CÂY ME
*
Tuổi đời chồng chất theo thời gian với bước chân in dấu khắp cùng đây đó,tuổi đời càng đè nặng tôi càng cảm thấy thấm thía về một bài viết trong quyển Quốc Văn Giáo Khoa Thư, quyển sách mà ngày còn thơ bé tôi vẫn rất thường đọc dù không phải là sách giáo khoa đang học tại trường, bài “ Không Đâu Đẹp Bằng Quê Hương, …một người đi xa trở về…dù cho người đã chu du khắp đông tây nam bắc, dù cho mắt đã nhìn thấy bao cảnh đẹp mà bước chân từng đi qua thế mà… vẫn không có nơi đâu đẹp bằng quê hương…
Ngày đầu tiên rời khỏi đất nước trên chuyến bay Việt Nam cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất đến phi trường Thái Lan, trong chuyến ra đi trong chương trình tỵ nan H.O, trong lúc ngồi chờ chuyến bay chuyển tiếp trên 30 người Việt thuộc gia đình quân công của chế độ Cộng Hòa ngồi trong nhà chờ đợi, một ngôi nhà tiền chế trống vách, chung quanh là đất trống cỏ dại mọc um tùm, rải rác có một vài cây trứng cá…gợi cho.tôi nhớ tới thời tôi còn học trung học, khoảng thời gian đầu thập niên 60, ở Gò Công nhà nào có sân đất thì hầu như đều có trồng cây trứng cá. Trời chiều dần, những tia nắng yếu ớt buổi hoàng hôn, tạo thành một màu sắc riêng biệt của buổi cuối ngày, muổi đen khá nhiều cắn chích lung tung, tôi ngồi bên cạnh vợ con mà lòng vẩn vơ trăm chuyện, cảnh hoàng hôn ở đây sao nó giống ở quê mình quá, kỳ hôn, cùng ở vùng Đông Nam Á thì chắc là địa dư và thổ nhưởng, khí hậu… đều có phần giống nhau…thì hoàng hôn ở Miên hay ở Việt Nam cũng đều giống nhau thôi.
Khi đến thành phố Houston thuộc bang Texas, lạ người, lạ cảnh, dù khi tôi vào đời với 7 năm lính, tôi ở đơn vị CTCT, lực lượng tổng trừ bị, phải rày đây mai đó, luôn xa gia đình, rồi ngày trời sập, phải vào tù gở hơn 8 cuốn lịch, vậy mà sang tới đây, lạ người lạ cảnh tôi thấy lòng tôi ray rứt nhớ nhung, hình ảnh mẹ, chị anh, rồi bằng hữu, con đường, ngôi trường, ngôi chợ…những hình ảnh thân thương đầy kỷ niệm đó luôn lởn vởn trong trí tôi…tôi nhớ tới cây me, loại cây mà ở đây tôi tìm hoài không thấy…Với tôi cây me rất gần gủi, thận thích, cây me với tôi có nhiều gắn bó trong đời sống thường ngày, nhất là thuở tuổi tôi còn thơ bé…
Ở Gò Công, khu nhà tôi ở thuộc xóm Cầu Huyện, đường xuống Cầu Huyện cặp theo bờ kinh, tới ngả tư cầu Tây Ban Nha, quẹo phải ra Ao Trường Đua là Xóm Me, thời còn Tây, tỉnh Gò Công trong buổi bình minh còn hoang dã, có cả cọp trên khô và sấu dưới nước…Tây cho đào Ao Trường Đua ( Khoảng năm ký hòa ước Giáp Thân 1884 . Lúc tôi được thả về thì khoảng năm 1984, Gò Công có nhận được giấy báo của hảng thầu Effel bên Pháp, cho biết là dinh tỉnh trưởng và một vài công thự khác đã xây dựng cho đến nay đúng 100 năm. Hảng sẽ không còn chịu trách nhiệm gì về các công trình nầy nữa, mà Ao Trường Đua được đào để lấy đất đấp nền các công thự nầy)., trước lấy nước cho dân dùng, sau lấy đất đấp nền xây dinh tỉnh trưởng và nhiều công thự khác, trước tiên sở Trường Tiền( sau nầy là Ty Công Chánh) cho đấp một con lộ thẳng góc với ao hướng ra nhà thờ để làm con lộ vận chuyển đất, hai bên lề đường trồng me… Có lộ thì có nhà… mới đầu cư dân thưa thớt, một bên là ruộng, một bên le hoe mấy nhà gần ngả ba Ao Trường Đua, và xóm nầy được gọi tên là Xóm Me.Khi tôi có chút hiểu biết thì con đường Xóm Me( Đường Phan Châu Trinh) chỉ còn sót lại 1 vài cây, đặc biệt ngay ngả ba( sau nầy là ngả tư) trong khuôn viên nhà ông Hương Thân Bính có một gốc me mà thân me hai người lớn ôm không giáp, Với tôi cây me lúc nào cũng có một dáng dấp bình thản mà vững vàng, tàn lá rậm ri, cây cho bóng mát ngã bên lề đường… Dân buôn bán, học trò đi học thường tụ dưới bóng mát cây me nầy để chơi đánh đáo hay bắn kè, người buôn gánh bán bưng thì nghỉ chân chốc lát,chú lục lộ chăm sóc đường cũng thường núp nắng nơi đây để hút thuốc. Nhà tôi cạnh bên nên cũng thường ra đây nhìn lứa tuổi trang bạn đánh đáo, bắn bi, ba mẹ tôi thường ngăn cấm không cho ra đường, nhất là dưới những tàn cây cao bóng mát vào buổi trưa… “ Sẽ dễ bị ông bà “quở” mà sinh bệnh. Cây me nầy cũng mang nhiều huyền thoại về ma cỏ, Thuở thập niên 50 trên dọc hai bờ kinh, có cất mấy cầu tiêu sông,một cái trước nhà Ông Huyện Đờn, một cái bên kia sông, bên hông nhà ông Đốc Phủ Tường, người đi cầu ban đêm thường thấy có hai bóng trắng leo lên leo xuống cây me… Thời đệ nhất Cộng Hòa, Gò Công thật sự thanh bình, trước phòng thông tin, tuần nào cũng có cất rạp trình diễn văn nghệ do ban nhạc thuộc tiểu đoàn 518 đãm trách… Khuya tan hát dân Cầu Huyện rũ nhau đi về từng tốp, ít dám đi lẻ tẻ vì sợ ma cây me… Rất thường khi nằm ngủ trong nhà, tôi nghe rất rõ tiếng ù té chạy của những người sợ ma…
Ngoài Xóm Me, con đường liên tỉnh Gò Công Mỹ Tho còn có một địa danh, mà vào đầu thập niên 60, người dân trên những chuyến xe đò liên tỉnh nghe nhắc tới không khỏi phập phồng, lo sợ đó là Cây Me Treo Cổ thuộc xã An Thạnh Thủy, Quận Chợ Gạo. Lúc đó” Cách Mạng “ chưa về nên bọn Việt Cộng lộng hành, thường xuyên rình rập chận xe đò, bắt quân nhân công chức dẫn đi, có người được thả có người mất tích luôn nên dân chúng rất e ngại khi xe di chuyển ngang qua đây, vào tang tảng sáng hay lúc hoàng hôn… cho tới Đệ nhị Công Hòa, Sư Đoàn 7 mới bình định được khu vực nầy.
Tôi nhắc sơ về một vài địa danh có cây me nơi quê tôi, Ngày lên Sài Gòn tiếp tục đi học tôi rất thích một vài con đường có bóng mát cây me, con đường Đồn Đất, gần trung tâm Văn Hóa Pháp, vào những ngày đầu mùa mưa, Sài Gòn thường có những cơn giông bất chợt, me lả ngọn rơi rụng lá vàng, những chiếc lá nhỏ xíu bay bay trên áo, trên vành nón nghiêng che của các nữ sinh duyên dáng, tan trường từ Trung tâm Văn Hóa Pháp, trên con đường Gia Long, với bóng mát hàng me thật dễ thương, Cũng thời “ Cách Mạng” chưa về, Việt Cộng, cái quân khủng bố chuyên nghiệp, thường bắn hỏa tiển 122 ly bừa bãi vào thành phố, gây biết bao thảm cảnh cho dân lành, buổi sáng tôi thường đạp xe đi xem , tôi còn nhớ, một cây me trên đường Gia Long bị bứng luôn gốc ngã nằm dài trên đường..
Cây me rất hữu ích cho đời sống con người, từ thân me, lá me trái me đều có công dụng riêng… Người Gò Công thường thích ăn món canh chua, để nấu được nồi canh chua dĩ nhiên phải có trái me hoặc lá me, chất liệu làm ra vị chua, canh chua là món ăn của người dân dã, ăn cơm cũng dễ nuốt mà nhậu cũng rất bắt mồi, buổi chiều trời bảng lảng hoàng hôn, trải đệm dưới gốc me, bốn đệ tử Lưu linh vốn là con của Ngọc Hoàng, ngồi trên đệm quây quần bên chiếc mâm nhôm, một chai ba xị đựng đầy rượu đế, một tô canh chua lá me nấu với cá chốt, một cái nhạo với một cái ly nhỏ, loại mười một ly đong đầy một xị rượu, một dỉa nước mắm trong dầm ớt hiễm, vậy mà khề khà chuyện nọ chuyện kia, trăng lên gần đỉnh đầu mà tiệc rượu cũng chưa chịu tan…
Thân cây me xẽ ra làm thớt, thớt me dùng rất tốt, dao chặt xuống ít lên dăm… lắm người được đi xuất cảnh chánh thức, trong hành trang không quên mang theo tấm thớt me, Tôi vẫn nghe truyền miệng, làm thịt rắn hổ không được dùng thớt me vì khi ăn xong dễ bị ngộ độc.
Thân cây me tôi chỉ thấy công dụng làm thớt, ngoài ra chỉ làm củi chụm, không thấy thợ mộc dùng cây me xẽ gổ cất nhà hay đóng bàn ghế, dân gian thường nói” bần dòn, ổi dẽo, me dai” trèo lên cây me mới thấy câu nói nầy rút tỉa từ kinh nghiệm sống của dân gian, mình có thể đứng trên những cành me chông chênh, cành me qưằn xuống chứ không gãy.
Dưới gốc cây me, thường là sân đất, không có cây gì mọc được, ngay cả cỏ là loại dễ mọc, vì rễ me ăn lang theo mặt đất, làm cho đất chua, các loài thảo mộc khác không phát triển được.
Cạnh nhà tôi là nhà ông Thôn Trưởng, một ngôi nhà cao cẳng bằng gổ ,nhà to lớn, nằm giữa một sân vườn thật rộng, trong vườn trồng đủ loại cây ăn trái như sơ ry, mãn cầu, xoài… dĩ nhiên là có cây me, cây me trồng sát rào, bên nhà Ông Thôn có đám cháu nội trang lứa với tôi, nên những ngày nghỉ học, tôi thường qua đây chơi, mùa me có trái, tụi tôi trèo lên cây như bầy khỉ, thằng Phú thằng Quý, cả con Huỳnh Mai là gái cũng trèo luôn, bởi thường trèo lên trèo xuống hằng ngày, nên thân me vỏ không còn xù xì mà trơn láng
Tôi có khiếu bắn kè từ thuở nhỏ, trưa chúa nhựt của những ngày còn học tiểu học, tôi thường lén nhà ra gốc me gần ngả ba, tụ nhau với lũ bạn trang lứa, từ xóm nhà máy nước đá lên chơi, sau vài giờ là tôi có được cả bụm kè thắng trận
Ở Gò Công gần ngả ba Yên Luông Đông có nhà ông Chín Kỷ, trước nhà có hai cây me ngọt, hình như nguồn gốc hai cây me nầy là do hột giống của bà Nguyễn Thị Hai, trong hội Thông Thiên Học, mang về từ Ấn Độ, tôi là con cháu trong nhà nên mỗi năm vào dịp tảo mộ ông bà đều được ăn me ngọt, ở Gò Công lúc đó me ngọt quý vô cùng, qua xứ Mỹ nầy trong chợ Việt Nam, me ngọt Thái Lan bày bán ê hề; Nhưng cũng hột của cây me ngọt đó gieo trồng , khi cho trái, cây bị lai giống vẫn chua, dù vị chua có nhẹ nhàng hơn mà trái nhỏ hơn, đó là giống me đậu phộng.
Trái me và lá me, người miền Nam không ai là không biết công dụng của nó, tùy theo loại cá tôm, gà, ếch nhái, chuột, rắn… mà người nấu dùng me sống, me chín hay là lá me…Với loại nào, nồi canh chua nêm nếm đúng mức đều rất ngon miệng, miền Nam khí hậu tương đối nóng, buổi cơm sau giờ làm việc, có tô canh chua rất dễ bén cơm…
Ngoài canh chua ra trái me còn ba cách ăn khác, me chín ngào đường, mứt me và me thấu.
Ngày tôi còn học tiểu học, những gánh hàng rong bán xế cổng trường thường có món me ngào đường, tôi còn nhớ, một mâm nhôm trên đó để me ngào đường, món nầy rất dễ làm, me chín bỏ vỏ, bắt chảo ngào với đường tán, nếm thấy dễ ăn, nghĩa là không chua quá mà cũng không ngọt quá, trang đều lên mâm, trên rắt tí mè rang vàng,hay đậu phộng rang vàng đâm nát, thế là quý vị con nít đi ngang nhìn, đố đứa nào không chảy nước miếng, thế là có năm cắc mua năm cắc, có một đồng mua một đồng, người bán hàng dùng miếng lá chuối, rồi dùng muổng múc một hoặc hai muổng gì đó, cho thêm 1 cây tăm, thế là chú em tay cập cặp sách sát nách, tay nâng tấm lá lên miệng, liếm tới liếm lui ngon lành,nhiều khi mê ăn không thấy đường, đụng vào gốc cây dội ngược, mâm me bày bán cạnh lộ, xe cộ qua lại tung bụi đầy trời, vậy mà đám học trò nhỏ vẫn ăn và vẫn mạnh cùi cụi… Thời đó, khoảng cuối thập niên 50, Gò Công có ban quân nhạc, thường xuyên núp dưới bóng mát mấy cây dương gần hồ tắm để dượt kèn trống, mấy anh bán đá nhận đậu đỏ, bánh lọt thường xúi đám tiểu yêu tay cầm chùm me tay cầm gói muối ớt đứng nhìn các anh lính kèn tập,chốc chốc đưa trái me lên miệng chắp chắp rồi hít hà, chỉ độ vài phút là mấy chú lính kèn thổi xì xịt vì miệng chảy đầy nước miếng, nhớ lại thời đó, thời Ngô Tổng Thống mới về nước, Gò Công thực sự sống trong cảnh thanh bình,những trò chọc phá đó bây giờ nhớ lại tôi còn thấy khoái…
Dĩ nhiên, những gánh hàng rong nầy cũng không thiếu món me ngâm thấu, món mầy học trò nhỏ, gái trai gì cũng ưa cả, ngay người lớn ăn còn quên thôi, ăn xong uống nước lạnh… để rồi bị Tào Tháo rượt, xong rồi, khỏe lại, gặp lại cũng ăn nữa…
Lựa loại me già, bỏ vào nồi nước luộc sơ, trong nước có bỏ chút phèn the, vớt me ra ngâm vào thau nước lạnh một đêm, có pha chút phèn chua,lột vỏ, nấu nồi nước đường dằn muối, để nguội, bò cam thảo vào ngâm cho ra màu vàng, thế là ta có món me thấu, trái me trắng ửng vàng, nhai dòn dòn, chua chua, mằn mặn ngòn ngọt, ăn quên thôi, trong mấy chợ Việt Nam ở Houston tôi thấy thỉnh thoảng có bán món nầy…
Món cao cấp của trái me là mứt me, làm món nầy mấy người tánh nóng khó thành công vì chụm lửa hỏa hào me sẽ đen thui… Với 1 kí lô me sống, lựa trái nở nang đều đặn, ướp muối hột độ 4 giờ cho dễ lột vỏ, lột vỏ xong ướp muối bọt khoảng một giờ, dùng dao bén xẽ lấy hột, dùng bàn xâm, xâm đều trái me, ướp me đã xâm với muối bọt giống như muối cá… sau 1 giờ đem ra xã lại nước lạnh. Nấu nồi nước sôi cho vào chút phèn chua, trụn sơ me khoảng 5 phút, vớt ra xả nước lạnh cho sạch. Cho đường và me vào thau, ướp một đêm cho me thấm đường, vớt me ra, đường còn lại, bắc lên bếp chụm lửa than liu riu, dùng vỉ sắt gác lên chảo đường, sắp me lên vỉ sắt, dùng muổng múc nước đường đang sôi rưới lên me cho đến khi nào me thấm đường là được, để me lên dĩa bàn, phơi nắng cho ráo đường, dùng giấy kiếng màu, cắt khéo tay thành sợi, gói từng trái có cả cuống và xơ me… Lọai mứt nầy ăn rất ngon miệng, giá bán cũng không rẻ…bởi làm rất công phu.
Thời còn học tiểu học, những ngày cận tết, tôi thường được giao cho việc chụm lửa mấy chảo mứt…Tuy chuyện “ Xông pha khói lửa” có nóng một chút nhưng bù lại khi mứt tới là tôi có quyền nếm trước…
Đất người, tết nhứt, bánh mứt bày bán đầy chợ… nhưng mứt me cũng khó tìm thấy, với lại tại mình sống lâu chứ không phải già, nên muối đường đều phải bớt ăn, nên ba thứ bánh mứt chỉ ngó qua cho biết, chả bù lại, những năm tháng trong lao tù Cộng Sản, muối cũng như đường, lúc nào trong người cũng thấy thiếu, những ngày tết đến, những ngày mưa gió được nghỉ lao động, chuyện bánh trái, mứt trà luôn được anh em nhắc tới đầy vẻ thèm thuồng….đây cũng là một cách thưởng thức hàm thụ trong những tháng năm đói rét trong lao tù Cộng sản...
Những tháng ngày sống trong trại tù Hà Tây, tôi thuộc đội nuôi cá nên có dịp kéo xe đi nhiều xả gần trại, mùa đông nhiều khi ra tới Thường Tìn để tìm rong, cỏ, các làng Rùa, làng Phượng tôi thường xuyên tới… Nhiều cây trái giống miền Nam nhưng tuyệt nhiên, cây me tôi chưa bao giờ được nhìn thấy tại tỉnh Hà Sơn Bình.
Tháng 7 năm 1983, tôi được giặc thả về, trước năm 1975 tôi vẫn có tên trong tờ khai gia đình nhà chị tôi, cũng như nhà ngọai tôi tại Sài Gòn, nhưng vì còn độc thân chúng đuổi tôi về Gò Công ở với mẹ, thời gian mới về bị quản chế 2 năm, cũng bị nhiều ràng buộc như trong tù chỉ khá hơn là gần gửi với người thân, khỏi phải đi lao động khổ sai, tuy thỉnh thoảng vẫn phải công tác đào kênh, đấp đập, gọi là lao động xã hội chủ nghĩa...,trong ngày sau 6 giờ chiều là không được ra khỏi nhà…Tháng tám, trời mưa to, cây me cạnh nhà trốc gốc, ngã vắt ngang trước nhà, cây me khoảng gần vòng tay, may mắn nếu nó ngã xéo một chút là đè lên mái nhà… Thế là tôi có chuyện làm, với cây búa cùn, tôi nhẩn nha đẻo từng khúc, vừa làm vừa chỉ cho con cháu học mấy chữ Hán, con cháu học sư phạm ban Việt, Buổi trưa tôi đang ngồi chặt chặt đẻo đẻo, thì tôi nghe có tiếng của chị tôi
-Bảy, có thằng Quang đèo đến kìa
Thằng Quang bạn học với tôi thời trung học, nó từ Hòa Đồng xuống tỉnh trọ học gần nhà tôi, trong lớp cùng ngồi bàn nhứt kế tôi, Những năm cuối trung học, cùng làm thơ trong Nhóm thơ 20 Gò Công, đi lính cùng khóa 13 đại đội phó CTCT tại Trường Nguyễn Trãi( Biệt Khu Thủ Đô) Ngày sập tiệm chung trại tù Huyện Tây Gò Công, từ ngày nhập trại nó lần lần biến đổi tánh tình, trở thành tay sai chỉ điểm cho cán bộ trại, nó là tên trưởng nhóm ác độc thứ hai của trại Hòa Đồng, chỉ sau Đại úy Hỉ ( BĐQ), Chính Quang rủ tôi cùng tham gia công tác chỉ điểm với nó. Trong tình bạn cũ tôi có khuyên nó hãy nhìn lại, anh em trong trại là những chiến hữu cũ, lại là đàn anh, đàn em chung trường trung học, có nhiều vị thầy dạy cũ…
Tôi còn nhớ câu tôi kết luận
- Tao nói lỡ lời có gì mầy bỏ qua cho
Sống trong tay Cộng Sản, như cá nằm trên thớt, ai mà không sợ. Lỡ nói rồi tôi đâm ra ngán nó báo cáo...
Tôi tuyệt giao với Quang từ đó, anh em từng ở trại Huyện Tây, ai mà không hận thằng Quang. Nó báo cáo hãm hại biết bao nhiêu người. Nó nhỏ con nên có tên là Quang đèo, chức vu sau cùng của nó là Phân chi khu trưởng xã Vĩnh Bình, tốt nghiệp khóa 4/68 trường bộ binh Thủ Đức
Quang và người bạn chỡ nó, họ Tô Vĩnh tên gì tôi quên, một giòng họ giàu có ở Hòa Đồng, vô nhà được chị tôi mời ngồi ghế giữa. mẹ tôi từ nhà sau cũng lên ngồi bên bộ ván, vì cả nhà biết tôi rất hận thằng nầy, nên sợ có điều gì bất trắc xảy ra, chị ra gọi tôi vào, vẫn quần tà lỏn, ở trần, tôi không cần mặc áo, ngồi vào ghế vấn thuốc rê hút… Tôi hiểu tấm lòng của mẹ và chị dành cho tôi, tôi im lặng, Quang hỏi câu gì tôi trả lời câu đó và trả lời rất đâm họng nên láp dáp mấy câu nó kiếu ra về
Tôi còn nhớ
- Nghe nói tù ngoài Bắc đói khổ lắm phải không?
- Mầy đừng có bôi bác chế độ, mầy không nghe nhiều lần quản giáo và đài phát thanh ra rã… Nước ta tiền rừng biển bạc, Trưởng trại Chín Nhựt của trại Huyện Tây từng nói
- Cửa sông Cửu Long toàn là kim cương và đá quý trầm tích ở đầy, rồi đây nhà nước sẽ khai thác … giàu có mấy hồi
Tụi tù ngoài Bắc tụi tao được ăn ngày 3 bữa, có bàn billard, bàn ping pong, có thư viện, có sân bóng chuyền… nhiều thứ giải trí khác, tù chỉ ăn rồi…chơi.
-Về mấy tháng nay mầy làm gì
-tao làm báo
-mầy viết cho báo nào vậy?
- báo của tao là báo mẹ báo chị, báo đời…chớ báo nào
Thằng Quang ra về… tôi thấy trong lòng ray rứt, tìm được một thằng bạn đã khó mà cắt đứt tình bạn lại càng khó hơn, may mắn trong đời, tôi chỉ cắt tình bạn có 2 lần, cũng sau ngày trời sập.
Ngồi bên thân cây me đang chặt dở dang, tôi hút một hơi thuốc dài, tự dưng cảm khái, ngâm nho nhỏ bốn câu thơ của Nguyễn Bính, dán trước cửa nhà lúc về sống ở miền Tây Nam Bộ
‘Từ dạo về đây sống rất nghèo
“ Bạn bè chỉ có gió trăng theo
“Những thằng bất nghĩa đừng lui tới
“ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu…
Mười mấy năm lưu lạc xứ người, mỗi lần ra đường, nhìn thấy những cây có tàng lá giống cây me là lòng tôi như chùng xuống, kỷ niệm thời thơ ấu như hiện rõ trong tôi, những thức ăn chế biến từ lá, trái me… Tôi nhớ mẹ tôi, tôi nhớ anh chị tôi…Tôi nhớ Gò Công, quê hương của tôi mà giờ đây cờ sao bay bay như thách thức… Làm sao tôi về lại, ngày mẹ tôi còn sống, tôi đã nhiều lần gửi bài thơ trong đó có 2 câu
“Con đi dưới lá cờ sao máu
“Rờn rợn lòng con, nhục mẹ ơi! *
THỦY LAN VY
Viết tại Kỳ Đà Động, Lập Xuân 2008* Thơ T. L. Thảo