Kinh nghiệm viết văn: Tìm sở trường
Nguyễn Hưng Quốc
Mới cầm bút, nhiều người dễ có ảo tưởng là mình có thể múa may trong mọi thể loại. Làm thơ hay. Viết truyện ngắn hay. Viết truyện dài hay. Viết bút ký hay. Viết phê bình, lý luận cũng hay nữa. Trên thực tế, hiếm người đa năng được như vậy lắm. Có. Nhưng hiếm. Cực hiếm. Còn lại, tuyệt đại đa số chỉ phát huy sở trường trong một sân chơi nhất định. Có người làm thơ hay nhưng viết văn xuôi lại kém. Làm thơ hay, nhưng chưa chắc làm theo thể loại nào cũng hay. Nhiều người chỉ thích hợp với một thể thơ nhất định: Họ tung hoành thoải mái trong một thể thơ cách luật nào đó nhưng lại lúng túng khi thử bút trong thơ tự do hay thơ văn xuôi. Hay ngược lại.
Sân chơi văn xuôi lại càng rộng rãi, thường vượt quá sức của một người. Không hiếm người sáng tác hay, tuyệt hay, nhưng lại vụng về khi viết loại văn phi hư cấu. Trong loại văn xuôi sáng tạo, người này thì viết truyện ngắn hay, người nọ lại viết truyện dài giỏi. Người viết truyện dài giỏi không phải viết cái gì cũng xuất sắc. Mỗi người dường như được an bài ở một loại đề tài và một phong cách nhất định. Đi lạc đề tài và phong cách, người ta dễ đâm ra lớ ngớ.
Trong các thể văn phi hư cấu cũng vậy. Có người viết lý thuyết hay nhưng phê bình lại yếu. Có người viết phê bình một tác phẩm thì tài hoa nhưng viết phê bình về một tác giả hay một trào lưu, một thời đại văn học thì lại hay hớ hênh, không hụt chỗ này thì lại hẫng chỗ khác.
Mà thật ra, không phải chỉ trong văn chương. Hình như ở đâu cũng vậy. Như trong thể thao, chẳng hạn. Mức chuyên nghiệp hóa càng cao, mảnh đất để người ta có thể trổ tài càng hẹp. Cũng chạy nhanh, nhưng hầu như mọi người chỉ chạy nhanh nhất trong một cuộc chơi nhất định nào đó. Người thì chạy xa, người thì chạy gần. Chạy cự ly gần, có người chỉ vô địch ở hạng 100 mét nhưng lại thất bại ở hạng 200 mét hay 400 mét. Hay ngược lại. Trong các lãnh vực khác cũng vậy. Cũng chơi với quả bóng, nhưng mỗi người dường như chỉ hợp với một loại bóng: với người này, bóng rổ; với người kia, bóng chuyền; với người nọ, bóng đá. Trong bóng đá, ngay cả các cầu thủ thượng thặng cũng chỉ phát huy hết tài năng của mình ở một vị trí nhất định nào đó. Ra khỏi vị trí ấy, họ bị mờ nhạt ngay tức khắc.
Trong thể thao, các huấn luyện viên đóng vai trò quyết định trong việc phát hiện sở trường của từng người và sắp xếp họ vào vị trí tối ưu trong đội hình, nếu đó là trò chơi tập thể. Trong sân chơi văn học, không có những huấn luyện viên như thế. Việc phát hiện ấy là nhiệm vụ của chính người cầm bút. Chứ không có ai giúp được ai cả.
Nhưng phát hiện ra sở trường của mình không phải là điều dễ.
Có nhiều cái khó. Thứ nhất, những cái gọi là mặt mạnh hay mặt yếu khi cầm bút chỉ hiện hình rõ nét qua tác phẩm, nghĩa là sau khi các thử nghiệm đã hoàn tất. Thứ hai, trong việc đánh giá tác phẩm của mình, người ta rất dễ chủ quan, và thường không tránh khỏi ảo tưởng. Chuyện đó, ngày xưa, cha ông chúng ta đã biết rõ: “Thế gian có thói đa tình / Vợ người thì đẹp, văn mình thì hay”.
Nhưng khó nhất là, nỗ lực phát hiện sở trường trong văn chương, ở một phương diện nào đó, cũng là nỗ lực phát hiện chính con người của mình. Trong cái gọi là con người ấy, có những yếu tố chính như sở thích, tính cách và nhất là, năng lực.
Trong văn học, người ta hay khen người này, người nọ thông minh. Nhưng cái gọi là thông minh ấy cũng có năm bảy loại. Có người giỏi về nhớ, có người giỏi về lý luận. Nhớ, có người chỉ nhớ giỏi các sự kiện; có người lại nhớ giỏi các ý niệm. Nhớ các ý niệm, có người có khuynh hướng nhớ các chi tiết, các ý lẻ; có người có khuynh hướng nhớ cả hệ thống với các mạch lý luận đan xen chằng chịt với nhau. Trong cái gọi là khả năng lý luận cũng vậy. Có người thiên về phân tích, có người thiên về tổng hợp, lại có người thiên về khái quát hóa.
Mỗi năng lực phù hợp với một kiểu viết nhất định. Nhớ giỏi nhưng thiếu khả năng tổng hợp, người ta chỉ viết được các giai thoại hay từng ý nghĩ rời. Nhớ giỏi và tổng hợp giỏi, người ta dễ phát huy các mặt mạnh khi đi vào lãnh vực nghiên cứu. Nhớ giỏi và và khái quát hoá giỏi, người ta dễ thành công khi đi vào các lãnh vực ít nhiều mang hơi hướm lý thuyết.
Trong văn học Việt Nam cũng như thế giới, không hiếm người có trí nhớ trở thành giai thoại. Họ đọc và nhớ đủ thứ chuyện. Họ kể chuyện hay vô cùng. Có cảm tưởng cái gì họ cũng biết. Nhưng họ chỉ giỏi xuất bản miệng. Khi viết, họ chỉ biết đánh du kích. Có cả hàng chục ngàn quân mà cũng vẫn chỉ chơi trò bắn tỉa. Chứ không bao giờ bày ra được một thế trận địa chiến cho đàng hoàng, đừng nói gì là lẫm liệt. Đọc họ, không thể không thấy tiếc: hoặc họ thiếu một cái gì đó hoặc họ chưa tìm ra một cái gì đó vốn có ở họ.
Nhưng trong văn chương, nhớ và lý luận chưa đủ. Cần có một thứ năng lực khác nữa: có trực giác mạnh, nghĩa là, thực sự nhạy bén.
Nhạy bén có nhiều mức độ. Và cũng có nhiều loại. Có người nhạy bén về tâm lý. Có người nhạy bén về các vấn đề chính trị xã hội. Nhưng cần nhất, trong lãnh vực văn học nghệ thuật, là sự nhạy bén về thẩm mỹ: Biết phân biệt được cái đẹp và cái đèm đẹp; cái đẹp vừa mới chớm và cái đẹp đã bắt đầu già cỗi; cái đẹp của hoa và cái đẹp còn trong nụ.
Phát hiện những vẻ đẹp còn trong nụ bao giờ cũng ít nhiều có tính phiêu lưu. Ở đây người ta cần không phải chỉ sự nhạy bén mà còn cả sự dũng cảm nữa. Để dám thách thức lại tập quán và đám đông. Xin lưu ý: Cả tập quán lẫn đám đông đều là những thứ quyền lực: Chúng thường được/bị chính trị hóa, do đó, chúng trở thành những thứ quyền lực chính trị, nghĩa là có khả năng vùi dập con người.
Việc tìm kiếm sở trường trong viết lách, do đó, ngoài việc tự phân tích và tự đánh giá năng lực của chính mình, còn có nghĩa là việc xác định bản lĩnh khi cầm bút: Rất nhiều người đầu hàng trước khi khởi sự tìm kiếm hay thử nghiệm.
Bài này, tôi chỉ viết chay mà không nêu một ví dụ nào cả. Lý do: Dễ quá. Bạn đọc có thể tìm thấy dễ dàng.
http://www1.voanews.com/...2-18-2010-84693867.html