Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Tuyển tập Văn Bút Hoa - Diệu Tần
Chôm Chôm
#1 Posted : Wednesday, April 13, 2005 4:00:00 PM(UTC)
Chôm Chôm

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 353
Points: 15
Woman

Was thanked: 1 time(s) in 1 post(s)
Tuyển tập VĂN
BÚT HOA

Diệu Tần


1. Tuyển tập VĂN mang tên Bút Hoa là một tập hợp sắc thái phong phú, giàu đặc tính văn chương xuất hiện ở miền bắc Cali. Trong đó là mang mang tâm sự của 24 cây viết trong và ngoài Trung tâm Văn Bút Tây-Bắc Hoa Kỳ. Sách dày 318 trang in sáng sủa, trang nhã. Bìa nhiều màu, là một tác phẩm nhiếp ảnh của nhà thơ, nhà nhiếp ảnh Thảo Chi Bùi Mỹ Hoa. Về thể loại có biên khảo, phiếm, hồi ký, truyện dịch và đa số là truyện ngắn.
Viết văn chỉ là nghề tay trái, nghề tay phải của các tác giả là duợc sĩ, giáo sư đã về hưu, cựu sĩ quan các ngành như thiết giáp, CTTC, công binh, truyền tin, TQLC, SQ Cảnh sát, tiểu đòan trưởng bộ binh; cựu viên chức, tư chức tại Việt Nam và tại Mỹ, kiến trúc sư, kỹ sư, luật sư, chủ nhiệm tuần báo.

2. Là một bình hoa có tới 24 đóa khác nhau về hương sắc, ở đây tôi chỉ xin có cái nhìn lướt qua từng bài viết của mỗi tác giả. Phần biên khảo, bài so sánh Thanh Tâm Tài Nhân với thi hào Nguyễn Du của nhà văn Bắc Giang. Phải công bằng mà nói Nguyễn Du chỉ mượn cái khung lỏng lẻo của Thanh Tâm Tài Nhân, còn lại tất cả Đọan Trường Tân Thanh là sáng tạo thần tình cả ý nghĩa và hồn thơ. So sánh hai truyện của Trung Quốc và Việt Nam là thấy khác nhau một trời một vực. Nguyễn Du đã Việt Nam hóa Đọan Trường Tân Thanh nâng tác phẩm lên hàng nổi danh thế giới. Trong khi nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân vô danh, tầm thường, thô lỗ, rườm rà.
Bài viết về nhà Tây Sơn qua ca dao của nhà biên khảo Đào Đức Chương thật công phu, cẩn trọng. Người ta biết rằng khi nhà Nguyễn Gia Miêu tiêu diệt nhà Tây Sơn đã xóa sạch sách vở lien hệ đến ba anh em Nhạc Huệ Lữ. Nói đến nhà Tây Sơn chỉ có sử sách nhà Nguyễn và các tài liệu của các cố đạo Tây phương. Muốn hiểu rõ trung thực thời đại Tây Sơn 24 năm chỉ còn cách dựa theo ca dao địa phương Bình Định. Câu ca dao:
Gió đưa mười sáu lá xòai
Có chồng Bình Định cho dài đường đi

Thì 16 lá xòai đó chỉ vào tuổi trăng tròn của Công chúa Ngọc Hân, vua Lê đã gả cho Nguyễn Huệ.

3. Qua phần hồi ký, có ba bài. Câu chuyện hồi ức chuyến đi công tác tại vùng giới tuyến Bến Hải và cầu Hiền Lương năm 1957 của Diệu Tần, xin được miễn nói ở đây vì tránh chủ quan.
Nhà văn Phạm Quang Trình trích trong tập truyện Chiến Đấu, kể lại chi tiết cuộc vươt thóat từ trại cải tạo. Cuộc trốn trại liều lĩnh, một sống hai chết viết trung thực, không hư cấu và mang màu sắc tâm linh tôn giáo. Sau đó, sống trong nhà tù lớn, tác giả đã tham gia một tổ chức Phục Quốc và bị bắt nhốt trong khám Chí Hòa.
Hồi ký” Nha Trang như một cơn mê” của nhà văn chuyên viết truyện phiếm Hùynh Văn Phú bên miền đông Hoa Kỳ. Những hình ảnh tiếng nói của thành phố quê hương được tác giả ghi lại dí dỏm, ý nhị qua những chuyện học trò ‘tìm bạn bốn phương”, học sinh nghèo mời bạn gái uống nước mía, giả làm phu xích lô để được xách va-li cho các người đẹp ở cửa nhà ga. Cũng vì tật ba hoa chích chòe, người yêu vỡ mộng và ông hài hước ghi lại: Vậy là lần đầu trái tim của tôi bị thủng một lỗ, máu nhỏ từng gìong!

4. Sang phần truyện dịch có hai cây bút tuổi trung niên. Tác giả Phạm Việt Hùng mới đặt bàn viết từ 2004 với trích đọan “Kẻ thóai hóa” trong The catcher in the rye của J D Salinger. Đây là một truyện dài được dùng trong chương trình trung học Hoa Kỳ. Với lời dịch cố gắng giữ nguyên tác, coi như đã thành công.
Nhà văn nhà báo Vũ Quang Trân lột tả nguyên ý của nhà văn Nhật Bản Mỏi Yoko qua truyện ngắn “Bão xuân’. Chuyện kể một phụ nữ bình thường bất ngờ được tuyển chọn sẽ thủ diễn một vai quan trọng trên sân khấu nhạc kịch. Vận may đem đến niềm vui chóang ngợp vì cô ta hy vọng sẽ trở thành một ngôi sao sang. Cô ngập ngừng nói dối chồng là cô không được trúng tuyển, nhưng không giấu nổi chồng cô vốn là một sọan giả nhạc kịch. Từ đó một cơn bão kéo đến, âm thầm nhưng quyết liệt giữ cặp vợ chồng; Ai là người sẽ nổi tiếng vì họ nghĩ tình yêu mạnh hơn danh vọng? Người chồng lạnh lùng nói sẽ ly dị nếu cô vợ nổi tiếng trước mình. Câu chuyện nhắc đến trường hợp đã xảy ra của cặp nghệ sĩ Ỉngid Bergman và Roberto Rosilini. Chỉ vì ghen tài với vợ, Nátuo sẽ chia tay với Ýuuke. Cơn bão trong lòng hai kẻ yêu nhau, giận nhau mãnh liệt hơn cơn bão mùa xuân lạnh ướt tơi bời ngòai trời.

5. Tác giả Trúc Giang người Quảng Ngãi viết hồi ký với văn phong trẻ trung, dí dỏm, trào phúng có pha thêm hư cấu cho mặn mà. “Vùng trời Ký ức” quay lại thuở học sinh trung học quậy phá, nhân một buổi họp mặt ở Florida các học sinh nay đã 5, 6 bó quây quần ôn lại kỷ niệm xưa. Nhân vật được nhặc đến nhiều là cuộc đời ái tình và sự nghiệp của một bác sĩ quân y vùng cao nguyên. Câu chuyện có quậy phá, có vui nhộn, có máu và nước mắt. Kết cuộc là tình duyên của cô chị ở Buồn Muôn Thuở sau khi bị pháo 130 ly phá vỡ đã chuyển dịch sang tình duyên nối dài mê đắm mật ngọt với cô em trên xứ Mỹ.
Nhà văn Tuệ Chương Hòang Long Hải gốc Quảng Trị viết hồi ức lồng vào những suy tư, day dứt qua con người và cảnh vật La Vang. Nhân đọc đọan văn tả thực của một nhà văn nữ trong một chuyến về thăm Việt Nam nói về đám thiếu nhi ở quanh nhà thờ khiến tác giả phải đau lòng . Trên 50 năm trước tác giả đã từng là một thiếu nhi chạy theo cuộc rước kiệu La Vang Quảng Trị. Sao nay tình cảnh quá chua xót với sự thật não lòng. Những thiên thần có đôi cánh trắng ngây thơ, vô tư thuở nào giờ đây đã gãy cánh biến thành những trẻ em nghèo đói chuyên ngửa tay xin tiền du khách phương xa. Đến bao giờ thì những đôi cánh trắng đó sẽ được trả lại cho các em thiếu nhi Quảng Trị?

6. Trong Tuyển tập này có ba cây viết nữ đã thành danh. Một thuộc thế hệ thứ nhất và hai thuộc thế hệ một rưỡi. Đó là nhà văn nhà báo Vi Khuê, là nhà văn Kathy Trần và nhà văn Linh Vang. Qua truyện ngắn “Nhớ một thời biển lặng sông êm” tác giả Vi Khuê viết về thiếu nhi như bốn nhà văn khác trong tuyển tập với văn phong nhẹ nhàng, đầy nữ tính. Câu chuyện đối thọai giữa bà và hai đứa cháu ở Mỹ không thạo tiếng mẹ đẻ và nhân dịp cuối năm bàn chuyện thời sự.
Nhà văn Kathy Trần với giọng văn trào phúng tán về cái nghiệp văn chương, viết lách. Tại sao không nhân cách hóa văn chương thi phú bằng Chàng, lại cứ phải xưng tụng Nàng Thơ, Nàng Văn? Rồi tác giả so sánh sự giàu có của một số nhà văn Mỹ với văn sĩ đủ sống và văn sĩ đói rách của Việt Nam, rồi dí dỏm tán thêm về sự khác biệt giữa người làm văn, làm thơ, viết nhạc, viết báo.
Nhà văn Linh Vang nhỏ nhẹ, thủ thỉ qua truyện tình” Chiếc bóng bên đường”. Linh Vang khác với Francoise Sagan thời thập niên 60 bất cần đời nhếch miệng trong Un certain sourire, còn nhân vật nữ của tác giả khao khát tình yêu, nhưng tình yêu chợt đến chợt đi, với những nguyên do vô nghĩa, những tình cờ…nên vai nữ trong chuyện mãi mãi vẫn lủi thủi, lẻ loi như chiếc bóng bên đuờng. Sagan bên Pháp thản nhiên giơ tay chào Bonjour trístesse, còn Linh Vang ngậm ngùi buông câu: Còn nỗi buồn, nỗi cô đơn thì vẫn như xưa. Vẫn dính theo nàng.

7. Truyện ngắn “Tình yêu” của nhà văn Minh Anh không phải chỉ là tình yêu đôi lứa mà còn là tình yêu Thiên chúa và Tổ quốc. Cây đàn tranh của Ngọc Lan, con gái của người cha Bịêt kích đã hy sinh trên rừng Yên Bái, đã chất chứa những cao qúy của quê hương, dân tộc, đã là niềm an ủi cho người mẹ. Bài viết cùng lúc nói lên niềm tin tôn giáo của ngừoi quả phụ không bao giờ tìm thấy nơi vùi dập nắm xương người chồng trên núi đồi Bắc Việt.
Nhà văn Phạm Nguyên Lương với lời văn khúc chiết mạch lạc ghi lại cuộc đời ngắn ngủi của một thiếu nữ Việt trên xứ người. Điều đau đớn, chua xót và cũng là một bí mật chỉ có người chồng sắp cưới của cô gái mới biết. Cô nằm xuống mang theo một mầm sống trong lòng.
Nhà văn, nhà báo Phương Duy viết nóng bỏng, bạo dạn trong “Biển tình”. Khung cửa kính với nụ hôn gió màu tím luôn ám ảnh vai chính trong truyện. Nhưng tất cả chi tiết chỉ là truyện liêu trai tân thời trên đất Mễ tây cơ. Những sóng biển ào ạt, những vũ điệu Cha châch, Samba …cuồng nhiệt, những món ăn cay xé chili vẻde,burito… tưởng chừng như ảo như thực. Bởi Mấi, chị ruột Mẩi cô gái đồng nghiệp lau cửa kính, đã chết từ ba năm trước, hiện lên phá phách phái nam.

8. Nhà văn Nguyễn Ái Lữ nổi tiếng từ trước 1975 kể lại một chuyện tình sau hơn ba mươi năm trở lại. Ông có văn phong phảng phất nét Nhất Linh, Khái Hưng. Những phố Hàng Than, Hàng Đũa , Văn Miếu… hiện lên trong sương mờ dĩ vãng Hà Nội. Nhân vật chính trong truyện gặp lại, nhưng không thể nào thấy được người yêu cũ thuở học sinh. Mùi hoa cổ thụ hăng hắc vẫn còn đó, nhưng thành phố thân yêu cũ thì ảm đạm bạc thếch tường vôi, cũng như nàng đã già đi nhiều, tóc cắt ngắn. Người chồng nàng là một giáo sư viện sĩ về hưu non, bị mất trí, ra vào như chiếc bóng. Nàng cho biết: Người ta giao cho anh ấy công tác nghiên cứu chủ nghĩa Mác mà anh không tìm ra lời giải quyết hợp lý cho sự thay đổi xã hội. Từ biệt người tình cũ trở vào Nam, người đàn ông không ngắt một bong hồng nhung và hôn nàng như đã hôn lần đầu. Tất cả đã qua đi, biết bao đổi dời, biến động.
Nguyễn Phúc Sông Hương nhà thơ nhà văn chen vào thơ văn kỷ niệm Xuân Lộc bằng một truyện dã sử lãng mạn và sâu lắng. Tác giả khai triển câu ca dao: Kim Long có gái mỹ miều. Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều chân đi. Những địa danh vang lên rất Huế: Phú Xuân, chùa Thiên Mụ, sông Hương, áo lụa, nón bài thơ…. Vua Thành Thái, ông vua nhận rõ thân phận mình và thần dân mình, thích đi vi hành, ưa vân du với một tiểu đồng. Nhà vua tìm quên trong tình yêu thuần khiết với cô gái Kim Long. Vào đêm Trung Thu đó vua rời cung dạo thuyền trên sông, ngắm trăng và thả 36 chiếc đèn lồng, số tuổi của cặp tình nhân cộng lại, bỏ mặc Khâm sứ Pháp và triều thần chờ đợi ở thuyền rồng đậu bến sông Hương.

9. Truyện ngắn “Những pho tượng” của nhà văn kiếm hiệp, nhà thơ, nhà sọan nhạc Trần Thiên Tường mang đến một cảm tưởng hư thực, trộn lẫn xưa và nay sâu sắc. Tượng bằng chì thu nhỏ tác phẩm Tiếc Thương nổi tiếng của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu đã hiện lên đối thọai với một chú lính thú đời xưa và một vũ nữ trong nội triều vua chúa. Ba bản sao tượng nhỏ của ba thời đại bàn chuyện xưa và nay của dân Việt. Ước vọng của cô vũ nữ thật đơn giản mong có được một tình yêu. Cả ba bức tượng đều có chung một ước mơ: Cầu mong cho con người tồn tại trên thế gian, được an cư lạc nghiệp. Nhưng ước mơ đó bị phá vỡ, vì có ánh chớp lóe lên…, tiếng sấm nổ cùng lúc với cơn gió mạnh và mưa trút xuống…
Nhà văn nhà thơ lão thành Thúy Sơn vẫn với lối viết ngắn gọn dí dỏm kể chuyện “đời thường” hai cô Tư, Tư Oanh và Tư Bầu. Cô Tư Bầu bị một tai nạn do một anh chàng di cư bắc kỳ gây ra, cái cảnh lửa gần rơm. Hắn dám lễ phép kiểu thư ký hầu con gái ông chủ, rồi tán tỉnh c ô trong khi ông bố không chịu gả, bà mẹ phải gửi con gái ở nhà bảo sanh. Sau đó có vài trớ trêu xảy ra, nhưng rồi cũng thu xếp xong.
Tác giả Kim Vũ nhẹ nhàng, trong sáng, hồn nhiên trong truyện ngắn “Chim Non’. Con chim non Sisi, Mỹ gốc Việt này có bố vượt biên, mất tích. Sisi thông minh, sáu tuổi đã viết được một hai câu tiếng Việt… sai chính tả. Cô bé sống trong tình thương của mẹ, của hai bạn hàng xóm và của ông Khóat, người dạy Việt ngữ cho Sisi.

10. “Ba mươi năm sau” là một truyện có nhiều diễn biến tình cờ, trắc trở của nhà văn, nhà thơ Hạo nhiên Nguyễn Tấn Ích. Tác giả chuyển từ những chủ đề chiến tranh, máu lửa, tù cải tạo để viết truyện tình. Ba mươi năm sau tình xưa nghĩa cũ mới liên lạc được với nhau, Hào ở Mỹ, Mộc Linh Cânda, người có vợ, kẻ có chồng, nhưng đều ở cảnh độc thân bắt buộc. Vợ Hào, may mắn qua Mỹ trước, lập gia đình với người khác, trong khi Hào bị địch bắt trong trận Tết Mậu Thân. Còn Mộc Linh gặp người chồng say sưa rượu chè. Sau đó Mộc Linh và Hào gặp lại nhau trong một khung cảnh thật bất ngờ.
Cũng dùng đề tài viết về thiếu nhi, nhà văn nhà thơ Nguyễn Trung Dũng phóng tác về một vụ đi lạc. Tác giả mô tả cảnh vật và nỗi hoang mang, hỏang sợ của một cậu bé bị lạc trong rừng gặp cơn bão tuyết cùng với con chó của cậu. Nhờ những buổi đi trượt tuyết với cha, cậu bé lấy lại bình tĩnh, bản năng tự vệ vùng lên để đối phó với tình huống hiểm nguy.

11. Nhà văn nhà báo Sơn Tùng góp truyện ngắn Ra Đi, trích trong truyện dài “Lửa Hòa bình” của ông. Một truyện mô tả chi tiết cuộc vượt thóat bằng đường biển. Vai chính là Nhàn, như một nàng Kiều thời đại, giáo sư trung học, lấy sĩ quan Mỹ, chồng tù cải tạo, sống chung với một cán bộ….Nhàn suy nghĩ: ” …ngày mai xuống thuyền ra khơivới bao bất trắc, ta sẽ có thứ tự do nào? Ôi, Tự Do! Mi là gì? Hình thù mi ra sao”...Bi thảm diễn ra về cuối - không phải chỉ có chiếc thuyền vượt biên có Nhàn và chồng con cô trong đó – mà rất nhiều con thuyền đã lãnh đủ. Chỉ huy con tàu Millẻ phái hai y tá và một tóan thủy thủ đem theo thuốc men tới cứu những người còn sống sót. Còn chiếc thuyền và những xác người chết được rưới xăng thiêu hủy trên biển…
Nhà văn Lê Xuân Nhuận tiểu thuyết hóa một chương trong hồi ký “Cảnh sát hóa, quốc sách yểu tử’. Mối tình trai Mỹ gái Việt, một sĩ quan với một cô giáo, kết hợp trên một bình diện cao và thuần khiết. Câu chuyện thương tâm, gây xúc động thọat nghe tưởng như một vở cải lương có tên Lan và Điệp, nhưng là chuyện có thật và rất thời đại. Tình tuyệt vọng trái ngang, nàng bỏ đi tu, chàng về Mỹ mang một khối u trong óc. Nhưng cuối cùng chàng cũng giữ được lời thề, bụi đất nhục thân chàng đã gửi được dưới gốc đa đầu trường.

12. Tuyển tập Bút Hoa của Trung tâm Văn Bút Tây Bắc Hoa Kỳ ra mắt độc giả sau hơn hai năm chuẩn bị. Sỡ dĩ muộn màng vì gặp những trở ngại không lường trước được. Chẳng hạn như vài tác giả muốn sửa đổi câu văn, muốn thay truyện khác, vấn đề chuyển giao việc phụ trách từ văn hữu này qua văn hữu khác….Việc in ấn, trình bày cũng còn vài sơ xuất, tuy nhiên nhìn chung là một tuyển tập có giá trị. So sánh với các tuyển tập bạn, Bút Hoa cảm thấy không hổ thẹn.
Với 24 tác giả trong và ngòai Văn Bút, với những đề tài, nội dung đa dạng, súc tích, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, lịch sử, đức tin, văn học, tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa… đi từ biên khảo công phu, sang hồi ký trung thực đến những truyện ngắn truyền cảm, sâu lắng. Tôi rất hân hạnh được giới thiệu tuyển tập Bút Hoa đến độc giả bốn phương.

Diệu Tần
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.