THƯ VIẾT CHIỀU THỨ BẢY
BÙI BÍCH HÀ
Ngày 24 tháng 9 năm 2005
Chị Dương Thu Hương,
Thời gian trong cuộc sống lưu vong của một người cũng chập chùng như chiêm bao. Lúc buồn, thấy rong rêu, tù đọng. Lúc nghĩ đến đất nước chia lìa, nhìn lại ước mơ không toại, soi chiếc bóng hư hao vào bức tường bốn mùa cô quạnh, thấy năm tháng rụng vèo đáng sợ.
Kể từ ngày 8/3/1992, khi tôi ngồi xuống viết lá thư đầu tiên gởi chị trong cảm xúc đằm thắm từ Thiên Đường Mù, tới nay, với lá thư thứ hai này, đã mười ba năm, sáu tháng hơn trôi qua trong cuộc đời hai chúng ta. Tôi ngờ rằng chị đã quên kỷ niệm tôi vừa nhắc, với cuộc sống tranh đấu bận rộn, đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật, lên xuống nhiều sân khấu chói lòa vinh quang của chị. Riêng đối với tôi, lá thư ngày ấy gửi chị và sáu trang thư chị viết tay trả lời tôi nhờ Hợp Lưu chuyển, vẫn mãi mãi là cuộc trò chuyện tâm huyết của tình bạn không mờ phai trong ký ức được nuôi dưỡng bằng tình tự quê nhà trong tôi.
Hôm nay, cũng với mỹ cảm thuở ấy chúng ta đã cùng nhau cho và nhận, tôi lại viết gửi chị những giòng này, không để đáp ứng lời chị kêu gọi trong thư trả lời ông Đinh Ngọc Ninh “...mọi sân chơi đều mở rộng một cách bình đẳng cho tất cả những ai quan tâm tới trò chơi và muốn tham dự,”đơn giản chỉ vì tôi không không có tư cách gì và cũng không hề muốn tham dự trò chơi đó, chỉ muốn nói riêng với chị một đôi điều vì lòng qúy mến, vì vẫn hết sức tin rằng ở vị thế của chị, chị có khả năng làm được những việc mà tôi và những người như tôi, chỉ nghĩ tới thôi đã cảm thấy hổ thẹn vì sự bất lực của mình.
Chị Dương Thu Hương,
Trước hết, tôi rất tiếc và muốn xin lỗi chị ngay từ đầu câu chuyện sắp tới giữa chúng ta, về việc tôi không được đọc trọn bài “Một ThầnTượng Đã Ra Đi” do ông Đinh Ngọc Ninh viết về chị. Tuy nhiên, căn cứ trên phản ứng và lời lẽ trong thư chị, tôi hiểu rằng chị rất bực dọc, thống trách ông Đinh Ngọc Ninh vì ông ấy và bà Sandra nào đó, đã nói với độc giả là họ ngỡ ngàng vì những gì chị nói. Để phản bác nhận xét và phát biểu của họ, chị viện dẫn tới sự khác biệt vốn là một trong những đặc điểm không thể thiếu được của xã hội hiện đại. Chị cũng lập luận rất mạnh mẽ để bảo vệ cái quan điểm sẽ không một ai nói khác với chị, bằng một ngôn ngữ mang ít nhiều tính miệt thị với những người, vì lý do này hay lý do khác, không ở vào vị thế của chị để có thể vùng vẫy tự do và hành xử can đảm như chị. Chị mai mỉa những tâm hồn khiếp nhược, những bộ óc tê liệt, không bao giờ biết đến chân lý, khiến tôi nghiệm ra một điều: khinh biû, mắng mỏ thì rất dễ, làm thế nào để biến những con người khiếp nhược và tê liệt này trở thành “anh hùng/anh thư” của cách mạng, của nhân dân, phục vụ xuất sắc cho mục tiêu của đảng như cộng sản đã làm, mới thật là tài năng phi thường của lãnh đạo. Chúng tôi nhìn ra bài học này, nhưng khác với người cộng sản, khác với chị, chúng tôi tìm cách tới gần, cúi xuống những tâm hồn khiếp nhược ấy, những bộ óc tê liệt ấy, làm tất cả những gì trong tầm tay để họ bớt sợ hãi và lấy lại sự sống cho chính họ. Lẽ ra chúng tôi cần phải tiến xa hơn ranh giới này, vận dụng họ vào mục tiêu nhân bản lớn lao hơn, một sách lược nhằm đem lại cho mọi người, trong đó có họ, những giá trị đời sống cao qúy như chị và nhiều nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong nước, ngoài nước đang kêu đòi, thế nhưng, thiếu khả năng tập hợp, chúng tôi như người sản phụ xẩy thai, đau đớn nhìn những đứa con chỉ tượng hình, không đủ sức lớn thành người.
Theo cung cách lá thư chị viết gửi ông Đinh Ngọc Ninh, cứ cho là họ ở xa, lại là kẻ ngoại cuộc (bà Sandra đang theo đuổi những công trình nghiên cứu về Việt Nam) thiếu thông tin xác thực, đưa tới những nhận định không đúng về chế độ, câu hỏi là: họ đáng bị nguyền rủa bằng những lời lẽ có tính mạt sát, mai mỉa hay họ cần có những dữ kiện, văn bản, con số cụ thể, giúp đính chính sự sai lầm của họ? Trong mọi cuộc tranh luận, nhất là những cuộc tranh luận ở tầm cỡ quốc tế, chúng ta, những người thuộc về nền văn hóa “lựa lời”, sự nóng giận, tùy tiện, mất tự chủ, gọi tên người trước mặt một cách xách mé, thiếu tôn trọng, sẽ chỉ làm tệ hại thêm những điều chưa rõ chứ không soi sáng chân lý, chưa kể rằng chị không nên đổ vấy tại vì đất nước chúng ta có những người cầm quyền nhem nhuốc, dân chúng ta cơ cực nên chị hành xử quê mùa và lỗ mãng như thế. Tôi tin chắc dẫu thế nào, chị không đi phó hội Paris và Âu Châu trong bộ áo quần chằng đụp, hôi hám của những người dân nông thôn Việt nam chân lấm tay bùn, hiện vẫn sống bằng cách mò cua, bắt ốc ven ruộng. Tôi cũng tin chắc những người này, nếu có cơ hội được đi như chị, họ sẽ cố tìm bộ quần áo nào tươm tất nhất, hỏi thăm cách ăn nói và cư xử thế nào cho thích nghi nhất để không làm mất mặt dân tộc họ chứ chẳng phải vì sợ ai hoặc muốn giống ai. Từ đáy lòng, tôi mong muốn nhìn thấy hình ảnh một Dương Thu Hương sắc bén như gươm dao, vững chãi như thép nung trong lò, với vẻ đẹp trí tuệ toả rạng của người phụ nữ Việt Nam được lịch sử tôi luyện để biết sống hào hùng và làm nguồn hứng khởi cho nữ giới khắp nơi. Tôi nghĩ, điều này đâu có cản trở sự nghiệp đấu tranh với bạo quyền mà chị hằng theo đuổi?
Kinh nghiệm từ lần trò chuyện trước, tôi biết khi chị hăng say biện luận cho điều chị bênh vực, chị dành quyền nói lấy được, bất kể sự bất hợp lý hay mâu thuẫn trong lý lẽ của mình. Liên tưởng đến “thần tượng” Karl Marx một thời mê hoặc tuổi thanh xuân của chị, liên tưởng đến những “thần tượng phường tuồng” được đảng và nhà nước cộng sản tùy thời, tùy lúc, son phấn đưa lên, bôi tro, trát vữa hạ xuống, cụ thể hơn nữa, để trả đũa bài viết của ông Đinh Ngọc Ninh, chị kết luận thần tượng chỉ là món ăn cho tuổi thiếu niên hoặc cho nhân loại thời ấu trĩ, thần tượng là món cháo thịt của tuổi thiếu niên, phủ nhận sạch trơn những thần tượng đúng nghĩa trong lịch sử loài người, từng mở mắt, khai tâm cho nhiều thế hệ biết thế nào là lý tưởng sống! Thành thực nhé, chị có phủ nhận “thần tượng Hồ Chí Minh” không? Tôi chắc là không!
Đúng là chỉ có mơ ngủ trên cung trăng mới có thể yêu cầu người này suy nghĩ giống người kia nhưng quả là sẽ rất ngỡ ngàng nếu chỉ vì sự khác nhau ấy mà ta văng tục với nhau để trình bày hay bảo vệ quan điểm riêng của mình. Chị thừa biết là cùng với chị, nhiều người khác cũng đã tận dụng hết những từ thô bỉ nhất của chữ nghĩa thế gian để chửi bới nhà cầm quyền đương thời tại Việt Nam ròng rã hơn ba thập niên qua, họ có hề hấn, suy suyển gì đâu một khi bản chất những người nghe chửi vốn đã tệ hơn thứ ngôn từ chửi bới ấy rất nhiều. Chị tha hồ ỉa vào mặt kẻ cầm quyền Việt gian cộng sản nhưng không nên bắt người khác phải ngửi mùi đống cứt ấy bởi vì hành vi của chị và việc người khác ngửi cứt của chị không làm chế độ thay đổi một ly ông cụ nào cho ai được nhờ! Chưa kể chị gọi các nhân vật chức quyền trong nước là những con giòi khổng lồ thời hiện tại, như vậy, chị càng ỉa, chúng càng có đất sống. Phải xây các loại toilettes trắng bóng, sạch như lau để chúng không còn nơi dựa hơi mà sinh sôi nảy nở và lúc nhúc tồn tại chứ!
Đổi lại tất cả sự vô ích vừa nói, đau lòng cho tôi phải nhìn thấy chị trong hình ảnh đầu bù, tóc rối, cau mày, trừng mắt, la hét hết hơi thay vì một Dương Thu Hương, giận đấy, hận đấy, căm phẫn đấy, nhưng bản lãnh và tài năng tìm ra một con đường...Hơn ai hết, chị từng thuộc lòng bài học khẩu hiệu thời chống Mỹ cứu nước: hãy biến căm thù thành hành động. Thời gian sau này, nhìn vào các phong trào đấu tranh dành tự do, nhân quyền của một số tổ chức trong và ngoài nước, tôi luôn có cảm nghĩ người ta lẫn lộn giả với thật, lấy ảo tưởng vỗ về tâm thức vô dụng và những khát vọng không toại. Giá người ta chịu bình tĩnh ngồi xuống, nhìn thẳng vào vết thương của mình với lòng khiêm nhượng, tôi chắc người ta sẽ nhìn thấy nhiều điều mới lạ, khác với con đường mòn đã miệt mài đi không tới đâu trong bao lâu nay.
Dẫu sao, lá thư này gửi tới chị không để nói những chuyện đầu cua tai nheo như viết ở trên mà nó đem theo về bên ấy, niềm ao ước và trông cậy của tôi đặt vào chị như trình bày dưới đây.
Trong thư trả lời ông Đinh Ngọc Ninh, chị viện dẫn Descartes: “Muốn đạt được chân lý, trước hết phải từ bỏ những ý kiến mà mình đã tiếp nhận được. Sau đó, mình phải tự xây dựng lại tất cả các kiến thức của mình từ bước đầu tiên,”tôi hy vọng chị không áp dụng một chiều câu nói này như chị đã ngụ ý chỉ có ông Đinh Ngọc Ninh là cần thay đổi, còn chị thì không vì chị đã là chân lý rồi. Chúng ta thử bắt đầu bằng một thái độ tuyệt đối khách quan và lắng nghe rồi thảo luận, chị nhé?
1/ Chị nhận định rất đúng: “Một chính quyền độc tài như chính quyền hiện nay tại Hà Nội chỉ có thể đứng vững trên hai bệ đỡ, thứ nhất là sự khiếp nhược của quần chúng trước nòng súng; thứ hai là sự thiếu hiểu biết của quần chúng, sự thiếu hiểu biết một cách chính xác và đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân.”
Chị là người đã tranh đấu đủ để ngày nay được ở trong tình trạng không còn phải nơm nớp súng đạn của chính quyền, chị cũng nhờ những suy nghiệm và khả năng riêng, biết chính xác và đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân, chị đã làm gì để giúp cho những người chưa được, chưa biết như chị trở nên một người như chị hầu nhân sức mạnh nơi chị lên gấp bội lần, tạo ra lực đẩy cho một phong trào dân sinh thiết thực chống lại bạo quyền một cách có hệ thống và hiệu quả? Trả lời câu hỏi này sẽ giúp chị nhìn mọi việc sáng suốt hơn, bớt trách móc hay quy kết người khác mà nên bắt đầu từ hạt nhân tích cực, sáng chói nhất, là chính chị. Trách móc hay quy kết không tạo ra đồng minh. Không có đồng minh là tự cô lập, lấy đâu ra sức mạnh? Không có sức mạnh, trông vào cái gì mà chiến thắng? Chị đã trích dẫn cụ Tản Đà hay ông Kép Trà với hai câu:
Bởi tại thằng dân ngu quá lợn
Cho nên quân ấy mới làm quan.
và chị còn hỏi kháy ông Đinh Ngọc Ninh có định về Việt Nam để đào mộ thi sĩ Tản Đà và cụ Kép trà hay không? Lẽ ra, không thuộc nổi bài học của hai cụ, hậu sinh chúng ta phải hương hoa ra mộ mà khóc sám hối mới phải, sao còn dám lộng ngôn đến vậy?
2/ Rồi chị lại trích dẫn Fénelon: “Tôi quý gia tộc hơn bản thân, tổ quốc hơn gia tộc và nhân loại hơn tổ quốc” rồi chị chua chát: “Nhưng tôi cũng lượng sức mình, tài hèn sức mọn, tuổi già, chẳng còn mấy hơi mà tới lúc chầu trời nên tôi chỉ đủ sức thương cảm những người đàn bà Việt Nam và đấu tranh cho họ. Dù tôi rất kính trọng những người như mẹ Teresa có tinh thần cứu rỗi toàn thế giới đau khổ, nhưng vì cuộc đời có hạn và sức người cũng có hạn, tôi không dám theo chân bà.” Trích dẫn Fénelon nhưng chị không đi theo ông. Vậy trích dẫn ấy chỉ để chứng tỏ chị đọc nhiều, hiểu rộng, óng ánh tri thức thôi ư? Thương cảm những người đàn bà Việt Nam và đấu tranh cho họ, chị đã làm được gì để cuộc sống lầm than của nhưng người đàn bà ấy có một ngày sáng sủa hơn, để họ ý thức rằng phẩm giá của họ không do lòng tốt của ai khác mà có, mà mất đi, để như mẹ Teresa đã làm, rất tầm thường, rất nhỏ nhoi, nhưng cơn đau thể xác của họ có một lúc được nhẹ đi, cơn đói của họ có một lúc được giải quyết không cần họ phải bán thân. Câu trả lời của chị sẽ là: Tôi đang tranh đấu cho họ bằng cách kêu gào những người đang ngồi ở Bắc bộ phủ hãy cút đi nơi khác. Chỉ cần tập đoàn gian ác này từ bỏ quyền lực của chúng là tất cả những người đàn bà kia sẽ sung sướng ngay! Từ đây đến ngày đó, thời gian thăm thẳm đâu phải lỗi tại tôi, tôi đã làm hết sức rồi, chỉ tại cái đám giòi bọ không chịu rời cái hố xí no bẫm của chúng! Chao ôi! Một nghìn cái “tại” và “bởi vì” là những cái giả để ngụy trang một cái thật khó nuốt, hư tưởng, mà người ta cứ chạy quanh, không đủ thành ý và dũng cảm để thú tội, với mình, với người. Hơn ai hết, chị là chứng nhân của biết bao xương máu, nhọc nhằn, tai ương, để những kẻ hiện đang ngự trên bệ rồng đánh đổi được cái chỗ của họ bây giờ, có là nằm mơ mới mong họ sẵn sàng rời bỏ nó mà không một ai trong quần chúng phải tốn một giọt mồ hôi, mà chỉ nhờ vào đống tuyên ngôn rao giảng tự do, dân chủ và nhân quyền của những nhà chính trị giấy nộp cho các ông tòa ngoại bang để họ đóng dùm cái triện son!
Bây giờ hào quang bốn phương đã đưa chị lên một ngôi vị cao, cho chị những viễn tượng to tát, chị có bao giờ thấp xuống để chịu làm những công việc tầm thường nhưng thực tế, tựa như đưa ra một kế hoạch, một sách lược tiếp cận nay một ít, mai một ít, những người phụ nữ là đối tượng cuộc tranh đấu của chị, quy tụ họ cách này cách khác để từng bước kiên trì, dìu dắt họ cải thiện tư duy, biết tự bảo vệ, lo lấy thân. Thương xót họ, tranh đấu cho họ, chưa vội cần tự do, dân chủ đâu (đó là món hàng xa xỉ bán xeo của các chính trị gia đeo cà vạt, xách cặp samsonite đi họp và đọc diễn văn) chị hãy phất lá cờ đầu, đòi hỏi cái nhà nước giòi bọ kia làm một điều gì để chấm dứt nạn buôn bán đàn bà và trẻ con đi nước ngoài làm lao nô tình dục, một công việc hết sức khẩn cấp mà những người bạn chí tình của chị ở Âu châu, Úc Châu và Hoa kỳ, nếu được vận động, kêu gọi, tôi cực tin họ sẽ sẵn sàng tiếp tay thực hiện vì lý tưởng nhân đạo là giấc mơ kỳ vĩ nhất của loài người.
Bệnh “viễn mơ” cũng là căn bệnh thâm căn cố đế của chúng tôi ở hải ngoại. Chúng tôi, nói theo ngưởi Mỹ, think big nên ngại ngùng mỗi ngày xây một viên gạch. Giá như chúng tôi nghĩ thực tế hơn được, cứ mỗi người từ tốn góp một viên gạch nhỏ vào ngôi nhà chung của tương lai cộng đồng thì thời gian 30 năm qua, chúng tôi hẳn đã xây dựng được một công trình vững vàng đáng kể, đâu đến nỗi giờ đây, đêm đêm vẫn có rất nhiều người thầm nhỏ lệ, thương cho mộng nữa cũng là không!
Thưa chị Dương Thu Hương,
Cũng là phận đàn bà như chị song thua kém chị nhiều bề, tôi cứ tự hỏi những bậc yêu nhân quần ái quốc trong và ngoài nước, gồm cả chị, ngày đêm hy sinh hạnh phúc và cuộc sống riêng để dấn thân tranh đấu, đòi hỏi chính quyền đương thời chấp nhận đa nguyên, thực thi dân chủ và tự do nhưng giả dụ đạt được điều này, đã có ai đưa ra được mô hình cụ thể nào cho ngôi nhà dân chủ/tự do ấy, đường lối, sách lược nào để quản trị nó chưa hay chỉ cần vài ba vị tinh hoa của giống nòi hô lên là lập tức có toà nhà dân chủ và tự do đẹp như mơ, sừng sững hiện ra như phép lạ? Vốn hiểu biết hạn hẹp của tôi chỉ cho phép tôi nhắc đến Tôn Dật Tiên, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và hai cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, là những nhà chính trị đã đặt vấn đề dân sinh/dân trí làm nền tảng cho thể chế. Quan mà không có dân thì quan xây lầu cho quan ở với nhau rồi tùy hỷ ban phát cho dân đen sau ư? Thái độ thờ ơ của quần chúng mà chị đề cập đến liệu có bắt nguồn từ suy nghĩ thô sơ, không muốn đánh đổi sự bình yên (dù là tạm bợ) của họ để rồi cũng chỉ nhận lại món hàng giả, cũ xì, từ tay các chính khách đã tháu cáy dán cái nhãn hiệu mới lên nó?
Chị Dương Thu Hương,
Tôi thành tâm tin rằng chị có thể làm được nhiều điều tốt đẹp, ít nhất là cho các chị em bạn gái mà chị nói là chị quan tâm. Tôi cũng thành tâm tin rằng chị không sống chết bởi tiếng reo hò cổ vũ của đám đông tuy không thể phủ nhận sự ồn ào có tác động nhất định của nó, hơn nữa, như chị mạnh mẽ xác nhận, chỉ sự nghiệp từ thiện và hành động thiết thực là có giá trị, tôi ước ao với tất cả tấm lòng, được thấy chị tạm xa rời cuộc tranh đấu có tính lý luận để bắt tay vào cứu vớt sự trầm luân của đời thường, xây dựng lại niềm tin cho những nạn nhân của cuộc chiến tranh bị phản bội vừa tàn. Tôi cũng mong đừng như chị nghĩ, sự nghiệp, tương lai ba đời con cháu của chị là một thứ quà cho không (gratuit, chữ của chị) vô nghĩa. Những thứ quý giá ấy thuộc về họ và chỉ họ được quyền tiêu dùng theo ý họ dù chị là mẹ, là bà nội, bà ngoại. Tôn trọng con người bất luận họ là ai, tôi thật tình xúc động và run sợ trước lời phát biểu độc đoán, ngạo mạn của chị. Các con và các cháu chị không có bổn phận trả giá vô ích cho việc làm của chị trừ phi việc làm ấy đem lại phúc lợi cho tha nhân và chính họ cũng chọn lựa đi con đường của chị.
Nhân chị nhắc đến Tạ Hải của Tổng Cục Cao Su, cậu ấy là em họ của tôi. Chúng tôi trải qua nhiều kỷ niệm khó quên trong khoảng thời gian ngắn ngủi chừng 2 năm, khi Hải được điều vào Sài Gòn làm việc. Theo những gì trí nhớ của tôi còn lưu giữ được về Hải thì đó là một thanh niên Hà Nội hiền lành, có lý tưởng, đa cảm và chân thật. Có một buổi chiều đầu tháng nào đó, áng chừng vừa lãnh lương, Tạ Hải gò lưng lạng xe đạp vào con ngõ đã chập choạng tối chỗ tôi ở, tay xách cái bị cói bên trong có con vịt và các thứ rau đủ để làm bữa cháo gỏi vịt, với hảo ý đãi cả nhà mấy mẹ con bà cháu tôi. Trông cậu lúi húi, nhanh nhẹn cắt tiết, làm lông con vật ở cái sàn nước mờ tối vì điện bị cúp, tôi thấy mủi lòng, ngỡ như những năm tháng tuổi trẻ cậu đem theo từ miền bắc vào đây chẳng có gì ngoài chút vui nhếch nhác của những bữa “liên hoan gia đình” dấm dúi như thế này. Tôi biết cậu rất nghèo nhưng mỗi khi tôi tìm cách đưa cho cậu tí tiền , cậu đều cương quyết từ chối: “Chị chỉ có một mình, đi làm nuôi bà và các cháu, chị để mà tiêu” Ở thời điểm đầy nghi kỵ nam/bắc ấy, cậu đã dạy cho tôi bài học đừng bao giờ phán xét ai căn cứ trên lời bình phẩm (tốt hay xấu) của kẻ khác và dù hoàn cảnh bệ rạc cỡ nào, vẫn có những con người tử tế. Tôi mất liên lạc với Hải sau lá thư cuối cùng gởi về địa chỉ ở Sàigòn không có người nhận. Chị cho tôi gửi lời thăm Hải và anh của Hải là Tạ Tường, xin nhắn dùm là tôi vẫn nhớ họ.
Sau cùng, hy vọng chị không nỡ ném thư này vào sọt rác vì tôi thật đã viết với tất cả chân tình yêu mến chị như tôi từng bày tỏ trong thư đầu tiên. Tôi cũng gởi theo đây những nỗi ưu tư, có lẽ thiết tha không kém chị, với niềm trông cậy. Tôi rất hiểu thời gian xói mòn đời người, thực tại ù lỳ và sự tha hóa nhìn thấy khắp nơi, ngày càng tích lũy hờn căm trong lòng chị song chị cần bình tâm lại để tìm ra con đường đúng nhất, những giải pháp khả thi nhất, nếu không thay đổi được ngay thì cũng chuẩn bị cho sự thay đổi ấy, kể cả chuẩn bị cho thế hệ con em chúng ta ngang tầm với thời thế của chúng.
Chúc chị nhiều sức khỏe.
Bùi Bích Hà,
California, 10/05.
Bà Bùi Bích Hà trước 1975 là giáo sư Pháp Văn tại các trường trung học Sài Gòn. Định cư tại Hoa Kỳ từ giữa thập niên 1980, bà bắt đầu tham gia sinh hoạt chữ nghĩa tại hải ngoại. Bà đã xuất bản những tác phẩm Buổi Sáng Một Mình (truyện, Người Việt 1989), Bạn Gái To Nhỏ (hỏi đáp tâm lý, Người Việt 1991), và hiện chủ bút tạp chí Phụ Nữ Gia Đình thuộc công ty nhật báo Người Việt ở Nam Cali @
http://www.nguoi-viet.com/
nguồn:
http://www.gio-o.com/BuiBichHaDuongThuHuong.html