình chi nữa với thời gian cũng không kịp. Trên mặt, những sợi cơ như mất tính đàn hồi buông xuống hai gò má chảy nhão và tô đậm mớ nếp gấp đâm tua tủa. Mỗi nếp nhăn quanh miệng là một thử thách, mỗi đường gấp quanh mắt là một thất bại. Cái duy nhất còn sót lại của thời xuân sắc là đôi mắt sáng như sao băng, loại sao mà khi nhìn thấy người ta vội vàng thì thầm một ước nguyện. Đôi mắt giờ đây vẫn lấp lánh sao nhưng đã từ lâu dì hết tin vào phép lạ.
- Con gái có đói bụng không?
Dì vừa nói vừa lùa tay xoa mái tóc nó, máy tóc xoăn tít từng lọn nhỏ như con chó Pékinoise. Nhưng nó không phải là con chó, nó thua con chó vì nó không biết cắn, không biết bỏ chạy, không biết bảo vệ người khác hay chính mình, và cũng không biết sủa. Thật ra dù có sủa kêu hay gầm gừ, có ai nghe nó không?
- Thôi mình sửa soạn ăn sáng nhé.
Dì buộc khăn cho nó và bắt đầu phết bơ mứt lên hai miếng bánh mì khô. Phần dì chỉ có một tô cà phê đen thôi. Dì ăn ít nhưng hầu như bao nhiêu Pastis đổ vào không làm dì say mà tụ vào máu và đông thành mỡ, có lẽ vì thế nên thân hình của dì bị nuốt trọn trong những ngấn thịt nồng nặc mùi hồi. Dì nhâm nhi tô cà phê và bắt đầu nói. Cũng một câu chuyện mở đầu bằng-hồi thời của dì. Cũng một người nghe -là nó. Có sao đâu, dì nói để mà nói chứ chẳng chờ đợi gì nơi nó, chỉ vì có nó ngồi trước mặt chứ nếu không dì đã rù rì với Pastis rồi.
- ...Dì nghĩ con nên vô trường, con thì có bạn cùng trang lứa và mẹ con thì cũng đỡ lấn cấn.
Không, nó không muốn vô trường, nó không cần bạn bè. Cách đây mấy năm, nó có ở lại trường sinh hoạt nguyên một tuần lễ và bây giờ khi nghĩ đến nó vẫn còn thấy gai gai ơn ớn. Vả lại mẹ nó cũng không chấp nhận để nó ở trường, lẫn lộn với những đứa trẻ khác tuy có tay hay chân nhưng lại thiếu cái đầu. Bà muốn nó hòa nhập với những đứa, vừa có đầu suy nghĩ vừa có tay múa may và chân chạy nhảy. Nó cũng muốn như vậy nhưng làm sao được? làm sao đòi hỏi ở đứa trẻ cái mà người lớn chưa chắc đã làm được? họa chăng là thánh mới đủ nhẫn nại và kiên trì. Nhưng đừng nhắc đến thánh nữa, nó biết chắc không có thiên đàng với thánh thần hái từng giỏ hạnh phúc từng sọt đau khổ đem rắc đồng đều cho mọi người. Nếu không tại sao nó phải ngồi đây?
Không, nó không muốn vô trường, nó không muốn xa mẹ. Cứ cho là ở trường nó sẽ có đông bạn bè nhưng lỡ mẹ không vô thăm và quên nó luôn thì nó có sung sướng không? Nó cần mẹ, cần thấy mặt, cần nghe tiếng, cần ngửi mùi. Mỗi chiều, từ thứ hai đến thứ năm, khi cây kim đồng hồ đứng thẳng thì nó bắt đầu nôn nao rộn rã. Chừng nửa giờ sau, khoảng sáu giờ rưỡi thì mẹ nó đi làm về. Nó ngồi yên trong phòng nhưng nó rõ hết. Mẹ mở cửa bước vào, móc chùm khóa lên cây đinh đóng trên tường bên cạnh, rồi treo áo khoác lên mắc. Chân bà thong thả rút khỏi giày và xỏ gọn đôi dép đi trong nhà. Đôi dép xanh, có chùm len xanh, có gót cao kêu lót cót trên sàn gỗ. Tại sao không là đôi dép thấp vừa nhẹ nhàng cho chân, vừa êm ái cho màng nhĩ? tại sao lại xanh mà không màu khác? Không cần thắc mắc, có những thứ đã có từ thuở nào và trở thành thói quen. Chỉ biết nếu thiếu vắng thì nó sẽ nhớ vô cùng, thế thôi. Cũng như màu xanh có mặt khắp nhà, đâu đâu cũng màu xanh, xanh sơn cửa, xanh vải màn, xanh men sứ, xanh gạch lót, xanh giấy dán tường, xanh vinyl trải phòng tắm, và xanh luôn cả gương mặt thiếu nắng của nó.
Bây giờ mẹ vào phòng ngủ, cất vô tủ cái ví Vuitton giả rồi đi tắm. Khi trở ra, bà nằm phịch trên giường, mặt ngước nhìn lên trần. Bà có vẻ mệt và chán, như cây cải héo với mấy chân lông nở toạc. Chắc bà cũng muốn chui xuống chăn, vùi đầu vô cái gối hình chữ nhật có dúng quanh bằng lụa xanh, và ngủ. Ngủ một giấc dài thật đã, để quên hết mọi sự. Nhưng bà thở hắt ra và ngồi dậy chậm chạp. Bà có thể quên tất cả, quên bà quên người khác nhưng bà không quên được nó, vì nó tùy thuộc vào bà.
Bà đưa nó vào phòng tắm để rửa ráy. Mỗi chiều bà đều lau rửa nó và đến chiều thứ năm thì có dì sang giúp bà tắm cho nó. Vì bà đi nghỉ cuối tuần ngay chiều thứ sáu sau khi tan sở và chỉ trở về chiều thứ hai. Xong vô bếp sửa soạn cơm tối cho nó. Nói cơm tối cho có vẻ động nồi khua chảo, chứ thật sự chỉ một miếng jambon cong queo với khoai tây tán ăn liền, hoặc tóm gọn hơn, một lon đồ hộp. Giản tiện, sạch bếp và đỡ mất thời giờ. Đừng tưởng bà vụng về không biết làm cơm, lúc trước bà cũng bày biện nấu nướng đủ món nhưng từ khi chị nó dọn ra ở ngoài bà đã dẹp luôn cái tạp dề làm bếp vô trong tủ. Một hôm chị nó bất chợt về thăm nhà và thấy nó đang ăn đồ hộp. Mở tủ lạnh ra, chỉ chèo queo vài trái cà chua thâm đen và lát thịt nguội khô đét. Chị cằn nhằn:
- Sao mẹ không nấu thức ăn tươi cho nó?
- Thì đồ hộp cũng bổ cũng tốt vậy. Nó ngồi không suốt ngày thì đâu cần bồi dưỡng chi nhiều.
Mẹ nó có lý đấy, có làm việc thì mới có đốt ca lô, còn nó có làm gì đâu mà đòi hỏi nhiều. Cứ nhìn bà đi, làm việc quần quật suốt ngày mà buổi tối hầu như không ăn gì ngoài mẩu phó mát và trái cây.
- Mẹ kiêng ăn vì muốn cho gầy đẹp chứ nó có muốn vậy đâu. Vả lại ăn ít hay nhiều cũng đều cần có chất tươi.
- Bộ trái cây không phải là chất tươi sao?
Thật ra chị nó không nên trách mẹ vì mỗi khi đi chơi cuối tuần về, bà đều mang cho nó một gói Mac Do còn nóng, dầu chiên thấm loang ra hộp giấy.
Bà để nó ăn một mình trong bếp và ra ngồi trên xa lông ngoài phòng khách. Rồi bấm máy điều khiển mở truyền hình, như một người cô độc mở truyền hình để khỏa lấp im lặng để cảm thấy có người bên cạnh mình. Nó kề cận bên nhưng không phải như một người mà như cái tủ cái bàn vì nó cũng im lìm tựa gỗ. Trên màn ảnh, cô xướng ngôn viên đang đọc tin tức trong ngày. Bà mặc kệ tin tức trong ngày, nó chẳng dính dáng đến, ngày của bà đã quá dài quá nhọc rồi, tội quái gì để ý đến ngày của người khác. Bà chỉ lắng nghe bản dự đoán thời tiết để sửa soạn bộ cánh cho ngày mai và nhìn sững màn ảnh với một thoáng ganh tị đôi môi dày gợi cảm của cô xướng ngôn viên. Khi nó ăn xong, bà giúp nó làm vệ sinh tối và thay quần áo đi ngủ. Xong, dọn dẹp bếp và về phòng. Lúc ấy cũng đến giờ chiếu phim trên đài 1-TF1, nhưng bà không ngồi xem vì có thú khác hấp dẫn hơn: đọc sách. Thoạt tiên bà đọc sách để dỗ giấc ngủ, dần dà sách giúp bà thoát và mang lại cảm giác thong dong tự do. Khi đó bà trở thành các nhân vật nữ trong chuyện, lúc thì cô thợ xưởng máy hăng hái trong cuộc biểu tình đình công, lúc thì cô y tá "không biên giới" tận tụy trong tiếng súng ì ầm. Lúc nào bà cũng đóng vai, không thiết yếu là vai chính, nhưng luôn luôn chịu ép quên mình. Niên liễm đóng cho thư viện chưa bằng giá một quyển bày bán ngoài phố, tha hồ mà bà mượn sách và bay lượn thỏa thích với sự hy sinh được thăng hoa.
- Nè, Fifille-Con gái, nhớ để dành cho dì một phần với nhé, phần trăng đó. Nãy giờ dì nói chuyện với con mà con cứ như ở trên cung trăng, trên đó có đẹp không?,..tội nghiệp cho mẹ con, bà ấy còn trẻ quá, cứ như dì vậy mà khỏe, không ai làm khổ mà mình cũng không làm khổ ai, có chăng mình tự làm khổ với rượu.
Dì ngừng nói và lim dim đôi mắt, đôi mắt sao băng mất hút thật xa dưới hai mí sưng mụp. Lâu sau dì nói tiếp, giọng trầm xuống như đang phân trần, không biết với nó hay với chính dì:
- Thật ra mình tự làm khổ với rượu hay mình nhờ rượu để quên khổ?...Dì thương hai mẹ con, mẹ khổ con khổ người nào cũng khổ cả. Không thể nào sống như vậy mãi, phải thay đổi cách sống mới được, nhất là mẹ con còn trẻ quá.
Có chắc mẹ nó biết mình còn trẻ? một người đàn bà bị chồng thôi, với lương tối thiểu vỏn vẹn bốn số, quần quật trong bổn phận và trách nhiệm cùng hai con, đứa đầu vừa nứt mắt đã bỏ học lêu lổng còn đứa sau thì suốt ngày ngồi lì một chỗ. Một người đàn bà với thời khóa biểu chằng chịt như vậy làm sao còn thời giờ để đếm số tuổi và nhớ mình còn trẻ? họa chăng là để làm toán cộng cô đơn và bất hạnh của mình.
Chuyện nào cũng có một bắt đầu, vậy thì câu chuyện này phải được bắt đầu bằng mục giới thiệu các nhân vật. Đứng đầu áp phích là nó, sau đó là mẹ nó và dì. Chị nó xuất hiện rất ít ở đây nhưng sẽ trở lại thủ vai chính trong lần khác. Có vài người được nhắc thoáng qua, như ba nó, vợ sau của ba, ông nhà đèn bạn của mẹ, vv... Nó là một bé gái mười hai tuổi, ở cái lứa này lẽ ra nó phải non xèo búp mới nhú hay nếu có trổ mả sớm hơn thì hơ hơ nụ hàm tiếu. Nhưng nó già háp như trái giú ép. Nó già vì vị đắng của giận trong miệng. Nó già vì đã hiểu biết quá sớm, hiểu mình phải cúi đầu chấp nhận và nhất là hiểu mình không có quyền đòi hỏi khi mình không là gì cả. Còn tên nó là...? tên là gì nó cũng chẳng nhớ, đã từ lâu không gọi đến nên quên béng. Đừng tưởng nó ngốc nghếch đần độn, chưa chắc những trẻ khác biết nhiều bằng nó. Mảng óc của mấy đứa kia chỉ là hột đậu trắng so với khối xám của nó, nung núc những tế bào não to béo. Có gì lạ đâu, động cơ thì cơ nở còn động não thì não phì. Cứ tì tì hết xem truyền hình đến đọc sách, luôn cả mấy quyển tự điển Larousse, Robert gì cũng nhai, thét rồi nhiều thứ chui tọt và nằm luôn trong đầu nó. Thử hỏi tên thủ đô của bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thử hỏi con cameleon-cắc kè màu gì? thử hỏi ...Trong tích tắc đồng hồ thì nó đã trả lời. Nó không nhớ tên mình vì không cần thiết, có nói chuyện với ai đâu mà cần nhớ tên? Với dì thì chỉ Fifille-Con gái, với mẹ nó thì có hỏi hay dặn dò đều trỏng không. Với nó thì không lắc đầu không gật dầu không trả lời. Nó chỉ nói, kể chuyện và hát nữa khi có một mình, còn những lúc khác thì trơ phỗng tượng đá. Có lẽ vì nó sợ mẹ nó nổi tam bành, lỡ bà lên cơn giận như lần đó thì ôi thôi, mặt bà xanh còn hơn cái áo xanh đang mặc và miệng bà cong cớn một loạt từ dữ dằn. Tốt nhất là im lặng, và nhìn chỗ khác kẻo bà lại hét:
- Nhìn cái gì? đừng có giương mắt nhìn tôi như vậy. Bộ muốn trù ẻo hả? Xéo, lủi.
Cũng là đôi mắt này hồi xưa, xưa như cái thuở mẹ ôm nó vào lòng và nói:
- Mẹ yêu con gái của mẹ quá. Cho mẹ hôn đôi mắt tròn xoe như mắt nai Bambi, cho mẹ hôn bé Bi của mẹ.
Phải rồi, tên ở nhà của nó là bé Bi vì đôi mắt tròn xoe như mắt nai Bambi. Bambi, bam bi, bé Bi. Cũng là đôi mắt này hồi xưa, xưa như cái thuở mẹ nó kể chuyện cổ tích bắt đầu không phải bằng -ngày xưa có ông vua bà hoàng hậu mà là -ngày xưa có ba mẹ sinh ra hai cô con gái kháu khỉnh, cô chị giống cha dong dỏng tóc óng mượt màu rơm mới và con em mũm mĩm như mẹ tóc xoăn tít màu mật ong. Ai cũng trầm trồ hai con búp bê mặt khác nhưng áo quần luôn luôn chỉ một kiểu. Trong tiệm, mẹ nó hỏi cô bán hàng:
- Cô lấy cho tôi kiểu áo này, một "hai" tuổi và một "sáu" tuổi.
Ở nhà, ba nó nói:
- Thang hạnh phúc của ba có ba bậc, khi ba cưới mẹ ba trèo lên bậc thứ nhất có chị ba bước lên bậc nhì và có bé Bi thì ba đứng trên cùng.
Không biết ở đỉnh hạnh phúc ba nó có kịp thấy gì không vì bậc thứ ba mục nát và chiếc thang gẫy vụn một buổi sáng năm nó lên sáu tuổi. Buổi sáng đó khi thức giấc nó thấy khắp người bải hoải và mắt nhướng lên khó khăn. Vừa dợm đi vài bước thì hai chân đã mỏi rừ. Rồi hai chân nặng, hai chân lết, hai chân khuỵu, và hai chân bất động.
...
Những tháng ngày sau đó chỉ để ra vô nhà thương và mỗi lần đều giống nhau y hệt. Vẫn phòng đợi với những chậu hoa, kiểng giả và đống tạp chí cũ bong góc. Vẫn phòng bệnh và mớ dây, ống tiếp thuốc lòng thòng chực sẵn ở đầu giường. Vẫn phòng xoa nắn hăng hắc mùi thuốc khử với máy móc lạnh lùng đe dọa. Vẫn cái không khí căng thẳng của lo âu, trông đợi, mong chờ, hy vọng và cuối cùng ... thất vọng. Bây giờ ông bác sĩ hết nói với nó:
- Cái bệnh này đến và đi rất bất ngờ, không bao lâu thì sẽ chạy nhảy trở lại.
Bây giờ ông chỉ khuyên tiếp tục làm vật lý trị liệu.
...
Lúc đó nó là cái rốn trong vũ trụ nhỏ gia đình: mọi sự đều, vì, cho, để bé Bi. Không gian sống của cả nhà cô đọng quanh cái -bé Bi muốn bé Bi không muốn bé Bi thích bé Bi không thích, nhường cho em đi con chơi với em đi con đừng làm ồn để em ngủ đừng quấy để mẹ lo cho em...Nhưng chỉ vài tháng sau, chị nó không quấy không ồn và nhường tất cả cho em để tung tăng với các bạn, còn nó thì hết vòi vĩnh hết muốn làm quả trứng được nâng niu mà muốn như chị nó như mọi đứa trẻ, được chạy nhảy leo trèo. Không muốn ăn cà rem, không muốn gấu bông, không muốn búp bê, không muốn ngoan. Vì ngoan với người lớn có nghĩa là ngồi yên một chỗ. Trên xe lăn.
Nó ngồi yên năm đầu, ba mẹ khắng khít. Nó ngồi yên năm thứ hai, ba mẹ xô xát. Nó ngồi yên năm thứ ba, ba mẹ bỏ nhau, đúng hơn ba nó bỏ đi. Mấy mẹ con vẫn xúm xít ở lại trong chung cư này. Họ sống, đúng hơn mẹ nó sống, như để đợi ba trở về, như thể ông đang du lịch hay bận đi làm xa. Mẹ nó đã nghĩ và tin chắc như vậy. Ngay cả khi ông có người đàn bà khác, -nhằm nhò gì cỏn chỉ rù quến được cái vỏ bên ngoài chứ trái tim của chồng bà vẫn ở với vợ con. Ngay cả khi ông đòi ly dị và cưới cỏn, -í xì rồi thì chồng bà cũng sẽ trở về. Như thể bà gạt phắt ý nghĩ ba nó yêu người đàn bà kia và không thể sống thiếu họ.
Dì đứng dậy thu dọn chén bát bữa điểm tâm mang vô bếp. Vừa lết đôi chân phình ra hai bên như miếng phó mát chảy vừa tiếp tục nói chuyện râm ran.
- Ông...lúc này bết bát quá, nghe bà vợ kể là ông ta mất ăn mất ngủ từ hồi con chó của họ chết già. À con gái bà... có em bé rồi, mới ẵm về khoe tuần rồi...
Nó cố nhớ những ông Mít bà Xoài này, nhưng có vét cạn trí cũng không hình dung ra được. Chịu! Nó nhìn theo dì và đếm thầm nhịp nhảy của hai trái mông núng nính trong chiếc áo cô tông không dạng. Trái lên trái xuống, trái ừ trái không, cái ừ cái không, oui-non, oui-non. Ôi nó thương dì quá, nó thương như dì là, với máy phát thanh ra rả, với mùi rượu hồi nồng nặc, với hai bắp chân sưng phù ngoằn ngoèo gân xanh. Duy chỉ một điều làm nó nóng mũi nhột nhạt, đó là dì hay nói:
- Tội nghiệp cho con gái, con gái thật đáng thương.
Tại sao lại tội nghiệp? tại sao lại đáng thương? tội nghiệp đáng thương một người tật nguyền đồng nghĩa với coi thường khinh khi họ. Nó không cần thương hại không cần tội nghiệp. Thật ra chưa biết ai đáng tội nghiệp hơn ai? nó không vững vàng nhanh nhẹn bằng người khác nhưng nó bỏ xa họ về sức chịu đựng. Người lành lặn chỉ mới đụng vài mất mác thua thiệt thì đã than như bộng, còn người tật nguyền phải làm sao với nỗi bất hạnh đeo dính trên người? Họ phải gồng mình. Gồng mình với buồn tủi, hờn giận, ganh ghét, chán nản. Gồng mình với cổ nghẹn, ngực tức, bụng sôi, thân rã rượi. Gồng mình để quán xuyến sự đau khổ, rào giữ nỗi xúc động và tổ chức những tình cảm của mình. Họ gồng mình để sống vì họ yêu và quí trọng cuộc sống. Như vậy ai đáng thương hơn ai, ai đáng nể hơn ai?
Nó nghĩ một ngày nào đó nó phải nói với dì đừng gán cho nó mấy chữ đáng thương hay tội nghiệp nữa.
- Bây giờ dì đi chợ mua thức ăn để trưa nay làm trứng tráng với nấm cho con gái ăn, con gái thích không nè? Có ai kêu cửa cũng đừng mở nhé.
Dì dặn tuy biết thừa là nó sẽ không mở cửa cho ai, cũng như nó biết rõ dì không chỉ đi chợ mà còn tạt vô tiệm thuê một cuốn phim video. Vì ngoài rượu dì còn có một đam mê khác, là xem phim, nhưng không phải bất cứ phim nào mà phải là phim tầm tã sướt mướt. Người khác gắn sao cho quán ăn hay khách sạn còn dì thì chấm điểm phim theo số khăn dùng để xì mũi lau nước mắt. Càng tốn nhiều khăn thì cuốn phim càng có triển vọng được giải Oscar với dì.
Nó lăn xe đến gần cửa sổ. Bên ngoài trời vẫn ủ ê một màu tro mặc cho ngọn cỏ ướt ẩm đang co ro ngóng nắng. Đối diện, dãy chung cư với những ô cửa lặp lại, sáu hàng ngang tám hàng thẳng, thiểu não như khối bê tông bị rỗ mặt. Bỗng dưng nó thấy có gì đè nặng nơi ngực.
...Như mọi người, nó cũng có lúc vui lúc buồn.
Những ngày nó thấy đời sống rực rỡ muôn màu, những ngày nó là nắng, là sâu hóa bướm sắp rời khỏi kén. Những ngày ấy nó sắp xếp cuộc sống thật gọn gàng, dĩ nhiên theo cách của nó. Nhắm mắt lại và "thấy" những gì muốn. Nhắm mắt lại "thấy" đôi chân mập mạp rắn chắc, nhắm mắt lại "thấy" đôi chân đi đứng chạy nhảy, rồi bơi lội, trượt tuyết và luôn cả khiêu vũ. Có gì khó đâu? nó nhớ rõ từng động tác phải làm và vẫn thường xuyên ôn dợt trong đầu để một ngày nào đó...biết đâu nó khỏi bệnh. Nhắm mắt lại, nó là bong bóng biển xủi trắng trên cát, là bọt xà bông đủ màu cầu vồng mong manh lơ lửng,... Muốn gì mà lại không được? Ắn ngon? nhắm mắt lại còm măn rồi thì đủ mọi món nóng sốt. Mặc đẹp? nhắm mắt lại rồi tha hồ chọn áo quần hợp thời trang chất nghẹt trong tủ. Nó còn có thể "thấy" cả tình thương nữa. Nhắm mắt lại, nó thấy chị nó về thăm. Ô chị nó đẹp quá, đẹp như ảo tưởng như giấc mơ như núi tuyết lượn lờ trong ráng chiều trên tấm bưu ảnh. Chị xoa đầu nó và chơi với lọn tóc nâu xoăn... Nhắm mắt lại, nó thấy mẹ gội tóc cho nó và vuốt nhè nhẹ như đang làm mát xa da đầu. Xong mẹ cầm chiếc khăn ướt lau khắp người nó. Ưm ưm, mềm quá thơm quá, mềm như bông gòn, thơm như táo xanh. Nhắm mắt lại, hai chị em nó đang say mê nghe mẹ kể chuyện. Mẹ kể chuyện thật hay, chỉ điểm xuyết vài chi tiết thì câu chuyện bừng dậy với đủ cả sắc thanh mùi vị cùng cảm giác. Cũng có lúc bà hơi quá đà nhưng luôn luôn biết cách xoay trở rất hợp lý.
- Sao kỳ trước mẹ bảo bà phù thủy luôn luôn mặc áo đen mà kỳ này mẹ lại nói mặt bà ta đỏ hoét như cái áo đang mặc?
- Thì phải rồi, mấy áo đen dơ hết phải giặt, phơi chưa khô nên bà phù thủy thay đỡ áo đỏ!
Nhắm mắt lại, nó thấy ba đưa cả nhà đi chơi rồi...Rồi chỉ vậy thôi, dù có muốn thấy gì khác cũng không được, cái đầu bướng bỉnh của nó từ chối không chịu làm việc tiếp. Cố gắng lay chuyển não thì cũng chỉ vài hình ảnh rời rạc nhảy giựt rồi đứng khựng lại, trắng xóa. Y hệt cuốn phim bị đứt.
...Như mọi người nó cũng có lúc này lúc nọ.
Những ngày nó là mưa, là lá rụng là chim ướt. Những ngày nó thấy cuộc đời trống rỗng, đục nhờ như nước đọng. Những ngày nó chỉ muốn mất trí nhớ để quên sạch. Lần đó, ba nó hỏi gặng:
-Mấy giờ cô đến đón nó?
-Khoảng 20 giờ. Bệnh viện ở hơi tréo đường, phải đổi đến hai lượt buýt...
Ba cắt lời:
-Không có khoảng mà đúng 19 giờ 45.
Rồi ấp úng thêm như thể rất bực mình vì phải giải thích với mẹ nó:
-Tối nay ở nhà có khách.
Mẹ hôn phớt nó rồi dẫn chị đi thật nhanh. Ba vừa đẩy nó vô nhà thì bà vợ sau đã cằn nhằn:
-Tuần này đâu phải tới phiên anh trông? tại sao lại đòi gởi, bộ đây là nhà giữ trẻ hả?
-Bà ngoại của bé Bi ốm nặng phải vô nằm nhà thương, cô ấy đi vô thăm làm sao mà dẫn nó theo được?
-Anh muốn làm sao thì làm, em không thể vừa làm cơm tiếp bạn vừa lo cho nó.
...
Nó vẫn nghĩ nếu lúc đó ba nó trả lời :
-Thì đã sao?
hay ông đừng nói gì mà chỉ nín thinh im lặng. Có lẽ cuốn phim trong đầu nó sẽ chiếu tiếp tục và nó sẽ "thấy" được những hình ảnh trước khi ba nó bỏ đi.
Nhưng ông đã nói:
-Trời ơi tại sao lại phạt tôi phải vác cái thập tự này?
Khi đó, hình như nó ngồi cứng ngắc và nhìn sững một chấm vô hình dưới đất, cơ hồ muốn kềm giữ ý nghĩ và cảm xúc. Khi đó, hình như nó là đầu đầy ắp ngực nóng ran với cảm giác sáng suốt một cách khó chịu vì thấy mọi sự lố bịch trơ trẽn. Ba nó yếu đuối, không sao. Ba nó trốn trách nhiệm, không sao. Nhưng ông không có quyền nói nó là thập tự ông phải vác, vì thập tự này của nó và nó một mình cáng đáng. Một mình vác thập tự, không biết đến bao giờ và có thể là vĩnh viễn suốt đời. Một mình với thiệt thòi, ước mơ và tuyệt vọng, một mình với thân xác nổi loạn tinh thần sụp đổ. Một mình để khước từ chính mình, để ngoảnh mặt không nhìn mình trong gương, để muốn không phải là chết mà chưa bao giờ hiện hữu. Hiện hữu làm gì khi thân tâm xa lạ, thân chỉ còn là một tập hợp tế bào bên cạnh tâm thờ ơ dửng dưng rơi hẫng vào thinh không. Không, ông không có quyền nói vậy. Vì nó là con ông và vì nó tuy không có chân nhưng có trái tim và tình cảm thì nằm trong tim. Ông thản nhiên bóp vụn tình cảm của nó và thê thảm hơn nữa là ông không mảy may biết đã làm nó tổn thương. Nó nghĩ có thể nó sẽ đỡ khổ hơn nếu nó chỉ là một tai nạn ngoài ý, là cái sót lại của xung năng tình dục nơi hai con cái đực. Nhưng nó là kết quả của tình yêu là nấc thang hạnh phúc và nó nợ của ba nó "cái gọi là" tình cha con, "cái gọi là" vì tình ấy cũng què quặt như nó. Khi đó, hình như nó muốn khóc để giọt nước mắt tống tháo "cái gọi là" ấy, nhưng đôi mắt nó vẫn khô queo ráo hoảnh. Không biết phải cần bao nhiêu thời gian để giọt nước mắt trào khỏi khóe?
...
Lần đó mẹ nó vui như trúng số, những gì bà dự đoán đều đúng cả. Mặc sức mà bà đay nghiến, dù cho nó có giải nghĩa cách nào đi nữa: - Biết lắm mà, thứ chằn tinh thì làm sao mà tốt với con người khác, không hiểu cỏn làm gì mà bé Bi sợ không chịu về thăm ba nó nữa. Bà còn chì chiết thêm khi chị nó bớt về bên kia, sau ngày bà vợ sau của ba nó có em bé: - Đúng là ác phụ, ăn ở thế nào mà từ đứa nhỏ đến đứa lớn đều chạy hết!
Những người đàn bà bị chồng bỏ, có người cúi đầu cam chịu, có người lật trang đời mới, có người hằn học kiểu: -dặn đứa lớn rình xem bên kia "thằng cha đểu giả của mày" làm gì và dạy đứa nhỏ chia vanh vách động từ là (être) "cha tôi đã, là và sẽ là thằng khốn nạn". Mẹ nó thì khác, mọi sự đều do cỏn. Bà lờ chuyện cỏn chỉ xuất hiện rất lâu sau khi chồng bà bỏ đi, bà quên cỏn săn sóc con bà những khi chúng về bên kia, -í xì, thêm bát thêm dĩa có gì khó đâu! í xì, rửa ráy bé Bi thì có nặng nhọc gì! Bà không thấy (hay không chịu thấy?) là cỏn làm vậy vì yêu chồng, mà chỉ nghĩ là con hồ ly giả nhân nghĩa tung hỏa mù để nắm chồng của bà.
Bà đại thắng khi cả hai đứa trẻ đều lắc đầu không muốn về bên kia. Bà hài lòng nhưng không vui vì bây giờ bà hiểu cỏn mới là vợ của chồng bà, còn bà chỉ là bà trước, bà cũ, bà ex.
Dì đi đã lâu nhưng nó vẫn ngồi thừ một chỗ. Bỗng dưng nó thèm nghe tiếng động, những tiếng động bình thường trong nhà, tiếng mở cửa, tiếng nước chảy, tiếng chén bát khua chạm, tiếng bàn ghế xô đẩy, những tiếng động bình thường trong căn nhà có sự sống. Nó lăn xe đi khắp như để tìm kiếm cái gì. Bánh xe kêu xoèn xoẹt trên sàn gỗ thật vô duyên lạc lõng...
Phòng của chị nó hẹp nhưng thật sáng nhờ khung cửa sổ rộng nhưng là cái sáng không hồn, buồn hiu như con gấu bông nằm lăn lóc trên giường, tiu nghỉu như bộ pyjama vắt trên ghế. Ánh sáng ngóng chị để cười giòn tan trên những sợi óng mượt khi chị hất tung mái tóc. Ánh sáng đợi chị để nhảy lung linh trong đôi mắt sâu thẳm lúc chị ca. Chị không phân biệt nổi một nốt nhạc nhưng ư ử rung ngân ngay sau khi nghe vài lần một bài hát. Giọng chị không thánh thót hay trầm bổng, chỉ là một chuỗi ấm, ngắn hơi, gần đứt đoạn và lúc cuối câu thì bật tiếng kêu thảng thốt rạn vỡ như để bày tỏ. Nó không cần biết chị hát hay dở sai đúng, nó chỉ biết chị hát cho chị cho nó và cho ánh sáng hồi sinh trong căn phòng. Cũng trong phòng này chị thì thào kể cho nó nghe bao nhiêu chuyện, và luôn luôn chị ngồi trên ghế hoặc quỳ dưới đất để mặt ngang tầm với nó, chứ không bao giờ đứng nhìn từ trên xuống. Nó khúc khích khi chị giả bộ trịnh trọng giống mấy thằng con trai lúc mời chị đi xi nê và thành khẩn khi chị tâm sự về giấc mơ làm người mẫu. Chưa gì nó đã thấy khán giả đứng dậy vỗ tay tán thưởng khi chị xuất hiện trên podium trình diễn thời trang, chưa gì nó đã thấy hình chị ngập đầy trên mọi tạp chí phụ nữ. Ôi nó nhớ chị quay quắt... Lần cuối chị tạt về thăm nhà thật ngắn ngủi, chỉ đủ để lục mớ bạc lẻ mẹ nhét trong cái thẩu nhựa trên tủ bếp, để mượn nó sợi dây chuyền cùng tấm mề đay vàng bà ngoại sắm cho hai chị em, để xoa đầu và hôn nó. Khi ra cửa, chị quay lại nhìn nó thật lâu, không biết chị nhìn để xin lỗi hay để dặn nó đừng nói lại với mẹ. Lúc đó đôi mắt của chị thật lạ, như thể hai con ngươi nở phình ra...
Nó đẩy cửa vào phòng mẹ và ép sát chiếc xe vào một bên tường, tránh lát gỗ thứ năm giữa sàn bị gãy. Lạng quạng để bánh kẹt vô lỗ hỏm thì gay go đấy. Nó lăn xe đến tủ áo và mở ra. Hít lấy hít để như muốn hòa trộn và tan biến trong cái mùi, không hẳn khó chịu của mồ hôi mà cũng không phải dễ chịu vì quần áo đã mặc rồi còn ủ nước hoa và son phấn. Mùi của mẹ nó. Bà có thói quen thay đổi bộ cánh mỗi ngày, chỉ giũ cho thoáng và móc lại trong tủ. Vài lượt mặc rồi mới gom đi giặt, với thời gian chiếc tủ áo ướp ngấm trong cái mùi đặc biệt. Nó nhắm mắt và hít sâu vào tận cùng lồng ngực mùi của mẹ nó... Như có tay mẹ đang ôm nó, vuốt tóc, cọ má, xoa mũi, gãi lưng và thì thầm: -Bé Bi có thương mẹ không? Nó rên rĩ sung sướng, như đứa con nít chưa biết nói vừa mới khám phá ngón chân cái của mình và u ơ khoe mẹ.
Bỗng nó cụt hứng và bực mình khi mắt chạm vào bức ảnh để trên bàn nơi đầu giường. Đã tự dặn mình đừng nhìn nhưng nó vẫn luôn luôn bị hút vào cái từ trường đóng khuôn này. Nó cầm bức ảnh lên, bức ảnh của những ngày vui cũ. Cả nhà đi xem Hội chợ Trône, mẹ dắt chị và nó nắm tay ba đứng bên cạnh, trên đôi chân khỏe mạnh sẵn sàng chạy nhảy đu trèo. Nhưng mẹ giữ làm gì bức ảnh này khi ba đã có hạnh phúc mới và mẹ có ông nhà đèn? Ông nhà đèn là bạn trai của mẹ, cùng làm chung sỡ nhà đèn nhưng khác văn phòng. Theo lời dì kể, ông góa vợ và đeo đuổi mẹ từ lúc ba mẹ ly dị. Mẹ thì vẫn lơ lửng trong ảo vọng ba quay về và chỉ mới để ý đến ông từ khi ba có con với vợ sau.
Chuyện mẹ có ông nhà đèn tự nhiên không có gì lạ. Thì cũng như chị nó, như dì (nếu dì chịu bỏ rượu và ốm bớt, nó nghĩ vậy). Như mọi người. Dĩ nhiên không có nó trong cái mọi người này, nó không có bạn nhưng đâu phải vì vậy mà mẹ phải làm giống theo. Ông nhà đèn quàng lưng mẹ, gác tay sau ghế mẹ. Cũng bình thường thôi. Ông cầm nỉa với dao lớn để cắt con gà rô ti và nói: -ai ăn cánh ai ăn đùi ai ăn ức, ông rót rượu vào ly cho mẹ mà không cần hỏi ý, như để khẳng định người đàn bà này của mình và mình là chủ của gia đình. Thì đã sao.
Nhưng nó không thích ông vì ông dồn mẹ đến ngả hai, lần đó nó nghe mẹ khóc nức nở trong điện thoại:
- Tại sao phải dứt khoát? tại sao phải chọn lựa? tại sao phải bỏ nó vô trường?
Và nó ghét ông vì ông khiến cho mẹ nói ra cái mà mọi người, trừ nó, đều nghĩ.
- Sao ăn uống không coi chừng làm đổ tùm lum hết vậy? Bộ muốn hành tôi hả, bao nhiêu chưa đủ sao?
- Con đâu cố ý, tại mẹ cắt miếng lớn quá chứ đâu phải lỗi con.
- Phải rồi, không phải lỗi của ai hết, mà là lỗi của tôi. Tại tôi hết, tại tôi mà thằng cha bỏ đi, con lớn hư hỏng, con nhỏ bệnh tật. Tại tôi dữ nên bị chồng bỏ, tại tôi ác nên đẻ con què quặt, tại tôi không biết dạy con nên nó xì ke nghiện ngập. Tại tôi thích khổ nên đút tay vào cùm, tại tôi thích cực nên đeo gông vô cổ. Tại tôi hết, cái gì cũng tại tôi...
Mẹ ơi đừng nói vậy, con không bao giờ muốn hành mẹ. Xưa nay con chỉ biết mẹ lo cho con, nhưng đâu biết mẹ đã đuối sức với những -thay, tắm, cho bé Bi ăn, đi xi nê đi ăn tiệm, ai trông nó? đi hè đi nghỉ xa, ai giữ nó?-
Bây giờ con mới biết mẹ mỏi mòn với những loay hoay lẩn quẩn này, bây giờ con mới hiểu con là mụt nhọt làm ung thúi đời mẹ. Con phải làm sao đây? con biết làm sao đây?
- Nhìn nhìn, nhìn cái gì? cái mặt chằm vằm bộ muốn trù ẻo tôi hả? đi đi, đi về phòng đi, đừng ở đây giương mắt ếch mà nhìn như thằng cha bây nữa.
Giọng mẹ cứa sắc như miểng sành qua hàm răng khít rịt, đừng mẹ ơi giọng của mẹ là mật ngọt mà. Đầu mẹ lắc lư, miệng mẹ khi nghiến khi bĩu, đừng mẹ ơi mặt mẹ cứ nhão chảy như sáp đèn cầy nhầu nát như cái áo chưa ủi nhưng mẹ đừng như thế này.
- Sao hỏi mà không trả lời? câm rồi hả? què, câm, còn gì nữa cứ ra hết đi cho đủ bộ!
"Nhắm mắt lại" nó nghe mẹ nói:
- Mẹ không có ý nói cho bé Bi đâu, mà nói cho ông trời cho ai khác đó.
Nhưng mở mắt ra chỉ thấy trời ở tít tắp trên kia và một mình nó bên cạnh mẹ.
Ông trời ác quá, nếu đã bắt nó bị bệnh thì hãy làm tới cùng, cho nó đần ngốc để khỏi nghe khỏi thấy khỏi hiểu. Còn không thì có khó gì, ông chỉ búng tay cái chách thì nó bay thẳng lên đó. Hai cái ông Guillain Barré trí tuệ đã khám phá ra bệnh này, nếu không tìm được thuốc chữa thì ít nhất cũng cho biết chừng nào nó đi chứ? Dở ẹt! Nghe nói mấy đứa trẻ bị bệnh thường mất sớm, không biết nó còn ngồi ở đây cho đến bao giờ?
Các dãy nhà bắt đầu trở mình, náo nhiệt ầm ĩ. Người lớn cười nói, trẻ con khóc la, vợ chồng đập lộn, cha mẹ mắng con, hàng xóm gây gổ, nhạc Rap gào đua với nhạc Ả Rập cổ truyền, tiếng chai lon khua trong cột rác, tiếng chân đá vào cửa thang máy,... ngần ấy tiếng hòa hợp trong tấu khúc quen thuộc của một ngày thứ bảy nơi chung cư nghèo này.
Nắng đã thập thò, không nguyên vẹn mà cắt lát dầy, trải trên dãy đối diện. Chờn vờn ở các chậu hoa máng nơi cửa sổ rồi xà đến ve vãn mấy chị primevère. Chị hàm tiếu chị viên mãn, chị nào cũng tươi rói với lời tán tỉnh. Tha hồ mà nắng huênh hoang phơi phới bên chị búp lỏn lẻn chúm chím và chị nở toe toét hả hê...Nắng bây giờ ngập đầy các nốt rỗ khiến khối bê tông lấp lánh sáng ngời ánh kính trên cửa sổ. Nắng lan tràn trên sân, lau khô băng gỗ, vỗ về cầu tụt, rồi bám sát ngọn cỏ ẩm như để xin tha thứ cái thói chàng ràng bên hoa. Đây đó bên cạnh những ăn ten truyền hình lộ thiên, áo quần đủ màu lao xao nhún nhảy trên cây phơi nơi lan can, mặc cho ông gác dan chỉ trỏ la lối:
- Dẹp! làm ơn dẹp mấy cây phơi áo quần vô. Ở chung cư chứ bộ ở nhà riêng hay sao mà muốn làm gì thì làm. Cũng phải nghĩ đến người khác chứ, đâu phải chỉ có một mình thôi.
Bỗng dưng nó thấy nôn nao mong cho mau đến tối thứ hai để gặp mẹ. Nó sẽ trò chuyện lại với mẹ, sẽ nói mẹ đưa nó vô trường và khi nào rảnh thì vào thăm. Nếu mẹ không đi thăm thì cũng chẳng sao vì nó cảm thấy mẹ thương yêu nó. Và như vậy nó đã thấy đủ lắm rồi!
Đỗ Quỳnh Dao
26-06-2002
(trích từ "Con Nữ", tập truyện ngắn , vừa do Văn Mới xuất bản)
|