quote:
Gởi bởi hongkhackimmai
[quote]
HKKM cũng hơi phẻ phẻ rồi. Mới nghe tin người em cô cậu là Trần Thị Phương Lan (người đẹp nức tiếng một thời của trường Đồng Khánh Huế ) ,
Em không học cô giáo Phương Lan, nhưng cô dậy trong trường của em - gởi chị đọc bài của học trò viết về cô nè. Thôi thì đời người mong manh, khi còn nhau mình vui cùng nhau chị nhỉ, em hi vọng có ngày ghé thăm chị - đã một lần hai chị em mình chưa đủ duyên để gặp nhau - em sẽ tạo duyên lại, chị nha.
NHỚ VỀ MỘT NGƯỜI CÔ
Cô Trần Phương Lan (1941-2011) là cô giáo dạy tiếng Anh chỉ có hai niên học tại trường Sương Nguyệt Anh (1975-76 và 1976-77), nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó cô đã chinh phục được bao con tim. Nhiều nữ sinh SNA được học dưới thời cô, mỗi khi nhắc đến cô là nhắc đến một nhan sắc khuynh thành. Dáng cô cao gầy, mái tóc thẳng, nặng, đen mướt xỏa dài xuống lưng và nụ cười thu hút, duyên dáng. Nhiều người nhắc mãi về hình ảnh cô và em gái của cô là cô Trần Như Mai khi hai cô đứng trên hành lang lầu 1 phòng giáo viên nhìn xuống đám học sinh xếp hàng bên dưới trong các buổi chào cờ; trông hai cô giống như hai ngôi sao sáng rực rỡ làm bọn học trò dù chỉ toàn con gái nhưng đủ mê mệt!
Nhưng cô không chỉ chinh phục bằng sắc đẹp hay phong cách đài các của các kiều nữ Huế xưa, mà còn qua sự tận tâm và cách dạy tiếng Anh đơn giản mà thuần thục, đượm nhiều màu sắc phong phú tạo thành ấn tượng không bao giờ quên. Một lần đọc bài “The Acropolis of Athens”, cô nói đến Athena, nữ thần trí tuệ trong thần thoại Hy Lạp (đây là phần dạy thêm, không có trong giáo trình). Hồi đó chúng tôi thường nghĩ cô cũng có phong cách như một nữ thần! Rồi bẵng đi nhiều năm, một lần gặp người bạn mới ở Nữu Ước, bạn xưng tên Athena, tôi bỗng buộc miệng, “Ah, the Greek goddess of wisdom!” người bạn tròn mắt nhìn, “Oh so you know!” Và tôi tự nhẩm, “Yes, from my teacher cô Phương Lan” (đây là thời đại tiền Internet and Google!)
Mặc dù quá trình dạy học của cô ở Sương Nguyệt Anh chỉ vỏn vẹn hai năm, cô còn nhiều quá trình khác ở nhiều trường khác. Trước Sương Nguyệt Anh là trường trung học Trần Qúy Cáp ở Hội An, sau Sương Nguyệt Anh là trường Marie Curie. Sau đó là vài trường nào khác nữa (?) Nhưng điểm dừng chân cuối cùng của cô là Viện Phật Học. Cô có nhiều thế hệ tăng ni gọi bằng thầy. Khi cô qua đời thì những sư tăng này đã hết lòng tụng niệm, lo việc ma chay cho cô, không chỉ với tính cách sư thầy mà còn với tính cách học trò. Vị sư trụ trì chùa Huỳnh Kim, nơi linh cửu cô được quàng, và cũng là nơi hài cốt cô sẽ được lưu giữ, cũng gọi cô bằng thầy.
Một biến cố đau buồn có lẽ là lớn nhất trong đời cô là khi ái nữ duy nhất của cô (SNA Khóa 81 nhưng chuyển trường sau hai năm) qua đời bằng cách quyên sinh ở tuổi vừa 18-19. Ai trong chúng ta đã từng là mẹ, chắc nghiệm được một chút niềm đau vô biên của cô Phương Lan. Nỗi đau đó có thể làm một người gục ngã, có thể xé nát một đời người, biến nó thành ngơ ngẩn trống không, hoặc ít nữa, không còn ích lợi trong đời.
Cái sức mạnh nơi cô là cô đã vực dậy sau cơn bão tố, tìm lấy sức sống tiềm tàng vô giá bên trong, rồi, biến đau thương thành sức mạnh, cô đã dùng khả năng lẫn thì giờ để chiêm nghiệm, suy tư, nghiên cứu cho đến khi cô như thấm đẫm lời Phật, trở thành một giáo sư uyên bác có tiếng trong Viện Phật Học, biên dịch sách tham khảo, huấn luyện chư sinh.
Phải chăng niềm đau vô bờ ấy đã là khởi điểm của hành trình đưa cô đến nơi giác ngộ, đến chốn bình yên? Thay vì ngã gục dưới lưỡi dao sắc của định mệnh, cô đã tôi luyện chính mình để vượt lên và chiến thắng nó? Chỉ có sự giác ngộ chân thành mới có thể đưa một người vượt lên trên nỗi bi ai khắc khoải của trần gian mà biến mình thành thiết thực trong đời sống như cô đã làm.
Tôi được thăm viếng cô vào các năm 1991, 1993, 1995, 2003, 2006, 2009 và cuối cùng, lần gần nhất, ngày 16 tháng 3, 2011, tại Bệnh Viện Từ Dũ, chưa đầy một tuần trước khi cô qua đời. Với tháng năm, gương sắc cô cũng đã gầy hao, nhưng điều đáng nhớ nơi cô là nụ cười xinh đẹp luôn nở trên môi. Thần thái luôn tinh anh, sắc sảo. Phong cách luôn vững chải, tự tin. Nét buồn thiên thu luôn phảng phất, dĩ nhiên, không có mới là lạ. Một tuần trước khi qua đời, cô vẫn mạnh mẽ vui tươi. Cô dịu dàng hỏi thăm tôi, cảm ơn sự thăm viếng, hỏi thăm về kinh nghiệm phòng ốc và chuyên môn ở một số bệnh viện khác, cô vẫn tìm cách tìm ra con đường tốt nhất để chữa bệnh.
Buổi tối thứ bảy ngày 19 tháng 3 tôi gọi điện thoại báo cáo với cô Mai về buổi ca nhạc tưởng niệm 10 năm mất Trịnh Công Sơn với chủ đề “Bóng Núi” mà cô Mai đã từ chối đi với tôi vì phải lo lắng việc cô Lan. Tôi hỏi thăm tình hình sức khỏe cô Lan và được cô Mai cho biết cô Lan trở nặng hơn và yếu đi. Vì là cuối tuần nên thứ hai các bác sĩ mới hội chẩn để quyết định có tiến hành phẫu thuật lần hai hay không. Tôi nghe tim mình đập mạnh nghĩ đến một khả năng mơ hồ về sự ra đi của cô.
Thứ hai ngày 21 tháng 3, tôi gọi cô Mai hai lần nhưng không nghe trả lời. Tôi bắt đầu nghĩ rằng khả năng mơ hồ tôi linh cảm hôm thứ bảy có thể không là quá mơ hồ nữa.
Thứ ba ngày 22 tháng 3, tôi gọi trong ngày hai lần mà cũng không nghe trả lời. Tôi bắt đầu lo lắng thật sự.
8:30pm tối thứ ba, có tiếng phone của cô Mai gọi tới. Cô xác nhận điều sợ hãi trong trái tim tôi: cô Lan đã qua đời ngày hôm qua….
*********************************
Cô Lan gần như không phải chịu đựng sự vật vã hành hạ của thân xác.
Theo lời cô Mai kể lại, buổi sáng thứ hai ngày 21 tháng 3, cô vẫn còn cười nói với cô Mai. Đến trưa, cô hơi bị mệt, giọng nói yếu đi. Sau đó nhịp tim tăng dần, cô thở dốc, trán rịn mồ hôi, và sau một hồi trái tim cô đã ngừng đập. Trong một sự trớ trêu nào đó của số phận, sự ra đi của cô giống như một sự giải thoát giữa tiếc thương. Giải thoát khỏi phận người nghiệt ngã. Mặc dù trái tim đó chưa từng mệt mỏi sống. Ngày nào còn sống, cô vẫn còn dấn bước vững chải trên đường đời. Nhưng khi nó ngừng đập, ta có thể tưởng tượng trái tim cô được ngủ yên, được ngơi nghỉ, nhường chỗ cho cô đi vào nơi mà cô có thể gặp lại đứa con yêu dấu, nơi mà cô có thể tìm được câu giải đáp vĩnh viễn cho niềm đau vô bờ bến của trần gian này.
Viện Phật Học sẽ khó kiếm người thay thế, cô Như Mai nay không còn một hiền muội, SNAers mất đi một người thầy cũ, nhưng người mẹ đã tìm được về với con, và ôm con trong vòng tay bao la của mình. Vòng quay đã đầy trọn.
Lớp chúng tôi có 8 người đến với Chùa Huỳnh Kim, quận Gò Vấp, một buổi chiều mưa gió, ngồi kế bên linh cửu của cô. Có vài bạn không sắp xếp đi cùng đã đến vào giờ khác. Linh cửu cô gần như bị che khuất, ẩn sau những tràng hoa, phần lớn là hoa lan tươi thắm, nói lên được phần nào sự thương tiếc cô của bao người ở lại. Theo bàn bạc với các chị Thu Oanh và Đỗ Dư, chúng tôi mang đến tràng hoa đại diện cho SNA khắp nơi viếng cô.
Mỗi đứa ngồi đây đều từng là học trò trực tiếp của cô dù chỉ một niên học. Cô dạy chúng tôi tiếng Anh lớp 9, niên khóa 1975-76 (sau đó thì chúng tôi “thọ giáo” suốt 3 năm cấp 3 với em của cô là cô Như Mai). Nhất tự vi sư, bán tự vi sư. Cô đã chạm đến cuộc đời của chúng tôi bởi tài, bởi sắc, bởi cả sự bi thương và lòng can đảm. Nhưng rồi cuộc đời nào, dù tài, dù sắc, cuối cùng cũng phải trôi qua. Ngồi ôn lại một phần đời thơ bé của mình, bỗng nghiệm thêm rằng cuộc đời là như có như không….
Chúng tôi cũng chia xẻ niềm đau của cô Như Mai khi người chị thân yêu duy nhất ra đi. Bên cạnh cô Mai còn có bốn người em cùng cha khác mẹ. Những người này được sinh ra ở miền Bắc khi thân phụ hai cô, vốn là quan văn trong triều đình Bảo Đại, bị kẹt lại ở miền Bắc sau năm 1954. Cô Mai đã thấm mệt sau mấy ngày lo việc tang chế, chưa kể thời gian dài chăm sóc cô Lan trước đó. Cô mặc đồ đại tang, tham gia tụng niệm, cô không nói nhiều được vì phải dưỡng sức cho lễ động quan sáng ngày hôm sau, thứ năm 24 tháng 3, lúc 4 giờ sáng. Chư sinh sẽ đưa cô Lan ra Bình Hưng Hòa rồi từ đó mang hài cốt cô quay lại Huỳnh Kim. Rõ ràng cô Mai rất buồn nhưng cô không suy sụp, cô đã tôi luyện lòng bình an qua con đường thiền học. Rồi đây cô sẽ làm gì với căn nhà thênh thang cô Lan để lại cùng những kỷ niệm của nó? Giống như cô Phương Lan, cô Như Mai của chúng tôi cũng trở thành nhà nghiên cứu về thiền học và là dịch giả sách thiền.
Lúc chúng tôi từ giã hai cô ra về, một cơn mưa trái mùa như trút nước đổ xuống. Nghe như trong gió có lời than khóc.
Mưa tắm đất trời. Mưa gội niềm đau.
Cô Phương Lan yêu thương, cô đã sống một đời, đã hoàn thành sứ mạng làm người sau 70 năm trên đất. Tụi em tiếc thương nhưng sao lại nghe ấm lòng tiễn đưa cô về cõi bao la, mà ở đó chỉ có thể là hạnh phúc miên viễn không còn chia lìa và đớn đau. Tụi em mừng tiễn cô vào cõi vĩnh hằng.
Bích Thu
Saigon, 24 tháng 3, 2011