Welcome Guest! To enable all features please Login or Register.

Notification

Icon
Error

Nữ dân biểu ở Arizona bị bắn, 5 người chết
viethoaiphuong
#1 Posted : Saturday, January 8, 2011 4:00:00 PM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Nữ dân biểu ở Arizona bị bắn, 5 người chết



Saturday, January 08, 2011
Một chánh thẩm liên bang thiệt mạng

TUCSON, Arizona (AP) – Một vụ nã súng tàn bạo hôm Thứ Bảy gây náo động trên toàn Hoa Kỳ, khi nữ dân biểu Gabrielle Giffords, trong khi đang nói chuyện với cử tri bên ngoài một tiệm thực phẩm ở Tucson thì bị trúng đạn vào đầu, ít nhất năm người bị thiệt mạng và 10 người khác bị thương.


Một nhóm người tụ tập ở trước cửa tòa nhà Quốc Hội tại Washington, cầu nguyện cho nạn nhân vụ bắn súng ở Arizona hôm thứ Bảy. Dân biểu Gabrielle Giffords, tiểu bang Arizona, bị bắn trúng đầu khi hung thủ nã súng vào một tiệm thực phẩm lúc bà Giffords gặp gỡ cử tri. Một thẩm phán liên bang và bốn người khác bị giết. (Hình: AP Photo/Jose Luis Magana)


Bệnh viện cho hay tình trạng của DB Giffords “khá lạc quan,” và bà vẫn hiểu được lời bác sĩ nói chuyện mặc dù bị một viên đạn đi xuyên vào đầu. Một em bé 9 tuổi nằm trong số người bị chết, và cảnh sát xác nhận Thẩm phán Liên bang John Roll cũng bị thiệt mạng.
Một số nhân viên của DB Giffords cũng bị thương, theo lời C.J. Karamargin, phát ngôn viên của bà.

Tổng Thống Obama mở ngay cuộc họp báo truyền hình toàn quốc, chia sẻ nỗi đau buồn, đồng thời cũng xác nhận có 5 người bị chết. Phản ứng về vụ bắn lan nhanh trên khắp thế giới.
Ở Quốc Hội, các chính trị gia thuộc mọi phe phái lên án vụ bắn như là một hành động dã man. Cảnh sát ở Capitol kêu gọi các dân cử tại Quốc Hội nên tăng cường cảnh giác về an ninh, trong khi một số chính trị gia bày tỏ hy vọng rằng, vụ tàn sát này sẽ làm cho người ta thức tỉnh, vào thời điểm mà không khí chính trị đang trở nên quá sôi động.

Tân Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner nói: “Tôi cảm thấy kinh hoàng trước việc nữ Dân Biểu Gabrielle Griffords cùng các cộng sự viên của bà đã bị tấn công một cách vô nghĩa. Hành động tấn công vào một người phục vụ nhân dân là hành động tấn công vào tất cả các vị dân cử. Xã hội chúng ta không chấp nhận hành động hay sự đe dọa bạo động chống lại một người do dân chúng bầu ra. Chúng tôi cầu nguyện cho Dân Biểu Griffords, nhân viên của bà, những người bị thương, cùng gia đình họ. Đây là một ngày đau đớn cho đất nước chúng ta.”
Cảnh sát cho hay hung thủ hiện đã bị bắt giữ, và được nhận diện là Jared Loughner, 22 tuổi. Theo cảnh sát Quận Pima, sát thủ dùng một cây súng ngắn để thực hiện cuộc tàn sát.
Động cơ dẫn đến hành động này hiện chưa được rõ. Các viên chức điều tra liên bang đang xem xét các trang mạng MySpace và YouTube video của hung thủ, mới được đưa lên vài tuần trước đây.
Trong một video trên YouTube, Loughner miêu tả về sự phát minh một loại tiền mới và than phiền về mức độ thất học trong khu vực của bà Giffords ở Arizona.


Nhân viên cấp cứu tại địa điểm chỗ DB Gabrielle Giffords và nhiều người khác bị bắn bên ngoài tiệm thực phẩm Safeway ở Tucson, Arizona hôm thứ Bảy. (Hình: AP Photo/Matt York)


Bà Giffords năm nay 40 tuổi, lần đầu tiên được bầu vào Quốc Hội trong đợt phe Dân Chủ giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006, và bà lại thắng xít xao đối lại đối thủ được phe Tea Party ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu năm 2010. Bà Giffords được cho là có triển vọng ứng cử vào Thượng Viện vào năm 2012, và cả vào ghế thống đốc trong năm 2014.
Chồng là phi hành gia Mark E. Kelly, người từng điều khiển phi thuyền con thoi Endeavour và Discovery. Hai người gặp nhau ở Trung Quốc vào năm 2003 khi họ cùng tham dự một ủy ban ở xứ này, và đã thành hôn với nhau vào năm 2007.

Dân Biểu Loretta Sanchez, người từng làm việc chung với bà Giffords trong nhiều ủy ban, tỏ vẻ sửng sốt trước tin bà Giffords bị bắn. Bà Sanchez nói: “Tôi có quen biết với vợ chồng bà Giffords. Bà ta là một phụ nữ trẻ tuổi thông minh, được người ta trọng vọng và rất quan tâm đến các binh sĩ của chúng ta.”

Bà Sanchez nói thêm: “Tôi mong rằng biến cố này không làm cho chúng ta bớt tiếp xúc với cử tri ở nơi công cộng. Theo tôi gặp gỡ cử tri là điều hết sức quan trọng.”

Thẩm phán John Roll bị giết trong vụ này là chánh thẩm tòa liên bang Arizona. Ông nhậm chức năm 1991, qua sự bổ nhiệm của Tổng Thống George H.W. Bush và biểu quyết của Thượng Viện. (TP)

* nguồn : Người Việt Online
viethoaiphuong
#2 Posted : Monday, January 10, 2011 12:57:10 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)

Mọi người có thể tin một sự trùng hợp hết sức kỳ lạ sau cái chết của cháu gái 9 tuổi trong vụ thảm sát đẩm máu tại thành phố Phoenix ,tiểu bang Arizona Hoa Kỳ . Ông John Green, bố của bé gái 9 tuổi chết trong vụ xả súng, cho biết: “Con tôi chào đời ngày 11-9-2001, đúng ngày máy bay bị không tặc kiểm soát tấn công nước Mỹ. Còn giờ đây, lúc 9 tuổi, nó ra đi vào ngày 9-1-2011 kinh hoàng này”.

* gởi bởi TB - HoaLu groups

viethoaiphuong
#3 Posted : Wednesday, January 12, 2011 3:06:31 AM(UTC)
viethoaiphuong

Rank: Advanced Member

Groups: Registered
Joined: 6/24/2012(UTC)
Posts: 9,291
Points: 11,028

Thanks: 758 times
Was thanked: 136 time(s) in 135 post(s)
Arizona đổ máu

Tuesday, January 11, 2011

Ngô Nhân Dụng

Dân Biểu Gabrielle Giffords may mắn. Các bác sĩ cho thử, thấy phổi bà đã tự thở được dù đang giữ trong tình trạng hôn mê để cơ thể nghỉ ngơi. Trước đó bà đã biết làm dấu bằng tay, trả lời bác sĩ. Bị bắn xuyên qua đầu phía bên trái, phải cắt gỡ một phần xương sọ tạm cất đi để cho bộ não không bị thêm thương tích khi phồng lên, nhưng đầu vẫn làm việc. Bà Giffords, dân biểu thị xã Tucson, tiểu bang Arizona, thuộc đảng Dân Chủ, sẽ may mắn thoát chết và bộ óc bà có thể làm việc được.

Và phải nói nước Mỹ cũng may mắn, sẽ thoát được một cuộc tranh cãi đảng phái không đẹp. Vụ ám sát này dù mang tính chất chính trị nhưng không phải gây ra vì lý do phe đảng. Anh Jared Loughner, người bắn bà Giffords là người tâm thần bị yếu. Anh ta có thể đã hành động vì lý do chống chính quyền nói chung hoặc ghét bà Giffords nhưng không có dấu hiệu là anh ta đã bị tác động bởi những lời lẽ và hình ảnh do các đối thủ chính trị đưa ra trước đây để tấn công bà Giffords. Tuy nhiên dân Mỹ, nhất là những người làm chính trị, sẽ phải tự vấn lương tâm về phương pháp tấn công lẫn nhau trong những cuộc tranh cử. Và hy vọng sau vụ này những người có trách nhiệm sẽ áp dụng luật lệ kiểm soát súng một cách nghiêm ngặt hơn.

Với bao nhiêu luật lệ hạn chế việc bán súng, về quyền làm chủ súng và sử dụng súng, người Mỹ cũng không hiểu được tại sao một thanh niên 22 tuổi, từng bị đuổi khỏi trường vì tâm thần không ổn định, mà vẫn có thể đi mua súng để âm mưu giết người, rồi bắn bừa vào đám đông làm chết 6 người và 14 người bị thương. Em Christina-Taylor Green ra đời ngày 11 tháng 9 năm 2001, là một nạn nhân của Jared Loughner. Cô bé mới 9 tuổi, bơi lội giỏi, hát trong ca đoàn nhà thờ, có tài nói chuyện với đám đông, đã đến dự cuộc gặp gỡ cử tri trước cửa siêu thị của bà dân biểu vì dù còn nhỏ cô đã thích chính trị rồi. Cũng như Thẩm Phán Liên Bang John Roll, đã qua đời vì thương tích. Ông thuộc đảng Cộng Hòa, đã được cựu Tổng Thống Gorges W. Bush cử làm chánh án liên bang, nhưng là bạn của bà Giffords. Hôm xẩy ra tai họa, ông nhân đi qua vùng đó nên đã ghé vào chào bà dân biểu đang họp mặt với các cử tri, mặc dù không cùng một đảng.

Họ là những nạn nhân của súng, chứ không phải của bạo lực chính trị, đó là điều người Mỹ có thể yên tâm. Hôm qua, CBS News đã công bố kết quả một cuộc nghiên cứu dư luận. Chỉ có 32% dân Mỹ nghĩ rằng vụ mưu sát bà Giffords là hậu quả của những lời lẽ có tính chất bạo động trong mùa tranh cử năm ngoái; còn 57% cho là không. Không thấy một cuộc thăm dò dân ý về luật lệ kiểm soát súng. Năm 2008, khi Tối Cao Pháp Viện Mỹ bác bỏ một đạo luật hạn chế việc bán súng, Dân Biểu Gabrielle Giffords đã hoan hô quyết định này. Bà nói, mang súng là một truyền thống của tiểu bang Arizona. Nay chính bà là nạn nhân của truyền thống tự do mang súng này.

Người mẹ của hung thủ Jared Loughner đã nằm khóc suốt ngày đêm kể từ khi nghe tin vụ thảm sát. Hàng xóm đang cố an ủi cha mẹ anh ta: Ông bà không có lỗi gì cả. Ông bà đã dạy con hết những điều hay lẽ phải. Nhưng dù chúng ta dạy con thế nào thì cũng không biết được sẽ có chuyện gì xẩy ra. Một thanh niên tâm thần bất ổn rất dễ gây phiền nhiễu cho người chung quanh. Ở một nơi mà súng được bán tự do, đa số dân nghĩ rằng việc mang súng là một quyền hiến định, thì những thanh niên tâm thần bất ổn có thể giết người một cách dễ dàng.

Jared Loughner đã giấu trong mình khẩu súng đã nạp đạn và một băng đạn để ngoài có sẵn 33 viên. Từ năm 1968 đạo luật Kiểm Soát Súng đã cấm bán súng cho người bị bệnh tâm thần. Nhưng trong vụ thảm sát làm chết 30 người ở Ðại Học Virginia Tech năm 2007, thủ phạm Cho Seung-Hui đã từng được phép mua súng sau 2 lần kiểm tra hồ sơ liên bang, mặc dù một tòa án tiểu bang trước đó đã phán rằng anh ta tâm thần không ổn định. Luật lệ không được áp dụng cẩn thận, các cơ quan cấp tiểu bang không cung cấp đầy đủ danh sách những người bệnh tâm thần cho chính phủ liên bang để vào hồ sơ kiểm soát. Nước Mỹ quá nhiều súng, số súng trong tay tư nhân nhiều hơn số dân Mỹ. Trong khi đó, những người làm chính trị nhiều khi sử dụng ngôn ngữ của súng ống để công kích lẫn nhau và khích động người cùng phe với mình. Trong một cuộc diễn thuyết gây quỹ trong mùa tranh cử năm 2008, Tổng Thống Barack Obama đã hô hào những người đến góp tiền bằng một ẩn dụ, ông nói: “Nếu họ mang dao tới cuộc đấu, chúng ta hãy mang súng!” Câu đó muốn nói, nếu bên Cộng Hòa quyên góp 100 đô la, các bạn hãy đóng góp 200 đô la! Nhưng tại sao phải dùng những ẩn dụ dao và súng như vậy? Chỉ có một nguyên do, là người ta sống trong một không khí không lành mạnh, ở một xã hội quá nhiều súng.

Trong bản tin đầu tiên về vụ mưu sát, người viết thuật lại cuộc đời chính trị của Dân Biểu Giffords, đã nhắc tới các đối thủ chính trị của bà. Trong số đó bà Sarah Palin, cựu ứng cử viên phó tổng thống của đảng Cộng Hòa năm 2008, bị tất cả mọi người chú ý. Trong mùa tranh cử năm ngoái, bà Palin đã đưa ra một bản đổ nước Mỹ với 20 ghế dân biểu của đảng Dân Chủ mà bà hô hào mọi người tấn công giật lấy, trong số đó có bà Giffords. Trên bản đồ, những mục tiêu tranh cử đó đã được đánh dấu bằng những hình tròn đồng tâm với hai đường chỉ cắt nhau hình chữ thập. Trông như hình tiêu điểm để nhắm vào trong trường bắn, và hình nhắm trên khẩu súng trường. Khi đi cổ động tranh cử cho một số ứng cử viên Cộng Hòa được nhóm Tea Party ủng hộ, bà Palin hay khuyến khích cử tri ủng hộ họ bằng khẩu hiệu “Don't retreat; reload.” Nghĩa đen là “Ðừng lui bước; hãy nạp thêm đạn!”

Bà Palin cũng là người cực lực phản đối đạo luật Cải tổ Y tế được Quốc Hội biểu quyết năm ngoái, với những lý lẽ coi là đạo luật này đã lập ra những “hội đồng tử hình.” Ðó là những ủy ban cứu xét xem các bệnh nhân già về hưu nào có thể bị ngưng không được chữa trị - tức là để cho chết, kết án tử hình. Thực ra ngay khi chưa có đạo luật này thì nhiều bệnh nhân vẫn bị từ chối không được chữa trị, do các hãng bảo hiểm hay cơ quan y tế quyết định. Những lời lẽ khích động cuồng nhiệt lại cộng thêm với ngôn ngữ, hình ảnh liên quan đến súng ống đã tạo ra một không khí nhiễm độc trong chính trường. Nhiều người đi biểu tình chống Tổng Thống Obama đã mang theo cả súng, họ bị ngăn cản không cho dự. Nhiều người vác theo hình của ông Obama vẽ giống như nhà độc tài Ðức Quốc Xã Adolf Hitler, một tiêu biểu cho tội ác đối với người Mỹ.

Năm ngoái, sau khi Dân Biểu Gabrielle Giffords bỏ phiếu chấp thuận đạo luật Cải tổ Y tế, văn phòng của bà ở địa phương đã bị phá phách. Có lúc bà đã nhận được một viên đạn. Chính bà đã tỏ ra lo ngại về những cuộc tấn công với hình tiêu điểm nhắm bắn của bà Sarah Palin. Bà nói: “Khi người ta làm như vậy, họ không biết hậu quả sẽ ra sao.” Sau khi bà Giffords bị bắn, bà Palin đã xóa bỏ những hình tiêu điểm này trên tấm bản đồ trong mạng lưới của bà; ngoài ra bà còn bày tỏ lời chia buồn với bà Giffords và gia đình các nạn nhân khác.

Một người được bà Palin ủng hộ và ca tụng như một anh hùng là ứng cử viên Jesse Kelley, đối thủ của bà Giffords. Ông là một cựu thủy quân lục chiến, khi hô hào những người ủng hộ hãy quyên góp 50 đô la, ông nói: “Hãy bắn khẩu M16 nạp đầy đạn!” “Hãy nhắm đúng tiêu điểm!” “Hãy trừ bỏ Gabrielle Giffords!” Trên đài ti vi Fox, bà Palin tỏ lòng ngưỡng nộ Kelley, nói: “Tôi không đáng cột dây đôi giầy trận của ông ấy.”

Những giọng điệu đầy tính chất bạo động trên đây rất đáng chỉ trích và đáng bác bỏ. Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy Jared Loughner đã âm mưu giết bà Gabrielle Giffords vì chịu ảnh hưởng của những lời lẽ và hình ảnh đó. Anh ta được bạn bè mô tả là người khuynh tả chứ không bảo thủ. Anh ta thường vào các mạng lưới của cánh tả và trong phòng anh chứa những sách như bản Tuyên ngôn Cộng sản của Karl Marx.

Vụ mưu sát một dân biểu, dù không do các đối thủ của bà đã khích động, cũng có nguyên nhân chính trị. Ðây là điều mọi người Mỹ không chấp nhận. Vì vậy, sẽ có một cuộc thảo luận công khai về vấn đề này trên các diễn đàn. Dân Biểu John Boehner, tân chủ tịch Hạ Viện thuộc đảng Cộng Hòa, đã lên án hung thủ mưu sát bà Giffords, ông nói: “Tấn công một người đang phục vụ tức là tấn công tất cả mọi người đang phục vụ.”

Trong tuần trước, tại Hạ Viện Mỹ đã diễn ra một cảnh rất đẹp khi quyền chủ tịch được trao từ đảng Dân Chủ sang đảng Cộng Hòa trong không khí thân mật, vui vẻ. Hầu như ai cũng đã quên đi những cuộc tranh luận, công kích, các màn tấn công đủ kiểu trong mùa tranh cử năm ngoái. Ai cũng biết rằng các cuộc đấu gay go sôi nổi đã diễn ra trước đó chỉ là điều bắt buộc trong “cuộc giao đấu,” cũng như các cầu thủ tham dự một cuộc đá banh đều phải chơi hết mình. Ðó là luật chơi trong chế độ tự do dân chủ. Người ta có thể tố cáo nhau là có những chủ trương, chính sách làm hại quốc gia, có thể đe dọa rằng cử tri sẽ khốn khổ nếu tín nhiệm đối thủ của mình. Nhưng không ai được coi người tranh cử với mình là độc ác hay phản quốc. Ðặc điểm của thể chế dân chủ tự do là các bất đồng ý kiến sẽ được giải quyết qua lá phiếu, chứ không phải bằng bạo lực, dù trong lời nói.

Có những người sống trong chế độ dân chủ nhưng không hiểu luật chơi này. Ðặc biệt là những người tâm thần bất ổn. Họ làm cho không khí chính trị bị nhiễm độc. Những người làm chính trị càng phải thận trọng không làm cho nó nhiễm độc hơn. Năm 1995, Timothy McVeigh đã đặt bom một tòa nhà của chính phủ liên bang tại thành phố Oklahoma City làm chết 30 người trong đó có các trẻ em, cũng vì anh ta tin rằng chính quyền liên bang Mỹ là một hiểm họa cho đất nước. Anh ta đã chịu ảnh hưởng luận điệu của nhiều nhà chính trị lúc đó, họ công kích không phải một chính quyền nhưng chống cả hệ thống chính trị nước Mỹ. Ý tưởng đó không có gì nguy hiểm ở một nước tự do dân chủ, ai cũng có quyền nói. Nhưng giọng điệu của những người đưa ra các ý kiến đó lại nặng mầu sắc bạo động. Họ không phải chỉ trình bày ý kiến mà còn gieo rắc thù hận. Lối nói năng của họ có thể khiến người không biết suy nghĩ tưởng rằng việc sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề là điều không tránh được, và đáng khuyến khích. Những người bị bệnh tâm thần rất dễ hiểu lầm như vậy, mà trong xã hội không thiếu gì những người như McVeigh hay Jared Loughner.

Cuối cùng, người Mỹ phải suy nghĩ lại về một xã hội sống với nhiều súng quá. Những người tâm thần bất ổn thì ở đâu cũng có. Nhưng ít nơi nào họ có thể mua súng và mang súng trong người dễ dàng như ở nước Mỹ.

Cựu Dân Biểu Jim Kolbe, Cộng Hòa, người đại diện đơn vị của bà Gabrielle Giffords 22 năm trước khi về hưu năm 2006, nhân vụ mưu sát vừa qua đã nhắc lại thời ông còn tại chức cũng có những giờ phút nguy hiểm như vậy. Ông nói lúc nào, đi đâu gặp cử tri cũng có những người khó chịu, nghe những lời chửi rủa, nhất là khi bàn về vấn đề di dân vào Mỹ. Arizona là tiểu bang năm ngoái mới làm một đạo luật rất gắt gao để ngăn di dân bất hợp pháp. Nhưng ông Kolbe phải nói thêm, thị xã Tucson không phải là trường hợp đặc biệt, “Những chuyện như thế này ở đâu cũng có thể xẩy ra.”

Muốn cho những chuyện đó, khi xẩy ra, không giết đến 6 người vô tội, làm nhiều người thân thể tàn tật suốt đời, và khiến cả một nước có thể bất hòa khi đổ lỗi cho nhau, thì cần phải kiểm soát súng nghiêm ngặt hơn nữa.
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.