Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Trân Sa
Phượng Các
#1 Posted : Friday, November 26, 2004 4:00:00 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)



Trân Sa



sinh năm 1956
tại Ðà Nẵng
lớn lên tại Nha Trang
hiện định cư tại Toronto Canada

từng làm chủ bút :
tạp chí Bạn Việt, tại Canada
tạp chí Trăm Con, tại Canada
cọng tác với nhiều tạp chí văn học tại hải ngoại
tác phẩm đã xuất bản:

Thơ Trân Sa (Tập Hợp, Úc 1989)




Ðiểm Tâm Cho Người Tình (thơ,Tân Thư , Hoa Kỳ 1990)
Cung Thức Cùng Thơ Mộng (thơ, in chung với Lê Thị Huệ và Vũ Quỳnh Hương, Lũy Tre Xanh xuất bản 1996)
Phượng Các
#2 Posted : Friday, November 26, 2004 8:26:50 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
của linh hồn

trân sa



Tôi đã hẹn gặp em trong giấc mơ,

Và em, kẻ chẳng bao giờ phụ lòng tôi,

Em đã tới. Đã ngọt ngào nằm xuống bên tôi,

Đã âu yếm kề tay cho tôi gối.

Đôi mắt đen láy của em tôi đã được nhìn một lần nữa.

Và một lần nữa, em đã cho tôi nghe tiếng nói.

Một lần nữa em đã

Duỗi chiếc chân ấm áp để gác lên mình tôi.

Một lần nữa tôi lại vùi mặt mỉm cười

Trong tóc em thơm ngát...



Đêm nay tôi lại thèm gặp em biết bao

Trong giấc mơ. Và em, kẻ chẳng bao giờ phụ lòng tôi,

Em hãy tới. Tôi sẽ đi sớm hơn hôm qua,

Về điểm hẹn cuả chúng ta.

Cả bộ não tôi đang nôn nao chờ đợi.



Nơi ấy không ai, ngoài chúng ta,

Không có cả ánh đèn hay bóng tối.

Em hãy hân hoan, như đã - ngày hôm qua

Ngả mềm mại xuống cùng tôi. Hãy cứ

Đan những ngón thuôn thả vào tôi - như ngày hôm qua

Hãy kéo tôi gần lại.



Và tôi sẽ cúi hôn ngực em, thiết tha,

Bằng đôi môi rất nóng của linh hồn.

trân sa

Phượng Các
#3 Posted : Friday, November 26, 2004 8:29:48 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
chiêm bao địa ngục


trân sa




Nhưng mấy hôm nay giấc mơ cuả tôi bão - Những giọt mưa khổng lồ,
Nắng thì có màu nâu và chiều đêm nặng nề sẫm xịt.
Một người đàn ông và một đứa bé trai đang dọn đi chiếc bàn tròn,
"Dẹp! Dẹp! Dẹp đi!" Giọng hắn khô, cáu kỉnh và lạnh lẽo.
Đứa bé câm lặng và phục tùng, cử động nhanh như máy.
Họ biến mất nhưng cơn bão vẫn còn, tôi đứng trong cái vòng tròn xi măng nơi trước đó là một nửa quả đất,
Những giọt mưa lớn như ngón chân rơi xuống,
Chung quanh núi non ảm đạm không còn cây.
Tôi biết chẳng còn ai quanh mình nữa cả,
Tôi biết không còn chim bay, không còn một đoá hoa nào sẽ nở.
Ôi đêm, cái màu chì đen nặng nề rùng rợn,
Không còn ai không còn ai nữa quanh đây,
Không gian nhờ nhờ khí chết - Không còn cả những linh hồn chẳng biết bám vào đâu để trở về sự sống.

Tôi vùng ra giấc mơ vùi mặt vào chiếc lưng em xua đuổi,
Hãy để em tiếp tục ngủ - Giấc cuả em vô tư,
Nhưng mấy hôm nay giấc mơ cuả tôi gầy,
Thịt da đã mất rồi chỉ còn xương xẩu.
Nó đứng lêu khêu, gió thổi qua run rẩy,
Những tờ giấy trắng thả bay bay.
Trong hốc miệng, tiếng khan khào - Những âm thanh cuối kia đang đuối,
Những tờ giấy rụng như lá cây.
Giấc mơ ôi quá gầy, một thân xương lẻ loi cô độc,
Trên đường phố không người đi qua, không có ai hiện hữu
Không còn ai tồn tại.

Tôi vùng ra giấc mơ, buổi sáng xám mây,
Những con chim ngơ ngác buồn rầu - Không tiếng hót.
Ở nơi nào chiến tranh - Đang tiếp diễn, đang sôi sục, bắt đầu,
Những gì tất cả đều đang biết trước
Ngay cả những con chim bé bỏng ngoài tường rào cũ kỹ kia cũng đang biết trước,
Chúng đang chắc lưỡi thở than.
Em ở đâu, hơi ấm cuả tôi?
Những ngày chúng ta còn sống sót.



Ôi điên loạn, huỷ và tự huỷ, những đàn ông tròng mắt làm bằng kim loại,
Lỗ tai nhựa, tim chứa đầy thuốc súng,
Những kẻ hung hăng hèn nhát, giải quyết mọi vấn đề bằng hành động giết và tự giết,
Và những đàn bà tiếp tục mỉm nụ cười rờn rợn cuả những người mẹ đang chuẩn bị giết những đứa con,
Tất cả những đứa con đã được sinh ra trong cuộc hôn nhân đớn đau cuả chủ nhân và nô lệ

Hãy giải phóng tôi ra khỏi những ác mộng này,
Hỡi những đàn bà nô lệ!
Xin hãy giải phóng tôi ra khỏi sự nô lệ cuả các người, xin hãy
Để chúng lại sau lưng - nô lệ và nỗi buồn, lòng căm giận,
Tôi thèm nhìn sớm mai bầu trời xanh,
Những đứa bé trai hiền lành cầm tay những đứa bé gái không mong manh vui tươi chạy nhảy như chó nhỏ như mèo con,
Như tôi như chúng ta, những ngày tuổi thơ không cháy xém đi trong súng đạn.

Hãy giải phóng tôi, hỡi những đàn bà nô lệ!
Xin di tản ra khỏi những chiến trường - lò thiêu.
Ôi cơn điên đang quá đỗi,
Họng các người đã khan, tiếng chúng tôi đã khản.
Đau đớn biết chừng nào, nước mắt chảy hoài không cạn.
Hãy cứ để cho họ giết hãy cứ để cho họ chết,
Những đàn ông huỷ và tự huỷ,
Tròng mắt làm bằng kim loại, lỗ tai nhựa, tim đầy thuốc súng,
Họ không biết khóc.

Hãy di tản ra khỏi khu vực những chiến trường - lò thiêu,
Hãy để những tiếng cười gằn man rợ ấy sau lưng sình thối cùng ruồi nhặng,
Đừng ngoái đầu, đừng trở về chôn cất.



Nhưng tự do là tự do cho chính mình hay tự do cho tất cả?
Tôi giận dữ như đang sắp nổ.
Ôi hèn hạ, mấy tỷ con người rượt hiếp đàn bà, trẻ thơ, da đen và thiểu số,
Bọn đuổi theo chỉ để dập đi những điếu thuốc lá, nhưng lại đang khép nép cúi đầu trước bọn đeo cà vạt, lũ sắc phục.
Quyền bính thay là những ngón tay trỏ,
Chúng chỉ việc nhúc nhích,
Thế là một triệu viên đạn sẽ lên nòng,
Thế là những dãy nút điện sẽ được bấm,
Thế là hàng ngàn hàng chục hàng trăm ngàn con người sẽ bị giết.
Ôi hèn hạ, tôi tìm lục trong mắt người,
Những ngày này, chiến tranh, nơi nào đang tiếp diễn, nơi này đang sôi sục đợi bắt đầu,
Tôi muốn thấy một cái gì như là niềm phẫn nộ,
Tôi thèm nghe dù chỉ một tiếng rít, nếu không là gầm thét:
"Ngừng! Ngừng! Ngừng tay!"

Không thấy,? không thấy, không thấy, không,
Ở trên những con đường tôi đi qua, sáng, trưa, chiều nay,
Vẫn là những đàn bà trễ ngực và hở rún,
Những cái váy những cái áo xẻ sâu tận đùi mời gọi,
Những đàn ông quạu cọ kệch cỡm vênh váo,
Những tiếng còi xe tải rú lên doạ nạt kẻ đi đường.
Những đứa trẻ con ngây thơ ơi, cứ nhảy nhót líu lo, không biết gì về những điều đang xảy ra và sắp tới,
Và những cặp mắt láo liên cuả những kẻ muốn sống lâu trăm tuổi,
Cứ trừng trừng nhìn điếu thuốc cuả tôi.

Tự do là tự do cho chính mình? Trước hết, đó là một thứ tự do tương đối.
Khi tất cả đều bị trói,
Kẻ đầu tiên phải được cởi trói chính là ai?
Nếu có một bầu trời,? vì sao tôi phải chúi nhủi trong một cái hộp bít bùng, phải trốn mọi con mắt rình mò để hút vài điếu thuốc lá?
Lúc này là lúc người ta phải soi mói những sợi khói,
Hay những quả bom nguyên tử? sắp làm mặt đất nổ tung?

Lúc này là lúc nào, những mặt người gầy gò ảm đạm đang chờ đợi những cái chết tức thì và tập thể,
Và những con cá sấu - Nước mắt chúng làm tôi nghiến răng.
Những đứa bé sẽ, sắp sửa, bị đưa vào lò sát sinh
Và bọn cha mẹ đang nhe những hàm răng ra khoe,
Nhỡn, lởm chởm, "Xem này, chúng ta có biết khóc!"

Lúc này là lúc nào,? thực trộn chiêm bao?
Em đang ở đâu,? bàn tay dỗ dành trên mắt môi, tôi phải hút thêm thuốc lá.
Những con cá sấu thì gầm gừ,
Mỗi điếu thuốc là một khắc giây sự sống,
Mi đừng để chúng ngửi thấy mùi một điếu thuốc đang đốt.
Nó làm chúng kinh hãi, hơn là mùi cuả khói xe, thuốc súng, và
mùi khét cuả thịt da cuả những kẻ đang chết cháy,
Ở New York, à, sắp là Trung Đông, và kế đấy...

Tự do là tự do giây phút này, cho chính mình thôi?
Thứ tự do tương đối này sao nhỏ nhoi quá đỗi.
Lúc này là lúc nào,? có thực và chiêm bao,
Sao những sợi thần kinh tôi cứ căng ra chẳng gì xoa dịu nổi.
Sắp rồi, phải không? Những quả bom đã được chế xong và thế là người ta, con người, đang chờ đợi.



Vâng, đúng rồi, tôi sắp nổ tung!
Máu tôi sẽ toé ra, thịt xương tôi sẽ vỡ toang, từng mảnh nhỏ bay đi bắn đi như pháo.
Bàn tay tôi nơi này, bàn chân tôi nơi kia, chẳng ai còn nhận ra đôi mắt tôi đã bao nhiêu lần đã cứ nhìn đăm đắm,
Chúng chỉ còn là những bầy nhầy chất lỏng màu đen.
Chẳng ai nhìn thấy đôi môi vẫn cứ nhoẻn cười trước kia cuả tôi đâu nữa,
Những chiếc hôn thầm lén đã tan tành.

Bầu trời, bầu trời, mi có còn xanh?
Cái nhìn em có còn buồn, bàn tay em còn lạnh?
Tôi run rẩy níu một lần cuối cùng những sợi tóc em đen mảnh,
Bằng những tế bào sắp khô vữa cuả tôi. ?

Trân Sa
Phượng Các
#4 Posted : Friday, November 26, 2004 8:31:51 PM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)

THỜI MÀ NÀNG CÒN ÐIÊN

TRÂN SA


Chiều nay tôi điện thoại cho Phiêu. Giọng nàng trong điện thoại sắc lạnh, xa cách. Nàng hỏi có gì không Hoài? Tôi nói, không có gì, chỉ gọi nói chuyện chơi, Phiêu bận hả? Ừ Phiêu cũng đang bận lặt vặt, đang chuẩn bị giặt đồ, tổng vệ sinh nhà cửa.
Tôi nói, thôi để bữa khác Hoài gọi lại.
Ðặt máy điện thoại xuống, tôi ngồi im, thấy buồn buồn. Chiều xuống từ bao giờ. Màu trời sẫm, nặng nề.
Lẽ ra tôi phải mừng cho Phiêu chứ. Phiêu đã bình thường trở lại. Bình thường. Như mọi định nghĩa về bình thường của thiên hạ. Phiêu đã đi làm việc. Một việc làm ổn định, lương cao, cấp điều hành, thuộc Bộ Nhân Dụng của chính phủ.
Cuối tuần trước gặp Phiêu ở quán ăn Anh Ðào, Phiêu trông lạ hẳn. Nàng mặc bộ đầm màu cam nhạt, áo khoác đen. Tất cả đều là thời trang mới nhất. Nàng trang điểm kỹ lưỡng, khéo léo. Màu mắt nâu trên nền hồng bạc, môi thoa son màu cam tươi hợp với bộ áo. Nàng ăn uống chậm rãi, nói chuyện dè dặt chừng mực, hơi có vẽ khó chịu với khói thuốc bay ra từ môi tôi. Nàng nói, Phiêu bỏ thuốc lá hơn tháng nay rồi! Tự nhiên bỏ được? Tôi hỏi. Phiêu cười, rùn vai nhẹ nhàng. ” À há. Tự nhiên bỏ. Không thích hút thuốc nữa.”
Phiêu không hút thuốc nữa, tôi mừng cho Phiêu. Lúc gần đây, tôi đã bắt đầu nhận được những dấu hiệu đe dọa từ cổ họng. Những buổi sáng thức dậy với cảm giác hâm hấp sốt và cuống họng đau rát thường trực. Tôi ho thường xuyên. Ðàm bắn ra từng viên tròn xoay, nhỏ xíu, mầu nâu nhạt. Một người bạn hành nghề y khoa bảo, coi chừng viêm cuống phổi kinh niên, nhưng nếu thế thì vẫn còn đỡ, khi ung thư phổi thì không cách nào đảo ngược lại tình thế. Tôi ừ ừ. Có lẽ khi tôi quyết định bỏ thuốc lá thì hơi muộn.
Tôi mừng Phiêu bỏ thuốc lá.
Quen Phiêu mấy năm rồi, lúc nào tôi cũng thấy Phiêu cầm trên tay điếu thuốc lá. Mái tóc ngắn biếng chải và điếu thuốc lá. Là Phiêu. Vẽ Phiêu, chỉ cần vẽ một khuôn mặt trái xoan, mái tóc ngắn bờm xờm và một điếu thuốc lá trên những ngón tay thuôn dài là đủ, tôi nói đùa với Phiêu như thế.
Nhưng tôi vẽ Phiêu cẩn thận hơn thế nhiều. Những ngày nàng còn điên, tôi không thể nào không yêu Phiêu. Những ngày đó đã đi lùi về phía sau.
*
Buổi sáng dọn đến nhà tôi Phiêu uống cà phê đen bỏ thật nhiều đường. Phiêu vừa uống cà phê vừa hút thuốc lá. Mái tóc Phiêu cắt ngắn, vuốt ngược lên bằng gel. Lâu lâu, Phiêu cảm thấy ghét sự lộn xộn của mái tóc nàng, nàng lại vuốt ngược lên như vậy.
Phiêu bảo:
“Ðể mặc những cái thùng quần áo ấy trong phòng em. Khi nào em rảnh sẽ soạn ra từ từ. Này, căn nhà đối diện hình như vừa mới được sơn màu xanh da trời!”
Nàng ngồi nơi cái bàn ăn kê gần cửa sổ và nhìn ra đường, mắt đuổi theo dòng xe cộ chạy qua lại như mắc cửi.
“Biết bao giờ mình mới lại nhìn thấy một con chuồn chuồn nhỉ?”
Tôi đã hơi quen với vận tốc chuyển phương hướng suy nghĩ của Phiêu rồi nên chẳng lấy gì làm ngạc nhiên cả. Tí xíu nữa thôi, chỉ trong vài giây, nàng sẽ không nhớ gì về cái mái hiên màu xanh da trời của căn nhà đối diện, những chiếc xe chạy vội vã như bị ma rượt ngoài đường và những con chuồn chuồn trong trí nhớ. Tôi cũng quen cách ăn nói của Phiêu nữa, cách ăn nói kỳ quái đã từng làm bạn tôi hoặc trố mắt ngạc nhiên, hoặc khó chịu hiểu lầm. Có lần, một người bạn của tôi hỏi về học vấn của Phiêu, nàng trả lời ”lớp ba, lớp bốn gì đó”, với vẻ nghiêm trang, không cười. Sau đó nàng nhăn trán như đang suy nghĩ gì lung lắm, ”Thật sự, tôi nghĩ rằng tôi chưa từng học hành gì cả. Trong đầu tôi sao mà trống rỗng tàn bạo. Những chữ, những số, những hình vẽ đã chui vào đầu tôi trong những lúc nào đó cũng đã chui ra khỏi đầu tôi trong những lúc nào đó như một phép lạ. Bây giờ đừng ai hỏi tôi bất cứ một câu hỏi công dân sử địa vạn vật toán văn chương triết học nào cả. Tôi sẽ không thể nhớ được cái gì cả.” Người bạn ấy hỏi nhỏ với tôi, ”Cô ấy nói thật hay là ba xạo chơi?” Tôi trả lời, ”Cô ấy nói thật đấy.” ” Thật là chỉ mới học lớp ba lớp bốn?” Người bạn có vẻ không tin nổi. Tôi cười, ”Có lúc cô ấy bảo cô đã sáu mươi tuổi rồi, có khi lại cho mình mới ba tuổi thôi, và khi nào cô ấy cũng nói thật cả. Nếu mày hỏi lăng nhăng tiếp, cô ấy sẽ bảo cô học đại học năm thứ ba mươi đấy!” Không phải người bạn nào của tôi cũng thông minh cả. Người không thông minh thì bảo Phiêu khùng. Người thông minh hơn thì nói Phiêu điên.
Tôi vốn là người hòa hoãn, nên đôi khi cũng nói ”Phiêu điên quá đi” với sự âu yếm. Chữ ”điên” là chữ của thiên hạ, sự âu yếm là của tôi. Ðấy là một sự dung hòa.
Thời mà Phiêu còn điên, nàng không thỏa hiệp, không hòa giải được với đời sống. Nàng phẫn nộ đau đớn, cũng thường trực như đam mê nồng nàn, với đời sống. Ðề nghị Phiêu về với tôi, tôi tưởng tình yêu tôi dành cho nàng sẽ giúp nàng quân bình hơn. Những ngày đầu tiên, Phiêu có vẻ vui và bận rộn. Nàng sắp đặt trang hoàng phòng riêng của nàng. Rèm cửa xanh biển đậm. Thảm lót dưới sàn có màu trắng và nâu. Hoa chưng trên bàn làm việc. Tranh Ai Cập trên giấy bồi đóng khung gỗ treo tường. Tôi ngắm Phiêu đi lui đi tới, áo thun đen sát nách ngắn ngủn và quần jean xanh bạc bó hai đùi thon, có khi ngậm một cái đinh trên môi và cái búa trên tay, ngoẹo cổ ngắm nghía tìm một chỗ vừa ý để treo tranh. Phiêu gọi tôi ơi ới, bắt tôi chuyển cái bàn này qua phía kia, cái kệ sách này vào góc nọ, nhắc đem thịt bò ra để sẵn trên bàn tí nữa Phiêu sẽ xào với rau cần ta. Sách vở Phiêu mang tới cộng với sách của tôi có thể tạo thành một thư viện nho nhỏ. Phiêu có nhiều sách về tâm lý, xã hội, triết học và văn chương. Tôi có những sách chính trị, lịch sử, khoa học. Một sự bổ túc đẹp đẽ.
Phiêu nghỉ việc đã được vài tháng. Nàng quyết định nghỉ việc vào một ngày đẹp trời mùa Hạ. Nàng kể. ” Có những buổi sáng thức dậy không muốn đi làm một chút nào. Nhưng mà em phải đi. Phải đi. Giống như hồi nhỏ và lúc mới sang đây em phải đi học. Lúc đó cũng có những buổi sáng thức dậy không muốn đi học. Nhưng rồi cũng phải đi. Phải đi. Nếu không thì bây giờ em không biết chữ không có văn bằng gì cả. Nhưng mà biết chữ và có văn bằng thì cũng phải đi làm công việc của người biết chữ và có văn bằng. Sáng hôm đó em nghĩ. Có cái gì bất ổn ở chữ phải. Phải xa quê hương. Phải rời xa mẹ. Phải bỏ người yêu. Phải bỏ thuốc lá. Phải sống đàng hoàng. Những cái phải làm em khổ sở, không thấy hạnh phúc. Trong khi lẽ ra, em phải được hạnh phúc như là một phần thưởng cho cái nghị lực đã đi theo những cái phải ấy. Ô, đời sống chỉ toàn những cái phải! Và em phải chọn lựa những cái phải trong số những cái phải. Em không được làm trái đi những cái phải mặc dù em ao ước được làm trái đi những cái đang làm. Vậy, em nào có tự do? Suốt đời em nào có tự do? Từ bé đến lớn! Một con người luôn luôn phải làm những cái phải là người mất tự do. Nó tự nhủ nếu theo được những cái phải ấy nó sẽ được yên ổn - nhưng nó luôn luôn có những tư tưởng phản kháng chống đối lại cái yên ổn ấy, rốt cuộc nó chẳng bao giờ yên ổn cả.
Em phải đánh mất đi sự yên ổn để đạt được sự yên ổn. Vì thế sáng hôm ấy em điện thoại vào sở và nói với giám đốc, tôi nghỉ việc! Nói xong, em thấy mình nhẹ nhõm như có thể bay lên được vậy. Nhưng mà đó chỉ là một phần nhỏ tự do tìm thấy thôi...”
Phiêu quyết định bỏ ra vài tháng để không làm gì cả, tuyệt đối không làm gì mình không thích. Những tuần đầu tiên tôi được ăn biết bao nhiêu là món ngon vật lạ. Phiêu tỏ ra thích làm bếp, và nàng rất khéo trong việc làm bếp. Nhìn dáng điệu bề ngoài Phiêu, người ta có thể không ngờ đến điều ấy.
Những tuần đầu tiên cũng là thời gian duy nhất tôi được gần gũi Phiêu. Nàng làm tôi kinh ngạc vì sự cuồng nhiệt đam mê trong khi ân ái của nàng. Kinh ngạc và hạnh phúc đến mê đắm, dĩ nhiên. Nàng lùa tay vào tóc tôi ghì tôi xuống. Nàng hôn rất nồng nàn. Nàng biết vuốt ve. Nàng có chủ động. Không lần yêu nhau nào nàng không cùng tôi đạt đến điểm cao nhất của khoái cảm. Tôi yêu tiếng thở ra rất mạnh, người nàng cong lên và duỗi ra lại rất nhanh, và nụ cười mỉm trên môi nàng, khi nàng ”tới”. Sau đó nàng vùi đầu vào ngực tôi, cánh tay ôm quàng trên cổ tôi và ngủ như trẻ thơ.
Nhưng mà có một lần hai đứa đang yêu nhau, tôi nhìn thấy nước mắt nàng ứa ra, và đôi môi xinh đẹp mịn màng của nàng thoát ra một cái tên. Một cái tên khác. Không phải là Hoài. Tiếng kêu rất nhỏ, như hơi gió, như một tiếng lá lay động. Nhưng đủ làm những sợi thần kinh trong óc tôi tê điếng. Không phải vì ghen.
*
Khi Phiêu kể cho tôi nghe về người nọ, tôi hỏi.
“Phiêu còn yêu người ta sao?”
“Khi đã yêu thật thì làm sao còn yêu hay hết yêu được. Câu hỏi ấy chỉ dành cho sự đam mê.”
“Phiêu có yêu Hoài không?”
“Có. Nhưng không bằng Phiêu yêu người kia đâu. Nhưng mà thôi, dẹp những câu hỏi yêu hay không yêu đi. Ðừng nói tới chữ yêu nữa. Nó làm em nhức đầu. Có khi nó làm em hoang mang, nghĩ nó không có thật, nó chỉ là danh từ, chỉ là động từ. Nghĩa là từ ngữ.”
“Tụi mình cưới nhau đi. Phiêu sinh cho Hoài một đứa con đi.”
Nàng im lặng. Nàng cắn móng tay im lặng, bứt rứt.
Ðó là khởi đầu của cơn động đất. Những ngày hôm sau, đi làm về, tôi không nhìn thấy Phiêu đang đứng loay hoay nấu bếp hoặc tưới những chậu kiểng trong nhà nữa. Căn nhà vắng tanh, lạnh toát không có Phiêu. Tôi vào phòng Phiêu, nhìn sự ngổn ngang của mọi thứ. Ðóa hoa cắm trong lọ đã héo, sách báo quăng đầy sàn, quần áo ném bừa bãi trên giường, và trên bàn Phiêu, chiếc gạt tàn đầy ngập. Phiêu chép trên một tờ giấy một đoạn trong cuốn sách nàng đang đọc.
“I have a horror of comfort; possessions invite comfort, and in their security a man falls asleep; I love life enough to try to live wide awake, and so, even among all my treasures, I cherish a sense of the precarious, by which I provoke or at least arouse my life.”
*
Tôi kêu lên, ”rác rưởi!” với sự giận dữ lẫn tuyệt vọng. Mấy ngày hôm nay, Phiêu đã lạnh lùng, đã nóng nảy, đã gây sự không phải chỉ với riêng tôi mà với bất cứ ai đến nhà tôi. Nàng đã gây gỗ khi vài người bạn tôi vô ý đùa nghịch.
“Từ ngày Phiêu về đây, nhà Hoài đẹp hẳn ra. Hoài cũng vui hẳn lên, dù có gầy đi đấy. Nhà có đóa hoa biết nói thế này, Hoài đâu có cần ăn uống gì, chỉ ngắm hoa suốt ngày suốt đêm cũng đủ no rồi.”
Hôm đó tôi có gọi điện thoại về sớm, nhờ Phiêu làm giùm thức ăn cho vài người, một số bạn muốn đến nhà chơi. Phiêu làm thức ăn đầy đủ. Canh chua, thịt kho, cá chiên, những món tôi thích.
Phiêu dọn thức ăn lên bàn, khi đi ngang người bạn vừa nói câu ban nãy, nàng cười nhạt.
“Vừa rồi, anh nói mấy câu hơi vô ý thức. Tôi không phải là một đóa hoa. Ví đàn bà như một đóa hoa cho đàn ông ngắm là một lối ví von trịch thượng. Nếu anh thích ví von, nên ví von đàn bà như hoa trên bàn thờ Phật nếu anh là Phật tử, hoặc hoa trên bàn thờ Chúa nếu anh theo đạo Thiên Chúa. Như vậy cũng tỏ ra được chút kính trọng đối với người mẹ đẻ ra anh!”
Tôi la lên, không dằn được sự bực tức.
“Phiêu, tại sao ăn nói như vậy? Anh ấy chỉ đùa thôi mà!”
“Tôi cũng đùa thôi mà. Tại sao anh ta có thể đùa với tôi được mà tôi không đùa lại với anh ta được? Còn Hoài la lên như thế, tôi sẽ la lại Hoài đấy nhé! Nên nhớ tất cả chúng ta đều bình đẳng với nhau trên trái đất này, đó là câu Hoài vẫn thường nói đấy.”
Rồi Phiêu bỏ đi. Lúc nàng về, chỉ có mình tôi ngồi ở bàn ăn, với những vỏ bia không và chai rượu đã cạn. Nàng đứng tựa lưng vào tường, nhìn tôi lạnh lẽo.
Tôi nói.
“Phiêu ngang bướng. Phiêu...”
Nàng ngắt lời.
“Lúc nào tôi mệt, tôi không nghe lời ai cả. Tôi sẽ bịt mắt bịt tai và ưa ngồi một mình. Lúc đó tôi rất yêu tự do. Hãy để tôi làm con chuồn chuồn cánh mỏng bay trên cánh đồng tuyết trắng đi tìm những bông hoa huệ.”
Nàng bỏ vào phòng, khóa kín cửa lại. Tôi đập cửa. Nàng vẫn im lặng. Ngày hôm sau, khi tôi đi làm, Phiêu vẫn còn ngủ, khi tôi về, Phiêu đã ra ngoài, khi tôi đã ngủ, Phiêu mới trở về.
Tôi ngồi lì ở phòng nàng, nhất định chờ nàng về. Tôi nhặt những tờ nhật báo nàng đã đọc lên xem, và hốt hoảng thấy nàng khoanh vòng xanh đỏ trên những mẩu rao cho thuê nhà. Tôi đã làm lỗi gì? Không phải hai đứa đã hạnh phúc vô cùng những ngày qua hay sao? Tôi chấp nhận mọi điều Phiêu làm, mọi tính khí bất thường của Phiêu. Chuyện hôm kỉa hôm kia là chuyện nhỏ nhặt, tôi cũng đâu có phản ứng gì quá đáng. Tôi cũng sẽ xin lỗi như mọi lần.
Quá nửa đêm khi tôi gần thiếp ngủ thì Phiêu về. Nàng cởi áo khoác móc vào tủ áo rồi ngồi xuống ghế.
“Hoài ăn tối chưa?”
“Chưa.”
Nàng cười khẽ.
“Hơn mười hai giờ đêm mà chưa ăn tối?”
“Chưa. Còn Phiêu?”
“Phiêu ăn rồi. Bún thịt nướng nem chua.”
“Ăn một mình?”
“Ừ.”
“Suốt ngày Phiêu đi đâu vậy? Không phải tra hỏi đâu nhé. Hỏi vậy thôi. Tò mò. Phiêu không phải trả lời nếu không thích.”
Phiêu mỉm cười. Nét mặt nàng thanh thản.
“Dĩ nhiên. Phiêu đi xem một căn apartment đang cho mướn. Phiêu đặt cọc tiền mướn nhà rồi, cuối tháng Phiêu dọn. Sau đó đi xem một phim ở Revue. Scattered Sky. Phim khá mạnh. Có những đoạn quay trên sa mạc. Bão cát. Một cuộc hành trình mà có người chết không về, có người về tơi tả từ những hỗn loạn của hoan lạc, đau đớn, sống chết gắn liền... Sau đó Phiêu đi ăn. Về. Hết.” ” Sao không rủ Hoài đi với.”
Nàng im lặng. Tôi mồi một điếu thuốc đưa nàng. Nàng lắc đầu.
“Tại sao Phiêu phải dọn đi?”
“Phiêu thích dọn đi. Không phải là phải dọn đi. Phiêu không giận gì Hoài cả.”
Tôi thấy nhói ở ngực. Tôi nhớ Phiêu rồi. Tôi nhớ cả tiếng xưng em của Phiêu mà tôi vừa mất.
“Tại sao Phiêu dọn đi?”
Nàng lại cười.
“Phiêu là con chuồn chuồn mà Hoài. Hoài có biết vì sao Phiêu về ở với Hoài không?”
“Không phải vì yêu Hoài sao?”
“Phiêu không yêu Hoài nhiều đến thế đâu. Mà vì Phiêu điên đấy. Phiêu điên lắm, Hoài cũng bảo thế mà. Phiêu điên đến nỗi Phiêu đi tìm một người để quên một người. Ðiên đến nỗi đau khổ đến thế vì một con người trong một thế giới đầy nghẹt người. Ðiên đến nỗi vì một người không yêu mình mà tưởng cả thế giới cũng muốn xa lánh mình. Ðiên đến nỗi - Hoài mệt chưa - mà từng yêu luôn cái điên của mình, xem như nó là một cá tính hoặc bản sắc của mình. Phiêu quyết định không điên nữa. Quyết định giết chết cái hình bóng mà Phiêu đã tưởng tượng, đã tô phết lên cho đẹp đẽ để mà yêu. Thật sự, có lẽ không có gì đẹp đến như thế đâu. Phiêu không chạy theo cái đẹp từ chính sự tưởng tượng của mình nữa. Phiêu đi tìm sự bình thản đây. Ðó là cái tự do kế tiếp của Phiêu.”
“Còn Hoài thì sao đây?”
“Ðừng có điên như Phiêu đã điên, Hoài ơi. Và đừng giận Phiêu. Tha thứ cho cơn điên của Phiêu.”
*
Thời mà nàng còn điên. Ôi sao mà tôi nhớ. Ðó là thời tôi có nàng, dù nàng vì yêu người khác mà đến với tôi. Khi nàng không còn yêu người ấy, nàng cũng chẳng còn yêu tôi nữa.
Tôi có gặp người ấy một lần. Ðó là một người cũng bình thường như bao người khác. Y chẳng có gì đặc biệt cả, ngoài đôi mắt rất đẹp và buồn. Tôi nhớ đến lời nàng nói, ”Phiêu đã tưởng tượng, đã tô phết lên cho đẹp đẽ để mà yêu”, và cũng cố tưởng tượng, tô phết thử lên con người của y, nhưng không thấy có gì đẹp đẽ và đáng yêu cả.
Ô. Hóa ra hành động điên của nàng là hành động biến cái tầm thường thành điều đẹp đẽ. Chỉ tiếc rằng nàng là một thượng đế đã chết chính vì những phép lạ của mình mà hồi sinh lại trong thân xác và trí óc bình thường của một con người.

TRÂN SA


* Andre Gide. The Immoralist. Bản tiếng Anh của Richard Howard. NXB Alfred A. Knoft Inc., 1970.

Phượng Các
#5 Posted : Friday, October 7, 2005 6:49:59 AM(UTC)
Phượng Các

Rank: Advanced Member

Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 18,432
Points: 19,233
Woman
Location: Golden State, USA

Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.