Rank: Advanced Member
Groups: Administrators
Joined: 6/24/2012(UTC) Posts: 18,432 Points: 19,233 Location: Golden State, USA Was thanked: 646 time(s) in 606 post(s)
|
Cách thưởng - phạt tích cực của mẹ Việt ở Thụy Sỹ
Sunday, 16 September 2012 09:20
Cali Today News – Tình cờ đọc một bài viết về cách rèn luyện con trẻ từ Kienthuc.net, chúng tôi thấy cần trích đăng lại bài viết này để chia sẻ kinh nghiệm dạy con với các bà mẹ trẻ. Đây chỉ là mong muốn sang sẻ kinh nghiệm giáo dục con cái, chúng tôi không bình luận là đúng hay sai vì đúng hay sai có lẽ cũng tùy thuộc vào từng gia đình, văn hóa và luật pháp tại nơi quý vị cư trú. Mời quý vị cùng theo dõi. Nếu con làm điều gì sai, con sẽ bị phạt úp mặt vào tường, con làm điều tốt, sẽ được thưởng sticker. Tôi đã học được điều này từ loạt chương trình dạy con của truyền hình Anh, nói về một “siêu bảo mẫu” đến tận từng nhà, giúp bố mẹ “trị” con ngỗ nghịch. Phạt con, mẹ rèn kiên nhẫn
Là mẹ, cũng như bao người khác, tôi luôn muốn làm mọi điều tốt cho con, từ chuyện ăn, ngủ đến hình thành nhân cách, nên từ khi mang bầu tôi đã đọc nhiều sách báo nuôi dạy con. Sau khi sinh, tôi mới nghiệm ra rằng, mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, cần cách dạy dỗ, chăm sóc khác nhau, linh hoạt chứ không phải áp dụng y hệt sách vở. Từ khi con biết nói, biết bày tỏ cảm xúc và biết mình làm điều sai sẽ bị phạt hay làm điều tốt sẽ đựơc thưởng thì tôi áp dụng cách phạt time-out: cách ly con, cho con đứng úp mặt vào tường, ngồi yên trên ghế hoặc bất cứ nơi nào mẹ quy định. Số phút phạt được tính theo tuổi con, 2 tuổi phạt 2 phút, 3 tuổi phạt 3 phút cứ thế con bao nhiêu tuổi phạt bấy nhiêu phút. Con bé quá phạt con có thể chưa hiểu nhưng nên tập thói quen cho con cứ làm điều gì chưa đúng là bị phạt. Sau khi phạt xong phải xin lỗi mẹ, mẹ ôm con vào lòng và mẹ có nhiệm vụ giải thích vì sao con bị thế. Lý thuyết thì đơn giản vậy nhưng thực tế khó khăn hơn nhiều, nhất là các bé 2,3 tuổi bướng bỉnh khủng khiếp. Có lần, bị phạt đứng góc, con tức giận, xé luôn cả giấy dán tường. Lần khác, con xé đồ, tôi bắt đứng úp mặt vào tường, sau đó kêu con ra xin lỗi mẹ, mẹ tha lỗi nhưng con cứ nhất quyết không xin lỗi. Tôi nói với con, đứng đó chừng nào xin lỗi mẹ thì cho ra. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua trong sự hoang mang của mẹ. Đã đưa ra luật phạt thì không thể thay đổi, nếu muốn giữ uy với con. Đến lúc con mỏi chân quá bò ra xin lỗi, mẹ mới thở phào. Có nhiều bé cứ bị dắt vào chỗ phạt là chạy đi mất. Con cứ chạy thì mẹ phải dắt con lại vào chỗ cũ, 5 lần, 10 lần, 20 lần, thậm chí một tiếng đồng hồ vật lộn cùng con, mẹ cũng phải làm. Muốn vậy, mẹ cần phải có thời gian, và cần nhất là sự bình tĩnh, nhẫn nại cứ chạy ra lại dắt vô, sau con sẽ hiểu ra vấn đề. Thưởng sticker cho con
Đã nói đến phạt thì phải có khen thưởng, và khen thưởng làm sao cho hợp lý. Tôi sử dụng sticker – một loại giống phiếu bé ngoan nhưng có nhiều hình thù sinh động, được trẻ em yêu thích. Bạn thể mua ở siêu thị về để thưởng cho con. Tôi làm cho hai con của mình hai bảng riêng, mỗi ngày tốt sẽ được dán một sticker lên đó. Hễ trong tuần ai có đủ 7 sticker thì mẹ dẫn đi chơi phố cùng mẹ, nếu cả tháng đầy đủ sticker sẽ được thưởng món quà. Các con rất vui thích, tự tin hơn và ngày nào cũng cố gắng giành sticker để cuối tuần, cuối tháng lĩnh thưởng.
Các bé rất thích được thưởng sticker.
Cũng có những lúc con lì lợm và không làm theo ý mình, thế là mẹ phạt bằng cách 2 ngày không có sticker cho dù ngoan. Dù con ở độ tuổi 2-5 tuổi hay lớn hơn, cha mẹ cần nhớ một điều khi phạt con là: Khi quyền lợi của con bị mất đi, là con sẽ tuân thủ quy định của cha mẹ và cư xử đúng mực. Riêng cha mẹ khi dạy con phải nhớ cả hai vợ chồng phải nhất quán chuyện dạy con, không có chuyện ông nói A, bà nói B. Theo Kienthuc.net/ Hướng Dương (ghi theo lời kể của chị Nguyễn Thị Kim Liên Affoltern, Zurich, Thụy Sỹ)
|