
Leyna Nguyễn (áo nâu) và Duy Ái Phạm (áo đỏ, Người Việt Online) trong cuộc trả lời trên mạng Người Việt hôm 23 tháng Sáu, 2005 tại Nhật Báo Người Việt. (Hình: Vũ Ðình Trọng)
Little Saigon (CA) - 31 trong số gần 100 câu hỏi do độc giả Người Việt Online gởi vào phỏng vấn đã được xướng ngôn viên truyền hình khả ái Leyna Nguyễn trả lời trong gần hai tiếng đồng hồ tại Nhật Báo Người Việt đêm 23 tháng Sáu, 2005.
Hầu hết các câu hỏi cho thấy độc giả Người Việt nói riêng và cộng đồng Việt Nam nói chung đều yêu mến, trân trọng và hãnh diện về xướng ngôn viên khả ái Leyna Nguyễn của các chương trình truyền hình kênh số 9, KCAL-TV và kênh số 2, KCBS.
Trong số các câu “chất vấn” từ độc giả, 15 câu bắt đầu bằng một khẳng định: “Leyna rất xinh đẹp...” Có người “đi xa” hơn: “Tôi xem tivi chỉ để xem Leyna, sao cô lấy chồng xong rồi mới lên Người Việt trả lời on-line?” Leyna mỉm cười, dí dỏm trả lời ngay trên keyboard điện toán: “Sao chẳng ai hỏi sớm hơn...”
Về việc tham gia làm xướng ngôn viên truyền hình tiếng Việt, Leyna cho biết cô “không đủ sức” vì tiếng Việt của cô “chỉ đủ xài.” Một độc giả mến mộ ngỏ ý muốn biết về nguồn gốc tên Leyna. Thì ra, cái tên Leyna xuất phát từ một “tai nạn.” Cô tiết lộ: “Hồi mới sinh ra, Mẹ Leyna rất thích kem thoa mặt Lyna nên mới lấy đặt tên cho con. Nhưng khi sang Hoa Kỳ làm thủ tục giấy tờ, không hiểu sao lại có thêm chữ “e” vào giữa nên cái tên ấy đi theo Leyna từ lúc đó đến giờ.”
Thông minh, duyên dáng, Leyna còn tỏ ra rất chững chạc trong khi trình bày các nhận định có tính cách chính trị. Trong khi hầu hết các câu trả lời được Leyna “cố gắng” dùng tiếng Việt, một câu hỏi liên quan đến nhận định của cô về chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Việt Nam Phan Văn Khải đã được Leyna sử dụng tiếng Anh, vì theo cô: “Trả lời câu hỏi này bằng tiếng Anh để sự trình bày được chính xác.” Leyna nhận định: “The Prime Minister's visit is a natural progression of history. It was never a matter of “if”, but “when” such a visit would take place.” (tạm dịch: “Chuyến viếng thăm của thủ tướng Phan Văn Khải là một tiến trình tự nhiên của lịch sử. Lịch sử không có chữ “nếu,” vấn đề nằm ở chỗ “lúc nào” mà thôi. Và cô khẳng định: “Regardless of what we think of the Vietnamese government and its politics, we must think of the citizens of Vietnam. I could only hope that as the country makes progress, the “little people” will benefit.” (tạm dịch: “Bên cạnh quan điểm về chính quyền và tình trạng chính trị tại Việt Nam, chúng ta cần quan tâm đến những người Việt Nam bình thường. Tôi chỉ có thể hy vọng Việt Nam sẽ tiến bộ, và người dân thấp cổ bé miệng sẽ có một cuộc sống khá hơn.”)
Làm việc từ 3 giờ chiều đến 12 giờ khuya, đôi khi phải đi lấy tin xa, Leyna còn dành thời gian làm việc cho hội từ thiện “Love Across The Ocean” cho chính cô thành lập. Cô nhận xét: “Việt Nam rất nghèo, nhưng rất giàu tình cảm...”
Nói về “một nửa kia” của mình, Leyna cho biết “ông xã,” người gốc Ý, là một nhà sản xuất các chương trình của NFL. Về “ngày định mệnh,” Leyna tiết lộ: “Hai đứa quen nhau 4 năm rồi. Và sau 3 năm 10 tháng 2 tuần 5 ngày 2 giờ 1 phút rưỡi thì “chàng” ngỏ lời cầu hôn...” Cô cho biết mẫu người đàn ông của cô là “có đạo đức, biết thương yêu gia đình và quý trọng cha mẹ...”
Một câu hỏi rất khó đã được Leyna trả lời rất dễ dàng. “Ðàn ông da trắng khác với đàn ông Á Châu ở điểm nào?” Leyna: “Họ giống nhau ở chỗ màu da nào cũng có người tốt và người xấu...”
Thiện Giao