Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Bùi Bích Hà
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)




Bùi Bích Hà

Sinh năm 1938 tại Gia Hội, thành phố Huế.
Tốt nghiệp đại học sư phạm Huế ban Pháp văn.
Dạy học tại Ðà Nẵng, Sài Gòn.
Ðịnh cư tại Laguna Hill, quận Cam, Cali USA từ 1986.
Xuất hiện trên báo Người Việt từ 1987.

Tác phẩm đã xuất bản :

Buổi Sáng Một Mình (truyện, Người Việt 1989)
Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991)




Phượng Các
#2 Posted : Friday, January 13, 2006 10:45:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)





THƯ VIẾT CHIỀU THỨ BẢY

BÙI BÍCH HÀ



Ngày 24 tháng 9 năm 2005



Chị Dương Thu Hương,



Thời gian trong cuộc sống lưu vong của một người cũng chập chùng như chiêm bao. Lúc buồn, thấy rong rêu, tù đọng. Lúc nghĩ đến đất nước chia lìa, nhìn lại ước mơ không toại, soi chiếc bóng hư hao vào bức tường bốn mùa cô quạnh, thấy năm tháng rụng vèo đáng sợ.



Kể từ ngày 8/3/1992, khi tôi ngồi xuống viết lá thư đầu tiên gởi chị trong cảm xúc đằm thắm từ Thiên Đường Mù, tới nay, với lá thư thứ hai này, đã mười ba năm, sáu tháng hơn trôi qua trong cuộc đời hai chúng ta. Tôi ngờ rằng chị đã quên kỷ niệm tôi vừa nhắc, với cuộc sống tranh đấu bận rộn, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật, lên xuống nhiều sân khấu chói lòa vinh quang của chị. Riêng đối với tôi, lá thư ngày ấy gửi chị và sáu trang thư chị viết tay trả lời tôi nhờ Hợp Lưu chuyển, vẫn mãi mãi là cuộc trò chuyện tâm huyết của tình bạn không mờ phai trong ký ức được nuôi dưỡng bằng tình tự quê nhà trong tôi.



Hôm nay, cũng với mỹ cảm thuở ấy chúng ta đã cùng nhau cho và nhận, tôi lại viết gửi chị những giòng này, không để đáp ứng lời chị kêu gọi trong thư trả lời ông Đinh Ngọc Ninh “...mọi sân chơi đều mở rộng một cách bình đẳng cho tất cả những ai quan tâm tới trò chơi và muốn tham dự,”đơn giản chỉ vì tôi không không có tư cách gì và cũng không hề muốn tham dự trò chơi đó, chỉ muốn nói riêng với chị một đôi điều vì lòng qúy mến, vì vẫn hết sức tin rằng ở vị thế của chị, chị có khả năng làm được những việc mà tôi và những người như tôi, chỉ nghĩ tới thôi đã cảm thấy hổ thẹn vì sự bất lực của mình.



Chị Dương Thu Hương,



Trước hết, tôi rất tiếc và muốn xin lỗi chị ngay từ đầu câu chuyện sắp tới giữa chúng ta, về việc tôi không được đọc trọn bài “Một ThầnTượng Đã Ra Đi” do ông Đinh Ngọc Ninh viết về chị. Tuy nhiên, căn cứ trên phản ứng và lời lẽ trong thư chị, tôi hiểu rằng chị rất bực dọc, thống trách ông Đinh Ngọc Ninh vì ông ấy và bà Sandra nào đó, đã nói với độc giả là họ ngỡ ngàng vì những gì chị nói. Để phản bác nhận xét và phát biểu của họ, chị viện dẫn tới sự khác biệt vốn là một trong những đặc điểm không thể thiếu được của xã hội hiện đại. Chị cũng lập luận rất mạnh mẽ để bảo vệ cái quan điểm sẽ không một ai nói khác với chị, bằng một ngôn ngữ mang ít nhiều tính miệt thị với những người, vì lý do này hay lý do khác, không ở vào vị thế của chị để có thể vùng vẫy tự do và hành xử can đảm như chị. Chị mai mỉa những tâm hồn khiếp nhược, những bộ óc tê liệt, không bao giờ biết đến chân lý, khiến tôi nghiệm ra một điều: khinh biû, mắng mỏ thì rất dễ, làm thế nào để biến những con người khiếp nhược và tê liệt này trở thành “anh hùng/anh thư” của cách mạng, của nhân dân, phục vụ xuất sắc cho mục tiêu của đảng như cộng sản đã làm, mới thật là tài năng phi thường của lãnh đạo. Chúng tôi nhìn ra bài học này, nhưng khác với người cộng sản, khác với chị, chúng tôi tìm cách tới gần, cúi xuống những tâm hồn khiếp nhược ấy, những bộ óc tê liệt ấy, làm tất cả những gì trong tầm tay để họ bớt sợ hãi và lấy lại sự sống cho chính họ. Lẽ ra chúng tôi cần phải tiến xa hơn ranh giới này, vận dụng họ vào mục tiêu nhân bản lớn lao hơn, một sách lược nhằm đem lại cho mọi người, trong đó có họ, những giá trị đời sống cao qúy như chị và nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước, ngoài nước đang kêu đòi, thế nhưng, thiếu khả năng tập hợp, chúng tôi như người sản phụ xẩy thai, đau đớn nhìn những đứa con chỉ tượng hình, không đủ sức lớn thành người.



Theo cung cách lá thư chị viết gửi ông Đinh Ngọc Ninh, cứ cho là họ ở xa, lại là kẻ ngoại cuộc (bà Sandra đang theo đuổi những công trình nghiên cứu về Việt Nam) thiếu thông tin xác thực, đưa tới những nhận định không đúng về chế độ, câu hỏi là: họ đáng bị nguyền rủa bằng những lời lẽ có tính mạt sát, mai mỉa hay họ cần có những dữ kiện, văn bản, con số cụ thể, giúp đính chính sự sai lầm của họ? Trong mọi cuộc tranh luận, nhất là những cuộc tranh luận ở tầm cỡ quốc tế, chúng ta, những người thuộc về nền văn hóa “lựa lời”, sự nóng giận, tùy tiện, mất tự chủ, gọi tên người trước mặt một cách xách mé, thiếu tôn trọng, sẽ chỉ làm tệ hại thêm những điều chưa rõ chứ không soi sáng chân lý, chưa kể rằng chị không nên đổ vấy tại vì đất nước chúng ta có những người cầm quyền nhem nhuốc, dân chúng ta cơ cực nên chị hành xử quê mùa và lỗ mãng như thế. Tôi tin chắc dẫu thế nào, chị không đi phó hội Paris và Âu Châu trong bộ áo quần chằng đụp, hôi hám của những người dân nông thôn Việt nam chân lấm tay bùn, hiện vẫn sống bằng cách mò cua, bắt ốc ven ruộng. Tôi cũng tin chắc những người này, nếu có cơ hội được đi như chị, họ sẽ cố tìm bộ quần áo nào tươm tất nhất, hỏi thăm cách ăn nói và cư xử thế nào cho thích nghi nhất để không làm mất mặt dân tộc họ chứ chẳng phải vì sợ ai hoặc muốn giống ai. Từ đáy lòng, tôi mong muốn nhìn thấy hình ảnh một Dương Thu Hương sắc bén như gươm dao, vững chãi như thép nung trong lò, với vẻ đẹp trí tuệ toả rạng của người phụ nữ Việt Nam được lịch sử tôi luyện để biết sống hào hùng và làm nguồn hứng khởi cho nữ giới khắp nơi. Tôi nghĩ, điều này đâu có cản trở sự nghiệp đấu tranh với bạo quyền mà chị hằng theo đuổi?



Kinh nghiệm từ lần trò chuyện trước, tôi biết khi chị hăng say biện luận cho điều chị bênh vực, chị dành quyền nói lấy được, bất kể sự bất hợp lý hay mâu thuẫn trong lý lẽ của mình. Liên tưởng đến “thần tượng” Karl Marx một thời mê hoặc tuổi thanh xuân của chị, liên tưởng đến những “thần tượng phường tuồng” được đảng và nhà nước cộng sản tùy thời, tùy lúc, son phấn đưa lên, bôi tro, trát vữa hạ xuống, cụ thể hơn nữa, để trả đũa bài viết của ông Đinh Ngọc Ninh, chị kết luận thần tượng chỉ là món ăn cho tuổi thiếu niên hoặc cho nhân loại thời ấu trĩ, thần tượng là món cháo thịt của tuổi thiếu niên, phủ nhận sạch trơn những thần tượng đúng nghĩa trong lịch sử loài người, từng mở mắt, khai tâm cho nhiều thế hệ biết thế nào là lý tưởng sống! Thành thực nhé, chị có phủ nhận “thần tượng Hồ Chí Minh” không? Tôi chắc là không!



Đúng là chỉ có mơ ngủ trên cung trăng mới có thể yêu cầu người này suy nghĩ giống người kia nhưng quả là sẽ rất ngỡ ngàng nếu chỉ vì sự khác nhau ấy mà ta văng tục với nhau để trình bày hay bảo vệ quan điểm riêng của mình. Chị thừa biết là cùng với chị, nhiều người khác cũng đã tận dụng hết những từ thô bỉ nhất của chữ nghĩa thế gian để chửi bới nhà cầm quyền đương thời tại Việt Nam ròng rã hơn ba thập niên qua, họ có hề hấn, suy suyển gì đâu một khi bản chất những người nghe chửi vốn đã tệ hơn thứ ngôn từ chửi bới ấy rất nhiều. Chị tha hồ ỉa vào mặt kẻ cầm quyền Việt gian cộng sản nhưng không nên bắt người khác phải ngửi mùi đống cứt ấy bởi vì hành vi của chị và việc người khác ngửi cứt của chị không làm chế độ thay đổi một ly ông cụ nào cho ai được nhờ! Chưa kể chị gọi các nhân vật chức quyền trong nước là những con giòi khổng lồ thời hiện tại, như vậy, chị càng ỉa, chúng càng có đất sống. Phải xây các loại toilettes trắng bóng, sạch như lau để chúng không còn nơi dựa hơi mà sinh sôi nảy nở và lúc nhúc tồn tại chứ!



Đổi lại tất cả sự vô ích vừa nói, đau lòng cho tôi phải nhìn thấy chị trong hình ảnh đầu bù, tóc rối, cau mày, trừng mắt, la hét hết hơi thay vì một Dương Thu Hương, giận đấy, hận đấy, căm phẫn đấy, nhưng bản lãnh và tài năng tìm ra một con đường...Hơn ai hết, chị từng thuộc lòng bài học khẩu hiệu thời chống Mỹ cứu nước: hãy biến căm thù thành hành động. Thời gian sau này, nhìn vào các phong trào đấu tranh dành tự do, nhân quyền của một số tổ chức trong và ngoài nước, tôi luôn có cảm nghĩ người ta lẫn lộn giả với thật, lấy ảo tưởng vỗ về tâm thức vô dụng và những khát vọng không toại. Giá người ta chịu bình tĩnh ngồi xuống, nhìn thẳng vào vết thương của mình với lòng khiêm nhượng, tôi chắc người ta sẽ nhìn thấy nhiều điều mới lạ, khác với con đường mòn đã miệt mài đi không tới đâu trong bao lâu nay.



Dẫu sao, lá thư này gửi tới chị không để nói những chuyện đầu cua tai nheo như viết ở trên mà nó đem theo về bên ấy, niềm ao ước và trông cậy của tôi đặt vào chị như trình bày dưới đây.



Trong thư trả lời ông Đinh Ngọc Ninh, chị viện dẫn Descartes: “Muốn đạt được chân lý, trước hết phải từ bỏ những ý kiến mà mình đã tiếp nhận được. Sau đó, mình phải tự xây dựng lại tất cả các kiến thức của mình từ bước đầu tiên,”tôi hy vọng chị không áp dụng một chiều câu nói này như chị đã ngụ ý chỉ có ông Đinh Ngọc Ninh là cần thay đổi, còn chị thì không vì chị đã là chân lý rồi. Chúng ta thử bắt đầu bằng một thái độ tuyệt đối khách quan và lắng nghe rồi thảo luận, chị nhé?



1/ Chị nhận định rất đúng: “Một chính quyền độc tài như chính quyền hiện nay tại Hà Nội chỉ có thể đứng vững trên hai bệ đỡ, thứ nhất là sự khiếp nhược của quần chúng trước nòng súng; thứ hai là sự thiếu hiểu biết của quần chúng, sự thiếu hiểu biết một cách chính xác và đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.”



Chị là người đã tranh đấu đủ để ngày nay được ở trong tình trạng không còn phải nơm nớp súng đạn của chính quyền, chị cũng nhờ những suy nghiệm và khả năng riêng, biết chính xác và đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, chị đã làm gì để giúp cho những người chưa được, chưa biết như chị trở nên một người như chị hầu nhân sức mạnh nơi chị lên gấp bội lần, tạo ra lực đẩy cho một phong trào dân sinh thiết thực chống lại bạo quyền một cách có hệ thống và hiệu quả? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp chị nhìn mọi việc sáng suốt hơn, bớt trách móc hay quy kết người khác mà nên bắt đầu từ hạt nhân tích cực, sáng chói nhất, là chính chị. Trách móc hay quy kết không tạo ra đồng minh. Không có đồng minh là tự cô lập, lấy đâu ra sức mạnh? Không có sức mạnh, trông vào cái gì mà chiến thắng? Chị đã trích dẫn cụ Tản Đà hay ông Kép Trà với hai câu:



Bởi tại thằng dân ngu quá lợn

Cho nên quân ấy mới làm quan.



và chị còn hỏi kháy ông Đinh Ngọc Ninh có định về Việt Nam để đào mộ thi sĩ Tản Đà và cụ Kép trà hay không? Lẽ ra, không thuộc nổi bài học của hai cụ, hậu sinh chúng ta phải hương hoa ra mộ mà khóc sám hối mới phải, sao còn dám lộng ngôn đến vậy?



2/ Rồi chị lại trích dẫn Fénelon: “Tôi quý gia tộc hơn bản thân, tổ quốc hơn gia tộc và nhân loại hơn tổ quốc” rồi chị chua chát: “Nhưng tôi cũng lượng sức mình, tài hèn sức mọn, tuổi già, chẳng còn mấy hơi mà tới lúc chầu trời nên tôi chỉ đủ sức thương cảm những người đàn bà Việt Nam và đấu tranh cho họ. Dù tôi rất kính trọng những người như mẹ Teresa có tinh thần cứu rỗi toàn thế giới đau khổ, nhưng vì cuộc đời có hạn và sức người cũng có hạn, tôi không dám theo chân bà.” Trích dẫn Fénelon nhưng chị không đi theo ông. Vậy trích dẫn ấy chỉ để chứng tỏ chị đọc nhiều, hiểu rộng, óng ánh tri thức thôi ư? Thương cảm những người đàn bà Việt Nam và đấu tranh cho họ, chị đã làm được gì để cuộc sống lầm than của nhưng người đàn bà ấy có một ngày sáng sủa hơn, để họ ý thức rằng phẩm giá của họ không do lòng tốt của ai khác mà có, mà mất đi, để như mẹ Teresa đã làm, rất tầm thường, rất nhỏ nhoi, nhưng cơn đau thể xác của họ có một lúc được nhẹ đi, cơn đói của họ có một lúc được giải quyết không cần họ phải bán thân. Câu trả lời của chị sẽ là: Tôi đang tranh đấu cho họ bằng cách kêu gào những người đang ngồi ở Bắc bộ phủ hãy cút đi nơi khác. Chỉ cần tập đoàn gian ác này từ bỏ quyền lực của chúng là tất cả những người đàn bà kia sẽ sung sướng ngay! Từ đây đến ngày đó, thời gian thăm thẳm đâu phải lỗi tại tôi, tôi đã làm hết sức rồi, chỉ tại cái đám giòi bọ không chịu rời cái hố xí no bẫm của chúng! Chao ôi! Một nghìn cái “tại” và “bởi vì” là những cái giả để ngụy trang một cái thật khó nuốt, hư tưởng, mà người ta cứ chạy quanh, không đủ thành ý và dũng cảm để thú tội, với mình, với người. Hơn ai hết, chị là chứng nhân của biết bao xương máu, nhọc nhằn, tai ương, để những kẻ hiện đang ngự trên bệ rồng đánh đổi được cái chỗ của họ bây giờ, có là nằm mơ mới mong họ sẵn sàng rời bỏ nó mà không một ai trong quần chúng phải tốn một giọt mồ hôi, mà chỉ nhờ vào đống tuyên ngôn rao giảng tự do, dân chủ và nhân quyền của những nhà chính trị giấy nộp cho các ông tòa ngoại bang để họ đóng dùm cái triện son!



Bây giờ hào quang bốn phương đã đưa chị lên một ngôi vị cao, cho chị những viễn tượng to tát, chị có bao giờ thấp xuống để chịu làm những công việc tầm thường nhưng thực tế, tựa như đưa ra một kế hoạch, một sách lược tiếp cận nay một ít, mai một ít, những người phụ nữ là đối tượng cuộc tranh đấu của chị, quy tụ họ cách này cách khác để từng bước kiên trì, dìu dắt họ cải thiện tư duy, biết tự bảo vệ, lo lấy thân. Thương xót họ, tranh đấu cho họ, chưa vội cần tự do, dân chủ đâu (đó là món hàng xa xỉ bán xeo của các chính trị gia đeo cà vạt, xách cặp samsonite đi họp và đọc diễn văn) chị hãy phất lá cờ đầu, đòi hỏi cái nhà nước giòi bọ kia làm một điều gì để chấm dứt nạn buôn bán đàn bà và trẻ con đi nước ngoài làm lao nô tình dục, một công việc hết sức khẩn cấp mà những người bạn chí tình của chị ở Âu châu, Úc Châu và Hoa kỳ, nếu được vận động, kêu gọi, tôi cực tin họ sẽ sẵn sàng tiếp tay thực hiện vì lý tưởng nhân đạo là giấc mơ kỳ vĩ nhất của loài người.



Bệnh “viễn mơ” cũng là căn bệnh thâm căn cố đế của chúng tôi ở hải ngoại. Chúng tôi, nói theo ngưởi Mỹ, think big nên ngại ngùng mỗi ngày xây một viên gạch. Giá như chúng tôi nghĩ thực tế hơn được, cứ mỗi người từ tốn góp một viên gạch nhỏ vào ngôi nhà chung của tương lai cộng đồng thì thời gian 30 năm qua, chúng tôi hẳn đã xây dựng được một công trình vững vàng đáng kể, đâu đến nỗi giờ đây, đêm đêm vẫn có rất nhiều người thầm nhỏ lệ, thương cho mộng nữa cũng là không!



Thưa chị Dương Thu Hương,



Cũng là phận đàn bà như chị song thua kém chị nhiều bề, tôi cứ tự hỏi những bậc yêu nhân quần ái quốc trong và ngoài nước, gồm cả chị, ngày đêm hy sinh hạnh phúc và cuộc sống riêng để dấn thân tranh đấu, đòi hỏi chính quyền đương thời chấp nhận đa nguyên, thực thi dân chủ và tự do nhưng giả dụ đạt được điều này, đã có ai đưa ra được mô hình cụ thể nào cho ngôi nhà dân chủ/tự do ấy, đường lối, sách lược nào để quản trị nó chưa hay chỉ cần vài ba vị tinh hoa của giống nòi hô lên là lập tức có toà nhà dân chủ và tự do đẹp như mơ, sừng sững hiện ra như phép lạ? Vốn hiểu biết hạn hẹp của tôi chỉ cho phép tôi nhắc đến Tôn Dật Tiên, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và hai cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, là những nhà chính trị đã đặt vấn đề dân sinh/dân trí làm nền tảng cho thể chế. Quan mà không có dân thì quan xây lầu cho quan ở với nhau rồi tùy hỷ ban phát cho dân đen sau ư? Thái độ thờ ơ của quần chúng mà chị đề cập đến liệu có bắt nguồn từ suy nghĩ thô sơ, không muốn đánh đổi sự bình yên (dù là tạm bợ) của họ để rồi cũng chỉ nhận lại món hàng giả, cũ xì, từ tay các chính khách đã tháu cáy dán cái nhãn hiệu mới lên nó?



Chị Dương Thu Hương,



Tôi thành tâm tin rằng chị có thể làm được nhiều điều tốt đẹp, ít nhất là cho các chị em bạn gái mà chị nói là chị quan tâm. Tôi cũng thành tâm tin rằng chị không sống chết bởi tiếng reo hò cổ vũ của đám đông tuy không thể phủ nhận sự ồn ào có tác động nhất định của nó, hơn nữa, như chị mạnh mẽ xác nhận, chỉ sự nghiệp từ thiện và hành động thiết thực là có giá trị, tôi ước ao với tất cả tấm lòng, được thấy chị tạm xa rời cuộc tranh đấu có tính lý luận để bắt tay vào cứu vớt sự trầm luân của đời thường, xây dựng lại niềm tin cho những nạn nhân của cuộc chiến tranh bị phản bội vừa tàn. Tôi cũng mong đừng như chị nghĩ, sự nghiệp, tương lai ba đời con cháu của chị là một thứ quà cho không (gratuit, chữ của chị) vô nghĩa. Những thứ quý giá ấy thuộc về họ và chỉ họ được quyền tiêu dùng theo ý họ dù chị là mẹ, là bà nội, bà ngoại. Tôn trọng con người bất luận họ là ai, tôi thật tình xúc động và run sợ trước lời phát biểu độc đoán, ngạo mạn của chị. Các con và các cháu chị không có bổn phận trả giá vô ích cho việc làm của chị trừ phi việc làm ấy đem lại phúc lợi cho tha nhân và chính họ cũng chọn lựa đi con đường của chị.


Nhân chị nhắc đến Tạ Hải của Tổng Cục Cao Su, cậu ấy là em họ của tôi. Chúng tôi trải qua nhiều kỷ niệm khó quên trong khoảng thời gian ngắn ngủi chừng 2 năm, khi Hải được điều vào Sài Gòn làm việc. Theo những gì trí nhớ của tôi còn lưu giữ được về Hải thì đó là một thanh niên Hà Nội hiền lành, có lý tưởng, đa cảm và chân thật. Có một buổi chiều đầu tháng nào đó, áng chừng vừa lãnh lương, Tạ Hải gò lưng lạng xe đạp vào con ngõ đã chập choạng tối chỗ tôi ở, tay xách cái bị cói bên trong có con vịt và các thứ rau đủ để làm bữa cháo gỏi vịt, với hảo ý đãi cả nhà mấy mẹ con bà cháu tôi. Trông cậu lúi húi, nhanh nhẹn cắt tiết, làm lông con vật ở cái sàn nước mờ tối vì điện bị cúp, tôi thấy mủi lòng, ngỡ như những năm tháng tuổi trẻ cậu đem theo từ miền bắc vào đây chẳng có gì ngoài chút vui nhếch nhác của những bữa “liên hoan gia đình” dấm dúi như thế này. Tôi biết cậu rất nghèo nhưng mỗi khi tôi tìm cách đưa cho cậu tí tiền , cậu đều cương quyết từ chối: “Chị chỉ có một mình, đi làm nuôi bà và các cháu, chị để mà tiêu” Ở thời điểm đầy nghi kỵ nam/bắc ấy, cậu đã dạy cho tôi bài học đừng bao giờ phán xét ai căn cứ trên lời bình phẩm (tốt hay xấu) của kẻ khác và dù hoàn cảnh bệ rạc cỡ nào, vẫn có những con người tử tế. Tôi mất liên lạc với Hải sau lá thư cuối cùng gởi về địa chỉ ở Sàigòn không có người nhận. Chị cho tôi gửi lời thăm Hải và anh của Hải là Tạ Tường, xin nhắn dùm là tôi vẫn nhớ họ.



Sau cùng, hy vọng chị không nỡ ném thư này vào sọt rác vì tôi thật đã viết với tất cả chân tình yêu mến chị như tôi từng bày tỏ trong thư đầu tiên. Tôi cũng gởi theo đây những nỗi ưu tư, có lẽ thiết tha không kém chị, với niềm trông cậy. Tôi rất hiểu thời gian xói mòn đời người, thực tại ù lỳ và sự tha hóa nhìn thấy khắp nơi, ngày càng tích lũy hờn căm trong lòng chị song chị cần bình tâm lại để tìm ra con đường đúng nhất, những giải pháp khả thi nhất, nếu không thay đổi được ngay thì cũng chuẩn bị cho sự thay đổi ấy, kể cả chuẩn bị cho thế hệ con em chúng ta ngang tầm với thời thế của chúng.

Chúc chị nhiều sức khỏe.



Bùi Bích Hà,

California, 10/05.



Bà Bùi Bích Hà trước 1975 là giáo sư Pháp Văn tại các trường trung học Sài Gòn. Định cư tại Hoa Kỳ từ giữa thập niên 1980, bà bắt đầu tham gia sinh hoạt chữ nghĩa tại hải ngoại. Bà đã xuất bản những tác phẩm Buổi Sáng Một Mình (truyện, Người Việt 1989), Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991), và hiện chủ bút tạp chí Phụ Nữ Gia Đình thuộc công ty nhật báo Người Việt ở Nam Cali @ http://www.nguoi-viet.com/


nguồn:
http://www.gio-o.com/BuiBichHaDuongThuHuong.html
PC
#3 Posted : Wednesday, August 23, 2006 3:28:03 AM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Đỗ Ngọc Yến giữa Bạn Bè

Saturday, August 19, 2006






Sẽ không bao giờ đi vào quên lãng


Trong mười tám năm định cư và làm việc tại quận Cam, ngắt khoảng bằng vài giai đoạn cộng tác không đều đặn, tôi có rất ít kỷ niệm với anh Ðỗ Ngọc Yến, người tiên phong sáng lập công ty Nhật Báo Người Việt. Do vậy, tôi cũng không thực sự có nhiều cơ hội chuyện trò để hiểu biết anh một cách tường tận. Tuy nhiên, những lần hiếm hoi được nghe anh nói hay bàn về một vấn đề gì đấy, thời sự, chính trị hay cộng đồng, bao giờ tôi cũng ra về mang theo mình những suy nghĩ mới.

Như chị Kiều Chinh nhận xét, anh Yến có cái cách đãi bạn đáng được nâng lên hàng nghệ thuật. Dù thời gian lâu không gặp nhau, ngay khi nhìn thấy mặt, bất luận ngoại cảnh lúc bấy giờ thế nào, anh luôn có cái vồn vã mà thong thả, cái thân tình gượng nhẹ đem lại sự tin cậy, một cách mở đầu câu chuyện bằng đôi nét chấm phá bất ngờ, như thể anh lúc nào cũng theo dõi bước đi của người trước mặt, lúc nào họ cũng ở trong sự quan tâm của anh.

Như chị Trần Thị Thức nhận xét, anh nồng nhiệt, sôi nổi, mỗi khi có ai đưa ra một đề nghị “ích quốc, lợi dân” hoặc giản dị, một trường hợp cần giúp đỡ, bao giờ anh cũng vội vã, vừa đổi ánh mắt đăm chiêu vừa thấp giọng xuống thay cho cái vỗ vai như thể đã tìm ra ngay một phương hướng giải quyết ổn thỏa (dẫu sau đó, cũng có khi lực bất tòng tâm hoặc anh nhiều việc quá rồi quên đi.)

Như nhà thơ Trần Mộng Tú thường nói đùa: “Anh chỉ giỏi nghĩ mưu. Vườn nhà không còn đất, đem hoa sang hàng xóm kêu họ trồng.” Tôi không biết anh nghĩ gì về kiếp nhân sinh ngắn ngủi nhưng đồng ý với ghi nhận của Trần Mộng Tú, tôi trực cảm anh có sự ham hố lạ thường đối với đời sống, con người, cuộc tồn sinh muôn hình vạn trạng không ngớt phơi bày, mời gọi phiêu lưu, viễn du và khám phá những con đường mới.

Như các anh Trần Dạ Từ và Nguyễn Khắc Nhân, người nói, người viết, chia sẻ là anh Yến không thực sự làm gì (thật ra, anh có làm và làm nhiều, lúc khởi sự xây dựng tờ Người Việt Cali) cũng chưa hề ký tên dưới một bài thơ hay bài báo nào, tôi nghĩ anh có cái biệt tài gây cảm hứng cho mọi người, khơi gợi nơi họ niềm tin bằng viễn kiến của mình, quy tụ họ vào một mục đích chung, tạo ra chất keo gắn bó họ. Ðể tạo dựng ngôi nhà Người Việt, anh là người vẽ đồ án, đi tìm cảnh thổ, cung cấp phương tiện đầu tiên, phần còn lại, bằng hữu của anh thực hiện và phát huy. Anh sẽ không ký tên dưới một, một trăm, một ngàn hay một chục ngàn bài báo/bài thơ nhưng tên anh gắn liền với tất cả những bài báo/bài thơ bạn bè anh viết ra, trên những trang giấy anh đưa vào tay họ, khi anh còn hay cả khi anh đã mất, thế hệ này tiếp nối thế hệ sau, trong một tập hợp văn hóa sẽ ghi dấu sự thành công đáng kể của cộng đồng người Việt tỵ nạn hải ngoại trong lãnh vực truyền thông và kinh tế.

Riêng tôi, những khi có dịp nói chuyện trực diện với anh, tôi luôn luôn có cảm giác bên dưới cái vẻ hiền hòa và cách nói nhỏ nhẹ của anh, còn một Ðỗ Ngọc Yến mà tôi không bao giờ thật biết và thật hiểu. Anh có một thế giới riêng mình ngoài những thứ dễ dàng cho đi và tôi mường tượng trong cái thế giới riêng tư ấy, anh cất giữ những điều chỉ một mình anh biết, có khi là sự xâu xé giữa hoan lạc và nỗi buồn, giữa tham vọng và lý tưởng, giữa ước mơ to tát và thực tế tầm thường, giữa hạnh phúc của thành tựu và khắc khoải của đam mê chưa phỉ.

Xuất hiện rất sớm, với đôi chút bí ẩn, trong vai trò lãnh đạo nhiều chương trình sinh hoạt của sinh viên/học sinh thời thập niên 1960, do tư chất và thời cuộc tranh tối tranh sáng lúc đó, anh tự mài dũa mình để sở hữu một khả năng lý luận, suy diễn và tổng hợp sắc bén, giúp anh linh hoạt trong nhận thức để từ đó, vận dụng được thời cơ tối đa. Tôi hiểu ra điều này trong một lần trò chuyện với anh về khoản tiền hơn 2 triệu đô la quyên góp giúp xây Làng Việt Nam cho số đồng hương vượt biên bị mắc kẹt tại Phi Luật Tân và bị chính quyền Phi dọa cưỡng bức hồi hương. Khi tôi phàn nàn về việc người ta sử dụng số tiền này không minh bạch, không có hiệu quả, anh trả lời tôi: “Chị nên nhìn vấn đề thế này. Trước hết, ở đâu hay với bất cứ ai, tiền cứu trợ ít khi rõ ràng lắm. Ðã nói cứu trợ tất thị là rất khẩn cấp, hãy tiêu đi đã để đáp ứng tình hình chứ chờ cho đến lúc thành lập xong ban này, ban kia hay chỉ định được người này, người kia chịu trách nhiệm thì còn gì là tính cách cứu trợ nữa? Hai triệu mỹ kim lúc đó chỉ có một mục tiêu duy nhất là làm an lòng chính phủ Phi, để họ cho phép hoãn hồi hương đồng bào đã, rồi có thêm thời giờ, mình tính chuyện khác.” Tôi không biết có bao nhiêu người đồng ý với lý luận này của anh Yến nhưng riêng tôi, tôi nhận ra nhãn quan nông cạn của mình. Mà thật như thế, số đồng bào kém may mắn kia đã nhờ cao trào cứu trợ 2 triệu mỹ kim ấy mà có thêm thời gian chờ đợi kết quả những công trình vận động khác đem cơ hội tốt đến với họ vào cuối năm 2005 vừa qua.

Ba năm trở lại đây, bệnh anh mỗi lúc một nặng hơn. Gần hết khoảng thời gian này, ngày tháng của anh trải ra trên một lộ trình tam giác mà tôi thường nói đùa với anh là một tam giác bằng thép không gãy: Nhà-bệnh viện-tòa báo. Vừa lọc máu xong, trong vòng tay nâng đỡ của vợ hiền, anh về thẳng Người Việt, đi bằng những bước yếu ớt qua cái hành lang đầy hơi hướm của bằng hữu, của những tờ báo đang làm, những tờ báo còn hăng xì mùi mực in, hỏi thăm việc này, bàn việc kia... Hình như anh chỉ yên tâm khi gần gụi, khi được thở bầu không khí thân quen ở cuối con đường Moran, nơi đã làm nên ý nghĩa cuộc sống của anh.

Ðã đành con người bệnh hay lành do số mệnh định đoạt nhưng rõ ràng ở anh, ý chí vượt thắng bệnh hoạn đã trở thành huyền thoại. Ba giờ sáng tỉnh dậy trên giường bệnh nhà thương một ngày trước kỷ niệm 27 năm sinh Nhật Báo Người Việt, nghe tiếng tít tít của máy truyền dịch, anh hỏi chị đang túc trực bên cạnh: “Hôm nay là ngày mấy hả em?” Nghe chị trả lời xong, anh thở phào và mỉm cười: “May quá, còn kịp.” Buổi sáng, anh xuất viện. Buổi tối, anh hai lần bước lên sân khấu trong vai trò con chim đầu đàn của công ty Nhật Báo Người Việt, nói chuyện rôm rả với cử tọa bằng một thần thái ung dung, tươi tắn, như thể anh không hề nằm trong ER đêm hôm trước.

Mọi người nhìn thấy anh không chỉ chiến đấu chống lại cơn bệnh và định mệnh của mình, anh còn phải từng ngày tiếp ứng, tôi không biết sức mạnh gang thép nào, từ đâu tới nếu không từ ý chí kiên quyết lạ thường của anh, để cái tâm anh vượt qua bão tố, để cái hình hài đang dần hủy hoại kia vượt qua nỗi thống khổ và sống tràn đầy đến giọt sống cuối cùng trong từng tế bào không chấp nhận, không đành bỏ cuộc buồn, vui giữa đời.

Những ai đã viết tên mình vào lịch sử, sẽ mãi mãi sống và sẽ không bao giờ đi vào quên lãng.


Bùi Bích Hà


Chú thích: Bài này trích trong tập “Ðỗ Ngọc Yến Giữa Bạn Bè” gồm các bài viết của 53 tác giả trước ngày Nhà Báo Ðỗ Ngọc Yến qua đời. Tòa soạn có dùng một tít khác với trong nguyên tác. (NV)

Phượng Các
#4 Posted : Sunday, September 10, 2006 4:45:04 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
ĐOÏC THƠ HOÀNG ANH TUẤN.

Trong một bài thơ được phổ nhạc của ông (Thà Như Giọt Mưa) thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã viết câu sau đây Người từ trăm năm, về khơi tình động. Có vẻ như ngôn ngữ thơ là tiếng hát, tiếng nói, tiếng kêu, tiếng thì thầm, tiếng thở, những thanh âm hồn nhiên, ẩn mật, bỗng chốc, trong vài sát na tình động, đã bật lên, đã thoát ra, không cách nào kềm giữ, từ tim, từ phổi, từ thịt da của người thi sĩ, lung linh sức sống, mà hạnh phúc hay khổ đau cũng đều là dao nhọn, dao vết ngọt đâm, ta chết trầm ngâm, dòng máu chưa kịp tràn...Làm thơ, là chết đi, sống lại, thiên đàng, địa ngục. Là những khoảnh khắc phù vân, hoan lạc, nhọc nhằn. Là ánh sáng. Là bóng tối. Như Jacques Prévert đã diễn tả bằng những que diêm...
La première pour voir ton visage tout entier
La deuxième pour voir tes yeux
La dernière pour voir ta bouche
Et l’obscurité tout entière, pour me rappeler tout cela
En te serrant dans mes bras...
Có thể nghĩ: cuộc đời của nhà thơ là những trận mưa giông sấm chớp lập lòe xen với từng khoảng tối im lặng, để tưởng nhớ hay chờ đợi.
Giữa những người làm thơ quen biết của độc giả thế kỷ 20, vừa bước sang thế kỷ 21, có một người hơi lạ. Ông làm thơ trên năm thập niên, và thơ rất hay, nhưng ông chưa bao giờ in thơ của mình vào sách, cũng không lưu giữ, cho đến khi các con của ông khôn lớn, đi thu nhặt những anh chị em cùng sinh ra bởi ông bố thi sĩ tài hoa của họ, gom được đến đâu, qúi đến đấy(tôi chắc thất lạc cũng khá nhiều) và đem trình làng thay cho ông trong tập Yêu em, hà nội và những bài thơ khác.
Tôi may mắn được đọc thơ Hoàng Anh Tuấn từ đầu thập niên 50. Không phải là thơ đăng báo cho nhiều người đọc nhưng là thơ gởi kèm với một phong thư cho một người đọc. Thuở ấy, “một người” rất hạnh phúc này đang ở tuổi ô mai. Nàng cùng gia đình rời cái thị trấn cát trắng hiền hòa ở phương nam về Huế, đem theo với mình từ thành phố biển, rất nhiều kỷ niệm của mối tình thơ dại đầu đời và rất nhiều mơ mộng về người tình du học tận trời tây. Có những buổi sớm mai nắng tươi trên sân trường Đồng Khánh, bầy con gái nhỏ vừa bước chân vào trung học, mắt sáng, môi hồng, tóc như mây, thân như lụa, thì thào kháo nhau về lá thư, từ một nơi xa tít mù khơi, ai kia gửi cho ai vừa mới tới, mang theo nó trong từng thớ giấy mùi hương lạ của những dặm đường bát ngát, những thơm ngon của trái quả đầu mùa. Chúng nó kín đáo chuyền cho nhau đọc, lẩn tránh tinh ma đôi mắt nghiêm khắc của cô giám thị mơ hồ đoán ra một điều gì nôn nao, hăm hở lắm nơi lũ trẻ thường ngày rất ngoan và chăm học. Thư cũng như thơ, đọc lên âm ba như rượu ngọt, cả đám con gái say mê dù chẳng hiểu gì ngoài cảm giác được nằm lăn êm ái trên những thảm cỏ lấm tấm hoa trắng của miền Provins xa xôi...Tôi chắc rằng bài thơ Đợi Thư, trang 35, có liên hệ ít nhiều đến thời điểm này.
...Mỗi ngóng trông là úa cả hồn thơ
Hoa tin yêu ẩn trong lá nghi ngờ
Cây chờ đợi, nhiều gai, ta sợ lắm
Trăng ẩn trong mưa, lạnh chìm trong nắng
Kỷ niệm lòng dành dụm được bao nhiêu
Đừng tiêu phí một giờ hoang, em nhé!
Mai có lẽ tìm em không được nữa.
Và, quả thật như lời thơ tiên tri: họ không bao giờ còn tìm được nhau trong suốt phần đời còn lại. Cô gái vườn Thanh, một mình một bóng, như TTKH, yêu gió rụng lúc tàn canh, yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo, yêu nắng sang thu, gió lướt mành. Và một ngày kia cô phải yêu, cả chồng cô nữa, lúc đi theo, những cô áo đỏ sang nhà khác...
Giờ đây, đọc tiểu sử tác giả Yêu em, hànội, thấy thi sĩ lập gia đình năm 54, trước khi hồi hương, tôi sực nhớ ra mùa thu năm đó, hoa sầu đông vườn nhà tôi nở tím bên hiên phòng học, bạn tôi mắt ngấn nước, tóc rối dưới cơn mưa phùn, bắt tôi bỏ lớp, đèo xe đạp đưa nàng về nằm khóc lặng lẽ suốt buổi chiều. Hôm sau, ôm vết thương lòng êm ái người trao, nàng từ giã quê hương, bạn bè, trường lớp, tuổi thần tiên, đi tới một nơi không còn ai, không còn gì, nắng sớm hay mưa khuya, nhắc nhở nàng những lá thư xanh ngày cũ. Thế còn thi sĩ của chúng ta? Từ tuổi đôi mươi với ánh mắt ngờ vực, vầng trán kiêu hãnh, tới tuổi 40 trên bìa tập thơ, râu tóc phong sương, nét cười ngượng ngập, cái nhìn chấp nhận, cầu hòa với đời, với người, “biết hết nhau rồi nhé”, thi sĩ cũng đã đi một hành trình không ít đau thương
Em dấu đi những nỗi lòng vỡ rạn
Anh cũng thề dấu hết gió mưa đi
Bao nhiêu ánh đèn rũ rượi, tái tê
Những ngõ vắng, tối tăm, anh dấu hết...
Thơ Hoàng Anh Tuấn, chủ yếu là thơ tình. Tình mơ mộng, bước rất nhẹ như mùa thu con gái, như bàn tay khẽ hái tiếng đàn tranh, như chưa lần nào em nói yêu anh, như mãi mãi anh còn nguyên thương nhớ. Tình tiếc hối, chưa kịp mới đã lùi vào xưa cũ, còn xa yêu đã quá khứ ngàn năm, chén môi em chưa nâng tới hôn gần, đã cách biệt đến trăm lần hư ảo; em vẫn dịu dàng trao mắt nhìn sưởi ấm, để chùm gai hối hận mọc trong anh. Tình cuồng, em tới anh từ một trời thác loạn, tóc ngựa rừng nhầu nát gió điên.Tình dục, lửa rạo rực còn nguyên trong mạch máu, sóng cuồng quay ẩn náu dưới làn da, gỡ mưa mềm cho nắng ấm phù sa, cởi sương mỏng-thôi ngượng ngùng mắc cỡ, em hoang dại cồn dâng vùng rêu cỏ. Tình quê hương, thân phận, hà nội yêu, mối tình đầu khờ khạo, em nhận thư, anh ngây ngất tủi mừng, khi về nhà, cười nụ với cầu thang, một tuần lễ, vui như ngày thi đỗ. Bất luận tình gì, tâm thế nào, ngôn ngữ thơ HAT tinh tuyền và tuyệt đẹp. Nói như Phạm Việt Cường trong lời mở, Mãi mãi HAT đứng trên ngọn tháp thanh xuân cao ngất, với những giấc mơ đẹp đẽ ấy mà ngắm nhìn thế giới. Tôi xin phép được thêm: cả cuộc đời và con người. Không chỉ thẩm thấu hào nhoáng bên ngoài, như một nghệ nhân làm nên tác phẩm của mình, của nhân loại, cũng đã đủ lớn, đã đủ say mê, đã đủ ngợi ca, tòa thơ HAT là những soi chiếu nội tâm sống thật, sống ngây ngất, của một HAT rất riêng, mà mỗi viên gạch, mỗi đường vôi vữa, ban đầu là những khắc chạm óng chuốt, về sau là một tan nát hòa quyện máu thịt ông với sự sống vô hình, từ đây, mặc lấy hình hài sờ mó được, thanh cao hay nhầy nhụa, cũng mang theo nó nét kỳ ảo của một lần hiện hữu:
Đôi tay mềm bỗng cành leo cuồn cuộn
Quấn hồn anh vỡ vụn đá hoa cương
Toàn thân anh chỉ còn lại vết thương
Để nhào trộn với rất-em-ngà- ngọc.
Đã có một khoảng cách rất lớn, đầy những rung động sượng sùng, rách nát, với rất nhiều đớn đau gai góc, giữa cái thời người làm thơ được định nghĩa như một khách nhàn du trong cuộc đời Là thi sĩ nghĩa là run với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây, và thời của HAT:
Ghế đá công viên tuyết phủ đã dầy
Ta co quắp nằm nghe đời hành khất
Nửa linh hồn chết oan khi nước mất
Nửa linh hồn còn lại cũng đang tan
Áo ăn mày trên thân xác lưu vong
Cũng tiều tụy như đời mình rách rưới
khi người thi sĩ, trong tận cùng xương tủy, thấy, biết mình đã khánh tận niềm tin, cháy hết đam mê, ôm tuyệt vọng nằm chết giữa đời, như một cái xác mà sự sống tàn tạ đang dần tan rã...Rồi nỗi buồn như lũ mọt ngu si, gậm nhấm nốt nửa linh hồn rữa mục.
Cho nên, thơ được yêu mến, được đón đợi, được ngâm nga vì thơ luôn gắn bó mật thiết với trải nghiệm của con người, từ trong riêng lẻ, đã nhân lên sự đồng vọng của rất nhiều những tiếng thầm đó đây không có cách nào cất lên. Thiếu vắng thơ, không có những thanh âm của châu báu ngà ngọc khua động vùng cảm xúc, chắc một khoảng thế gian này sẽ chỉ còn là mùa đông, sẽ rất im lìm và lạnh lẽo.
Tôi không phải là thi sĩ. Mạo muội đứng đây, trong buổi Chiều Thơm Gỗ Cũ này, là để nói dùm nhánh cỏ trong bài Tạ Lỗi... Xin cỏ dại đừng bao giờ vàng úa...và cũng để nói dùm cả một vườn cỏ dại trên sân trường Đồng Khánh, từng một thời, mãi mãi, yêu thơ Hoàng Anh Tuấn, nao nức đọc thơ anh trong ánh mặt trời lung linh mỗi sáng, trong gió gợn buồn những chiều tan học về, mắt thuyền qua nên nón vẫn nghiêng vành, chân cuống quít nên guốc ròn gõ cửa, những giòng thơ khơi mở và nuôi dưỡng trong chúng nỗi dịu dàng của một tình yêu đẹp mãi đến ngàn sau.
Giờ đây, được nghe nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp đánh giá thơ HAT, đặc biệt thơ lục bát của ông, là giá trị nhất ở vào thời kỳ văn học Việt Nam chuyển hướng, đi tìm những khám phá mới. Những nhận định có tính cách chuyên môn này thuộc về văn học sử và những người đóng góp nhiều tài năng cho thơ. Là một độc giả bình thường, tôi không biết trong trái tim thi sĩ, tìm kiếm và cảm xúc, điều nào đến trước, điều nào đến sau và điều nào là nhịp đập đích thực của trái tim ấy?
Hương còn ngấn ẩm trên môi, chữ ngấn là tuyệt vời. Em đắm đuối khắp mình hoa thược dược, là tuyệt vời. Khi em nói bằng nín thinh xoã tóc, anh nghe buổi chiều tê tái mưa bay, da thịt sầu như khoác áo heo may...là tuyệt vời. Cành bỗng say, rễ mục bỗng quanh co, đem rạo rực vào lạnh lùng thớ đất...là tuyệt vời. Đám mây em vào trời anh khuya tối, rất gập ghềnh cũng dệt lụa chiêm bao...là tuyệt vời. Mòn hao bóng đổ lưng chừng núi, ngựa chiếc rung bờm ngứa vó câu, rừng cháy đã tàn còn than củi, cơn say cũng trắng đỉnh trời cao...là tuyệt vời. Bên cạnh tuyệt vời, thơ HAT có nhiều hình ảnh đẹp:... Những toan tính thật thà như thước kẻ, cho thẳng hàng âu yếm những câu thơ...
Xin vay xổi con đường nâu bóng lụa...Nắng nở hoa từng đóa thắm hôn mê, cho huyết dụ một trời chiều cẩm chướng...Những nương dâu chịu nắng đã gần say...Để trong hơi thở anh, có hơi thở em ve vuốt mùi hoa chanh...
Nói như nhà thơ, nhà văn, nhà viết nhạc Nguyễn Đình Toàn: “Thơ tình có nhiều loại: vì người tình mà được làm ra và vì tình mà được làm ra. Thơ HAT có lẽ thuộc loại thứ hai.” Dù thế nào, xin muôn vàn cảm tạ những mối tình đã đến trong đời thi sĩ, để nhân gian được hưởng nhờ ngọc ngà, châu báu rơi vãi trên đường họ đi dẫu những con đường này, chiêm bao một thoáng nhưng cũng nhiều gai góc xương rồng, để khi đi qua rồi, thi sĩ lạ lẫm với chính mình vì những thương tích tâm hồn và thể xác không bao giờ lành lặn Ôi chuyến tàu xưa về hiện tại, ta ở sân ga gượng đón ta.

12/04

Bùi Bích Hà

Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.