RFI - Thứ sáu 17 Tháng Sáu 2011 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 17 Tháng Sáu 2011
OIT thông qua công ước bảo vệ quyền lợi cho người giúp việc nhà
Hội nghị thường niên Tổ Chức Lao Động Quốc Tế 2011
www.ilo.orgThanh HàHôm qua, 16/06/2011, các thành viên Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (183 nước) đã thông qua một công ước được coi là mang tính « lịch sử » để bảo vệ quyền lợi của những người giúp việc nhà. Công ước này giúp « cải thiện các điều kiện lao động cho hàng triệu người trên thế giới » đặc biệt là trên vấn đề lương bổng và giờ làm việc.
Theo lời tổng thư ký Tổ Chức Lao Động Quốc Tế, OIT, Juan Somavia, đây là giờ phút « lịch sử » vì đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế đưa ra một khung pháp lý đối với thành phần lao động này. Đây cũng là lần đầu tiên, cả thế giới công nhận « những người giúp việc là những người lao động và với tư cách đó, họ phải được có tiếng nói, phải được bảo đảm có được đồng lương đủ sống ».
Theo OIT, hiện có khoảng 52,6 triệu người giúp việc trên toàn thế giới. Trong số đó, đại đa số là phụ nữ đến từ nước ngoài. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến 2008, số người giúp việc đã tăng 89%, phần lớn không được thù lao thỏa đáng, một trong những công việc được trả lương rẻ mạt nhất, thời lượng làm việc không được ấn định rõ ràng và người lao động không được hưởng các khoản trợ giúp xã hội.
Vẫn theo tổ chức đa quốc gia này thì có tới 45% người giúp việc phải làm việc 7 ngày trên 7. Do vậy, công ước vừa được thông qua quy định là những thành phần lao động này phải được nghỉ tối thiếu một ngày trong tuần.
Manila nhiệt liệt hoan nghênh công ước vừa được OIT thông qua tại Genève, Thụy Sĩ, bởi vì Philippines là một trong những quốc gia xuất khẩu lao động nhiều nhất để làm công việc này.
Năm 2009, đã có tới 71 000 kiều dân Philippines - trong đó có tới 69 000 phụ nữ- đi ra nước ngoài để giúp việc cho các gia đình ở ngoại quốc. Hiện có tới 10% dân số Philippines trong diện xuất khẩu lao động, họ đem về hơn 10% thu nhập quốc gia mỗi năm.