Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Lệ Khánh - Em Là Gái Trời Bắt Xấu
xv05
#1 Posted : Sunday, April 14, 2013 5:29:08 PM(UTC)
xv05

Rank: Advanced Member

Groups: Registered, Editors
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 5,044
Points: 3,390
Woman
Location: Lục điạ hình trái táo

Thanks: 340 times
Was thanked: 45 time(s) in 44 post(s)


Tên thật: Dương Thị Khánh
Sinh 1944 tại Đà Lạt
Hiện thường trú tại: Đuờng 3 tháng 2, Đà Lạt - Lâm Đồng
Sớm nặng tình thơ từ thời cắp sách.
Có thơ đăng tải trên các báo tại Sài Gòn từ năm 1961.

Có thể nói Lệ Khánh được nhiều đọc giả đọc nhiều, thuộc nhiều, nhắc nhở nhiều, chẳng kém gì Nguyễn Bính thời tiền chiến.
“Em là gái trời bắt xấu", thơ tập 1, 2, 3, 4, 5 do nhà sách Khai Trí Saigon in và phát hành, có thể nói bán chạy nhất, hơn cả thi sĩ Nhất Tuấn thời ấy được coi là tác giả lục bát có thơ bán rất chạy.


TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

Em Là Gái Trời Bắt Xấu (1,2,3,4,5 tập - Khai Trí Saigon xuất bản 1964,65,66)
Vòng Tay Nào Cho Em (Saigon 1966)
Nói Với Người Yêu (Saigon 1967)






EM LÀ GÁI TRỜI BẮT XẤU



Hình như Đà Lạt là nơi hội tụ của mọi thương nhớ trong cuộc đời và dang dở trong cuộc tình, của chia ly và ngăn cách kể từ lúc tóc hãy còn xanh cho đến khi đã ngả màu. Kể sao cho hết. Chỉ tạm nêu ra ở đây tâm sự của một cựu nữ sinh Bùi Thị Xuân, đó là LỆ KHÁNH (Dương Thị Khánh). Đà Lạt một thời ấp ủ những vần thơ của KHÁNH, cho đến năm 1966 đã có bảy tập thơ được in ra, mà năm tập đầu đều mang tên là “Em là con gái Trời bắt xấu”.

LỆ KHÁNH yêu và bi lụy vì tình. Trong bài “Hờn dỗi” những vần thơ của “cô bé cao nguyên” nghe dễ thương nhưng thật buồn:

“Đã ba ngày em đợi thư anh đó
Thứ năm buồn úp mặt khóc biết không?
Em giận anh, tức quá muốn lấy chồng
Cho xong chuyện để đừng thương với nhớ

Anh kiêu lắm cứ tưởng mình mũ đỏ
Đại úy “to” rồi quên con bé Cao Nguyên
Đang chờ thư anh, viết mãi một tên
Tên anh đó, người chi lười rứa đó”…

“Em nhất định mai không thèm trông ngóng
Đại úy... gì lười hơn hủi nữa cơ
Ba ngày rồi con bé chả làm thơ
Tức rứa đó, để bi chừ em lại khóc.”

Hồn thơ của LỆ KHÁNH đắm chìm trong sương mù Đà Lạt và dâng tràn thành kỷ niệm với bài: “Hai mùa Thu Đà Lạt”:

“Bây giờ trời vào thu
nên em buồn thương nhớ
Đà Lạt sáng sương mù
Mimosa vàng nở.

Thôi anh đừng giận nữa
nhớ về thăm em nhé
lá ngập tràn đại lộ
chờ anh về. Em kể
Hai mùa thu Đà Lạt
trời mưa rưng rưng hoài
ân tình em mất mát
nhưng nào đâu trách ai

Bây giờ trời vào thu
cho em nhiều kỷ niệm
mình quen nhau ngày xưa
chừ xa rồi lưu luyến.”

LỆ KHÁNH viết “Chiến y làm đẹp phố phường”, một bài thơ đẹp, gợi nhớ tới cảnh dạo phố ngày cuối tuần nơi xứ sương mù:

“Trời hôm nay nắng buồn hong gió thổi
Chiến y về làm đẹp phố cao nguyên
Em lặng nhìn, mang chua xót làm riêng
Rưng rức nhớ... em gượng cười quên cả?
Chiến y đó nhưng chỉ toàn xa lạ
Em cúi đầu nước mắt nhẹ vương mi
Áo cưới ngày nào... bạn cũ vu quy
Nên áo chiến người yêu xa vắng phố
Vui hạnh phúc họ quên em gái nhỏ?
Hay dỗi hờn, hay khóc giận vu vơ
Tình đơn phương cô bé sớm làm thơ
Và khôn lớn khi tuổi đời chưa lớn
Trời hôm nay bướm buồn bay lởn vởn
Bướm đùa hoa, hoa cợt bướm... vui chưa?
Em nghĩ mình, em thẹn với hồn thơ
Thơ vẫn đẹp, sao hồn em chẳng đẹp
Áo muôn sắc giữa phố phường khép nép
Chiến y về làm hồng má hây hây
Mắt đa tình gợn suối tóc bay bay
Alpha đỏ đẹp màu môi con gái
Em kỷ niệm với mía đường tình ái
Nên độc hành tìm áo chiến ngày xưa
Để đem về ướp trọn mấy vần thơ
Thơ nhè nhẹ gửi người trai lính chiến
Đêm dừng quân có bao giờ anh biết
Có một người em gái nhỏ thương anh
Luôn nguyện cầu đất nước thôi chiến tranh
Ngày trở lại, có tình em đón đợi
Hôm nay gió, hoa anh đào phất phới
Có một người “thi sĩ nhỏ” cô đơn
Gọi tên anh... một tiếng gọi rất buồn:
“Người biên ải có thương người hậu tuyến?”
Trời Đà Lạt hôm nay nhiều áo chiến
Áo chiến mùa đông pha màu đỏ alpha
Em nhớ anh nên nước mắt em nhòa
Song gạt vội: “Bụi đường bay ác quá!”

HÀNG NGỌC HÂN một người bạn thân học cùng trường, ghi lại những kỷ niệm với Lệ Khánh tại Đà Lạt một thời:

“Lệ Khánh hơn tôi hai tuổi và học trên lớp tôi. Tuy không cùng chung lớp, nhưng chúng tôi thành bạn thân vì thường gặp nhau trong những sinh hoạt văn nghệ, xã hội của trường. Thuở đó, Khánh đã có nhiều bài thơ đăng trên các báo và được nhiều người biết tên. Trước mắt tôi, Khánh mang tầm vóc khác hẳn bạn bè, dù hàng ngày Khánh vẫn xuất hiện bên cạnh chúng tôi trong bộ đồng phục khi xanh, lúc trắng. Nhưng, tôi cũng như các bạn khác đều mang chung cảm giác thương cảm Khánh vì cái điều mà Khánh luôn nhắc đến: Khánh không có dung nhan bình thường như các bạn. Dù tất cả chúng tôi đều thấy Khánh có đôi mắt đẹp tuyệt vời, nhưng Khánh không coi đó là một ưu điểm trong dung nhan của mình, vì cái hình dạng bất thường của chiếc mũi. Mặc cảm này về sau đã đem lại một tai họa khi Khánh quyết định tới một thẩm mỹ viện sửa mũi. Hy vọng của Khánh đặt vào bàn tay tài hoa của vị bác sĩ thẩm mỹ đã không được đáp ứng mà còn khiến cái mũi của Khánh trở nên dị dạng hơn. Nhưng trước đó, đôi mắt đẹp tuyệt vời của Khánh luôn nặng trĩu ánh nhìn u uất, tủi hờn. Chất u uất này cũng thấm đượm hơn trong thơ Khánh và càng làm nặng thêm mặc cảm thua kém về nhan sắc của Khánh. Một bìa thơ rồi một tập thơ của Khánh xuất bản đã được Khánh đặt cho cái tựa đề: “Em là con gái trời bắt xấu!”

NGUYỄN THỊ HÀM ANH cũng ghi lại một số kỷ niệm tại Đà Lạt với Lệ Khánh:

“Lệ Khánh được số phận ưu đãi khi bắt đầu sự nghiệp thơ. Có năng khiếu làm thơ lưu loát, từ năm mười sáu, mười bẩy tuổi, thơ của chị đã được đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong rồi sau đó là Chính Luận. Sau khi luật sư Bùi Chánh Thời phụ trách trang thơ đăng liền một lúc sáu bài thơ Em Là Con Gái Trời Bắt Xấu đầu tay thì Lệ Khánh nổi tiếng ngay lập tức. Ngày ấy, tên Lệ Khánh đã trở nên quen thuộc với tôi khi nhỏ bạn học ngồi bên cạnh nắn nót chép thơ chị vào quyển sổ tay nhỏ bé xinh xinh hay vào lưu bút ngày xanh, vào những tờ giấy pơ-luya màu xanh nhạt, hồng nhạt, bài nào chép xong tôi cũng được đọc qua. Thậm chí trong một đợt thêu khăn tay, gửi thư cho chiến sĩ ngoài tiền tuyến, nhỏ bạn còn cả gan chép cả một bài thơ dài của chị nhét vào giữa xấp thư của cả lớp gởi đi…

Thuở ấy cuộc sống của Lệ Khánh thật hoa mộng, cha coi về cảnh sát đặc biệt Đà Lạt, chị làm việc ở tòa hành chánh Đà Lạt rồi hành chánh Gia Định, thơ đăng khắp báo, danh vọng đến sớm và dễ dàng, mỗi ngày Lệ Khánh nhận cả trăm thư của độc giả, vũ trường nào cũng đi, party nào cũng có mặt, quân đoàn nào cũng mời, chiến trường nào cũng ra. Thế rồi cuộc tình diễn ra giữa chị với nhạc sĩ Thục Vũ tức trung tá Vũ Văn Sâm… Cuộc tình của Lệ Khánh đẹp bao nhiêu thì cũng thật chua chát bấy nhiêu:

“Lo yêu người có vợ con
Thì đừng nói chuyện sắt son mà buồn”

Tình yêu nam nữ đã có từ muôn vạn kiếp và luôn là một đề tài bất diệt trong vườn hoa văn học nghệ thuật của bất cứ quốc gia nào. Riêng trong lãnh vực thi ca thì từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, tình yêu luôn là nguồn gợi hứng cho các nhà thơ. Hình như tình yêu không có tuổi tác, chừng nào trái tim con người còn đập thì con người còn yêu.

Có người cho rằng nhà thơ là kẻ vì phạm tội mà bị “phát vãng” từ thiên cung xuống dưới trần thế này. Hơn nữa họ còn nói rằng: “Thơ trữ tình có thể coi như tổng hợp, như tuyệt đỉnh của thơ, mà chính thơ là tuyệt đỉnh của tiếng nói loài người!” Họ còn mạnh miệng nói thêm nữa: “Thi ca sẽ là tôn giáo cuối cùng trên mặt địa cầu này khi mà tất cả nhân loại không còn giữ lại được cho họ một niềm tin nào ở nơi tôn giáo mà chúng ta đang có.”

Thật ra nói thế là quá đáng. Nhà thơ cũng chỉ là một con người bình thường và đối tượng của thơ, chất liệu tạo ra thơ chính là cuộc sống trên cõi nhân gian vương mắc hệ lụy này mà thôi. Tràn đầy tình cảm, có quên có nhớ, có thương có ghét, có vui có buồn, có xum họp có chia ly, đôi khi lại trắc trở đến độ đáng ngậm ngùi… Thơ Lệ Khánh có lẽ đã nói lên điều đó.

VŨ CHƯƠNG nhắc lại tiểu sử của Thục Vũ như sau:

“Nhạc sĩ Thục Vũ, tên thật là Vũ Văn Sâm, sinh năm 1932 . Tốt nghiệp khóa 4 phụ Đà Lạt năm 1954, đúng vào năm ký kết hiệp định đình chiến Geneva chia đôi đất nước. Do đó, Thục Vũ kẹt lại ở miền Nam VN, bỏ lại phía bên kia bờ Bến Hải người vợ chưa cưới mà khi anh còn học ở Chu Văn An, anh đã sáng tác bản nhạc đầu tiên có tên là “Duyên em” để tặng nàng. Nhưng may thay năm sau (1955) người yêu của thiếu úy Vũ Văn Sâm đã vào được miền Nam và lễ cưới được cử hành vào năm 1956.”

“Bước đầu của việc binh nghiệp. Cấp bậc cuối cùng của Thục Vũ là Trung Tá.”…

VŨ CHƯƠNG viết tiếp là Thục Vũ: “đã phải bỏ mình nơi chốn rừng thiêng nước độc chỉ sau hơn 1 năm cải tạo”… “đến giữa năm 1976, anh được đưa ra Sơn La và bỏ mình nơi sương lam chướng khí này vào ngày 15/11/1976. Ngày nay, một tấm mộ bia đơn sơ với đôi hàng nguệch ngoạc “Vũ Văn Sâm, 1932”, được anh em tù cải tạo ghi lại, ngoằn ngoèo nơi chốn rừng thiêng nước độc Sơn La.”…

“Là nghệ sĩ, vốn giàu cảm lụy, cho nên cuộc đời tình cảm của nhạc sĩ Thục Vũ cũng không thoát khỏi vòng “tình ái giăng tơ” nhưng với trường hợp của Thục Vũ, đây mới là chuyện tình thật sự vì nó đi ra ngoài những cái thông thường. Người ta bảo “trai tài gái sắc”, nếu Thục Vũ yêu một cô gái đẹp, chúng ta chẳng nói làm chi vì họ mến nhau vì tài, cảm nhau vì sắc như trăm ngàn những chuyện tình tầm thường trên đời. Nhưng người yêu của Thục Vũ lại là “một cô gái trời bắt xấu”. Nàng là Dương Thị Khánh, tức thi sĩ Lệ Khánh, tác giả những tập thơ “Em là gái trời bắt xấu”, một công chức ở tòa tỉnh trưởng Đà Lạt. Chúng ta còn nhớ những vần thơ diễm tình của Lệ Khánh… mà Thục Vũ đã phổ nhạc với tựa đề “Tình người hậu tuyến”, một bản nhạc đã làm xôn xao trong giới nhạc một thời.

Tình yêu giữa họ xảy ra khi Lệ Khánh tròn 20 tuổi cho đến 1975, ngày mà Thục Vũ phải đi “cải tạo” và bỏ mình hơn 1 năm sau đó. Lệ Khánh đã sanh được một đứa con trai mang họ mẹ (Dương) và chữ lót là tên của mẹ (Khánh) với tên chữ đầu là Thục. Bà Thục Vũ, tuy đã biết về mối tình này, nhưng tuyệt nhiên không làm to chuyện mà trái lại ngày con của Lệ Khánh ra đời bà đã đến chăm nom và giúp đỡ… Thục Vũ là người rất hiền lành, hồn nhiên và vui vẻ với bạn bè, mất đi, để lại một người vợ cao thượng (với 5 đứa con), một người tình nhỏ bé, một đứa con kết hợp qua dòng thơ nhạc và một số tác phẩm vẫn còn in sâu trong lòng của những người mến mộ anh.”

THỤC VŨ (Vũ Văn Sâm, 1932-1976) phổ nhạc thơ Lệ Khánh. Bài thơ “Tình người hậu tuyến”. Bài thơ và bản nhạc này đã vang vọng một thời trong tâm hồn bao người mến mộ. Hình ảnh thành phố sương mù Đà Lạt đã làm bối cảnh cho biết bao cuộc tình, thường là chua xót, ngang trái và đắng cay:

“Hôm nay trời vào thu,
Đà Lạt lắm sương mù,
Cây khô buồn trút lá,
Gió ven hồ bay xa.

Mây thu lờ lững trôi,
Lồng lộng gió lưng đồi.
Xin anh đừng giận dỗi,
Viết thư về thăm em,
Viết thư về thăm em

Thương anh, thương màu áo hoa rừng,
Và thương con đường đầy gió sương,
Chiến tuyến chiều xuống mưa rừng bay,
Thương anh, thương khung trời hoang sơ.

Hôm nay dành tặng anh
Vài giọt nắng thơm lành.
Mai kia tàn chinh chiến,
Áo em màu “Mosa”
Đón anh về hoan ca.”

(Trích: “ĐÀ LẠT NGÀY THÁNG CŨ”
Soạn giả: LS. Ngô Tằng Giao)
Users browsing this topic
Guest (3)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.