Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Ái Cầm
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Ái Cầm




Tên thật Trần Ái Cầm,
sinh năm 1949 tại Hội An.
Chánh quán Qui Nhơn, Bình Định.
Theo học tại Ðà Nẵng qua các trường Thọ Nhơn, Phan Thanh Giản.
Vào Sài gòn học tại Khải Trí.
Về lại Ðà Nẵng, làm hiệu trưởng trường Chánh Ðạo.
định cư tại California cuối năm 1979.
Chủ quán văn nghệ Doanh Doanh.
Chủ nhiệm tuần báo Saigontimes tại Hoa Kỳ.
Giám đốc niên giám Hoa Việt Thương Mại.
Phụ tá chủ nhiệm đặc san Quảng Ðà được thực hiện hàng năm, khởi từ 1991.
được vinh danh về những hoạt động từ thiện, xã hội và văn hóa bởi Asian Pacific (Trung tâm á châu Thái Bình) ngày 19-5-1994.

Tác phẩm đã xuất bản:

Băng Nhi (truyện dài )
Tuyết Kha (truyện dài)
Hoa Biển (truyện dài)
Hòn Vọng Phu (truyện dài)
Dấu Khắc Hoa Mai (truyện dài)
Ngọn Cỏ Ven Sông (truyện dài)
Cho Trọn Cuộc Tình (truyện dài)
...
ghi chú : tất cả các tác phẩm trên được phỏng dịch từ tác giả Quỳnh Dao, Trung Hoa





PC
#2 Posted : Sunday, February 3, 2008 8:58:53 PM(UTC)
PC

Rank: Advanced Member

Groups: Moderator, Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,668
Points: 25
Woman

Was thanked: 4 time(s) in 4 post(s)
Những Kỷ Niệm Giáng Sinh Khó Quên
Ái Cầm

Những năm tháng chúng tôi theo học trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, môn Việt Văn của nhà văn, Giáo sư Nguyễn Văn Xuân là môn học chúng tôi yêu thích nhất. Ai cũng biết thầy Xuân là một nhà văn nổi tiếng với những tác phẩm Bão Rừng, Kỳ Nữ Họ Tống, Hương Máu, Chinh Phụ Ngâm Diễn Âm, Dịch Cát,... Chúng tôi còn nhớ khi thầy giảng về tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của cụ Tiên Điền Nguyễn Du, với cuộc chia ly não nùng bi thảm của đôi trai tài gái sắc Kim Trọng – Vương Thúy Kiều. Thân phận hồng nhan bạc mệnh trôi nổi từ địa ngục này đến các tầng địa ngục khổ đau khác, chúng tôi ngậm ngùi xót xa thương cảm đến người con gái xinh đẹp tài hoa đó, và thầm nghĩ mười lăm năm chia cách nhau sao mà lâu dài thăm thẳm đến như thế? Rồi đến những bài giảng về triết lý nhân sinh quan nào là “Đời người như bóng câu qua cửa sổ”, nào là “Lợi danh như giọt sương trên đầu ngọn cỏ”... những ẩn dụ mơ hồ chúng tôi không thấu triệt nổi... Mãi cho đến bây giờ, khi chúng tôi lưu lạc nơi viễn xứ, tình cờ gặp lại những khuôn mặt cùng lớp thân thương ngày xưa ở Đà Nẵng, không ngờ chúng tôi đã xa nhau gần bốn mươi năm. Thời gian hơn gấp đôi thời gian chia ly của cuộc tình Kim Trọng – Vương Thúy Kiều.
Đoạn kết của cuộc tình còn có hậu là hưởng được giây phút đoàn viên hạnh ngộ, còn trong bằng hữu chúng tôi có những mối tình vĩnh viễn lìa xa “đôi bờ ngăn cách”... dù sao thì những kỷ niệm êm đẹp nhất giữa thầy trò bằng hữu một thời Phan Thanh Giản vẫn sống mãi trong tiềm thức thân thương. Riêng với tôi, Đà Nẵng quê hương yêu dấu, tôi đã sống với Đà Nẵng hơn nửa cuộc đời. Mỗi mùa Giáng Sinh là những gợi động nhớ thương vô bờ.
Nhiều khi tôi muốn đẩy lùi tất cả kỷ niệm vào vực thẳm dĩ vãng, cố gắng sống với thực tại – cho dù đôi khi không hẳn là niềm vui ước nguyện – tôi bắt gặp ý nghĩ của một nhà văn phương Tây nào đó đã nói: Chúng ta không bao giờ tắm hai lần trên một dòng sông. Ý tưởng này tôi đã lặp đi lặp lại nhiều lần để khẳng định: quá khứ đã qua và ngày mai chưa đến nên hãy an nhiên tự tại sống với hiện hữu. Đúng như thế, dòng sông vẫn còn đó, vẫn trầm mặc lững lờ... nhưng thực chất trong mỗi lưu lượng sát na dòng nước đã khác, đã tuôn tràn ra đại dương. Tâm trong mỗi sát na cũng đã vọng động. Những vọng động làm cho chúng ta đau khổ hay hạnh phúc là tùy nơi mỗi nhân duyên tạo thành.
Nhưng làm sao hơn tâm như sóng biển nghìn năm dạt dào vào bãi hoang cuộc đời. Nếu tìm thấy được phút giây tịnh an đó mới là thực sự hạnh phúc. Thôi thì cứ mãi vọng động như thế nhất là thời gian bắt đầu trở lạnh, khi chung quanh trong đời sống đã vang lên giai điệu rộn rã, u buồn, thanh thoát, êm diệu của nhạc khúc Noel như Silent Night, Jingle Bells, Carol of the Bells, Joy to the World, Happy Holidays, We Three Kings of Orenet Are, The First Noel... là y như lòng tôi chùng xuống, sống lại thuở ấu thơ khi Má tôi đưa tôi vào học trường mẫu giáo Thánh Tâm Đà Nẵng.
Tôi được Soeurs chọn làm Thiên Thần cùng với các bạn đứng trên xe rước kiệu Chúa Hài Đồng Giáng Sinh đi vòng quanh ngôi nhà thờ Chánh Tòa trên đường Độc Lập. Các bà Soeurs rất hiền thường cho tôi kẹo bánh sau khi rước lễ nửa đêm xong. Mặc dù các Soeurs đều thân quen với Má tôi và đều biết gia đình chúng tôi theo đạo Phật và Má tôi là một trong những Phật tử thuần thành có công xây dựng Chùa Tam Bảo Tự trên đường Phan Chu Trinh Đà Nẵng nhưng Má tôi vẫn khuyến khích tôi tham gia vào toán Thiên Thần khi Soeurs dạy mẫu giáo đề nghị chọn tôi. Vừa tung hoa vừa ca hát bài “Đêm đông Chúa sinh ra đời...” vừa đọc lớn theo Soeurs hướng dẫn “... Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Thật sự lúc đó, tôi làm sao hiểu nổi... Bình an dưới thế cho người thiện tâm... Hơn bốn mươi năm đi vào con đường giáo pháp của Đức Như Lai tôi mới thẩm thấu sâu sắc hơn về câu nguyện “Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Tại sao người thiện tâm mới đạt được sự an bình? Vì Tâm ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc sống của chúng ta. Tâm là nguyên nhân khởi động cho mọi sự khổ đau và hạnh phúc. Tâm có phát triển Tình Thương và Lòng Từ Bi nhân ái, Tâm mới thực sự Bình an (Tâm bình, thế giới bình). Khi chúng ta chia sẻ sự lo âu khổ đau đến hạnh phúc của nhiều người khác thì cảm giác bình an của chúng ta trong nội tâm càng lớn mạnh, một trạng thái ấm áp gần gũi an vui sẽ tự động làm cho Tâm chúng ta an bình. Nếu tất cả loài người dưới thế hiểu được lời răn dạy của Thiên Chúa hay của Đức Như Lai thì thế giới này sẽ gặt hái được sự bình an hạnh phúc và sức mạnh tâm linh của nhân loại cũng sẽ được tăng trưởng như ý.
Cho đến nay thực sự tôi mới tìm được câu trả lời trong ý niệm Tình Thương phá chấp giữa các đức tin tôn giáo. Trong thời đại hiện hữu, chúng ta cũng đã đón nhận nơi những lời thuyết giảng sâu xa và đầy ý nghĩa vi diệu cao quý của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Ngài là biểu tượng hình ảnh Tình Thương và Hòa Bình, và Trái tim kỳ quan vĩ đại tuyệt vời của Mẹ Teresa không có ai sánh kịp, Mẹ cao cả như một Thánh nhân giữa ta bà.
·
Cũng từ những kỷ niệm vực dậy từ tiềm thức rêu phong của thời thanh xuân, hồn nhiên mơ mộng...
“... Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi...”
(Hàn Mặc Tử)

Khi chúng tôi chia tay trường Phan Thanh Giản, mỗi đứa như cánh chim bay đi khắp phương trời. Riêng tôi thì quyết định... “Em Phan Thanh Giản bỏ trường theo anh...” Thời gian chúng tôi có với nhau đứa con đầu lòng thì chính là thời gian anh đi công tác ở miền Hỏa Tuyến. Càng ngày cuộc chiến tại Quảng Trị Khe Sanh càng trở nên khốc liệt.
Tôi ở Đà Nẵng thường theo dõi tin tức và thường hay hồi hộp lo âu. Vài ba ngày tôi lại nhận được thư anh tường thuật những chuyến công tác tâm lý chiến tại các chiến trường Ái Tử, La vang Quảng Trị. Noel năm 1972, anh cùng với các chiến hữu dừng quân tại Thánh đường Đức Mẹ La Vang đổ nát trong khói lửa chiến chinh, và anh gởi về cho tôi một bài thơ đầy xúc động của thi sĩ Kiên Giang – Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, qua trí nhớ của anh:

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em còn nguyên vẹn tuổi băng trinh,

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường.

Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thùng anh đứng lại không đi.

Sau mười năm lẻ anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi, chuông xóm đạo
Khi nàng áo tím bước vu qui!

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm kín khối sầu!
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu.

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng.

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím cành hoa trắng
Giữ cả trường xưa, nóc giáo đường.

Giặc chiếm lầu chuông xây ổ súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ,
Anh gom gạch nát, xây tường lủng
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù.

Nhưng rồi người bạn đồng song ấy
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, hồi vĩnh biệt
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp áo quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò, mờ thắm tươi.

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa.

Không biết bài thơ bi thương này nhà thơ Kiên Giang sáng tác bằng cảm xúc qua hiện cảnh xảy ra sự thật hay mang tính cách tưởng tượng đầy hư cấu!!? Nhưng với thực tế về những tín hữu Thiên Chúa Giáo ngoan đạo đã từng chiến đấu để bảo vệ Thánh địa La Vang trở thành lịch sử lưu truyền...
“Sở dĩ anh đã yêu bài thơ này vì anh đã thực sự xúc động với những hiện tượng đau buồn thường trực xảy ra trong cuộc sống của anh. Những người bạn đã cùng chia sẻ điếu thuốc, ngụm nước “bi đông” với anh sớm mai, buổi chiều đã vĩnh viễn ra đi, bỏ lại mẹ già và người vợ trẻ...” Chiến tranh thật quá tàn nhẫn... anh chỉ thở dài và cầu nguyện Trời Phật gia hộ cho anh và cho bạn bè anh được an toàn về sum họp với gia đình. Ở hậu phương này tôi cũng đã hằng đêm cầu nguyện cho anh gặp nhiều sự may mắn...
Ba mươi năm qua đã chấm dứt những giấc mộng kinh hoàng trong chiến tranh. Nhưng những cơn địa chấn tâm lý bùng vỡ khắp nơi tiếp diễn đày đọa những kẻ hiền lương... Nhiều khi tôi thầm nghĩ cuộc đời là những cơn giông bão đầy nhiễu nhương và đau khổ triền miên, nên hãy cố gắng vượt qua và giữ cho Tâm như mặt hồ tĩnh lặng. Nhưng gió không-thời-gian đã thổi qua hàng liễu ven đôi bờ, làm rơi vài cánh hoa mong manh đủ làm dao động mặt hồ. Mặt hồ vô tình làm nhàu đi khuôn mặt thật hiền hậu như bản chất của con người. Và từ đó, chính tôi cũng ngỡ mình đang diễn xuất một vai trò trên sân khấu đời đầy hỉ nộ ái ố mà tôi không hay. Chung quanh tôi trong đời sống cuộc trình diễn vẫn không ngừng thay đổi, đang kéo dài từ thế hệ này đến thế hệ khác. Mỗi ngày theo đà tiến triển văn minh chạy đuổi theo hư huyễn đầy tham sân si càng độc hiểm hơn, làm cho con người mỗi ngày mỗi xa cách, hoài nghi nhau hơn... Nhưng cho dù ở trên quê hương hay nơi dặm ngàn viễn xứ xa cách, chúng tôi vẫn ước nguyện tiếng chuông Đêm Giáng Sinh của ngày xưa đầy kỷ niệm vẫn còn vọng lên từ tiềm thức một cách thiêng liêng và nhiệm mầu trọn vẹn:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời
Bình an dưới thế cho người thiện tâm...”

Ái Cầm
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.